NCS. Nguyễn Xuân Độ
Học viện Hành chính và Quản trị công
(Quanlynhanuoc.vn) – Đồng bằng sông Hồng là nơi hội tụ hàng trăm lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường khiến cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của những lễ hội này trở nên khó khăn. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giữ gìn những nét đẹp văn hóa, xây dựng đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh cho cộng đồng; đồng thời, góp phần phát huy giá trị văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới.
Từ khóa: Đồng bằng sông Hồng; lễ hội dân gian; bản sắc văn hóa; phát huy, bảo tồn; giải pháp.
1. Đặt vấn đề
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Quảng Ninh1. Đây là vùng đất hội tụ nhiều lớp văn hóa, nơi khởi nguyên của văn minh lúa nước và là không gian kiến tạo bản sắc dân tộc Việt thông qua hệ thống tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội và các hình thức nghệ thuật dân gian đặc sắc. Đồng bằng sông Hồng có hàng trăm lễ hội truyền thống2. Những lễ hội không chỉ phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, triết lý sống của người dân mà còn là biểu tượng sống động của bản sắc văn hóa vùng, góp phần tạo nên giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế – xã hội, cùng với những thay đổi trong lối sống, tư duy và sự tác động của công nghệ, văn hóa ngoại lai, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức, nội dung và ý nghĩa của các lễ hội truyền thống của vùng. Tìm hiểu thực trạng và đề xuất các giải pháp cho vùng đồng bằng sông Hồng nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, bảo đảm lễ hội được tổ chức văn minh, an toàn, đúng pháp luật và phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững văn hóa Việt Nam là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa lễ hội dân gian
Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa lễ hội dân gian luôn là một nhiệm vụ quan trọng trong việc giữ gìn truyền thống dân tộc. Những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Hồng đã có nhiều nỗ lực tích cực trong việc khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa lễ hội.
Một là, sự tham gia tự nguyện, tích cực của cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương được xem là “cốt lõi”, là yếu tố then chốt để gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội dân gian, đặc biệt là ở phương diện tâm linh – biểu tượng – nghi lễ. Cộng đồng địa phương là chủ thể văn hóa, họ chính là người duy trì các nghi lễ, trò chơi dân gian và giữ gìn các truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Ví dụ: Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024 thể hiện sự gắn kết và đoàn kết của cộng đồng, trong đó các vai diễn trong lễ hội được người dân tham gia tích cực, như: ông Hiệu Cờ là người thôn Đổng Xuyên; ông Hiệu Trung Quân người thôn Phù Đổng; ông Hiệu Chiêng người thôn Phù Dực; ông Hiệu Trống người thôn Đổng Viên; đội quân Phù Giá 70 người (mỗi thôn 10 người); Xướng Xuất 4 người (chọn trong đội Phù Giá); đoàn Ải Lao 30 người; làng Áo Đỏ 34 em; làng Áo Đen 40 người; Bát Tiên 8 người (thôn đi Hiệu Trung Quân). Các vai ông Hiệu tại các thôn hiện đang tích cực tập luyện để tham gia lễ hội3. Bên cạnh đó, các ban tế lễ, thủ từ, nghệ nhân dân gian và trưởng dòng họ đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức và duy trì truyền thống của lễ hội và bảo đảm các nghi lễ được thực hiện đúng cách và tôn kính.
Hai là, phục hồi các lễ hội: nhiều lễ hội truyền thống đã được khôi phục và tổ chức quy mô lớn hơn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Điều này cho thấy, nhu cầu của cộng đồng đối với các hoạt động văn hóa truyền thống là rất lớn và là đặc điểm quan trọng để bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương. Chẳng hạn: “lá ấn” đền Trần (tỉnh Nam Định) được phục hồi như hiện nay thể hiện sức sống của lễ hội khi đáp ứng những nhu cầu tâm linh, nguyện vọng đời thường của người dân mong muốn những điều tốt đẹp. Ngoài ra, lễ hội đền Trần còn phục dựng lại lễ rước nước và tế cá trong lễ hội tháng giêng sau hàng trăm năm bị mai một4; lễ hội chùa Láng đã phục dựng nghi thức Độ hà (rước kiệu Thánh dọc sông Tô Lịch, từ chùa Láng ra cầu Cót)5.
