Nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay

Nguyễn Văn Anh
Học viên Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
ThS. Nguyễn Ngọc Điểm
Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – ng suất lao động là một phần thiết yếu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và từng doanh nghiệp; đồng thời, là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phát triển bền vững. Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế quan trọng, chuyển mình mạnh mẽ từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, cải thiện đời sống Nhân dân; hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn so với các quốc gia khác trong khu vực. Bài viết đi sâu vào phân tích thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay, từ đó, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới.

Từ khóa: Năng suất lao động; nền kinh tế; tăng trưởng kinh tế; người lao động.

1. Đặt vấn đề

Tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến, trong đó có Việt Nam, để tránh “bẫy thu nhập trung bình” và trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Ý nghĩa của tăng năng suất lao động đối với tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng khi các yếu tố đầu vào, như: vốn, đất đai, tài nguyên trở nên khan hiếm, nguồn lao động đang bị ảnh hưởng bởi xu thế già hóa dân số ngày càng nhanh. Sau gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được một số thành tựu nổi bật, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2025 ước khoảng 6,2%/năm thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới; quy mô GDP năm 2025 dự kiến trên 510 tỷ USD, gấp 1,48 lần so với năm 2020, xếp thứ 32 thế giới và thứ 4 trong khu vực ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 5.000 USD; thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người đạt khoảng 4.750 USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp1.

Tuy nhiên, nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện, cụ thể, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025 vẫn dưới mức tiềm năng, chưa đạt mục tiêu đề ra là 6,5 – 7%/năm; năng suất lao động tăng bình quân ước đạt 5,1%/năm thấp hơn mục tiêu đề ra là trên 6,5%/năm; đổi mới mô hình công nghiệp hóa theo hướng chuyển đổi số, công nghệ mới, công nghệ hiện đại và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn còn chậm2. Thực tế đó cho thấy, nâng cao năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thu hẹp tốc độ phát triển với các nước trong khu vực, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

2. Một số kết quả đạt được về tăng năng suất lao động hiện nay

Một là, đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, Việt Nam đã từng bước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Những chính sách cải cách về kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế không chỉ giúp ổn định đời sống nhân dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, từng bước khẳng định vai trò của mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Thành tựu này là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của ý chí dân tộc, tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng của toàn xã hội trong công cuộc đổi mới.

Năm 2024, năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt: 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 9.182 USD/lao động), tăng 726 USD so với năm 2023, tăng 802 USD so với năm 2022. Năng suất lao động bình quân cả nước giai đoạn 2010 – 2024 tăng hơn 3,96 lần, từ gần 56 triệu đồng/lao động năm 2010 lên 221,9 triệu đồng/lao động năm 20243.

Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất ở châu Á và dẫn đầu khối ASEAN. Năm 2024, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam ước đạt 5,88%, cao hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2010 – 2023 (5,05%), vượt chỉ tiêu Quốchội giao4, đây là một tín hiệu tích cực góp phần quan trọng vào việc tăng GDP bình quân đầu người và đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 90,9% (năm 2020) lên 94,1% (năm 2024), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 4,1% (năm 2021) xuống còn khoảng 1,1% (năm 2025)5.

Hai là, cải thiện chất lượng nguồn lao động.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 64,5% (năm 2020) lên 70% (năm 2025), trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 24,1% (năm 2020) lên khoảng 29% (năm 2025)6. Tăng năng suất lao động đóng góp đáng kể từ hiệu ứng nội ngành (tăng năng suất trong từng ngành kinh tế) và hiệu ứng chuyển dịch lao động (chuyển dịch lao động từ các ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao hơn). Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2024, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 4,84%/năm với sự đóng góp của hiệu ứng nội ngành là 4,48% và hiệu ứng chuyển dịch là 0,36%7.

Ba lànăng suất lao động theo giá hiện hành của khu vực kinh tế và các loại hình kinh tế có những cải thiện đáng kể.

Giai đoạn 2010 – 2023, năng suất lao động theo ba khu vực đều có những cải thiện đáng kể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gấp 5 lần từ mức 17,6 triệu đồng/lao động (năm 2010) lên 88,6 triệu đồng/lao động (năm 2023); công nghiệp và xây dựng tăng 2,7 lần từ mức 84,9 triệu đồng/lao động lên 225,8 triệu đồng/lao động; dịch vụ gấp 2,8 lần từ mức 76,4 triệu đồng/lao động lên 215,1 triệu đồng/lao động. Năm 2023, năng suất lao động có xu hướng thu hẹp, khu vực công nghiệp và xây dựng gấp 1,12 lần, dịch vụ gấp 1,07 lần; nông, lâm nghiệp và thủy sản bằng 44% năng suất lao động chung của nền kinh tế8.

