Sức mạnh tự cường văn hóa người Việt Nam trong đấu tranh chống đồng hóa thời kỳ Bắc thuộc

Trung tá, NCS. Trần Mạnh Quân
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa dân tộc Việt Nam hình thành từ rất sớm cùng sự phát triển của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước mang tính cộng đồng cao. Trong suốt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, người dân Việt đã duy trì được nếp sống bản địa và giá trị đạo đức đặc trưng, đủ sức đầy lùi chính sách đồng hóa văn hóa và sự thống trị của ngoại bang. Bài viết luận giải phương thức bảo vệ văn hóa, tư tưởng và chống lại mưu đồ đồng hóa văn hóa người Việt trong thời kỳ này, làm nổi bật sức mạnh tự cường của dân tộc; từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu để bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Đồng hóa văn hóa, sức mạnh tự cường, bản sắc văn hóa, dân tộc Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong thời kỳ Bắc thuộc, các triều đại phong kiến phương Bắc đã thực hiện chính sách đồng hóa văn hóa nhằm xóa bỏ bản sắc dân tộc Việt, hướng lái văn hóa người Việt theo văn hóa Hán, mục đích để khiến người Việt lãng quên nguồn gốc, học theo phong tục, tập quán Hán và dần trở thành một phần của văn hóa Hán. Phương thức đồng hóa bao gồm áp đặt hệ thống cai trị, thúc đẩy di dân Hán, truyền bá ngôn ngữ, chữ viết và thay đổi phong tục tập quán của người Việt. Các triều đại phong kiến còn truyền bá Nho giáo và Đạo giáo nhằm nô dịch người Việt về tư tưởng, làm giảm tinh thần kháng cự, hướng tới việc xóa bỏ văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, trước những mưu đồ đồng hóa toàn diện và có hệ thống từ các triều đại phong kiến phương Bắc, người dân Việt Nam đã đề cao ý thức dân tộc, khẳng định sức mạnh bản địa, đẩy lùi chính sách đồng hóa văn hóa của phong kiến phương Bắc. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, người Việt không chỉ kiên quyết phản đối việc bị nô dịch về văn hóa và tư tưởng mà còn liên tục đứng lên đấu tranh trên cả hai phương diện: vũ trang và văn hóa, tư tưởng. Những cuộc đấu tranh này không chỉ nhằm giành lại độc lập và quyền tự chủ mà còn khẳng định quyết tâm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trước nguy cơ bị đồng hóa.

2. Khái quát một số vấn đề về chính sách đồng hóa văn hóa người Việt của các triều đại phong kiến phương Bắc thời kỳ Bắc thuộc

Trước hết, các triều đại phong kiến phương Bắc từng bước xây dựng một chính quyền đô hộ chặt chẽ. Ban đầu, chúng thiết lập hệ thống chính quyền từ trung ương xuống địa phương do người Hán đứng đầu, áp dụng chính sách “dĩ Di trị Di” (dùng người Việt trị người Việt). Các Lạc tướng vẫn giữ vai trò lãnh đạo địa phương nhưng dưới danh nghĩa huyện lệnh với “ấn đồng” và “tua xanh”. Đến thời nhà Đường, sự kiểm soát càng được thắt chặt, khi chính quyền đô hộ trực tiếp quản lý đến cấp hương xã nhằm khống chế các làng mạc người Việt. Cùng với việc tổ chức bộ máy thống trị, họ thường xuyên chia tách, sáp nhập và đổi tên các vùng đất Âu Lạc thành các châu, huyện mới để tăng cường kiểm soát dân cư và mở rộng phạm vi lệ thuộc vào triều đình trung ương. Chính quyền đô hộ cũng đẩy mạnh chính sách di dân Hán sang sống lẫn với người Việt thông qua nhiều con đường, như thực hiện chính sách di dân khẩn thực, “hàng nghìn tội nhân, tù binh chiến tranh và dân nghèo người Hán đã được đưa đến đây cho ở lẫn với người Việt để khai canh lập ấp”1; binh lính người Hán sau quá trình đàn áp sự phản kháng, nổi dậy của cộng đồng dân tộc bản địa ở lại “lấy vợ Việt, lập thành một số làng gọi là khu cư trú của dân Mã lưu”2 hoặc gia đình quan lại đô hộ và những sĩ phu, dân thường chạy loạn từ Trung Quốc sang định cư lâu dài. Việc sống xen kẽ giữa người Hán và người Việt không chỉ giúp chính quyền đô hộ thu lợi từ việc bóc lột mà còn tạo ra điều kiện thuận lợi cho quá trình đồng hóa về sinh hoạt, lối sống, văn hóa và tư tưởng. Ngoài ra, các triều đại phong kiến phương Bắc còn đẩy mạnh việc truyền bá tiếng nói và chữ viết của người Hán vào nước ta nhằm thay thế tiếng Việt. “Họ dịch sách, mở trường học, dạy chữ Hán cho nhân dân ta mà con em thuộc tầng lớp trên”3, chủ yếu là con em của tầng lớp quý tộc địa phương, để thực hiện chính sách đồng hóa người Việt thành người Hán.

