Lưu học sinh Lào đón Tết cổ truyền Bun-pi-may tại Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng 14/4/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức đón Tết cổ truyền Bun-pi-may năm 2566 (theo Phật lịch) của Nhân dân các dân tộc Lào cho lưu học sinh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đang nghiên cứu và học tập tại Học viện.
Văn nghệ chào mừng Tết cổ truyền Bun-pi-may.

Tết Bun-pi-may là lễ hội cổ truyền có truyền thống tốt đẹp và lớn nhất của Lào với sự kế thừa phong tục tập quán lâu đời mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được tổ chức vào tháng 4. Hằng năm, Học viện Hành chính Quốc gia đều tổ chức Lưu học sinh Lào đón Tết cổ truyền Bun-pi-may.

Tham dự buổi lễ, về phía khách mời, có bà Phonvilay Sypasert, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện: Văn phòng Học viện, Tạp chí Quản lý nhà nước, Ban Quản lý bồi dưỡng; lãnh đạo và viên chức Ban Hợp tác quốc tế cùng toàn thể lưu học sinh Lào đang học tập tại Học viện.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện chúc mừng Tết cổ truyền Bun-pi-may.

Thay mặt Ban Giám đốc Học viện, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện trân trọng chúc mừng Đảng, Nhà nước và Nhân dân các dân tộc Lào anh em một năm mới nhiều thành công và thắng lợi mới; chúc các đồng chí cán bộ Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, các học viên, lưu học sinh Lào đang theo học tại Học viện và gia đình một năm mới hạnh phúc và thành công; chúc cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào ngày càng bền chặt, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước.

Những năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia vinh dự được Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt – Lào. Trên cơ sở lợi thế tương đồng về văn hóa, lối sống và truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc, các lưu học sinh Lào dễ dàng hòa nhập với môi trường đào tạo và sinh hoạt tại Việt Nam, xây dựng quan hệ đoàn kết, gắn bó với sinh viên, học viên và giảng viên Việt Nam; có ý thức học tập và rèn luyện tốt, nhiều em lưu học sinh đã bảo vệ xuất sắc khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp. Phần lớn các lưu học sinh khi trở về nước đã áp dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào thực tiễn công tác và đã được giao giữ các vị trí trọng trách trong các cơ quan Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Các lưu học sinh Lào đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể thao và phong trào đoàn thể góp phần vào sự phát triển chung của Học viện.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu ghi nhận, biểu dương tinh thần học tập và rèn luyện của học viên, sinh viên Lào và cam kết sẽ tiếp tục dành cho các bạn học viên, sinh viên Lào sự giúp đỡ hiệu quả và chân tình nhất. Kết quả học tập của các em lưu học sinh Lào tại Học viện là những hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai Đảng và Nhân dân hai nước.

Bà Phonvilay Sypasert, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Đón nhận bó hoa tươi thắm chúc mừng Tết cổ truyền Bun-pi-may 2023 của Lãnh đạo Học viện, bà Phonvilay Sypasert, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Lào bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Ban Giám đốc Học viện cùng toàn thể viên chức, người lao động Học viện đã quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt cho các lưu học sinh Lào được yên tâm học tập cũng như tổ chức Tết cổ truyền Bun-pi-may tại Học viện. Trước tình cảm thắm thiết đó, những lưu học sinh sống xa gia đình, quê hương cảm nhận như đang được đón Tết cổ truyền cùng gia đình, người thân trên quê hương thật ám áp và hạnh phúc.

Bà chia sẻ, Bun-pi-may là Tết cổ truyền theo Phật lịch. Pi-may là năm mới, đây là thời điểm chuyển giao từ mùa khô sang mùa mưa. Bun-pi-may thường diễn ra khi bầu trời thanh cao, các dòng sông lớn nhỏ dồi dào nước tượng trưng cho một năm mới thanh bình, nhiều phúc lộc. Bun-pi-may là Tết té nước, cầu mong đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết cuộc sống của con người. Vào những ngày này, mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, năm mới ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Ngoài nghi lễ té nước, người Lào có một tục lệ cũng khá độc đáo đó là nghi lễ buộc chỉ cổ tay, khách đến xông nhà được chủ nhà buộc chỉ vào cổ tay, những sợi chỉ vàng, trắng, xanh, đỏ biểu tượng cho sức khỏe, hạnh phúc và may mắn.

Nhân dịp Tết Bun-pi-may, bà Phonvilay Sypasert chúc Ban Giám đốc cùng toàn thể, viên chức, người lao động Học viện và các em lưu học sinh Lào sức khỏe, hạnh phúc. Chúc cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Chính phủ Việt Nam – Lào đã dày công vun đắp như Chủ tịch Cay Sỏm Phôm Vi Hản đã khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Học viên Akhom Siviengsay, lớp Cao học HC27.B7 tại Học viện phát biểu tại buổi lễ.

Học viên Akhom Siviengsay, lớp Cao học HC27.B7 tại Học viện đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám đốc Học viện cùng toàn thể cán bộ, viên chức, các thầy, cô giáo Học viện Hành chính Quốc gia đã luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về mọi mặt để các lưu học sinh được đón Tết cổ truyền Bun-pi-may xa quê hương. Đây cũng là dịp để các em được cảm nhận hơi ấm quê hương của ngày Tết cổ truyền ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội; là dịp để các em thêm trân trọng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa Nhân dân hai nước với truyền thống gắn bó lâu dài, trải qua các thời kỳ và ngày càng phát triển, trở thành mối quan hệ đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt – Lào, hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Nghi lễ buộc chỉ cổ tay của dân tộc Lào.

Tại buổi lễ, lễ buộc chỉ cổ tay – nghi thức không thể thiếu mỗi dịp Tết cổ truyền Bun-pi-may cùng những lời ca, tiếng hát và điệu múa Lăm Vông đậm đà bản sắc dân tộc Việt – Lào đã tạo nên một không gian đầm ấm, gần gũi, thân thiết và gắn bó.

Các đại biểu tham dự Tết cổ truyền Bun-pi-may chụp ảnh lưu niệm.
Tin, ảnh: Hoàng Hậu, Xuân Phú