Ba là, nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống được giữ nguyên vẹn trong các lễ hội dân gian. Đây là “kênh truyền dẫn” ký ức cộng đồng, biểu đạt tín ngưỡng và tái khẳng định bản sắc địa phương. Tại các địa phương có truyền thống lễ hội lâu đời (Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên), các nghi lễ, như: tế Thành hoàng, rước kiệu, lễ hạ điền, lễ rước nước, lễ khai hội, lễ cầu an vẫn được giữ tương đối nguyên vẹn về trình tự, lời văn tế, và đạo cụ tế tự. Các ban tế lễ, thủ từ, nghệ nhân dân gian và trưởng dòng họ đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức và duy trì chu kỳ nghi lễ.
Bốn là, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển kinh tế. Lễ hội dân gian đóng vai trò như một động lực phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực, như: du lịch văn hóa, dịch vụ truyền thống, bảo tồn di sản và phục hồi nghề thủ công gắn với tín ngưỡng, trở thành điểm nhấn văn hóa đặc thù để xây dựng thương hiệu địa phương, thu hút khách du lịch, góp phần vào việc trùng tu, tôn tạo di tích và phát triển du lịch địa phương. Ví dụ: lễ hội Chùa Hương (Hà Nội)là một trong những lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất ở miền Bắc, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Năm 2023, đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, tổng số tiền thu vé thắng cảnh là 96 tỷ đồng. Năm 2024, đón gần 900 nghìn lượt khách, tổng thu vé thắng cảnh khoảng 108 tỷ đồng6; (2) Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024, Ban tổ chức lễ hội còn triển khai các hoạt động quảng bá du lịch, như: phối hợp xây dựng chương trình giới thiệu quảng bá về di tích và lễ hội; khai trương tuần lễ du lịch và tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm; giới thiệu các sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương. Tổ chức các gian hàng “Chợ quê” trưng bày sản phẩm OCOP, nông sản và xúc tiến quảng bá du lịch Phù Đổng và du lịch Gia Lâm7; (3) Lễ hội Gióng tại Hà Nội kết hợp với tour làng cổ, tour hành hương Sóc Sơn – Phù Đổng, gắn nghi lễ rước cờ với các hoạt động trải nghiệm văn hóa như gói bánh, thăm đình làng, nghe hát quan họ…; (4) Lễ hội Phủ Dầy (Nam Định) đi kèm gói trải nghiệm “tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam”, giúp du khách nước ngoài tìm hiểu về lên đồng, hầu thánh và nghệ thuật hát văn; lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) tích hợp tour du lịch tín ngưỡng đầu năm với trải nghiệm “đi vay lộc – trả lễ” mang tính giáo dục tài chính cộng đồng và phổ biến phong tục truyền thống.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức lễ hội tại các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đã ứng dụng công nghệ số trên các nền tảng du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh một lễ hội hiện đại, tiện lợi. Chẳng hạn, năm 2023, Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương đã triển khai hệ thống bán vé và kiểm soát vé điện tử qua website và ứng dụng di động. Du khách có thể mua vé trực tuyến, thanh toán qua nhiều hình thức (ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng) và nhận mã QR code. Tại cổng kiểm soát, du khách chỉ cần quét mã QR qua máy đọc; tích hợp thông tin Chùa Hương trên các nền tảng du lịch lớn, giúp du khách chủ động hơn trong hành trình, dễ dàng tiếp cận thông tin chính xác và đầy đủ; đồng thời có thể nhận được các thông báo quan trọng từ Ban Tổ chức. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quảng bá, thu hút du khách và phát triển kinh tế du lịch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa cốt lõi của lễ hội dân gian trong kỷ nguyên số.
Ngoài những điểm sáng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội dân gian, những năm gần đây, dù các cấp chính quyền, ngành Văn hóa đã có nhiều nỗ lực nhưng những mặt trái của lễ hội vẫn có dấu hiệu gia tăng tại một số tỉnh ở đồng bằng Sông Hồng, như: lễ hội bị sân khấu hóa, thương mại hóa hay tình trạng “buôn thần, bán thánh”. Chẳng hạn: (1) Nhiều người dân “gán” việc xin được ấn đền Trần (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) với việc thăng quan tiến chức, tiến tài, tiến lộc. Từ đây dẫn đến tình trạng người dân tranh nhau giành ấn. Thậm chí, từng có năm người dân lao vào cướp lộc, giật lộc ở cả kiệu rước ấn lẫn các ban thờ tại đền Trần, khiến ban thờ Thánh trở nên tan hoang, hết sức phản cảm8; (2) Lễ hội Bia Bà (quận Hà Đông, Hà Nội), lễ hội đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), đền thờ Đức Thánh Cả (huyện Ứng Hòa, Hà Nội)… xuất hiện dịch vụ “khấn thuê”; dịch vụ “gửi lễ tuần rằm” (nghĩa là đại diện cho các vị khách để khấn thuê suốt cả năm). Muốn đến được không gian chính tổ chức lễ hội, khách hành hương phải vượt qua một “ma trận” của cò mồi về chỗ ăn, chỗ nghỉ, địa chỉ mua đồ lễ. Điển hình cho tình trạng này là ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội)9; (3) Nhiều di tích, tiền lẻ được giắt đầy tay tượng Phật, tượng Thánh; (4) Đặt hòm công đức ở khắp nơi để nhận tiền công đức của khách du lịch và người hành hương; còn có tình trạng lập “sổ vàng” ghi danh những người hảo tâm công đức nhiều tiền hoặc cấp giấy chứng nhận công đức cho du khách; không gian lễ hội bị biến thành “sân khấu trình diễn” phục vụ khách tham quan thay vì là “thiết chế cộng cảm” của cư dân bản địa. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thiết lập mô hình phát triển du lịch văn hóa lễ hội theo hướng bền vững, bảo đảm tính cân bằng giữa ba trụ cột: bảo tồn di sản – nâng cao đời sống cộng đồng – kiểm soát hoạt động du lịch.
3. Một số giải pháp
Để bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa lễ hội dân gian ở đồng bằng sông Hồng một cách bền vững, cần thực hiện các giải pháp:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách pháp luật. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý di sản, tín ngưỡng, lễ hội để phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo; kiểm soát các hoạt động tiêu cực: ngăn chặn các hành vi thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, mê tín dị đoan.
Thứ hai, phát huy vai trò của cộng đồng. Khuyến khích người dân và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình bảo tồn, tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh việc truyền dạy các tri thức văn hóa dân gian, các trò chơi, trò diễn trong lễ hội cho thế hệ sau.
Thứ ba, chính quyền địa phương cần quản lý và giám sát chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội. Xây dựng các quy định và hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức lễ hội, giới hạn quảng cáo thương mại và kiểm soát hoạt động kinh doanh, tránh để người bán hàng tự do lấn chiếm lối đi lễ hội, khu vực rước kiệu hoặc sân tế. Việc cấp phép kinh doanh tạm thời phải đi kèm với cam kết bảo đảm môi trường, an toàn thực phẩm, vệ sinh công cộng.
Thứ tư, cần xử lý kịp thời các biểu hiện lệch chuẩn diễn ra trong lễ hội. Tăng cường sự giám sát của cộng đồng, không chỉ góp phần phát hiện sớm các hành vi vi phạm, mà còn tạo nên một cơ chế đồng kiểm soát – đồng cam kết – đồng trách nhiệm giữa chính quyền và cư dân trong việc giữ gìn tính linh thiêng của không gian lễ hội.
Thứ năm, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa ở các địa phương để họ có đủ kiến thức và kỹ năng trong việc giám sát, hỗ trợ và định hướng tổ chức lễ hội.
