TS. Tô Trung Nam
Trường Kinh tế Tài chính, Đại học Thủ Dầu Một
(Quanlynhanuoc.vn) – Việc phát triển hạ tầng giao thông đường bộ ở nước ta nói chung và ở tỉnh Bình Dương nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, khai thông các nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; qua đó, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Từ khóa: Thực trạng, giải pháp, cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, tỉnh Bình Dương.
1. Thực trạng hạ tầng giao thông đường bộ tại tỉnh Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các sở, ban, ngành, đoàn kết, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, việc xây dựng hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh từng bước đường hoàn thiện, phát triển, trở thành “mạch máu”, cầu dẫn kết nối giữa các khu vực, địa bàn trong nội bộ tỉnh; đồng thời, mở ra triển vọng mới trong liên thông với các tỉnh, thành lân cận để phục vụ cho nhu cầu dân sinh của các tầng lớp nhân dân, từ đó, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Để phát triển hạ tầng giao thông, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 42-CTr/TU ngày 02/8/2021 về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực hiện Chương trình số 42, cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động mọi nguồn lực hiện có, các nguồn lực bên ngoài để cùng chung tay, góp sức triển khai thực hiện các mục tiêu, lộ trình đã xác định. Với tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả; Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đã đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Dương đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, hợp với từng dự án, khu vực, địa bàn tạo ra sản phẩm cụ thể đem lại những kết quả tích cực cho người dân và doanh nghiệp.
Ngay sau khi Chương trình số 42 được ban hành, các cơ quan, ban, ngành, lực lượng có liên quan đã bắt tay ngay vào công việc, tiến hành thi công các công trình, dự án trọng điểm, cụ thể: giai đoạn 2021 – 2023 đã hoàn thành 6 dự án hạ tầng giao thông đường bộ, bao gồm: Đường Tân Vạn – Mỹ Phước – Bàu Bàng với tổng chiều dài tuyến khoảng 64,2 km, quy mô từ 6 đến 10 làn xe. Nâng cấp ĐT. 743 đoạn từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần với chiều dài khoảng 12 km, quy mô từ 6 đến 8 làn xe. Đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài với quy mô chiều dài tuyến khoảng 932 m, quy mô 6 làn xe. Đường Thủ Biên – Đất Cuốc (giai đoạn 1) với chiều dài 12,5 km, quy mô 4 làn xe. Xây dựng đường và cầu nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Đường Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng. Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2).
Ngoài ra, một số công trình, dự án đang trong quá trình thi công, như: Dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương; đường Vành đai 4 – đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1); đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Chơn Thành (giai đoạn 1); Dự án Tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT. 746, ĐT. 747B, ĐT. 743; nâng cấp mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần… Những kết quả đạt được trong xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Bình Dương đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, mở cửa, hội nhập với các tỉnh, thành phố lân cận của người dân, doanh nghiệp; các nhà đầu tư, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước tìm đến tìm kiếm cơ hội, đầu tư phát triển. Nhờ vậy, bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, nằm trong top các tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tính đến ngày 15/5/2024, đầu tư trong nước đã thu hút được hơn 27.000 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng 12,1%) so với cùng kỳ; đầu tư nước ngoài thu hút gần 589 triệu đô la Mỹ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 166.180 tỷ đồng. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 16,3 tỷ đô la Mỹ1.
Theo số liệu thống kê, riêng trong tháng 7/2024, tỉnh đã thu hút thêm 70,2 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Tính từ đầu năm đến tháng 7/2024, tổng vốn FĐI vào Bình Dương đạt 1,07 tỷ USD, với 110 dự án đầu tư mới và 81 dự án điều chỉnh tăng vốn. Hiện có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm đến khu công nghiệp Việt Nam – Singapore với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đế 1,8 tỷ USD. Đặc biệt, trong những năm gần đây thu nhập bình quân/người của tỉnh Bình Dương luôn dẫn đầu cả nước. Theo Tổng cục Thống kê công bố tháng 4/2024, trong số 63 tỉnh, thành phố, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt khoảng 8,29 triệu đồng/tháng; trong khi đó Hà Nội là 6,86 triệu đồng/tháng; Đồng Nai là 6,57 triệu đồng/tháng2.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải được giải quyết kịp thời, hiệu quả, như: một số dự án giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố chậm tiến độ do chênh lệch mức bồi thường giữa các địa phương, gây khó khăn cho việc thu hồi đất để thực hiện dự án; đồng thời, số lượng và năng lực đơn vị tư vấn khảo sát xây dựng giá đất hiện nay thiếu và còn hạn chế; trình tự thủ tục thu hồi đất phức tạp và mất nhiều thời gian,… gây khó khăn trong việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trình tự thủ tục liên quan đến cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho công trình còn gặp khó khăn, chưa bảo đảm kịp tiến độ cho nhà thầu; việc xác định vị trí bãi đổ thải bảo đảm vệ sinh môi trường khi triển khai thực hiện dự án tại một số địa phương còn gặp khó khăn. Các công trình, dự án đường cao tốc có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, thuộc thẩm quyền của trung ương nhưng địa phương được giao thực hiện dự án, trong khi tỉnh chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai dự án tương tự. Thời gian nghiên cứu đề xuất các phương án đầu tư tốn nhiều thời gian. Nguồn nhân lực của các đơn vị tư vấn đủ năng lực có hạn, trong khi nhiều dự án cao tốc được triển khai nghiên cứu đồng loạt tạo áp lực lớn cho các đơn vị tư vấn, dẫn đến một số dự án chưa bảo đảm kịp tiến độ theo yêu cầu; công tác thẩm định và phê duyệt thông qua nhiều cấp là những khó khăn về trình tự thủ tục đầu tư dự án.
Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm trên là do: (1) Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, ban, ngành có liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận, lực lượng có liên quan thực hiện Chương trình số 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát. (2) Việc phối kết hợp giữa các bộ phận, lực lượng có liên quan trong thực hiện các dự án còn chưa chặt chẽ, thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. (3) Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu hệ thống chính trị các cấp có thời điểm chưa tích cực, chủ động. (4) Ở một số khu vực, địa bàn chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, do liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường đất đai cho người dân chưa hợp lý.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; đặc biệt là lộ trình, mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương (khóa XIII) của Đảng đã xác định, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI xác định: tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương; đặt ra cấp bách cho cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu đảng bộ, chính quyền và đoàn thể chính trị – xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân cần hành động với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, không thể chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đông bộ, thiếu nhịp nhàng trong từng hành động; có cách đi, bước làm cụ thể, thiết thực để hiện thực hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ vào thực tiễn cuộc sống.
2. Một số giải pháp cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2025 – 2030
Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, ban, ngành có liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.
Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu sở, ban, ngành có liên quan đến công tác xây dựng hạ tầng giao thông quán triệt và thực hiện nghiêm túc những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa vào địa phương mình, xác định những dự án trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Việc tổ chức thi công, lựa chọn nhà thầu xây dựng chặt chẽ, thống nhất trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và công khai, minh bạch. Đặt lợi ích của tập thể, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, chú trọng về mặt chất lượng, tiến độ thời gian theo hợp đồng đã được ký kết.
Người đứng đầu hệ thống chính trị các cấp phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về chất lượng thực hiện các dự án đường bộ từ việc lựa chọn nhà thầu đến quá trình sử dụng; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với những cá nhân có động cơ cá nhân, lợi ích nhóm, cục bộ địa phương trong thực hiện dự án xây dựng đường sắt; đặc biệt chống lãng phí trong quá trình thi công, thiết kế xây dựng, không để tình trạng bừa bãi, không đúng trọng tâm, trọng điểm, kế hoạch đã đề ra nhưng thực hiện chậm trễ, kéo dài thời gian.
Hai là, tích cực, chủ động phối hợp với các bộ phận, lực lượng có liên quan thực hiện có hiệu quả các dự án đã, đang và sẽ tiến hành thi công.
Báo cáo sơ kết thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ rõ: “Tiếp tục phối hợp với bộ, ngành Trung ương thực hiện rà soát, đề xuất một số dự án giao thông đường bộ có nhu cầu áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án”3.
