Thể chế tạo động lực trong mô hình tăng trưởng xanh và số: dạng hàm sản xuất mở rộng theo tư duy Mác-xít trong kỷ nguyên số

PGS.TS. Hoàng Văn Hoan
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Tiến Dũng
Đại học Tài nguyên Môi trường

Hoàng Mỹ Nguyên Trang
Đại học VinUni

(Quanlynhanuoc.vn) – Trên nền tảng đề xuất hàm sản xuất mở rộng Y = F(e, c, v, r, d), bao gồm các yếu tố môi trường, công nghệ, vốn nhân lực, tài nguyên không gian và dữ liệu nền tảng số. Bài viết phân tích mối quan hệ giữa thể chế sở hữu, vai trò nhà nước và động lực phát triển trong mô hình tăng trưởng xanh và số. Với cách tiếp cận kinh tế chính trị Mác-xít được tích hợp cùng lý thuyết thể chế hiện đại, bài viết đánh giá thực trạng và nhận diện các vấn đề đặt ra trong thể chế tạo động lực tại Việt Nam; từ đó, đề xuất hệ thống giải pháp thể chế theo từng nhóm yếu tố nhằm giải phóng động lực nội sinh, thúc đẩy phát triển bền vững, công bằng và hiệu quả trong kỷ nguyên số.

Từ khóa: Thể chế phát triển, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, động lực nội sinh, hàm sản xuất mở rộng.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và gia tăng bất bình đẳng phát triển, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh gắn với số hóa đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Đối với Việt Nam, yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và bao trùm đòi hỏi không chỉ đổi mới công nghệ hay mở rộng đầu tư mà còn phải thiết lập một hệ thống thể chế đủ năng lực để kích hoạt các nguồn lực nội sinh.

Kinh tế chính trị Mác-xít với trọng tâm là sự vận động biện chứng giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất cung cấp một khung lý luận sâu sắc để giải thích và thiết kế các mô hình phát triển. Theo Mác, không thể tách rời quá trình phát triển khỏi cấu trúc sở hữu tư liệu sản xuất và vai trò phân phối quyền lực trong nền kinh tế (Mác & Ăngghen, 1980). Trên cơ sở đó, đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để xây dựng mô hình kinh tế xanh – số vừa bảo đảm tăng trưởng hiệu quả, vừa công bằng sinh thái trong giới hạn tài nguyên? Thể chế nào có thể khơi thông và điều phối động lực phát triển?

Bài viết hướng đến bốn mục tiêu: (1) Phân tích tư tưởng Mác-xít dưới góc nhìn hiện đại về quyền sở hữu và động lực phát triển; (2) Đề xuất mô hình hàm sản xuất mở rộng Y = F(e, c, v, r, d), trong đó các yếu tố môi trường (e), công nghệ (c), vốn – nhân lực (v), tài nguyên – không gian (r) và dữ liệu – nền tảng số (d) được thể chế hóa như những tư liệu sản xuất mới; (3) Đánh giá thực trạng thể chế tại Việt Nam; (4) Kiến nghị các giải pháp thể chế nhằm kiến tạo mô hình phát triển xanh – số.

2. Cơ sở lý luận và khung phân tích

Trong Grundrisse (1857-1861), C. Mác đề xuất một cách tiếp cận phân kỳ lịch sử khác biệt so với lý thuyết năm phương thức sản xuất, nhấn mạnh đến sự vận động của các hình thái kinh tế – xã hội qua mối quan hệ giữa con người, vật chất và sản xuất. Ông viết: “Các quan hệ lệ thuộc cá nhân (thoạt đầu là hoàn toàn nguyên thủy)… Cá nhân tự do dựa trên sự phát triển vô hạn của các cá nhân và trên việc biến họ thành sức lao động tập thể…” (Mác – Ăngghen toàn tập, tập 46, tr. 166). Ba hình thái lớn của xã hội từ cộng đồng nguyên thủy, qua chủ nghĩa tư bản đến sản xuất hiện đại, phản ánh sự biến đổi về lực lượng và quan hệ sản xuất trong tiến trình lịch sử.

Hình thái thứ nhất, xã hội nguyên thủy dựa trên tài nguyên tự nhiên (r: resources) và lao động cơ bắp (l: labor), mô tả qua hàm F(r, l). Quan hệ sản xuất ở giai đoạn này còn giản đơn, phục vụ nhu cầu sinh tồn và sử dụng kỹ thuật thủ công.

Hình thái thứ hai, chủ nghĩa tư bản chuyển trọng tâm sang vốn (v: capital), biến tài nguyên và lao động thành hàng hóa. Hàm sản xuất trở thành F(v, r, l), với vai trò dẫn dắt của tư bản thông qua thị trường.

Hình thái thứ ba, nền kinh tế tri thức – lấy công nghệ (c: technology) làm trung tâm, làm mờ dần lao động truyền thống, tái cấu trúc thành F(c, v, r), trong đó tri thức và đổi mới trở thành yếu tố sản xuất chủ yếu.

Sự phát triển các hàm sản xuất không chỉ phản ánh cải tiến kỹ thuật mà còn là biểu hiện của các thời đại kinh tế khác nhau. Mỗi lần “nạp thêm” một yếu tố mới mang tính cách mạng, như: vốn, công nghệ hay dữ liệu là một bước nhảy vọt trong mô hình phát triển. Đây chính là logic của mọi cuộc chuyển hóa hình thái kinh tế trong lịch sử.

Hiện nay, trước khủng hoảng môi trường và cạn kiệt tài nguyên, mô hình tăng trưởng xanh đã xuất hiện như một lựa chọn bắt buộc. Mô hình này nội sinh hóa yếu tố môi trường (e: environment) vào hàm sản xuất, hình thành công thức mở rộng: Y = F(e, c, v, r)

Trong đó:

e là môi trường, đóng vai trò điều tiết và ràng buộc tăng trưởng;

c là công nghệ xanh, thúc đẩy đổi mới tuần hoàn;

v là vốn xanh và nguồn nhân lực;

r là tài nguyên thiên nhiên và không gian sinh thái.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số, các yếu tố trên chưa đủ để mô tả lực lượng sản xuất hiện đại. Sự trỗi dậy của dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain làm xuất hiện một hình thái sản xuất mới – lực lượng sản xuất số, có khả năng sao chép vô hạn với chi phí cận biên gần bằng 0. Do đó, cần nâng cấp hàm sản xuất thành: Y = F(e, c, v, r, d).

Trong đó, d là nền tảng dữ liệu (data), biểu hiện cho tư liệu sản xuất phi vật chất, có thể sử dụng lặp lại với hiệu suất gia tăng. Hàm mở rộng này phản ánh sự “phủ định biện chứng” trong phát triển. Nó đòi hỏi một cuộc tái cấu trúc toàn diện cả ba trụ cột: sở hữu, nhà nước, và động lực phát triển.

Trong hình thái mới, các tư liệu sản xuất hệ thống như môi trường, công nghệ, dữ liệu cần được sở hữu theo hướng công cộng hoặc hỗn hợp. Nhà nước giữ vai trò “kiến trúc sư thể chế”, thiết kế không gian đổi mới, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc công bằng thế hệ và phát triển bền vững. Theo đó, từng yếu tố trong hàm sản xuất Y = F(e, c, v, r, d) cần được thể chế hóa tương ứng, cụ thể:

(e) – Môi trường: được công nhận là tài sản chung có quyền, có cơ chế định giá và kiểm soát, gắn với lý thuyết tài sản chung của Elinor Ostrom và tư tưởng của Mác về hàng hóa xã hội hóa.

(c) – Công nghệ: là “lao động quá khứ vật hóa” (Marx & Engels, 1980), cần thể chế hóa qua luật sở hữu trí tuệ xanh, sandbox đổi mới và quỹ hỗ trợ công nghệ xanh.

(v) – Vốn và nhân lực: gắn với hệ thống tài chính xanh (trái phiếu xanh, chỉ số ESG) và đào tạo kỹ năng sinh thái. Cần sử dụng FinTech và chấm điểm tín dụng xanh để mở rộng khả năng tiếp cận vốn rẻ.

(r) – Tài nguyên và không gian: được quy hoạch dựa trên logic sinh thái – lãnh thổ – cộng đồng, có thể sử dụng luật đất đai xanh, chỉ số vùng hóa sinh thái, cơ chế quản trị theo địa bàn.

(d) – Dữ liệu: là tư liệu sản xuất phi vật chất, cần hạ tầng dữ liệu mở, blockchain công ích và thị trường dữ liệu công bằng. Việc “token hóa dữ liệu” (data tokenization) sẽ biến thông tin thành tài sản số có thể giao dịch, hỗ trợ phân phối công bằng giá trị số.

Từ đó, có thể đề xuất khung thể chế tạo động lực phát triển theo công thức Y = F(e, c, v, r, d), trong đó mỗi yếu tố được thiết kế gắn với cơ chế sở hữu, thể chế hóa phù hợp nhằm chuyển hóa tiềm năng thành hiệu quả kinh tế và giá trị xã hội.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, kết hợp phân tích – tổng hợp lý luận với đánh giá thực tiễn thể chế tại Việt Nam. Về mặt lý luận, bài viết vận dụng tư duy kinh tế chính trị Mác-xít về quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đồng thời tích hợp lý thuyết thể chế hiện đại của Douglass North (1990) và Elinor Ostrom (1990) để thiết lập khung phân tích thể chế tạo động lực trong mô hình tăng trưởng xanh – số.

Về mặt thực chứng, tiến hành rà soát hệ thống văn kiện Đảng, chính sách pháp luật và chiến lược quốc gia từ năm 1986 đến 2025, tập trung vào các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, phát triển bền vững và quản trị tài nguyên – công nghệ – dữ liệu. Nguồn dữ liệu thứ cấp được khai thác từ báo cáo của các bộ, ngành (Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ) và các tổ chức quốc tế (UNDP, OECD…), cùng với chỉ số GII, PCI, ESG. Các đề xuất giải pháp được thiết kế theo cấu trúc hàm sản xuất mở rộng Y = F(e, c, v, r, d), gắn với thể chế hóa từng yếu tố nhằm kích hoạt động lực nội sinh.

4. Thực trạng và vấn đề đặt ra

Tư duy thể chế hóa các yếu tố môi trường và dữ liệu trong mô hình tăng trưởng xanh và số bắt đầu định hình từ cuối thập niên 1980 và ngày càng hoàn thiện qua các kỳ Đại hội Đảng. Đại hội VI (năm 1986) khởi xướng công cuộc Đổi mới, tạo nền tảng mở đường cho phát triển thị trường và ứng dụng công nghệ. Đại hội VII (năm 1991) lần đầu tiên lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp nối, Đại hội VIII (năm 1996) đặt trọng tâm vào bảo vệ môi trường; Đại hội IX (năm 2001) nhấn mạnh hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sinh thái. Bước ngoặt quan trọng đến từ Đại hội X (năm 2006), khi khái niệm “tăng trưởng xanh” được chính thức đề cập, đồng thời đề cao vai trò của khoa học – công nghệ.

Từ Đại hội XI (năm 2011) đến Đại hội XIII (năm 2021), chiến lược tăng trưởng xanh và chuyển đổi số được nâng lên tầm quốc gia. Cương lĩnh phát triển đất nước năm 2011 xác định bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Nghị quyết số 24-NQ/TW (năm 2013) nhấn mạnh rằng môi trường là điều kiện tiên quyết của phát triển bền vững. Đại hội XII (năm 2016) xem tài nguyên là tài sản quốc gia cần khai thác tiết kiệm, hiệu quả. Nghị quyết số 55-NQ/TW (năm 2020) xác lập định hướng phát triển năng lượng tái tạo và thân thiện môi trường. Đại hội XIII (năm 2021) xác định rõ định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong khi Nghị quyết số 29-NQ/TW (năm 2022) đặt ra yêu cầu chuyển đổi xanh – chuyển đổi số trong mọi ngành, lĩnh vực.

Trên cơ sở định hướng chiến lược của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thể chế hóa tăng trưởng xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg, 2012) xác định mục tiêu giảm phát thải và thúc đẩy sản xuất xanh. Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược (Quyết định số 403/QĐ-TTg, 2014) đề ra các nhiệm vụ cụ thể về đầu tư, khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực xanh. Nghị quyết số 73/NQ-CP (năm 2016) yêu cầu lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm. Việt Nam cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris thông qua Quyết định số 2053/QĐ-TTg (năm 2016).

Các công cụ tài chính xanh như vốn ODA và trái phiếu xanh được thúc đẩy thông qua các Nghị định số 93/2018/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Đặc biệt, Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg, 2021) đặt ra các chỉ tiêu định lượng cụ thể và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP chính thức thiết lập thị trường carbon trong nước.

