Vũ Kỳ Long
NCS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu nhằm xác định và đánh giá mức độ ảnh hưởng của một số yếu tố đến quản lý quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội trên cơ sở ứng dụng mô hình phân tích nhân tố khám phá và mô hình hồi quy tuyến tính đa biến. Kết quả nghiên cứu đã xác định được các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến quản lý quy hoạch sử dụng đất, từ đó, đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội.
Từ khoá: Yếu tố; ảnh hưởng; quản lý; quy hoạch sử dụng đất; TP. Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Đất đai có mối quan hệ mật thiết với mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Quy hoạch sử dụng đất là công cụ hữu hiệu giúp cho Nhà nước nắm chắc quỹ đất đai và xây dựng chính sách sử dụng đất đai đồng bộ, có hiệu quả, hạn chế sự chồng chéo trong quản lý đất đai, ngăn chặn các hiện tượng chuyển mục đích sử dụng tùy tiện, hiện tượng tiêu cực, tranh chấp, lấn chiếm, hủy hoại đất. Vì vậy, công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất là nhiệm vụ không thể thiếu trong quản lý nhà nước về đất đai.
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã xây dựng được phương án quy hoạch sử dụng đất để phân bổ cho các ngành, các quận, huyện góp phần vào duy trì tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Tuy nhiên, công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất còn tồn tại những hạn chế như: thời gian phê duyệt quy hoạch còn chậm; các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện quy hoạch sử dụng đất chưa rõ ràng, gây khó khăn khi triển khai thực hiện; sự phối hợp giữa các cấp, các cơ quan quản lý chưa hiệu quả; sự chỉ đạo, hướng dẫn từ các cơ quan quản lý để giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện còn chậm, dẫn tới chất lượng quy hoạch chưa cao; một số chỉ tiêu diện tích thực hiện chưa đạt so với quy hoạch, kế hoạch được duyệt; nhiều công trình, dự án chưa được thực hiện gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai; nhiều dự án phát sinh đã phá vỡ quy hoạch, kế hoạch của thành phố.
Để đánh giá nguyên nhân của những tồn tại nêu trên, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội, cần có nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến quản lý quy hoạch sử dụng đất thành phố Hà Nội, từ đó, đưa ra được giải pháp hoàn thiện quản lý quy hoạch sử dụng đất.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp chọn mẫu nghiên cứu: lựa chọn nghiên cứu 8/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội có diện tích đất chuyển đổi từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp lớn, gồm: 3 quận (Nam Từ Liêm, Tây Hồ và Long Biên); 4 huyện (Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh) và thị xã Sơn Tây.
Phương pháp chuyên gia:
Để bảo đảm độ tin cậy và tính khách quan, nghiên cứu sử dụng phương pháp chuyên gia nhằm trao đổi, xin ý kiến về các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội. Số lượng chuyên gia: 5 người.
Phương pháp thu thập dữ liệu:
Dữ liệu thứ cấp, thu thập các công trình nghiên cứu về quy hoạch sử dụng đất, quản lý quy hoạch sử dụng đất trong và ngoài nước làm cơ sở xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội. Thu thập các số liệu về tình hình kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội.
Dữ liệu sơ cấp, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng. Kích thước của mẫu áp dụng trong nghiên cứu dựa theo yêu cầu của phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis) và hồi quy đa biến. Theo Hair et al (1998), kích cỡ mẫu tối thiểu cho phân tích nhân tố khám phá gấp 5 lần tổng số biến quan sát (n=5*m). Đối với phân tích hồi quy đa biến thì cỡ mẫu tối thiểu cần đạt được tính theo công thức là n=50 + 8*m (m: số nhóm yếu tố ảnh hưởng đến quản lý quy hoạch sử dụng đất).
