ThS. Trần Trung Tuyến
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong suốt tiến trình cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôn giáo nói chung và đồng bào theo đạo nói riêng có những đóng góp to lớn trên các phương diện. Ngày nay, vai trò của tôn giáo ngày càng được khẳng định là một nguồn lực xã hội quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Bài viết nghiên cứu về nguồn lực tôn giáo trong cấu trúc phát triển xã hội đương đại từ góc nhìn lý luận triết học và xã hội học, trên cơ sở đó, nêu lên một số vấn đề đặt ra và gợi mở một số định hướng phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển xã hội hiện nay.
Từ khoá: Định hướng; nguồn lực tôn giáo; phát triển xã hội; cấu trúc xã hội.
1. Đặt vấn đề
Trong xã hội đương đại, tôn giáo không chỉ tồn tại như một hiện tượng tín ngưỡng đơn thuần mà ngày càng được nhìn nhận như một nguồn lực xã hội quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Việt Nam – một quốc gia có nền văn hóa tâm linh đa dạng, cùng với nền tảng tư tưởng dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nhận thức và phát huy nguồn lực tôn giáo trở thành một yêu cầu lý luận và thực tiễn cấp thiết.
Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, Đảng nêu rõ: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan”1 và “… Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”2. Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nguồn lực tôn giáo cần được nhận diện rõ ràng và phát huy hiệu quả để trở thành động lực nội sinh quan trọng trong quá trình phát triển xã hội.
2. Nguồn lực tôn giáo trong phát triển xã hội
Thứ nhất, nguồn lực con người trong tôn giáo: từ lý luận đến thực tiễn xã hội.
Nguồn lực con người trong tôn giáo bao gồm: đội ngũ các chức sắc, tu sĩ, tín đồ, những cá nhân làm công tác tôn giáo chuyên trách và các lực lượng tình nguyện viên tích cực tham gia vào hoạt động xã hội. Đây là một lực lượng có tính tổ chức cao, có niềm tin đạo đức sâu sắc, thường xuyên góp mặt trong các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, bảo vệ môi trường và chăm sóc cộng đồng.
Dưới góc độ triết học, chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định, con người chính là chủ thể của lịch sử, có vai trò quyết định mọi sự cải biến xã hội. Trong bối cảnh đó, các tín đồ tôn giáo khi có niềm tin hướng thiện, tinh thần vị tha và lòng bác ái sẽ đóng vai trò tích cực và sáng tạo hơn trong sự phát triển chung của cộng đồng. Triết học phát triển hiện đại cũng khẳng định rõ mục đích tối hậu của phát triển chính là vì con người, do vậy, phát huy tối đa năng lực con người, trong đó có lực lượng tôn giáo là điều kiện thiết yếu để xây dựng một xã hội tiến bộ, nhân văn.
Thực tiễn ở Việt Nam đã minh chứng rõ nét vai trò nguồn lực con người tôn giáo trong phát triển xã hội. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”3. Với hơn 27 triệu tín đồ (gần 28% dân số cả nước), trên 58 nghìn chức sắc, khoảng 148 nghìn chức việc, trong các tổ chức tôn giáo4, đây là lực lượng có sự tín nhiệm cao, khả năng tổ chức mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu sắc trong cộng đồng. Điều này đã được minh chứng trong đại dịch Covid-19, khi hàng ngàn tăng ni, linh mục, mục sư, tín đồ trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện, như: cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, cung cấp suất ăn miễn phí, chăm sóc người yếu thế.
Thứ hai, nguồn lực vật chất của tôn giáo: từ lý luận về thiết chế xã hội đến thực tiễn cung ứng phúc lợi cộng đồng
Nguồn lực vật chất của tôn giáo bao gồm hệ thống cơ sở thờ tự, tài sản tôn giáo, đất đai, các thiết chế xã hội, như: trường học, bệnh viện, trung tâm từ thiện và cơ sở dạy nghề. Đây là những yếu tố hiện hữu, có thể đo lường được và giữ vai trò thiết yếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển xã hội một cách cụ thể và hiệu quả.
Các nghiên cứu xã hội học chỉ ra rằng, thiết chế vật chất của tôn giáo có những ưu điểm, như: tính ổn định cao, khả năng tự duy trì và thích nghi tốt với các biến động xã hội. Các cơ sở do tổ chức tôn giáo quản lý có độ tin cậy lớn trong cộng đồng, chi phí vận hành thường thấp hơn so với các thiết chế hành chính nhà nước. Điều này lý giải vì sao tại nhiều quốc gia phát triển, các tổ chức tôn giáo thường xuyên được chính phủ lựa chọn làm đối tác trong các chương trình cung ứng dịch vụ công, đặc biệt là ở các lĩnh vực liên quan đến an sinh và phúc lợi.
