Trung tâm Quốc gia về hành chính công và chính quyền địa phương của Hy Lạp 

ThS. Đỗ Hoàng Mai
Học viện Hành chính và Quản trị công

(Quanlynhanuoc.vn) – Trung tâm Quốc gia về hành chính công và chính quyền địa phương (EKDDA) là tổ chức chiến lược cấp quốc gia về phát triển nguồn nhân lực cho nền hành chính công và chính quyền địa phương của Hy Lạp. Sứ mệnh của EKDDA là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nền hành chính công Hy Lạp thông qua giáo dục suốt đời và thực hiện các khóa đào tạo được kiểm định và chứng nhận vì một nhà nước đáng tin cậy và hiệu quả, phục vụ lợi ích của công dân. Bài viết giới thiệu cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động của EKDDA nói chung và các đơn vị trực thuộc nói riêng nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực công của Hy Lạp.

Từ khóa: Nền hành chính công Hy Lạp; nghiên cứu hoạt động của EKDDA; đào tạo, bồi dưỡng.

1. Vài nét về EKDDA

 Được thành lập vào năm 1983, EKDDA có tư cách pháp nhân theo luật định, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giám sát với tầm nhìn là đóng góp vào sự phát triển của một nền hành chính hiệu quả, bảo đảmviệc cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho công dân và thúc đẩy đoàn kết xã hội. EKDDA cũng hướng đến việc hiện đại hóa khu vực công Hy Lạp và các cơ quan thông qua nghiên cứu, tư liệu và đổi mới. Do đó, EKDDA xác định rõ nguồn nhân lực (công chức) phải được coi là đại sứ của các giá trị cốt lõi của dịch vụ công.

Để thực hiện sứ mệnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nền hành chính công Hy Lạp, EKDDA xây dựng và đào tạo các kỹ năng điều hành và phát triển cho nhân viên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hành chính công bằng cách bồi dưỡng và hỗ trợ những thay đổi và cải cách trong khu vực công thông qua việc phát triển các kỹ năng chuyên môn cho công chức, chuẩn bị nghiên cứu, thực hiện các hoạt động hỗ trợ chính sách công của quốc gia và châu Âu và hài hòa chính sách trước với chính sách sau. Tôn chỉ học tập suốt đời của EKDDA được quản lý theo các nguyên tắc của giáo dục nhằm mục đích phát triển nhân cách của công chức để họ không ngừng cải thiện khả năng phục vụ của mình. Bằng cách tận dụng các nguồn lực sẵn có, EKDDA đang thực hiện số hóa các dịch vụ để đáp ứng tốt hơn cho công việc. 

Hiện nay, Trung tâm có một hệ thống ứng dụng điện tử để khảo sát, phân tích nhu cầu giáo dục, đánh giá và thẩm định các hoạt động giáo dục, đồng thời xây dựng và thực hiện các hoạt động chuyên biệt, có mục tiêu cho các tổ chức công, sử dụng các nghiên cứu để phân tích nhu cầu và lập kế hoạch giáo dục cũng như ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

Trung tâm nâng cao chất lượng nền hành chính công và chính quyền địa phương của Hy Lạp thông qua việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho nền hành chính công của nước nhà tại Trung tâm; hỗ trợ cải cách và đổi mới hành chính bằng cách tổ chức các hội thảo tham vấn, thực hiện nghiên cứu trong khu vực công và cung cấp dịch vụ tư vấn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên của các cơ quan công bằng cách sử dụng bí quyết và những thực tiễn tốt của các thể chế tương ứng đồng thời chuyển giao bí quyết của riêng mình trong khuôn khổ hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, EKDDA cũng chú trọng phát triển một mạng lưới hợp tác rộng rãi với các cơ quan và tổ chức khác và tích cực tham gia vào các diễn đàn và cuộc họp quốc tế. EKDDA tham gia tích cực vào các chương trình của Liên hiệp quốc và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các chương trình trao đổi công chức châu Âu. EKDDA là thành viên của Hiệp hội các trường và viện Hành chính Quốc tế (IASIA), Nhóm Hành chính công châu Âu (EGPA) và tham gia vào Mạng lưới Giám đốc các viện và trường Hành chính công (DISPA).

