TS. Đỗ Thị Thu Huyền
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, du lịch sáng tạo đã nổi lên như một xu hướng phát triển bền vững, khuyến khích sự tham gia chủ động của du khách thông qua các trải nghiệm văn hóa và sáng tạo. Nhiều quốc gia đã tích hợp thành công công nghệ số với di sản văn hóa nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch sáng tạo và độc đáo. Bài viết phân tích các mô hình tiêu biểu tại Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu, từ đó định hướng phát triển cho du lịch sáng tạo tại Việt Nam trong thời đại số.
Từ khóa: Du lịch sáng tạo, chuyển đổi số, trải nghiệm văn hóa, công nghệ số, phát triển bền vững.
1. Đặt vấn đề
Du lịch sáng tạo ngày càng được công nhận là một phương thức phát triển quan trọng, đặt trọng tâm vào trải nghiệm, sự tương tác và gắn kết văn hóa. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, ranh giới của ngành du lịch đã mở rộng vượt ra ngoài hình thức tham quan truyền thống để tiến tới các trải nghiệm nhập vai và có tính tương tác cao. Việt Nam, với nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đang đứng trước cả cơ hội và thách thức trong việc tiếp thu các mô hình du lịch sáng tạo toàn cầu trong bối cảnh số hóa.
Du lịch sáng tạo là hình thức du lịch hướng đến những trải nghiệm chân thực và có sự tham gia tích cực thông qua việc học hỏi mang tính tương tác về nghệ thuật, di sản hoặc những nét đặc trưng riêng biệt của một địa phương, tạo ra sự kết nối giữa du khách với người dân bản địa – những người đang sống và sáng tạo nên nền văn hóa sống động ấy (Richards & Raymond, 2000).
Du lịch sáng tạo trong kỷ nguyên số là một hình thức du lịch mà ở đó du khách không chỉ trải nghiệm thụ động mà còn chủ động tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo; đồng thời được hỗ trợ và nâng cao trải nghiệm thông qua các công nghệ số tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trong kỷ nguyên số, du lịch sáng tạo phát triển bằng cách tích hợp các công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm nhập vai, cho phép sự tham gia từ xa và thúc đẩy sự đồng sáng tạo giữa du khách và cộng đồng địa phương (OECD, 2021).
2. Kinh nghiệm thế giới về du lịch sáng tạo số
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực, nhiều quốc gia đã tiên phong ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng và sức hấp dẫn của du lịch sáng tạo. Ba mô hình tiêu biểu là Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu, mỗi nơi có cách tiếp cận riêng biệt nhưng đều dựa trên nền tảng kết hợp giữa văn hóa bản địa và công nghệ hiện đại.
2.1. Hàn Quốc: kết hợp văn hóa đại chúng và công nghệ
Hàn Quốc đã tận dụng hiệu quả làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn) cùng các công nghệ như AR/VR để tạo ra các trải nghiệm du lịch nhập vai. Các buổi hòa nhạc ảo, gặp gỡ người hâm mộ trực tuyến và các tour du lịch K-pop tương tác đã giúp mở rộng phạm vi tiếp cận du lịch của Hàn Quốc, ngay cả trong giai đoạn hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 (OECD, 2021).
Tận dụng làn sóng Hallyu (Korean Wave): Hàn Quốc đã khai thác tối đa sự phổ biến toàn cầu của K-pop, phim ảnh và văn hóa Hàn để làm đòn bẩy phát triển du lịch. Khi các nhóm nhạc như BTS, Blackpink hoặc các bộ phim như Crash Landing on You hay Goblin trở thành hiện tượng quốc tế, chúng không chỉ mang lại giá trị giải trí mà còn góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia đầy sức hấp dẫn trong mắt du khách toàn cầu.
Hallyu đã biến văn hóa Hàn Quốc thành một thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, thu hút hàng triệu du khách quốc tế đến Hàn Quốc mỗi năm để được “chạm gần” với thần tượng hoặc trải nghiệm các bối cảnh phim nổi tiếng. Chính phủ và các tổ chức du lịch Hàn Quốc đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này, tích cực tổ chức các sự kiện như fan meeting, hòa nhạc và quảng bá các điểm đến gắn liền với K-pop hay K-drama, từ đó tạo nên sự gắn kết cảm xúc sâu sắc giữa người hâm mộ và đất nước Hàn Quốc.
