Nguyễn Lê Phương
Trường Đại học Ngoại thương
(Quanlynhanuoc.vn) – Thúc đẩy kinh tế xanh và tiêu dùng xanh phát triển là một trong những mục tiêu của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh cạn kiệt nguồn khoáng sản tự nhiên và nhằm bảo vệ môi trường. Một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế xanh và tiêu dùng xanh là khuyến khích sử dụng ô tô điện rộng rãi. Bài viết tìm hiểu thực trạng xử dụng ô tô điện ở Việt Nam cũng như các điểm hạn chế còn tồn tại ảnh hưởng tới quá trình phát triển của kinh tế xanh và tiêu dùng xanh, từ đó, đưa ra các giải pháp cho các hạn chế này.
Từ khóa: Kinh tế xanh; tiêu dùng xanh; bảo vệ môi trường.
1. Đặt vấn đề
Hội nghị Liên hiệp quốc về môi trường và phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro vào năm 1992 đã chính thức thông qua khái niệm phát triển bền vững là “sự phát triển đáp ứng được nhu cầu hiện tại” mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu riêng của họ” (Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển, 1987). Trong báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” (UNEP, 2011) đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh được các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi, theo đó, kinh tế xanh là nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.
2. Khái niệm và ý nghĩa kinh tế xanh, tiêu dùng xanh.
Ngân hàng Thế giới (WB, 2012b) đã định nghĩa kinh tế xanh là “phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên”. Tháng 9/2015, Liên hiệp quốc công bố chương trình Nghị sự 2030, bao gồm mười bảy mục tiêu phát triển bền vững nhằm xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh, trong đó có đề cập đến thúc đẩy kinh tế xanh và tiêu dùng xanh.
Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế bảo đảm đồng thời hai mục tiêu: bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững. Tiêu dùng xanh là một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế xanh. Thay đổi hành vi tiêu dùng là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế xanh. Vai trò của người tiêu dùng rất quan trọng vì quyết định mua sắm của người tiêu dùng tác động mạnh mẽ đến thị trường. Tiêu dùng xanh khuyến khích các nhà sản xuất phát triển sản phẩm xanh. Như vậy, để thúc đẩy kinh tế xanh, chúng ta cần có sự tham gia tích cực của người tiêu dùng.
Khái niệm tiêu dùng xanh lần đầu tiên được nhắc đến năm 1970 (Peattie, 2010), từ đó, nhiều nghiên cứu đã mở rộng khái niệm này. Tuy nhiên, cho đến nay tiêu dùng xanh vẫn là một khái niệm khá mới và được định nghĩa bằng nhiều cách. Trong phạm vi của nghiên cứu này, khái niệm tiêu dùng xanh là hành vi mua các sản phẩm thân thiện với môi trường (sử dụng ít năng lượng hoặc có khả năng tái chế), không gây hại hoặc tốt cho sức khỏe của con người đồng thời sử dụng các sản phẩm sao cho ít gây hại nhất đối với môi trường.
Với chặng đường hơn 10 năm triển khai và thực hiện kinh tế xanh, cùng sự quyết tâm và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và nhận thức rõ của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của kinh tế xanh, cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc.
Thứ nhất, hành vi sản xuất và tiêu dùng có nhiều thay đổi đáng kể và được cải thiện tích cực. Nhiều công ty sản xuất lựa chọn sản xuất hàng tiêu dùng gần gũi thiên nhiên, ít ảnh hưởng đến môi trường. Người dân cũng hướng tới tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ và tẩy chay các mặt hàng gây ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, ngày càng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh. Các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.
Thứ ba, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhiều khu đô thị nổi lên, đặc biệt là hình thành các vùng nông thôn mới. Theo đó, người dân cũng quan tâm đến bảo vệ chất lượng môi trường sống hơn và ủng hộ kinh tế xanh.