Căn cứ vào kết quả tổng hợp các công trình nghiên cứu, ý kiến chuyên gia công tác trong lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất, nghiên cứu đã lựa chọn được 20 biến quan sát cho 5 nhóm yếu tố, trong đó có 4 nhóm nhân tố độc lập (gồm 16 biến quan sát) và 1 nhóm phụ thuộc (gồm 4 biến quan sát). Như vậy, số phiếu bảo đảm cho phân tích nhân tố khám phá và hồi quy tuyến tính tối thiểu là 100 phiếu (20*5=100) và 90 phiếu (50+8*5=90). Nghiên cứu lựa chọn điều tra 320 phiếu, trong đó 80 phiếu là công chức, viên chức công tác tại một số cơ quan chuyên ngành thuộc UBND thành phố Hà Nội; 240 phiếu là tổ chức, cá nhân chịu sự ảnh hưởng, tác động của quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2011 – 2020 thuộc 8 quận, huyện, thị xã.
Phương pháp phân tích, xử lý số liệu:
Kiểm định chất lượng thang đo: độ tin cậy của thang đo được kiểm định thông qua hệ số Cronbach’s alpha và hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item – Total Correlation). Số liệu bảo đảm độ tin cậy khi hệ số Cronbach’s Alpha nằm trong khoảng [0,6 – 0,95] (Hair at al, 1998), hệ số tương quan biến tổng > 0,3 (Hair at al, 1998; Nunnally & Bernstein, 1994).
Phân tích nhân tố khám phá EFA, các biến chỉ được chấp nhận khi hệ số thích hợp KMO (Kaiser – Meyer – OlKIN) nằm trong khoảng [0,5 – 1] và các trọng số tải của chính nó ở nhân tố khác nhỏ hơn 0,35 hoặc khoảng cách giữa 2 trọng số tải (Factor Loading) cùng 1 biến quan sát ở 2 nhân tố khác nhau lớn hơn 0,3. Theo Hair et al (1998), nếu chọn trọng số tải > 0,3 thì cỡ mẫu phải ít nhất là 350, nếu cỡ mẫu khoảng 100 thì nên chọn trọng số tải > 0,55 và nếu cỡ mẫu khoảng 50 thì trọng số tải phải > 0,75. Đối với nghiên cứu này, trọng số tải được chọn là > 0,55 vì số mẫu điều tra tối thiểu là 100 mẫu. Ngoài ra, thang đo chỉ được chấp nhận khi tổng phương sai giải thích (Total Variance Explained) > 50%; hệ số Barlett’s với mức ý nghĩa sig < 0,05 để bảo đảm các yếu tố có mối tương quan với nhau; hệ số Eigenvalue có giá trị ≥ 1 để bảo đảm các nhóm nhân tố có sự khác biệt.
Phân tích tương quan Pearson. Hệ số tương quan Pearson r có giá trị dao động từ – 1 đến 1. Nếu r càng tiến về 1, – 1 thì tương quan tuyến tính càng mạnh, càng chặt chẽ. Giá trị r từ 0 đến 1 thể hiện tương quan thuận, r từ – 1 đến 0 thể hiện tương quan nghịch và r = 0 biểu thị hai đại lượng không tương quan. Giá trị sig. nói lên tính phù hợp của hệ số tương quan giữa các biến. Với giá trị sig. < 0,05 thì mối tương quan giữa các biến được chấp nhận (Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008).
Phân tích hồi quy: Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến chuẩn hóa có Yi = β1X1 + β2X2+ β3X3+ β4X4 +…+βnXn. Trong đó:
– Yi: Là biến phụ thuộc thể hiện quản lý quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội.
– X1; X2; …. Xn: là các biến độc lập thể hiện các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý quy hoạch sử dụng đất.
– β1,β2, ….. βn: là các hệ số hồi quy chuẩn hóa thể hiện mức độ tác động của các yếu tố X1, X2, …. Xn lên biến phụ thuộc Yi.
3. Các yếu tố ảnh hưởng
Nghiên cứu lựa chọn 16 yếu tố thuộc 4 nhóm được xem là ảnh hưởng đến quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn nghiên cứu, bao gồm:
Nhóm yếu tố thể chế, chính sách, gồm: (1) Các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất (đây là cơ sở để nhà quản lý thực hiện việc lập, triển khai quy hoạch sử dụng đất); (2) Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất; (3) Sự đồng bộ với quy hoạch ngành, lĩnh vực khác (thực tế hiện nay, ngoài quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội còn thực hiện các quy hoạch khác như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng). (4) Sự đồng bộ với quy hoạch cấp trên (việc lập quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội luôn phải tuân thủ theo các chỉ tiêu sử dụng đất của quy hoạch cấp trên).
Nhóm yếu tố quản lý: công tác lập quy hoạch sử dụng đất phụ thuộc vào trình độ năng lực, chuyên môn của tổ chức hỗ trợ lập quy hoạch sử dụng hoặc đơn vị tư vấn. Yếu tố tầm nhìn, định hướng phát triển mang tính vĩ mô của Hà Nội và của cả nước sẽ quyết định đến việc quản lý quy hoạch sử dụng.
Nhóm yếu tố kinh tế: yếu tố tăng trưởng kinh tế là một trong các chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hiệu quả của kế hoạch và cách quản lý nền kinh tế nói chung, trong đó có liên quan đến việc sử dụng đất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ quyết định đến tỷ lệ diện tích của các loại đất để phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội. Trong giai đoạn 2011 – 2020, kinh tế của Hà Nội cũng như cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là cuộc suy thoái kinh tế thế giới đầu những năm 2010 và đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của thành phố vẫn đạt khoảng 7% (giai đoạn 2011 – 2020, tăng 7,3%, giai đoạn 2016 – 2020 là 6,73%). Yếu tố tốc độ đô thị hóa là yếu tố được quan tâm nhất là đối với một đô thị loại đặc biệt như Hà Nội. Tính đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội ở mức 49,2%, thấp hơn kế hoạch đề ra từ năm 2016 (58 – 60%), kết quả này cũng phản ánh chất lượng công tác thực hiện quy hoạch sử dụng trong giai đoạn 2011 – 2020, tỷ lệ đất nông nghiệp còn cao và tỷ lệ đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án nhà ở, khu đô thị còn thấp.
Nhóm yếu tố xã hội: trước khi lập quy hoạch sử dụng, các nhà quản lý phải dự báo được tốc độ tăng dân số trong kỳ quy hoạch để điều tiết sự phân bố của các loại đất. Thực tế mật độ dân số ở khu vực nội thành Hà Nội rất lớn, khi quy hoạch, sẽ xem xét điều tiết lại mật độ dân số bảo đảm phục vụ việc phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, các yếu tố như văn hóa, phong tục, lịch sử tập quán là những yếu tố mang nhiều giá trị tinh thần. Việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng sẽ tác động đến quy hoạch sử dụng tại Hà Nội.
4. Kết quả nghiên cứu
Phân tích độ tin cậy của thang đo. Kết quả kiểm định hệ số tương quan biến tổng và hệ số Cronbach’s Alpha tại bảng 1 cho thấy, trong tổng số 16 biến quan sát được đưa vào kiểm định thì tất cả các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 đạt yêu cầu về độ tin cậy, phù hợp cho các phân tích tiếp theo. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha cho thấy, các nhóm yếu tố đều có hệ số Cronbach’s Alpha nằm trong khoảng từ 0,707 – 0,813, chứng tỏ số liệu nghiên cứu bảo đảm độ tin cậy.

Phân tích nhân tố khám phá EFA. Kết quả kiểm định tính thích hợp của phân tích nhân tố cho thấy, hệ số KMO (Kaiser – Meyer – Olkin) = 0,770, thỏa mãn điều kiện 0,5 < KMO < 1. Như vậy,phân tích nhân tố khám phá là phù hợp cho dữ liệu thực tế. Ngoài ra, kiểm định Bartlett’s có giá trị sig = 0,000 < 0,05 có ý nghĩa số liệu thực tế hoàn toàn phù hợp với phân tích EFA và các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.

