Giải pháp phát triển nghề truyền thống của tỉnh Lai Châu 

TS. Vũ Thị Phương Mai
Trường Đại học Lao động – Xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Mặc dù nghề truyền thống của mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu có những nét đặc sắc, thế mạnh riêng, tạo ra các sản phẩm mang tính đặc sắc của mảnh đất, con người Lai Châu nơi biên viễn Tổ quốc nhưng vẫn mang tính tự phát và nhiều nghề có dấu hiệu mai một. Bài viết trên cơ sở nêu rõ quan điểm, chủ trương của tỉnh Lai Châu về phát triển nghề truyền thống, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Từ khóa: Phát triển nghề truyền thống; chất lượng và hiệu quả; sản phẩm nghề truyền thống; tỉnh Lai Châu; quan điểm, chủ trương.

1. Khái quát đặc điểm tình hình tỉnh Lai Châu

Lai Châu là tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, diện tích tự nhiên của tỉnh  9.068,78 km². Tỉnh có 265,165 km đường biên giới Việt – Trung, đồng thời, Lai Châu cũng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Là vùng đầu nguồn rộng lớn và phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà, địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nên Lai Châu có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia mà trực tiếp là các công trình thủy điện lớn trên sông Đà và vùng châu thổ sông Hồng.

Hiện nay, tỉnh có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: thành phố Lai Châu và các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên; 106 đơn vị hành chính cấp xã (94 xã, 5 phường và 7 thị trấn)1. Vị trí địa lý của Lai Châu có ý nghĩa quan trọng về mặt tự nhiên, kinh tế, văn hóa – xã hội và quốc phòng – an ninh tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội và đặt ra nhiệm vụ trọng yếu trong bảo đảm quốc phòng – an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dân số Lai Châu vào khoảng trên 471 nghìn người, gồm 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng, gồm: Thái, Giáy, Lào, Lự, Mảng, Kháng, Khơ Mú, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La2. Mỗi dân tộc đều có truyền thống, bản sắc văn hóa độc đáo riêng và cùng góp phần bổ sung, làm phong phú thêm nét văn hóa của các dân tộc tỉnh Lai Châu. Các dân tộc khác, như: Tày, Nùng, Hoa, Mường… tuy có trong danh mục các dân tộc tỉnh Lai Châu nhưng sống xen kẽ, không cư trú thành cộng đồng. Lao động của tỉnh Lai Châu tập trung nhiều ở lĩnh vực nông – lâm nghiệp, cơ cấu lao động phong phú; số lao động có trình độ, tay nghề ngày càng tăng hằng năm. 

2. Quan điểm, chủ trương của tỉnh Lai Châu về phát triển nghề truyền thống

Phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn được Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa và ban hành nhiều văn bản lồng ghép phát triển nghề truyền thống trong nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội; bảo tồn và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Tỉnh ban hành nhiều chính sách trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu các mặt hàng là sản phẩm từ nghề truyền thống của địa phương. Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp đã sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với đặc điểm tình hình địa phương, dân tộc… bước đầu có những nhận thức đúng đắn về nghề truyền thống của địa phương.

Trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh (khóa XI) nhiệm kỳ 2005 – 2010; Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đều nhấn mạnh các nhiệm vụ giải pháp trong phát triển tiểu thủ công nghiệp của địa phương; cụ thể hóa nghị quyết Đại hội, các văn bản triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp đều xác định vai trò của nghề truyền thống trong phát triển nghề nông thôn, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm 2014, UBND tỉnh đã triển khai công tác khảo sát, đánh giá hoạt động, quy mô, hiệu quả, giá trị của các nghề, làng nghề; thành lập Hội đồng công nhận nghề truyền thống, làng nghề. Trên cơ sở đánh giá, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 về việc công nhận Làng nghề, Nghề truyền thống tỉnh Lai Châu năm 2014. Theo đó, đã công nhận danh hiệu Làng nghề đối với: (1) Làng nghề sản xuất các loại bánh dân tộc (bánh bỏng, bánh khảo, bánh rán, bánh đúc, bánh phở) tại bản San Thàng 1, xã San Thàng, thành phố Lai Châu. (2) Làng nghề sản xuất miến dong bản Hoa Lư, xã Bình Lư, huyện Tam Đường. (3) Làng nghề sản xuất miến dong bản Vân Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường. (4) Làng nghề sản xuất miến dong bản Thống Nhất, xã Bình Lư, huyện Tam Đường. Đồng thời, công nhận nghề nấu rượu ngô tại bản Sùng Chô, xã Nậm Lỏong (nay thuộc xã Sùng Phài), thành phố Lai Châu. Đây là dấu mốc quan trọng trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh trong vị trí, vai trò của làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã đề ra nhiệm vụ giải pháp trong phát triển công nghệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, trong đó xác định: “Tiếp tục khôi phục và phát triển một số ngành nghề thủ công, mặt hàng thủ công, mỹ nghệ có lợi thế về nguyên liệu: dệt thổ cẩm, mây tre đan…”. Từ nhiệm vụ giải pháp quan trọng Đảng bộ, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành nhiều văn bản trong các chính sách khuyến công, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo để triển khai thực hiện phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh cụ thể hóa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển nghề truyền thống trên địa bàn, như: Quyết định số 920/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chương trình khuyến công tỉnh Lai Châu đến năm 2020; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 316-QĐ/TU ngày 22/11/2016 của Tỉnh ủy về ban hành Đề án “Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020”; Nghị quyết số 68/2016/NQ-HĐND ngày 10/12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 1841/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/2016/NQ-HĐND ngày 10/12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020…

