Giao hàng chặng cuối bền vững trong thương mại điện tử: Nghiên cứu các yếu tố tác động

TS. Phạm Văn Kiệm
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết bàn về tính bền vững của logistics trong thương mại điện tử bằng cách nghiên cứu các yếu tố tác động đến giao hàng chặng cuối bền vững, gồm: tính thuận tiện của phương thức giao hàng, chi phí giao hàng, tác động đến môi trường của hoạt động giao hàng, vai trò xã hội của doanh nghiệp giao hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố trên đều có tác động tích cực đến giao hàng bền vững của các doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam. Từ đó, bài viết đưa ra các nhóm giải pháp, kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan nhằm tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp giao hàng điều hành hoạt động giao hàng chặng cuối theo hướng phát triển bền vững.

Từ khóa: Giao hàng chặng cuối; tính bền vững; thương mại điện tử; doanh nghiệp giao hàng; logistics.

1. Đặt vấn đề

Sự phát triển của bán lẻ đa kênh, tức là sự tích hợp ngày càng tăng của các cửa hàng truyền thống và thương mại điện tử mang lại những cơ hội mới đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng (Hübner et al., 2016)1. Trong hoạt động thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối nhận được nhiều sự quan tâm do chi phí cao, có thể chiếm 41 – 50% tổng chi phí vận chuyển (Vanelslander et al., 2013)2, (Jacobs et al., 2018)3. Trong bối cảnh tiêu dùng xanh đang ngày càng phổ biến, tính bền vững của giao hàng chặng cuối đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng vì phải giải quyết đồng thời nhu cầu của người tiêu dùng, lợi nhuận kinh tế và tính bền vững (Buldeo et al., 2019)4 là do số lượng giao hàng chặng cuối ngày càng tăng, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, môi trường và sử dụng đất đô thị ở các thành phố lớn.

Ở Việt Nam, giai đoạn 2015 – 2021 đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2023, doanh thu từ thương mại điện tử bán lẻ đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường thương mại điện tử chiếm tỷ trọng 7,7% trong tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên toàn quốc5. Trong đó, giao hàng chặng cuối chiếm từ 28 – 53% tổng chi phí vận chuyển tùy theo yêu cầu giao hàng của khách hàng6. Thực tế cho thấy, các phương pháp truyền thống của giao hàng chặng cuối ở Việt Nam chủ yếu dùng xe máy, nhưng chúng khó đáp ứng hết các yêu cầu đa dạng và thay đổi liên tục của các đơn hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đồng thời, cách thức này cũng gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và làm mất đi các mục tiêu phát triển bền vững.

Vì vậy, nghiên cứu về vấn đề giao hàng chặng cuối bền vững trong thương mại điện tử sẽ cung cấp những hiểu biết chuyên sâu và hành động có mục tiêu hơn để đưa ra khuyến nghị cho các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ logistics trong định hướng chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.

2. Nội dung về giao hàng chặng cuối, giao hàng chặng cuối bền vững

Thứ nhất, lý thuyết về giao hàng chặng cuối và giao hàng chặng cuối bền vững.

Theo Lindner (2011)7, giao hàng chặng cuối là bước cuối cùng trong quy trình chuyển phát bưu kiện từ điểm chuyển tải đến điểm giao hàng cuối cùng trong chuỗi phân phối – chính là người tiêu dùng. Chặng cuối trong chuỗi cung ứng thường được coi là phần kém hiệu quả về năng lượng nhất và có tiềm năng lớn để thúc đẩy các lựa chọn quản lý logistics bền vững hơn vì vận chuyển hàng hóa ở giai đoạn này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn tác động đến các khía cạnh kinh tế – xã hội. Nhiều nghiên cứu hiện có về vấn đề này đều đề cập đến tác động tiêu cực đến môi trường từ các dịch vụ giao hàng chặng cuối trong các khu vực đô thị, bao gồm tăng lượng khí thải carbon và ùn tắc giao thông khiến sử dụng tài nguyên kém hiệu quả (Ranieri et al., 20188; Rodrigue et al., 20099; Perboli et al., 2017)10 đã nghiên cứu sâu hơn về vận tải hàng hóa trong môi trường đô thị và kết luận,việc áp dụng các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường có thể tiết kiệm lượng khí thải carbon và giảm thời gian giao hàng, nhưng tổng thể, thời gian giao hàng càng hẹp thì tác động tiêu cực đến môi trường càng lớn (Bates et al., 2018)11; (Gevaers et al., 2014)12. Sự tương quan giữa thời gian giao hàng và tác động bền vững của chặng cuối cần được xem xét kỹ lưỡng và có thể kéo dài thời gian giao hàng để đạt được hiệu quả và tiết kiệm carbon cũng như cải thiện điều kiện làm việc.