Báo cáo của World Economic Forum dự đoán đến năm 2022 cho biết, các công việc liên quan tới kinh tế xanh sẽ chiếm đến 60 triệu việc làm trên toàn thế giới (WEF, 2019). Một số sản phẩm tiêu dùng xanh phổ biến hiện nay gồm có đèn LED tiết kiệm điện, xe điện, thiết bị gia dụng có nhãn năng lượng, mỹ phẩm hữu cơ, túi nilon tái chế… (UNEP, 2018). Các dịch vụ tiêu dùng xanh được ưa chuộng gồm: du lịch sinh thái, nhà hàng hữu cơ, xe điện, tái chế rác thải… (McKinsey, 2021). Xu hướng sử dụng xe điện toàn cầu được thể hiện rõ qua doanh số bán xe điện tăng trung bình 40% mỗi năm. Nhiều quốc gia đặt mục tiêu cấm bán xe xăng vào những năm 2030 – 2040 và ngày càng nhiều công ty sản xuất ô tô chuyển sang xe điện. Việc sử dụng xe điện như một giải pháp bảo vệ môi trường, hướng tới tiêu dùng xanh đang rất được quan tâm. Xe điện sử dụng động cơ điện thay vì động cơ đốt trong truyền thống với pin lithium cho phép lưu trữ điện năng và hệ thống phanh tái tạo năng lượng khi phanh xe và đem lại nhiều lợi ích: (1) Dùng xe điện giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường; (2) Chi phí vận hành xe điện thấp hơn so với xe xăng; (3) Xe điện hoạt động êm, động cơ mượt mà hơn.
3. Thực trạng sử dụng xe điện tại Việt Nam
3.1. Sự phát triển của thị trường xe điện ở Việt Nam
Xét về việc sử dụng xe điện (2 bánh) ở Việt Nam, theo Bộ Công Thương, doanh số E2W đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ 163.428 xe (năm 2019) lên gần 237.000 xe, tăng 45% (năm 2020). Doanh thu tăng trưởng khoảng 30 – 35% trong những năm gần đây, đã đưa Việt Nam trở thành thị trường xe hai bánh điện (E2W) lớn nhất khu vực ASEAN và lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Thị trường E2W năm 2020 của Việt Nam chủ yếu thống trị bởi các thương hiệu địa phương. Hiện có 10 nhà sản xuất đã bán E2W tại Việt Nam, trong đó có 5 công ty Việt Nam, bao gồm VinFast, Pega, Anbico, DK Bike và Detech. Những sản phẩm này chiếm 69, 6% số E2W bán ra trong nước vào năm 2020. VinFast, nhà sản xuất địa phương được thành lập vào năm 2017, có thị phần E2W lớn nhất, ở mức 43, 4%, tiếp theo là Pega, với thị phần 15, 7% (Lê Anh Tú, 2021).

Vào tháng 12/2021, VinFast xuất xưởng VF e34, chiếc ô tô điện đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam cũng như chiếc xe điện đầu tiên được bán ra trong nước. Từ đó, đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới cho ngành Giao thông vận tải ở Việt Nam. Tiếp đó, đến tháng 8/2022, gần 3.000 ô tô điện đã được sản xuất, lắp ráp hoặc phân phối trên toàn quốc (Cục Đăng kiểm Việt Nam, 2022). Sau một tháng (9/2022), thị trường ô tô điện Việt Nam đã có sự góp mặt của các hãng ô tô trong nước và nhập khẩu, trong đó có Vinfast với các mẫu Vinfast VF e34, VF 8; Công ty Cổ phần Thaco với mẫu KIA EV6, Nissan Việt Nam, Toyota Việt Nam với các loại xe bán điện được ưa chuộng như Toyota Corolla Cross, Camry và gần đây nhất là Corolla Altis… (Hoàng Hiệp, 2022).
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt 1 triệu xe điện vào năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Theo 6Wresearch, quy mô thị trường xe điện Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ CAGR là 22,9% trong giai đoạn 2020 – 2025 (Hoàng Lâm, 2023). Do Việt Nam chỉ chiếm 0,7% tổng doanh số bán xe điện ở Đông Nam Á (Statista Q3 2022), các chính sách và ưu đãi mới của Chính phủ dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng xe điện của người tiêu dùng Việt Nam.
3.2. Cơ sở hạ tầng sạc điện
Trở ngại lớn nhất cần khắc phục cho việc áp dụng xe điện ở thời điểm hiện tại vẫn là vấn đề cơ sở hạ tầng về pin và sạc. Điều đáng chú ý là ở Việt Nam chưa phát triển cơ sở hạ tầng sạc cho xe đạp điện và xe máy điện. Hầu hết xe hai bánh điện đều được sạc tại nhà hoặc nơi làm việc. Các trạm sạc ở Việt Nam còn hạn chế và tiến độ thực hiện rất chậm, hầu như chưa có nhiều trạm sạc cho ôtô điện, thiếu hạ tầng giao thông đồng bộ, điểm đỗ xe, quỹ đất để bố trí trạm sạc. 2015, VinFast đã công bố kế hoạch xây dựng từ 30.000 đến 50.000 trạm sạc, chỉ có khoảng 200 trạm sạc đã đi vào hoạt động. Các trạm sạc với mức kinh phí trung bình khoảng 200.000 USD cho một trạm, đây có thể là một yếu tố dẫn đến việc triển khai chậm.
Việc đầu tư vào E2W và cơ sở hạ tầng hỗ trợ đã được thực hiện tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tính đến cuối năm 2019, hơn 1.000 trạm sạc đã được lắp đặt tại các cửa hàng tiện lợi VinMart+, gần như phủ kín khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các trạm sạc Vinfast hoạt động tại Đà Nẵng và Hải Phòng. Với mật độ cửa hàng Vinmart+ rất dày đặc (khoảng cách giữa hai cửa hàng ở các thành phố lớn khoảng 700 m), mạng lưới sạc khá thuận tiện cho người dùng (Việt Vũ, 2018).
3.3. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe điện
Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm hướng tới tương lai xanh qua chương trình hành động biến đổi năng lượng xanh. Tới năm 2050, Chính phủ đặt mục tiêu tất cả các phương tiện di chuyển trên đường chạy bằng năng lượng xanh. Đây là một yêu càu đối với các ngành công nghiệp và người tiêu dùng để thúc đẩy việc sử dụng ô tô điện (EV). Hơn nữa, chính phủ cũng cung cấp các khoản khuyến mãi, miễn thuế và phát triển hạ tầng (trạm sạc EV) có thể gia tăng tốc độ tiêu dùng. Từ đó, từng bước đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất ô tô điện toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ việc áp dụng xe điện trong nước như giảm thuế cho xe điện xuống mức thấp nhất tương đương 1%; miễn lệ phí trước bạ đối với xe buýt sử dụng năng lượng sạch; xe điện sản xuất trong nước bị đánh thuế từ 5 -15%, trong khi thuế áp dụng cho xe ICE là từ 10 – 150%. Việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá bán, khiến xe điện cạnh tranh hơn xe xăng cùng phân khúc.
Ô tô điện nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, từ ngày 01/3/2022 – 28/2/2027, ô tô điện ắc quy sẽ giảm 12% thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 15% xuống 3%) đối với các loại xe dưới 9 chỗ ngồi; giảm 8% thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 10% xuống 2%) đối với ô tô điện ắc quy 10 – 16 chỗ ngồi (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công năm 2022, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2018, 2022), Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) và Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Ngoài ra, phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện là 0% trong vòng 3 năm, áp dụng từ tháng 3/2022. Trong 2 năm tiếp theo, mức phí này sẽ là 50% thuế suất so với xe xăng, diesel cùng số ghế (quy định trong Nghị định số 10/2022/ND-CP ngày 01/3/2022 của Chính phủ về đối tượng phải nộp lệ phí trước bạ, người nộp lệ phí trước bạ, căn cứ tính lệ phí trước bạ, ghi nợ, miễn, miễn lệ phí trước bạ, kê khai, nộp và quản lý lệ phí trước bạ).
