ThS. Đàm Thị Hồng Hạnh
ThS. Hồ Kim Anh
Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước ở tất cả các ngành, lĩnh vực có nhiều thay đổi trong đó có tổ chức ngành bảo vệ thực vật. Bài viết nghiên cứu, chỉ ra những thay đổi, điểm mới về sự khác biệt trong tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật giữa mô hình trước đây và mô hình hiện tại; đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình mới. Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị mang tính giải pháp nhằm hoàn thiện về tổ chức và hoạt động cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực bảo vệ thực vật nói riêng và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung.
Từ khóa: Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; trồng trọt và bảo vệ thực vật; chi cục; trạm.
1. Đặt vấn đề
Thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Sau hơn 6 năm thực hiện 2 nghị quyết, tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã có nhiều thay đổi lớn, đặc biệt là tổ chức bảo vệ thực vật ở địa phương.
2. Thực trạng tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật
Cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật được tổ chức từ trung ương đến địa phương gồm 3 cấp theo địa bàn lãnh thổ, gồm: Cục Bảo vệ Thực vật là tổ chức hành chính thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cấp trung ương); Chi cục Bảo vệ thực vật là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cấp tỉnh); Trạm bảo vệ thực vật (cấp huyện).
Ngày 25/3/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Theo Thông tư, tổ chức cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch cấp địa phương thay đổi mới về tên gọi do thực hiện sáp nhập Phòng Trồng trọt vào Chi cục Bảo vệ thực vật thành Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và đổi tên các Trạm Bảo vệ thực vật thành Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (xem mô hình 1).

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật từ trung ương đến địa phương được quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 và các văn bản dưới Luật khác, như: Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ; Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những thay đổi trong tổ chức và hoạt động cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật khi triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW. Đến tháng 12/2023, trên phạm vi toàn quốc có 639 trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật/Trạm bảo vệ thực vật huyện/Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, trong đó: duy trì 192 trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc 23 tỉnh, thành phố; 447 trạm của 42 tỉnh được chuyển thành các Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp.
Những địa phương chưa chuyển đổi đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện việc sáp nhập các trạm thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật cấp tỉnh, hiện có 07 tỉnh thực hiện việc sáp nhập một số Chi cục để thành lập Chi cục mới, nhưng đặt tên khác nhau, như: Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng; Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi; Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và Kiểm Lâm; Chi cục Nông nghiệp; Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông; Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi; Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Long An. Còn lại 55 Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật/Bảo vệ thực vật (trong đó tỉnh Hưng Yên là Chi cục Bảo vệ thực vật). Tỉnh Bình Phước đã giải thể Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chuyển sang thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh.
Cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật cấp huyện, hiện cả nước đã có 447/637 (70%) Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hoặc liên huyện sáp nhập với Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông, Thủy lợi. Hiện có 39/63 (62%) tỉnh thực hiện chuyển toàn bộ hệ thống Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành Trung tâm thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Các Trung tâm có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo tỉnh, như: Trung tâm Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Ứng dụng khoa học – kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi…
Từ kết quả nghiên cứu trên, có thể rút ra một số nhận xét về sự thay đổi tổ chức cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật như sau:
Thứ nhất, rút gọn cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức theo phạm vi lãnh thổ giảm còn 2 cấp, gồm: Cục Bảo vệ thực vật ở trung ương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở cấp tỉnh. Xóa bỏ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở cấp huyện.
Thứ hai, tổ chức lại cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và thực vật cấp tỉnh theo hướng sát nhập thu gọn đầu mối.
Không tổ chức Chi cục Bảo vệ thực vật độc lập theo quy định của Luật.
Tổ chức lại các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo hướng đa dạng về loại hình và tên gọi khác nhau theo hướng: (1) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sáp nhập với một hoặc một số tổ chức khác để thành lập chi cục mới với nhiều tên gọi khác nhau; (2) Giải thể Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chuyển sang mô hình mới thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh; (3) Giữ nguyên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh.
Thứ ba, ở cấp huyện có nhiều chuyển biến mạnh về tổ chức theo hướng
Không tổ chức (xóa bỏ) Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là tổ chức thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đặt tại cấp huyện như theo quy định của Luật.
Tiến hành hợp nhất Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng Trạm Chăn nuôi – Thú y, Trạm Khuyến nông để thành lập mô hình Trung tâm trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện với nhiều tên khác nhau. Một số Trạm còn lại vẫn đang trên đà chuyển hướng thành lập Trung tâm dịch vụ (xem mô hình 2).

Như vậy, nhìn trên khía cạnh tổ chức có thể thấy, tổ chức các cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật từ trung ương đến địa phương có nhiều thay đổi lớn theo hướng rút gọn về số lượng thứ bậc tổ chức, rút gọn về số lượng các bộ phận cấu thành. Mô hình đã và đang triển khai thực hiện trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước với sự đa dạng và phong phú về tên gọi, chức năng và cách thức hoạt động.
Những thay đổi về tổ chức dẫn tới nhiều thay đổi về hoạt động trong công tác chỉ đạo điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp thực hiện, đó là:
Thứ nhất, ở trung ương, hoạt động của Cục Bảo vệ thực vật vẫn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên toàn quốc.
Thứ hai, ở cấp tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện đồng thời hai chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được giao. Trong hoạt động chuyên môn, Chi cục chịu sự chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn đồng thời của Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật.
Thứ ba, chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ thực vật cấp huyện được chuyển giao về phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc phòng kinh tế.
Thứ tư, thay đổi về cách thức chỉ đạo điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp về chuyên môn trong hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ thực vật ở địa phương.
Ở cấp tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật không còn thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với phòng nông nghiệp/phòng kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện về chuyên môn.
Ở cấp huyện, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn/phòng kinh tế chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ thực vật, không chịu trách nhiệm trước Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật về nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ thực vật; đồng thời không chịu chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn trước Chi cục.
Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện. Hoạt động của trung tâm thực hiện theo quyết định thành lập của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hoạt động của trung tâm mang tính chuyên môn, kỹ thuật, dịch vụ về chăn nuôi thú y, thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông và các dịch vụ khác trên địa bàn huyện. Trung tâm không thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ thực vật trên địa bàn lãnh thổ.
Do cùng là tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nên phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước.
Như vậy, xét trên khía cạnh hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật có nhiều thay đổi, đặc biệt là ở cấp địa phương khi không tổ chức Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở cấp huyện. Hiện chưa có căn cứ pháp lý cụ thể quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí việc làm của trung tâm dịch vụ nông nghiệp nên gặp khó khăn trong hoạt động dẫn tới khó đạt mục tiêu tự chủ về tài chính và ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực bảo vệ thực vật. Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật để đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
3. Một số nhận định về sự thay đổi trong tổ chức và hoạt động của tổ chức cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Một là, những thuận lợi. Việc hợp nhất Chi cục Bảo vệ thực vật và phòng Trồng trọt thành Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm giảm mạnh đầu mối cơ quan chuyên ngành ở cấp tỉnh. Việc hợp nhất Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện với các Trạm khác để thành lập các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp làm giảm mạnh đầu mối ở cấp huyện. Đánh giá ở khía cạnh tổ chức, có thể thấy, sau khi hợp nhất bộ máy được tinh gọn, dễ dàng tập trung nhân lực, giảm chi phí hành chính, một số nơi có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với viên chức.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp chịu chỉ đạo trực tiếp và giám sát trực tiếp trong hoạt động bởi Ủy ban nhân dân huyện nên thực hiện đúng các nhiệm vụ đề ra.
Viên chức bảo vệ thực vật chuyển sang và chịu sự quản lý của ủy ban nhân dân huyện nên thuận lợi hơn về quy hoạch, bổ nhiệm hoặc luân chuyển do thực hiện việc phân cấp về quản lý viên chức. Ủy ban nhân dân huyện huy động và bố trí được viên chức của Trung tâm thực hiện nhiều công việc khác nhau, kể cả việc không phải chuyên môn (viên chức bảo vệ thực vật có thể thực hiện nhiều công việc của lĩnh vực chăn nuôi, thú y, khuyến nông,…)
Hai là, khó khăn, vướng mắc. Do giải thể Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dẫn đến không còn mạng lưới cơ quan chuyên ngành ở cấp huyện nên công tác điều tra, dự tính, dự báo không được chú trọng thực hiện hoặc không thực hiện và không gửi báo cáo theo quy định lên Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật. Mặt khác, công tác theo dõi diễn biến sinh vật gây hại cây trồng, phối hợp giám sát hội thảo phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Đối với các tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trong quá trình hoạt động gặp phải một số hạn chế, như: không có sự chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật một cách thường xuyên và trực tiếp. Đồng thời, Trung tâm không tổ chức điều tra định kỳ, không thông báo tình hình sinh vật gây hại hàng tuần hoặc thường xuyên tới cấp có thẩm quyền để kịp thời điều chỉnh công tác quản lý nhà nước; không cập nhật số liệu thường xuyên vào phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật để phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước chuyên ngành.
Từ kết quả nghiên cứu, so sánh giữa hai mô hình tổ chức cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 và theo định hướng đổi mới của Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW có thể đánh giá được những ưu điểm, nhược điểm sau:

Như vậy, khi so sánh 2 mô hình tổ chức các cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật có thể thấy: nhược điểm của mô hình này là ưu điểm của mô hình kia và ngược lại. Vì vậy, để thực hiện đúng định hướng chỉ đạo mà nghị quyết nêu ra thì cần nghiên cứu và hoàn thiện mô hình tổ chức phù hợp sao cho vừa có thể khắc phục được nhược điểm và vừa duy trì được ưu điểm của cả hai mô hình.
4. Một số kiến nghị
Mô hình tổ chức các cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo định hướng tại Nghị quyết là mô hình mới chưa từng có trong thực tiễn, việc tổ chức ngành bảo vệ thực vật đang gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy, đòi hòi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, tổ chức phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, đúng nguyên tắc để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ nhất, cần sớm có đánh giá chính xác, cụ thể và khách quan trên quy mô cả nước về việc giải thể và hợp nhất Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng với các Trạm khác để thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở huyện.
Thứ hai, kế thừa những điểm mới, tiến bộ trong các văn bản trước đây, cụ thể như sau:
Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3 của Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT- NNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 quy định về tổ chức bộ máy của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, gồm: “các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục không quá 04 phòng (đảm bảo bao quát được các lĩnh vực cơ bản sau đây: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; trồng trọt; bảo vệ thực vật); Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hoặc liên huyện; Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa; Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu được thành lập theo quy định của pháp luật; tổ chức sự nghiệp khác trực thuộc Chi cục (nếu có)”.
Như vậy, căn cứ theo quy định, tổ chức của Chi cục gồm có Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hoặc liên huyện. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một vài tỉnh thành lập Trạm liên huyện, còn lại đều thành lập Trạm độc lập trên địa bàn mỗi huyện. Thực tế này đã tạo ra bộ máy tổ chức cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật ở địa phương cồng kềnh, khiến cho bộ máy phình to, biên chế nhiều gây gánh nặng ngân sách nhà nước.
Xét về khía cạnh cơ cấu tổ chức, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện là sự hợp nhất các Trạm (Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi- Thú y, Khuyến nông) tức là rút gọn thu về một đầu mối, giúp bộ máy tính gọn. Tuy nhiên, về mặt hoạt động sau khi không tổ chức Trạm ở cấp huyện công tác quản lý nhà nước gặp một số khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và phối hợp thực hiện làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không ổn định và tốt bằng giai đoạn trước khi duy trì có tổ chức Trạm ở cấp huyện.
Do vậy, một giả thiết được nêu ra, thay vì mỗi huyện thành lập một Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật như trước làm cho đầu mối gia tăng, bộ máy cồng kềnh thì nên chăng áp dụng quy định thành lập Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật liên huyện. Giải pháp đưa ra là, ở mỗi địa phương có từ 02 huyện hoặc 03 huyện liền kề dựa trên diện tích thì thành lập 01 Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật liên huyện. Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật liên huyện giống như Trạm thuộc Chi cục đã tổ chức trước đây. Nếu thực hiện theo phương án trên sẽ đảm bảo đúng mục tiêu, định hướng chỉ đạo được nêu tại Nghị quyết:
– Đầu mối tổ chức tinh gọn, tinh giản biên chế theo hướng xây dựng đề án vị trí việc làm và trả lương theo đề án, quản lý theo hiệu quả công việc đầu ra, một người sẽ đảm nhận nhiều đầu mối công việc khác nhau.
– Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thống nhất, thông suốt, kịp thời từ trung ương đến cơ sở góp phần đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
– Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là tổ chức hành chính thuộc Chi cục đặt tại địa phương giúp xây dựng và hình thành mạng lưới chân rết của ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sản xuất nông nghiệp ở cơ sở.
5. Kết luận
Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW được ban hành, nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị. Nội dung mang tính định hướng của Nghị quyết đã nhanh chóng được hiện thực hóa trong ngành bảo vệ thực vật. Về mặt tổ chức, hệ thống ngành bảo vệ thực vật đã có sự thay đổi rất lớn đặc biệt là ở cấp địa phương và tác động không nhỏ đến quá trình, hiệu quả hoạt động của ngành bảo vệ thực vật trên cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có khó khăn, bất cập như đã nêu ở trên, rất cần phải có những giải pháp nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức các cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Từ đó, phát huy vai trò vị trí của ngành trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh lương thực, nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản và giữ vững vị trí là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
5. Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013.
6. Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
7. Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
8. Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
9. Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
10. Kết luận số 34-KL/TW ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.