Định hướng chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

NCS. ThS. Nguyễn Quỳnh Trang
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Các khu công nghiệp truyền thống đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, nhưng cũng bộc lộ nhiều vấn đề, như: ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái trở thành yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Các doanh nghiệp tham gia mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thể hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, nhưng việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều thách thức. Do đó, nghiên cứu về định hướng chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững.

Từ khóa: Khu công nghiệp sinh thái, quản lý nhà nước, phát triển bền vững, chính sách phát triển.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh đối mặt với biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường, mô hình phát triển kinh tế xanh và bền vững đang trở thành xu thế toàn cầu. Phát triển khu công nghiệp sinh thái không chỉ là lựa chọn chiến lược mà là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam.

Các khu công nghiệp truyền thống tại Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm nhưng cũng đối mặt với nhiều vấn đề, như: ô nhiễm môi trường, tiêu hao tài nguyên và thiếu liên kết nội tại giữa các doanh nghiệp. Những vấn đề này đang cản trở mục tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi sự chuyển đổi sang các mô hình sản xuất bền vững hơn, trong đó khu công nghiệp sinh thái đóng vai trò trọng yếu.

Nhận thức được tầm quan trọng của khu công nghiệp sinh thái, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển các khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, nghiên cứu về định hướng chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam là nhiệm vụ cần thiết để đưa ra giải pháp hiệu quả. Bài viết khái quát thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái bền vững tại Việt Nam.

2. Bối cảnh hình thành khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

a. Khái quát chung

Khái niệm “khu công nghiệp sinh thái” xuất hiện từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX trong bối cảnh toàn cầu ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và quản trị tài nguyên trong công nghiệp. Khu công nghiệp sinh thái được hiểu là mô hình tổ chức khu công nghiệp, trong đó các doanh nghiệp tham gia sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên – năng lượng hiệu quả nhằm giảm thiểu chất thải và tối ưu chi phí. Tại Việt Nam, mô hình này bắt đầu được tiếp cận một cách hệ thống từ giữa những năm 2010, thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật do quốc tế tài trợ, nổi bật là Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và các đối tác kỹ thuật trong nước, như: Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Công ty ENTEC triển khai từ năm 2015 – 2019.

Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Thụy Sĩ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), kết hợp với nguồn tài chính từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) với tổng kinh phí viện trợ trên 4,5 triệu USD1. Mục tiêu chính của dự án là thúc đẩy quá trình chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình sinh thái thông qua các can thiệp tích hợp từ cấp chính sách đến cấp doanh nghiệp. Các khu công nghiệp được lựa chọn thí điểm gồm: Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 (Cần Thơ), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Khánh Phú và Gián Khẩu (Ninh Bình) – đại diện cho ba vùng kinh tế trọng điểm có đặc điểm ngành nghề sản xuất khác nhau, như: thực phẩm, thủy sản, điện tử, cơ khí, hóa chất và vật liệu xây dựng.

Tại các địa điểm này, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hơn 450 giải pháp sản xuất sạch hơn (RECP) và kết nối cộng sinh công nghiệp, trong đó có hơn 100 giải pháp được áp dụng thực tế. Hiệu quả kinh tế ghi nhận là đáng kể, với mức tiết kiệm mỗi năm đạt khoảng 19.274 MWh điện, 488.653 m³ nước và 3.121 tấn nguyên liệu hóa chất; tương đương giảm phát thải khoảng 30.570 tấn CO₂ và tiết kiệm hơn 2,9 triệu EUR chi phí vận hành2. Ngoài ra, dự án đã nâng cao năng lực cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật và nhà nghiên cứu – tạo nền móng cho việc tiếp nhận và nhân rộng mô hình trong bối cảnh thể chế Việt Nam còn thiếu vắng công cụ quản lý phù hợp.