2. Cơ cấu tổ chức và các chương trình đào tạo bồi dưỡng và nghiên cứu của EKDDA

2.1. Ban lãnh đạo EKDDA

Cơ quan quản lý của EKDDA bao gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc và Hội đồng Quản lý gồm Giám đốc EKDDA, Phó Giám đốc EKDDA, Trưởng các đơn vị Khoa học và Giáo dục của EKDDA, Trưởng ban Quản lý nguồn nhân lực của khu vực công thuộc Bộ Nội vụ, 5 chuyên gia và đại diện của Hiệp hội các khu vực Hy Lạp (viết tắt là ENPE trong tiếng Hy Lạp), Hiệp hội các chủ tịch thành phố trực thuộc trung ương của Hy Lạp (KEDE trong tiếng Hy Lạp), Liên đoàn công chức Hy Lạp (ADEDY trong tiếng Hy Lạp), Hiệp hội viên chức các tổ chức chính quyền địa phương Hy Lạp (POE-OTA trong tiếng Hy Lạp) và Hiệp hội sinh viên tốt nghiệp Trường Quốc gia về hành chính công và chính quyền địa phương (ESDDA trong  tiếng Hy Lạp).

Hội đồng Khoa học – Giáo dục của EKDDA đóng vai trò chủ chốt trong việc tư vấn và cố vấn về chương trình đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục cũng như triển khai các chương trình này theo các tiêu chí khoa học ở cấp độ cao. EKDDA có các viện, trường và trung tâm trực thuộc với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

2.2. Viện Đào tạo (INEP)

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức hành chính công và chính quyền địa phương của EKDDA do INEP và phân hiệu của Viện tại Thessaloniki (có tên gọi là Viện Đào tạo Khu vực -PINEPTH) lên kế hoạch và triển khai. Đây là các chương trình đã được kiểm định và chứng nhận, được xây dựng trên cơ sở hợp tác với đội ngũ đào tạo viên nội bộ tại các bộ và đội ngũ nhà khoa học chuyên ngành tại các cơ quan luật pháp do luật định nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, viên chức đang làm việc trong khu vực công của Hy lạp.

Để xây dựng các kế hoạch và hoạt động đào tạo, INEP trước hết sẽ tìm hiểu nhu cầu đào tạo của các đơn vị, tổ chức của từng dịch vụ hoặc cơ quan, phản ánh các đặc điểm của nhóm mục tiêu trong đó các nhu cầu được liên kết với các mục tiêu chiến lược và đề xuất các tiêu đề cụ thể của các chương trình tương ứng với các nhu cầu giáo dục đã được xác minh. Đơn vị có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lập kế hoạch và triển khai đào tạo là các sở Giáo dục tự chủ (ATE).

INEP góp phần hỗ trợ nhân sự hành chính công đáp ứng nhu cầu của một nền hành chính cởi mở, có sự tham gia và hiệu quả. INEP cũng thiết kế và hiện thực hóa các chương trình đào tạo được công nhận nhằm mục đích triển khai các chính sách công cụ thể, cải thiện hiệu quả của nền hành chính công cũng như chất lượng dịch vụ cho công dân.

Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đều miễn phí cho học viên hoặc khu vực dịch vụ của họ, phù hợp với các mục tiêu hoạt động và những thay đổi về mặt tổ chức của từng khu vực dịch vụ hoặc tổ chức và được thiết kế sau khi đã phân tích các yêu cầu và xác định nhu cầu đào tạo. Chương trình giảng dạy của INEP liên tục được bổ sung các tiêu đề mới trong các lĩnh vực chuyên đã được thiết kế. Có hơn 1.800 chương trình được cung cấp hàng năm trên khắp cả nước; trung bình có 35.000 nhân viên ngànhQuản lý công và Chính quyền địa phương tham gia. Tính cả dữ liệu mới trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Viện Bồi dưỡng EKDDA đã điều chỉnh và triển khai một số lượng lớn các chương trình đào tạo theo quy trình đào tạo từ xa đồng bộ hoặc không đồng bộ.