Về phong tục tập quán, các triều đại phong kiến phương Bắc phê phán các giá trị văn hóa và lễ nghi truyền thống của người Việt. Để truyền bá văn hóa Hán vào đời sống người dân Âu Lạc, triều đình phong kiến phương Bắc đã sử dụng luận điệu như “giáo hóa”, “giáo huấn” và “dạy bảo dân man di” về lễ giáo, sinh hoạt theo phong cách người Hán; cưỡng bức người dân bản địa thay đổi phong tục tập quán, học theo các nghi lễ của người Hán trong các hoạt động tang ma, cưới hỏi, dựng nhà, ăn mặc, chải đầu… nhằm từng bước thay thế văn hóa và phong tục truyền thống của dân tộc ta.

Để nô dịch người dân Việt Nam về tư tưởng và tinh thần, từ đầu thế kỷ II, chính quyền đô hộ đã chủ trương truyền bá Nho giáo. Theo Đại Việt sử ký toàn thư các thái thú Tích Quang và Nhâm Diên đã “dựng học hiệu để dạy lễ nghĩa” cho dân Giao Chỉ và Cửu Chân. Nho giáo, với nguyên tắc “tôn quân, đại thống nhất” dựa trên ba cương lĩnh cơ bản gọi là “tam cương” gồm: “đạo vua – tôi”, “đạo cha – con” và “đạo chồng – vợ, đồng thời đào tạo quan lại phục vụ chính quyền đô hộ.

Cùng với đó, Đạo giáo cũng xâm nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ II, theo chân các quan lại và người Hán chạy loạn. Trong Lời tựa sách Mâu Tử có ghi lại rằng sau khi Linh Đế băng hà (182), thiên hạ nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là khá yên ổn, các bậc dị nhân phương Bắc đến đây, phần lớn tin theo thuật thần tiên, luyện phép, tịnh cốc, trường sinh. Chính quyền đô hộ đã lợi dụng sự tương đồng giữa Đạo giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt để vừa trấn an, vừa xoa dịu tinh thần đấu tranh, phản kháng của nhân dân. Ngoài ra, các triều đại phong kiến phương Bắc cũng lợi dụng, cắt xén và xuyên tạc giáo lý Phật giáo, khai thác mặt tiêu cực để làm công cụ đàn áp và thống trị nhân dân lao động. Những quan niệm như cuộc sống phù du, tạm bợ, xa rời các hoạt động xã hội và sự bàng quan với chính sự đất nước đã được truyền bá nhằm ru ngủ và làm suy yếu ý chí đấu tranh giành lại độc lập của Nhân dân ta.

Những chính sách đồng hóa về văn hóa của người Việt do của các triều đại phong kiến phương Bắc thuộc đã gây ra những hệ quả tiêu cực đối với nền văn hóa bản địa của cộng đồng các cư dân người Việt. Từ địa vị làm chủ đất nước, nhân dân Âu Lạc đã trở thành nô lệ của ngoại bang. Tư tưởng của các học thuyết chính trị và xã hội ngoại lai đã tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần của người Việt, làm mai một một số yếu tố văn hóa truyền thống và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đấu tranh giành lại độc lập, chống lại sự xâm lược. 