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển công nghiệp có lợi thế, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp với điểm nhấn trong nghề truyền thống, tạo sản phẩm du lịch trên địa bàn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp chuyên nghiệp trong phát triển du lịch; khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp… Đồng thời, xác định 4 chương trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, trong đó có 2 chương trình trọng điểm có nội dung của nghề truyền thống, đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, xác định chỉ tiêu hằng năm phấn đấu mỗi dân tộc được bảo tồn ít nhất một di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp và ưu tiên cho lễ hội, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian; đồng thời, có những giải pháp lựa chọn nơi tổ chức, không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu ở các bản, các chợ phiên, qua đó bảo lưu, trao truyền các loại hình văn hóa truyền thống để tạo ra các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa…

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 407/QĐ-UBND ngày 14/4/2020 phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí sản xuất, mở rộng sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng nông thôn mới; theo đó, các hoạt động khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, du nhập phát triển ngành nghề mới được gắn với kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và các hoạt động quảng bá sản phẩm tiếp cận thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc triển khai phát triển nghề truyền thống từng bước đã tạo ra giá trị kinh tế nhất định, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn, miền núi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

3. Giải pháp phát triển nghề truyền thống của tỉnh Lai Châu

Từ thực tiễn sự phát triển của nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng đang đặt ra nhiều khó khăn trong bảo tồn, duy trì và phát triển sản xuất. Do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. 

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói đẹp, bắt mắt, thu hút người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa… tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bởi thực tế hiện nay, sản phẩm từ nghề truyền thống của tỉnh chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thị trường. Một số nghề chỉ sản xuất ra sản phẩm để phục vụ đời sống sinh hoạt trong cộng đồng dân tộc nhất định; một số sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống hiện khó tiếp cận được với thị trường; nhu cầu sử dụng không còn, hoặc còn rất ít và trực diện bị các sản phẩm hàng hóa sản xuất công nghiệp lấn áp. 

Thứ hai, đối với những ngành nghề có tiềm năng phát triển, đang mở rộng thị trường cũng cần có hướng đầu tư phù hợp để nâng cao vị thế và sức cạnh tranh. Việc quy hoạch các làng nghề truyền thống còn xây dựng theo hướng quy hoạch những làng nghề nào chỉ phục vụ sản xuất, nghề nào chỉ phục vụ du lịch và những làng nghề vừa sản xuất vừa phát triển du lịch. Xây dựng quy hoạch tổng thể cho các nghề truyền thống là rất quan trọng, góp phần định hướng phát triển phù hợp cho mỗi nghề và hướng tới hình thành các làng nghề. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, một số địa phương nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng đang có nguy cơ mai một một số nghề truyền thống. Xuất phát từ hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề truyền thống thấp, khó duy trì nghề; một số nghệ nhân, người làm nghề truyền thống của các dân tộc đang mai một; lớp trẻ không thiết tha với nghề truyền thống của dân tộc mình vì thu nhập kinh tế thấp, tốn nhiều thời gian.

Thứ ba,  cơ chế, chính sách đối với việc lưu giữ, phát triển các ngành nghề truyền thống tại địa phương, bởi hiện tại điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh Lai Châu ở điểm xuất phát thấp, sản xuất phát triển hàng hóa phát triển chậm, không đồng đều giữa các vùng; quy mô của các ngành nghề còn nhỏ, thiếu sức cạnh tranh, cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn Lai Châu còn thấp kém, thiếu đồng bộ. Đời sống một bộ phận lớn nhân dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Các cơ sở ngành nghề nông thôn vẫn còn phát triển theo hướng tự phát, tiếp cận và nắm bắt thông tin thị trường chưa kịp thời. Sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa các cơ sở ngành nghề nông thôn với nhà đầu tư, thị trường chưa được hình thành nhiều. Công nghệ, thiết bị sản xuất trong các ngành nghề nông thôn và các làng nghề, nghề truyền thống còn lạc hậu, tỷ lệ tự động cơ giới hóa thấp, sản phẩm thô nên giá trị hàng hóa chưa cao.

Thứ tư, các ngành chức năng cần nỗ lực hơn nữa cùng với mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh nghề không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo. Đẩy mạnh việc đăng ký thương hiệu để giữ bản quyền đối với một số sản phẩm tiêu biểu của cơ sở nghề. Cần đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ của người lao động, thực hiện các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ mới; đồng thời, phát huy thế mạnh của các nghệ nhân trong việc cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, phải có sự liên kết giữa các cơ sở cùng nghề, cùng làng, phố nghề để hợp lực, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi cơ sở.

Thứ năm,  chủ trương, kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Chú thích:
1. Giới thiệu chung về tỉnh Lai Châu. https://dulich.laichau.gov.vn, truy cập ngày 21/5/2024.
2. Cuốn sách Địa chí Lai Châu – Sản phẩm của Đề tài khoa học công, 2021, tr. 272.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2018). Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn.
2. Đảng bộ tỉnh Lai Châu (2015). Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
3. Đảng bộ tỉnh Lai Châu (2020). Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
4. Quốc hội (2019). Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
5. Tỉnh ủy Lai Châu (2016). Quyết định số 316-QĐ/TU ngày 22/11/2016 về ban hành Đề án “Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020”.
6. Nguyễn Quốc Thịnh (2023). Phát triển thương hiệu làng nghề truyền thống. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/04/04/phat-trien-thuong-hieu-lang-nghe-truyen-thong.
7. Đào Cao Sơn (2022). Truyền thông thương hiệu làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/10/27/truyen-thong-thuong-hieu-lang-nghe-thu-cong-my-nghe-truyen-thong-o-viet-nam.