Bốn là, năng suất lao động khu vực doanh nghiệp có sự gia tăng tương đối lớn trong tốc độ tăng năng suất lao động chung của nền kinh tế.

Doanh nghiệp là tế bào quan trọng trong nền kinh tế và năng suất lao động động trong doanh nghiệp là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Việc tăng năng suất lao động không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động của toàn nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộccách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lực lượng lao động nhưng đã tạo ra khoảng 60% GDP của toàn nền kinh tế, trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân khoảng 10% GDP; khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 20,14% GDP và khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 29% GDP)9.

Bên cạnh những kết đã đạt được vẫn còn một số thách thức:

Thứ nhất, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội còn chưa cao, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, năm 2021, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%/năm so với mục tiêu 4,8%/năm; năm 2022 đạt 4,8%/năm so với mục tiêu khoảng 5,2%/năm; năm 2023 đạt 4,8% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5 – 6%. Năm 2024 đã vượt chỉ tiêu đề ra nhưng chưa cao, chỉ đạt 5,88%/năm so với mục tiêu tăng bình quân 4,8 – 5,3%/năm, điều này tạo sức ép rất lớn để Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025 cũng như mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025.

Thứ hai, giá trị năng suất lao động Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và các nước phát triển.

Năng suất lao động theo PPP (năm 2021) của Việt Nam năm 2023 chỉ bằng 11,2% mức năng suất của Singapore; tương tự lần lượt là 27% của Hàn Quốc; 28,6% của Nhật Bản; 36,2% của Malaysia; 64,6% của Thái Lan; 57,3% của Trung Quốc; 84,8% của Indonesia và chỉ cao hơn Philippines (bằng 104,9% của Philippines)10. Đây là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam, vì thực tiễn quá trình phát triển đất nước cho thấy, việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, năng suất lao động trong các doanh nghiệp còn thấp.

Nếu so sánh năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Việt Nam năm 2021 (tính bằng GDP trên tổng số giờ làm việc của lao động làm việc trông năm) chỉ đạt 10,2 USD, đây là mức khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore đạt 74,2 USD; Malaysia 25,6 USD; Thái Lan 15,1 USD; Indonesia 13 USD; Philippines 10,1 USD11. Riêng năng suất lao động trong doanh nghiệp tư nhân – động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nhà nước, 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI và thấp hơn so với doanh nghiệp ở các nước phát triển trên thế giới12.

3. Một số kiến nghị

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm sắp tới, do đó, tăng năng suất lao động càng có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động do xung đột quân sự, mâu thuẫn về chính sách thuế quan và các quốc gia chạy đua nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Để nâng cao năng suất lao động một cách nhanh và bền vững, tạo nền tảng quan trọng giúp đất nước cất cánh về kinh tế, vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của dân tộc, cần triển khai một số giải pháp đồng bộ, toàn diện và tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, về cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách về thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hiệu quả quản trị quốc gia; tạo khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Tăng cường tính minh bạch trong hành chính công; cải cách tiền lương và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn tham nhũng, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ góp phần giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp. Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính để kiến tạo không gian phát triển mới, tiến bộ, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng xanh và bền vững. 

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tháo gỡ rào cản tài chính đối với doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển theo Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. 

Đẩy mạnh giáo dục – đào tạo gắn với chăm sóc sức khỏe người dân nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trong các ngành Kinh tế. Chú trọng định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên phù hợp với thị trường lao động; nhất là các ngành nghề khoa học – kỹ thuật – công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)…

Hai là, đối với các doanh nghiệp.

Đại hội XIII của Đảng nhận định về một số hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam: “Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế…”13. Do đó, để tăng năng suất lao động, các doanh nghiệp cần chú trọng:

 Các doanh nghiệp cần xác định rỗ mô hình sản xuất phù hợp gắn liền với việc nâng cao hiệu quả quản trị thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là AI. Việc lựa chọn quy mô sản xuất cùng với định hướng phát triển các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao và tích hợp công nghệ tiên tiến, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, cần đổi mới tư duy trong quản lý vận hành hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất – kinh doanh thông qua việc áp dụng các mô hình quản lý hiện đại  được thế giới công nhận. 

Tiếp tục xây dựng hệ thống các chỉ tiêu và thước đo năng suất lao động phù hợp với từng hoạt động sản xuất cụ thể là tiền đề quan trọng để đánh giá chính xác hiệu quả lao động theo từng vị trí, quy trình và lĩnh vực. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp phát hiện ra điểm nghẽn trong chuỗi vận hành mà còn tạo động lực nâng cao hiệu suất làm việc của người lao động. Mặt khác, doanh nghiệp cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất làm tăng thêm giá trị và giá trị sử dụng của sản phẩm.

Ba là, đối với người lao động.

Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động, tuy nhiên, với thực trạng nguồn nhân lực như hiện nay sẽ là một khó khăn lớn cho các doanh nghiệp có thể đứng vững và cạnh tranh trên thị trường với các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế số phát triển nhanh chóng, các nhà máy “không công nhân”, “không ánh đèn” đang ngày càng  phổ biến, kéo theo nhiều vị trí việc làm đang dần bị thay thế sức lao động, vì vậy, nếu không muốn bị đào thải người lao động cần chú trọng nâng cao năng suất lao động của chính mình. 

Người lao động cần chủ động rèn luyện ý thức nghề nghiệp, tuân thủ nghiêm kỷ luật lao động, xây dựng tác phong công nghiệp chuyên nghiệp; đồng thời, thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc, tận tâm và gắn bó lâu dài nhằm góp phần thiết thực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tiếp tục học tập, rèn luyện, cập nhật tri thức mới nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập ; đồng thời, có khả năng thích nghi cao với chuyển dịch cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp, nền kinh tế.

4. Kết luận

Để nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay cần một cách tiếp cận tổng thể, kết hợp giữa cải cách thể chế, đầu tư vào giáo dục và đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như cải thiện môi trường làm việc. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh, năng suất lao động không chỉ là thước đo của hiệu quả sản xuất mà còn là chìa khóa để nâng cao đời sống người dân và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thúc đẩy năng suất lao động không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sứ mệnh của từng doanh nghiệp và cá nhân người lao động. Trong thời đại số hóa, việc nắm bắt công nghệ mới, cải tiến quy trình làm việc, và phát triển kỹ năng mềm là những yếu tố thiết yếu để tạo nên một lực lượng lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ hợp lý, môi trường làm việc tích cực, cùng với văn hóa doanh nghiệp lành mạnh sẽ là động lực giúp người lao động phát huy tối đa năng lực. Khi các yếu tố này được gắn kết hài hòa, Việt Nam không chỉ cải thiện được năng suất lao động mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững và nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Chú thích:

1, 2, 5, 6, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2025). Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 263 – 264, 290 – 291, 281 -282, 272, 291.

3, 7. Tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam – tiếp cận phân tích bằng phương pháp chuyển dịch tỷ trọng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/15/tang-truong-nang-suat-lao-dong-o-viet-nam-tiep-can-phan-tich-bang-phuong-phap-chuyen-dich-ty-trong/

4. Khai thác động lực tăng trưởng từ năng suất lao động. https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/khai-thac-dong-luc-tang-truong-tu-nang-suat-lao-dong-813398.

8. Tổng cục Thống kê (2025). Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2024. tr. 336.

9. Một số vấn đề về năng suất lao động Việt Nam. https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/mot-so-van-de-ve-nang-suat-lao-dong-viet-nam.html

10. Nguyễn Thị Thu Hiền (2024). Giải pháp nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam. Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 6/2024, tr. 219.

11. Bài 1: Năng suất lao động của Việt Nam đứng ở đâu? https://ttdn.vn/nghien-cuu-trao-doi/ly-luan-thuc-tien/bai-1-nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-dung-o-dau-103225

12. Tổng thuật: Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-thuat-dien-dan-nang-cao-nang-suat-lao-dong-quoc-gia-nam-2024-119240526115809845.htm

13. Đảng Cộng sản Việt nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 80. 

Tài liệu tham khảo:

1. Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2024.  https://www.nso.gov.vn/default/2025/05/cac-bao-cao-phan-tich-va-du-bao-thong-ke-nam-2024/

2. Tổng Cục thống kê (2024). Niên giám thống kê năm 2024. H. NXB Thống kê.

3. Năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp.https://www.nso.gov.vn/default/2023/02/nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-giai-doan-2011-2020-thuc-trang-va-giai-phap/

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2025). Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

6. Đổi mới quản trị văn phòng góp phần nâng cao năng suất lao động trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/01/02/doi-moi-quan-tri-van-phong-gop-phan-nang-cao-nang-suat-lao-dong-trong-hoat-dong-cua-cac-co-quan-to-chuc/

7. Nguyễn Thị Thu Hiền (2024). Giải pháp nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam. Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 6/2024.

8. Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế từ việc cải thiện năng suất lao động.https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/10/08/nang-cao-suc-canh-tranh-cua-nen-kinh-te-tu-viec-cai-thien-nang-suat-lao-dong/