ThS. Trần Hương Giang
Trường Đại học Tân Trào
(Quanlynhanuoc.vn) – Sự ra đời và ứng dụng ngày càng phổ biến các công nghệ hiện đại, như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data) và phần mềm kế toán tích hợp đang làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của ngành kế toán, từ đó kéo theo yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực trạng đào tạo ngành kế toán tại các trường đại học địa phương khu vực phía Bắc còn nhiều bất cập. Bài viết phân tích nguyên nhân gây ra sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của ngành kế toán hiện đại; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán tại các trường đại học địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số.
Từ khóa: Đào tạo kế toán; chất lượng đào tạo; chuyển đổi số; trường đại học; khu vực phía Bắc.
1. Đặt vấn đề
Ngành kế toán luôn giữ vai trò then chốt trong hoạt động tài chính – kế toán của mọi tổ chức, doanh nghiệp. Tính chất đặc thù của ngành đòi hỏi người học không chỉ tiếp thu kiến thức chuyên môn một cách bài bản mà còn phải được trang bị các kỹ năng thực hành chuyên sâu, khả năng tư duy phản biện, phân tích số liệu, sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán hiện đại và thích ứng tốt với môi trường làm việc thực tế. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với xu thế hội nhập toàn cầu và chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – kế toán, yêu cầu đối với nguồn nhân lực ngành này ngày càng cao hơn về chất lượng và số lượng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa yêu cầu của thị trường lao động và chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán, đặc biệt là tại các trường đại học địa phương. Theo phản ánh từ các nhà tuyển dụng và dữ liệu khảo sát cho thấy, sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán tại nhiều cơ sở đào tạo địa phương còn thiếu hụt rõ rệt về kỹ năng thực hành, khả năng làm việc với hệ thống phần mềm kế toán chuyên dụng cũng như các kỹ năng mềm, như: giao tiếp, làm việc nhóm, sử dụng tiếng Anh chuyên ngành hay thích ứng công nghệ mới. Hệ quả là nhiều sinh viên mặc dù có bằng cấp chính quy nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi bước vào môi trường làm việc thực tiễn, dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và làm giảm đáng kể hiệu quả sử dụng nhân lực trong doanh nghiệp.
Bài viết tập trung phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ngành kế toán tại một số trường đại học địa phương khu vực phía Bắc. Thông qua việc khảo sát thực trạng, đối chiếu với yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp và tham chiếu các lý thuyết giáo dục hiện đại, bài viết không chỉ làm rõ những “nút thắt” trong quá trình đào tạo hiện nay mà còn đề xuất một hệ thống giải pháp khả thi, đồng bộ và có tính ứng dụng cao nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kế toán. Qua đó, góp phần xây dựng nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số.
2. Thực trạng đào tạo ngành kế toán tại các trường đại học địa phương
Thứ nhất, về chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm chất lượng đầu ra của sinh viên, đặc biệt đối với các ngành học mang tính ứng dụng cao như ngành kế toán. Một chương trình đào tạo hiệu quả không chỉ cần bảo đảm tính hệ thống và khoa học trong truyền đạt tri thức chuyên môn mà còn phải chú trọng phát triển toàn diện các năng lực nghề nghiệp, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc hiện đại. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, tại một số trường đại học địa phương thuộc khu vực miền núi và trung du phía Bắc, chương trình đào tạo ngành kế toán vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, nội dung giảng dạy ở nhiều trường chưa bắt kịp với xu thế phát triển của ngành nghề, khi có tới 78% chương trình chưa tích hợp các kiến thức và kỹ năng mới, như: kế toán số, kế toán tài chính quốc tế hay ứng dụng công nghệ Blockchain – những yếu tố đang dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trong môi trường kế toán hiện đại, đặc biệt là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc hoạt động trong nền kinh tế số1. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, điều chỉnh và hiện đại hóa chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường lao động của sinh viên sau tốt nghiệp.
Việc các trường vẫn duy trì sử dụng khung học phần được xây dựng từ nhiều năm trước khiến chương trình đào tạo trở nên lạc hậu, rời rạc và chưa bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của môi trường nghề nghiệp. Một số học phần vẫn dừng lại ở việc giảng dạy các nguyên tắc kế toán cơ bản mà chưa chú trọng đến việc kết nối giữa lý thuyết với thực tiễn hoạt động kế toán trong doanh nghiệp hiện đại. Đáng chú ý, nhiều chương trình đào tạo chưa được rà soát, đánh giá hiệu quả bởi các bên liên quan như nhà tuyển dụng hay chuyên gia trong ngành, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa kiến thức hàn lâm và kỹ năng thực hành. Bên cạnh đó, tỷ lệ học phần thực hành trong chương trình hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 25 – 30% tổng khối lượng đào tạo, thấp hơn nhiều so với khuyến nghị tối thiểu 50% từ các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp2.
Tình trạng thiếu hụt học phần thực hành không chỉ khiến sinh viên thiếu cơ hội rèn luyện các kỹ năng cốt lõi, như: ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính, sử dụng phần mềm kế toán mà còn khiến sinh viên khó tiếp cận công việc thực tế. Nếu chương trình đào tạo không nhanh chóng thích nghi với những thay đổi này, sinh viên sẽ bị đặt vào thế bất lợi trong cạnh tranh nghề nghiệp; đồng thời, làm giảm uy tín và hiệu quả đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường ở khu vực địa phương – nơi vốn đã gặp nhiều thách thức về nguồn lực và cơ hội tiếp cận thông tin.
Thứ hai, về đội ngũ giảng viên.
Đội ngũ giảng viên giữ vai trò trung tâm trong quá trình giáo dục đại học, không chỉ đảm nhận chức năng truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò là người định hướng nghề nghiệp, phát triển tư duy phản biện và truyền cảm hứng học tập cho sinh viên. Trong bối cảnh ngành kế toán không ngừng thay đổi dưới tác động của công nghệ và hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra đối với giảng viên là phải vừa có nền tảng lý thuyết vững chắc, vừa am hiểu thực tiễn nghề nghiệp. Điều này bao gồm khả năng cập nhật các quy trình kế toán hiện đại, làm chủ các phần mềm chuyên dụng, cũng như tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ kế toán quốc tế. Tuy nhiên, theo tổng hợp từ một số nghiên cứu và báo cáo thực tiễn tại các trường đại học địa phương khu vực phía Bắc, chất lượng và trải nghiệm thực tế của đội ngũ giảng viên ngành kế toán vẫn còn là một thách thức. Cụ thể, chỉ khoảng 12% giảng viên có kinh nghiệm làm việc thực tiễn trong doanh nghiệp từ 1 năm trở lên và chỉ khoảng 6% sở hữu các chứng chỉ hành nghề kế toán quốc tế, như: ACCA, CPA Australia hay ICAEW – những chứng chỉ được công nhận rộng rãi như chuẩn mực năng lực chuyên môn toàn cầu trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán3.
Việc thiếu vắng trải nghiệm thực tiễn khiến nội dung giảng dạy của nhiều giảng viên trở nên thiên lệch về lý thuyết, thiếu ví dụ minh họa thực tế, chưa gắn với các tình huống phát sinh trong môi trường doanh nghiệp hiện đại. Hệ quả là sinh viên khó hình dung được cách thức vận hành của nghiệp vụ kế toán trong thực tiễn dẫn đến sự mơ hồ, thiếu hứng thú trong học tập. Đồng thời, việc không có cơ hội cập nhật những đổi mới trong hành nghề kế toán, như các phần mềm kế toán đám mây, kế toán theo chuẩn mực quốc tế IFRS hay xử lý dữ liệu kế toán lớn cũng khiến giảng viên không thể truyền đạt được những kỹ năng, kiến thức mà thị trường lao động hiện nay đang thực sự cần. Về mặt dài hạn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo của nhà trường, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của sinh viên và làm chậm quá trình hiện đại hóa giáo dục kế toán tại các trường đại học địa phương.
Thứ ba, về cơ sở vật chất.
Cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống công nghệ phục vụ thực hành giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán. Trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng ứng dụng sâu công nghệ vào hoạt động kế toán – tài chính, việc sinh viên được tiếp cận với các công cụ và phần mềm hiện đại trong quá trình học tập là điều kiện tiên quyết để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn. Tuy nhiên, theo ghi nhận trong một số nghiên cứu và báo cáo đánh giá thực trạng tại các trường đại học địa phương thuộc khu vực miền núi và trung du phía Bắc, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo kế toán vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, khoảng 65% phòng máy vi tính vẫn sử dụng các công cụ truyền thống như Microsoft Excel hoặc phiên bản dùng thử của phần mềm kế toán MISA thay vì triển khai các phần mềm chuyên nghiệp đang được doanh nghiệp sử dụng rộng rãi như Fast Accounting, Bravo hay các hệ thống ERP tích hợp4. Đáng chú ý hơn, phần lớn các cơ sở đào tạo chưa xây dựng được mô hình phòng thực hành mô phỏng toàn bộ quy trình kế toán trong doanh nghiệp dẫn đến hoạt động giảng dạy chủ yếu tập trung vào các thao tác cơ bản như ghi chép sổ sách và định khoản kế toán, chưa giúp sinh viên hình dung và vận dụng được một cách toàn diện quy trình kế toán – tài chính trong môi trường thực tế.
Thứ tư, về liên kết nhà trường và doanh nghiệp.
Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực tiễn. Tuy nhiên, tại nhiều trường đại học địa phương hiện nay, sự hợp tác này vẫn còn mang tính hình thức, thiếu tính hệ thống và chưa phát huy hiệu quả thực chất. Dẫn liệu từ một số nghiên cứu thực tiễn cho thấy, chỉ khoảng 22% sinh viên ngành kế toán được bố trí thực tập đúng chuyên ngành tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kế toán – tài chính5. Ngược lại, phần lớn sinh viên phải thực tập tại các cơ quan hoặc tổ chức không liên quan đến chuyên môn hoặc thực hiện các hoạt động mang tính hình thức như viết báo cáo tổng kết mà không được tiếp cận với quy trình nghiệp vụ, dữ liệu hay môi trường làm việc thực tế trong doanh nghiệp. Thực trạng này không chỉ làm giảm giá trị của kỳ thực tập mà còn tước đi cơ hội rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, phát triển tư duy và khả năng thích nghi với môi trường lao động hiện đại của sinh viên.
Thứ sáu, đánh giá từ phía nhà tuyển dụng.
Một trong những thước đo khách quan và quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả đào tạo ngành kế toán chính là ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng. Theo báo cáo của Navigos Group (2024), phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng với năng lực của sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán. Cụ thể, 68% nhà tuyển dụng cho rằng sinh viên thiếu kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán; 65% chưa thành thạo trong việc lập báo cáo tài chính; 61% cho rằng, khả năng giao tiếp và làm việc nhóm còn yếu; trong khi 54% nhận xét sinh viên gặp khó khăn trong việc sử dụng tiếng Anh chuyên ngành. Đặc biệt, 58% nhà tuyển dụng lo ngại về khả năng thích nghi công nghệ của sinh viên, trong khi xu hướng số hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi cấp độ kế toán doanh nghiệp6. Những con số này phản ánh một khoảng cách không nhỏ giữa nội dung đào tạo hiện có tại các trường đại học, đặc biệt là ở địa phương, với yêu cầu thực tế từ phía doanh nghiệp. Khoảng cách này không chỉ gây khó khăn cho quá trình tuyển dụng và sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và cơ hội việc làm của sinh viên. Do đó, để thu hẹp khoảng cách, đòi hỏi nhà trường phải có chiến lược cải tiến toàn diện – từ việc cập nhật chương trình đào tạo, tăng cường thực hành, phát triển kỹ năng mềm, đến việc hợp tác sâu rộng với doanh nghiệp để nắm bắt và phản hồi kịp thời các yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Chỉ khi đào tạo đi đôi với yêu cầu tuyển dụng thì sinh viên mới thực sự sẵn sàng hội nhập vào môi trường nghề nghiệp năng động và không ngừng đổi mới như hiện nay.