Ứng dụng công nghệ AR/VR: công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường được sử dụng để tạo nên các trải nghiệm “du lịch tại chỗ” cho du khách như:
Buổi hòa nhạc K-pop ảo: người hâm mộ trên toàn thế giới có thể “tham dự” các buổi biểu diễn âm nhạc thông qua thiết bị VR. Điều này không chỉ giúp mở rộng quy mô khán giả mà còn tạo nguồn thu mới từ vé online và các sản phẩm kỹ thuật số.
Gặp gỡ thần tượng qua nền tảng số: các buổi fan meeting trực tuyến tạo cảm giác gần gũi và cá nhân hóa cho du khách quốc tế. Người hâm mộ có thể tương tác, trò chuyện và thậm chí “chụp hình” với thần tượng qua các nền tảng tích hợp công nghệ AR mang đến trải nghiệm tinh thần mạnh mẽ dù không hiện diện trực tiếp.
Tour du lịch theo chủ đề K-pop/K-drama: du khách được hướng dẫn tham quan các địa điểm quay phim, địa danh nổi tiếng qua ứng dụng tương tác. Ứng dụng này có thể sử dụng công nghệ AR để tái hiện các cảnh phim ngay tại địa điểm thật, hoặc cung cấp thông tin hậu trường, bản đồ hướng dẫn chi tiết bằng hình ảnh sống động. Nhờ đó, du khách không chỉ “xem” mà còn “sống” trong bối cảnh văn hóa mà họ yêu thích. Những ứng dụng này đặc biệt phù hợp với giới trẻ, nhóm khách du lịch hiện đại và đam mê công nghệ, đồng thời giúp ngành du lịch Hàn Quốc duy trì sự hấp dẫn, đổi mới và bền vững trong kỷ nguyên số.
Hàn Quốc đã chứng minh, việc kết hợp văn hóa đại chúng với công nghệ không chỉ thu hút thế hệ trẻ mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn, ngay cả khi du khách không cần phải trực tiếp đến nơi. Đây là ví dụ tiêu biểu về việc quốc tế hóa sản phẩm du lịch qua công nghệ, đặc biệt trong thời kỳ hạn chế di chuyển như đại dịch Covid-19.
2.2. Nhật Bản: bảo tồn truyền thống thông qua số hóa
Mô hình của Nhật Bản chú trọng vào kể chuyện số và trải nghiệm di sản có tính nhập vai. Tại Kyoto, các hoạt động truyền thống như trà đạo, làm kimono được tổ chức tại chỗ và thông qua các nền tảng trực tuyến, giúp tăng khả năng tiếp cận đồng thời vẫn giữ được tính xác thực (Richards & Raymond, 2000).
Trọng tâm vào bảo tồn văn hóa: Nhật Bản không chỉ tìm kiếm sự đổi mới mà còn đề cao sự gìn giữ nguyên bản và chiều sâu văn hóa truyền thống. Trọng tâm của chiến lược này là bảo tồn và tái hiện chân thực các giá trị lâu đời như nghi lễ, nghệ thuật truyền thống, tôn giáo và triết lý sống của người Nhật. Từ các ngôi chùa cổ kính, làng nghề truyền thống cho đến những nghi thức như trà đạo hay nghi lễ Thần đạo, tất cả đều được giữ gìn như một phần linh hồn của đất nước. Du khách khi đến Nhật không chỉ ngắm cảnh hay giải trí mà còn được tham gia vào một hành trình khám phá những tầng sâu văn hóa lâu đời, qua đó cảm nhận sự tĩnh lặng, tinh tế và chiều sâu tâm hồn Nhật Bản.
Kể chuyện số (Digital storytelling): các nền tảng số được dùng để truyền tải những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian, lễ nghi cổ truyền… bằng hình ảnh, âm thanh, và tương tác. Nhờ vào hình ảnh động, âm thanh sống động và yếu tố tương tác, các câu chuyện như huyền thoại về Yamata no Orochi (Bát Kỳ Đại Xà) hay những truyền thống mùa lễ hội Obon được kể lại một cách trực quan, dễ tiếp cận và hấp dẫn. Những nền tảng số này không chỉ truyền tải thông tin, mà còn khơi gợi cảm xúc, tạo sự kết nối giữa người xem với lịch sử và tâm hồn văn hóa Nhật Bản. Du khách, đặc biệt là giới trẻ, có thể trải nghiệm văn hóa thông qua ứng dụng di động, tour bảo tàng ảo hay website tương tác một cách tiếp cận mới mẻ giúp văn hóa truyền thống sống động giữa thời đại kỹ thuật số.
Trải nghiệm nhập vai từ xa: trà đạo, thư pháp, chế tác kimono, nghệ thuật ikebana… được tổ chức vừa tại chỗ (offline) vừa trực tuyến (online). Du khách có thể đăng ký các lớp học, buổi trải nghiệm văn hóa qua Zoom hoặc các ứng dụng VR để “đồng hành từ xa”. Thông qua camera, thiết bị tương tác hoặc mô phỏng VR, người tham gia có thể quan sát kỹ thuật, lắng nghe chia sẻ của nghệ nhân và thực hành tại chỗ, từ đó tạo nên sự kết nối cá nhân sâu sắc với nghệ thuật truyền thống. Không chỉ đơn thuần là quảng bá, mô hình này góp phần duy trì tính sống động của văn hóa phi vật thể và mở rộng đối tượng tiếp cận, bao gồm cả những người không thể đến Nhật trực tiếp nhưng vẫn khám phá được văn hóa nơi đây.
Nhật Bản cho thấy, công nghệ có thể không làm loãng mà còn tăng thêm giá trị di sản, miễn là được sử dụng để làm rõ chiều sâu và tính bản sắc. Mô hình này thích hợp cho các nước như Việt Nam, nơi có kho tàng di sản phi vật thể phong phú và cần được gìn giữ song song với khai thác.
2.3. Châu Âu: du lịch sáng tạo theo mạng lưới
Mạng lưới Du lịch Sáng tạo (Creative Tourism Network – CTN), thành lập năm 2010, thúc đẩy chia sẻ các thực hành tốt giữa các thành phố thành viên như Barcelona và Bologna. Những thành phố này sử dụng bản đồ số, nền tảng kể chuyện tương tác và các xưởng sáng tạo để thu hút du khách yêu thích văn hóa (Creative Tourism Network, 2023).
Tư duy theo mạng lưới: Creative Tourism Network (CTN) là một tổ chức liên kết các thành phố có định hướng phát triển du lịch sáng tạo trên toàn cầu, như Barcelona (Tây Ban Nha), Bologna (Ý), Namur (Bỉ)… Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực sáng tạo địa phương mà còn tạo ra sự đa dạng, thích nghi và lan tỏa trong cách làm du lịch – một giá trị cốt lõi trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng phức tạp.
Hệ sinh thái du lịch sáng tạo: CTN khuyến khích:
Chia sẻ tài nguyên sáng tạo: các thành phố thành viên tổ chức hội thảo, diễn đàn và nền tảng để trao đổi ý tưởng, sản phẩm, quy trình. Điều này tạo ra một không gian học tập mở, nơi một thành phố có thể áp dụng những mô hình thành công từ thành phố khác nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.
Công nghệ hỗ trợ trải nghiệm: đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái này với mục tiêu nâng cao trải nghiệm du lịch một cách sâu sắc và linh hoạt, như: bản đồ du lịch số có thể tùy chỉnh theo sở thích cá nhân, cho phép người dùng tự thiết kế hành trình phù hợp với sở thích, từ nghệ thuật đường phố, văn hóa địa phương đến hoạt động thủ công. Nền tảng kể chuyện tập thể (participatory storytelling) cho phép du khách “đồng sáng tạo” nội dung với người dân địa phương. Các workshop làm gốm, nấu ăn, thủ công không chỉ giúp du khách học các kỹ năng mà còn để lại dấu ấn cá nhân qua sản phẩm mình tạo ra như một bức tranh vẽ tay, chiếc bánh truyền thống, hay chiếc ly gốm tự nặn. Những trải nghiệm này giúp du khách “sống như người bản địa”, tăng tính kết nối cảm xúc, làm tăng giá trị văn hóa lan tỏa khi họ mang câu chuyện và sản phẩm ấy về quê hương mình và chia sẻ.
Châu Âu đưa ra một mô hình phát triển mang tính cộng đồng cao, đề cao sự tham gia và đồng kiến tạo (co-creation) giữa du khách và cộng đồng. Tư duy phát triển theo mạng lưới và vùng văn hóa giúp mở rộng thị trường, tạo tính liên kết và bền vững, thay vì chỉ phát triển riêng lẻ từng điểm đến.
