Nguyễn Hải Nam
Trường Đại học FPT Quy Nhơn
(Quanlynhanuoc.vn) – Quản lý giáo dục kỹ năng mềm là một nhiệm vụ quan trọng và phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác từ nhiều bên liên quan. Bằng cách áp dụng các phương pháp và kỹ năng thực hành tốt nhất, chúng ta có thể nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng mềm, giúp sinh viên phát triển toàn diện và sẵn sàng đối mặt với các thách thức trong tương lai. Bài viết tập trung luận bàn việc quản lý giáo dục kỹ năng mềm trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý giáo dục kỹ năng mềm, như: quản lý xây dựng chương trình học tích hợp kỹ năng mềm, đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, đầu tư vào cơ sở vật chất, hợp tác với doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập và trải nghiệm thực tế cho sinh viên.
Từ khóa: Quản lý hoạt động giáo dục; kỹ năng mềm; sinh viên đại học; Trường Đại học FPT.
1. Đặt vấn đề
Kinh tế – xã hội ngày nay đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trên toàn thế giới, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Một trong những sản phẩm nổi bật là sự ra đời của trí thông minh nhân tạo, có thể sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ những công việc lao động chân tay đến những công việc yêu cầu sự phức tạp, tỉ mỉ, chi tiết như chẩn đoán bệnh và đưa ra phác đồ điều trị, phẫu thuật, lái xe, dạy học,… Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2025 con người chỉ chiếm khoảng 48% lực lượng lao động, còn máy móc và các thuật toán chiếm đến 52%1. Adamson C. gọi đây là bối cảnh VUCA với những đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là không ổn định (Volatile), không chắc chắn (Uncertain), phức tạp (Complex) và mập mờ (Ambiguous)2. Những thay đổi này đã tác động trực tiếp đến nền giáo dục thế giới và đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác giáo dục, thay đổi cả triết lý giáo dục trong thế kỷ XXI. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên là một yêu cầu cấp thiết. Kỹ năng mềm là những kỹ năng giúp con người giao tiếp, ứng xử, làm việc hiệu quả trong các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp. Kỹ năng mềm có vai trò quan trọng giúp sinh viên phát triển toàn diện, tự tin, sẵn sàng hội nhập và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
2. Một số khái niệm liên quan
Kỹ năng mềm là những kỹ năng liên quan đến việc giao tiếp, tương tác xã hội, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, lãnh đạo, quản lý thời gian và các kỹ năng khác giúp con người làm việc hiệu quả trong môi trường xã hội và công việc.
Kỹ năng mềm là một thuật ngữ xã hội học chỉ những kỹ năng liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi để ứng dụng vào công việc và cuộc sống tùy từng tình huống, bối cảnh giữa người với người. Ngoài ra, kỹ năng mềm là những kỹ năng có liên quan đến việc hòa mình vào, sống hay tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể hoặc tổ chức. Bên cạnh việc đào tạo các kiến thức chuyên môn/kỹ năng cứng (hard skills), kỹ năng mềm được các trường đặc biệt chú trọng nhằm giúp người học dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Theo đó, kỹ năng mềm ngày nay rất quan trọng và là yếu tố bắt buộc trong tuyển dụng, bởi chúng giúp cho người lao động nâng cao khả năng làm việc hiệu quả, tạo và nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, khách hàng. Đồng thời, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tổ chức.
Các kỹ năng mềm có thể do bẩm sinh hoặc được phát triển qua học hỏi, rèn luyện và những trải nghiệm cá nhân. Nghiên cứu về IQ lãnh đạo cho thấy, 89% sự thất bại của nhân viên mới là do kỹ năng mềm kém, họ thiếu các kỹ năng sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và động lực. Những loại kỹ năng này không chỉ cho nhà tuyển dụng thấy lý do tại sao ứng viên này phù hợp với công việc mà còn cho thấy người đó có nhiều khả năng thành công hơn khi đảm nhận vị trí công việc mà nhà tuyển dụng đang cần3. Tầm quan trọng của kỹ năng mềm đang ngày càng được nhấn mạnh trong môi trường làm việc hiện đại, nơi mà khả năng hợp tác, giao tiếp hiệu quả và thích ứng với thay đổi trở thành yếu tố quyết định sự thành công cá nhân và tổ chức.