Các đạo luật như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Xây dựng năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, Luật Quy hoạch năm 2017 đã tích hợp các nội dung liên quan đến sinh thái và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp hiện nay vẫn thiếu các đạo luật chuyên biệt về tài sản môi trường, thị trường tín chỉ carbon và tiêu chuẩn ESG, dẫn đến hiện tượng “độ trễ thể chế” như đã được chỉ ra trong tư tưởng của C. Mác về sự chậm thay đổi của kiến trúc thượng tầng so với cơ sở hạ tầng kinh tế.

Về yếu tố dữ liệu (d), tư duy chuyển đổi số bắt đầu hình thành rõ nét từ Đại hội XII (năm 2016) và được xác lập là một trong ba đột phá chiến lược tại Đại hội XIII (năm 2021) với trọng tâm là phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Nghị quyết số 52-NQ/TW (năm 2019) xác định rõ lộ trình phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới công nghệ. Một số luật nền tảng đã được ban hành như Luật Giao dịch điện tử năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2023, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. Quyết định số 749/QĐ-TTg (năm 2020) ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Đặc biệt, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã công nhận dữ liệu số là một dạng tư liệu sản xuất, mở đường cho việc thể chế hóa thị trường dữ liệu, hạ tầng số và nền kinh tế dữ liệu mở.

Tuy nhiên, bất chấp tiến triển về mặt chính sách, thể chế hiện hành vẫn còn tồn tại nhiều rào cản ở cả ba tầng: mức độ thể chế hóa các yếu tố đầu vào còn thiếu đồng bộ; năng lực kích hoạt động lực nội sinh từ các chủ thể kinh tế – xã hội còn hạn chế; và khả năng điều phối tổng thể của hệ thống thể chế quốc gia chưa đạt yêu cầu của một mô hình phát triển tích hợp xanh – số.

Thứ nhất, thể chế hóa các yếu tố đầu vào còn thiếu đồng bộ và chưa đầy đủ.

Yếu tố môi trường (e) đã được khởi đầu bằng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, song các công cụ thị trường như thuế carbon, định giá hệ sinh thái và thị trường tín chỉ carbon vẫn chưa được vận hành thực chất. Việc triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES) mới dừng ở quy mô thí điểm tại 13 tỉnh, trong khi thị trường carbon vẫn trong giai đoạn thử nghiệm theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Môi trường vẫn chưa được thể chế hóa như một tài sản có quyền, dẫn đến tình trạng khai thác vượt ngưỡng sinh thái. Yếu tố công nghệ (c) cũng chưa được đầu tư tương xứng, khi tỷ lệ chi cho R&D xanh chỉ chiếm khoảng 0,45% GDP năm 2022 – thấp hơn trung bình khu vực. Thiếu luật về sở hữu trí tuệ xanh và cơ chế sandbox công nghệ đang làm suy yếu hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nội sinh.

Về vốn và nhân lực (v), mặc dù tín dụng xanh đã đạt khoảng 500.000 tỷ đồng nhưng trái phiếu xanh mới chiếm dưới 1% tổng lượng trái phiếu phát hành (PCI, 2022), cho thấy khung pháp lý vẫn chưa đủ hấp dẫn và ổn định. Đặc biệt, tỷ lệ các trường đại học có chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo hay ESG còn dưới 10%, phản ánh sự thiếu hụt đáng kể về vốn con người xanh.

Yếu tố tài nguyên – không gian (r) dù đã được lồng ghép vào Luật Đất đai năm 2024, song việc giám sát sức tải sinh học và quy hoạch tích hợp vẫn còn yếu; tài nguyên vẫn được quản lý theo chiều ngành dọc, thiếu cơ chế phân bổ trên nền tảng sinh thái – xã hội. Đối với dữ liệu – nền tảng số (d), dù kinh tế số được kỳ vọng đóng góp 50 tỷ USD vào GDP năm 2025, nhưng đến nay Việt Nam vẫn thiếu luật về sở hữu dữ liệu và định giá dữ liệu công, khiến dữ liệu chưa trở thành tư liệu sản xuất có thể vận hành trong cơ chế thị trường minh bạch.

Thứ hai, khả năng kích hoạt động lực nội sinh từ các chủ thể kinh tế xã hội còn hạn chế.