Thứ sáu, tăng cường năng lực hướng dẫn viên du lịch văn hóa. Ưu tiên tuyển dụng và đào tạo hướng dẫn viên bản địa – họ là những người không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn hiểu rõ văn hóa tín ngưỡng và diễn ngôn lễ hội. Tuyệt đối tránh hiện tượng thần thánh hóa, tô vẽ quá mức, hoặc xuyên tạc biểu tượng lễ hội để gây ấn tượng với du khách, bởi đây chính là hình thức làm rỗng giá trị di sản và phá vỡ cơ chế tiếp nhận văn hóa của cộng đồng.
Thứ bảy, các tour du lịch lễ hội cần được xây dựng trên nguyên tắc “cộng đồng là chủ thể, du khách là người đồng hành, không phải là trung tâm”. Mọi khoản thu từ du lịch (vé tham quan, quà lưu niệm, trải nghiệm dịch vụ) cần trích một phần để đưa vào quỹ bảo tồn lễ hội, hỗ trợ đào tạo thế hệ trẻ, duy trì nghệ nhân và phục dựng nghi lễ truyền thống.
Thứ tám, khuyến khích phát triển du lịch tâm linh, văn hóa gắn với lễ hội theo hướng bền vững. Cân bằng giữa yếu tố bảo tồn di sản, nâng cao đời sống cộng đồng và kiểm soát hoạt động du lịch. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để xây dựng cơ sở dữ liệu số về lễ hội; các ứng dụng di động, website để quảng bá thông tin chính xác, đầy đủ về lịch sử, ý nghĩa, các hoạt động trong lễ hội, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và hiểu đúng về giá trị văn hóa.
4. Kết luận
Với tư cách là một bộ phận cấu thành của di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội dân gian ở đồng bằng sông Hồng không chỉ phản ánh những đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán và nghệ thuật dân gian của từng địa phương mà còn là nơi thể hiện rõ nét tinh thần cố kết cộng đồng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cũng như các giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ và giá trị lịch sử được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, lễ hội dân gian đang đối mặt với những thách thức phức tạp, như: hành chính hóa, sân khấu hóa, thương mại hóa và mai một tính nguyên hợp. Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết về một mô hình quản lý nhà nước vừa hiệu quả, vừa tôn trọng tính đa dạng và đặc thù văn hóa để các lễ hội dân gian ở đồng bằng sông Hồng thực sự trở thành những di sản sống động, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững và khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Chú thích:
1. Quốc hội (2023). Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về việc quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Cung Thị Thu Hằng (2020). Một vài nét về lễ hội đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 5, tr. 153.
3, 7. Nhiều điểm mới tại lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024. https://kinhtedothi.vn/nhieu-diem-moi-tai-le-hoi-giong-den-phu-dong-nam-2024.html.
4. Về phục hồi lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại. https://www.tapchicongsan.org.vn/nghin-cu/-/2018/53874/ve-phuc-hoi-le-hoi-truyen-thong-trong-xa-hoi-duong-dai.aspx.
5. Cân nhắc được – mất trong lễ hội truyền thống.https://daibieunhandan.vn/can-nhac-duoc-mat-trong-le-hoi-truyen-thong-10331999.html.
6. Khai hội chùa Hương năm Ất Tỵ: “Thoát nạn” ùn tắc, chèo kéo khách. https://vneconomy.vn/khai-hoi-chua-huong-nam-at-ty-thoat-nan-un-tac-cheo-keo-khach.htm
8, 9. Môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. https://nhandan.vn/moi-truong-van-hoa-trong-le-hoi-truyen-thong-post858573.html.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (2012). Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. H. NXB Văn hóa Thông tin.
2. Nguyễn Văn Huy (2021). Quản lý lễ hội trong bối cảnh hiện đại hóa. H. NXB Khoa học xã hội.
3. Nguyễn Thị Phương Trâm (2021). Quản trị di sản văn hóa phi vật thể: Lý luận và thực tiễn. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
4. Yếu tố tác động đến quản lý nhà nước về lễ hội dân gian ở đồng bằng sông Hồng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2019/06/11/yeu-to-tac-dong-den-quan-ly-nha-nuoc-ve-le-hoi-dan-gian-o-dong-bang-song-hong.