3. Những giá trị văn hóa người Việt trong đấu tranh chống đồng hóa thời kỳ Bắc thuộc

Trước âm mưu đồng hóa toàn diện văn hóa của người Việt mà các triều đại phong kiến phương Bắc thực hiện, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, nhân dân ta kiên quyết không chấp nhận thân phận nô lệ. Họ liên tục nổi dậy đấu tranh cả trên phương diện vũ trang lẫn văn hóa, tư tưởng nhằm giành lại độc lập, tự chủ, đồng thời khẳng định, bảo vệ và truyền bá các giá trị văn hóa bản địa của dân tộc.

Thứ nhất, tinh thần đoàn kết toàn dân đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập. 

Trước sự xâm lăng của ngoại bang đã xuất hiện nhiều phong trào đoàn kết toàn dân đấu tranh chống các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược. Nhiều cuộc khởi nghĩa với quy mô lớn đã diễn ra, lan rộng khắp các địa phương và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ toàn thể nhân dân. Tiêu biểu là khởi nghĩa Hai Bà Trưng, giành độc lập trong ba năm (40 – 43); khởi nghĩa Lý Bôn (hay còn gọi là Lý Bí) thắng lợi năm 542, lập nên nhà nước Vạn Xuân tồn tại từ năm 544 đến 546; chính quyền tự chủ của Lý Nam Đế, tiếp theo là Triệu Việt Vương và Lý Phật Tử (550 – 602); và khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ năm 905, mở đầu công cuộc tự cường, cải cách đất nước, xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ, thoát khỏi ảnh hưởng của chế độ đô hộ phương Bắc. Đặc biệt, chiến thắng Bạch Đằng năm 938 dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đã chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, đánh dấu một kỷ nguyên mới – thời đại độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc. Những cuộc khởi nghĩa này đã giành được những thắng lợi quan trọng, xây dựng được chính quyền độc lập, tự chủ trong một khoảng thời gian nhất định. Thắng lợi của các cuộc đấu tranh đó là sản phẩm không chỉ của từng cuộc khởi nghĩa riêng lẻ, mà còn là kết quả của hàng thế kỷ đấu tranh kiên cường, bền bỉ của Nhân dân Việt Nam trên cả mặt trận văn hóa và tư tưởng, thể hiện sâu sắc sự củng cố, bổ sung bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc như tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, đoàn kết và lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Thứ hai, ý thức giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Nền văn hóa mang bản sắc dân tộc Việt vẫn được bảo vệ và giữ vững vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của người dân. Mặc dù chính quyền đô hộ tìm cách áp đặt các lễ giáo rườm rà và trói buộc nhằm làm suy yếu tinh thần phản kháng của người Việt và làm xói mòn giá trị văn hóa bản địa, song những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc vẫn ngày càng được củng cố. Các mối quan hệ ứng xử tốt đẹp như thờ cúng tổ tiên, kính trọng ông bà, cha mẹ và sự thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau giữa anh em luôn được gìn giữ. Đặc biệt, lòng tôn kính và biết ơn tổ tiên, những anh hùng dựng nước và giữ nước, luôn được đề cao. Các đền thờ Vua Hùng, Tản Viên, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng cùng những vị có công với làng nước được nhân dân xây dựng khắp nơi để tỏ lòng thành kính. Khác với văn hóa Hán, văn hóa Việt cổ luôn coi trọng vai trò của người phụ nữ. Trong sách Nam phương thảo mộc trạng (thế kỷ III) có ghi rõ, người phương Nam khi con gái lớn vài tuổi đã bắt đầu nấu lọc rượu, đem dựng trong những bình hũ kín và chôn ở bờ ao. Khi con gái sắp lấy chồng thì người ta mới đào bờ ao lấy rượu lên để đãi khách, gọi đó là “nữ tửu” (rượu con gái), có vị đằm và ngon, đó là một biểu tượng cho sự trưởng thành và tôn vinh người phụ nữ. Minh chứng cho điều này là những người phụ nữ như Hai Bà Trưng và Bà Triệu.

Trong thời kỳ này, từ các cấu trúc làng xã Việt cổ, nhân dân ta không chỉ giữ gìn mà còn phát triển những giá trị văn hóa bản địa đã hình thành từ khi dựng nước. Các phong tục, tập quán và thói quen sinh hoạt gắn liền với hoạt động của cộng đồng làng xã vẫn được duy trì. Theo sách Nam châu bát quận chí và Nam phương thảo mộc trạng, người Việt có phong tục mời trầu khi gặp nhau và nếu không thực hiện nghi lễ này, họ sẽ coi đó là một sự thất lễ.

Thứ ba, giữ gìn ngôn ngữ mang đậm bản sắc người Việt.

Quá trình bảo vệ văn hóa bản địa của người Việt luôn gắn liền với việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc. Mặc dù chính quyền đô hộ phong kiến phương Bắc ra sức áp đặt tiếng Hán và chữ Hán với mục tiêu loại bỏ tiếng nói bản địa, nhưng họ đã không thể làm thay đổi được tiếng Việt. Đối với đại bộ phận nhân dân Việt, họ vẫn duy trì cuộc sống và lao động trong các xóm làng Việt cổ, nơi mà tiếng nói của tổ tiên – biểu hiện tinh thần và văn hóa dân tộc – được bảo tồn. Việc giữ gìn tiếng Việt đồng nghĩa với việc bảo vệ nền văn hóa và tư tưởng của dân tộc.

Cha ông ta đã có cách tiếp cận thông minh, không học tiếng Hán theo âm chuẩn mà đã “Việt hóa” các từ Hán, tạo nên hệ âm Hán – Việt. Đây là kết quả của quá trình tiếp xúc lâu dài giữa tiếng Việt và văn tự Hán. Cách đọc Hán – Việt còn góp phần làm phong phú thêm vốn từ tiếng Việt, tạo nên một hệ thống ngữ âm, thanh điệu và từ ngữ đa dạng, phản ánh sâu sắc bản sắc người Việt.

Thứ tư, kiên quyết đẩy lùi ý đồ đồng hóa tư tưởng của người Hán.

Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, chính quyền đô hộ phương Bắc đã ra sức truyền bá Nho giáo vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc mở trường học phần lớn chỉ diễn ra tại các quận, huyện – nơi đặt trụ sở của chính quyền đô hộ hoặc ở các khu vực có kiều dân Hán cư trú đông đúc. Do đó, Nho giáo chưa thực sự bén rễ và chưa có vai trò đáng kể trong xã hội người Việt, “Nhìn chung, ảnh hưởng của Hán học, của Nho giáo dưới thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc còn xa mới thâm nhập vào tuyệt đại đa số dân chúng Việt ở các làng xã”4.

Mục đích của việc truyền bá Nho giáo vào Việt Nam là nhằm củng cố ách thống trị của phong kiến phương Bắc, với âm mưu xóa bỏ nền văn hóa bản địa. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số Nhân dân ta không tin vào những lý thuyết, như: “nhân trị”, “đức trị” và không chịu cúi đầu phục tùng các “thiên tử” từ phương Bắc. Một số lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ đã học chữ Hán nhưng họ không học để phục vụ cho chính quyền đô hộ mà để tiếp thu những tri thức cần thiết, tổ chức lực lượng đấu tranh, xây dựng bộ máy chính quyền tự chủ, và đề ra các chính sách có lợi cho Nhân dân.

Bên cạnh đó, Nhân dân ta kiên quyết bác bỏ các tư tưởng như “bình thiên hạ”, “tôn quân đại thống nhất” cùng những quan điểm gia trưởng khinh thường phụ nữ của Nho giáo dưới thời Hán – Đường. Nhờ vậy, văn hóa Việt đã phát triển mạnh mẽ, đủ sức chống lại âm mưu đồng hóa của quân xâm lược, tạo động lực lớn cho công cuộc giành lại độc lập dân tộc vào thế kỷ X.

