Đại úy, ThS. Trần Công Thuận
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại mà yêu cầu trước hết là xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng đặt ra yêu cầu phải quán triệt thực hiện tốt đường lối, quan điểm của Đảng đến tất cả các lĩnh vực công tác công an, kể cả các mặt công tác nghiệp vụ. Vì vậy, quá trình xây dựng và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng của mỗi cán bộ, chiến sỹ phải được thực hiện ngay trong quá trình đào tạo tại các trường Công an nhân dân là rất cấp thiết.
Từ khóa: Công an nhân dân, công tác chính trị, giảng dạy nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh.
1. Đặt vấn đề
Với vai trò là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, có kiến thức về khoa học – kỹ thuật, ngoại ngữ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các trường Công an nhân dân đã và đang thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng; trong đó có việc lồng ghép giáo dục về chính trị, tư tưởng trong giảng dạy nghiệp vụ. Là một trong những hạt nhân trong công tác giáo dục, đào tạo, mỗi giảng viên đã chú trọng kết hợp giữa giảng dạy nghiệp vụ với giáo dục, rèn luyện về chính trị, tư tưởng cho học viên, góp phần tôi luyện những “lớp Công an nhân dân có tinh thần thép” đáp ứng yêu cầu của công tác Công an trong thực tiễn.
2. Thực tiễn công tác giáo dục chính trị trong giảng dạy nghiệp vụ tại các trường Công an nhân dân hiện nay
Để trở thành một cán bộ Công an “vừa hồng, vừa chuyên” nghĩa là vừa tinh thông về nghiệp vụ, chuyên môn vừa có nền tảng chính trị, tư tưởng vững chắc, đòi hỏi ngay từ trên ghế nhà trường, mỗi học viên cần được đào tạo về nghiệp vụ song song với giáo dục, rèn luyện về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng tác phong làm việc chính quy, nếp sống văn hóa. Từ đó giúp học viên có được nền tảng lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, là hành trang giúp các học viên trong công tác thực tiễn tương lai, từ đó góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số cán bộ, chiến sĩ có sự thoái hóa về chính trị, tư tưởng, thực hiện những việc mà pháp luật không cho phép trong quá trình áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng, chống tội phạm hình sự và các hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến bị kỷ luật, tước danh hiệu Công an nhân dân, thậm chí là bị khởi tố để điều tra. Do đó, việc xây dựng và rèn luyện về chính trị, tư tưởng song song với việc học tập và rèn luyện các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ của các học viên trường Công an nhân dân là nhân tố quan trọng để góp phần giảm thiểu tình trạng này.
Xác định việc lồng ghép giáo dục về chính trị, tư tưởng trong quá trình giảng dạy về nghiệp vụ có vai trò quan trọng đối với rèn luyện phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ, bản lĩnh, ý chí chiến đấu của mỗi học viên. Trong những năm qua, các trường Công an nhân dân đã tích cực lồng ghép giáo dục về chính trị, tư tưởng trong giảng dạy nghiệp vụ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai chương trình nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 trong các học viện, trường Công an nhân dân được tổ chức vào sáng 27/8/2024 tại Hà Nội, đã chỉ ra trong năm học, các trường Công an nhân dân đã tranh thủ những điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, tập trung triển khai thực hiện chương trình nhiệm vụ năm học đạt nhiều kết quả quan trọng.
Các học viện, trường Công an nhân dân tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các đề án thành phần thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức tốt phong trào dạy giỏi trong nhà trường, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên; giáo viên đóng vai trò tổ chức, kiểm tra, định hướng; các mặt công tác đảng, công tác chính trị, công tác tổ chức cán bộ, công tác quần chúng, công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm, chú trọng thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực.
Những kết quả đạt được đã góp phần xây dựng và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng của học viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các học viên nắm vững các vấn đề về chính trị, tư tưởng trong thực tiễn công tác, trong từng hoạt động nghiệp vụ cụ thể, để từ đó giải quyết tốt các vấn đề chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.
3. Một số giải pháp lồng ghép giáo dục về chính trị, tư tưởng trong giảng dạy nghiệp vụ tại các trường Công an nhân dân trong thời gian tới
Để nâng cao chất lượng lồng ghép giáo dục về chính trị, tư tưởng trong giảng dạy nghiệp vụ tại các trường Công an nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng thời gian tới, có một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục các vấn đề về chính trị, tư tưởng trong các trường Công an nhân dân. Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục các vấn đề về chính trị, tư tưởng trong các trường Công an nhân dân là đòi hỏi xuất phát từ yêu cầu thực tiền xây dựng bản lĩnh chính trị, nền tảng tư tưởng vững vàng cho học viên, truyền bá được niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục các vấn đề về chính trị, tư tưởng trong các trường Công an nhân dân, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, đảng ủy, ban giám đốc, ban giám hiệu các trường Công an nhân dân trong giáo dục, đào tạo, đặc biệt là sự lồng ghép các nội dung này một cách phù hợp trong khung chương trình đào tạo các hệ, khóa học.
Hai là, mỗi cán bộ, giảng viên giảng dạy nghiệp vụ cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công việc, luôn tự xác định và trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cũng như phẩm chất đạo đức là tấm gương để học viên noi theo. Với vai trò của mình, mỗi người thầy, người giảng viên cần quán triệt và thực hiện tốt theo phương châm “Chủ động – kỷ cương – trách nhiệm – hiệu quả” để không ngừng hoàn thiện bản thân cũng như giáo dục học viên nâng cao kiến thức chuyên môn, định hướng trong họ lối sống tốt đẹp, hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống ngay từ những ngày học tập trong nhà trường.
Bản thân giảng viên cần tu đưỡng đạo đức cá nhân, đạo đức “nghề giáo”; mạnh dạn thay đổi phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực nhằm nâng cao chất lượng bài giảng; chủ động tham gia các chương trình bồi dưỡng, nâng cao bậc học có kiến thức chuyên sâu. Tư thế, tác phong, bài giảng mang tính chuẩn mực của thầy, cô giáo có ảnh hưởng lớn đến ý chí, ý thức chấp hành theo pháp luật, theo các quy định của sinh viên chuyên ngành sau này. Ðể truyền thụ kiến thức kết hợp với giáo dục chính trị, tư tưởng cho học viên đòi hỏi mỗi giảng viên giảng dạy nghiệp vụ cần phải có tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp, có tình yêu với nghề giáo, tâm huyết và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, các giảng viên cần định hướng, khơi gợi cho học viên niềm đam mê nghề nghiệp, ý chí phấn đấu trong tương lai trở thành cán bộ thực tiễn có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng. Đồng thời, mỗi giảng viên cũng cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức chính trị, pháp luật, đáp ứng yêu cầu của công tác Công an trong tình hình mới. Để thực hiện yêu cầu trên mỗi giảng viên phải là những người nắm vững kiến thức pháp luật và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác.
Ba là, trong quá trình giảng dạy, bên cạnh trang bị các kiến thức ngành, chuyên ngành, giảng viên cần kết hợp với việc giáo dục về chính trị, tư tưởng, xây dựng lòng yêu nghề, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ Công an. Quá trình chuẩn bị nội dung bài giảng, giảng viên cần nghiên cứu, thu thập đưa ra những khó khăn, vướng mắc, những sai sót mà cán bộ thực tiễn có thể mắc phải trong quá trình tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, từ đó giúp học viên nắm vững về kiến thức nghiệp vụ, ghi nhớ sâu sắc về những sai sót trong thực tiễn đã xảy ra để có biện pháp phòng tránh trong quá trình công tác của mình sau này.
Quá trình giảng dạy nghiệp vụ kết hợp với giáo dục chính trị, tư tưởng, giảng viên không được gò ép, nhồi nhét kiến thức mà phải tạo động lực tình cảm bên cạnh động lực trí tuệ cho học viên, tác động có hiệu quả vào quá trình tự học, tự nghiên cứu của học viên. Khi giảng dạy cần gợi mở những vấn đề thực tiễn, những sai lầm cần phê phán, đấu tranh một cách tích cực. Từ đó, hình thành ý thức chính trị nhạy cảm, tỉnh thần đấu tranh phê phán, chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, phi mác-xít; góp phần làm sáng tỏ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin; tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách trong các mặt công tác Công an. Với việc phân tích như vậy, nội dung về chính trị, tư tưởng sẽ trở nên dễ hiểu và bám sát thực tiễn.
Bốn là, hình thức giảng dạy nghiệp vụ cần gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn với những hình thức trao đổi đa dạng như tăng cường các buổi thực hành nghiệp vụ, mời báo cáo thực tế, tổ chức các buổi tham quan, kiến tập; tổ chức các buổi học tốt, khuyến khích động viên học viên tham gia phong trào nghiên cứu khoa học… từ đó tạo nên sự say mê trong học tập, nghiên cứu, dần dần tạo cho các học viên sự hứng khởi, đam mê nghiệp vụ mà các em đã lựa chọn.
Các trường Công an nhân dân và các khoa nghiệp vụ cần tích cực mời các đồng chí lãnh đạo các lực lượng nghiệp vụ các cấp, các cán bộ thực tiễn có nhiều kinh nghiệm, có quá trình công tác lâu dài để nói chuyện về ngành, chuyên ngành mà học viên được đào tạo, về nền tảng chính trị, tư tưởng, về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần có của cán bộ thực tiễn, về những khó khăn, vướng mắc của thực tế thường gặp phải trong quá trình công tác, qua đó giúp các học viên hiểu rõ hơn về tính chất nghề nghiệp trong tương lai; tạo lòng yêu nghề tin thần hăng say học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức phấn đấu trở thành người cán bộ giỏi ngay từ trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa phương pháp dạy và học, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, tổ chức thi Olympic, thi hùng biện, Câu lạc bộ học tập, các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức chính trị, nghiệp vụ, các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ…; kết hợp giảng lý thuyết gắn chặt với các hoạt động tham quan thực tế, thực hành chính trị – xã hội.
4. Kết luận
Nhà trường là môi trường thuận lợi để giáo dục bản lĩnh chính trị, tư tưởng, gắn với phát triển tư duy và hình thành bản lĩnh nghề nghiệp. Trên cơ sở lồng ghép giáo dục nhận thức khoa học, xây dựng cho học viên tỉnh thần kiên định lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng, củng cố, nâng cao lòng tin của học viên vào sự nghiệp cách mạng, con đường xã hội chủ nghĩa; tin tưởng vào sự lãnh đạo toàn diện, đúng đắn của Đảng vào quá trình giảng dạy nghiệp vụ, các giảng viên cần tiếp tục thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân bản lĩnh, cách mạng, chính quy, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.