Tính bền vững của giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng, bảo đảm dịch vụ này vẫn phát triển theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai (WCED, 1987)13. Ba khía cạnh chính là kinh tế, xã hội và môi trường là thước đo quan trọng để đánh giá tính bền vững của giao hàng chặng cuối (Elkington, 1999)14. Nghiên cứu đánh giá về giao hàng chặng cuối phổ biến nhất của Oliveira et al. (2017)15 nhấn mạnh, tính bền vững của môi trường thường liên quan đến việc giảm lượng khí thải carbon; tính bền vững xã hội tập trung vào việc tạo ra việc làm, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống; tính bền vững kinh tế liên quan đến việc giảm chi phí, thời gian giao hàng, tiêu thụ năng lượng và tránh tắc nghẽn giao thông. Điều này cho thấy, tính bền vững của giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử không chỉ là một yếu tố then chốt mà còn là một mục tiêu không thể xem nhẹ nếu muốn phát triển các phương thức giao hàng chặng cuối.

Thứ hai, các yếu tố ảnh hưởng đến giao hàng chặng cuối bền vững.

(1) Sự thuận tiện của phương thức giao hàng: điều này thể hiện ở tốc độ giao hàng, là một trong những yếu tố quyết định ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến của khách hàng, hành vi mua hàng trực tuyến và lựa chọn phương thức giao hàng. Ngoài ra, sự thuận tiện cũng bao gồm nhu cầu của khách hàng về thời gian giao hàng chính xác và xử lý các vấn đề phát sinh nhanh chóng. Điều này giúp khác hàng tiết kiệm thời gian của họ vì không cần phải đến cửa hàng truyền thống mà thay vào đó, nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ logistics sẽ chịu trách nhiệm về việc giao hàng chặng cuối (Hübner et al., 2016)16.

(2) Chi phí giao hàng: có vai trò quyết định đến lựa chọn phương thức giao hàng của khách hàng. Nhìn chung, khách hàng kỳ vọng được hưởng dịch vụ giao hàng miễn phí và có thể chấp nhận kéo dài thời gian giao hàng nhằm giảm bớt chi phí. Điều này giúp các nhà bán lẻ thực hiện các quy trình logistics của mình hiệu quả hơn và trên thực tế, thời gian giao hàng càng nhanh thường đi kèm với chi phí giao hàng cao. Những khách hàng không muốn chờ đợi có thể đến các cửa hàng truyền thống hoặc các điểm tập kết nhận hàng. 

(3) Tác động đến môi trường của hoạt động giao hàng: nhiều nghiên cứu gần đây tập trung vào tác động môi trường của các phương thức giao hàng và tính bền vững của chúng. Mặc dù tốc độ giao hàng và chi phí vẫn là những yếu tố quan trọng, tuy nhiên, thông tin về tác động môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lựa chọn phương thức giao hàng của người tiêu dùng. Trong số các phương thức giao hàng, giao hàng tận nhà thường được xem là phương thức giao hàng kém bền vững nhất so với các phương thức khác, như: tủ khóa bưu kiện và giao đến điểm lấy hàng. Tủ khóa bưu kiện và giao đến điểm lấy hàng giảm lượng khí thải và tạo ra cơ hội giao hàng chặng cuối bền vững hơn trong tương lai (Milioti et al., 2020)17; (Iwan et al., 2016)18

Bên cạnh các khía cạnh về tính bền vững kinh tế và xã hội, các yếu tố, như: khoảng cách, nhiên liệu và loại phương tiện cũng ảnh hưởng đến tính bền vững của phương thức giao hàng. Nhìn chung, hoạt động giao hàng chặng cuối thường gây ra một số tác động tiêu cực đến môi trường như tăng lượng khí thải CO2, ô nhiễm không khí và tiếng ồn, nhất là trong môi trường đô thị. Do đó, việc phát triển các giải pháp giao hàng chặng cuối bền vững trở thành một trong những mối quan tâm lớn trong xây dựng các thành phố bền vững.