3.4. Những thách thức đối với xe điện tại Việt Nam
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số trở ngại cho sự phát triển của thị trường xe điện ở Việt Nam. Cụ thể là: chi phí đầu tư cao, hiện giá thành xe điện còn cao, trung bình khoảng 500 – 800 triệu đồng/xe. Chi phí này so với thu nhập trung bình của người dân là thực khá cao. Hệ thống trạm sạc công cộng còn hạn chế, chưa phổ biến. Việc sạc điện vẫn chưa thuận tiện cho người sử dụng xe điện. Nhận thức của người dân còn hạn chế, còn lo ngại về quãng đường di chuyển của xe điện khi xe chỉ hạn chế số kilomet nhất định và thời gian chờ sạc khá lâu. Do đó, phần lớn người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của xe điện trong quy trình thực hiện kinh tế xanh và tiêu dùng xanh. Người sử dụng mới chỉ tính đến tính tiện ích và giá cả của xe.
4. Giải pháp phát triển xe điện tại Việt Nam
Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi hoàn toàn các phương tiện hướng đến sử dụng năng lượng xanh vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu nêu trên, chúng ta cần đối diện với khó khăn, trở ngại và tìm ra các giải pháp thực hiện như sau:
Một là, Chính phủ cần hoàn thiện các chính sách, tăng ưu đãi với việc sử dụng ô tô, xe máy điện. Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường: thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin (BEV) và xe điện nhiên liệu hydro (FCEV) ở mức thấp nhất; thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) sẽ ở mức cao hơn so với xe BEV và FCEV và áp dụng theo lộ trình: giữ nguyên như hiện tại và tăng dần để khuyến khích sử dụng xe BEV, FCEV, giảm dần ưu đãi cho xe HEV và PHEV. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu… Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ – cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn
Hai là, Chính phủ và doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở hạ tầng sạc điện, trong đó việc phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…) là rất cần thiết. Chính phủ và đoanh nghiệp cũng cần phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện. Các doanh nghiệp cần chú ý phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện.
Ba là, chính quyền và doanh nghiệp nên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Tuyên truyền, phổ biến về những lợi ích của xe điện so với xe sử dụng động cơ đốt trong cho người tiêu dùng là cần thiết để thay đổi nhận thức về xe điện. Các thương hiệu trong nước cần giúp người tiêu dùng nhận ra những quan điểm sai lầm về xe điện cũng như giải quyết những lo lắng của người dùng khi chuyển sang xe điện và đồng hành cùng họ trong suốt quá trình sử dụng xe. Người tiêu dùng nên được hiểu biết đầy đủ về ưu điểm cũng như nhược điểm của xe điện. Các thương hiệu nên tích cực hành động để giải quyết mối lo ngại của người dùng về khả năng tiếp cận các trạm sạc và mức độ an toàn của pin xe điện. Khi đó, người tiêu dùng tin vào việc sử dụng xe điện không chỉ thuận tiện mà còn đảm bảo an toàn và yên tâm, bất kể khoảng cách di chuyển, tình hình thời tiết hoặc điều kiện đường sá.
Muốn gia nhập vào cuộc đua xe điện tại thị trường Việt Nam, các thương hiệu cần hiểu rõ nhu cầu và sở thích của người dùng Việt về thiết kế, tiện ích lẫn giá bán. Khi đi du lịch bằng ô tô, người Việt thường có thói quen đi cùng gia đình hoặc bạn bè. Để đáp ứng nhu cầu này, các nhà sản xuất xe điện nên ưu tiên giới thiệu các dòng có nhiều ghế hơn, không gian rộng hơn. Một chiến lược khác để các thương hiệu có thể thành công trong “cuộc đua xe điện” tại Việt Nam chính là hợp tác với các đơn vị liên quan trong ngành công nghiệp ô tô, tận dụng cơ hội từ xu hướng ngày càng gia tăng của dịch vụ kêu gọi xe điện với người tiêu dùng trẻ, để mở rộng sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường xe điện Việt Nam. Một cách phát triển khác là các công ty sản xuất xe điện hợp tác với các công ty taxi, các thương hiệu xe điện có thể trực tiếp giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và thử nghiệm lợi ích trên những chiếc xe điện trong quá trình di chuyển hàng ngày.
Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xe điện, trạm sạc xe điện. Một nhiệm vụ rất quan trọng đối với các trường đại học cần nhanh chóng cập nhật công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển và sản xuất xe điện. Khi cơ sở hạ tầng được hoàn thiện kết hợp cùng các chính sách hỗ trợ rộng rãi hơn từ Chính phủ, người tiêu dùng có thu nhập trung bình cũng sẽ có cơ hội tiếp cận và sử dụng xe điện, mặc dù ban đầu thị trường được coi là dành riêng cho các phân khúc cao cấp.
5. Kết luận
Đến nay, kinh tế xanh và tiêu dùng xanh vẫn là những khái niệm khá mới đối với người tiêu dùng Việt Nam. Hành trình của Việt Nam trong việc chuyển đổi thành công của xe điện mặc dù đầy hứa hẹn, vẫn đối mặt với một số thách thức cần được giải quyết để bảo đảm sự chuyển đổi suôn sẻ và việc sử dụng rộng rãi của xe điện. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc sở hữu xe điện dù họ là khách hàng tiềm năng. Có thể nhận định thị trường xe điện Việt Nam bắt đầu chậm nhưng tiềm năng rất lớn. Thời điểm này, các thương hiệu tham gia cuộc đua xe điện có cơ hội vàng đề tận dụng thị trường bằng cách thu hút người tiêu dùng ở giai đoạn đầu. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất xe, bán xe điện cần tăng tương tác và giao tiếp với khách hàng tiềm năng để thiết lập các mối quan hệ lâu dài và khuyến khích việc chuyển sang sử dụng xe điện trong tương lai. Ngoài ra, nhà sản xuất và đại lý thiêu thụ sản phẩm xe điện cũng cần hiểu rõ nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng Việt Nam, bao gồm các yếu tố như giá cả, thiết kế và tiện ích.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2022). Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 01/3/2022 quy định về lệ phí trước bạ.
2. Quốc hội (2019). Luật Đầu tư công năm 2019.
3. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư năm 2020.
4. Quốc hội (2023). Luật Nhà ở năm 2023.
5. Quốc hội (2023). Luật Đấu thầu năm 2023.
6. Hoàng Hiệp (2022). Kỳ vọng 2022: Việt Nam bùng nổ ô tô điện. https://vietnamnet.vn/ky-vong-2022-viet-nam-bung-no-o-to-dien-812852.html.
7. Hoàng Lâm (2023). Cơ hội và thách thức của thị trường xe điện tại Việt Nam trong xe thế “di chuyển xanh. https://vneconomy.vn/automotive/co-hoi-va-thach-thuc-cua-thi-truong-xe-dien-tai-viet-nam-trong-xu-the-di-chuyen-xanh.htm.
8. Lê Anh Tú (2023). Cơ hội và thách thức của thị trường xe điện Việt Nam. https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/co-hoi-va-thach-thuc-cua-thi-truong-xe-dien-viet-nam-5594.4050.html.
9. United Nations. (1987). Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future. Truy cập từ https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/5987our-common-future.pdf.
10. Việt Vũ (2018). Trạm sạc xe điện VinFast Klara xuất hiện tại hệ thống Vinmart+, hoàn toàn miễn phí. https://vtcnews.vn/tram-sac-xe-dien-vinfast-klara-xuat-hien-tai-he-thong-vinmart-hoan-toan-mien-phi-ar440849.html.
11. UNEP. (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication. Truy cập từ https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/126GER_synthesis_en.pdf.
12. World Bank (2012). Inclusive Green Growth: The Pathway to Sustainable Development. Truy cập từ https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/6058.