Trong bối cảnh phát triển bền vững đòi hỏi sự tham gia rộng rãi và đồng hành của toàn xã hội, việc động lực phát triển chưa được khơi dậy một cách đồng bộ từ các chủ thể kinh tế – xã hội là một điểm nghẽn đáng kể. Đáng chú ý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, lại là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong quá trình chuyển đổi xanh – số, do hạn chế về năng lực công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực.

Theo báo cáo PCI năm 2022, chỉ khoảng 17% doanh nghiệp thuộc nhóm này nhận được hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư xanh, trong khi phần lớn vẫn chưa tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi hoặc nguồn vốn đổi mới sáng tạo. Việc thiếu các cơ chế khuyến khích đầu tư xanh phù hợp với quy mô và đặc thù của doanh nghiệp nhỏ đang làm giảm khả năng lan tỏa chuyển đổi bền vững trong khu vực tư nhân, vốn được xác định là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, vai trò của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân cư nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được coi là một lực lượng sản xuất có chủ thể. Trong khi các cộng đồng này trực tiếp sinh sống, khai thác và bảo vệ tài nguyên sinh thái như rừng, đất, nước…, họ lại chưa thực sự được tham gia vào quá trình ra quyết định, quy hoạch hay phân phối lợi ích từ các chính sách tài nguyên – môi trường.

Mô hình quản lý rừng cộng đồng (Community-Based Forest Management – CBFM), dù đã có các thử nghiệm thực tiễn thành công, vẫn chưa được luật hóa như một hình thức sở hữu xã hội về tài nguyên. Điều này làm suy yếu khả năng hình thành thiết chế hợp tác xã hội – điều mà theo C. Mác, chính là biểu hiện cao nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, dựa trên nền tảng phân công lao động xã hội và sở hữu chung các tư liệu sản xuất mang tính hệ thống. Việc không thể chuyển hóa tiềm năng cộng đồng thành động lực phát triển khiến chiến lược tăng trưởng xanh – số có nguy cơ trở thành tiến trình “từ trên xuống”, thiếu sức sống thực tiễn và tính bền vững nội sinh.

Thứ ba, cơ chế điều phối tổng thể trong hệ thống thể chế quốc gia còn rời rạc, phân tán và thiếu năng lực tích hợp.

Để vận hành một mô hình phát triển xanh – số, đòi hỏi không chỉ sự hiện diện của từng chính sách chuyên ngành mà quan trọng hơn là một hệ thống thể chế đủ năng lực tích hợp, điều phối liên ngành và điều hòa lợi ích giữa các chủ thể. Tuy nhiên, hiện nay, thể chế quốc gia về tăng trưởng xanh và chuyển đổi số vẫn tồn tại trong các mảnh ghép rời rạc, được thiết kế bởi nhiều bộ, ngành khác nhau mà chưa có một cơ chế thống nhất về phối hợp chính sách. Đáng chú ý, Việt Nam vẫn chưa ban hành một đạo luật khung hoặc chiến lược liên kết tích hợp giữa hai trụ cột: tăng trưởng xanh và kinh tế số, trong khi đây chính là yêu cầu cốt lõi để hướng tới mô hình phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Các công cụ thể chế then chốt như thuế carbon, quỹ chuyển đổi xanh, cơ chế định giá tài sản sinh thái hoặc các tiêu chuẩn bắt buộc về ESG vẫn đang ở dạng đề xuất hoặc phân tán ở các văn bản dưới luật, chưa đủ tính cưỡng chế để tạo chuyển biến thực chất. Hệ thống tài chính xanh, một trong những cấu phần quan trọng để dẫn dắt dòng vốn và hành vi thị trường cũng đang bị phân tán quản lý giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương nhưng chưa có một thiết chế trung tâm chịu trách nhiệm điều phối toàn hệ thống. Điều này dẫn đến tình trạng “chính sách đúng nhưng không đến được nơi cần” làm giảm hiệu lực thực thi và làm lu mờ vai trò điều tiết chiến lược của Nhà nước.

Hơn nữa, trong khi dữ liệu là yếu tố nền tảng của điều hành hiện đại vẫn thiếu khung pháp lý rõ ràng thì các cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường, năng lượng, tín chỉ carbon, tài nguyên thiên nhiên… vẫn bị phân tán và chưa được tích hợp để phục vụ hoạch định chính sách đồng bộ. Thiếu một hệ sinh thái dữ liệu mở và các chỉ số giám sát liên ngành khiến quá trình kiểm soát, đánh giá, phản hồi chính sách bị trì trệ và kém minh bạch. Trong bối cảnh đó, không gian thể chế điều phối hiện tại chưa đủ để định hình một nền kinh tế có năng lực thích ứng cao, chủ động kiến tạo và đổi mới liên tục như yêu cầu của mô hình tăng trưởng xanh và số.