(4) Vai trò xã hội của doanh nghiệp giao hàng: với nhiều đối tác chuyển phát nhanh và thương mại, các doanh nghiệp giao hàng góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế và cung cấp cơ hội việc làm cho hàng ngàn người ở các trình độ và điều kiện khác nhau. Các công việc liên quan đến hoạt động giao hàng rất linh hoạt, thu hút sinh viên, người thất nghiệp, những người thích tự do và muốn có thêm thu nhập (tài xế taxi, người về hưu…). Đó là vì công việc này không yêu cầu khắt khe về trình độ, bằng cấp, hay ngoại ngữ; người lao động có thể tự quyết định thời gian và địa điểm làm việc. Tuy nhiên, đi đôi với đó là các rủi ro: như: thu nhập không ổn định, không có bảo hiểm y tế hoặc trợ cấp hưu trí, điều kiện làm việc được bảo vệ thấp. 

Bên cạnh mặt tích cực, các doanh nghiệp giao hàng vì sử dụng một lượng lớn phương tiện giao thông nên gây ra tình trạng tắc nghẽn đô thị. Đây chính là khía cạnh tiêu cực của phát triển thương mại điện tử, đồng thời thúc đẩy mối quan tâm đến các mô hình kinh doanh vận tải cộng đồng.

3. Phương pháp nghiên cứu

Với phương pháp nghiên cứu phân tích tài liệu và thu thập dữ liệu thông qua bảng hỏi điều tra.

Trước hết, tác giả tìm kiếm các nguồn tài liệu về giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử qua sách báo, các báo cáo của các công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics, thương mại điện tử, các website, bài nghiên cứu được đăng tải công khai. Sau khi đã thu thập, tiến hành chọn lọc và giữ lại những thông tin chính xác, số liệu cập nhật và đáng tin cậy, rồi phân loại chúng theo các nhóm (giao hàng chặng cuối, tính bền vững, các yếu tố ảnh hưởng đến giao hàng chặng cuối bền vững, thực trạng hoạt động giao hàng chặng cuối tại Việt Nam). Những thông tin này giúp hiểu rõ hơn về bối cảnh và các vấn đề liên quan đến lĩnh vực logistics nói chung và giao hàng chặng cuối nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh của Việt Nam. Qua việc xem xét các tài liệu này, có được những thông tin cần thiết về thực trạng, xu hướng, thành công và thách thức, cũng như các cơ hội trong hoạt động giao hàng chặng cuối của các công ty thương mại điện tử tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tăng thêm tính khách quan cho những số liệu và nhận định của nghiên cứu, một bảng hỏi điều tra được thiết kế và gửi đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Bảng hỏi chứa các câu hỏi cụ thể để thu thập ý kiến, thông tin và dữ liệu từ các doanh nghiệp vận chuyển và logistics. Các câu hỏi có thể tập trung vào các khía cạnh, như: thực trạng hoạt động giao hàng chặng cuối, tác động của hoạt động giao hàng chặng cuối đến kinh tế, xã hội và môi trường. Từ cơ sở lý luận nêu trên, mô hình hồi quy được xây dựng với 4 biến độc lập nhằm kiểm định tác động đến giao hàng chặng cuối bền vững trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Cụ thể như sau:

– Y = a0 + a1X1 + a2X2 + ….+ ε

Với:

– Y: Đánh giá  quyết định khách hàng sử dụng phân phối/giao hàng bền vững của các DN logistitics tại VN;

– a0, a1, …, a8: các hệ số cần tìm;

– X1, X2…, X4: các yếu tố cấu thành phân phối/giao hàng bền vững;

– ε: sai số chuẩn.