Kỹ năng mềm là những kỹ năng có thể được học hỏi và phát triển thông qua quá trình rèn luyện và thực hành. Có nhiều cách phân loại kỹ năng mềm, nhưng nhìn chung có thể chia thành các nhóm chính sau: (1) Kỹ năng giao tiếp (bao gồm khả năng nói, viết, lắng nghe và thấu hiểu người khác); (2) Kỹ năng làm việc nhóm (khả năng hợp tác, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm và giải quyết xung đột); (3) Kỹ năng lãnh đạo (khả năng định hướng, dẫn dắt, tạo động lực và giải quyết vấn đề); (4) Kỹ năng giải quyết vấn đề: Kỹ năng giải quyết vấn đề bao gồm khả năng xác định vấn đề, thu thập thông tin, phân tích thông tin, đưa ra giải pháp và thực hiện giải pháp; (5) Kỹ năng tư duy phản biện (khả năng suy luận, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin); (6) Kỹ năng quản lý thời gian (khả năng lập kế hoạch, phân bổ thời gian và hoàn thành công việc đúng hạn); (7) Kỹ năng tự học (khả năng xác định mục tiêu học tập, tìm kiếm thông tin, học hỏi từ người khác và tự đánh giá hiệu quả học tập).
3. Khái quát quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên đại học – từ thực tiễn Trường Đại học FPT
Thứ nhất, chưa có hệ thống quản lý thống nhất: Việc quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng mềm ở các khoa, phòng, ban khác nhau, thiếu sự thống nhất về mục tiêu, nội dung và phương pháp; chưa có hệ thống theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động giáo dục kỹ năng mềm một cách toàn diện.
Thứ hai, nội dung giáo dục kỹ năng mềm chưa phù hợp với thực tế: Nội dung giáo dục kỹ năng mềm thường mang tính lý thuyết, thiếu thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đến việc phát triển những kỹ năng mềm chuyên sâu theo ngành học, nghề nghiệp.
Thứ ba, phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm chưa đa dạng: Phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm chủ yếu là truyền thống, ít chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng thông qua thực hành; chưa ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới vào giảng dạy kỹ năng mềm.
Thứ tư, thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp: Việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên còn hạn chế; chưa có nhiều chương trình đào tạo kỹ năng mềm theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ năm, ý thức của sinh viên về học tập kỹ năng mềm chưa cao: Một số sinh viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của kỹ năng mềm, chưa tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục kỹ năng mềm; sinh viên còn thụ động trong việc rèn luyện kỹ năng mềm, chưa chủ động tìm kiếm cơ hội để học hỏi và trau dồi kỹ năng.
Thực tiễn, Trường Đại học FPT đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên. Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng mềm bắt buộc cho tất cả sinh viên, bao gồm các hoạt động và kỹ năng như: (1) Môn học kỹ năng mềm; (2) Kỹ năng học đại học; (3) Kỹ năng làm việc nhóm; (4) Kỹ năng tư duy phản biện; (5) Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định; (6) Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian; (7) Hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, cuộc thi debate, khởi nghiệp…
Bên cạnh đó, trường Đại học FPT còn đưa võ VOVINAM4, âm nhạc truyền thống2 vào giảng dạy và là môn học bắt buộc. Khi đưa vào giảng dạy thì đã được đa số sinh viên hưởng ứng và rất thích thú. Gần đây, nhất là MV Thiên Âm vào năm 2023, được 1.350 giảng viên và sinh viên tham gia biểu diễn và được đưa vào kỷ lục Guinness. MV đã tạo nên làn sóng cho người yêu mến nhạc cụ dân tộc sự trầm trồ, không những thế mà khán giả nước ngoài cũng đến và tìm tòi học hỏi nhạc cụ nước ta.