Đối với tư tưởng Đạo giáo, Nhân dân đã tiếp nhận một cách khôn khéo và có tính chọn lọc cao. Trong giai đoạn này, Nhân dân cũng tiếp thu những yếu tố tích cực của Phật giáo, sử dụng như một phương tiện để đấu tranh chống lại chính sách Hán hóa của phong kiến phương Bắc. Phật giáo đã trở thành một phần quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và có vai trò nổi bật ở nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc. Nhiều chư tăng và Phật tử yêu nước đã tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh chống lại sự thống trị của phong kiến phương Bắc. Chính quyền đô hộ không những không thể lợi dụng Phật giáo cho âm mưu đồng hóa mà ngược lại, vô tình đã làm cho Phật giáo phát triển mạnh mẽ, trở thành hệ tư tưởng quan trọng và là “lá chắn” tinh thần cho Nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh để bảo vệ văn hóa dân tộc.

Thứ năm, tiếp thu, chuyển hóa những giá trị văn hóa tốt đẹp từ bên ngoài để “Việt hóa” phù hợp với cách nghĩ, nếp sống của người Việt.

Quá trình Bắc thuộc đã chứng kiến sự bền bỉ của các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, thể hiện qua sự phản kháng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh đòi quyền độc lập và tự chủ. Họ đã đấu tranh chống lại mưu đồ đồng hóa văn hóa của chính quyền đô hộ. Với sức mạnh của văn hóa người Việt dẫn đến việc nhiều dòng họ người Hán khi di cư xuống Âu Lạc dần Việt hóa, tiếp thu và áp dụng các phong tục tập quán, sinh hoạt và lễ nghi của người Việt, từ đó lấy tư cách dân tộc Việt để chống lại ách đô hộ từ phương Bắc.

Mặc dù người Việt bảo vệ văn hóa truyền thống, song với tinh thần cởi mở, khoan dung, những giá trị văn hóa tiến bộ, phù hợp với tư duy, lối sống và phương thức tồn tại của dân tộc đã được tiếp nhận. Một số phong tục tập quán cũng có sự biến đổi theo hướng chọn lọc, hài hòa với tính cách và lối sống của người Việt. Trên cơ sở ý thức dân tộc và tinh thần tự cường, Nhân dân ta đã kết hợp giữa truyền thống và những phong tục tiến bộ, tốt đẹp của nền văn hóa ngoại nhập, như việc giã gạo bằng cối đạp thay vì dùng chày, sống trong nhà nền đất nện thay vì nhà sàn, cũng như sự phong phú và đa dạng hơn trong y phục, trang phục và nghệ thuật.

Quá trình tiếp xúc lâu dài với người Hán, người Việt đã tiếp thu hạt nhân hợp lý để bổ sung những giá trị chuẩn mực trong giao tiếp, thích ứng với thời đại. “Cách đọc Hán – Việt không phải sự vay mượn hoàn toàn và nguyên xi, mà là kết quả của sự tiếp nhận, biến cải ở những mức độ khác nhau từ phía người Việt đối với tiếng Hán và văn tự Hán thông qua quá trình tiếp xúc, giao lưu và đối thoại văn hóa”5

Về tư tưởng, Nhân dân ta đã chuyển hóa những yếu tố Hán thành những yếu tố mang đậm giá trị nhân văn và truyền thống. Các giá trị “trung quân”, “ái quốc” của Nho giáo đã chuyển hóa gắn liền hơn với tình yêu quê hương, tính cộng đồng của người Việt Nam. Giá trị của Đạo giáo hòa quyện với tinh thần tôn trọng và biết ơn tổ tiên, cùng những người có công với đất nước. Dưới ảnh hưởng của Đạo giáo, những con người ưu tú có công lao với dân tộc được phong thánh và lập miếu thờ. 