Bảng 1: Kiểm định các biến độc lập và phụ thuộc

S
T
T
Tên biến tiếng ViệtKý hiệuCronbach’s AlphaKaiser-Meyer-OlkinSig.Giá trị cột trụ đầu (%)
1Sự thuận tiệnSTT,848,697,00076,887
2Chi phíCP,828,710,00074,511
3Môi trườngMT,839,696,00067,573
4Xã hộiXH,860,813,00065,275

4. Kết quả nghiên cứu 

Kết quả hồi quy cho thấy biến độc lập STT – các yếu tố sự thuận tiện của phân phối có tác động tích cực đến giao hàng bền vững của các doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam ở ngưỡng thống kê 95% (B = 0,414; Sig. = 0,000). Các yếu tố này gồm: thời gian giao hàng ngắn, chính xác và xử lý các vấn đề phát sinh nhanh chóng, tất cả đều mang lại lợi ích không nhỏ, hướng đến giao hàng bền vững. Đó là bởi khi doanh nghiệp sử dụng các phương pháp giao hợp lý và thuận tiện có thể tiết kiệm thời gian và rút ngắn khoảng cách di chuyển của các phương tiện vận chuyển, từ đó giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải carbon ra môi trường. Không những thế, tính thuận tiện trong giao hàng chặng cuối cũng đồng nghĩa với khả năng tối ưu hóa hệ thống logistics của doanh nghiệp. Bằng cách tổ chức và quản lý quy trình giao hàng một cách thông minh và hiệu quả, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu lãng phí và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.

Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử hiện nay đã tích cực và chủ động ứng dụng các công nghệ liên quan đến quản lý chuỗi cung ứng, như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)…, để quản lý kho hàng, theo dõi sản phẩm và lộ trình vận chuyển. Chẳng hạn, Mega Market Việt Nam đã hợp tác với Far Eyes Singapore để phát triển hệ thống giao hàng chặng cuối, giúp tối ưu hóa hành trình giao hàng bằng cách tích hợp AI và máy học. Nhờ thế, mọi hoạt động giao hàng đều đến đúng đích, đúng giờ, nhất là đối với các mặt hàng tươi sống. Không những thế, nâng cao tính thuận tiện trong giao hàng chặng cuối tăng sự hài lòng và trải nghiệm tích cực của khách hàng, giúp cải thiện doanh số và tạo ra lợi nhuận. Nhờ thế, doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển, có khả năng mở rộng quy mô cũng như đầu tư vào các công nghệ, trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, vấn đề tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, còn yếu kém cũng là rào cản không nhỏ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử khi thực hiện dịch vụ giao hàng chặng cuối khiến nhiều đơn hàng giao chậm trễ và giao hàng trong giờ cao điểm càng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bảng 2: Kết quả hồi quy

 Hệ số chưa chuẩn hóatSig.Thống kê đa cộng tuyến
BSai số chuẩnToleranceVIF
(Constant)9,549E-17,057,0001,000  
STT,414***,0666,288,000,7631,311
CP,221***,0613,638,000,8991,113
MT,135*,0672,025,045,7461,340
XH,294***,0614,797,000,8811,135
a. Dependent Variable: QĐ

* có ý nghĩa thống kê với p < 0,05; 
** có ý nghĩa thống kê với p < 0,01; 
*** có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.

Kết quả hồi quy cho thấy, biến độc lập CP – các yếu tố từ chi phí có tác động tích cực đến giao hàng bền vững của các doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam ở ngưỡng thống kê 95% (B = 0,221; Sig. = 0,000). Tối ưu hóa vận chuyển cho phép các doanh nghiệp giảm bớt chi phí hoạt động và tăng cường lợi nhuận.

Bằng cách chọn phương thức vận chuyển hiệu quả và kết hợp giao hàng đơn lẻ thành giao hàng đa đơn, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí vận chuyển lớn. Ngoài ra, cung cấp dịch vụ giao hàng với chi phí hợp lý hơn giúp thu hút và giữ chân khách hàng. Điều này giúp cho các doanh nghiệp, dù thay đổi phương thức giao hàng hay kéo dài thời gian giao hàng nhằm giảm bớt khí thải ra môi trường, cũng đều được khách hàng ủng hộ. Chẳng hạn, Viettel Post xây dựng lại hạ tầng mạng lưới, quy trình vận hành và khai thác để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ nhanh nhất và rẻ nhất. Còn VNPost cũng tối ưu hóa hệ thống công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả các tuyến đường thư để tiết kiệm chi phí, phát triển dịch vụ theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Kết quả hồi quy cho thấy, biến độc lập MT – các yếu tố từ tác động đến môi trường có tác động tích cực đến đến giao hàng bền vững của các doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam ở ngưỡng thống kê 90% (B = 0,135; Sig. = 0,045). Khách hàng hiện nay đang theo xu hướng tiêu dùng xanh do ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong mọi hoạt động kinh tế và xã hội. Do đó, các thông tin về tác động môi trường của hoạt động giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến lựa chọn phương thức giao hàng của khách hàng. Trong khi đó, hình thức giao hàng chặng cuối phổ biến ở nước ta hiện nay là bằng xe máy, vừa hạn chế khả năng đáp ứng các yêu cầu đa dạng và thay đổi liên tục của các đơn hàng, vừa thải ra lượng khí thải lớn, ảnh hưởng xấu đến môi trường và phát triển bền vững. Chính vì thế, vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp vận chuyển đang có xu hướng đưa xe điện vào dịch vụ giao hàng chặng cuối đưa dịch vụ này theo hướng phát triển bền vững, ví dụ: Vietnam Post cũng bắt tay với Honda Việt Nam để triển khai thử nghiệm khoảng 70 xe máy điện vào dịch vụ giao hàng chặng cuối19. Robot giao hàng không người lái cũng đã được đưa vào vận hành thử nghiệm tại Hà Nội và đã mang lại những tín hiệu khả quan20. Những phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường này giúp giảm thiểu khí thải carbon và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng đang áp dụng tương đối tốt các biện pháp giảm lượng rác thải và sử dụng vật liệu đóng gói tái chế. Điều này không chỉ giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tăng tính bền vững của hoạt động giao hàng nói chung và giao hàng chặng cuối nói riêng.

Kết quả hồi quy cho thấy, biến độc lập XH – các yếu tố từ đến doanh nghiệp xã hội có tác động tích cực đến đến giao hàng bền vững của các doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam ở ngưỡng thống kê 95% (B = 0,294; Sig. = 0,000). Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử chiếm 97% và 99% trong số này vẫn có ý định tiếp tục mua hàng online trong tương lai. Riêng trong quý 1/2022, đã có hơn 8 triệu người bắt đầu tham gia tiêu dùng trực tuyến, trong đó hơn một nửa đến từ các khu vực thành thị21. Như vậy, để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 2021 – 2025, cần khoảng 200.000 lao động trong lĩnh vực này (tăng 12% so với năm 2020)22

Các công việc liên quan đến giao hàng chặng cuối không đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Hiểu được điều này cũng như nhận thức được tầm quan trọng của giao hàng bền vững trong hiện tại và tương lai, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử và giao nhận đã áp dụng các chính sách xã hội để tạo ra cơ hội việc làm công bằng và bền vững, cung cấp các chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho lao động địa phương. Việc này giúp tăng cường đời sống và thu nhập của người lao động trong cộng đồng, từ đó tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động vận chuyển và giao hàng bền vững.

5. Một số khuyến nghị 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 4 yếu tố trên đều có tác động tích cực đến đến giao hàng bền vững của các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, các doanh nghiệp phần lớn đều nhận thức được tầm quan trọng của giao hàng bền vững trong xu thế dần hướng đến tiêu dùng xanh. Nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ, đào tạo nhân viên và thử nghiệm phương thức giao hàng bền vững, như: giao bằng xe máy điện, robot…, để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Dựa trên những phân tích và kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện tính bền vững của dịch vụ giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử:

Thứ nhất, kiến nghị đối với Nhà nước và các cơ quan hữu quan: Nhà nước cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cầu đường giao thông để tạo thuận lợi cho hoạt động giao hàng chặng cuối. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành các chính sách thuế và hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp xanh, như: công nghệ thông minh, xe điện, robot, hệ thống quản lý kho bãi…, giúp tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải. Trong tương lai gần, cần sớm đưa ra các quy chuẩn về giao hàng bền vững để tạo khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp thực hiện, bảo đảm chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Thứ hai, tăng cường tính thuận tiện của các phương thức giao hàng: các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu phát triển và thử nghiệm các giải pháp giao hàng giúp tăng cường tính thuận tiện cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, cung cấp các phương thức giao hàng linh hoạt và hiệu quả như giao hàng trong ngày, tủ khóa bưu kiện… Các phương thức này giúp giảm mức độ lưu thông hàng hóa, đặc biệt ở các thành phố lớn trong giờ cao điểm.