INEP xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo bao gồm nhiều chủ đề và môn học. Các chương trình này được kiểm định và chứng nhận và bao gồm trong các lĩnh vực: (1) Hành chính và Quản trị công; (2) Kinh tế và Chính sách tài khóa; (3) Nhân quyền và Chính sách xã hội; (4) Phát triển bền vững; (5) Khoa học Thông tin & Dịch vụ số; (6) Phát triển Văn hóa và Du lịch. Các thông tin chi tiết về từng chương trình có thể được tra cứu và tìm trên:
https://www.ekdd.gr/images/seminaria/katalogos_programmaton_epimorfosis.pdf

2.3. Trường Quốc gia về hành chính công và chính quyền địa phương (ESDDA)

ESDDA là đơn vị giáo dục trực thuộc EKDDA có sứ mệnh đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về hành chính công có trình độ chuyên môn toàn diện và có tư duy hành chính hiện đại về hành chính trung ương, hành chính cấp vùng và chính quyền địa phương. Nói cách khác, đây là nơi tuyển chọn và đào tạo các nhà điều hành khu vực công. Theo đó, ESDDA đào tạo các viên chức hành chính cấp cao với chương trình đào tạo hiệu quả, hiện đại để cung cấp cho khu vực công và chính quyền địa phương. Học viên hiện tại của ESDDA đến từ các trường đại học, như: Luật, Nhân văn, Tài chính, Chính trị, Khoa học và Bách khoa, trong đó một tỷ lệ rất cao học viên của ESDDA phải có ít nhất một bằng sau đại học và nhiều học viên có bằng tiến sĩ, học viên là công chức có bằng đại học cũng sẽ bị hạn chế. Thời gian đào tạo kéo dài 18 tháng và chương trình giảng dạy bao gồm nhiều học phần, trong ba giai đoạn liên tiếp như sau:

(1) Giai đoạn chung/ đại cương: kéo dài 4 tháng.

(2) Giai đoạn đặc biệt/ chuyên ngành: kéo dài 13 tháng.

(3) Giai đoạn chuẩn bị đưa học viên vào các khu vực dịch vụ mà họ dự kiến ​​sẽ phục vụ/ giai đoạn thực tập: kéo dài 1 tháng. 

Chương trình giảng dạy của ESDDA được cấu trúc theo năm lĩnh vực: Luật, Kinh tế, Hành chính công, Quản trị số và Ngoại ngữ. Ngoài các khóa học, trong khuôn khổ chương trình giảng dạy, ESDDA còn tổ chức các hoạt động giáo dục, chuyến đi thực địa, thuyết giảng, hội thảo chuyên đề… liên quan đến các chủ đề đặc biệt của chương trình hoặc các phương pháp tiếp cận liên ngành và sáng tạo đối với các vấn đề hành chính công.

Để gia nhập ESDDA, các ứng viên phải tốt nghiệp đại học và vượt qua kỳ thi tuyển sinh đầu vàodo một Ủy ban Khảo thí cấp Trung ương độc lập tổ chức hàng năm. Kỳ thi này được tiến hành theo hai giai đoạn: 

– Giai đoạn đầu tiên bao gồm bài kiểm tra viết bắt buộc đối với các ứng viên về các nội dung sau: tổ chức và hoạt động của Nhà nước (viết bài luận); kinh tế vi mô – kinh tế vĩ mô và tài chính công (viết bài luận); kiến thức và kỹ năng (các câu hỏi trắc nghiệm về các chủ đề chung và mang tính thời sự).

– Giai đoạn thứ hai bao gồm bài kiểm tra viết và vấn đáp với từng ứng viên về các quy định pháp luật, phân tích khoa học, bài báo, dữ liệu thống kê… đối với một vấn đề thời sự. Mỗi ứng viên sẽ có một bộ hồ sơ chứa các thông tin liên quan đến bài kiểm tra. Bài kiểm tra viết bao gồm một bài luận về một chủ đề hoặc các câu hỏi liên quan đến nội dung của hồ sơ của mỗi ứng viên; bài kiểm tra vấn đáp/phần trình bày được ứng viên thực hiện trước các ủy ban gồm năm thành viên do Ủy ban Khảo thí Trung ương chỉ định.

2.4. Viện Tư liệu, nghiên cứu và đổi mới (ITEK)

ΙΤΕΚ là đơn vị nghiên cứu của EKDDA, được thành lập vào cuối năm 2018 với mục đích đóng góp vào việc thiết kế, thúc đẩy và phổ biến chuyên môn hành chính và các hoạt động đổi mới trong khu vực công của Hy Lạp. ITEK thực hiện và sử dụng các nghiên cứu và theo dõi các xu hướng quốc tế và thực tiễn tốt nhất trong trong hành chính công.