Bảng 1. Đánh giá thực trạng thể chế hóa các yếu tố trong hàm Y = F (e, c, v, r, d)

Yếu tố sản xuấtTình trạng hiện tạiVấn đề chính
Môi trường (e)Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, triển khai PES, chuẩn bị thị trường carbonThiếu luật tài sản môi trường, định giá yếu
Công nghệ (c)R&D xanh < 0,5% GDP, thiếu sandbox, chưa có luật IP xanhThiếu động lực đổi mới sáng tạo nội sinh
Vốn – nhân lực (v)Có tín dụng xanh, giáo dục ESD bước đầu triển khaiChưa hình thành hệ thống tài chính xanh đầy đủ
Tài nguyên (r)Luật Đất đai năm 2024, quy hoạch sinh thái một phần triển khaiQuy hoạch còn phân mảnh, thiếu giám sát sinh học
Dữ liệu (d)Luật Giao dịch điện tử năm 2023, định danh dữ liệu bước đầuChưa có luật sở hữu dữ liệu, chưa hình thành thị trường dữ liệu mở
Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo của MONRE, MPI, MIC và tài liệu nghiên cứu của tác giả.

5. Giải pháp đổi mới thể chế tạo động lực cho cho mô hình tăng trưởng xanh và số của Việt Nam

Trên cơ sở khung lý thuyết về hàm sản xuất mở rộng, kết quả đánh giá thực trạng thể chế hiện hành cùng với những yêu cầu chiến lược trong thời đại chuyển đổi số và khát vọng phát triển dài hạn của quốc gia, có thể đề xuất một số giải pháp thể chế nhằm nâng cao năng lực kích hoạt các yếu tố sản xuất xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững với tốc độ cao.

Thứ nhất, thể chế hóa yếu tố môi trường (e) – Kiến tạo động lực xanh và số. Trong thực tiễn hiện nay, thể chế Việt Nam vẫn thiên về quản lý hành chính, thiếu khung pháp lý công nhận môi trường như một loại tài sản có quyền, dẫn đến tình trạng khai thác vượt ngưỡng và thiếu hiệu quả.

Để kiến tạo động lực xanh và số, các giải pháp cụ thể, gồm: (1) Ban hành Luật Tài sản môi trường, công nhận môi trường là tài sản công có quyền, được định giá, khai thác, bảo vệ theo cơ chế pháp lý minh bạch; luật cần tích hợp “môi trường số hóa” với quyền tiếp cận và chia sẻ dữ liệu sinh thái. (2) Xây dựng hệ thống hạch toán sinh thái số theo chuẩn SEEA của Liên hiệp quốc, đưa chi phí suy thoái và giá trị bảo tồn vào tài khoản quốc gia, chuyển từ chỉ tiêu GDP sang tổng tài sản (bao gồm tài sản sinh thái và dữ liệu). (3) Thành lập cơ quan quản lý tài sản sinh thái và dữ liệu môi trường quốc gia, điều phối chính sách tài nguyên và vận hành thị trường tín chỉ carbon số hóa bằng công nghệ blockchain. (4) Phát triển tài chính sinh thái số, gồm: quỹ đầu tư xanh, ngân hàng môi trường, ví tín chỉ carbon. (5) Thể chế hóa quyền tiếp cận và phân phối lợi ích môi trường cho cộng đồng địa phương, tạo nền tảng công bằng – bền vững theo tư tưởng biện chứng của C. Mác.

Thứ hai, cải cách thể chế đổi mới sáng tạo xanh và số. Thúc đẩy động lực công nghệ (c): (1) Ban hành Luật Đổi mới sáng tạo xanh, hợp nhất các chính sách về R&D, sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp công nghệ cao; thiết lập cơ chế ưu đãi thuế cho nghiên cứu sinh thái, khung sở hữu trí tuệ xanh và hỗ trợ khởi nghiệp từ ý tưởng đến thương mại hóa. (2) Triển khai cơ chế sandbox công nghệ cho các lĩnh vực trọng điểm, như: năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, lưu trữ năng lượng, công nghệ carbon thấp. Sandbox tạo không gian thử nghiệm chính sách, giảm rào cản pháp lý và thúc đẩy thương mại hóa nhanh. (3) Cải cách tài khóa – tín dụng xanh, bao gồm miễn thuế nhập khẩu thiết bị môi trường, ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ đổi mới sinh thái. (4) Tham gia chủ động các sáng kiến chuyển giao công nghệ xanh toàn cầu và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao trở thành hạ tầng động lực phổ biến hóa sáng tạo. Đây là hiện thực hóa tư tưởng của C. Mác về phổ quát hóa tư liệu sản xuất cho các chủ thể xã hội – nền tảng phát triển công bằng, năng suất cao.