Quan trọng hơn, thông qua kết quả thực nghiệm, mô hình khu công nghiệp sinh thái từng bước được thể chế hóa trong hệ thống chính sách quốc gia, mở đầu bằng việc ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, đánh dấu lần đầu tiên thuật ngữ “khu công nghiệp sinh thái” được định nghĩa chính thức và đưa vào khung pháp lý tại Việt Nam. Có thể nói, giai đoạn 2015 – 2019 là bước khởi đầu then chốt giúp nội hàm của khái niệm khu công nghiệp sinh thái được định vị trong chính sách phát triển công nghiệp với sự dẫn dắt tích cực của các tổ chức quốc tế và sự chủ động tiếp nhận, điều phối của Chính phủ Việt Nam.

b. Vai trò của UNIDO và SECO qua dự án thí điểm (2015 2019)

Trong bối cảnh Việt Nam tìm kiếm các mô hình khu công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển bền vững, Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững” (2015 – 2019) đã đóng vai trò khởi nguyên mang tính thể chế và thực tiễn đối với quá trình du nhập mô hình khu công nghiệp sinh thái vào Việt Nam. Dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UNIDO và sự hỗ trợ kỹ thuật từ VNCPC, với nguồn tài trợ tài chính từ Chính phủ Thụy Sĩ thông qua SECO, đồng thời kết hợp nguồn vốn viện trợ từ Quỹ GEF và UNDP.

Dự án tập trung triển khai tại 5 khu công nghiệp ở 3 địa phương tiêu biểu: Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 (Cần Thơ), Hòa Khánh (Đà Nẵng) và  Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình). Các khu công nghiệp này đại diện cho các vùng kinh tế trọng điểm với đặc điểm ngành nghề đa dạng. Mục tiêu cốt lõi của dự án là xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái thực nghiệm, đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, vận hành và giám sát môi trường cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp tại địa phương.

Dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của UNIDO và sự điều phối của MPI – VNCPC, dự án đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, có 72 doanh nghiệp tham gia triển khai hơn 900 giải pháp cải tiến về sử dụng năng lượng, nước và nguyên vật liệu. Các giải pháp này giúp tiết kiệm trên 22.000 MWh điện, 600.000 m³ nước, 3.600 tấn hóa chất mỗi năm; tương đương giảm phát thải khoảng 32.000 tấn CO₂/năm và tiết kiệm khoảng 76 tỷ VNĐ (gần 3 triệu USD) chi phí vận hành3. Đây là minh chứng rõ rệt cho tính hiệu quả kép của mô hình – vừa giảm tác động môi trường, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở việc triển khai kỹ thuật, một trong những đóng góp quan trọng của dự án là huy động được hơn 207 tỷ VNĐ vốn từ khối doanh nghiệp3 cộng sinh công nghiệp để đầu tư trực tiếp vào các hạng mục hạ tầng và công nghệ phục vụ sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp4. Sự tham gia tích cực này cho thấy, niềm tin và cam kết của khu vực tư nhân đối với mô hình khu công nghiệp sinh thái, đồng thời tạo tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trên phạm vi cả nước trong giai đoạn tiếp theo.

Kết thúc giai đoạn 2015 – 2019, dự án không chỉ để lại những mô hình cộng sinh công nghiệp thực tế và hiệu quả mà còn góp phần hoàn thiện các khuyến nghị chính sách, từ đó thúc đẩy Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên xác lập định nghĩa và điều kiện công nhận khu công nghiệp sinh thái. Đây là bước chuyển mang tính chiến lược từ “thử nghiệm mô hình” sang “thiết chế hóa thể chế”.

Trên cơ sở thành công bước đầu, UNIDO và Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục tài trợ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái Toàn cầu (GEIPP) tại Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023, mở rộng phạm vi sang các địa phương trọng điểm mới, như: Hải Phòng, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Điều này, thể hiện cam kết dài hạn của các tổ chức quốc tế trong việc đồng hành cùng Việt Nam phát triển công nghiệp bền vững và thực hiện các cam kết toàn cầu về khí hậu.

3. Tổng quan về các khu công nghiệp sinh thái thí điểm và mở rộng (2015 – 2024)

Trong giai đoạn 2015 – 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO và các đối tác đã triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái  tại 4 khu công nghiệp thuộc 3 địa phương. Các khu công nghiệp thí điểm bao gồm5:

(1) Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình). Diện tích gần 334 ha, thành lập năm 2004, thuộc huyện Yên Khánh. Đây là khu công nghiệp đa ngành, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phân bón, cơ khí, sản xuất linh kiện phụ trợ xi măng, ô tô, sản phẩm may mặc, vật liệu cao cấp và logistics (cảng cạn ICD, kho bãi). Năm 2015, khu công nghiệp Khánh Phú có 20 doanh nghiệp hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tới gần 40% toàn tỉnh Ninh Bình.