Để đạt được các mục tiêu của mình, ITEK phát triển các kỹ thuật, công cụ và sáng kiến ​​chuyên biệt nhằm tăng cường tính minh bạch, quản trị hợp tác, độ tin cậy, hiệu quả và hiệu lực trong nền hành chính công của Hy Lạp và tận dụng một cách hiệu quả nhất nguồn nhân lực của mình dựa trên các nguyên tắc của quản trị tốt; tiến hành các cuộc khảo sát/nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề và các cuộc họp; xuất bản các ấn phẩm giới thiệu các cách tiếp cận đổi mới và có thể được sử dụng trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện các chính sách công của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; thu thập, phổ biến, xử lý dữ liệu và thông tin do Cơ quan hành chính công Hy Lạp cung cấp để mọi người tiếp cận dễ hơn, hữu ích hơn và hiệu quả hơn theo chính sách của Chính phủ mở.

Bên cạnh đó, ITEK là cơ quan có đủ năng lực thực hiện các nghiên cứu và tiến hành xuất bản sau khi được giao dự án được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu chính của ITEK là điều tra, bằng cách sử dụng các tiêu chí và phương pháp khoa học, các vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức và kết quả của nền hành chính công, để lập kế hoạch tốt hơn và thực hiện hiệu quả hơn các chính sách công và can thiệp mang tính cơ cấu.

Kế hoạch nghiên cứu của ITEK được thực hiện với sự tham gia và hợp tác của đội ngũ khoa học của các đơn vị thuộc EKDDA và thông qua sự hợp tác với mạng lưới các cơ quan nghiên cứu tại Hy Lạp hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan. Trọng tâm của các hoạt động của ITEK là thu thập, quản lý và xử lý một cách có hệ thống những dữ liệu, thông tin và siêu dữ liệu do nền hành chính tạo ra đối với các vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, thay đổi trong tổ chức và hoạt động cũng như phân tích số liệu thống kê liên quan đến việc cung cấp dịch vụ đào tạo nghề.

Kế hoạch của ITEK cung cấp quyền truy cập miễn phí vào dữ liệu chính mà ITEK thu thập, xử lý và phân tích. ITEK cũng chuẩn bị các báo cáo hàng năm, phát hành các nghiên cứu và biên bản hội nghịnhằm góp phần vào việc xây dựng lại các cấu trúc và quy trình cũng như nâng cấp hoạt động của nền hành chính công.

3. Các hoạt động và dự án chính của EKDDA 

Bên cạnh các hoạt động thường niên của các viện, trường, trung tâm và đơn vị trực thuộc, EKDDA đang triển khai một số hoạt động/ dự án trọng điểm sau:

(1) Hợp tác với Bộ Nội vụ, Tổng cục Cải cách của Liên minh châu Âu (DG Reform), Viện Dịch vụ công Quốc gia Pháp (Institut National du Service Public – INSP, trước đây là École Nationale d’ Administration- ENA) để thiết kế lại kỳ thi tuyển sinh và chương trình đào tạo của ESDDA;

(2) Chuyển giao bí quyết và các thông lệ tốt nhất cho các đối tác khu vực Ban-căng và Âu Á;

(3) Về các chương trình đào tạo liên quan đến Hệ thống Kiểm toán nội bộ trong Khu vực công và cố vấn liêm chính: tính đến nay đã có tổng cộng 387 kiểm toán viên nội bộ và 166 cố vấn liêm chính đã được cấp giấy chứng nhận;

(4) Thực hiện các chương trình đào tạo về tăng cường quyền con người trong hành chính công (LGBDQ+) theo các chiến lược quốc gia;

(5) Nâng cao kỹ năng số của công chức với sự hợp tác của Microsoft.

4. Kết luận

Với vai trò là tổ chức chiến lược cấp quốc gia về phát triển nguồn nhân lực cho các cơ quan hành chính và chính quyền địa phương của Hy Lạp, thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu, EKDDA đã và đang có những đóng góp to lớn trong việc cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thêm vào đó, với việc hợp tác với các bộ, chính quyền khu vực và địa phương, các cơ quan công, các cơ quan hành chính độc lập và các đối tác xã hội trong nước cũng như các tổ chức uy tín quốc tế, như: INSP, EGPA, IASIA, OECD, Trường Harvard Kennedy, Đại học London… EKDDA ngày càng nâng cao được vị thế của mình cả ở trong và ngoài nước về hành chính và quản trị công.

Tài liệu tham khảo:
1. EKDDA.  https://www.ekdd.gr/en/, truy cập ngày 18/03/2025.
2. https://www.ekdd.gr/images/seminaria/katalogos_programmaton_epimorfosis.pdf.