PGS.TS. Phạm Văn Sơn
TS. Phùng Mạnh Cường
ThS. Lê Sỹ Cương
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục cơ bản được coi là một trong những quyền con người quan trọng nhất. Vai trò của giáo dục cơ bản không chỉ có ý nghĩa to lớn với mỗi cá nhân mà còn đối với sự phát triển của cả một xã hội. Vì vậy, dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục được coi là nội dung trọng tâm trong số các dịch vụ xã hội cơ bản. Bài viết khái quát thực trạng, đề xuất một số giải pháp bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Từ khóa: Dịch vụ xã hội; giáo dục cơ bản; tỉnh Thanh Hóa.
1. Đặt vấn đề
Dịch vụ xã hội cơ bản là loại hình dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết, tối thiểu cho sự tồn tại và phát triển bình thường của con người và xã hội; tương ứng với chuẩn mực và trình độ phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi giai đoạn nhất định. Tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định dịch vụ xã hội cơ bản gồm 6 dịch vụ: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Nhận thức được vai trò quan trọng của bảo đảm các loại hình dịch vụ xã hội cơ bản nói chung, dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục nói riêng, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm giáo dục cơ bản cho người dân. Nhờ đó, giáo dục cơ bản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường, xóa nạn mù chữ ở người lớn. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế bất cập nhất định về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục trẻ em ở khu vực nông thôn, miền núi, cần có giải pháp khắc phục.
2. Thực trạng bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua
Theo cách hiểu chung nhất, giáo dục cơ bản được thực hiện ở giai đoạn đầu, nhằm giúp cho con người đạt tới một trình độ hiểu biết nhất định để họ có thể nhận thức được một vấn đề là sai hay đúng, làm hay không nên làm từ đó hình thành nên lối sống của cá nhân. Theo đó, “giáo dục cơ bản có thể là dạy cho con người biết đọc, biết viết, biết làm toán, các kỹ năng sống cơ bản”1 để có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để tồn tại, phát triển đầy đủ năng lực, sống và làm việc có phẩm giá, tham gia đầy đủ vào phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống, đưa ra các quyết định sáng suốt cho hoạt động của bản thân. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục với những kết quả cụ thể như sau:
Thứ nhất, số lượng và tỷ lệ trẻ em đi học, đi học đúng tuổi không ngừng tăng lên.
Tỉnh đã hoàn thành tất cả các mục tiêu quốc gia về phổ cập giáo dục đúng và vượt tiến độ; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 vào năm 2018; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 vào năm 20212. Số lượng trẻ em đến trường không ngừng tăng lên trong các năm học gần đây. Tính đến hết năm học 2023 – 2024, số lượng trẻ em đến trường trên địa bàn tỉnh là: 925.776 người, tăng 102.339 người, tăng tương ứng 12,43% so với năm học 2019 – 2020. Trong đó, trẻ mầm non 221.700 người, tăng 8.602 người (tăng tương ứng 4,04%); học sinh tiểu học là 354.606 người, tăng 37.196 người (tăng tương ứng 11,72%); học sinh trung học cơ sở là 245.777 người, tăng 53.877 người (tăng tương ứng 28,08%); học sinh trung học phổ thông là 103.692 tăng 2.664 người (tăng tương ứng 2,64%). Trong giai đoạn 2015 – 2023, tỷ lệ trẻ 5 tuổi học mầm non luôn chiếm tới 99,9% tổng số trẻ; tỷ lệ trẻ đi học của học sinh phổ thông tăng từ 93,5% năm học 2018 – 2019 lên 97,0% năm học 2023 – 2024 (tăng 3,5%); tỷ lệ đi học đúng tuổi của học sinh phổ thông cũng tăng tương ứng từ 92,3% 96,7% (tăng 4,4%)3.
Thứ hai, chương trình xóa mù chữ và giáo dục của người lớn cơ bản đã đạt mục tiêu đặt ra.
