Tăng cường hoạt động quản lý thị trường trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất – kinh doanh1. Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, vướng mắc, cần tìm ra các giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thị trường trong nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở nước ta trong thời gian tới.

 

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn)
Thực trạng công tác quản lý thị trường trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở nước ta trong thời gian qua

 Kết quả đạt được

Những năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu (CBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng và Nhân dân tích cực thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi của người dân. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia CBL, GLTMHG (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), công tác này đã có chuyển biến rõ rệt và bước đầu đạt được những kết quả rất tích cực, nhận thức của các cấp, các ngành được nâng lên, vai trò, trách nhiệm của các lực lượng chức năng được đề cao2.

Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) trên các lĩnh vực; triển khai 5.412 cuộc thanh tra hành chính và 212.077 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm tra chuyên ngành; qua đó, chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, góp phần bình ổn thị trường trong nước, CBL, GLTMHG.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công an và các ngành đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật (VPPL) về buôn lậu, GLTMHG về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo, tổ chức các đợt cao điểm về phòng CBL, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả…3.

Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh CBL, GLTMHG trong tình hình mới, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai các biện pháp đấu tranh CBL, GLTMHG, phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh trật tự4.

Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, góp phần răn đe vi phạm (điển hình như Công an Đắk Nông phát hiện vụ sản xuất xăng A95 giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam; hay như vụ bắt giữ 51 kg vàng buôn lậu từ Cam-pu-chia về Việt Nam trong tháng 11/2020). Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy, tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội; sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế5.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả còn diễn biến phức tạp; đã phát hiện, xử lý 4.109 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (ít hơn 37,56% so với cùng kỳ năm 2018); 446 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng giả (ít hơn 36,83% so với cùng kỳ năm 2018); phát hiện vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn liên quan đến nhiều địa phương gây bức xúc dư luận…6.

Trong lĩnh vực thuế, hải quan, đã phát hiện 14.795 vụ vi phạm, trong đó có 13.885 vụ vi phạm hành chính, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 2.120 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ năm 2018). Các vi phạm trong lĩnh vực thuế, hải quan chủ yếu là mua bán hóa đơn và trốn thuế; tình trạng thất thu thuế qua hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI còn tiềm ẩn phức tạp; công tác QLNN trong hoạt động thương mại điện tử còn lỏng lẻo, gây thất thu thuế rất lớn, làm phát sinh hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài…; lợi dụng các quy định thông thoáng về hải quan để hoạt động buôn lậu, vận chuyển ma túy…7.

Kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại của đất nước.

Hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Công tác CBL, GLTMHG chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, GLTMHG vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi và gắn với tệ nạn tham nhũng, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế; nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng loại được bày bán công khai, đặc biệt là thuốc lá nhập lậu và các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân chưa được đẩy lùi8.

Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế, chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên. Thực tế trên đây là đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất – kinh doanh9.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến tình hình trong nước. Hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức mới, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG chưa đầy đủ, còn vướng mắc, bất cập, như: quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; các quy định về giám định; các văn bản tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm… Các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ… làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật10.

Một số bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm chỉ đạo, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả xã hội vào đấu tranh phòng, CBL, GLTMHG…

Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý thị trường trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở nước ta trong thời gian tới

Một là, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG. Xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG; lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG trong từng chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

Thực hiện nghiêm các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia CBL, GLTMHG, nhất là Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh CBL, GLTMHG trong tình hình mới; Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06/5/2016; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh CBL, GLTMHG, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này.

Hai là, đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG. Chủ động rà soát, xây dựng và phối hợp xây dựng, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi các Luật được Quốc hội ban hành, như: Luật Công an nhân dân năm 2020 (sửa đổi), Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Thi hành án hình sự  năm 2019 (sửa đổi)…

Chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an tiếp tục trấn áp mạnh các loại tội phạm, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và theo các tuyến, địa bàn, hệ loại đối tượng, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc. Tập trung tấn công trấn áp tội phạm có tổ chức; tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các đường dây, tổ chức buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; kiên quyết ngăn chặn các hành vi giả mạo hàng Việt Nam (made in Vietnam) để xuất khẩu đi nước thứ ba; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo… Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Ba là, coi trọng và chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự tự giác của Nhân dân trong phát hiện, tố giác, tham gia đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trên các tuyến, địa bàn; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở.

Làm tốt công tác rà soát, quản lý, giáo dục các loại đối tượng, nhất là những đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; tăng cường công tác lập hồ sơ đưa đối tượng đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, truy bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, nhất là số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm… Triển khai các biện pháp quản lý, giúp đỡ số đối tượng mãn hạn tù, số tha tù trước thời hạn có điều kiện trở về địa phương xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ tái phạm.

Bốn là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra; nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Năm là, thực hiện tốt các mặt công tác QLNN trên các lĩnh vực, nhất là quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý người nước ngoài, tài chính, ngân hàng, thông tin, truyền thông, quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG; đẩy nhanh việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương, đa phương trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ tội phạm và thu hồi tài sản giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp, nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về phòng, chống tội phạm. Đồng thời, tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, khoa học, kỹ thuật phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Sáu là, tiếp tục tăng cường các nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và các kỹ năng công vụ cho lực lượng thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống tội phạm. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xây dựng và triển khai các Đề án nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG.

Bảy là, Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác hướng dẫn, giải thích luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, VPPL về buôn lậu, GLTMHG.

Chú thích:
1, 4, 9. Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
2, 8. Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
3, 6, 7, 10. Báo cáo số 503/BC-CP ngày 16/10/2019 của Chính phủ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 (ngày 01/10/2018 – 30/9/2019).
5. Vụ án gian lận, trốn thuế tại trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương. baochinhphu.vn, ngày 01/01/2019.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Học viện Báo chí và Tuyên truyền