Từ góc độ lý luận phát triển và quản trị xã hội, những thiết chế do tổ chức tôn giáo xây dựng và vận hành này được nhìn nhận như các “đơn vị trung gian xã hội”, bổ sung quan trọng cho vai trò Nhà nước trong việc bảo đảm và cung ứng phúc lợi cộng đồng. Tại nhiều quốc gia phát triển, như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…, các tổ chức tôn giáo được các quốc gia này xem như đối tác chiến lược trong các chương trình xã hội hóa giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
Thực tiễn ở Việt Nam đã và đang minh chứng cho việc phát triển nguồn lực tôn giáo. Hiện nay, nước ta có khoảng 45 tổ chức tôn giáo với gần 29 nghìn cơ sở thờ tự được công nhận hợp pháp5, hàng trăm cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm bảo trợ xã hội do các tổ chức tôn giáo quản lý và vận hành. Đặc biệt, các hoạt động từ thiện, cứu trợ và nhân đạo của các tổ chức tôn giáo diễn ra thường xuyên, hiệu quả và được cộng đồng đánh giá cao. Việc tận dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực vật chất này không chỉ giảm áp lực cho hệ thống phúc lợi nhà nước mà còn tạo ra những giá trị cộng đồng bền vững, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và giàu bản sắc dân tộc.
Thứ ba, nguồn lực tinh thần: từ lý luận giá trị siêu hình đến động lực nội sinh phát triển xã hội.
Nguồn lực tinh thần là dạng nguồn lực sâu sắc và đặc trưng nhất trong cấu trúc các nguồn lực của tôn giáo, bao gồm hệ thống giáo lý, triết lý nhân sinh, niềm tin thiêng liêng, nghi lễ và biểu tượng tôn giáo. Đây là nền tảng để hình thành những giá trị sống và chuẩn mực đạo đức, giúp con người và cộng đồng định hướng hành vi, tìm kiếm ý nghĩa sống, vượt qua khó khăn và củng cố tinh thần đoàn kết trong các thời kỳ biến động.
Các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội truyền thống, như: Phật Đản, Vu Lan, Giáng Sinh, Đại lễ Đức Chí Tôn… không chỉ là dịp thực hành tâm linh mà còn trở thành sự kiện văn hóa cộng đồng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố tinh thần đoàn kết, hòa hợp giữa các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau. Ngoài ra, các hình thức sinh hoạt giáo dục phi chính thức, như: khóa tu, buổi giảng pháp, các lớp học giáo lý, câu lạc bộ sống đạo, các hội trại thanh niên… cũng là minh chứng cụ thể cho vai trò của nguồn lực tinh thần. Những hoạt động này đã định hướng lối sống tích cực, nâng cao kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho giới trẻ và góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn các vấn đề tiêu cực, như: bạo lực học đường, khủng hoảng tâm lý, trầm cảm trong cộng đồng thanh thiếu niên hiện nay.
3. Một số vấn đề đặt ra trong phát huy nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Một là, một trong những trở ngại lớn nhất là sự “lệch pha” trong tư duy tiếp cận.
Từ lâu, tôn giáo thường được xem là một lĩnh vực nhạy cảm, dễ gây mất ổn định nên các chính sách chủ yếu tập trung vào khía cạnh quản lý – kiểm soát. Điều này dẫn đến tình trạng vừa “quản lý chặt”, vừa “không khuyến khích phát huy”, khiến các tổ chức tôn giáo khó phát triển đúng tiềm năng của mình.
Trong nhiều hội thảo chuyên đề về tôn giáo và phát triển, không ít đại biểu từ các tổ chức tôn giáo chia sẻ, họ sẵn sàng tham gia vào các lĩnh vực, như: bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức học đường, hỗ trợ người yếu thế, phòng, chống tệ nạn… nhưng còn gặp rào cản về thủ tục hành chính, e ngại từ chính quyền cơ sở hoặc thiếu cơ chế phối hợp cụ thể.