Giáo lý Phật giáo đã hòa quyện vào đời sống tâm hồn người Việt, thể hiện qua câu chuyện Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái và những nội dung đối đáp của Mâu Tử6 trong tác phẩm Lý hoặc luận. Tại đây, các giá trị từ bi, hỷ xả, vị tha, cứu khổ, cứu nạn được kết hợp với văn hóa bản địa, càng gần gũi hơn với tâm hồn và truyền thống đạo đức của người Việt, hình thành quan niệm phúc đức, nhân ái, như “lá lành đùm lá rách” hay “thương người như thể thương thân”. Phật giáo trong đời sống người Việt không chỉ thể hiện rõ những giá trị ưu việt của nó mà còn tiếp thu có chọn lọc những giá trị của Nho giáo và Đạo giáo. Điều này đã manh nha thể hiện xu hướng “tam giáo đồng nguyên”, trở thành một đặc trưng nổi bật trong văn hóa Việt Nam.

4. Nâng cao nhận thức trong bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức của các chủ thể về sự cần thiết phải bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Quá trình chống đồng hóa văn hóa của Nhân dân ta trong thời kỳ Bắc thuộc có ý nghĩa to lớn trong nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và Nhân dân về văn hóa, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, sức mạnh văn hóa dân tộc và sự cần thiết phải đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vì: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”7. Qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, những giá trị bền vững và tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được hình thành, củng cố và phát triển. Những giá trị này bao gồm “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”8. Bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành một hệ giá trị quan trọng để khẳng định bản lĩnh, sức mạnh dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Do đó, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. Các chủ thể cần có thái độ đúng, trách nhiệm cao trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, xác lập động lực tinh thần to lớn góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, bảo đảm cho văn hóa phát triển đúng hướng và thấm nhuần tinh thần dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành động lực, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Hai là, đề cao cảnh giác, chủ động nhận diện âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch, phản động.

Thời gian qua, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để công kích và xuyên tạc đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa. Chúng triệt để khai thác các tiêu cực trong xã hội để tạo ra mâu thuẫn về nhận thức tư tưởng trong nhân dân, đồng thời đẩy mạnh việc truyền bá các sản phẩm phản văn hóa, khuyến khích lối sống cơ hội, thực dụng và sùng bái vật chất tầm thường, từ đó làm suy giảm các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Mục tiêu cuối cùng của các thế lực thù địch, phản động là làm xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc, dẫn tới tác động tiêu cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, cần nâng cao cảnh giác trước âm mưu để hòng “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch, phản động. Kiên quyết ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai cùng thông tin độc hại. Để thực hiện điều này, cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành của cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ chủ chốt tại địa phương nhằm bảo đảm các hoạt động văn hóa được phát triển theo đúng định hướng chính trị, mang đậm bản sắc dân tộc phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Các cấp, các ngành và địa phương cần chú trọng chỉ đạo và giám sát chặt chẽ trong các hoạt động văn hóa; đồng thời tăng cường giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc. Đề cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa”. Nâng cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và các hành vi đi ngược lại thuần phong mỹ tục, góp phần bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Ba là, coi trọng phát huy sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa không chỉ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn là nhân tố quan trọng trong việc tạo động lực phát triển bền vững cho đất nước trong tương lai. Hiện nay, với lợi thế của nền văn hóa độc đáo, việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc Việt Nam là một chiến lược đúng đắn nhằm thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”9. Để đạt được mục tiêu này, cần xây dựng các nội dung, phương thức phát huy tối đa sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ việc bảo vệ văn hóa dân tộc của các nước trên thế giới, nhằm hoàn thiện các chính sách, chiến lược phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của dân tộc trong bối cảnh mới. Đồng thời, cần chú trọng phát triển các sản phẩm văn hóa có giá trị, làm nền tảng cho sự hình thành một nền công nghiệp văn hóa lành mạnh, mang đậm giá trị nhân văn và bản sắc dân tộc. Chủ động rà soát và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước.