Thời gian gần đây, Thanh Hóa đã tích cực mở các lớp học “xóa mù chữ”, nhờ đó chương trình xóa mù chữ qua từng năm học đã tạo điều kiện cho hàng nghìn người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa được đi học hoặc chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập lại để biết đến những con chữ, những phép tính căn bản nhất. Giúp họ thuận lợi hơn trong giao tiếp cũng như biết áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Bảng 1: Số người tham gia chương trình xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa4
Năm học | 2014-2015 | 2015-2016 | 2016-2017 | 2017-2018 | 2018-2019 | 2019- 2020 | 2020-2021 | 2021-2022 | 2022-2023 |
Số người | 1.553 | 2.147 | 2.135 | 1.354 | 1.025 | 982 | 1.024 | 1.052 | 792 |
Chính vì vậy, tỷ lệ người biết chữ trên tổng số dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn chiếm tỷ trọng cao, trên 98%. Mặt khác, theo báo cáo số 305-BC/TU, ngày 29/6/2023 của tỉnh ủy Thanh Hóa, trong tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cho thấy: có 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; số xã đạt chuẩn xóa mù chữ ở mức độ 2 đã tăng từ 94,49% trong năm học 2014 – 2015 lên 100% trong những năm học gần đây5. Điều này phản ánh sự cố gắng của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực để xóa bỏ tình trạng mù chữ và tái mù chữ, nhất là ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thứ ba, công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề đạt được những kết quả khả quan.
Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đổi mới và phát triển. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được rà soát, sắp xếp lại, quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 167 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 112 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 32 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và 3 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp6.
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2022 của tỉnh Thanh Hóa chỉ ra: các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 738.657 người, trong đó: trình độ cao đẳng 14.283 người; trình độ trung cấp 55.756 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 668.618 người. Tỷ lệ người học có việc làm trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đạt trên 80%, riêng trình độ cao đẳng đạt 90 – 95%7.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn những hạn chế nhất định trong bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục trên địa bản tỉnh Thanh Hóa, đó là:
Một là, chất lượng giáo dục trẻ em ở khu vực nông thôn, miền núi còn thấp.
Từ năm học 2020 – 2021, toàn bộ 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và cơ bản đã bảo đảm tất cả trẻ em trai và trẻ em gái được đi học cấp tiểu học8. Tuy nhiên, đến nay chất lượng giáo dục chưa cao, không đồng đều giữa các khu vực, các địa phương và giữa các nhóm đối tượng khác nhau, giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Hiện tượng học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng trình độ học vấn chỉ tương đương học sinh tiểu học vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, chất lượng dạy văn hóa, dạy nghề ở một số trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở “giáo dục nghề nghiệp chưa theo kịp nhu cầu của thị trường lao động”9, đã ảnh hưởng đến xu hướng lựa chọn nghề nghiệp và khả năng tìm kiếm việc làm của người học sau khi tốt nghiệp.
Hai là, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.
Là một tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn có những khó khăn nhất định. Do đó, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục – đào tạo trong toàn tỉnh nhưng nhìn chung “cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là một số trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thiếu phòng học, phòng nội trú và các phòng chức năng; tình trạng thiếu trường lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp còn xảy ra”10. Ngoài ra, kinh phí chi nghiệp vụ ở các đơn vị giáo dục thuộc khối huyện không bảo đảm, gây khó khăn cho hoạt động dạy và học. Hệ thống quản lý, quản trị, kết nối khai thác dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo phục vụ công tác quản lý, điều hành dạy và học chưa đồng bộ. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện còn chậm.
Ba là, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu, khó đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản.
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu, bất cập về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác tuyển dụng giáo viên, tuyển sinh ở một số địa phương còn để xảy ra vi phạm”11.
Trên thực tế, từ năm học 2014 – 2015 đến năm học 2022 – 2023, tình trạng thiếu giáo viên ở cấp học mầm non và phổ thông công lập thường xuyên xảy ra. Cụ thể: trong năm học 2022 – 2023, so với định mức biên chế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của tỉnh, số giáo viên mầm non thiếu 4.344 người, tương ứng 24,15%; số giáo viên tiểu học thiếu 4.182, tương ứng 23,83%; số giáo viên trung học cơ sở thiếu 1.666 người, tương ứng 13,76%; số giáo viên trung học phổ thông thiếu: 493 người, tương ứng 9,02%12.