Hai là, về mặt khoa học, Việt Nam hiện chưa có một hệ thống lý luận thống nhất về khái niệm “nguồn lực tôn giáo” chưa có bộ chỉ số, tiêu chí để đo lường mức độ đóng góp xã hội của các tổ chức tôn giáo. Việc sử dụng các thuật ngữ, như: “lực lượng tôn giáo tham gia phát triển”, “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, “giá trị đạo đức tôn giáo”… mới dừng lại ở tính tuyên ngôn, chưa được lượng hóa, phân tích cụ thể bằng các chỉ báo xã hội học hoặc kinh tế học phát triển. Điều này làm cho công tác hoạch định chính sách thiếu căn cứ khoa học, dễ rơi vào chủ quan hoặc cảm tính. Bên cạnh đó, các nghiên cứu triết học, xã hội học về tôn giáo ở Việt Nam còn phân tán, thiếu sự tích hợp và ứng dụng vào chính sách thực tiễn. Việc đào tạo cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ba là, một thực tế không thể xem nhẹ là chính các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang triệt để lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam. Chúng đã thông qua các tổ chức,như: Việt Tân, RFA, VOA và các trang mạng xã hội sử dụng chiêu bài “tự do tôn giáo”, “đàn áp tín ngưỡng”, “công an hóa sinh hoạt tôn giáo” để tạo cớ xuyên tạc tình hình, kích động chống đối, gây mất đoàn kết giữa chính quyền với đồng bào có đạo. Gần đây, với sự phát triển của công nghệ số, các thế lực này còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội, video clip cắt ghép để làm giả các vụ việc,như: “xúc phạm tôn giáo”, “ngăn cấm lễ hội”, “ép buộc từ bỏ đức tin”… rồi lan truyền rộng rãi nhằm tạo hiệu ứng tâm lý tiêu cực trong cộng đồng, nhất là khi có các sự kiện chính trị quan trọng (bầu cử, các kỳ Đại hội Đảng, hội nghị quốc tế…), mức độ chống phá này càng gia tăng nhằm làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động xung đột giữa các cộng đồng tín đồ với chính quyền cơ sở.
Bốn là, ở một số nơi, hoạt động của các tổ chức tôn giáo vẫn chủ yếu giới hạn trong phạm vi sinh hoạt tôn giáo nội bộ, nghi lễ, thờ phụng và giảng dạy giáo lý, trong khi chưa thực sự mở rộng vai trò gắn bó với cộng đồng xã hội rộng lớn hơn. Tư tưởng “tôn giáo là việc của riêng giáo hội” vẫn còn tồn tại khá phổ biến, khiến cho các chương trình mang tính xã hội, như: bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức học đường, chăm sóc người yếu thế, phòng, chống bạo lực gia đình hoặc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai… chưa nhận được sự tham gia sâu rộng, đồng bộ từ các thiết chế tôn giáo.
Bên cạnh đó, cơ chế tương tác hai chiều giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo còn nhiều bất cập. Việc tiếp nhận ý kiến đóng góp từ phía tôn giáo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách vẫn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu và chưa có cơ chế phản hồi minh bạch. Trong nhiều hội nghị, hội thảo hoặc hoạt động lấy ý kiến cộng đồng, sự hiện diện của đại diện tôn giáo thường mang tính biểu trưng, không có không gian thực sự để trình bày quan điểm, phản biện hoặc đề xuất giải pháp. Điều này vừa làm suy giảm tính đại diện thực chất của các tổ chức tôn giáo trong đời sống xã hội, vừa khiến cho chính sách khi ban hành thiếu đi sự hài hòa với nhu cầu, nguyện vọng và thực tiễn sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng.
4. Gợi mở một số định hướng phát huy nguồn lực tôn giáo ở nước ta hiện nay
Việc phát huy tôn giáo như một nguồn lực trong quá trình phát triển đất nước, không thể chỉ dừng ở các biện pháp hành chính – pháp lý thông thường mà cần được đặt trong một khung lý luận triết học – xã hội học đầy đủ, sâu sắc và biện chứng. Từ góc nhìn triết học, có ba cấp độ cần được nhận diện rõ: nhận thức, thiết chế và tương tác.
Một là, cần khắc phục lối tiếp cận công cụ hóa đối với tôn giáo. Trong một số mô hình lý luận và thực tiễn trước đây, tôn giáo thường được xem như một “đối tượng cần kiểm soát” hoặc một “công cụ tuyên truyền” trong những giai đoạn cụ thể của lịch sử. Cách nhìn này là biểu hiện của một tư duy thuần túy hành chính, thiếu chiều sâu triết học. Điều cần làm là vận dụng quan điểm biện chứng: tôn giáo không bất biến và nếu hoàn cảnh xã hội biến đổi, vai trò của tôn giáo cũng cần được tái định vị – từ khách thể bị quản lý thành chủ thể đồng hành cùng phát triển.
