Phát triển công nghiệp may ở tỉnh Đồng Nai – Thực trạng và giải pháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, công nghiệp may ở tỉnh Đồng Nai được xác định là một trong những ngành trọng điểm, phát triển mạnh mẽ và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Công nghiệp may đã thiết kế, sản xuất ra nhiều sản phẩm may mặc ngày càng đa dạng, phong phú đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công nghiệp may ở Đồng Nai vẫn chưa tạo ra giá trị gia tăng cao, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của ngành gắn với điều kiện hiện có của tỉnh. Vì vậy, phát triển công nghiệp may có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (internet).
Thực trạng phát triển công nghiệp may ở tỉnh Đồng Nai

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp may (CNM) của tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2030, “ngành Dệt may của Đồng Nai trở thành ngành công nghiệp quan trọng, tiếp tục đóng góp ổn định giá trị xuất khẩu của tỉnh, phấn đấu tỉnh Đồng Nai trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ về ngành may cho khu vực phía Nam”1.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, trên cơ sở huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu vào cho quá trình sản xuất, số lượng các DN may, các đơn hàng và sản phẩm may mặc luôn có sự gia tăng qua từng năm. Nếu như năm 2017, toàn tỉnh mới chỉ có có 168 DN may thì năm 2019 tăng lên 223 DN may, năm 2021 có 308 DN và đến năm 2022 có 311 DN may2. Ngành CNM đã huy động được một lượng lớn vốn cho sản xuất và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Xét về quy mô: 100% DN FDI đều là DN vừa và lớn (xét trên cả ba tiêu chí: lao động, vốn, doanh thu). Với DN tư nhân (bao gồm: công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn (TNHH), liên doanh…); có 6/253 DN được xếp là loại DN lớn (chiếm tỷ lệ khoảng 2,37%), còn lại 247/253 DN nhỏ và vừa (chiếm tỷ lệ khoảng 97,63%). Số công nhân được sử dụng trong ngành CNM ở tỉnh Đồng Nai trong 5 năm gần đây khoảng từ 70.000- 80.000 người/năm. Trong đó, tại các DN tư nhân, quy mô về lao động cũng tăng lên đáng kể, năm 2017 là 20.104 người đến năm 2021 tăng lên là 24,215 (tăng 1,2%). Với các DN FDI (100% vốn nước ngoài) cùng với sự mở rộng về quy mô thì số lượng người lao động cũng tăng lên nhanh chóng, năm 2017 là 56.856 người đến năm 2019 là 59.844 (tăng 1,05%)3.

Mặc dù là một trong những ngành đòi hỏi lượng vốn đầu tư không cao như các ngành khác, nhưng CNM đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho sản xuất, nhất là thu hút vốn FDI vào phát triển các dự án ngành Dệt may nói chung và phát triển CNM nói riêng. Số dự án đầu tư vào ngành Dệt may là 283 dự án, chiếm 17,09 % trong tổng số các dự án đầu tư năm 20224… Cụ thể: dự án sản xuất nguyên, phụ liệu và sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp của Công ty TNHH Pousung, Công ty TNHH Pouchen, Công ty TNHH Việt Vinh, Công ty TNHH Việt Vinh (thuộc tập đoàn Sheico của Đài Loan) với tổng số vốn đầu tư 240 triệu USD, Công ty cổ phần Đồng Tiến của Việt Nam với tổng đầu tư 30 triệu USD5.

Cùng với sự gia tăng về số lượng và quy mô, những năm qua, chất lượng phát triển CNM ở tỉnh Đồng Nai đã từng bước được nâng lên một cách tương đối toàn diện.

(1) Trình độ của người lao động qua đào tạo nghề tăng lên, có kỹ năng sử dụng các loại máy móc và làm chủ công nghệ hiện đại. Năm 2017, tổng số lao động có trình độ sơ cấp đến sau đại học ở các DN CNM chiếm tỷ lệ 23,58% và tỷ lệ lao động được đào tạo tại chỗ do các DN đảm nhiệm là 76,42%. Đến năm 2021, con số này có sự thay đổi theo hướng tích cực là 30,35% và 69,65%. Đặc biệt, công nhân có trình độ cao đẳng, đại học liên tục tăng: “năm 2017 là 8,53%, đến 2021 là 11,03%”6.                                                    

(2) Trình độ khoa học – công nghiệp hiện đại được ứng dụng vào ngành CNM đã triển khai ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn quản trị tiên tiến trong sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh, như: dệt may; cơ khí; sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng…, đã được lựa chọn để được hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001, ISO 14000, HACCP, ISO/IEC 17025), công cụ cải tiến NSCL (Kaizen, 5S, Lean Six Sigma)…, và hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

(3) Thị phần sản phẩm CNM: bằng sự nỗ lực không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng tiêu thụ đã không ngừng tăng lên, duy trì được những thị trường hiện có và từng bước phát triển trị trường mới, không chỉ thị trường trong nước mà còn phát triển thị trường nước ngoài. Tỷ lệ sản phẩm dệt may xuất khẩu tăng qua các năm: năm 2017, xuất khẩu 263.936 sản phẩm; đến năm 2022 tăng lên là 335.784 nghìn sản phẩm (tăng 1,27%)7.

Nhìn chung, CNM của tỉnh đã hình thành cơ cấu sản phẩm phong phú, đa dạng, thỏa mãn được nhu cầu của thị trường. Sản phẩm luôn bảo đảm chất lượng tốt, kim ngạch xuất khẩu các năm đều tăng so với năm trước; các DN may đã tập trung vào sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, tạo được lòng tin với những thị trường khó tính như thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành CNM của Đồng Nai vẫn còn khó khăn nhất định.

Một là, số lượng, quy mô CNM ở tỉnh Đồng Nai tăng chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Số lượng DN CNM tuy có tăng lên nhưng chưa có bước đột phá, DN vừa và nhỏ còn nhiều. Xét về quy mô, phần lớn các DN CNM ở tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong khi nhiều DN nước ngoài đã và đang tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nên DN CNM Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Hai là, chất lượng CNM ở tỉnh Đồng Nai chưa đồng đều, tính ổn định, bền vững không cao.

Nguồn nhân lực của các DN may mặc nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế; lao động chuyên môn kỹ thuật cao chiếm tỷ trọng thấp; khả năng nghiên cứu thiết kế, chế tạo công nghệ mới còn yếu; trình độ khai thác, nghiên cứu, tương tác với thị trường yếu. Số DN áp dụng công nghệ tiên tiến, tiêu chuẩn quản trị tiên tiến phục vụ cho sản xuất còn rất khiêm tốn, không đạt mục tiêu đã xác định, tỷ lệ áp dụng hằng năm tăng chậm. Năm 2018, chỉ có 33,47% DN trong nước áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn quản trị tiên tiến phục vụ cho sản xuất; năm 2019: 33,74%; năm 2020: 34,20%; năm 2021: 39,16%; năm 2022: 57,68%8.

Sản phẩm may mặc của ngành CNM ở tỉnh Đồng Nai chưa tạo ra lợi thế so sánh vì sản phẩm chưa phong phú về chủng loại; vì quy mô DN CNM nhỏ, tiềm lực về vốn, khả năng đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường thấp. Phần lớn các DN nhỏ và vừa trong ngành CNM có sản phẩm với giá thành cao, chưa cạnh tranh về giá. Còn nhiều loại máy móc, thiết bị phụ tùng cho máy móc để thực hiện dây chuyền cho sản xuất hàng may mặc có tỷ lệ nhập khẩu 100% (như máy may kéo sợi).

Ba là, cơ cấu sản phẩm CNM ở tỉnh Đồng Nai có mặt còn mất cân đối, sự chênh lệch quá lớn về giá trị giữa các sản phẩm.

Về cơ cấu sản phẩm may mặc phân theo thành phần kinh tế ở Đồng Nai trong sản xuất có sự mất cân đối rõ rệt, số DN nhà nước tham gia sản xuất rất hạn chế, đến năm 2019, không còn sự tham gia của thành phần DN nhà nước; đối với các DN tư nhân (bao gồm cả công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh) và các DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự tăng trưởng nhanh chóng. Cơ cấu sản phẩm có thay đổi nhưng không đáng kể, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Các DN may mặc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu là thực hiện gia công các đơn hàng cho các DN nước ngoài, giá trị sản phẩm không cao, chưa có chỗ đứng trong chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới.

Một số giải pháp phát triển công nghiệp may ở tỉnh Đồng Nai

Thứ nhất, tiếp tục bổ sung hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển CNM.

(1) Đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu vô cùng đa dạng và phong phú của người tiêu dùng. DN may cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các nhà thiết kế theo hướng mở các lớp tập huấn, mời các chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy, hay gửi đi đào tạo ở nước ngoài để có các nhà thiết kế chuyên nghiệp có trình độ, đủ năng lực đáp ứng cho nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu.

(2) Đặt tên thương hiệu; thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu DN và thương hiệu sản phẩm; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu DN và thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ các hoạt động truyền thông marketing, quảng bá các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN; hỗ trợ DN trong việc đấu tranh bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm và thương hiệu DN khi có tranh chấp hoặc các dấu hiệu vi phạm đến nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm và thương hiệu của DN.

(3) Xây dựng chiến lược marketing và mở rộng thị phần của DN. Các DN may đặc biệt quan tâm đến việc duy trì, mở rộng thị trường hiện tại và tương lai, kết hợp thị trường địa phương với thị trường trong nước và quốc tế. Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn chế, không có khả năng chi phí lớn cho quảng cáo, cần tranh thủ các loại hình cổ động tốn ít chi phí đồng thời nâng cao khả năng tiếp thị của nhân viên tiếp thị. Tăng cường xúc tiến các hoạt động nghiên cứu thị trường, nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin thị trường, tổ chức công tác tiếp thị, quảng cáo, tham gia các hội chợ triển lãm…

Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển CNM.

Tiếp tục cải tiến mạnh mẽ, đồng bộ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong mọi tầng lớp dân cư; thu hút đầu tư từ tỉnh ngoài, nước ngoài vào tỉnh với các mức đầu tư ưu đãi hấp dẫn, bằng các cơ chế, chính sách hợp lý. Điều này sẽ có tác động tích cực thúc đẩy DN may trên địa bàn tỉnh phát triển. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, giải quyết nhanh gọn các thủ tục khi DN yêu cầu. Căn cứ vào chỉ số cải cách hành chính, xây dựng và đưa vào triển khai chỉ số cải cách hành chính áp dụng trong nội bộ tỉnh phục vụ cho công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính, giai đoạn 2020 – 2025. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, kiên quyết xử lý những DN làm ăn vi phạm pháp luật, vi phạm lợi ích kinh tế của các DN khác và vi phạm lợi ích của người tiêu dùng, có các chế tài chặt chẽ và nghiêm khắc hơn nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các DN. Đây là điều kiện tốt để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả đối với các DN may mặc.

Thứ ba, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển CNM.

Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính cho nâng cao năng lực cạnh tranh của DN may, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ như: khoanh nợ, giãn nợ và cho vay mới đối với các DN may mặc. Đồng thời, các DN thực hiện sự hợp tác dưới nhiều hình thức như liên doanh, liên kết để tăng cường khả năng tài chính. Đẩy nhanh quá trình tích lũy, tái đầu tư mở rộng kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao hơn, từ đó nâng cao uy tín của DN. Các DN may mặc có thể áp dụng hình thức tín dụng thuê mua để bổ sung máy móc thiết bị. Các DN cần nhanh chóng tiếp cận với các tri thức và kinh nghiệm quản trị vốn hiện đại, tiến hành liên doanh, liên kết với các DN lớn trong và ngoài nước để tạo ra những cơ sở kỹ thuật và tài chính đủ mạnh, đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và kinh nghiêm quản trị hiện đại.

Phát triển nguồn nhân lực cho ngành may mặc, ngoài việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo nói chung, tỉnh cần đầu tư củng cố và mở rộng hệ thống các trường, các trung tâm đào tạo của ngành may mặc nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ thiết kết, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề trong thời gian hiện tại và trong thời gian tới. Đồng thời, tỉnh cần bổ sung các chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo trong nước liên kết với nhau và liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khuyến khích các DN chủ động xây dựng và triển khai các khóa đào tạo tại chỗ cho các đối tượng người lao động.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất – kinh doanh để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm may mặc. Nghiên cứu, đổi mới công nghệ theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mốt đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, bảo đảm tăng thường xuyên kim ngạch xuất khẩu và có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới; Tổ chức sản xuất hợp lý các DN Dệt May hiện có, đầu tư thiết bị tiên tiến ở khâu then chốt, quyết định chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Đầu tư công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu để chủ động cung ứng từ trong nước, tạo tiền đề hạn chế tình trạng làm gia công.

Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu cho ngành CNM.

Trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm và có chương trình cụ thể đối với mặt hàng may mặc trong quá trình thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia và chương trình thương hiệu quốc gia. Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm và các thị trường mới nổi có quy mô dân số lớn và gần gũi về địa lý với Việt Nam để tận dụng lợi thế gần gũi về địa lý và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ này. Tiếp tục giữ vững và mở rộng thị trường tại các thị trường lớn là EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhất là thị trường EU, nơi mà mức độ thâm nhập của hàng may mặc Việt Nam vẫn còn tương đối thấp khi mà EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Đặc biệt, cần chú trọng hơn nữa trong việc thâm nhập và mở rộng thị trường tại các thị trường mới nổi gần gũi về địa lý là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. Thông qua Cục Xúc tiến thương mại, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, đại diện thương mại Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ để cung cấp thông tin, tư vấn cho các DN tìm kiếm và phát triển quan hệ với các hệ thống phân phối tại từng thị trường.

Chú thích:
1. Ban Chỉ đạo Phát triển công nghiệp, Trung tâm Phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Báo cáo tổng hợp tình hình phát triển công nghiệp dệt may và da giầy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 – 2021. Đồng Nai, 2018.
2, 6, 7. Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai. Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai. H. NXB Thống kê, 2022.
3. Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai. Niên giám thống kê năm 2021. H. NXB Thống kê, 2022, tr.13.
4, 5. Sở Công thương tỉnh Đồng Nai. Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình hành động số 859/CTr-UBND ngày 22/01/2019 của UBND tỉnh năm 2022 – nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Chương trình năm 2023. Đồng Nai, 2023.
8. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn, ngày 23/3/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng bộ tỉnh Đồng Nai. Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng Nai, 2020.
2. Sở Công thương tỉnh Đồng Nai. Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động ngành Dệt may tỉnh Đồng Nai. Đồng Nai, 2017.
3. Sở Công thương tỉnh Đồng Nai. Quy hoạch phát triển công nghiệp dệt may tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng Nai, 2015.
Đỗ Hồng Quân
Đặng Xuân Cường
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng