ThS. Vũ Thị Thu Hiền
Học viện Chính trị khu vực IV
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết tập trung khái quát những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với nông dân. Đây là cơ sở lý luận quan trọng góp phần bảo vệ nông dân trước những rủi ro trong quá trình lao động sản xuất, bảo đảm lợi ích cho nông dân – lực lượng đông đảo trong tiến trình cách mạng.
Từ khóa: Chủ nghĩa Mác – Lênin; luận điểm; chính sách an sinh xã hội; nông dân.
1. Đặt vấn đề
An sinh xã hội là một trụ cột quan trọng trong việc giải phóng nông dân khỏi bóc lột và bất công, hướng tới xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng. Các luận điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về chính sách an sinh xã hội cho nông dân không chỉ tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản, như: thực phẩm, nhà ở, giáo dục, y tế… mà còn nhấn mạnh vai trò của nhà nước vô sản trong việc tái cấu trúc kinh tế – xã hội thông qua phân phối lại đất đai, xã hội hóa tư liệu sản xuất và xây dựng liên minh công – nông. Những luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ phản ánh tầm nhìn chiến lược về một hệ thống an sinh xã hội toàn diện mà còn khẳng định rằng, chỉ có nhà nước vô sản với sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mới có thể thực hiện các chính sách an sinh xã hội hiệu quả, giúp nông dân thoát khỏi khốn cùng và tham gia bình đẳng vào quá trình phát triển xã hội.
2. An sinh xã hội theo quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin
Quan niệm về an sinh xã hội của C.Mác và Ph.Ăngghen được nghiên cứu dựa trên hệ quả tất yếu của việc phân phối lại tài sản và quyền lực kinh tế tồn tại trong xã hội. Với thực tiễn của xã hội, các ông có tầm khái quát rộng về việc phân phối lại tổng sản phẩm trong xã hội nhằm hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất thực tiễn đời sống của người lao động. Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gô-ta viết năm 1875, C.Mác đã cho rằng trong tổng sản phẩm của xã hội cần có “một quỹ dự trữ hoặc quỹ bảo hiểm đề phòng những tai nạn, những sự rối loạn do các hiện tượng tự nhiên gây ra,…”1 và khi xã hội mới càng phát triển thì “những khoản dùng để cùng chung nhau thỏa mãn những nhu cầu, như trường học, cơ quan y tế,…”2 lại càng tăng lên.
Dưới góc độ của “một quỹ dự trữ” nhằm đề phòng những rũi ro, tai nạn và những rối loạn khác, C.Mác cho rằng “cần phải tạo ra quỹ dự trữ do có những sự nguy hiểm, những sự cố ngẫu nhiên… xảy ra với những tư liệu sản xuất hiện có sự rủi ro về sản xuất”3 và “quỹ dự trữ không những dùng cho những trường hợp thua lỗ thông thường, mà còn cần cho những trường hợp bất thường”4. Quan điểm của C.Mác về quỹ dự trữ đó đã tiên phong đặt nền móng cho một tư duy an sinh xã hội toàn diện và bền vững. Điều này không chỉ mang lại sự bảo đảm cho các cá nhân mà còn góp phần ổn định và phát triển xã hội trước những rủi ro bất thường. Quan điểm đó còn phản ánh tư duy chủ động và trách nhiệm đối với cộng đồng, bảo đảm xã hội có nguồn lực dự phòng để bảo vệ cuộc sống của người dân trước những biến cố bất khả kháng, đặc biệt là các nhóm yếu thế, như: người nghèo, người lao động không ổn định, người già, trẻ em và cả nông dân. Trong bối cảnh hiện đại, tư duy này vẫn giữ nguyên giá trị khi các chính phủ và tổ chức quốc tế ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các cơ chế dự phòng để bảo vệ cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững.
Trong việc bảo đảm an sinh xã hội thông qua quỹ bảo hiểm, quỹ dự trữ và việc đáp ứng nhu cầu của những người không có hoặc mất năng lực lao động cũng được C.Mác và Ph.Ăngghen thể hiện một cách toàn diện và khoa học về mối quan hệ giữa sản xuất, tái sản xuất và phân phối xã hội. Các ông cho rằng, “trong những điều kiện sản xuất nhất định của xã hội – để một mặt thành lập một quỹ bảo hiểm và quỹ dự trữ, và mặt khác, để không ngừng mở rộng tái sản xuất theo mức độ do nhu cầu xã hội quyết định”5 thì “lượng lao động mà những thành viên có năng lực lao động của xã hội thường xuyên cần phải chi phí cho những thành viên chưa có năng lực lao động của xã hội hoặc không còn năng lực lao động nữa”6. Quan điểm của các ông cho thấy, sự tồn tại của quỹ bảo hiểm và quỹ dự trữ không phải là kết quả ngẫu nhiên mà là hệ quả tất yếu của một hệ thống sản xuất xã hội hóa, nơi năng suất lao động không chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân mà còn đóng góp vào lợi ích chung của xã hội. Điều đó thể hiện thông qua lượng lao động của những người có khả năng lao động được điều phối để hỗ trợ những người không thể lao động người già, trẻ em, người tàn tật, hoặc những người trong giai đoạn mất khả năng lao động tạm thời thể hiện trách nhiệm xã hội và sự phân phối công bằng tài nguyên trong một xã hội văn minh.
Trong các luận điểm có tính khoa học và cách mạng rất sâu sắc khi nói về việc xây dựng xã hội mới – xã hội cộng sản chủ nghĩa, một xã hội mà chính chủ nghĩa tư bản, về khách quan, đã và đang chuẩn bị những điều kiện, tiền đề cho sự hình thành của nó. Các ông cho rằng “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”7. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về việc “xuất hiện một liên hợp” trong xã hội cộng sản chủ nghĩa thể hiện một tầm nhìn cách mạng sâu sắc, vượt xa mô hình tổ chức xã hội dựa trên đối kháng giai cấp trong chủ nghĩa tư bản. “Liên hợp” này không chỉ là sự thay thế cho các hình thức sở hữu và sản xuất tư bản chủ nghĩa mà còn là một bước tiến để xây dựng một xã hội dựa trên sự hợp tác, bình đẳng và phát triển toàn diện cho tất cả mọi người. Đây có thể được xem là tiền đề cho việc xây dựng các quỹ chung hoặc hệ thống an sinh xã hội toàn diện, như bảo hiểm y tế, hưu trí và giáo dục miễn phí… mà các thành viên cùng tham gia quản lý và chia sẻ lợi ích.
Kế thừa quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, Lênin cũng chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội. Quan niệm của V.I.Lênin về an sinh xã hội không được trình bày một cách hệ thống như một chính sách độc lập mà thường được thấy trong tư duy của ông về cách mạng vô sản, chủ nghĩa xã hội và việc xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp, tiến bộ. V.I.Lênin nhìn nhận an sinh xã hội như một phần của quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội, trong đó nhà nước vô sản phải bảo đảm các nhu cầu cơ bản của người lao động, đồng thời tổ chức lại xã hội theo hướng công bằng hơn và V.I.Lênin cho rằng: “Chỉ trong xã hội cộng sản chủ nghĩa, khi sự phản kháng của bọn tư bản đã hoàn toàn bị đập tan, khi bọn tư bản đã tiêu tan đi rồi và không còn có giai cấp nữa… chỉ lúc đó “nhà nước mới không còn nữa và mới có thể nói đến tự do”. Chỉ lúc đó, một nền dân chủ thật sự hoàn bị, thật sự không hạn chế, mới có thể có được và được thực hiện”8. Đây là lý tưởng về một xã hội mà mọi nhu cầu cơ bản của con người đều được bảo đảm và sự áp bức, bóc lột hoàn toàn bị xóa bỏ. Với quan điểm của mình, V.I.Lênin cho rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa, người lao động phải được bảo đảm các quyền cơ bản như việc làm, giáo dục, y tế và các điều kiện sống xứng đáng. Ông coi đây là trách nhiệm của nhà nước vô sản và nhà nước vô sản sẽ tổ chức các nguồn lực để phục vụ lợi ích chung, bao gồm việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.
Trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, V.I.Lênin đã nhấn mạnh rằng trong giai đoạn chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội, nhà nước vô sản phải bảo đảm các nhu cầu cơ bản của người lao động thông qua hệ thống an sinh xã hội, hệ thống này được biểu hiện trên một số lĩnh vực như giáo dục quốc dân, kinh tế, nông nghiệp, phân phối, vấn đề nhà ở, bảo hộ lao động và bảo đảm xã hội… Nếu C.Mác cho rằng cần phải có “những khoản dùng để cùng chung nhau thỏa mãn” trong xã hội, thì V.I.Lênin cũng cho rằng cần có những “khoản bảo đảm xã hội” trong lĩnh vực bảo hộ lao động và bảo đảm xã hội. Cụ thể, V.I.Lênin cho rằng “trong trường hợp bị thất nghiệp”9 thì các khoản bảo đảm xã hội đầy đủ cho tất cả những người lao động “để họ được bảo đảm trong mọi trường hợp bị mất sức lao động”10. Như vậy, các “khoản bảo đảm” mà V.I.Lênin nêu ra nó cũng được xem như các khoản dùng cho việc bảo đảm xã hội đầy đủ cho những người lao động nhất là trong một số trường hợp như thất nghiệp, mất sức lao động, thiên tai… Đây không chỉ là biện pháp kinh tế mà còn là công cụ chính trị nhằm củng cố lòng tin và đoàn kết trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong xã hội bấy giờ tại Nga.
Ngoài việc nói đến các khoản bảo đảm cho xã hội vì mục đích chung, V.I.Lênin cũng cho rằng,việc cung cấp các dịch vụ công cộng miễn phí như y tế và giáo dục là cách để bảo đảm không có ai bị loại bỏ khỏi quá trình phát triển xã hội. V.I.Lênin đã nêu ra quan điểm rằng, Đảng Cộng sản Nga đặt ra cho mình nhiệm vụ trước mắt là “Thực hiện chế độ giáo dục không mất tiền và bắt buộc, phổ thông và bách khoa dạy lý thuyết và thực hành về tất cả các ngành sản xuất chủ yếu cho tất cả trẻ em trai và gái dưới 17 tuổi”11, “Nhà nước đài thọ cho toàn thể học sinh các khoản chi phí về ăn, mặc, giày dép và các dụng cụ học tập”12, “bảo đảm chữa bệnh và phát thuốc không lấy tiền, do các lực lượng có trình độ chuyên môn tiến hành”13. Những quan điểm của V.I.Lênin là một biểu hiện cụ thể của một hệ thống an sinh xã hội mang tính bao trùm, bảo đảm mọi cá nhân đều có cơ hội tiếp cận các quyền cơ bản, bất kể xuất thân hay hoàn cảnh kinh tế.
V.I.Lênin cũng nhấn mạnh rằng an sinh xã hội chỉ có thể thực hiện được khi nền kinh tế được xã hội hóa hoàn toàn, nghĩa là tài sản tư nhân về tư liệu sản xuất bị xóa bỏ và thay thế bằng sở hữu công cộng thông qua “những công thức cụ thể như công thức quốc hữu hóa ngân hàng và ruộng đất”14 cũng như “Tiến hành đến cùng việc quốc hữu hóa tất cả các công xưởng, nhà máy, đường sắt, tư liệu sản xuất và trao đổi”15. Không chỉ vậy, trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, V.I.Lênin nhấn mạnh sự cần thiết phải thủ tiêu chế độ tư hữu, tức là sự cần thiết xã hội hóa theo phương thức xã hội chủ nghĩa các tư liệu sản xuất để hình thành “sở hữu công cộng của tất cả người lao động”16. Vấn đề này bảo đảm lợi ích tập thể được đặt lên hàng đầu và việc thủ tiêu chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa không chỉ loại bỏ bất bình đẳng kinh tế mà còn tạo ra các tiền đề để nhà nước có thể xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Trong đó, sở hữu công cộng bảo đảm mọi người lao động đều có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các lợi ích do xã hội tạo ra. Với quan điểm của V.I.Lênin, ta thấy rằng an sinh xã hội không chỉ là vấn đề chính sách riêng lẻ mà còn gắn liền với cấu trúc kinh tế và quyền sở hữu trong xã hội, điều này cũng định hình các mô hình kinh tế hiện đại – nơi các quỹ chung hay các sở hữu cộng đồng có thể đóng vai trò giảm thiểu bất bình đẳng xã hội thông qua các hệ thống an sinh.
Từ các phân tích trên có thể thấy rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin đưa ra một hệ thống quan niệm về an sinh xã hội được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cách mạng, bình đẳng và trách nhiệm cộng đồng với mục tiêu bảo đảm phúc lợi cho người lao động bao gồm cả nông dân trong quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Với tính thực tiễn, chủ nghĩa Mác – Lênin nhìn nhận an sinh xã hội như một thành tố thiết yếu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, trọng tâm là phân phối công bằng, bảo vệ nhóm yếu thế và nâng cao ý thức cộng đồng. Các quan điểm này không chỉ áp dụng cho công nhân mà còn đặc biệt chú trọng đến nông dân thông qua các biện pháp như phân phối đất đai, hợp tác xã và dịch vụ công miễn phí. Từ các quỹ dự trữ của C.Mác đến các chính sách thực tiễn của V.I.Lênin, an sinh xã hội được xem là công cụ để xóa bỏ bất bình đẳng, bảo đảm phúc lợi và xây dựng một xã hội công bằng – nơi mọi người bao gồm cả nông dân đều có cơ hội phát triển toàn diện.
3. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với nông dân
Thứ nhất, an sinh xã hội là công cụ xóa bỏ bóc lột và bất công đối với nông dân
Theo chủ nghĩa Mác – Lênin, nông dân – đặc biệt là nông dân nghèo và trung nông, thường là đối tượng chịu bóc lột nặng nề trong xã hội tư bản và phong kiến thông qua các hình thức như địa tô, nợ nần và lao động cưỡng bức. C.Mác cho rằng, số phận của người nông dân bị chế độ áp bức hà khắc phong kiến định ra “Cái lợi lớn nhất của sự phân chia sở hữu ruộng đất là ở chổ ở đây, quần chúng không còn có thể chịu sống trong cảnh nô dịch phong kiến nữa,…”17 và các ông cũng nhấn mạnh rằng để xóa bỏ bóc lột, cần thiết lập một hệ thống kinh tế xã hội hóa, trong đó các tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất đai, được chuyển từ sở hữu tư nhân sang sở hữu công cộng hoặc tập thể. Thông qua các chính sách như phân phối lại đất đai, cung cấp dịch vụ công miễn phí và hỗ trợ hợp tác xã, các chính sách an sinh xã hội giúp nông dân thoát khỏi sự phụ thuộc vào địa chủ và tư bản, từ đó loại bỏ các hình thức bóc lột.
Về tính thực tiễn trong đời sống của nông dân, sự bóc lột và bất công không chỉ đến từ địa chủ mà còn từ các biến cố kinh tế hoặc tự nhiên đẩy họ vào cảnh nghèo đói. Vì vậy, trong quan niệm của C.Mác, ông cho rằng cần có những quỹ dự trữ để giải quyết những vấn đề rủi ro từ những biến cố trong xã hội và tự nhiên và các quỹ dự trữ đó “không những dùng cho những trường hợp thua lỗ thông thường, mà còn cần cho những trường hợp bất thường”18 và sự bất thường đó có thể nói đến từ các vấn đề, như: thiên tai, mất mùa, hỏa hoạn… trong đời sống người lao động nói chung và nông dân nói riêng.
Trong tác phẩm Bàn về thuế lương thực, V.I.Lênin cho rằng “trước hết cần phải cải thiện đời sống của nông dân. Biện pháp là: thuế lương thực, phát triển sự trao đổi giữa nông nghiệp và công nghiệp, phát triển tiểu công nghiệp”19. Quan điểm này phản ánh tư duy chiến lược của V.I.Lênin về an sinh xã hội như một công cụ xóa bỏ bóc lột và bất công đối với nông dân trong bối cảnh nước Nga hậu cách mạng, khi nông dân chịu nhiều bất công từ chế độ phong kiến và tư bản. V.I.Lênin cũng nhấn mạnh, “Thuế lương thực vừa phải thì lập tức làm cho đời sống nông dân được cải thiện trông thấy, đồng thời làm cho nông dân quan tâm đến việc tăng diện tích gieo trồng và cải tiến công việc canh tác”20. Những biện pháp này không chỉ cải thiện vật chất mà còn trao quyền kinh tế cho nông dân, giúp họ thoát khỏi sự bóc lột của địa chủ và tư bản. Qua đó, an sinh xã hội trở thành công cụ chính trị củng cố liên minh công – nông, xóa bỏ bất công và đặt nền móng cho xã hội xã hội chủ nghĩa, nơi nông dân được bảo đảm đời sống và vị thế bình đẳng với các giai cấp khác trong xã hội.
Thứ hai, chính sách an sinh xã hội cho nông dân thực hiện thông qua vai trò của nhà nước vô sản
Trong chủ nghĩa tư bản, với cơ chế bóc lột thông qua địa tô, nợ nần và mất đất, đẩy nông dân vào cảnh nghèo đói, lệ thuộc. C.Mác khẳng định “Chỉ có sự sụp đổ của tư bản mới có thể nâng được nông dân lên; chỉ có một chính phủ chống chủ nghĩa tư bản, một chính phủ vô sản mới có thể giải thoát nông dân khỏi tỉnh trạng khốn cùng về mặt kinh tế và thoái hóa về mặt xã hội”21. Chỉ khi chủ nghĩa tư bản sụp đổ và nhà nước vô sản được thiết lập, nông dân mới được giải phóng thông qua các chính sách như phân phối lại đất đai, thiết lập quỹ dự trữ, quỹ bảo hiểm cũng như việc cung cấp giáo dục, y tế miễn phí. Nhà nước vô sản đóng vai trò tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xã hội hóa tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất đai để bảo đảm nông dân tiếp cận nguồn lực cần thiết mà không bị bóc lột bởi địa chủ hay tư bản. An sinh xã hội do đó trở thành công cụ để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, đồng thời củng cố vị thế của họ trong xã hội xã hội chủ nghĩa.
Còn với V.I.Lênin, ông nhận thấy nông dân, đặc biệt trung nông và tiểu nông, là lực lượng đông đảo và quan trọng trong bối cảnh nước Nga hậu cách mạng 1917 và nhấn mạnh rằng “chính quyền vô sản không thể nào củng cố được nếu không trung lập hóa được trung nông và không nắm chắc được sự ủng hộ của đại đa số, nếu không phải là của toàn thể tiểu nông”22 .Theo V.I.Lênin, nhà nước vô sản phải thực hiện các chính sách an sinh xã hội để đáp ứng nhu cầu của nông dân cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể về đói nghèo và bất bình đẳng trong đời sống của họ, từ đó xây dựng lòng tin và sự ủng hộ của họ, củng cố quyền lực cách mạng. Các chính sách như phân phối lại đất đai, cung cấp quỹ bảo hiểm nông nghiệp và dịch vụ công miễn phí giáo dục, y tế là công cụ để nhà nước vô sản cải thiện đời sống nông dân. Qua đó, nhà nước vô sản đóng vai trò tổ chức và quản lý các nguồn lực để bảo đảm nông dân không chỉ có đất canh tác mà còn được hỗ trợ vượt qua khó khăn như mất mùa, dịch bệnh, từ đó gắn kết họ với cách mạng. Thông qua các chính sách của mình, nhà nước vô sản thực hiện tái phân phối nguồn lực để bảo vệ nông dân trước rủi ro kinh tế, củng cố công bằng xã hội và từ đó đưa nó trở công cụ chính trị để gắn kết nông dân với chính quyền vô sản.