Hai là, cần xác lập một khung lý luận triết học – chính trị hiện đại về quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và tôn giáo. Từ góc độ đó, Nhà nước không chỉ “cho phép” tôn giáo tồn tại, mà phải “học cách đối thoại” với tôn giáo như một hệ giá trị tồn tại song song với luật pháp, chính trị và văn hóa. Đối thoại ở đây không có nghĩa là nhượng bộ, mà là cùng nhau tham gia vào việc kiến tạo đạo đức xã hội, nâng cao phẩm chất xã hội, bảo vệ bản sắc dân tộc và thúc đẩy phát triển bền vững.
Một trong những điểm lý luận quan trọng là cần phát triển một cách nhìn xã hội học – triết học về “vốn tôn giáo”. Tôn giáo không chỉ tạo ra các hoạt động tín ngưỡng mà còn tích lũy được vốn đạo đức, vốn biểu tượng, vốn xã hội và vốn văn hóa – những nguồn lực có thể chuyển hóa thành sức mạnh mềm của quốc gia. Tôn giáo là nơi hình thành các giá trị, như: thiện – ác, nhân – quả, trách nhiệm, tha thứ – những giá trị này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng ý thức công dân, phòng,chống suy thoái đạo đức xã hội. Các thiết chế tôn giáo, như: giáo hội, chùa, nhà thờ không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là mạng lưới tổ chức cộng đồng, có khả năng triển khai các hoạt động từ thiện, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả và có chiều sâu. Những nguồn lực này cần được lượng hóa, ghi nhận và tích hợp vào chiến lược phát triển quốc gia như một phần của chỉ số “phát triển con người theo chiều sâu văn hóa”.
Ba là, cần chuyển hóa mô hình quản lý tôn giáo từ hành chính sang đối thoại học thuật. Trong thực tế, nhiều sự cố trong quan hệ giữa tổ chức tôn giáo với chính quyền địa phương bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, thiếu tin tưởng và thiếu kênh đối thoại tri thức. Nhà nước cần khuyến khích sự tham gia của các nhà nghiên cứu triết học, xã hội học tôn giáo trong quá trình hoạch định chính sách. Những nhà khoa học này có thể giúp xác lập nền tảng lý luận vững chắc, phản bác các luận điệu xuyên tạc một cách khoa học và gợi mở các mô hình hợp tác tôn giáo nhà nước mang tính đối thoại, thay vì mệnh lệnh.
Bốn là, về lâu dài, cần xây dựng một hệ triết học về tôn giáo mang bản sắc Việt. Đó là một hệ lý luận dung hòa giữa ba dòng tư tưởng lớn: chủ nghĩa Mác-Lênin (với phương pháp duy vật biện chứng), tư tưởng Hồ Chí Minh (với truyền thống yêu nước – nhân văn – đoàn kết) và tinh thần triết học Đông phương (với khả năng tổng hợp, bao dung, coi trọng đạo lý). Hệ lý luận này phải làm rõ: tôn giáo không chỉ là “vấn đề xã hội cần quản lý” mà là “một thành phần chủ thể đạo đức – văn hóa – lịch sử – tinh thần của dân tộc Việt Nam”.
5. Kết luận
Tôn giáo tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng như một nguồn lực phát triển xã hội thông qua hệ thống cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và giá trị đạo đức, tinh thần, góp phần tích cực vào giáo dục, y tế, từ thiện và bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực này còn gặp thách thức từ nhận thức chưa đầy đủ, cơ chế phối hợp hạn chế và sự gắn kết chưa chặt chẽ với mục tiêu phát triển quốc gia. Chính vì vậy, cần định vị nó như một phần của không gian đạo đức – văn hóa – chính trị chung của quốc gia. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chính đáng mà còn đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Chú thích:
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I.H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 144, 171, 171.
4. Khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/khoi-day-va-phat-huy-gia-tri-dao-duc-van-hoa-va-nguon-luc-ton-giao-phuc-vu-su-nghiep-phat-trien-dat-nuoc
5. Ban Tôn giáo Chính phủ (2022). Báo cáo tổng kết công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998). Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 67.