Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động Hội Phụ nữ các cấp

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của phụ nữ, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã rất chú trọng lãnh đạo công tác phụ nữ, quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tiềm năng của phụ nữ, thúc đẩy các hoạt động, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng của Thủ đô.
Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: hnew.org.vn.
Một số kết quả đạt được

Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 37-KH/TU ngày 07/9/2007 về việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW; Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 15/10/2007 thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW,  từ đó, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội về vai trò, vị trí của phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và công tác cán bộ nữ”, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 10/5/2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ của thành phố Hà Nội trong tình hình mới.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp phối hợp với các đơn vị đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức Giới, kỹ năng lồng ghép Giới vào chương trình, kế hoạch của địa phương, ngành cho 114.806 lượt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội từ Thành phố tới cơ sở; tuyên truyền bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình… cho hơn 2 triệu lượt đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn Thành phố. Từ năm 2012 đến nay, tổ chức 134 lớp tập huấn về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho 15.800 lượt cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành và Nhân dân; tổ chức trên 30 cuộc hội thảo, tọa đàm về giải pháp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới…1.

Hai là, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng Khu liên hợp phát triển phụ nữ Hà Nội, thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội nhằm tạo điều kiện chăm lo, hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ. Phối hợp với tổ chức PLAN triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường vị thế và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào sự phát triển của thành phố Hà Nội” giai đoạn 2007 – 2010, góp phần giúp phụ nữ phấn đấu học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật; hỗ trợ lao động nữ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập thông qua các hoạt động tập huấn, hướng nghiệp, tổ chức các hội chợ việc làm, hoạt động của sàn giao dịch việc làm và giới thiệu việc làm tại chỗ để kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm…

Đồng thời, tham gia các ban chỉ đạo, các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện chế độ, chính sách với lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là lao động nữ, qua đó đã phát hiện và giải quyết quyền lợi hợp pháp cho nhiều lao động, trong đó có lao động nữ được ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, trợ cấp thai sản, trợ cấp thôi việc…

Ba là, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; người phụ nữ Thủ đô có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu.

Thành ủy đã lãnh đạo các cấp, ngành, triển khai sâu rộng công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về thực hiện kế hoạch hóa gia đình cho người dân, tạo điều kiện cho phụ nữ chăm sóc sức khỏe, học tập nâng cao kiến thức, trình độ mọi mặt và tham gia các hoạt động xã hội.

Công tác tuyên truyền nhằm giảm tình trạng về mất cân bằng giới tính khi sinh được đẩy mạnh, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở y tế trong việc thực hiện quy định không thông báo giới tính thai nhi, không loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính và tích cực hoàn thành Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, Thành ủy đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ phối hợp triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ.

Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố là 19,7% (tăng 7,7% so với nhiệm kỳ trước), trong đó tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ là 25%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện đạt 24,1%, tăng 8,03% so với nhiệm kỳ 2015 – 2020; đơn vị có tỷ lệ nữ cấp ủy cao nhất là quận Cầu Giấy đạt 45,9%; Tỷ lệ nữ cán bộ tham gia Ban Thường vụ cấp huyện đạt 17,4%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt cao, chiếm 26,3% (trong đó tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy khối xã, phường đạt 27,5%; tăng 3,6% so với nhiệm kỳ trước)2.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021 của thành phố là 30% (tăng 3,4% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021: cấp thành phố 23,8% (giảm 0,4% so với nhiệm kỳ trước); cấp quận, huyện, thị xã 30% (tăng 3,6% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã, phường, thị trấn 28,5% (tăng 3% so với nhiệm kỳ trước)3.

Năm là, xây dựng, củng cố hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.

Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, lãnh đạo trong công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội phụ nữ các cấp, nhất là thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Thành ủy về việc “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố đã chỉ đạo các cấp hội kiện toàn các cơ sở, chi hội phụ nữ trên địa bàn dân cư bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống chính trị.

Tổ chức hội ngày càng phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đoàn kết, tập hợp, vận động phụ nữ. Thực hiện phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội đã tăng cường xây dựng các mô hình mới tập hợp thu hút hội viên phụ nữ theo lứa tuổi, sở thích, ngành nghề, lao động nữ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, nữ lao động nhập cư….

Một số tồn tại, hạn chế

Một số nội dung trong Chương trình hành động, kế hoạch mà Thành ủy đưa ra thực hiện chưa đạt chỉ tiêu đề ra; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số ban, ngành, quận, huyện, cơ sở còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực. Việc lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu giới vào chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của địa phương, ban, ngành còn hạn chế. Hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ở một số địa phương, đơn vị còn hình thức.

Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và người dân về phụ nữ và công tác phụ nữ còn hạn chế, chưa quán triệt đầy đủ về bình đẳng giới, còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, định kiến giới, tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, các tệ nạn xã hội, các vụ án hình sự, dân sự liên quan đến phụ nữ còn diễn biến phức tạp. Vai trò tham mưu, đề xuất của Hội Phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ với cấp ủy, chính quyền về công tác phụ nữ ở một số cơ quan, đơn vị, cơ sở còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của một số tổ chức cơ sở Hội tuy đã có nhiều cố gắng song chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển và nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp phụ nữ Thủ đô.

Ngoài ra, một số cơ sở Hội phụ nữ còn lúng túng trong triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), dẫn đến hiệu quả giám sát và phản biện xã hội chưa cao.

Một số giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác phụ nữ

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội từ Thành phố tới cơ sở tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Thành ủy nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước. Đặc biệt, cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) ngày 30/10/2016 về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Thứ hai, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp của phụ nữ trong các lĩnh vực: học tập, lao động, việc làm, đào tạo nghề, phát triển doanh nghiệp, đất đai, môi trường, bảo hiểm xã hội, hôn nhân gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Quan tâm đến nội dung thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu. Hằng năm, phối hợp thống kê tình hình thực hiện các chỉ tiêu về giới, bình đẳng giới ở địa phương, đơn vị theo “Bộ số liệu thống kê bình đẳng giới” của Thành phố, qua đó, giúp nắm bắt tình hình thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố, có kế hoạch lồng ghép giới trong việc xây dựng nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành.

Quan tâm đến các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; quan tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo,  cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nhất là lao động nữ khu vực nông thôn và nữ công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Thứ ba, tăng cường chăm lo sức khỏe, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và thành viên gia đình đối với nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Quan tâm tuyên truyền, vận động phụ nữ và gia đình Thực hiện tốt Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, tham gia xây dựng và thực hiện tốt các quy ước, hương ước tại cộng đồng. Chú trọng biểu dương điển hình gia đình tiêu biểu văn minh, hạnh phúc. Các ngành chức năng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ các cấp chú trọng phổ biến kiến thức và kỹ năng xây dựng gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và dinh dưỡng trẻ em, phòng, chống dịch bệnh, các tệ nạn xã hội, phát triển các dịch vụ gia đình, xây dựng chính sách phát triển hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các đơn vị trên địa bàn Thành phố căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương, đơn vị, có đề án, kế hoạch đồng bộ trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ với cơ cấu, số lượng, chất lượng cụ thể để chủ động trong bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ nữ, nhất là cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp. Trong những nhiệm kỳ tới, phấn đấu số cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp từ 35 – 40%.

Ban Tổ chức Thành ủy cần phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp”. Nắm tình hình cán bộ nữ tại cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên để lựa chọn, giới thiệu cán bộ nữ đáp ứng quy định, tiêu chuẩn với cấp ủy các cấp và có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, bảo đảm có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Thứ năm, tăng cường lãnh đạo tổ chức hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội.

Các cấp ủy đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ. Phân công cấp ủy viên có năng lực, phẩm chất tốt, có uy tín, nhiệt tình, trực tiếp phụ trách công tác Hội. Giới thiệu với Đảng những cán bộ, hội viên phụ nữ có trình độ, năng lực vào nguồn quy hoạch cán bộ của Đảng, chính quyền các cấp. Làm tốt công tác giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

Hội Liên hiệp phụ nữ cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các mô hình, loại hình tập hợp, thu hút các tầng lớp phụ nữ Thủ đô vào hoạt động của Hội và phát triển hội viên. Đồng thời, chính quyền các cấp tạo điều kiện để Hội Phụ nữ thực hiện, khai thác các dự án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo thiết thực cho các đối tượng phụ nữ, hội viên; phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến đối với Đảng, chính quyền các chủ trương, chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến phụ nữ.

Chú thích:
1. Thành ủy Hà Nội. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Hà Nội, 2018.
2. Kỳ họp thứ mười lăm, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 – 2021: Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. https://phunuthudo.com.vn , ngày 24/12/2020.
3. Thành ủy Hà Nội. Đánh giá 3 năm kết quả thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và công tác cán bộ nữ”. Hà Nội, 2021.
ThS. Trần Thị Phương Hoa
Quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội