(Quanlynhanuoc.vn) – Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH)” (gọi tắt là Nghị quyết 28), với sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, Quảng Bình đã gặt hái được những kết quả đáng phấn khởi trong phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Nghị quyết 28 đi vào đời sống nhân dân đã thực sự tạo nên một “luồng gió mới” trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, đưa chính sách BHXH phát triển theo hướng linh hoạt, đa dạng, hiện đại.
Triển khai đồng bộ
Ngay sau khi Nghị quyết 28 được ban hành, trên cơ sở Chương trình hành động số 23-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1972/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng chương trình hành động sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW trên địa bàn tỉnh. Tập trung phối hợp chỉ đạo rà soát, nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp có chênh lệch lao động qua quyết toán thuế hàng năm để cử cán bộ khai thác triệt để 100% doanh nghiệp, lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sự cần thiết phải cải cách chính sách BHXH, BHXH tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp tuyên truyền với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, ra quân tuyên truyền theo chiến dịch, chủ đề, đối thoại trực tiếp, tập huấn về chính sách BHXH, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trực tuyến trên mạng xã hội zalo, facebook, qua ứng dụng VssID-BHXH số…
Từ năm 2018-2023, BHXH tỉnh đã phối hợp tổ chức 1.861 hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH, đối thoại trực tiếp với 145.281 người lao động; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thi “Nông dân với chính sách BHXH, BHYT”…
Các cấp, ngành đã chú trọng phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về BHXH, bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan BHXH, sự hài lòng của người dân và các đơn vị, doanh nghiệp (DN). BHXH tỉnh đã triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện để thông báo qua tin nhắn điện thoại cho chủ doanh nghiệp, người tham gia BHXH, BHYT các thông tin về tình hình nộp, biến động tăng, giảm lao động, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), khám chữa bệnh BHYT.
Đồng thời cho phép người tham gia nhắn tin qua điện thoại để tra cứu các thông tin về thời gian tham gia BHXH, BHYT, BHTN, thời hạn sử dụng thẻ BHYT, tình trạng hồ sơ đã nộp cho cơ quan BHXH. Việc phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan BHXH với các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động, tư pháp, dân cư, y tế được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia, thụ hưởng và thực thi chính sách BHXH.
Công tác quản lý đối tượng tham gia, quản lý hồ sơ và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đúng quy định. Hiện nay, 100% người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đã được cấp mã số BHXH duy nhất không thay đổi trong suốt cuộc đời và hồ sơ quá trình tham gia BHXH, BHYT được nhập liệu, lưu trữ vào phần mềm theo dõi, quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm thuận lợi cho việc tra cứu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT kịp thời…
Những chuyển biến tích cực
Việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 28 được Quảng Bình xác định nhằm hướng tới mục tiêu để BHXH thực sự là một trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội; từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dụng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy, minh bạch.
Kết quả, sau 5 năm triển khai, nhận thức, trách nhiệm, sự chủ động trong công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể với ngành BHXH trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN đã có sự chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT được đẩy mạnh sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của các cấp, ngành, tổ chức, tạo sự hiểu biết sâu rộng cho người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT.
Công tác mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN hàng năm luôn hoàn thành, chỉ tiêu đối tượng năm sau tăng hơn năm trước, đặc biệt chỉ tiêu về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ước tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 111.348 người tham gia BHXH (chưa tính hơn 60.000 người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc ở ngoài tỉnh), tăng 50,98% so với năm 2018, đạt 24% so với lực lượng trong độ tuổi lao động thuộc diện tham gia BHXH. Trong đó, 74.891 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 12,97% so với năm 2018; 36.457 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp 4,88 lần so với năm 2018; 69.931 người tham gia BHTN, tăng 22,8% so với năm 2018…
Công tác giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Trong giai đoạn 2018-2023, ước tính giải quyết, chi trả chế độ trợ cấp một lần cho 43.163 người, BH thất nghiệp 19.694 người, hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng chế độ BH thất nghiệp 2.750 lượt người; chế độ BHXH ngắn hạn 278.944 lượt người. Ước tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 70.573 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, đạt 51% số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Công tác cải cách hành chính đã có bước tiến vượt bậc, đem lại tiện ích, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH cho người dân và doanh nghiệp. Ngành BHXH đã triển khai nhiều phương thức linh hoạt để người tham gia, đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, chủ động theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, quá trình tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Trong giai đoạn 2018-2023, đã cắt giảm 2 TTHC (đến nay còn 25 TTHC); giảm 21,42% biểu mẫu, 39,2% tiêu thức, 8,11% quy trình, thao tác thực hiện và 19,7% thành phần hồ sơ. Đặc biệt, để phục vụ người tham gia BHXH ngày càng tốt hơn, BHXH tỉnh đã tăng năng suất lao động để giảm hơn 10% thời gian giải quyết các TTHC so với quy định của BHXH Việt Nam.
Từ năm 2020, BHXH tỉnh triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động của người tham gia BHXH, BHYT với nhiều tiện ích hiện đại, giúp người dân theo dõi quá trình tham gia, đóng và lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Năm 2022, triển khai Đề án 06 của Chính phủ, có hơn 94% người tham gia BHXH, BHYT toàn tỉnh được tích hợp thông tin thẻ BHYT vào dữ liệu căn cước công dân; có thể sử dụng căn cước công dân thay thẻ BHYT giấy đi khám chữa bệnh. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thí điểm phương pháp nhân trắc sinh học sử dụng vân tay khi đi khám chữa bệnh BHYT. Đến nay, tất cả các thủ tục hành chính về BHXH đều được thực hiện trên không gian số, giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động, không phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH; giúp cho doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
“Có thể khẳng định, sau 5 năm, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 28 trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều cấp ủy, chính quyền đã nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia BHXH; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện; các chính sách BHXH đã thật sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội.