ThS. Tô Quốc Anh
NCS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực, nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở giữ một vai trò quan trọng. Bài viết khái quát một số vấn đề thực tiễn và đề xuất giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Từ khóa: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cấp cơ sở; vai trò; đại đoàn kết; tỉnh Lâm Đồng.
1. Đặt vấn đề
Tỉnh Lâm Đồng có dân số 1.543.239 người, với 47 dân tộc cùng sinh sống, có 378.714 người là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 24,54% dân số), đồng thời, đây là địa phương có nhiều tôn giáo khác nhau với 12/16 tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động với tổng số với 269.383 người là giáo dân, tín đồ và phật tử1. Là địa phương có đông đảo dân tộc khác nhau với dân số tương đối lớn, tỉnh vẫn còn một số vấn đề về chênh lệch mức sống giữa đồng bào dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh, mâu thuẫn giữa đồng bào các dân tộc trong việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên ở một số nơi diễn biến phức tạp; sự xuất hiện của một số đạo lạ; vấn đề tôn giáo, tộc người, giành giật tín đồ tôn giáo ngày càng gia tăng..
Những vấn đề này phần nào ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó có tác động nhất định đến quá trình phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Chính vì vậy, để tỉnh Lâm Đồng ổn định và phát triển thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị các cấp đó là phải xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở tỉnh Lâm Đồng bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ Nhân dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.
2. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Thời gian qua, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Các nội dung tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở đa dạng, phong phú, kịp thời phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; các chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với tổ chức phát động, triển khai các đợt thi đua, sinh hoạt chính trị, diễn đàn Nhân dân, sinh hoạt đoàn, hội để tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương và đất nước. Hình thức tuyên truyền, vận động có nhiều đổi mới, chú trọng công tác tuyên truyền trực tiếp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, như: trang cộng đồng, nhóm zalo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, facebook; bên cạnh đó duy trì tốt việc tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ chức, chức sắc các tôn giáo; kịp thời nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, tôn giáo để phản ánh, kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cấp trên xem xét, giải quyết. Cán bộ Mặt trận thực hiện tốt công tác nắm tình hình, vận động đồng bào thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động phát triển kinh tế – xã hội ở khu dân cư, hỗ trợ giúp nhau thoát nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, đề cao tính tự quản, phát huy sức mạnh của cộng đồng, xây dựng khu dân cư vững mạnh.
Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã làm tốt công tác vận động các tầng lớp Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội cơ sở triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của người dân, được đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, vật tư, xây dựng các công trình phúc lợi, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa, an toàn, sáng, xanh, sạch, đẹp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Trong nhiệm kỳ 2019 – 2024, Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở và cấp trên đã phối hợp với các tổ chức, các lực lượng thực hiện tốt quy trình đăng ký, xây dựng, đánh giá, thẩm định công nhận 1.018 thôn, tổ dân phố đạt “khu dân cư tiêu biểu”, 483 thôn, tổ dân phố đạt “khu dân cư kiểu mẫu”, xây dựng mới 2.324 và sửa chữa 651 căn nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ sinh kế cho 2.905 hộ nghèo góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững2. Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở trên địa bàn Lâm Đồng còn phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, động viên thanh niên nhập ngũ, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đẩy mạnh phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân, vận động Nhân dân nâng cao cảnh giác với âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phê phán, đấu tranh với những tư tưởng, hành vi sai trái.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện xã hội; phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Thực hiện dân chủ cơ sở, Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để Nhân dân bày tỏ chính kiến, góp ý, kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý, điều hành; bàn bạc, phát huy sáng kiến, đóng góp công sức tham gia xây dựng các công trình, mô hình, phần việc và giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Định kỳ chủ trì, phối hợp tổ chức tốt các đợt tiếp xúc cử tri, tham gia góp ý các dự án luật và các dự thảo văn bản pháp luật, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án do các cơ quan các cấp đề nghị.
Công tác giám sát được triển khai toàn diện, phát huy vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và các tổ hòa giải cơ sở; tổ chức tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư và kịp thời phối hợp tham gia đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Trong nhiệm kỳ 2019 – 2024, Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở trên địa bàn Lâm Đồng đã tham gia phản biện, góp ý 99 dự thảo văn bản, tổ chức 711 cuộc giám sát, giải quyết, phối hợp giải quyết 286 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân3.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng còn có những hạn chế nhất định. Công tác vận động, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng kịp thời trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội. Nội dung, hình thức tuyên truyền ở một số cơ sở chưa phù hợp với trình độ, nhận thức của đồng bào các dân tộc, còn nặng về lý luận, chưa đi vào chiều sâu và thực sự gắn với thực tiễn, đời sống của Nhân dân. Công tác nắm tình hình, tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân có lúc, có việc chưa sâu sát, đầy đủ, kịp thời. Kết quả vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh chưa đồng bộ, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa bền vững. Công tác đề xuất, phối hợp tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở với các tổ chức, các lực lượng hiệu quả còn thấp.