3. Giải pháp bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục của tỉnh Thanh Hóa thời gian tới
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh công các tuyên truyền, vận động để các chủ thể nhận thức rõ về vai trò và sự cần thiết phải bảo đảm giáo dục cơ bản cho người dân. Phải coi giáo dục cơ là một trong những quyền con người quan trọng nhất, không chỉ có ý nghĩa to lớn với mỗi cá nhân mà còn đối với sự phát triển của cả một thế hệ, cũng như sự phát triển của đất nước, của xã hội. Vì vậy, phải luôn đặt giáo dục cơ bản là nội dung trọng tâm trong số các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.
Cần tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho chính bản thân người dân, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong tiếp cận giáo dục cơ bản. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao giáo dục cơ bản về số lượng và chất lượng thì việc tạo cơ chế khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ đó cũng rất quan trọng. Nội dung tuyên truyền, vận động cần chú trọng tới các chính sách ưu tiên dành cho họ, lợi ích về vật chất và tinh thần khi hoàn thành giáo dục cơ bản để thúc đẩy người dân tạo điều kiện cho con em và chính bản thân mình được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ này. Nội dung tuyên truyền, vận động cần được xây dựng phù hợp với từng lứa tuổi và đối tượng tuyên truyền, vận động không chỉ có người dân mà còn dành cho cán bộ, chính quyền các địa phương trong tỉnh.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách xã hội hóa trong bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Quán triệt quan điểm của Đảng, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công. Trong thời gian tới, tỉnh cần thể chế hóa các quy định để “Huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ giáo dục và đào tạo; cùng với đầu tư cải tạo, nâng cấp các cơ sở giáo dục công lập, quan tâm bố trí quỹ đất và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển giáo dục ngoài công lập”13. Đồng thời, quy định ràng buộc trách nhiệm về chất lượng dịch vụ và kiểm soát chi phí, giá dịch vụ để đảm bảo người dân có thể tiếp cận và bình đẳng trong hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội tạo khả năng gia tăng nguồn lực cho thực hiện bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục.
Thời gian tới, tỉnh cần phải phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng; đồng thời chú trọngphát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn…, bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi; giữa thành thị và nông thôn, tạo khả năng gia tăng nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Thứ tư, làm tốt công tác tuyển chọn, sử dụng nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục của tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu của Tỉnh ủy Thanh Hóa về “xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đủ về số lượng, có năng lực và trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và tận tụy với nghề”14. Đòi hỏi Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần có có các nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn…, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành chức năng như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Nội vụ tỉnh thực hiện đúng quy trình trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Quá trình tuyển dụng cần xem xét kỹ càng, chặt chẽ, phải bổ cán bộ theo vị trí công việc, theo kinh nghiệm làm việc, theo kết quả xếp loại học tập, bằng cấp, loại hình đào tạo, thứ tự ưu tiên; đồng thời phải chú trọng các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng, chính trị, sức khỏe, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm lựa chọn đúng người, đúng việc, phát huy được sở trường của từng vị trí công tác trong các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, tỉnh cần làm tốt công tác đánh giá, sử dụng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm khách quan, khoa học, hợp lý. Sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục phải phù hợp với năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để họ phát huy tốt kỹ năng chuyên môn, phẩm chất nghề nghiệp được đào tạo, phát huy sự sáng tạo, hiệu quả trong công tác. Đánh giá chất lượng công tác của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải bảo đảm công khai, bình đẳng, công bằng, với các tiêu chí cụ thể, sát thực; tránh để xảy ra tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm và dân chủ hình thức trong đánh giá cán bộ.
4. Kết luận
Bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, khảo sát làm rõ thực trạng, mà điều cốt yếu là phải tìm ra được hệ giải pháp có tính hợp lý, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm giáo dục cơ bản cho người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian tới.
Chú thích:
1. Đỗ Thị Hải Hà (2020). Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ đổi mới. Đề tài khoa học cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, tr. 45.
2, 6. Tỉnh ủy Thanh Hóa (2022). Báo cáo số 154-BC/TU ngày 10/5/2022 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2022 của tỉnhThanh Hóa, tr. 5, 5 – 6.
3. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2024). Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa 2023. H. NXB Thống kê.
4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14. Tỉnh ủy Thanh Hóa. Báo cáo số 305-BC/TU ngày 29/6/2023 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. tr. 39, 38 – 39, 6, 5, 15, 16, 15, 43, 18, 19.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2024). Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa 2023. H. NXB Thống kê.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.