Thứ ba, nền tảng của việc thực hiện chính sách an sinh xã hội là liên minh giai cấp công – nông
Trong quan điểm của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng trong thực hiện nhiệm vụ liên minh giai cấp công – nông “Dù sao thì điều chủ yếu cũng là phải làm cho nông dân hiểu rằng chúng ta chỉ có thể cứu vãn và bảo tồn được tài sản của họ bằng cách biến tài sản đó thành tài sản hợp tác xã và thành những doanh nghiệp hợp tác xã”23. Do đó, có thể thấy rằng liên minh công – nông là nền tảng để thực hiện an sinh xã hội, thông qua việc xã hội hóa tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất đai.
Theo các ông, để liên minh với nông dân thì không được dùng bạo lực, “…mà là bằng những tấm gương và bằng sự giúp đỡ của xã hội”24; trên tinh thần tự nguyện, không được gò ép, bắt buộc đối với nông dân, “Chúng ta kiên quyết đứng về phía người tiểu nông… để cho họ có thời gian suy nghĩ với tư cách là người sở hữu mảnh đất của họ nếu họ chưa có thể quyết định như thế”25. Điều này cho thấy rằng an sinh xã hội chỉ hiệu quả khi nông dân tự nguyện tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, như hợp tác xã, thông qua sự thuyết phục bằng thực tiễn và hỗ trợ từ công nhân. Nhà nước vô sản, đại diện cho liên minh công – nông, đóng vai trò cung cấp các nguồn lực quỹ bảo hiểm, kỹ thuật nông nghiệp, dịch vụ công để khuyến khích nông dân tham gia mà không bị gò ép.
Trong tác phẩm Mác-cơ, Ph.Ăngghen viết rằng với sự giúp đỡ của công nhân, nông dân có khả năng canh tác tập thể, sử dụng kỹ thuật đại nông nghiệp “bằng cách đổi mới chế độ sở hữu công xã về ruộng đất, sao cho nó không những bảo đảm được cho những tiểu nông thành viên của công xã tất cả mọi ưu thế của phương thức kinh doanh lớn và của việc sử dụng máy móc nông nghiệp, mà còn tạo ra cho họ phương tiện để tiến hành cùng với nông nghiệp nền đại công nghiệp với sức hơi nước hoặc sức nước, và hơn nữa, làm như vậy không phải vì lợi ích của các nhà tư bản, mà vì lợi ích của công xã”26. Thông qua sở hữu công xã và canh tác tập thể, là cơ sở để thực hiện an sinh xã hội toàn diện. Công nhân hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật hiện đại như máy móc, sức nước… trong hợp tác xã, tăng năng suất và bảo đảm cung cấp thực phẩm, việc làm và các nhu cầu cơ bản. Sở hữu công xã ngăn chặn bóc lột từ tư bản, bảo đảm lợi ích từ lao động phục vụ cộng đồng chứ không phải tư nhân. Hệ thống này tạo ra một mạng lưới an sinh xã hội, nơi nông dân được bảo vệ kinh tế và tham gia vào nền kinh tế hiện đại, đồng thời củng cố liên minh công – nông để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
V.I.Lênin cũng đã luận giải hết sức khoa học về vai trò của người nông dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cho rằng phải xóa bỏ sự khác nhau giữa công công và nông dân, V.I.Lênin cho rằng “Người ta chỉ có thể giải quyết nhiệm vụ đó bằng cách cải tạo lại toàn bộ nền kinh tế xã hội, bằng cách chuyển từ nền kinh tế hàng hóa nhỏ, cá nhân, riêng lẻ, sang nên kinh tế tập thể lớn”27. Điều này cho thấy rằng, an sinh xã hội cho nông dân không thể thực hiện trong khuôn khổ kinh tế cá nhân – vốn dễ dẫn đến bóc lột bởi tư bản và địa chủ. Nhà nước vô sản, đại diện cho liên minh công – nông, đóng vai trò tổ chức nền kinh tế tập thể thông qua quốc hữu hóa đất đai và khuyến khích họ cùng nhau hợp tác. Việc xây dựng các mô hình hợp tác trong nông nghiệp, như V.I.Lênin hình dung là hình thức an sinh xã hội, giúp nông dân chia sẻ tư liệu sản xuất, áp dụng kỹ thuật hiện đại và nhận hỗ trợ từ nhà nước để đối phó với rủi ro như mất mùa hay dịch bệnh.
Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, thiết lập chuyên chính vô sản, khối liên minh công nông là lực lượng có ý nghĩa quyết định đến sự thắng lợi cách mạng và đem lại lợi ích cho giai cấp nông dân. V.I.Lênin cho rằng “Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiên phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”28. V.I.Lênin đã nhấn mạnh rằng liên minh công – nông, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, là điều kiện để thực hiện cách mạng và các chính sách an sinh xã hội. Nhà nước vô sản phải giành được sự ủng hộ của nông dân bằng cách đáp ứng nhu cầu của họ thông qua các chính sách như phân phối lại đất đai, thuế lương thực công bằng, và dịch vụ công miễn phí. Sự ủng hộ của nông dân củng cố liên minh công – nông, bảo đảm chính quyền vô sản có sức mạnh chính trị để triển khai các chính sách an sinh, từ quỹ bảo hiểm nông nghiệp đến hỗ trợ kỹ thuật, nhằm cải thiện đời sống và nâng cao vị thế của nông dân trong xã hội xã hội chủ nghĩa.
V.I.Lênin cũng cho rằng “Chín phần mười quần chúng lao động đã hiểu rõ rằng tri thức là một vũ khí trong cuộc đấu tranh tự giải phóng của họ, rằng sở dĩ họ thất bại là do thiếu học thức; rằng giờ đây việc làm cho mọi người có thể thực sự được học hành, là do bản thân họ quyết định”29. Đây là luận điểm hết sức quan trọng, phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội loài người, là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân. Bởi nông dân, với tư cách “nửa vô sản”, là đồng minh tự nhiên của công nhân trong cuộc đấu tranh chống tư bản. Nhà nước vô sản, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, triển khai các chính sách như hợp tác xã, quỹ bảo hiểm và dịch vụ công để bảo vệ nông dân trước bất công và rủi ro kinh tế và “chỉ có giai cấp vô sản là người lãnh đạo nông dân nghèo những người nửa vô sản, như đã nói trong cương lĩnh của chúng ta mới có thể chấm dứt được chiến tranh bằng một nền hòa bình dân chủ…”30. Sự lãnh đạo này bảo đảm an sinh xã hội không chỉ là phúc lợi mà còn là công cụ chính trị, gắn kết nông dân với cách mạng, tạo nền tảng cho một xã hội công bằng, bình đẳng.
4. Kết luận
Chủ nghĩa Mác – Lênin cung cấp một hệ thống lý luận sâu sắc về chính sách an sinh xã hội cho nông dân, nhấn mạnh vai trò của nhà nước vô sản và liên minh công – nông trong việc xóa bỏ bóc lột, bất công và xây dựng một xã hội công bằng. Có thể khẳng định, an sinh xã hội không chỉ là phúc lợi kinh tế mà còn là công cụ chính trị để giải phóng nông dân. Trong bối cảnh hiện đại, những tư tưởng này vẫn mang giá trị định hướng, truyền cảm hứng cho các mô hình an sinh xã hội ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa, hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng và phát triển bền vững tại nhiều quốc gia.
Chú thích:
1, 2. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1995). Tập 19. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 32, 32.
3. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1995). Tập 49. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 820.
4, 18. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1995). Tập 48. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 260, 260.
5, 6. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1995). Tập 25. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 630, 630.
7. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1995). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 628.
8. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 33. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 109.
9, 10, 11, 12, 13, 16. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 38. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 529, 529, 516, 516, 532, 119.
14, 15. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 36. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 72, 268.
17. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1995). Tập 42. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 122.
19. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 43. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 294.
20. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 44. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 8.
21. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1995). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 119
22. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 41. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 217.
23, 24, 25. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1995). Tập 22. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 737 – 738, 736, 738.
26. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1995). Tập 19. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 315 – 316
27, 28. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 39. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 316, 251.
29. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 93.
30. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 34. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 149.