Dự án cộng đồng “Đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc đến với các trường THPT” của FPT Edu lại lan toả tình yêu và niềm tự hào về văn hoá nghệ thuật dân tộc đến với các học sinh THPT. Với các nhiều hình thức triển khai như tổ chức giảng dạy nhạc cụ dân tộc; tổ chức các hội thảo, buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các trường THPT hoặc tại trường Đại học FPT; giao lưu về nhạc cụ dân tộc… dự án “Đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc đến với các trường THPT” đã tạo điều kiện cho các học sinh tiếp xúc, tìm hiểu thêm về bộ môn đặc sắc này, từ đó khơi dậy trong các em những rung động với những nét tinh hoa nghệ thuật do ông cha để lại.
Chương trình đào tạo kỹ năng mềm của trường Đại học FPT được xây dựng khoa học, phù hợp với nhu cầu của sinh viên. Các hoạt động đào tạo được tổ chức đa dạng, phong phú, thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên các trường đại học hiện nay.
Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên các trường Đại học, chúng ta cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong trường: Nhà trường cần xây dựng kế hoạch tổng thể về hoạt động giáo dục kỹ năng mềm, trong đó xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng đơn vị.
Hai là, xem xét tổ chức lại những hoạt động giáo dục kỹ năng mềm chưa hiệu quả, để phát huy hết được tác dụng, cho sinh viên có những kỹ năng hoàn thiện nhất.
Ba là, phát triển chương trình đa dạng: Xây dựng một loạt các hoạt động và chương trình giáo dục kỹ năng mềm đa dạng, phong phú để đáp ứng nhu cầu và sở thích của sinh viên. Điều này có thể bao gồm các khóa học, workshop, buổi tập huấn, sự kiện ngoại khóa, và các hoạt động thực hành.
Bốn là, tích hợp vào chương trình học tập: Đưa kỹ năng mềm vào chương trình học tập chính để sinh viên có cơ hội học hỏi và phát triển kỹ năng trong quá trình học tập hàng ngày. Các môn học có thể tích hợp các hoạt động nhóm, dự án thực tế, và các bài thuyết trình để phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, và quản lý thời gian.
Năm là, hỗ trợ cá nhân hóa: Cung cấp hỗ trợ cá nhân hóa cho sinh viên trong việc phát triển kỹ năng mềm dựa trên nhu cầu và mục tiêu cá nhân của họ. Điều này có thể bao gồm tư vấn cá nhân, đánh giá kỹ năng, và phát triển kế hoạch học tập cá nhân.
Sáu là, xây dựng môi trường học tập tích cực: Tạo ra một môi trường học tập tích cực thúc đẩy sự tham gia của sinh viên trong các hoạt động giáo dục kỹ năng mềm. Việc tạo ra cơ hội gặp gỡ, giao lưu, và chia sẻ kinh nghiệm giữa sinh viên có thể khuyến khích sự học hỏi và phát triển kỹ năng mềm.
Bảy là, đánh giá và phản hồi định kỳ: Thực hiện đánh giá định kỳ về tiến độ và kỹ năng mềm của sinh viên để cung cấp phản hồi xây dựng và hỗ trợ trong việc phát triển. Điều này giúp sinh viên nhận biết điểm mạnh và điểm cần cải thiện của mình trong quá trình học tập.
Tám là, kết nối với doanh nghiệp và cộng đồng: Xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp và cộng đồng để cung cấp cơ hội thực tập, dự án thực tế, và chương trình đào tạo ngoại khóa để sinh viên có thể áp dụng và phát triển kỹ năng mềm trong môi trường thực tế.
5. Kết luận
Quản lý giáo dục kỹ năng mềm là đóng vai trò quan trọng, trong đó có kỹ năng mềm là một yếu tố không thể thiếu trong việc phát triển toàn diện con người trong thời đại ngày nay. Kỹ năng mềm gồm giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, ngày càng được coi là quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của sinh viên và sự thành công trong công việc sau khi tốt nghiệp. Việc đầu tư vào giáo dục kỹ năng mềm không chỉ giúp cá nhân phát triển mà còn tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Mặc dù, chúng ta đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kỹ năng mềm, tuy nhiên việc triển khai giáo dục kỹ năng mềm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó một số yếu tố như chương trình học chưa phù hợp, thiếu giảng viên có kỹ năng đào tạo, cơ sở vật chất hạn chế đã được xác định là những rào cản chính…
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, cần đổi mới quản lý giáo dục kỹ năng mềm tập trung vào việc nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của sinh viên. Kỹ năng mềm không chỉ giúp cải thiện hiệu suất học tập mà còn là yếu tố quyết định sự thành công trong cuộc sống và công việc sau này. Nhận thức rõ những thách thức trong quản lý giáo dục kỹ năng mềm, đó là thiếu sự đồng bộ và nhất quán trong việc tích hợp kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy, thiếu tài nguyên và kinh phí. Các chương trình giáo dục kỹ năng mềm đòi hỏi nguồn tài nguyên và kinh phí đáng kể để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đào tạo giảng viên và phát triển tài liệu học tập. Theo đó, cần có phương pháp giải quyết thách thức như phát triển tài liệu học tập, xây dựng và cung cấp các tài liệu học tập về kỹ năng mềm, bao gồm sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn và các công cụ học tập trực tuyến; hợp tác với doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời, thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức cộng đồng để tạo ra cơ hội thực tập và trải nghiệm thực tế cho học sinh; tạo ra một môi trường học tập tích cực thúc đẩy sự tham gia của sinh viên trong các hoạt động giáo dục kỹ năng mềm.
Chú thích:
1. Những môn học trải nghiệm “đặc quyền” dành cho tân sinh viên đại học FPT. https://daihoc.fpt.edu.vn/nhung-mon-hoc-trai-nghiem-dac-quyen-danh-cho-tan-sinh-vien-dh-fpt/
2. Đoàn Thị Minh Thoa (2021). Vấn đề học kỹ năng mềm cho sinh viên Trường Đại học Văn Lang trong bối cảnh hiện nay. Tạp chí Khoa học Đại học Văn Lang, số 21 (tháng 03/2021).
3. Kỹ năng mềm, bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng trong thời đại 4.0. https://www.ueh.edu.vn/cuoc-song-ueh/tin-tuc/ky-nang-mem-bi-quyet-chinh-phuc-nha-tuyen-dung-trong-thoi-dai-40-72105;
4. Hành trình đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng trẻ của FPT Edu. https://fpt.edu.vn/tin-tuc/fpt-edu-tin-tuc-chung/hanh-trinh-dua-am-nhac-dan-toc-den-gan-hon-voi-cong-chung-tre-cua-fpt-edu
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Vân Anh (2021). Kỹ năng mềm của sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Giáo dục, 514 (2), 28-33.
2. Nguyễn Đức Chính (2012). Giáo dục đại học Việt Nam, Những vấn đề về chất lượng và quản lý. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Nguyễn Duy Mộng Hà, Phan Công Chính, Đoàn Thị Minh Thoa (2020). Kết nối với doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên góp phần bảo đảm chất lượng đầu ra. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế – con đường hội nhập và phát triển, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Tài Chính, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Duy Mộng Hà, Bùi Ngọc Quang, Đoàn Thị Minh Thoa (2020). Lồng ghép triết lý giáo dục và các kỹ năng của thế kỷ XXI theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam vào các chương trình đào tạo đại học. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trong tình hình mới – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Vũ Thùy Hương (2018). Cơ sở tâm lý học về định hướng giá trị của thanh niên – sinh viên. Tạp chí Giáo dục, số 433 (kỳ 1-7-2018).
6. Học viện Quản lý giáo dục (2013). Quản lý trường phổ thông. NXB Giáo dục, Hà Nội.
7. Phan Trường Nhất (2021). Thực trạng và giải pháp đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí khoa học – Đại học Đồng Nai, số 20.
8. Lê Hà Thu (2016). Quản lý giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo tiếp cận năng lực, Luận văn Thạc sĩ khoa học Giáo dục.