Bảng. So sánh 3 mô hình du lịch sáng tạo số
Tiêu chí | Hàn Quốc | Nhật Bản | Châu Âu |
Trọng tâm | Văn hóa đại chúng + công nghệ | Di sản truyền thống + số hóa | Du lịch sáng tạo mạng lưới, cộng đồng |
Ứng dụng công nghệ | AR/VR, truyền thông số | Kể chuyện số, lớp học trực tuyến | Bản đồ số, nền tảng kể chuyện cộng đồng |
Mức độ tương tác du khách | Cao (người hâm mộ tích cực) | Trung bình (học hỏi & quan sát) | Rất cao (đồng sáng tạo nội dung) |
Bài học rút ra | Quốc tế hóa sản phẩm, hướng giới trẻ | Bảo tồn di sản bằng công nghệ | Huy động cộng đồng, phát triển bền vững |
3. Kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam
3.1 Tích hợp công nghệ vào sản phẩm du lịch
Việt Nam nên nghiên cứu ứng dụng các công nghệ như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) cho các di tích lịch sử, chatbot AI cho hướng dẫn viên đa ngôn ngữ và các ứng dụng số hóa di sản văn hóa. Ứng dụng VR/AR tại các di tích lịch sử không chỉ mang lại trải nghiệm sống động cho du khách mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, việc phát triển chatbot AI hỗ trợ hướng dẫn viên đa ngôn ngữ và các ứng dụng di động cá nhân hóa hành trình văn hóa sẽ tạo ra sự thuận tiện, tương tác và đa dạng hóa trải nghiệm cho khách du lịch. Đồng thời, các dự án số hóa di sản văn hóa phi vật thể, như: Ca trù, Quan họ sẽ không chỉ giúp bảo tồn mà còn giới thiệu rộng rãi giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, từ đó nâng cao vị thế trên thị trường du lịch toàn cầu.
3.2 Thúc đẩy hợp tác công – tư – cộng đồng
Sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương là yếu tố then chốt giúp bảo đảm các lợi ích được phân bổ công bằng, đồng thời tăng cường sự tham gia và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Việt Nam có thể học hỏi mô hình quản trị của CTN nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch, tạo nên cơ chế quản lý hiệu quả, góp phần phát triển ngành du lịch sáng tạo một cách toàn diện và bền vững.
3.3 Phát triển nguồn nhân lực cho du lịch sáng tạo
Các cơ sở đào tạo nên đưa các nội dung về kỹ năng số, tư duy khởi nghiệp văn hóa và tư duy sáng tạo vào chương trình đào tạo ngành du lịch không chỉ giúp nâng cao chất lượng nhân lực mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đây chính là nền tảng để xây dựng thế hệ lãnh đạo ngành du lịch tương lai có tầm nhìn chiến lược, năng động và thích ứng linh hoạt với sự biến đổi của thị trường.
3.4 Xây dựng thương hiệu sáng tạo cho Việt Nam
Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo dấu ấn khác biệt trên bản đồ du lịch thế giới cho Việt Nam. Định vị Việt Nam như là một điểm đến du lịch sáng tạo bằng cách làm nổi bật những câu chuyện văn hóa đặc sắc, tích hợp kể chuyện số vào các chiến dịch quảng bá thương hiệu quốc gia sẽ giúp Việt Nam nổi bật trên thị trường quốc tế. Điều này góp phần tạo ra hình ảnh điểm đến hấp dẫn, thân thiện và mang đậm bản sắc văn hóa Việt, từ đó thu hút nhiều du khách quốc tế hơn và phát triển ngành du lịch một cách bền vững.
4. Kết luận
Du lịch sáng tạo trong kỷ nguyên số mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đổi mới, bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển bền vững. Việc học hỏi từ kinh nghiệm toàn cầu và đầu tư chiến lược vào hạ tầng số, nguồn nhân lực và điều phối chính sách sẽ là chìa khóa để hiện thực hóa tiềm năng này.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Du lịch Việt Nam (2023). Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. H. NXB Chính trị quốc gia.
2. Creative Tourism Network (2023). Report and case studies on creative tourism. https://creativetourismnetwork.org
3. OECD (2021). Tourism trends and policies 2021. OECD Publishing.
4. Richards, G., & Raymond, C. (2000). Creative Tourism. ATLAS Cultural Tourism Research Project.