Thứ ba, quản lý chi phí: để tối ưu hóa quy trình giao hàng chặng cuối, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình giao hàng bằng cách sử dụng công nghệ GPS hay hệ thống quản lý kho để lập kế hoạch tuyến đường hiệu quả cho phép đi quãng đường ngắn nhất trong thời gian nhanh nhất. Nhờ thế, các doanh nghiệp vừa giảm được lượng khí thải ra môi trường vừa tiết kiệm được chi phí giao hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tiết giảm chi phí đóng gói bằng các chương trình thu hồi lại bao bì đóng gói (thùng carton, túi…) để tái sử dụng nhiều lần giúp giảm lượng rác thải ra môi trường.

Thứ tư, đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong quá trình giao hàng chặng cuối: các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics cần đẩy mạnh sử dụng các phương tiện giao thông xanh, như: xe máy điện, robot…, để giảm lượng khí thải carbon từ dịch vụ giao hàng chặng cuối. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể hợp tác với nhau và với địa phương để cùng triển khai các biện pháp bền vững, như chia sẻ lộ trình giao hàng hoặc gom hàng với nhau để tiết kiệm thời gian, rút ngắn quãng đường di chuyển. Đồng thời, nên có chính sách khuyến khích khách hàng chọn các hình thức giao hàng bền vững, như: giao hàng chậm, hình thức giao hàng tại tủ khóa bưu kiện… 

Thứ năm, nâng cao vai trò xã hội của doanh nghiệp: các doanh nghiệp có thể tăng cường vai trò của mình trong xã hội bằng cách thúc đẩy các hoạt động xã hội, như: tạo việc làm, hỗ trợ cộng đồng địa phương và quản lý môi trường. Dịch vụ giao hàng hiện nay vẫn là một trong những ngành tạo ra nhiều việc làm đáp ứng nhu cầu và điều kiện, trình độ của nhiều lao động khác nhau trong xã hội. Do đó, các doanh nghiệp bên cạnh mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh để tạo ra cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương cần chú trọng hơn nữa đến nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động để họ ổn định cuộc sống. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể đầu tư vào các dự án và chương trình hỗ trợ cộng đồng như giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, và các hoạt động văn hóa và giải trí. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo ra một môi trường sống tích cực và phát triển cho cộng đồng.

6. Kết luận

Nghiên cứu mặc dù đã chỉ ra được những yếu tố tác động đến giao hàng chặng cuối bền vững cũng như đưa ra được những giải pháp cụ thể để cải thiện dịch vụ này theo hướng xanh hóa nhưng vẫn còn một số tồn tại do thời gian và kiến thức còn hạn chế. Các nghiên cứu tiếp theo về vấn đề này trong tương lai cần tập trung vào thu thập dữ liệu đa dạng và chi tiết hơn từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng để hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến tính bền vững của giao hàng chặng cuối. Ngoài ra, cần đi sâu vào hoạt động đánh giá, đo lường các ảnh hưởng xã hội, văn hóa và môi trường cụ thể của các phương thức giao hàng và hoạt động logistics. Giải quyết được những vấn đề trên, dịch vụ giao hàng chặng cuối ở Việt Nam sẽ tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững.