3. Một số giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay
Trước mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn đòi hỏi hệ thống chính trị các cấp, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở của tỉnh phải phát huy tốt vai trò của mình, là hạt nhân quy tụ các giai cấp, tầng lớp trong xã hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của địa phương. Để phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở. Cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, chú trọng cụ thể hoá nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Đảng nhằm thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” một các toàn diện. Mặt khác, cấp uỷ cơ sở cần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, quyền lợi của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, cấp ủy cơ sở cần chỉ đạo Mặt trận phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị thực hiện có hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp giữa Ủy ban nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; phối hợp cung cấp kịp thời thông tin, dự thảo cơ chế, chính sách… để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội phản biện theo quy định. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp thu và sớm xem xét giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Chính quyền cơ sở bảo đảm kinh phí để Mặt trận Tổ quốc hoạt động đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác vận động quần chúng.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Các nội dung, phương thức vận động quần chúng cần đa dạng các hình thức tập hợp Nhân dân, đoàn viên, hội viên, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các vị ủy viên, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trí thức và các thành phần trong xã hội; vận động và giúp đỡ đồng bào xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, hợp pháp, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở từng thôn, bản và cộng đồng dân cư.
Phát huy tốt vai trò của Ban Công tác Mặt trận trong vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp; thu thập ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phán ánh lên các cơ quan chức năng; động viên Nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước. Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; thường xuyên tổ chức đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở cần ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các trang mạng xã hội, như: facebook, nhóm Zalo, youtube… để tiếp cận, tương tác rộng rãi với Nhân dân, đoàn viên, hội viên; kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Thành lập các Fangage, Group trên Facebook, Zalo phục vụ cho các nhóm đối tượng khác nhau (độ tuổi, ngành nghề, sở thích), xây dựng các trang Facebook cá nhân làm vệ tinh để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ các hình thức tổ chức tự quản ở cộng đồng dân cư, như: tổ hoà giải, tổ an ninh nhân dân, tổ đoàn kết, nhóm nòng cốt,… chú trọng việc xây dựng nội quy, hương ước, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức của các dân tộc, tôn giáo, các quy ước cộng đồng sát thực tế, đúng luật để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả thiết thực.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả các kỳ họp của Mặt trận Tổ quốc, bám sát tình hình đời sống Nhân dân, đoàn viên, hội viên, tương quan với kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp để kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, của đoàn viên, hội viên và phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc tham gia ý kiến, phản biện các chính sách của chính quyền.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước hết, cấp uỷ, chính quyền cơ sở cần chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác Mặt trận đủ về số lượng, cơ cấu, thành phần nhất là những người tiêu biểu trong nông dân, trí thức, dân tộc, tôn giáo,… góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ Ban Công tác Mặt trận ở các thôn, bản, khu dân cư. Mặt khác, hệ thống chính trị cơ sở cần thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, gửi đi đào tạo nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực cho đội ngũ cán bộ Mặt trận. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng phải theo hướng cụ thể hóa kiến thức và tăng cường kỹ năng hoạt động phù hợp với từng đối tượng cán bộ, từng lĩnh vực, nhiệm vụ khác nhau, vừa mang tính cơ bản, hệ thống, vừa cập nhật, sát thực tiễn, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, năng lực tuyên truyền, vận động, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống. Cùng với đó, hệ thống chính trị các cấp cần quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác Mặt trận.
4. Kết luận
Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vừa là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của hệ thống chính trị các cấp, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Chú thích:
1. Giữ vững an ninh trật tự bình yên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo.https://baolamdong.vn/doi-song/202410/giu-vung-an-ninh-trat-tu-binh-yen-vung-dan-toc-thieu-so-va-ton-giao.
2, 3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng (2024). Văn kiện Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng (khóa IX), nhiệm kỳ 2024 – 2029, tr. 9, 12.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015). Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Lâm Đồng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. http://mattran.org.vn/cac-cuoc-van-dong-phong-trao-thi-dua/mat-tran-to-quoc-cac-cap-tinh-lam-dong-phat-huy-suc-manh-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc.
3. Một số giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới. https://tapchimattran.vn/nghien-cuu/mot-so-giai-phap-phat-huy-vai-tro-cua-mttq-viet-nam-trong-xay-dung-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-trong-tinh-hinh-moi-55939.html.
4. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/823408/phat-huy-vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-de-xay-dung-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-trong-tinh-hinh-moi.aspx.