3. Một số giải pháp
Một là, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp. Trong bối cảnh ngành kế toán đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số và toàn cầu hóa, việc cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp là yêu cầu tất yếu không chỉ nhằm nâng cao chất lượng đầu ra mà còn để bảo đảm tính thích ứng của người học với thị trường lao động hiện đại. Các trường đại học, đặc biệt là các cơ sở đào tạo địa phương cần chủ động thiết lập Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp, chuyên gia nghề nghiệp và tổ chức kiểm định chất lượng nhằm bảo đảm nội dung đào tạo luôn được cập nhật theo kịp thực tiễn ngành. Chương trình không thể tiếp tục dừng lại ở các kiến thức kế toán truyền thống mà cần tích hợp các nội dung mới, như: kế toán số (digital accounting), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), công nghệ blockchain ứng dụng trong minh bạch dữ liệu tài chính và phần mềm kế toán hiện đại đang được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, bên cạnh việc đổi mới nội dung, cần tăng mạnh tỷ lệ học phần thực hành trong chương trình đào tạo, tối thiểu đạt 50% tổng khối lượng theo khuyến nghị từ khung năng lực quốc gia và chuẩn nghề nghiệp quốc tế để bảo đảm sinh viên không chỉ “biết” mà còn “làm được” những gì doanh nghiệp yêu cầu. Việc thiết kế chương trình theo hướng tích hợp vừa bảo đảm nền tảng lý thuyết vững chắc, vừa gắn với ứng dụng thực tiễn và kỹ năng công nghệ sẽ là chìa khóa giúp sinh viên kế toán không bị tụt lại trong kỷ nguyên số, đồng thời giúp nhà trường khẳng định vị thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng hội nhập.
Hai là, bồi dưỡng giảng viên theo hướng nghề nghiệp hóa. Trong bối cảnh ngành kế toán liên tục thay đổi cả về công nghệ lẫn yêu cầu thực tiễn, giảng viên không thể chỉ dừng lại ở vai trò truyền thụ kiến thức lý thuyết mà cần thực sự trở thành những “người hành nghề trong giáo dục”, có năng lực kết nối kiến thức với ứng dụng thực tiễn. Để đạt được điều đó, các trường cần xây dựng cơ chế khuyến khích giảng viên tham gia thực tập hoặc làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp ít nhất một tháng mỗi năm nhằm cập nhật quy trình nghiệp vụ, công cụ công nghệ và nhu cầu thực tế từ thị trường lao động. Song song với đó, nhà trường cần hỗ trợ cụ thể về tài chính, thời gian và lộ trình học tập để giảng viên có thể theo học và hoàn thành các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, như: ACCA, CPA, ICAEW. Ngoài ra, việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm chuyên môn, các khóa tập huấn nội bộ theo mô hình “đồng nghiệp đào tạo đồng nghiệp” sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái học tập và chia sẻ hiệu quả trong nội bộ giảng viên, giúp lan tỏa kinh nghiệm thực tế và khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy. Chỉ khi giảng viên thực sự hiểu rõ và làm chủ được thực tiễn nghề nghiệp thì mới có thể đào tạo nên những thế hệ sinh viên không chỉ vững kiến thức mà còn thành thạo kỹ năng và sẵn sàng hội nhập vào môi trường làm việc hiện đại.
Ba là, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và học liệu số. Các cơ sở đào tạo cần ưu tiên trang bị các phần mềm kế toán chuyên dụng, như: Fast Accounting, Bravo hay hệ thống ERP kế toán nhằm giúp sinh viên không chỉ làm quen mà còn thành thạo với công cụ mà doanh nghiệp đang sử dụng thực tế. Đồng thời, cần xây dựng ngân hàng bài tập thực hành đa dạng, mô phỏng quy trình kế toán trọn vẹn trong một doanh nghiệp, từ khâu lập chứng từ, ghi sổ, đối chiếu, lập báo cáo tài chính cho đến xử lý các tình huống phát sinh. Những bài tập này nên gắn với dữ liệu thật hoặc dữ liệu có tính mô phỏng cao để sinh viên tiếp cận thực tiễn ngay từ trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, khuyến khích sinh viên thực hiện các dự án kế toán có tính thực hành cao dưới sự hướng dẫn của giảng viên kết hợp với chuyên gia doanh nghiệp sẽ giúp người học phát triển tư duy hệ thống, năng lực phân tích và phản xạ nghề nghiệp. Việc đầu tư vào cơ sở vật chất không chỉ dừng lại ở phần mềm và thiết bị mà còn cần chú trọng phát triển học liệu số, bao gồm video hướng dẫn thao tác, kho tài liệu điện tử, mô hình tương tác trực tuyến nhằm đáp ứng xu hướng học tập linh hoạt, cá nhân hóa và hỗ trợ việc học suốt đời. Có thể khẳng định, một môi trường học tập được trang bị hiện đại và giàu tính ứng dụng sẽ là bệ phóng quan trọng để sinh viên ngành kế toán thích nghi nhanh, làm chủ công nghệ và hội nhập hiệu quả vào thị trường lao động đầy biến động hiện nay.
