Tỉnh Lai Châu chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,viên chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, tập trung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, đạo đức công chức, công vụ… đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 

Lớp tập huấn lý luận chính trị tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu (Nguồn: https://www.tuyengiao.vn).
 

Lai Châu là tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 9.068 km2, là tỉnh có vị trí chiến lược về quốc phòng và an ninh biên giới; với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 106 đơn vị hành chính cấp xã (94 xã, 5 phường và 7 thị trấn). Năm 2020, tổng số cán bộ, công chức (CBCC) cấp tỉnh, cấp huyện của Lai Châu là 1.600 người; tổng số CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 3.241 người (trong đó: cán bộ 1.086 người, công chức 986 người, người hoạt động không chuyên trách 1.169 người); tổng số viên chức là 15.145 người1.

Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD), góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, chú trọng công tác ĐTBD CBCCVC, trong đó tập trung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, đạo đức công chức, công vụ…

Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, từ năm 2014, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 01/10/2014 về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án ĐTBD CBCCVC giai đoạn 2016 – 2025 và các văn bản của Trung ương về ĐTBD CBCCVC, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU ngày 23/9/2016 về ĐTBD CBCCVC giai đoạn 2016 – 2020. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 quy định mức chi ĐTBD CBCCVC và hỗ trợ luân chuyển CBCCVC trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch ĐTBD CBCCVC hằng năm, đồng thời, ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 16/9/2019 về Quy chế ĐTBD CBCCVC trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Quyết định số 37/2019/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chi ĐTBD CBCCVC và hỗ trợ luân chuyển CBCC trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch số 1503/KH-UBND ngày 27/7/2020 triển khai thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030” tại tỉnh Lai Châu.

Kết quả, từ năm 2016 – 2020, tỉnh đã ĐTBDcho CBCCVC được 46.731 lượt người, cụ thể: (1) Về đào tạo lý luận chính trị: mở 56 lớp với 3.851 người, trong đó: cao cấp lý luận chính trị 6 lớp với 600 người, trung cấp lý luận chính trị 50 lớp với 3.251 người. (2) Về đào tạo chuyên môn: sau đại học mở 6 lớp với 177 người; đại học 54 lớp với 3.898 người. (3) Về bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh công chức: mở 28 lớp với 2.151 người, trong đó: bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp 1 lớp với 32 người; bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính 6 lớp với 541 người; bồi dưỡng ngạch chuyên viên 21 lớp với 1.578 người. (4) Về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức: mở 16 lớp với 1.240 người, trong đó: bồi dưỡng viên chức hạng II mở 4 lớp với 280 người; bồi dưỡng viên chức hạng III mở 10 lớp với 820 người… (5) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý: mở 21 lớp với 859 người, trong đó: bồi dưỡng cấp sở và tương đương 2 lớp với 116 người; cấp huyện và tương đương 1 lớp với 23 người; cấp phòng và tương đương 18 lớp với 720 người. (6) Bồi dưỡng quốc phòng – an ninh, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc:  9.411 lượt người (quốc phòng – an ninh: 4.090 lượt  người, ngoại ngữ: 1.340 lượt người, tin học: 1.728 lượt người, tiếng dân tộc: 2.253 lượt người). (7) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, đạo đức công chức, công vụ, vị trí việc làm: 31.078 lượt người2.

Những năm qua, công tác ĐTBD của tỉnh đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị, tiêu chuẩn ngạch chức danh công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức gắn với vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, hiệu quả công tác tham mưu, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị có chuyển biến tích cực.

Năm 2020, có 100% CBCC cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch công chức. Giai đoạn 2016 – 2020, trung bình mỗi năm có 1.287 CBCC được bồi dưỡng cập nhật, kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ, đạt 80,4%. Đối với CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, hằng năm, có khoảng 1.321 CBCC cấp xã được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ, đạt 63,75%. Giai đoạn 2016 – 2020, trung bình mỗi năm bồi dưỡng cho 347 CBCC tiếng dân tộc Mông, tiếng dân tộc Thái. Đối với viên chức, số viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là 2.147 người, đạt 14,1%, tập trung ở viên chức ngành giáo dục; số viên chức giữ chức vụ quản lý là 1.265 người, trong đó, số được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm là 897 người, đạt 70%; số viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành trung bình hằng năm là 9.147 lượt người, đạt 60,4%. Đối với đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 100% đại biểu HĐND các cấp được bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động trong nhiệm kỳ3.

Để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác ĐTBD CBCCVC, nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động ĐTBD, quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng CBCC trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả ĐTBD, theo Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND quy định rõ nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền tổ chức quản lý, trách nhiệm, quyền lợi của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong ĐTBD CBCCVC trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, về kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của các cơ sở ĐTBD:

Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đã mời một số CBCCVC của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tham gia giảng dạy các chương trình ĐTBD như chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính, chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên… Đa số báo cáo viên có kinh nghiệm thực tế, có tinh thần trách nhiệm cao, đã bám sát thực tiễn để kịp thời luận giải vấn đề, định hướng tư tưởng cho CBCCVC.