Với tinh thần này, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ các bộ phận, lực lượng cần tích cực, chủ động phối kết hợp với nhau trong từng khâu, từng bước, tạo điều kiện, hỗ trợ vì công việc, nhiệm vụ chung của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã giao phó. Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn cho các bộ phận, lực lượng tiến hành các thủ tục hành chính, tìm kiếm nguồn nhân lực, lựa chọn vật liệu xây dựng để thi công bảo đảm đúng tiến độ thời gian và chất lượng. Định kỳ hằng quý tiến hành họp bàn thống nhất các nội dung, công việc giữa các bộ phận, lực lượng, chỗ nào còn khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ nguyên nhân do đâu, tìm cách tháo gỡ, bảo đảm hài hoà lợi ích của các chủ thể thể xây dựng. Tránh tình trạng cậy quyền, không đúng vai, thuộc bài hoặc đúng vai rồi nhưng không thuộc bài ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.
Các bộ phận, lực lượng có liên quan tích cực, chủ động trao đổi thông tin, kế hoạch thực hiện các dự án, từ đó, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp, không để xảy ra nội bộ mất đoàn kết, không nắm được kế hoạch của mỗi bộ phận, lực lượng sẽ không thực hiện được kế hoạch đã xác định. Cần thiết xây dựng quy chế phối hợp, quy chế làm việc cụ thể, rõ ràng cho các bộ phận, lực lượng có liên quan, căn cứ vào đó các bộ phận, lực lượng tiến hành triển khai công việc. Khi gặp khó khăn, vướng mắc trong thi công xây dựng kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, nhất là với Nhân dân ở khu vực, địa bàn có công trình, dự án đi qua, không tự ý giải quyết hoặc có hành động, việc làm trái với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Các công trình, dự án đường bộ được xây dựng trên địa bàn tỉnh không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế mà còn phục vụ cho người dân; vì vậy, mỗi một công trình, dự án giao thông đường bộ được thi công phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi công dự án giao thông đường bộ.
Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công các dự án đúng với thiết kế, cam kết tiến độ. Đồng thời, nắm bắt dư luận, nhất là công nhân, người dân ở những khu vực, địa bàn có liên quan để giải quyết, xử lý kịp thời, hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Nhân dân ủng hộ thi công dự án giao thông đường bộ.
Quá trình kiểm tra, giám sát biểu dương, khích lệ bộ phận, lực lượng đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong thi công. Từ đó, chấn chỉnh, uốn nắn nhận thức chưa đúng, tập trung sức người, sức của, tập trung mọi nguồn lực cho việc thi công các công trình, dự án giao thông đường bộ, nhất là công trình có liên quan trực tiếp đến nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, cụ thể, chi tiết các hạng mục công trình, các đoạn đường có bảo đảm kết cấu giao thông, chất lượng tiêu chuẩn của cục đo lường không. Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát giữa các bộ phận, lực lượng trực tiếp tiến hành thi công. Công nhân giám sát chủ thầu xây dựng, giám sát trong nội bộ về các chế độ, chính sác, quyền lợi cho người xây dựng, thời gian tiến hành công việc, mua sắm các vật liệu xây dựng… Những hoạt động giám sát, kiểm tra đó hướng đến lấy chất lượng, an toàn của người lao động làm trung tâm, chủ yếu của các công trình, dự án giao thông đường bộ.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Nhân dân địa phương cùng tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình, dự án giao thông đường bộ. Những công trình giao thông đường bộ khi được thi công ở trong nội thành, có liên quan đến đi lại của người dân, cần phải có phương án, kế hoạch phân luồng giao thông cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện trong quá trình lưu thông, tránh tình trạng cồng kềnh, bừa bãi, không có rào chắn cẩn thận, kỹ lưỡng, khi xảy ra mất an toàn đổ lỗi, quy kết trách nhiệm cho nhau. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát của người đứng đầu sở, ban, ngành, thường xuyên, trực tiếp là chủ thầu xây dựng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, đôn đốc, nhắc nhở công nhân chú ý đến an toàn không chỉ cho bản thân mà cả đối với người, phương tiện tham gia giao thông.