Bốn là, xây dựng cơ chế hợp tác lâu dài với doanh nghiệp. Để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, việc xây dựng một cơ chế hợp tác lâu dài, bền vững và có chiều sâu giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ là giải pháp mang tính tình thế mà cần được xác lập như một chiến lược phát triển cốt lõi trong đào tạo ngành kế toán. Trên thực tế, doanh nghiệp không chỉ là nơi tiếp nhận sinh viên thực tập mà còn là đối tác chiến lược tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo, từ xây dựng chương trình học, phản biện nội dung học phần đến đánh giá chuẩn đầu ra và góp ý cải tiến phương pháp giảng dạy. Để cụ thể hóa mối quan hệ này, các trường cần chủ động thiết lập và duy trì các biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với doanh nghiệp, trong đó quy định rõ trách nhiệm hai bên trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập đúng chuyên ngành, tổ chức đánh giá hiệu quả đào tạo thông qua phản hồi từ doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội tuyển dụng sinh viên sau thực tập nếu đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.
Ngoài ra, việc tổ chức thường niên các ngày hội nghề nghiệp chuyên ngành kế toán, các buổi tọa đàm hoặc diễn đàn định hướng nghề nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia tài chính và cựu sinh viên thành công sẽ tạo ra một không gian kết nối thực chất, giúp sinh viên nắm bắt nhu cầu thị trường, định hình con đường phát triển sự nghiệp, đồng thời giúp nhà trường không ngừng điều chỉnh nội dung đào tạo để bắt nhịp với những thay đổi của nền kinh tế. Khi mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được thiết lập như cấu phần hữu cơ trong hoạt động đào tạo, sinh viên không chỉ có điều kiện phát triển kỹ năng thực tiễn vững chắc mà còn được tiếp cận sớm với môi trường nghề nghiệp, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khắt khe và năng động.
4. Kết luận
Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của chuyển đổi số và toàn cầu hóa, yêu cầu đối với chất lượng nguồn nhân lực ngành kế toán ngày càng trở nên khắt khe và toàn diện hơn. Tuy nhiên, thực trạng đào tạo kế toán tại các trường đại học địa phương hiện nay vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Do đó, để tạo ra bước chuyển mình thực sự cần có một chiến lược đổi mới toàn diện và đồng bộ trên nhiều phương diện, từ việc cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp và thực hành, bồi dưỡng giảng viên theo hướng nghề nghiệp hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất và học liệu số đến việc thiết lập cơ chế hợp tác bền vững với doanh nghiệp. Việc triển khai hiệu quả các giải pháp sẽ không chỉ nâng cao năng lực nghề nghiệp và khả năng thích ứng của sinh viên mà còn góp phần nâng tầm vị thế và thương hiệu đào tạo của các trường đại học địa phương trong hệ sinh thái giáo dục quốc gia. Quan trọng hơn, đó còn là tiền đề để các trường thực hiện sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế số đang ngày một phát triển.
Chú thích:
1. Nguyễn Thị Mai Hương (2024). Báo cáo khảo sát chương trình đào tạo ngành Kế toán tại các trường đại học địa phương miền núi phía Bắc. Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển nhân lực.
2. Nguyễn Văn Thịnh (2023). Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số. H. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
3. Trần Thị Bích Ngọc (2024). Thực trạng giảng viên ngành kế toán tại các trường đại học địa phương khu vực phía Bắc. Tạp chí Khoa học Giáo dục và Đào tạo, số 22, tr. 45 – 53.
4. Phạm Văn Dũng (2024). Khảo sát cơ sở vật chất phục vụ đào tạo kế toán tại các trường đại học địa phương. Tạp chí Phát triển Giáo dục và Công nghệ, số 18, tr. 59 – 66.
5. Lê Thị Thu Hà (2024). Thực trạng liên kết nhà trường – doanh nghiệp trong đào tạo ngành Kế toán – Tài chính. Tạp chí Kinh tế và Phát triển nguồn nhân lực, số 27, tr. 72 – 80.
6. Navigos Group (2024). Báo cáo nhu cầu tuyển dụng và kỹ năng nhân lực ngành Kế toán – Tài chính tại Việt Nam năm 2024. Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực & Thị trường Lao động Navigos.