Kết quả đánh giá mức độ giải thích của các biến quan sát trong mô hình với nhân tố kết quả được thể hiện ở bảng 3. Kết quả phân tích hệ số Eigenvalues và tổng phương sai giải thích (Total Variance Explained) cho biến độc lập cho thấy, hệ số Eigenvalues > 1 dừng ở nhân tố thứ 4 với 2,117. Tổng phương sai giải thích của biến độc lập là 64,388> 50% (phân tích EFA đạt yêu cầu). Số liệu này cho thấy, 64,388% sự thay đổi của nhân tố kết quả là do các yếu tố (biến quan sát) đưa ra trong mô hình, tức là các biến quan sát trong nghiên cứu này đã giải thích được 64,388% sự biến thiên của yếu tố quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong nghiên cứu này, yếu tố thứ 4, với phương sai được giải thích là 15,106 và Eigenvalues là 2,117, còn lại tất cả các yếu tố có giá trị Eigenvalue < 1 không đóng góp và không đủ số lượng cho mô hình được đưa vào. Do đó, chỉ có 4 yếu tố (1-4) đóng góp vào mô hình.

Kết quả ma trận xoay xác định trọng số tải được thể hiện tại bảng 4 cho thấy, hệ số tải của các biến đều có giá trị > 0,5 nên phân tích EFA có ý nghĩa thực tiễn, các biến độc lập bảo đảm độ chính xác đưa vào mô hình phân tích hồi quy.

Phân tích tương quan Pearson. Các yếu tố ảnh hưởng đều có mối liên hệ tương quan thuận với quản lý quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội, trong đó nhóm yếu tố quản lý có ảnh hưởng mạnh nhất với hệ số Pearson là 0,442, tiếp đến là nhóm yếu tố thể chế, chính sách với hệ số Pearson là 0,433, yếu tố ảnh hưởng yếu nhất là yếu tố xã hội với hệ số Pearson là 0,304.

Phân tích hồi quy đa biến xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố. Kết quả phân tích hồi quy đa biến tại bảng 6 cho thấy, hệ số Sig. = 0,00 nhỏ hơn mức ý nghĩa α = 1%, do vậy, mô hình hồi quy có ý nghĩa, các biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc Y. Giá trị R2 hiệu chỉnh = 0,528 cho biết các biến độc lập trong mô hình có thể giải thích được 52,8% sự biến đổi của biến phụ thuộc. Bên cạnh đó, hệ số Durbin Watson (d) có giá trị = 1,899 nằm trong khoảng 1,5 – 2,5 chứng tỏ mô hình không có hiện tượng tự tương quan. Hệ số phóng đại phương sai (Variance Inflation Factor – VIF) của tất cả các biến đưa vào mô hình đều nhỏ hơn 2 nên mô hình nghiên cứu không có hiện tượng đa cộng tuyến.
Ngoài ra, sig kiểm định t hệ số hồi quy của các biến độc lập đều nhỏ hơn 0,05, do đó các biến độc lập này đều có ý nghĩa giải thích cho biến phụ thuộc và không biến nào bị loại khỏi mô hình. Hệ số (β) chuẩn hóa mang dấu dương cho thấy 4 nhóm yếu tố đều có mối quan hệ tuyến tính cùng chiều dương với yếu tố quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hệ số chuẩn hóa (β) cho thấy, mức độ ảnh hưởng của các nhóm yếu tố trong mô hình nghiên cứu.

Dựa vào hệ số β chuẩn hóa xác định được mức độ ảnh hưởng từ mạnh nhất tới yếu nhất của các nhóm yếu tố đến công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau: (1)Yếu tố quản lý (β = 0,417 – tỷ lệ ảnh hưởng 30,6%) cho thấy, năng lực cán bộ, viên chức nâng lên sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch sử dụng đất, yếu tố quản lý đóng vai trò then chốt và quyết định; (2) Nhóm yếu tố thể chế, chính sách (β = 0,375 – tỷ lệ ảnh hưởng 27,51%) xếp sau yếu tố quản lý.
Thực tế cho thấy, các quy định trong lĩnh vực đất đai thường thay đổi, việc chấp hành là điều tất nhiên phải thực hiện, do đó, mức độ quan tâm ít hơn, người sử dụng đất quan tâm nhiều hơn đến việc nhà quản lý triển khai, thực thi chính sách như thế nào thông qua bộ máy quản lý (thuộc nhóm yếu tố quản lý); (3) Nhóm yếu tố kinh tế (β = 0,316 – tỷ lệ ảnh hưởng 23,18%) điều này phù hợp với ý nghĩa thực tiễn khi lập quy hoạch; (4) Nhóm yếu tố xã hội (β = 0,255 – tỷ lệ ảnh hưởng 18,71%) có mức ảnh hưởng thấp nhất.