(2) Khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình). Diện tích gần 262 ha, thành lập năm 2003, thuộc huyện Gia Viễn. Đây là khu công nghiệp đa ngành, tập trung các ngành chủ lực, như: lắp ráp ô tô, sản xuất xi măng, linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, may mặc và chế biến thực phẩm (khu công nghiệp Gián Khẩu tham gia một phần vào các hoạt động thí điểm chuyển đổi cùng với khu công nghiệp Khánh Phú).

(3) Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng). Diện tích gần 423,5 ha, thành lập năm 1996 tại quận Liên Chiểu. Đây là khu công nghiệp trọng điểm của miền Trung, thu hút nhiều dự án FDI, tạo hàng chục nghìn việc làm. Khu công nghiệp  có cơ cấu ngành đa dạng: cơ khí, sản xuất công nghiệp nhẹ, cao su – nhựa, thực phẩm, dệt may… Tuy nhiên, trước dự án khu công nghiệp sinh thái, Hòa Khánh từng gặp vấn đề quá tải trạm xử lý nước thải tập trung, nhiều doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn. Do đó, Hòa Khánh được chọn làm mô hình khu công nghiệp sinh thái thí điểm để giải quyết các thách thức môi trường đô thị công nghiệp của Đà Nẵng.

(4) Khu công nghiệp Trà Nóc 1 – Trà nóc 2 (Cần Thơ). Tổng diện tích 292 ha (Trà Nóc 1: 135 ha; Trà Nóc 2: 157 ha), là cụm khu công nghiệp lâu đời tại quận Bình Thủy, Cần Thơ. Trà Nóc chủ yếu thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản – thực phẩm (gạo, thủy sản, đồ uống) cùng với cơ khí chế tạo, điện – điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng. Trà Nóc 1 được thành lập từ cuối thập niên 90 đến năm 2000 Trà Nóc 2 được mở rộng, hiện có hàng chục doanh nghiệp sản xuất lớn nhỏ, đóng vai trò trung tâm công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 2020 – 2024, mô hình khu công nghiệp sinh thái được mở rộng thí điểm ra các địa phương khác với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ và UNIDO. Các khu công nghiệp mở rộng bao gồm:

(1) Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh). Khu công nghiệp lớn nhất TP. Hồ Chí Minh với tổng quy hoạch gần 1.686 ha, vận hành từ năm 1996 tại huyện Nhà Bè. Hiệp Phước có vị trí chiến lược ven sông Soài Rạp, tích hợp cảng biển nội khu, thu hút gần 200 dự án với thế mạnh về logistics cảng, công nghiệp nặng (như: thép, xi măng), điện năng (nhà máy điện Hiệp Phước) và công nghiệp hỗ trợ. Hiệp Phước đang trong quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái gắn với khu đô thị – dịch vụ cảng, nhằm tối ưu hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu phát thải tại trung tâm công nghiệp phía Nam.

(2) Amata (Đồng Nai). Khu công nghiệp này có diện tích 513 ha, thành lập năm 1994 tại TP. Biên Hòa. Đây là khu công nghiệp có vốn đầu tư Thái Lan, hiện đã lấp đầy với 168 doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động. Amata chủ yếu thu hút các ngành công nghệ cao và chế biến: điện – điện tử, sản xuất máy tính và phụ kiện, sản xuất ô tô và phụ tùng, công nghiệp cơ khí, thực phẩm – đồ uống và dược phẩm. Năm 2020, Amata Biên Hòa được chọn tham gia chương trình khu công nghiệp sinh thái mở rộng. Trong 3 năm, Amata đã cải thiện đáng kể các chỉ số phát triển bền vững: từ mức đáp ứng 41% tiêu chí khu công nghiệp sinh thái quốc tế (năm 2020) lên 86% vào tháng 01/2024. Mục tiêu Amata hướng tới là đạt gần 97% bộ tiêu chí và trở thành mô hình khu công nghiệp sinh thái tiêu biểu của cả nước. Ngoài Amata Biên Hòa, Đồng Nai còn định hướng chuyển đổi Khu công nghiệp Long Thành (488 ha, hoạt động từ 2003) theo mô hình khu công nghiệp sinh thái thông minh, tận dụng lợi thế vị trí gần sân bay Long Thành trong tương lai.