Thứ ba, thể chế hóa vốn và nguồn nhân lực (v). Kiến tạo động lực tài chính – con người. Thể chế hóa vốn gắn với dòng vốn, năng lực con người với mục tiêu xanh – số, chuyển đổi kinh tế sang thâm dụng tri thức, sinh thái.

Các giải pháp cụ thể gồm: (1) Ban hành chiến lược tài chính xanh quốc gia đến 2045, định hướng huy động và phân bổ vốn ưu tiên cho năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, giao thông carbon thấp, công nghiệp tuần hoàn và hạ tầng số xanh. (2) Xây dựng khung pháp lý tài chính xanh, quy định phát hành – giám sát trái phiếu xanh, tín dụng xanh, phân loại dự án và tiêu chí đánh giá hiệu quả môi trường. (3) Triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia, tạo thị trường kết nối giữa chủ thể phát thải và nhà đầu tư, thúc đẩy đổi mới công nghệ thông qua định giá chi phí cơ hội carbon. (4) Phát triển nguồn nhân lực xanh với bộ tiêu chuẩn kỹ năng xanh, đổi mới giáo dục nghề và đại học theo hướng tích hợp kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh và quản trị ESG. (5) Thiết lập hệ sinh thái tài chính – nhân lực số, bao gồm hồ sơ kỹ năng điện tử, cơ sở dữ liệu nghề xanh, kết nối cung – cầu lao động trong nền kinh tế xanh và số.

Thứ tư, điều tiết tài nguyên – không gian sinh thái (r). Thể chế hóa r tái định hình không gian phát triển theo tư duy sinh thái – công bằng – hiệu quả, giải quyết xung đột giữa công nghiệp hóa, đầu cơ tài nguyên và tiếp cận cộng đồng.

Theo đó các giải pháp cụ thể gồm: (1) Ban hành Luật Không gian sinh thái và quy hoạch tài nguyên quốc gia, điều tiết đồng bộ giữa sử dụng tài nguyên, bố trí không gian và bảo tồn hệ sinh thái; phân định rõ không gian bất khả xâm phạm, không gian chuyển đổi và không gian tích hợp trên cơ sở sinh thái – kinh tế liên vùng. (2) Thiết lập hệ thống định giá và quyền tiếp cận tài nguyên, bao gồm quyền sử dụng sinh thái gắn với nghĩa vụ bảo tồn, cơ chế đấu giá minh bạch dựa trên chỉ số xanh và cơ sở dữ liệu không gian số mở. (3) Thành lập Quỹ điều tiết tài nguyên – không gian sinh thái, sử dụng nguồn thu từ khai thác tài nguyên và tín chỉ carbon để đầu tư phục hồi, bảo tồn và hỗ trợ sinh kế vùng yếu thế. (4) Ứng dụng công nghệ số giám sát không gian, như: bản đồ sinh thái thời gian thực, cảnh báo suy thoái bằng AI, tích hợp hệ thống thông tin đất đai – quy hoạch. (5) Thể chế hóa quyền sinh thái cộng đồng, trao quyền giám sát, khai thác và chia sẻ lợi ích từ không gian sinh thái cho người dân địa phương.

Thứ năm, thể chế hóa dữ liệu – nền tảng số (d). Thể chế hóa d xác lập quyền sở hữu, tiếp cận, khai thác, phân phối giá trị dữ liệu công bằng, minh bạch, giải phóng sáng tạo số.