Chú thích:
1. Hübner, A.H.; Kuhn, H.; Wollenburg, J. (2016). Last mile fulfilment and distribution in omni-channel grocery retailing: A strategic planning frameworkInt. J. Retail Distrib. Manag. 2016, 44,228 – 247.
2. Vanelslander, T.; Deketele, L.; Van Hove, D. (2013). Commonly used e-commerce supply chains for fast moving consumer goods: Comparison and suggestions for improvement. Int. J. Logist. Res. Appl. 2013, 16, 243 – 256.
3. Jacobs, K.; Warner, K.; Rietra, M.; Mazza, L.; Buvat, J.; Khadikar, A.; Cherian, S.; Khemka, Y. (2018)The last-mile delivery challengeCapgemini Res. Inst. 2018.
4. Buldeo Rai, H.; Verlinde, S.; Macharis, C. (2019). The “next day, free delivery” myth unravelled: Possibilities for sustainable last mile transport in an omnichannel environment. Int. J. Retail Distrib. Manag. 2019, 47, 39 – 54.
5, 6, 22. Việt Dũng (2023). Logistics chặng cuối chiếm khoảng 28% tổng chi phí vận chuyển. https://www.tinnhanhchungkhoan.vn, ngày 04/10/2023.
7. Lindner (2011). Last Mile Logistics Capability: a Multidimensional System Requirements Analysis for a General Modelling and Evaluation Approach, Dipl. Technical University of Munich.
8. Ranieri, L.; Digiesi, S.; Silvestri, B.; Roccotelli, M. (2018). A review of last mile logistics innovations in an externalities cost reduction vision. Sustainability 2018, 10, 782.
9. Rodrigue, J.-P.; Slack, B.; Comtois, C. (2009). Green logistics. In Handbook of Logistics and Supply-Chain Management; Emerald Group Publishing Limited: Bingley, UK, 2017.
10. Perboli, G.; Rosano, M.; Gobbato, L. (2017). Parcel Delivery in Urban Areas: Opportunities and Threats for the Mix of Traditional and Green Business Models”. Transp. Res. Part C Emerg. Technol. 2017, 99, 19 – 36.
11. Bates, O.; Friday, A.; Allen, J.; Cherrett, T.; McLeod, F.; Bektas, T.; Nguyen, T.; Piecyk, M.; Piotrowska, M.; Wise, S. (2018). Transforming last-mile logistics: Opportunities for more sustainable deliveries. In Proceedings of the 2018 CHI Conference on Human Factors in Computing Systems, Montreal, QC, Canada, 21 – 26 April 2018; pp. 1 – 14.
12. Gevaers, R.; Van de Voorde, E.; Vanelslander, T. (2014). Cost Modelling and Simulation of Last-mile Characteristics in an Innovative B2C Supply Chain Environment with Implications on Urban Areas and CitiesProcedia-Soc. Behav. Sci. 2014, 125, 398 – 411.
13. WCED. Our Common Future-The Brundtland Report. Report of the World Commission on Environment and Development; WCED: Geneva, Switzerland, 1987, p. 8.
14. Elkington, J. (1999). Cannibals with Forks: The Triple Bottom Line of 21st Century Business. Capstone Publishing: Oxford, UK, 1999.
15. Oliveira, C.M.d.; Albergaria De Mello Bandeira, R.; Vasconcelos Goes, G.; Schmitz Gonçalves, D.N.; D’Agosto, M.D.A. (2017). Sustainable vehicles-based alternatives in last mile distribution of urban freight transport: A systematic literature reviewSustainability 2017, 9, 1324.
16. Hübner, A.H.; Kuhn, H.; Wollenburg, J. (2016). Last mile fulfilment and distribution in omni-channel grocery retailing: A strategic planning frameworkInt. J. Retail Distrib. Manag. 2016, 44, 228 – 247.
17. Milioti, C.; Pramatari, K.; Kelepouri, I. (2020). Modelling consumers’ acceptance for the click and collect serviceJ. Retail. Consum. Serv. 2020, 56, 102149.
18. Lemke, J.; Iwan, S.; Korczak, J. (2016). Usability of the Parcel Lockers from the Customer Perspective – The Research in Polish CitiesTransp. Res. Procedia. 2016, 16, 272 – 287.
19. Bích Đào (2024). Vietnam Post mở rộng dịch vụ giao hàng bằng xe điện Honda. https://vietnamnet.vn, ngày 20/6/2024.
20. Tuấn Đỗ (2023). Thử nghiệm robot giao hàng không người lái trong khu đô thị. https://khoahocphattrien.vn, ngày 29/9/2023.
21. Mỹ Phương (2022). Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ logistics trong giao nhận hàng hóa. https://bnews.vn, ngày 13/5/2022.