Bốn là, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa là tất yếu và cần thiết. Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc không đồng nghĩa với việc “đóng cửa” hay “khép kín” mà là chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa từ bên ngoài có chọn lọc phù hợp thực tiễn con người Việt Nam. Hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia trên thế giới không chỉ giúp tăng cường sự hiểu biết về các giá trị văn hóa đa dạng mà còn mang lại những kinh nghiệm quý báu trong phát triển văn hóa. Thông qua đó, để tiếp nhận và chuyển hóa các giá trị văn hóa nhân loại phù hợp với đặc điểm và truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thường xuyên quán triệt và hiện thực hóa quan điểm: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”10. Đây là định hướng quan trọng để vừa hòa nhập cùng xu thế phát triển văn hóa toàn cầu trong việc làm giàu và bảo tồn bản sắc, vừa phù hợp với tiến trình đổi mới uyển chuyển và tinh tế của văn hóa Việt Nam. Việc mở rộng giao lưu quốc tế không chỉ làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam mà còn góp phần khẳng định vị thế của văn hóa dân tộc trên trường quốc tế, tạo động lực cho sự phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

5. Kết luận

Quá trình đấu tranh chống đồng hóa văn hóa người Việt bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc, thể hiện sức mạnh tự cường và ý chí kiên cường của Nhân dân trước âm mưu đồng hóa toàn diện của các triều đại phong kiến phương Bắc. Dù chính quyền đô hộ đã áp dụng nhiều biện pháp đồng hóa về văn hóa, tư tưởng và lối sống, người Việt vẫn giữ vững được các giá trị văn hóa bản địa thông qua các cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, không ngừng nghỉ của các thế hệ người Việt. Những phong tục, tập quán, ngôn ngữ và tư tưởng truyền thống không chỉ được bảo vệ mà còn phát triển và thích ứng linh hoạt với bối cảnh xã hội. Đồng thời, người Việt cũng tiếp thu chọn lọc những yếu tố tiến bộ từ các nền văn hóa ngoại nhập, qua đó, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho bản sắc văn hóa dân tộc.

Sự kiên cường trong việc bảo vệ văn hóa trong thời kỳ Bắc thuộc đã trở thành bài học quý để vận dụng vào bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong nhận diện và đấu tranh đồng hóa các mưu đồ “xâm lăng văn hóa”, đồng thời không ngừng làm giàu và phát huy giá trị văn hóa dân tộc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chú thích:

1. Vũ Duy Mến (Chủ biên, 2017). Lịch sử Việt Nam. Tập 1. H. NXB Khoa học xã hội, tr. 211.

2, 4, 5. Phạm Xuân Nam (2019). Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa: Một góc nhìn từ Việt Nam. Tập 2. H. NXB Quân đội nhân dân, tr. 22, 71, 29.

3. Huỳnh Công Bá (2017). Lịch sử Việt Nam cổ trung đại. H. NXB Thuận Hóa, Huế, tr. 271.

6. Mâu Tử người Hán, sinh vào khoảng năm 170 ở Thương Ngô (nay là Quảng Tây, Trung Quốc); năm 189, theo mẹ chạy sang Giao Châu lánh nạn; học Phật giáo ở Dâu khoảng trước năm 195 và viết tác phẩm Lý hặc luận khoảng sau năm 195.

7. Nguyễn Phú Trọng (2024). Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 29.

8. Ban Chấp hành Trung ương (1998). Nghị quyết số 03/NQ-TW ngày 16/7/1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 145, 147.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 25/10/2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

2. Ban Chấp hành Trung ương (2014). Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

3. Nguyễn Tài Cẩn (2000). Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán – Việt. H. NXBĐại học quốc gia Hà Nội.

4. Doãn Chính (2015). Lịch sử triết học phương Đông. H. NXB Chính trị quốc gia.

5. Đại Việt sử ký toàn thư (2022). H. NXB Văn học.

6. Phạm Minh Huyền (1996). Văn hóa Đông Sơn – tính thống nhất và đa dạng. H. NXB Khoa học xã hội.

7. Vũ Quỳnh – Kiều Phú (1990). Lĩnh nam chích quái. H. NXB Văn học.