Thứ hai, về xây dựng Quy chế quy định trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia giảng dạy các chương trình ĐTBD CBCCVC.

Mặc dù tỉnh chưa xây dựng Quy chế quy định trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia giảng dạy các chương trình ĐTBD CBCCVC nhưng trên thực tế, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã tham gia giảng dạy các chương trình ĐTBD CBCCVC, như: đào tạo trung cấp lý luận chính trị – hành chính, bồi dưỡng dự nguồn cán bộ, lãnh đạo quản lý, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo thuộc đối tượng 4, bồi dưỡng theo vị trí việc làm cho công chức, viên chức…

Thứ ba, về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các cơ sở ĐTBD CBCCVC.

Cơ sở vật chất của Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng đã được đầu tư, trang bị, cơ bản bảo đảm cho công tác mở lớp, bước đầu đáp ứng việc ĐTBD CBCC trong tỉnh.

Thứ tư, về tổ chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC.

Hằng năm, sau khi UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch ĐTBD CBCCVC, Sở Nội vụ đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện Kế hoạch, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở các lớp ĐTBD phải thực hiện việc đánh giá các lớp sau bồi dưỡng theo Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC. Thông qua Phiếu đánh giá cho thấy chất lượng các khóa bồi dưỡng ngày càng được nâng cao, học viên hài lòng về hình thức tổ chức bồi dưỡng, chương trình bồi dưỡng, giảng viên, cơ sở vật chất, công tác tổ chức, quản lý, phục vụ của cơ sở ĐTBD và các đơn vị được phân công mở lớp bồi dưỡng (tỷ lệ hơn 80% các khóa bồi dưỡng được đánh giá tốt)4. Đối với Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng của tỉnh, việc đánh giá kết quả ĐTBD được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau (thông qua điểm kiểm tra; viết tiểu luận tốt nghiệp tình huống cuối khóa; ý thức học tập, rèn luyện của học viên và lấy ý kiến góp ý của người học).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTBD CBCCVC của tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định:

Số lượng viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp còn thấp do một số chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chưa được các bộ, ngành kịp thời ban hành.

Các cơ sở ĐTBD được giao nhiệm vụ bồi dưỡng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức chưa tổ chức hoặc tổ chức rất ít các khóa bồi dưỡng, như chức danh nghề nghiệp âm thanh viên, kỹ thuật dựng phim, phát thanh viên, giảng viên thực hành hạng III…

Số lượng viên chức tham gia ĐTBD còn hạn chế do các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh còn khó khăn, nguồn kinh phí chi cho viên chức đi ĐTBD còn hạn hẹp.

Việc bồi dưỡng cho đối tượng đại biểu HĐND các cấp gặp khó khăn do từ năm 2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác ĐTBD CBCCVC không có đối tượng đại biểu HĐND các cấp như trước đây (Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010)…

Định hướng đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ĐTBD CBCCVC, tỉnh tập trung vào những vấn đề cụ thể sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác ĐTBD CBCCVC.

Hai là, triển khai thực hiện tốt một số văn bản do UBND tỉnh ban hành về công tác ĐTBD, như: Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND; Kế hoạch số 356/KH-UBND…, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho CBCCVC giai đoạn 2019 – 2030” tại tỉnh Lai Châu.

Ba là, cân đối, bảo đảm nguồn ngân sách cho công tác ĐTBD phát triển nhân lực tỉnh, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục và đào tạo, trong đó huy động nguồn đóng góp của cơ quan, đơn vị có CBCCVC được cử đi ĐTBD và từng CBCCVC tham gia học tập.

Bốn là, gắn công tác ĐTBD với công tác quy hoạch và sử dụng CBCCVC. Tập trung định hướng triển khai có hiệu quả các văn bản quy định về công tác ĐTBD của trung ương và của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năm là, đề nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018, theo hướng bổ sung thêm đối tượng đại biểu HĐND các cấp được ĐTBD; nghiên cứu tham mưu chế độ hỗ trợ kinh phí ĐTBD cho viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhất là viên chức đang công tác tại các đơn vị, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn như tỉnh Lai Châu.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Tác giả tổng hợp từ Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu năm 2021 về tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 53-KH/TU ngày 23/9/2016 của Tỉnh ủy Lai Châu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020.
2. Kế hoạch số 1503/KH-UBND ngày 27/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030” tại tỉnh Lai Châu.
3. Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 01/10/2014 của tỉnh ủy Lai Châu về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
4. Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và hỗ trợ luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
5. Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025.
6. Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 16/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

ThS. Hoàng Thị Hoài Hương
Học viện Hành chính Quốc gia