(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt những thành tựu quan trọng, có tính đột phá của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Sự phát triển kinh tế thị trường ở nước ta là cơ sở cơ bản tạo ra những biến đổi mới ở các lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, xã hội cũng như quan hệ quốc tế. Kinh tế thị trường tác động toàn diện, sâu rộng đến tất cả các chủ thể, con người ở các tổ chức xã hội, các lĩnh vực khác nhau. Một trong những tác động trực tiếp, mạnh mẽ, nhạy bén nhất là ở lĩnh vực đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, trong đó có sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đặt vấn đề
Trong mọi hoạt động của con người, lối sống luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc định hướng hành vi chính trị, đạo đức của con người trong cuộc sống. Việc xây dựng, phát triển lối sống XHCN cho sĩ quan trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam không những nhằm nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của sĩ quan trẻ và các đơn vị hiện nay mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận của quân đội vừa “hồng”, vừa “chuyên”, góp phần “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”1 đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Hiện nay, tình hình kinh tế – xã hội của nước ta đang có nhiều biến đổi rất lớn và có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lối sống của sĩ quan trẻ. Cùng với cuộc đấu tranh quyết liệt để chống lại những quan điểm phản động, sai trái của các thế lực thù địch thì cuộc đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một bộ phận sĩ quan, trong đó có sĩ quan trẻ quân đội cũng đang diễn ra rất phức tạp. Họ đang phải chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Sự tác động này đồng thuận hay trái chiều đến lối sống sĩ quan trẻ, do những nhân tố quy định sự tác động của nền kinh tế thị trường hiện nay.
Những nhân tố cơ bản quy định sự tác động của kinh tế thị trường ở nước ta đến lối sống sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam
Một là, sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến lối sống của sĩ quan trẻ phụ thuộc vào tính định hướng XHCN của nền kinh tế.
Tính định hướng XHCN của nền kinh tế là những hoạt động tự giác của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong việc nhận thức đúng những quy luật của kinh tế thị trường để tác động, điều khiển vào sự vận động, phát triển của nền kinh tế nhằm thực hiện những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chống lại sự chệch hướng sang quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Đây cũng chính là điểm phân biệt giữa kinh tế thị trường dưới chủ nghĩa tư bản với kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội.
Để giữ vững tính định hướng XHCN của kinh tế thị trường đòi hỏi không thể thiếu được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước XHCN đối với nền kinh tế. Thông qua đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng hệ thống luật pháp, chính sách và các công cụ điều tiết vĩ mô sẽ khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bình đẳng, sự độc quyền trong nền kinh tế thị trường; khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong phân phối, thu nhập, sự phân hóa giàu nghèo quá đáng trong các tầng lớp dân cư; tiến hành các hoạt động đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, trốn thuế, tham nhũng… do mặt trái của kinh tế thị trường sinh ra. Điều đó không những sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh, làm cho nền kinh tế đất nước phát triển đúng hướng mà còn tạo ra cơ sở vật chất quan trọng cho việc xây dựng lối sống mới XHCN trong xã hội, trong đó có sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
Tính định hướng của nền kinh tế thị trường sẽ có tác động đến lối sống sĩ quan trẻ theo hai chiều hướng: nếu như định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế luôn được củng cố và tăng cường, cùng với đó là những thành tựu về kinh tế, văn hóa – xã hội của công cuộc đổi mới ngày càng được khẳng định thì sẽ giúp cho sĩ quan trẻ có sự tin tưởng hơn vào lý tưởng XHCN, vào con đường đã lựa chọn của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính trên cơ sở kinh tế – xã hội đó mà sĩ quan trẻ sẽ có ý thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình, có tình cảm và ý chí quyết tâm trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống mới XHCN. Song, nếu tính định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường không được giữ vững, trong đó kinh tế nhà nước không còn giữ được vai trò chủ đạo, Nhà nước XHCN không còn giữ được vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế, để cho các thành phần kinh tế tư nhân phát triển một cách ồ ạt, tự phát sẽ gây nên sự mất ổn định về kinh tế – xã hội. Điều đó không những không tạo ra cơ sở vật chất cho việc xây dựng lối sống mới mà còn làm xuất hiện những khuynh hướng chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, khuynh hướng thờ ơ với các vấn đề chính trị – xã hội trong lối sống của một bộ phận sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động sản xuất – kinh doanh không hiệu quả của một bộ phận doanh nghiệp nhà nước và có hiệu quả của các doanh nghiệp tư nhân đã có tác động làm xuất hiện trong sĩ quan trẻ quân đội sự băn khoăn, chưa rõ về tính định hướng XHCN của nền kinh tế. Thêm vào đó, sự khuyến khích, tài trợ của các thế lực bên ngoài cho sự phát triển của kinh tế tư nhân càng làm nảy sinh tư tưởng xem nhẹ vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Do vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần phải tăng cường vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước để giữ vững tính định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường. Điều này không những sẽ làm cho nền kinh tế đất nước phát triển ổn định mà còn có tác động không nhỏ đến việc giữ vững ổn định chính trị – xã hội và tạo cơ sở vật chất quan trọng cho việc xây dựng, phát triển những nhân tố của lối sống XHCN ở sĩ quan trẻ quân đội hiện nay.
Hai là, sự tác động của kinh tế thị trường định hướng XHCN đến lối sống sĩ quan trẻ phụ thuộc vào môi trường hoạt động trực tiếp của họ.
Chức năng chủ yếu của các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay là thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; các nhiệm vụ kinh tế quốc phòng; tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, các hoạt động giữ gìn trật tự trị an nơi đóng quân. Đó là một môi trường đa dạng, phong phú để mỗi sĩ quan trẻ học tập, công tác và trưởng thành và là nơi để sĩ quan trẻ trực tiếp tiếp nhận các chuẩn mực, giá trị đạo đức, lối sống của xã hội.
Những tác động của môi trường kinh tế – xã hội không thể đi thẳng đến sĩ quan trẻ mà thường phải thông qua môi trường hoạt động trực tiếp – môi trường hẹp. Vì, mọi hoạt động sống, làm việc, công tác của sĩ quan trẻ bao giờ cũng chịu sự chi phối của tập thể mà sĩ quan trẻ đang trực tiếp sống và công tác. Chính tập thể quân nhân sẽ là lăng kính để cản trở hay khuếch đại, điều chỉnh những tác động của điều kiện kinh tế – xã hội, của kinh tế thị trường đến mọi suy nghĩ và hoạt động sống của sĩ quan trẻ. Do vậy, nếu như sĩ quan trẻ có một tập thể phát triển lành mạnh, các quan hệ giữa sĩ quan với sĩ quan, giữa cán bộ với chiến sĩ đúng mực, trong sáng bao giờ cũng tạo ra điều kiện thuận lợi để sĩ quan trẻ tiếp nhận những giá trị đạo đức chân chính, những giá trị sống tích cực ngoài xã hội để không ngừng hoàn thiện lối sống của mình. Ngược lại, sống trong một tập thể quân nhân yếu kém, trong đó đội ngũ cán bộ chạy theo các lợi ích cá nhân, quá coi trọng các giá trị vật chất, sự nêu gương của cán bộ cấp trên với sĩ quan trẻ không được thực hiện thì không những sẽ có ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiếp nhận những giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội mà còn làm lây lan những tư tưởng và lối sống thực dụng cho một bộ phận sĩ quan trẻ hiện nay.
Như vậy, sự tác động của kinh tế thị trường đến lối sống của sĩ quan trẻ quân đội phải thông qua môi trường tập thể và chịu sự chế ước của môi trường tập thể. Chính thông qua hàng loạt những quan hệ xã hội, như quan hệ lãnh đạo – chỉ huy, quan hệ cấp trên – cấp dưới, quan hệ đồng chí đồng đội, quan hệ bạn bè, mà sĩ quan trẻ tiếp nhận trực tiếp những tác động tích cực hay tiêu cực của kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, do tính đặc thù của hoạt động quân sự nên trong mọi hoạt động, sĩ quan trẻ còn phải chịu sự quản lý của điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội, các quy định của đơn vị. Thông qua việc duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ, quy định của quân đội, đơn vị và việc kiểm tra việc chấp hành của sĩ quan trẻ mà có thể hạn chế những tác động tiêu cực, lạc hậu nảy sinh, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh cho việc hình thành và phát triển lối sống mới cho sĩ quan trẻ.
Cùng với đó, hoạt động trong môi trường tập thể sĩ quan trẻ còn chịu sự giám sát chặt chẽ của dư luận tập thể. Dư luận tập thể sẽ tác động vào lòng tự trọng, danh dự sĩ quan trẻ thông qua việc biểu dương, khen ngợi hay phê bình để điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi sống của sĩ quan trẻ. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, định hướng của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cũng có tác dụng rất lớn đến quá trình lựa chọn những tác động của kinh tế thị trường đến lối sống của sĩ quan trẻ. Sự định hướng, giáo dục của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị không những giúp cho sĩ quan trẻ phân biệt được đúng, sai mà còn có tác dụng định hướng hành động của sĩ quan trẻ vào những giá trị tích cực, lành mạnh tạo cơ sở cho việc hoàn thiện những nhân tố của lối sống XHCN.
Sự tác động của kinh tế thị trường đến lối sống của sĩ quan trẻ không những thông qua tập thể các đơn vị mà còn thông qua môi trường gia đình của họ. Hiện nay, được sự quan tâm của quân đội và của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội nên một bộ phận sĩ quan trẻ có điều kiện xây dựng gia đình ở khu vực đóng quân, hoặc đưa vợ con lên sống ở gần khu vực đóng quân của đơn vị. Vì vậy, chính bầu không khí của gia đình sĩ quan, của nhóm xã hội nơi sĩ quan trẻ cư trú được thể hiện ở sự hoà thuận vợ chồng, tình làng nghĩa xóm gần gũi tốt đẹp cũng sẽ có ảnh hưởng đến lối sống của sĩ quan trẻ. Tuy nhiên, trong thực tế, sĩ quan trẻ hiện nay hầu hết đang phải sống xa gia đình, những sĩ quan hằng ngày được về sống với vợ con là rất ít nên sự phụ thuộc của nhân tố này đến lối sống của sĩ quan trẻ không lớn so với môi trường tập thể quân nhân.
Ba là, sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến lối sống của sĩ quan trẻ phụ thuộc vào nhân tố chủ quan của họ.
Nói đến vai trò của nhân tố chủ quan của sĩ quan trẻ trong quá trình xây dựng và phát triển lối sống chính là quá trình sĩ quan trẻ tiếp nhận một cách tự giác những tác động từ phía xã hội, đơn vị để chiếm lĩnh các giá trị xã hội, làm chuyển hóa sự tác động và những yêu cầu từ phía xã hội, đơn vị thành quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân. Đó không chỉ là quá trình nhập cuộc, chiếm lĩnh những giá trị chung mà còn bao hàm cả quá trình chắt lọc, hệ thống tất cả những gì đã thu nạp được từ ngoài xã hội để biến đổi thành mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống, nếp sống của sĩ quan trẻ. Quá trình đó sẽ diễn ra thường xuyên, liên tục trong tất cả các hoạt động sống của sĩ quan trẻ và phụ thuộc trước hết vào khả năng nhận thức của sĩ quan trẻ vào những quan điểm, nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị đạo đức của xã hội, những yêu cầu đòi hỏi của quân đội, đơn vị, từ đó xây dựng động cơ, thái độ hành động đúng với những giá trị, chuẩn mực xã hội, quy định của quân đội, đơn vị. Nhận thức đúng sẽ là cơ sở cho việc hình thành động cơ, tình cảm và hành động của sĩ quan trẻ đúng với những chuẩn mực, giá trị xã hội và là điều kiện để sĩ quan trẻ có thể “miễn dịch” trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Ngược lại, nếu không có nhận thức đúng thì sĩ quan trẻ sẽ không thể có động cơ và hành động đúng và như vậy sẽ không thể tự xây dựng và hoàn thiện theo những chuẩn mực của lối sống mới XHCN.
Bên cạnh trình độ nhận thức thì tình cảm, ý chí của sĩ quan trẻ cũng là yếu tố quan trọng trong việc tiếp thu hay hạn chế những tác động của kinh tế thị trường đến lối sống sĩ quan trẻ. Thực tế cho thấy, cùng với những khó khăn, vất vả của hoạt động quân sự, sĩ quan trẻ phải luôn đối mặt với những tác động tiêu cực từ ngoài xã hội, những đòi hỏi cám dỗ vật chất.
Đối với sĩ quan trẻ cùng với những hoạt động quân sự, sĩ quan trẻ cũng phải tham gia vào các hoạt động xã hội, vào các mối quan hệ xã hội nhất định. Vì vậy mà hằng ngày, hằng giờ sĩ quan trẻ luôn phải đối mặt với những tiêu cực của xã hội và với những cám dỗ của lối sống vật chất trong nền kinh tế thị trường, do vậy nếu không có ý chí cao sĩ quan trẻ rất dễ bị sa ngã về đạo đức, lối sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví chủ nghĩa cá nhân như là một kẻ địch to, “địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong phá ra”2. Vì thế mà Người luôn đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên “muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân”3. Nếu không chiến thắng được nó thì không thể có đạo đức cách mạng và như vậy sẽ không thể có được lối sống mới XHCN. Do vậy, việc rèn luyện ý chí của sĩ quan trẻ sẽ có tác dụng như tấm lá chắn, màng lọc để ngăn chặn những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và giúp sĩ quan trẻ có thêm sự tự tin, nghị lực trong cuộc sống, dũng cảm, có tinh thần kiên quyết đấu tranh với những tiêu cực, lạc hậu trong xã hội và không ngừng làm giàu cho lối sống của mình.
Cùng với đó, việc phát huy vai trò nhân tố chủ quan còn đòi hỏi ở sĩ quan trẻ phải có năng lực hoạt động thực tiễn nhất định. Mà năng lực hoạt động thực tiễn này chính là quá trình sĩ quan trẻ vận dụng những tri thức, kinh nghiệm và khả năng của mình vào thực hiện các hoạt động và các mối quan hệ xã hội nhất định.
Dưới tác động của kinh tế thị trường, những chuẩn mực giá trị xã hội cũng đang có sự vận động biến đổi. Bên cạnh những giá trị tích cực của lối sống như tình yêu quê hương đất nước, lòng trung thành với Tổ quốc và Nhân dân; biết đặt lợi ích của tập thể, lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân; đoàn kết, trung thực, giản dị, tiết kiệm trong lối sống thì vẫn còn tồn tại không ít những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu như làm việc thiếu nguyên tắc, không trung thực, vô trách nhiệm… đang là những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Vì vậy, nhận thức, lựa chọn và hành động đúng theo những giá trị, chuẩn mực đạo đức mới và những yêu cầu của người sĩ quan quân đội cách mạng sẽ là cơ sở cho việc hình thành, phát triển một lối sống mới XHCN.
Kết luận
Lối sống của sĩ quan trẻ luôn có mối quan hệ chặt chẽ và chịu sự tác động bởi những điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Những tác động của kinh tế thị trường đến lối sống của sĩ quan trẻ là khách quan và có nội dung toàn diện. Nhưng, mức độ tác động, ảnh hưởng của nó đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sự định hướng của Đảng, công tác giáo dục, bồi dưỡng của quân đội, đơn vị, môi trường hoạt động sống và nhân tố chủ quan của sĩ quan trẻ. Xác định rõ và nhận thức đầy đủ các nhân tố quy địnhsự tác động của kinh tế thị trường ở nước ta đến lối sống sĩ quan trẻ là cơ sở cho việc xác định các giải pháp nhằm phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và góp phần vào việc xây dựng lối sống XHCN cho sĩ quan trẻ trước tác động của kinh tế thị trường ở nước ta trong thời gian tới.