Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội với hiệu quả tài chính tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Trần Ngọc Mai
Học viện Ngân hàng

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội với hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Sử dụng dữ liệu từ 18 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010-2023, nghiên cứu cho thấy thực hiện trách nhiệm xã hội cải thiện khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA), khả năng sinh lời vốn chủ sở hữu (ROE) và biên lãi ròng (NPM). Trách nhiệm xã hội không chỉ mang lại giá trị cho cộng đồng, người lao động mà còn tác động trở lại, nâng cao hiệu quả cả về khía cạnh tài chính cho ngân hàng. Kết quả này cung cấp thêm bằng chứng khuyến khích các ngân hàng tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc lựa chọn cổ phiếu của các ngân hàng có cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, hiệu quả tài chính.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế chính trị bất ổn, nền kinh tế Việt Nam được các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đánh giá là một trong những điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 6,37%/năm trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng dương ngay cả trong giai đoạn 2020-2024 vốn được coi là giai đoạn thách thức của nền kinh tế thế giới do đại dịch Covid-19. Tình hình kinh tế – xã hội phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, tình hình kinh tế chính trị thế giới diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh khuôn khổ pháp lý, thể chế chính sách về kinh tế cũng như thị trường tài chính với vai trò nổi bật của các ngân hàng thương mại.

Các ngân hàng thương mại không chỉ chú trọng hiệu quả hoạt động và sự ổn định tài chính của mình mà còn chú trọng triển khai chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ về cung ứng vốn tín dụng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại được cho là một trong những ngành đi đầu thực hiện, có sự đầu tư bài bản, lớn mạnh về cả quy mô và giá trị với các dự án rộng khắp các lĩnh vực giáo dục, phát triển cộng đồng, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, chăm sóc sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chú trọng tới các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, một mặt thể hiện trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng, khiến tác động của ngành Ngân hàng mang tính toàn diện và nhân văn hơn, mặt khác tác động trở lại hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội, hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng vì vậy trở nên vô cùng cần thiết.

Thứ nhất, đây là ngành nghề kinh doanh tiền – một loại hàng hóa đặc biệt, do đó, vấn đề đạo đức được đặt lên hàng đầu. Đạo đức ảnh hưởng tới nhận thức, lựa chọn của khách hàng từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp giúp các ngân hàng thương mại xây dựng niềm tin, sự trung thành của khách hàng, từ đó, thúc đẩy hiệu quả hoạt động.

Thứ hai, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng có thể đem lại ảnh hưởng đáng kể tới môi trường, xã hội và con người. Nghiên cứu về mối quan hệ này sẽ làm sáng tỏ cách thức các ngân hàng hài hòa lợi nhuận với trách nhiệm xã hội.

Thứ ba, dưới góc độ nhà đầu tư, khi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trở thành một trong những chuẩn mực của quyết định đầu tư, việc hiểu rõ mối liên hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động đưa đến các quyết định đầu tư sáng suốt. Bên cạnh đó, mối quan hệ này cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý trong việc định hướng, phát triển trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua các khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh vai trò của các tổ chức tài chính trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội.

2. Tổng quan nghiên cứu

Trách nhiệm xã hội đề cập đến các quyết định và hành động không chỉ xoay xung quanh mục tiêu về lợi ích kinh tế của doanh nghiệp mà còn quan tâm các vấn đề nằm ngoài phạm vi đó (Davis, 1960). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm các yếu tố kinh tế, pháp luật, đạo đức và các kỳ vọng mà xã hội đặt ra tại một thời điểm nhất định (Carroll, 1979). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ là một hành vi riêng lẻ mà là cả một quá trình được các doanh nghiệp thực hiện một cách tự nguyện (Jones, 1980).

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được cho là tác động tới doanh nghiệp nói chung thông qua các lý thuyết đại diện (Agency theory), lý thuyết về các bên liên quan (Stakeholder theory), lý thuyết tín hiệu (Signalling theory) và lý thuyết về tính hợp pháp (Legitimacy theory) (Margolis, 2009; Manrique và Martí-Ballester, 2017). Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Orlitzky, 2003). Orlitzky và cộng sự (2003) sử dụng phương pháp tổng hợp trên 52 nghiên cứu với 33,878 quan sát, khẳng định mối quan hệ cùng chiều giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hiệu quả tài chính.

Donaldson và Preston (1995), Mitchell và cộng sự (1997) sử dụng lý thuyết các bên liên quan theo hướng công cụ (Instrumental stakeholder theory) để lý giải việc làm hài lòng các bên là công cụ nâng cao hiệu quả của tổ chức. Quản lý tài chính gắn với việc cân bằng lợi ích các bên liên quan một mặt làm giảm thiểu vấn đề đại diện trong doanh nghiệp (Hill và Jones, 1992), mặt khác nâng cao khả năng thích nghi của doanh nghiệp với các thay đổi bên ngoài (Freeman và Evan, 1990). Anderson và Myers (2007) tiếp cận hiệu quả của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dựa trên việc xem xét mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận khi đầu tư vào 40 danh mục đầu tư xanh tại Mỹ.

Các bằng chứng thực nghiệm cho rằng, việc đầu tư vào nhóm danh mục hướng đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không tốn kém chi phí nhưng đem lại hiệu quả về mặt xã hội với nhóm nhà đầu tư hướng đến mục tiêu xã hội. El Ghoul và cộng sự (2011) gắn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với hiệu quả tài chính của doanh nghiệp thông qua chi phí sử dụng vốn và mức độ rủi ro của 12,915 công ty niêm yết tại Mỹ giai đoạn 1992-2007. Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cải thiện mối quan hệ giữa người lao động và gia tăng trách nhiệm trong công việc, các chính sách và sản phẩm về môi trường làm giảm chi phí vốn chủ sở hữu từ đó gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực ngân hàng, tác động của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không nằm ngoài các trường phái lý thuyết này. Là một ngành kinh doanh đặc biệt với phần lớn tài sản đến từ tiền gửi của khách hàng, ngân hàng chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, phương tiện thông tin đại chúng cũng như thể hiện lại trách nhiệm của mình với cộng đồng thông qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có tác động tích cực tới hiệu quả tài chính của các ngân hàng (Bolton, 2013). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tích hợp vào hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị doanh nghiệp, các ngân hàng tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có hiệu quả tài chính cao hơn, ít gặp rủi ro tài chính hơn. Bolton (2013) chỉ rõ các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gắn với hoạt động cốt lõi của ngân hàng, chẳng hạn như quản trị công ty hay sản phẩm dịch vụ có ảnh hưởng rõ ràng hơn so với các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gián tiếp như các hoạt động cộng đồng. Đầu tư vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm tạo dựng hình ảnh xanh (green washing) không thực sự mang lại giá trị cho ngân hàng. Scholtens (2009) giải thích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động đối với nhóm hơn 30 tổ chức tài chính giai đoạn 2000-2005.

Wu và Shen (2013), Shen và cộng sự (2016) tìm thấy mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hiệu quả tài chính khi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thực hiện dưới dạng chiến lược. Bihari và Pradhan (2011) nghiên cứu mối quan hệ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hiệu quả tài chính tại các ngân hàng ở Ấn Độ cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp làm gia tăng hình ảnh uy tín của ngân hàng, chuyển các giá trị đóng góp cho xã hội thành các lợi ích cho ngân hàng. Ramzan và cộng sự (2021) giải thích tác động tích cực, toàn diện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên tất cả các khía cạnh: hiệu quả hoạt động, rủi ro và tài chính toàn diện. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cải thiện nhận thức của khách hàng về hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị rủi ro.

Tuy nhiên, không phải mọi nghiên cứu đều đưa đến mối quan hệ đồng nhất này. Wang và cộng sự (2016), Zhao và Murrel (2016) cho rằng, mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và CFP phụ thuộc vào mẫu nghiên cứu, biến kiểm soát và các nhân tố trung gian. Barnea và Rubin (2010) luận giải tác động tiêu cực của trách nhiệm xã hội đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp khi được thực hiện với mục tiêu gia tăng lợi ích cá nhân giúp nâng cao hình ảnh vị thế của lãnh đạo với chi phí cao hơn lợi ích cận biên nhận được. Sigurthorsson (2012) cho rằng, khủng hoảng 3 ngân hàng lớn nhất Ailen (Iceland) là ví dụ cho thấy, cần phải suy nghĩ về cách thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại các ngân hàng. Esteban-Sanchez và cộng sự (2017) xem xét mối quan hệ trên phạm vi 22 quốc gia với tổng 154 tổ chức tài chính giai đoạn 2005 – 2010, một mặt, kết luận về vai trò tích cực của trách nhiệm xã hội đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, mặt khác, mối quan hệ phụ thuộc vào nhận thức của nhà đầu tư về trách nhiệm xã hội và đạo đức trong hoạt động kinh doanh.

Dựa trên những căn cứ trên, giả thiết nghiên cứu được đề xuất như sau:

H1: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

3. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

Dựa trên nghiên cứu của Ramzan và cộng sự (2021), Gangi và cộng sự (2018), đề xuất nghiên cứu về mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động ngân hàng, như sau:

Với FPit thể hiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng i năm t, đo lường bởi ROA tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản và ROE tỷ suất sinh lời trên doanh thu. CSRit cho biết mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội của ngân hàng. Controlit đại diện cho nhóm biến kiểm soát tác động tới hiệu quả hoạt động, bao gồm: quy mô (biến TA), tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (biến Cap), tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản (loanratio).

Đối với các biến kiểm soát và hiệu quả hoạt động, dữ liệu nghiên cứu được thu thập dựa trên báo cáo tài chính công bố của ngân hàng giai đoạn 2010-2023. Đối với biến CSRit, do hạn chế tại Việt Nam chưa có những đánh giá toàn diện, bài viết sử dụng phương pháp phân tích văn bản (content analysis) gồm một bộ 22 câu hỏi về chính sách, mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan đến môi trường, xã hội, người lao động và sản phẩm dịch vụ dựa trên báo cáo thường niên. Đối với mỗi tiêu chí, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhận giá trị bằng 1 nếu có thông tin liên quan và bằng 0 nếu khác. N có giá trị bằng 22 (số tiêu chí thực hiện đánh giá). Cách thức triển khai đo lường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp này được thực hiện dựa trên nghiên cứu của Platonova và cộng sự (2016), Siueia và cộng sự (2019):

Để đánh giá tác động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với hiệu quả tài chính, tác giả sử dụng dữ liệu bảng với các mô hình hồi quy OLS, ảnh hưởng cố định (FEM), ảnh hưởng ngẫu nhiên (REM). Kiểm định đa cộng tuyến bằng hệ số phóng đại phương sai VIF và kiểm định tự tương quan Durbin-Watson, kiểm định Hausman được sử dụng để lựa chọn mô hình hồi quy phù hợp.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Bảng 1 thể hiện thống kê mô tả các biến sử dụng trong mô hình, trong đó có 3 biến phụ thuộc ROA, ROE và NPM có giá trị lần lượt là 1,2%; 14,3% và 7,2%. ROA có giá trị trung bình 1,2%, giá trị cao nhất là 4,1%, giá trị thấp nhất -5% và cao hơn các nước đang phát triển (ví dụ tại Anh là 0,65%, tại Hàn Quốc là 0,5%, tại Singapore là 0,89% và tại Mỹ là 1,26%) cho thấy, hiệu quả sử dụng tài sản của các ngân hàng tại Việt Nam. ROE có giá trị trung bình 14,3%, giá trị cao nhất 44% và giá trị thấp nhất -88%. ROE trung bình của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cao hơn tại các quốc gia khác trên thế giới. Ví dụ: Mỹ: 12,52%, Thái Lan: 5,6% (Tradingeconomics, 2025). Tương tự với biến lãi ròng (NPM).

Bảng 1: Thống kê mô tả các biến trong mô hình

VariableObsMeanStd. Dev.MinMax
roa2311.246.981-5.5124.108
roe23114.34510.952-82.00244.56
npm2317.2453.989-.75525.102
index231.542.250.909
ta23118.976.9516.53221.332
cap2318.6813.0413.71722.05
loanratio231.562.145.147.977

Index thể hiện mức trung bình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại các ngân hàng. Giá trị trung bình 0,542 với độ lệch chuẩn 0,25, giá trị nhỏ nhất 0 và giá trị lớn nhất 0,909 cho thấy, có sự khác biệt lớn trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại các ngân hàng. Đối với nhóm biến kiểm soát, biến loanratio có mức trung bình 0,562 cho biết, dư nợ cho vay chiếm khoảng 56% tổng tài sản của ngân hàng. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản cap cho biết vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 8,6% tổng tài sản ngân hàng.

Bảng 2: Ma trận tự tương quan

Variables(1)(2)(3)(4)(5)(6)(7)
(1) roa1.000      
        
(2) roe0.8621.000     
 (0.000)      
(3) npm0.5080.3151.000    
 (0.000)(0.000)     
(4) index0.4100.2930.4681.000   
 (0.000)(0.000)(0.000)    
(5) ta0.1940.2980.4250.5621.000  
 (0.003)(0.000)(0.000)(0.000)   
(6) cap0.4330.0030.3750.193-0.2251.000 
 (0.000)(0.963)(0.000)(0.003)(0.001)  
(7) loanratio0.2690.2140.7850.3600.4770.1021.000
 (0.000)(0.001)(0.000)(0.000)(0.000)(0.121) 

Ma trận tự tương quan ở Bảng 2 thể hiện mức tương quan tương đối thấp giữa các biến phụ thuộc và biến giải thích trong mô hình cho thấy, chưa có cơ sở về hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình. Kiểm định VIF (Bảng 3) được sử dụng để kiểm tra đa cộng tuyến thông qua hệ số phóng đại phương sai VIF. Kết quả cho thấy, mô hình không gặp phải vấn đề đa cộng tuyến.

Bảng 4: Hệ số phóng đại phương sai VIF

   VIF  1/VIF
 ta2.109.474
 index1.739.575
 loanratio1.378.726
 cap1.31.763
 Mean VIF1.634.

4.2. Kết quả nghiên cứu

Bảng 5 thể hiện kết quả hồi quy khả năng sinh lời tổng tài sản dựa vào chỉ số trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các biến giải thích. Các kiểm định Hausman, kiểm định phương sai sai số (không trình bày trong bài) cho thấy, mô hình FGLS là phù hợp. 

Bảng 5: Kết quả hồi quy ROA theo OLS, FEM, REM và FGLS

 (1) OLS(2) FEM(3) REM(4) FGLS
 roaroaroaroa
index.94***.588.816**.603***
 (.285)(.413)(.348)(.225)
ta.111.232*.161.157**
 (.082)(.139)(.11)(.075)
cap.129***.104***.111***.145***
 (.02)(.022)(.021)(.02)
loanratio.6111.143**.945*-.215
 (.437)(.575)(.509)(.453)
_cons-2.83*-5.029**-3.758*-3.225**
 (1.479)(2.449)(1.955)(1.374)
Observations231231231231
Standard errors are in parentheses
*** p<.01, ** p<.05, * p<.1

Hệ số hồi quy liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (biến index) có dấu dương và có ý nghĩa thống kê cho thấy, tác động tích cực của trách nhiệm xã hội lên hiệu quả tài chính. Hệ số hồi quy 0,603 cho biết, khi điểm số trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tăng lên 0,1 đơn vị, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản tăng lên 0,06%. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp giúp ngân hàng gia tăng hiệu quả hoạt động bằng cách cải thiện lòng trung thành của khách hàng (Ramzan và cộng sự, 2021), tạo sự tin tưởng trong mối quan hệ, từ đó, giảm thiểu vấn đề đại diện, gia tăng hiệu quả hoạt động (Bihari và Pradhan, 2011; Ramzan và cộng sự, 2021; Scholtens, 2009). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khuyến khích người lao động gắn bó hơn trong công việc, nâng cao hiệu suất, từ đó, tác động gián tiếp tới hành vi của nhà đầu tư và chi phí huy động vốn, công tác quản lý tài chính của ngân hàng khiến lợi ích được cho là nhiều hơn so với chi phí (Soana, 2011).

Đối với nhóm biến kiểm soát, tác động của tổng tài sản (ta) và tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (cap) có dấu dương và có ý nghĩa thống kê đối với ROA hàm ý tác động tích cực của quy mô, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tới khả năng sinh lời ROA. Tăng vốn cải thiện khả năng chống chịu của ngân hàng, hạ chi phí huy động vốn từ đó cải thiện khả năng sinh lời (Zheng và cộng sự, 2017).

Bảng 6: Kết quả hồi quy ROE theo OLS, FEM, REM và FGLS

 (1) – OLS(2) – FEM(3) – REM(4) – FGLS
 roeroeroeroe
index7.681**5.0126.9415.236*
 (3.619)(5.336)(4.426)(2.675)
ta1.896*2.1111.9042.472***
 (1.047)(1.792)(1.393)(.927)
cap-.004-.315-.2.317
 (.258)(.28)(.263)(.25)
loanratio5.48516.007**11.592*-4.872
 (5.546)(7.437)(6.486)(5.761)
_cons-28.839-34.686-30.385-36.514**
 (18.791)(31.661)(24.728)(16.933)
Observations231231231231
Pseudo R2.z.z.z.z
Standard errors are in parentheses
*** p<.01, ** p<.05, * p<.1

Bảng 7: Kết quả hồi quy ROE theo OLS, FEM, REM và FGLS

 (1) – OLS(2) – FEM(3) – REM(4) – FLGS
 npmnpmnpmnpm
index1.552**2.001**1.947**1.244*
 (.722)(.92)(.838)(.659)
ta.545***.389.424.802***
 (.209)(.309)(.272)(.218)
cap.418***.321***.334***.211***
 (.051)(.048)(.047)(.038)
loanratio18.031***17.727***17.709***15.446***
 (1.106)(1.282)(1.201)(1.129)
_cons-17.702***-13.975**-14.725***-19.155***
 (3.749)(5.457)(4.829)(3.932)
Observations231231231231
Pseudo R2.z.z.z.z
Standard errors are in parentheses
*** p<.01, ** p<.05, * p<.1

Tương tự, kết quả hồi quy của trách nhiệm xã hội và nhóm biến kiểm soát tới khả năng sinh lời vốn chủ sở hữu (ROE) và NPM (biên lãi ròng) được trình bày ở Bảng 6 và Bảng 7. Hệ số hồi quy dương và có ý nghĩa thống kê khẳng định giả thiết H1 về tác động tích cực của trách nhiệm xã hội đến khả năng sinh lời ngành Ngân hàng. Hệ số hồi quy gắn với NPM là 1,244 cho biết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tăng lên 0,1 điểm làm tăng biên lãi ròng lên 0,1244%. Hệ số hồi quy gắn với ROE là 5,236 cho biết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tăng lên 0,1 điểm làm tăng biên lãi ròng lên 0,536%. Kết quả này khẳng định lại lý thuyết hợp pháp (Legitimacy theory) cho rằng, hoạt động của tổ chức cần gắn với các giá trị đạo đức và chuẩn mực xã hội tại đó tổ chức hoạt động (Brown và Deegan, 1998).

Thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội, ngân hàng thu hút được nhà đầu tư, gây dựng được lòng tin với khách hàng từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động (Esteban-Sanchez và cộng sự, 2017). Kết quả cũng phù hợp với lý thuyết vấn đề đại diện khi cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các bên, từ đó, tác động trở lại hiệu quả hoạt động cũng như lý thuyết các bên liên quan gắn kết lợi phí cạnh tranh và hiệu quả về mặt chi phí của các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội (Manrique và Martí-Ballester, 2017). 

5. Kết luận

Trách nhiệm xã hội không chỉ đơn thuần là các hoạt động cộng đồng, đóng góp cho xã hội mà còn gia tăng hiệu quả tài chính của các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị cho các bên liên quan.