(3) DEEP C Đình Vũ (Hải Phòng). Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C do nhà đầu tư Bỉ phát triển tại Hải Phòng (tiền thân là khu công nghiệp Đình Vũ, bắt đầu từ 1997). Hiện nay DEEP C đã mở rộng thành 5 khu công nghiệp liên hoàn ở Hải Phòng và Quảng Ninh với tổng diện tích gần 3.400 ha. Tại Hải Phòng, DEEP C gồm các phân khu: Đình Vũ (DEEP C I hơn 941 ha), Nam Đình Vũ (DEEP C II hơn 651 ha) và Tràng Duệ mở rộng (DEEP C III). Đây là tổ hợp khu công nghiệp cảng biển đa ngành (hóa chất – hóa dầu, công nghiệp ô tô, cơ khí chế tạo, điện tử, logistics và năng lượng tái tạo).

DEEP C đặt tầm nhìn trở thành khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của Việt Nam, tiên phong áp dụng nhiều sáng kiến bền vững: lắp đặt tuabin điện gió 4 MW và hệ thống điện mặt trời mái nhà, tự cung cấp hơn 1% nhu cầu điện của khu công nghiệp  và phấn đấu đạt 30% vào năm 2030; phát triển trang trại hữu cơ cung cấp thực phẩm cho công nhân thu nhập thấp; triển khai chương trình “DEEP C Care” hỗ trợ cộng đồng cư dân địa phương. Những nỗ lực này giúp DEEP C nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư coi trọng tiêu chuẩn ESG và tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt cho khu công nghiệp. Cùng với DEEP C, thành phố Hải Phòng còn có khu công nghiệp Nam Cầu Kiền do doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển cũng được biết đến như khu công nghiệp sinh thái tiêu biểu.

Ngoài các khu công nghiệp trên, chương trình khu công nghiệp sinh thái mở rộng còn có sự tham gia của 1 số khu công nghiệp, như: Phố Nối A (Hưng Yên) – một khu công nghiệp đa ngành lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng; Gián Khẩu (Ninh Bình). Đây là những khu công nghiệp có tiềm năng chuyển đổi, nằm trong nhóm được đánh giá đáp ứng một phần tiêu chí khu công nghiệp sinh thái trong giai đoạn 2021 – 2022. Dự kiến trong tương lai, mạng lưới khu công nghiệp sinh thái quốc gia sẽ tiếp tục mở rộng, hướng tới mục tiêu có 30 – 40 khu công nghiệp được chứng nhận sinh thái vào năm 2030.

Bảng 1. Các khu công nghiệp sinh thái tiêu biểu tại Việt Nam tính đến tháng 12/2024

TTTên khu công nghiệp sinh tháiĐịa phươngDiện tích (ha)Ghi chú
1Trà Nóc 1Cần Thơ135Thí điểm chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái trong dự án quốc tế.
2 Trà Nóc 2Cần Thơ157,7Thí điểm chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái trong dự án quốc tế.
3 Khánh PhúNinh Bình351Tham gia dự án khu công nghiệp sinh thái, triển khai mô hình cộng sinh công nghiệp.
4 Gián KhẩuNinh Bình262Tham gia dự án khu công nghiệp sinh thái, triển khai mô hình cộng sinh công nghiệp.
5 Hòa KhánhĐà Nẵng423,5Thí điểm chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái từ năm 2015.
6 Hiệp PhướcTP. Hồ Chí Minh1.686Tham gia dự án khu công nghiệp sinh thái, triển khai mô hình cộng sinh công nghiệp.
7Đình Vũ (DEEP C)Hải Phòng541,46Tham gia dự án khu công nghiệp sinh thái, triển khai mô hình cộng sinh công nghiệp.
8Amata Biên HòaĐồng Nai513Tham gia dự án khu công nghiệp sinh thái, triển khai mô hình cộng sinh công nghiệp.
9Nam Cầu KiềnHải Phòng263,47Được công nhận là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Việt Nam.
Nguồn: Tác giả tổng hợp, năm 2024.

Các khu công nghiệp từ số 1 – 8 đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế và tổ chức, như: UNIDO, GEF, SECO. Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được công nhận chính thức là khu công nghiệp sinh thái.

4. Định hướng chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Thứ nhất, bước ngoặt chính sách về phát triển khu công nghiệp sinh thái.

Trên cơ sở các kết quả khả quan của Dự án thí điểm phát triển khu công nghiệp sinh thái giai đoạn 2015 – 2019, Chính phủ Việt Nam đã từng bước thể chế hóa mô hình này thông qua việc ban hành các văn bản pháp lý có tính nền tảng. Một trong những dấu mốc quan trọng đầu tiên là Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó, lần đầu tiên khái niệm khu công nghiệp sinh thái được đưa vào văn bản pháp quy cấp quốc gia. Nghị định này không chỉ thừa nhận tính chính danh của mô hình khu công nghiệp sinh thái  mà còn khuyến khích chuyển đổi các khu công nghiệp  hiện hữu sang mô hình sinh thái, cũng như phát triển mới các khu đáp ứng tiêu chí môi trường, cộng sinh công nghiệp và hạ tầng xanh.

Dù còn mang tính định hướng sơ khởi, Nghị định số 82/2018 đã đề cập đến một số nội dung quan trọng, như: tiêu chí doanh nghiệp sinh thái, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, ưu tiên tiếp cận quỹ môi trường và xác lập cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp tham gia khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, văn bản này vẫn thiếu các quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá, quy trình chứng nhận và trách nhiệm giữa các cấp quản lý dẫn tới khó khăn trong triển khai thực tế ở nhiều địa phương.

Nhằm khắc phục khoảng trống thể chế nêu trên, ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực từ 15/7/2022), thay thế Nghị định số 82/2018. Nghị định số 35 đánh dấu bước hoàn thiện về chính sách, khi cụ thể hóa rõ hệ thống tiêu chí công nhận khu công nghiệp sinh thái, bao gồm cả định nghĩa, yêu cầu tối thiểu về sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp và hạ tầng phục vụ người lao động. Cụ thể, một khu công nghiệp được công nhận là sinh thái phải có ít nhất 20% doanh nghiệp áp dụng giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, thực hiện ít nhất một dự án cộng sinh công nghiệp (với ≥10% doanh nghiệp tham gia), dành tối thiểu 25% diện tích cho cây xanh – giao thông – hạ tầng kỹ thuật chung và có cơ chế bảo đảm phúc lợi xã hội trong nội khu.

Đặc biệt, Nghị định số 35/2022 phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chứng nhận khu công nghiệp cộng sinh, đồng thời xác lập các cơ chế về thu hồi, gia hạn và đánh giá lại chứng nhận nếu khu công nghiệp không duy trì được các tiêu chí đã cam kết. Việc lồng ghép các nội dung này vào hệ thống pháp luật giúp tăng tính trách nhiệm của địa phương, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt và khả thi trong tổ chức triển khai.

Cùng với đó, ngày 24/01/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ 15/3/2025). Đây là văn bản hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về xây dựng, vận hành và chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, bao gồm: các mẫu biểu báo cáo, quy định về cộng sinh công nghiệp, quản lý dòng tài nguyên, xác định tỷ lệ diện tích cây xanh – giao thông – hạ tầng xã hội cũng như các điều kiện để đề xuất đầu tư mới hoặc chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng sinh thái. Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT còn yêu cầu thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về hiệu quả sử dụng tài nguyên, cơ chế theo dõi – giám sát – đánh giá định kỳ và công khai thông tin liên quan đến doanh nghiệp sinh thái. Đây là nền tảng kỹ thuật quan trọng giúp minh bạch hóa quá trình chuyển đổi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đồng bộ mô hình khu công nghiệp sinh thái trên phạm vi toàn quốc.

Như vậy, bằng việc ban hành loạt văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, không chỉ khẳng định tính chính danh của mô hình khu công nghiệp sinh thái trong hệ thống pháp luật Việt Nam mà còn thiết lập hành lang pháp lý chi tiết và khả thi cho việc chuyển đổi từ mô hình phát triển công nghiệp truyền thống sang phát triển bền vững và tuần hoàn. Đây là bước tiến quan trọng đưa khu công nghiệp sinh thái từ “ý tưởng thử nghiệm” trở thành một trụ cột trong chiến lược công nghiệp hóa theo hướng xanh – thông minh – bao trùm của Việt Nam.

Thứ hai, liên kết với chiến lược tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết Net Zero 2050.

Việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không chỉ là một mô hình thử nghiệm đơn lẻ mà ngày càng được xác lập như một giải pháp chiến lược nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Trên thực tế, khu công nghiệp sinh thái hiện nay đang gắn bó chặt chẽ với ba định hướng lớn trong chính sách phát triển của Việt Nam.

(1) Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy sản xuất sạch, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và tích hợp không gian xanh – hạ tầng bền vững vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mô hình khu công nghiệp sinh thái, với bản chất là sự kết hợp giữa giảm phát thải, cộng sinh tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường sống được xác định là một công cụ trọng yếu để thực thi chiến lược này. Nhiều yêu cầu trong khu công nghiệp sinh thái, như: tiết kiệm năng lượng, xử lý nước tuần hoàn và kiểm soát chất thải tích cực – phù hợp hoàn toàn với các chỉ tiêu giảm cường độ phát thải và thúc đẩy tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã cam kết trong Chiến lược.

(2) Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (ban hành theo Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022). Với nguyên tắc “tái sử dụng – tái chế – phục hồi”, khu công nghiệp sinh thí tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng chuỗi cộng sinh công nghiệp, chia sẻ nguyên liệu phụ phẩm, năng lượng và hạ tầng dùng chung. Qua đó, giảm thiểu phát thải chất thải rắn và khí thải, đồng thời tăng giá trị sử dụng của tài nguyên đầu vào. Thực tiễn tại các khu công nghiệp, như: Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) hay Trà Nóc (Cần Thơ) cho thấy, khi thực hiện thành công chuỗi cộng sinh tuần hoàn, các doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giảm mạnh lượng rác thải chôn lấp và khí nhà kính phát sinh.

(3) Thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về đưa phát thải ròng khí nhà kính về mức “zero” vào năm 2050. Chính phủ  xác định ngành công nghiệp là một trong những lĩnh vực trọng điểm cần giảm phát thải sâu. Các khu công nghiệp sinh thái, thông qua các giải pháp sản xuất sạch hơn (RECP), sử dụng năng lượng tái tạo và cộng sinh công nghiệp đã chứng minh khả năng giảm phát thải CO₂ đáng kể. Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng đóng góp của khu công nghiệp sinh thái trong chiến lược trung hòa carbon của quốc gia.

5. Kết luận

Việc thúc đẩy khu công nghiệp sinh thái còn đóng vai trò quan trọng trong việc huy động đầu tư xanh từ khu vực tư nhân, tạo động lực chuyển dịch công nghệ và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu tại cấp cơ sở. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, như: Deep C, Amata, Nam Cầu Kiền… không chỉ khẳng định hiệu quả kinh tế của mô hình mà còn thể hiện cam kết thực chất của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững, minh bạch và có trách nhiệm. Sự phát triển của khu công nghiệp sinh thái  tại Việt Nam đang được định vị như một trụ cột quan trọng trong tiến trình thực hiện các chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ nền kinh tế khai thác – phát thải cao sang mô hình tuần hoàn – trung hòa carbon – giá trị bền vững.

Chú thích:
1. Project report: Eco-industrial parks initiative for sustainable industrial zones in Vietnam 2014 – 2019.
https://www.unido.org/sites/default/files/files/2019-12/EIP_Vietnam-Final_project_report_2019.pdf.
2. Stucki, J., Flammini, A., et al. (2019). Eco-Industrial Park (EIP) Development in Viet Nam: Results and Key Insights from UNIDO’s EIP Project (2014 – 2019). Sustainability,11(17), 4667.
3. Chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng bền vững là xu hướng tất yếu. https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-khu-cong-nghiep-theo-huong-ben-vung-la-xu-huong-tat-yeu-post972155.vnp.
4. Bài 2: Công nghiệp sinh thái – Hướng mở trong nền kinh tế. https://kinhdoanhvaphattrien.vn/bai-2-cong-nghiep-sinh-thai–huong-mo-trong-nen-kinh-te-25827.html.
5. Tác giả tổng hợp số liệu từ Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, tháng 12/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2018). Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
2. Chính phủ (2022). Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
3. Báo cáo tổng kết Dự án khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam 2015 – 2019, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam. https://vncpc.org/en/download/publication/Bao-cao-TA-2019_2.pdf.
4. Một số giải pháp hoàn thiện vai trò của Nhà nước trong phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/07/11/mot-so-giai-phap-hoan-thien-vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-o-viet-nam-hien-nay.