Bốn là, tập trung vào những công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, cấp bách về giao thông đường bộ.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan rà soát, đánh giá một cách căn cơ, đầy đủ, toàn diện hiện trạng hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; chỗ nào đang là điểm nóng về giao thông, chỗ nào cần phải huy động các nguồn lực để giải quyết cần tập trung mọi lực lượng, phương tiện, ưu tiên cho những công trình, dự án đó. Tránh tình trạng quy hoạch quá nhiều, nâng cấp, làm mới những công trình chưa thật sự cấp bách gây lãng phí tiền của, công sức của nhân dân. Ưu tiên những công trình, dự án đường cao tốc, công trình thường xuyên gây ùn tắc giao thông, kết nối với các tỉnh, thành lân cận bảo đảm nhu cầu thuận tiện cho công nhân đến doanh nghiệp, người dân đi lại. Muốn vậy, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tiến hành khảo sát thực tế, quan sát, lắng nghe ý kiến của chuyên gia giao thông, nhà khoa học, người dân địa phương, từ đó, có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp, hiệu quả đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Gắn những công trình, dự án giao thông với thực hiện cho việc khai thác các nguồn lực tự nhiên, xã hội, bảo đảm tuổi thọ lâu dài cho các công trình giao thông đường bộ. Lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban ngành, trực tiếp là Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án lên phương án quy hoạch, xây dựng, thiết kế công trình, dự án giao thông đường bộ ở các khu vực, địa bàn đúng với quy định của pháp luật, bảo đảm thuận tiện, an toàn về mọi mặt. Những công trình, dự án giao thông đường bộ nào chưa cần thiết tạm dừng lại, chưa có sự đồng thuận, nhất trí của Nhân dân tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền tiến hành sau.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phải cương quyết, trách nhiệm, kỷ cương, pháp luật trong nói và làm, hành động với tinh thần, trách nhiệm cao nhất của người cán bộ, đảng viên ưu tú được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tín nhiệm lựa chọn là người đứng đầu đảng bộ, chính quyền của tỉnh. Trên cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao lãnh đạo tỉnh mạnh dạn quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền, vấn đề vượt quá khả năng, giới hạn nhưng có lợi cho địa phương, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn làm, sau đó báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ngoài ra, lãnh đạo Tỉnh phải lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan đến thi công thực hiện các dự án trọng điểm của Tỉnh theo hướng đơn giản hoá, không làm phức tạp vấn đề. Thực hiện hành chính một cửa, xoá bỏ những thủ tục rườm rà, nhiêu khê, phức tạp, không cần thiết, luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của Tỉnh trong thời kỳ mới.
3. Kết luận
Hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, thuận tiện là nhân tố quan trọng tạo bước đột phá trong tất cả các lĩnh vực, gắn kết, thu hút các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Bình Dương ngày càng đồng bộ, thống nhất, hiện đại, bảo đảm cho hoạt động sản xuất – kinh doanh – lưu thông diễn ra thông suốt, hình thành, phát triển nhiều khu công nghiệp hiện đại, trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế công nghiệp năng động của khu vực phía Nam, thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào phát triển các lĩnh vực, hoạt động khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Mỗi bước phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Bình Dương đưa vào sử dụng là sự khẳng định những nỗ lực, cố gắng vượt bậc của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, xây dựng Bình Dương là trung tâm đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống không chỉ đối với Nhân dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh mà còn đối với người dân các tỉnh, thành cả nước và du khách quốc tế.
Chú thích:
1. Tạo động lực làm việc cho công chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Quận 4, TP. Hồ Chí Minh. https://www.binhduong.gov.vn, ngày 18/6/2024.
2. Bình Dương: điểm đến hấp dẫn thu hút vốn FDI. https://thoibaotaichinhvietnam.vn, ngày 20/8/2024.
3. Tỉnh uỷ Bình Dương (2023). Báo cáo số 343-BC/TU ngày 16/10/2023 sơ kết thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.