Đối với nhà quản lý ngân hàng cần đưa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào chiến lược hoạt động để, từ đó, tác động trở lại nâng cao hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại.

Đối với nhà đầu tư, nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu của các ngân hàng có cam kết mạnh mẽ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để gia tăng giá trị. Đối với cơ quan quản lý, cần thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng, xây dựng chính sách và khung pháp lý nhằm khuyến khích các ngân hàng tích hợp và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Tài liệu tham khảo:
1. Anderson, A. M., & Myers, D. H. (2007). The cost of being good. Available at SSRN 954703.
2. Barnea, A., & Rubin, A. (2010). Corporate social responsibility as a conflict between shareholders. Journal of business ethics, 97, 71-86.
3. Bihari, S. C., & Pradhan, S. (2011). trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp and performance: the story of banks in India. Journal of Transnational Management, 16(1), 20-35.
4. Bolton, B. J. (2013). Corporate social responsibility and bank performance. Available at SSRN 2277912.
5. Brown, N., & Deegan, C. (1998). The public disclosure of environmental performance information-a dual test of media agenda setting theory and legitimacy theory. Accounting and business research, 29(1), 21-41.
6. Carroll, A. B. (1979). A three-dimensional conceptual model of corporate performance. Academy of management review, 4(4), 497-505.
7. Davis, K. (1960). Can business afford to ignore social responsibilities? California management review, 2(3), 70-76.
8. Donaldson, T., & Preston, L. E. (1995). The stakeholder theory of the corporation: Concepts, evidence, and implications. Academy of management Review, 20(1), 65-91.
9. El Ghoul, S., Guedhami, O., Kwok, C. C., & Mishra, D. R. (2011). Does corporate social responsibility affect the cost of capital? Journal of banking & finance, 35 (9), 2388-2406.
10. Hill, C. W., & Jones, T. M. (1992). Stakeholder‐agency theory. Journal of management studies, 29 (2), 131-154.
11. Jones, T. M. (1980). Corporate social responsibility revisited, redefined. California management review, 22 (3), 59-67.
12. Manrique, S., & Martí-Ballester, C. P. (2017). Analyzing the effect of corporate environmental performance on corporate financial performance in developed and developing countries. Sustainability, 9 (11), 1957.
13. Mitchell, R. K., Agle, B. R., & Wood, D. J. (1997). Toward a theory of stakeholder identification and salience: Defining the principle of who and what really counts. Academy of management review, 22 (4), 853-886.
14. Orlitzky, M., Schmidt, F. L., & Rynes, S. L. (2003). Corporate social and financial performance: A meta-analysis. Organization studies, 24 (3), 403-441.
15. Platonova, E., Asutay, M., Dixon, R., & Mohammad, S. (2018). The impact of corporate social responsibility disclosure on financial performance: Evidence from the GCC Islamic banking sector. Journal of business ethics, 151, 451-471.
16. Ramzan, M., Amin, M., & Abbas, M. (2021). How does corporate social responsibility affect financial performance, financial stability, and financial inclusion in the banking sector? Evidence from Pakistan. Research in International Business and Finance, 55, 101314.
17. Soana, M. G. (2011). The relationship between corporate social performance and corporate financial performance in the banking sector. Journal of business ethics, 104, 133-148.
18. Scholtens, B. (2009). Corporate social responsibility in the international banking industry. Journal of business ethics, 86 (2), 159-175.
19. Sigurthorsson, D. (2012). The Icelandic banking crisis: a reason to rethink trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp? Journal of Business Ethics, 111(2), 147-156.
20. Siueia, T. T., Wang, J., & Deladem, T. G. (2019). Corporate Social Responsibility and financial performance: A comparative study in the Sub-Saharan Africa banking sector. Journal of Cleaner Production, 226, 658-668.
21. Zhao, X., & Murrell, A. J. (2016). Revisiting the corporate social performance‐financial performance link: A replication of W addock and G raves. Strategic Management Journal, 37(11), 2378-2388.