Chính sách, pháp luật đối với hoạt động xuất bản của Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

TS. Cao Thanh Hùng
Trường Đại học An ninh nhân dân
ThS. Nguyễn Thị Mỹ Xuyên
Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I
Nguyễn Thanh Tuấn
Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong lịch sử văn minh nhân loại, các quốc gia, dân tộc luôn đánh giá cao vai trò của sách nói riêng và xuất bản phẩm nói chung, đồng thời chú trọng xây dựng các chính sách khuyến khích người dân sử dụng xuất bản phẩm. Điển hình như: người Nhật Bản hình thành văn hóa đọc đứng (Tachiyomi), Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Chấn hưng văn hóa đọc năm 2005; người Đức cho rằng tặng sách hành động trân quý, được tiến hành thường xuyên, Chính phủ Đức xây dựng Hội chợ sách Frankfurt quy tụ nhiều nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới tham gia hng năm; đối với Israel, người dân của họ đọc bình quân 64 cuốn sách/năm và mỗi gia đình đều có 1 tủ sách, Chính phủ Israel coi trọng việc phát triển nền kinh tế tri thức, tập trung định hướng phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Trong khi đó, ở Trung Quốc, sách và hoạt động xuất bản xuất hiện từ rất sớm trong tiến trình văn minh nhân loại; ngành xuất bản của Trung Quốc phát triển hàng đầu thế giới, đây là hình mẫu để Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, vận dụng trong việc triển khai xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Từ khóa: Chính sách, pháp luật, hoạt động xuất bản, Trung Quốc.

1. Khái quát về hoạt động xuất bản của Trung Quốc  

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có diện tích khoảng 9,6 triệu km2, lớn thứ tư thế giới; có số dân đông nhất thế giới, khoảng 1,45 tỷ người. Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó dân tộc Hán chiếm khoảng 91,6% dân số cả nước. Trung Quốc có nền văn hóa lâu đời, phong phú và đa dạng. Với nhu cầu lưu giữ và truyền bá văn hóa, hoạt động xuất bản ra đời từ những năm cuối thế kỷ thứ I, đánh dấu bằng việc xuất bản phẩm kinh Phật – Kinh Kim Cương ra đời với sự phát triển của ngành in vào thế kỷ XIII đánh dấu bước tiến quan trọng của hoạt động xuất bản ở Trung Quốc.

Trong thế kỷ XX, các nhà xuất bản Tam Liên, Thương vụ, Trung Hoa,… lần lượt ra đời và có những đóng góp quan trọng về tư tưởng, văn hóa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 10/1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dành sự quan tâm, chú trọng phát triển ngành Xuất bản. Trong giai đoạn “cách mạng văn hóa”, ngành Xuất bản Trung Quốc trải qua những trở ngại, khó khăn. Nhưng từ năm 1978, ngành này đã có khởi sắc, chuyển biến mạnh mẽ. Hiện nay, xuất bản ở Trung Quốc trở thành ngành công nghiệp phát triển, đứng đầu châu Á và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.

Trung Quốc hiện có 585 nhà xuất bản, trong đó có 219 nhà xuất bản Trung ương và 366 nhà xuất bản địa phương. Tiêu biểu có một số nhà xuất bản lớn như: China Publishing Group, Higher Education Press và Foreign Language Teaching and Research Press, People’s Education Press, Phoenix Publishing and Media Network Group. Cơ cấu tổ chức của ngành Xuất bản Trung Quốc từng bước hoàn thiện với 7 lĩnh vực: xuất bản sách, xuất bản báo, xuất bản tạp chí, xuất bản băng đĩa nghe nhìn, xuất bản kỹ thuật số và Internet cùng 4 nghề chính là in ấn, phục chế, phát hành và ngoại thương.

Thị trường xuất bản ở Trung Quốc đạt 52,394 tỷ USD vào năm 2021, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Sách in tiếp tục chiếm tỷ lệ cao nhất thị trường xuất bản tại Trung Quốc trong năm 2021 với giá trị 42,704 tỷ USD với khoảng 11,86 tỷ bản sách đã xuất bản. Các ấn phẩm báo chí chiếm 11% thị phần với giá trị 5,533 tỷ USD. Tổng doanh thu của tạp chí Internet, sách điện tử và báo kỹ thuật số sẽ là 1,39 tỷ USD1. Trong khi đó, ngành Xuất bản số Trung Quốc khai thác mạnh thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), Internet kết nối vạn vật (Internet of things – IoT) và các nền tảng công nghệ tiên tiến khác nhằm phục vụ cho quá trình biên tập, chế bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

2. Xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động xuất bản của Trung Quốc

Một là, xây dựng pháp luật về hoạt động xuất bản. Ngày 29/11/2020, Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định sửa đổi và bãi bỏ một số quy định hành chính lần thứ năm đối với Quy chế xuất bản theo Nghị định số 343 ngày 25/12/2001. Quy chế xuất bản mới bao gồm 9 Chương với 73 điều, ngoài Chương I: Quy định chung và Chương IX: các điều khoản bổ sung, nội dung các chương từ II – VIII bao gồm: thành lập và quản lý đơn vị xuất bản; xuất bản phẩm; in, sao chép và phát hành xuất bản phẩm; nhập khẩu xuất bản phẩm; giám sát và quản lý; bảo đảm và phần thưởng; trách nhiệm pháp lý.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản tại Trung Quốc còn được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác, như: Luật Hình sự, Luật Bản quyền tác giả. Cụ thể, Luật Hình sự năm 1979 (sửa đổi, bổ sung 1997), tại Chương I quy định các tội nguy hiểm cho an ninh quốc gia; Chương IV quy định các tội xâm phạm quyền nhân thân, dân chủ của công dân; Mục 7 Chương III quy định các tội vi phạm bản quyền; trong đó, Điều 217 quy định rõ các hành vi liên quan đến xâm phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản. Các quy định này nhằm mục đích giáo dục, răn đe, xử lý hình sự, bảo đảm sự ổn định của thể chế chính trị, quyền lực nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động xuất bản tại Trung Quốc và quan hệ đối ngoại giữa Trung Quốc với các quốc gia khác.

Hai là, về chủ thể quản lý. Sau nhiều lần tổ chức bộ máy cơ quan chủ trì quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản của Trung Quốc đến năm 2013, quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (SARFT) là một cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện và là đơn vị cấp bộ, trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Báo chí và xuất bản (bao gồm Cục Bản quyền quốc gia – NCAC) với Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình và được đổi tên thành Cục Quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình.

Hiện nay, SARFT thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động xuất bản như sau:

(1) Xây dựng chủ trương, chính sách tuyên truyền và nắm bắt đúng hướng dư luận xã hội và sáng tạo trong hoạt động xuất bản.

(2) Soạn thảo các luật và quy định, đồng thời tổ chức thực hiện, giám sát và kiểm tra hoạt động xuất bản.

(3) Xây dựng chính sách và kế hoạch phát triển hoạt động xuất bản, tổ chức và thực hiện các dự án phúc lợi công cộng, sưu tầm và xuất bản sách cổ toàn quốc.

(4) Quy hoạch tổng thể, thúc đẩy đổi mới hệ thống và cơ chế, thống kê, báo cáo trong hoạt động xuất bản.

(5) Giám sát, quản lý các cơ quan, doanh nghiệp, nội dung, chất lượng xuất bản phẩm, thực hiện các giấy phép hành chính, tổ chức điều tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. 

(6) Giám sát các hoạt động và nội dung xuất bản kỹ thuật số.

(7) Thúc đẩy tích hợp xuất bản và khoa học công nghệ, hướng dẫn, điều phối công tác bảo mật trong hoạt động xuất bản.

(8) Giám sát và quản lý ngành in.

(9) Quản lý nhập khẩu xuất bản phẩm và quản lý nhập, thu xuất bản phẩm. Trao đổi, hợp tác với nước ngoài và Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan về hoạt động xuất bản.

(10) Quản lý bản quyền và tổ chức điều tra và xử lý các vụ vi phạm bản quyền trong nước và quốc tế.

(11) Tổ chức, hướng dẫn và điều phối công tác “chống khiêu dâm và chống các hoạt động bất hợp pháp” quốc gia có liên quan hoạt động xuất bản2.

Ba là, về sự tham gia của tổ chức hiệp hội đối trong hoạt động xuất bản. Trung Quốc chủ trương thành lập và phát triển Hiệp hội Xuất bản Trung Quốc thành một tổ chức xã hội công nghiệp quốc gia. Đây là một pháp nhân phi lợi nhuận phục vụ Ngành Xuất bản được thành lập năm 1979.

Hiệp hội Xuất bản Trung Quốc là cầu nối và liên kết giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc với ngành Xuất bản Trung Quốc. Mục đích của Hiệp hội là đặt hoạt động xuất bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; đoàn kết các đơn vị thành viên trên toàn quốc, tổ chức những người hành nghề xuất bản, giữ vững chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, tuân thủ quan điểm phát triển khoa học, thực hiện đầy đủ đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuân thủ phương hướng xuất bản phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của ngành Xuất bản và xây dựng đội ngũ xuất bản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị thành viên, thúc đẩy đổi mới, cải cách ngành Xuất bản, thúc đẩy giao lưu và hợp tác với Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và các ngành Xuất bản quốc tế, vì sự thịnh vượng của ngành Xuất bản xã hội chủ nghĩa và vì sự xây dựng một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa dân chủ, văn minh, thịnh vượng.

3. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ nhất, nghiên cứu hoạt động xuất bản ở Trung Quốc cho thấy, hiệu quả kinh tế trong hoạt động xuất bản là rất lớn. Theo thống kê của Trung Quốc trong năm 2024, doanh thu từ xuất bản sách 19,8 tỷ USD3; đối với Thái Lan là 440 triệu USD4; trong khi Việt Nam khoảng 162 triệu USD5. Các con số đưa ra mặc dù mang tính tương đối do cách thống kê doanh thu của các nước có những điểm khác biệt, nhưng cho thấy các nước chú trọng coi hoạt động xuất bản là một trong những hoạt động góp phần phát triển kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm gắn hoạt động xuất bản với văn hóa, du lịch để khai thác hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất bản. Trong đó, quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cần bảo đảm tính công tâm, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát huy khả năng tham gia hoạt động xuất bản.

Thứ hai, xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật được tiến hành chủ động với các nội dung và phương pháp khác nhau nhưng thể hiện rõ tính phù hợp với thể chế chính trị. Mặc dù mỗi quốc gia có quan điểm khác nhau về hoạt động xuất bản nhưng thể hiện rõ vai trò quản lý, điều hành đối với hoạt động xuất bản, các quốc gia đều có cơ quan được Chính phủ trao quyền xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Đối với Trung Quốc là Cục Quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình (SARFT). Do đó, Việt Nam cần phát huy vai trò của các cơ quan quản lý, thống nhất một cơ quan chủ trì, các cơ quan khác có chức năng phối hợp; chú trọng hơn nữa việc phát huy các hiệp hội, hội ở Việt Nam trong bảo đảm chất lượng xuất bản phẩm, đề cao trách nhiệm của các tổ chức trong việc quản lý các nhà xuất bản, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất bản ở Việt Nam; bảo vệ các quyền, lợi ích của nhà xuất bản, doanh nghiệp; đồng thời quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà xuất bản, doanh nghiệp khi tham gia hiệp hội, hội.

Thứ ba, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan hoạt động xuất bản được xây dựng khoa học, chặt chẽ góp phần bảo đảm quyền và lợi ích cho các tổ chức, cá nhân tham gia xuất bản (Nghị định số 343 của Trung Quốc). Theo đó, Việt Nam cần chủ động đánh giá việc tổ chức thực hiện pháp luật để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm cho sự phát triển của hoạt động xuất bản. Cần tiếp tục nghiên cứu các mô hình, cách thức vận hành các trung tâm, cơ quan quản lý chuyên trách về sở hữu trí tuệ, khai thác bản quyền trong hoạt động xuất bản.

Thứ tư, ứng dụng khoa học – công nghệ trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động xuất bản, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản.

Nghiên cứu hoạt động xuất bản ở Trung Quốc cho thấy, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất bản tiên tiến, đi đầu trên thế giới. Việc phát triển xuất bản phẩm điện tử được triển khai tiên phong gắn với trình độ xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản. Trung Quốc chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu xuất bản phẩm, bán bản quyền xuất bản phẩm ra nước ngoài, giới thiệu văn hóa dân tộc thông qua việc xuất khẩu, chuyển giao bản quyền xuất bản phẩm đến các nước trên thế giới. Điều này, cho thấy Việt Nam cần chủ động tiếp cận khoa học – công nghệ, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo – AI, dữ liệu lớn – Big Data nhằm quản lý, khai thác có hiệu quả phục vụ hoạt động xuất bản và quá trình thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động xuất bản tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Cục Quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, phim và truyền hình của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2022). Nhiệm vụ Cục Quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, phim và truyền hình. http://weihu.nrta.gov.cn.  
2. Hiệp hội Xuất bản kỹ thuật số và nghe nhìn Trung Quốc (2021). Báo cáo thường niên ngành xuất bản kỹ thuật số Trung Quốc 2020 – 2021. http://m.cadpa.org.cn/3278/202110/41407.html
3. Book Publishing in China – Market Research Report (2014 – 2029). https://www.ibisworld.com/china/industry/book-publishing/1128.
4. 5 nhà xuất bản có doanh thu trên 100 tỷ đồng năm 2024. https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/5-nha-xuat-ban-co-doanh-thu-tren-100-ty-dong-nam-2024-post1194004.vov.
5. Thai PBS. Nation Thailand, Prachachat Turakij. https://www.nationthailand.com/news/general/40042539.
6. Đề tài được thực hiện bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình Vườn Ươm Khoa học và Công nghệ trẻ, được quản lý bởi Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ – Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, theo Hợp đồng số “14/2024/HĐ-KHCNT-VƯ”.