Theo đó, các giải pháp đề xuất là: (1) Ban hành Luật Sở hữu dữ liệu và hạ tầng số công cộng, quy định định danh, định giá và bảo vệ dữ liệu, như tài sản có quyền; thiết lập cơ chế ủy thác công (public trust) để nhà nước quản lý dữ liệu công, đồng thời, bảo đảm người dân được truy cập và sử dụng phục vụ phát triển. (2) Phát triển hạ tầng dữ liệu mở quốc gia, tích hợp dữ liệu môi trường, tài nguyên, carbon, ESG và khí hậu nhằm tạo nguồn nguyên liệu số cho đổi mới sáng tạo sinh thái. (3) Xây dựng Sàn giao dịch dữ liệu xanh – số, cho phép trao đổi dữ liệu sinh thái, ESG và tín chỉ carbon thông qua hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain công ích. (4) Thiết lập chỉ số tài sản dữ liệu và tín nhiệm sinh thái, bắt buộc đánh giá minh bạch dữ liệu doanh nghiệp, thúc đẩy ESG trong sản xuất – kinh doanh. (5) Xây dựng Chiến lược quốc gia về dữ liệu vì phát triển bền vững, liên kết chủ quyền dữ liệu, công lý dữ liệu với hệ sinh thái AI – đổi mới sáng tạo phục vụ mục tiêu xanh – số dài hạn.

6. Kết luận

Tăng trưởng xanh và số không còn là một lựa chọn mang tính kỹ thuật hay xu hướng chính sách ngắn hạn mà đã trở thành một tất yếu lịch sử trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với khủng hoảng môi trường, suy thoái tài nguyên và chuyển dịch công nghệ sâu rộng. Đối với Việt Nam mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải thực hiện một đột phá thể chế toàn diện – tương đương với vai trò lịch sử của chế độ tư hữu trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Trong kỷ nguyên của kinh tế số và kinh tế xanh, thể chế không thể dừng lại ở vai trò hành chính – điều tiết mà phải được thiết kế lại như một thiết chế kiến tạo động lực. Mô hình thể chế tạo động lực theo hàm sản xuất mở rộng Y = F (e, c, v, r, d) do đó, không chỉ là một công cụ phân tích mà là một định hướng chiến lược cho cải cách thể chế trong thời đại mới – nơi mỗi yếu tố đầu vào phát triển phải được thể chế hóa, vận hành và phối hợp một cách đồng bộ để giải phóng các động lực nội sinh, đưa Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường hiện đại hóa bền vững.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2011). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển).
2. Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
3. Ban Chấp hành Trung ương (2020). Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Ban Chấp hành Trung ương (2022). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
5. Bộ Chính trị (2024). Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
6. Bộ Chính trị (2025). Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022). Báo cáo đánh giá thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2012 – 2020.
9. Bộ Khoa học và Công nghệ (2023). Báo cáo tổng kết hoạt động R&D xanh tại Việt Nam năm 2022.
10. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Báo cáo quốc gia về môi trường Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.
11. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022). Báo cáo về thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
12. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023a). Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đến năm 2030.
13. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023b). Báo cáo triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES) tại Việt Nam.
14. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Báo cáo chuyển đổi số quốc gia năm 2020 – 2021.
15. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2022). Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022.
16. Quốc hội (2010). Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.
17. Quốc hội (2017). Luật Quy hoạch năm 2017.
18. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung năm 2020.
19. Quốc hội (2023). Luật Tài nguyên nước sửa đổi, bổ sung năm 2023.
20. Mác – Ăngghen toàn tập (1980). Tập 46. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 166.
21. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2050.
22. Tổng cục Thống kê (2023). Niên giám thống kê Việt Nam 2022.
23. Google, Temasek, & Bain & Company (2023). e-Conomy SEA report 2023. Singapore.
24. North, D. C. (1990). Institutions, Institutional Change and Economic Performance. Cambridge: Cambridge University Press.
25. OECD (1996). The Knowledge-Based Economy. Paris: Organisation for Economic Co-operation and Development.
26. Ostrom, E (1990). Governing the Commons: The Evolution of Institutions for Collective Action. Cambridge: Cambridge University Press.
27. Toffler, A. (1980). The Third Wave. New York: Bantam Books.
28. UNDP (2022). Human Development Report 2022: Uncertain times, unsettled lives. New York: United Nations Development Programme.
29. UNDP (2023). Community-Based Forest Management and Sustainable Livelihoods in Southeast Asia. New York: United Nations Development Programme.
30. WIPO (2023). Global Innovation Index 2023. Geneva: World Intellectual Property Organization.
31. World Economic Forum. (2023). Global Green Competitiveness Index 2023. Geneva: WEF.