4. Đề xuất giải pháp
Một là, xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch sử dụng đất để các cấp có thể tích hợp sự thay đổi về quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống chung, ban hành quy định về trao đổi dữ liệu, sử dụng thông tin giữa các cấp, trình tự duyệt, thẩm định quy hoạch sử dụng đất thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu chung, góp phần rút ngắn thời gian phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, tránh việc chồng chéo nội dung thực hiện của các cấp.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Kịp thời phát hiện vi phạm trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất theo quy hoạch được duyệt. Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất theo quy định pháp luật. Tăng cường hướng dẫn, tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quản lý đất đai, thẩm định dự án.
Hai là, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về quy hoạch nói chung và quy hoạch sử dụng đất nói riêng. Các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cần thường xuyên rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến quy hoạch. Hiện nay, Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024, các văn bản pháp luật ban hành cần được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị.
Ba là, một trong những nguyên nhân khiến cho việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất không đúng tiến độ là do thiếu nguồn vốn. Để huy động vốn đầu tư, thành phố cần (1) Đẩy mạnh vai trò của Trungtâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội trong việc tìm kiếm, hỗ trợ nhà đầu tư làm hồ sơ, thủ tục, nghiên cứu và khảo sát đầu tư. Tăng cường tiếp cận trực tiếp các nhà đầu tư chiến lược, các thị trường đầu tư lớn, các hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng lớn của các quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư để tập trung kêu gọi đầu tư các lĩnh vực ngành nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; (2) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, thúc đẩy liên kết ngân hàng, doanh nghiệp; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các dữ liệu về quy hoạch cũng như quy trình đầu tư cần được thường xuyên cập nhật và dễ dàng tiếp cận trên các Cổng thông tin điện tử chính thức của Thành phố. Đẩy mạnh tích hợp, triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai, phổ biến quy hoạch sử dụng đất được duyệt để người dân nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua các phương tiện truyền thông như báo, đài, tivi, cổng thông tin điện tử các cấp và tuyên truyền thông qua tổ dân phố, cán bộ đoàn, xã.
Quan tâm đến yếu tố văn hóa lịch sử, phong tục tập quán địa phương vùng quy hoạch. Nền tảng của đời sống chính là “văn hóa”, trước khi lập phương án quy hoạch cần nghiên cứu kỹ về phong tục tập quán và các yếu tố lịch sử của địa phương để có được sự đồng thuận xã hội trong chuyển đổi mô hình kinh tế hay chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phù hợp với tập quán canh tác và giúp người dân cải thiện đời sống trên chính mảnh đất của họ.
5. Kết luận
Thông qua việc ứng dụng mô hình hồi quy tuyến tính xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến quản lý quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội. Kết quả nghiên cứu giúp cho các nhà quản lý có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm điều chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như công tác dự báo, xây dựng quy hoạch sử dụng đất cho thời kỳ tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Minh Thông (2022). Đánh giá và đề xuất cơ chế quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất đai cho phát triển bền vững. Luận án Tiến sỹ Quản lý đất đai, Trường Đại học Cần Thơ.
2. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Tập 2. H. NXB Hồng Đức, tr. 24, 31, 34.
3. UBND thành phố Hà Nội (2021a). Báo cáo số 225/BC-UBND ngày 04/9/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 của thành phố Hà Nội.
4. UBND thành phố Hà Nội (2021b). Báo cáo số 126/BC-UBND ngày 15/5/2021 về kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030.
5. Hair J.R, Joseph F & William C. Black (2006). Multivariate Data Analysis, Pearson, New Jersey.
6. Likert R.A. (1932). A technique for measurements of attitudes. Archives of Psychology, 140(55): 16-20.
7. Nunnally, J. C., & Bernstein, I. H. (1994). Psychometric theory (3rd ed.), New York: McGraw-Hill.
8. Tabachnick, B.G. & Fidell, L.S (2007). Using multivariate Statistics, Boston: Pearson Education.