Phùng Thế Anh – Hồ Ngọc Khương
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Qua phân tích SWOT-TOWS về tác động của công nghệ giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUTE) đã chỉ ra vai trò then chốt của công nghệ số trong nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, cơ hội bao gồm chính sách chuyển đổi số, nhu cầu học tập linh hoạt, hợp tác quốc tế và sự phát triển của công nghệ AI, VR/AR. Thách thức chính là cạnh tranh từ các trường khác, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, rủi ro an ninh mạng và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường lao động. Nghiên cứu đề xuất các chiến lược then chốt, như: phát triển hệ thống học tập thông minh tích hợp AI, xây dựng chương trình đào tạo liên kết quốc tế trực tuyến và tăng cường đào tạo kỹ năng số cho giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Từ khóa: Công nghệ giáo dục, chất lượng đào tạo, HCMUTE, SWOT-TOWS.
1. Đặt vấn đề
Công nghệ giáo dục là việc nghiên cứu và thực hành đạo đức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và cải thiện hiệu suất bằng cách tạo ra, sử dụng và quản lý các quy trình và nguồn lực công nghệ phù hợp (Januszewski, 2018). Đồng thời, công nghệ giáo dục là sự tích hợp giữa công nghệ thông tin và giáo dục nhằm cải thiện quá trình dạy và học. Nó bao gồm các công cụ, nền tảng, phần mềm và phương pháp giảng dạy tiên tiến nhằm nâng cao trải nghiệm học tập, hỗ trợ giáo viên truyền tải kiến thức hiệu quả hơn và giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn (Huang và cộng sự, 2019).
Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUTE), việc ứng dụng công nghệ giáo dục đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện tác động của công nghệ giáo dục đến chất lượng đào tạo cần phải thực hiện một phân tích SWOT-TOWS chi tiết. Phương pháp SWOT-TOWS không chỉ giúp xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức mà còn cho phép phát triển các chiến lược tối ưu dựa trên sự kết hợp của các yếu tố này (Weihrich, 1982). Vì vậy, nghiên cứu này nhằm mục đích phân tích SWOT-TOWS về tác động của công nghệ giáo dục đến chất lượng đào tạo tại HCMUTE. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức mà Trường đang đối mặt trong việc áp dụng công nghệ giáo dục, từ đó đề xuất các chiến lược phù hợp để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro trong quá trình chuyển đổi số của Trường.
2. Tình hình ứng dụng công nghệ giáo dục tại HCMUTE
Một là, hạ tầng công nghệ và hỗ trợ giảng dạy.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến, trường đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công nghệ bao gồm hệ thống server, trung tâm dữ liệu (UTE data center và UTEx data center), hệ thống phần mềm quản lý và mạng thông tin tốc độ cao. Nhà trường cũng phát triển hệ thống trợ lý giảng dạy để hỗ trợ giảng viên, đồng thời giúp sinh viên có thêm cơ hội học tập và phát triển kỹ năng. Đồng thời, Nhà trường phủ wifi toàn trường hỗ trợ cho sinh viên và giảng viên trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Hai là, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Nhà trường đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy thông qua việc tổ chức tập huấn, chia sẻ định kỳ ở các cấp độ khác nhau. Đa số giảng viên áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, tích hợp với kỹ năng công việc như làm việc nhóm, giao tiếp và giải quyết vấn đề phức tạp. Đặc biệt, việc tổ chức học tập theo dự án (project-based learning) đã giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo và thích ứng tốt với môi trường làm việc thực tế. Gần đây, HCMUTE cũng đã tổ chức hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy và học. Các giải pháp AI được giới thiệu nhằm hỗ trợ giáo viên trong việc cá nhân hóa lộ trình học tập cho sinh viên, đồng thời nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Ba là, hệ thống đào tạo trực tuyến hiện đại.
HCMUTE đã tiên phong trong việc triển khai các mô hình đào tạo trực tuyến và kết hợp (blended learning). Hệ thống UTEx-MOOC là một giải pháp nổi bật với hàng trăm khóa học được xây dựng và cập nhật mỗi năm. Từ năm 2019-2020, có 16 khóa học đầu tiên đã được nghiệm thu và triển khai, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của trường. Hiện nay, hơn 1.000 khóa học được tổ chức trên hệ thống Utex, hỗ trợ sinh viên học tập mọi lúc, mọi nơi, đồng thời phát huy khả năng tự học và học tập suốt đời. Số lượng sinh viên tham gia các khóa học MOOCs tăng mạnh từ 2.819 sinh viên (HK II: 2021-2022) lên 6.305 sinh viên (HK I: 2022-2023), tương đương mức tăng 123,66%. Đây là giai đoạn phát triển nhanh chóng, có thể phản ánh sự thành công trong việc triển khai hệ thống UTEx-MOOC và các chính sách khuyến khích học tập trực tuyến. Tuy nhiên, từ sau HK II: 2022-2023, số lượng sinh viên đạt mức hơn 4.000 sinh viên tham gia ở mỗi học kỳ (Hình 2.1). Việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng của MOOCs đòi hỏi cải tiến liên tục về nội dung khóa học, hỗ trợ kỹ thuật và trải nghiệm người dùng.

3. Về tác động của công nghệ giáo dục đến chất lượng đào tạo
Thứ nhất, Nhà trường sở hữu nhiều điểm mạnh nổi bật trong việc áp dụng công nghệ giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đầu tiên, cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại như hệ thống server và trung tâm dữ liệu được đầu tư bài bản giúp hỗ trợ giảng dạy trực tuyến hiệu quả. Hệ thống phần mềm quản lý học tập và mạng thông tin tốc độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và giảng viên trong quá trình học tập và giảng dạy.
Thứ hai, đội ngũ giảng viên tại HCMUTE có trình độ chuyên môn cao và đã được đào tạo để sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại. Việc thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về công nghệ giáo dục giúp giảng viên cập nhật kiến thức mới, từ đó nâng cao chất lượng bài giảng.
Thứ ba, Nhà trường đã phát triển một chương trình đào tạo đa dạng với nhiều khóa học trực tuyến và kết hợp (blended learning), đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên. Chương trình UTEx-MOOC đã thu hút một số lượng lớn sinh viên tham gia, cho thấy sự thành công trong việc triển khai các khóa học trực tuyến. Cuối cùng, thư viện số của Nhà trường nổi bật với nguồn tài liệu phong phú và đa dạng, đáp ứng toàn diện nhu cầu học tập và nghiên cứu của cộng đồng. Với gần 20.000 tài liệu nội sinh được số hóa toàn văn, bao gồm giáo trình do giảng viên biên soạn, báo cáo khoa học, đồ án tốt nghiệp, luận văn, luận án và các nghiên cứu khoa học các cấp. Bên cạnh đó, thư viện số còn cung cấp truy cập đến hàng triệu tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm sách, báo, tạp chí, hình ảnh, âm thanh và video.
Mặc dù HCMUTE có nhiều điểm mạnh nhưng cũng tồn tại một số điểm yếu cần khắc phục. Một trong những vấn đề lớn là khả năng thích ứng của giảng viên còn hạn chế, không phải tất cả giảng viên đều quen thuộc với công nghệ mới và phương pháp giảng dạy trực tuyến. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và sự hài lòng của sinh viên. Thêm vào đó, chính sách quản lý chưa đồng bộ, các quy định và chính sách hỗ trợ cho việc áp dụng công nghệ giáo dục vẫn còn thiếu tính nhất quán gây khó khăn trong việc triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến; đồng thời, nguồn lực tài chính có hạn để đầu tư liên tục vào công nghệ mới. Mặt khác, khả năng tiếp cận hạn chế, một số sinh viên có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ do thiếu thiết bị hoặc kết nối internet ổn định, điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập của người học.
Ngoài ra, Nhà trường chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ trong một số lĩnh vực đào tạo. Mặc dù đã có nhiều ứng dụng công nghệ vẫn còn dư địa để mở rộng và đào sâu việc sử dụng công nghệ trong các chương trình học, đặc biệt là các ngành kỹ thuật và công nghệ.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, HCMUTE đứng trước nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo thông qua ứng dụng công nghệ giáo dục. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đại học, mở ra nhiều chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục trong việc phát triển nền tảng học tập từ xa. Nhà trường đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo trực tuyến cho sinh viên.
Bên cạnh đó, nhu cầu học tập linh hoạt, sinh viên ngày càng có nhu cầu học tập linh hoạt hơn thông qua các nền tảng trực tuyến, điều này khuyến khích HCMUTE mở rộng thêm nhiều khóa học trực tuyến để thu hút sinh viên. Đồng thời, việc ký kết hợp tác với các trường đại học quốc tế có thể giúp HCMUTE cập nhật các phương pháp giảng dạy tiên tiến và mở rộng cơ hội cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi quốc tế. HCMUTE là thành viên của tổ chức AUN-QA và đã hoàn thành kiểm định cho 18 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA. Trường đã cử nhiều cán bộ tham gia các khóa đào tạo về kiểm định chất lượng, bảo đảm chương trình đào tạo luôn được cập nhật và phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, VR/AR trong giáo dục mở ra nhiều cơ hội mới cho HCMUTE. Nhà trường có thể tận dụng những công nghệ này để phát triển các chương trình đào tạo kết hợp thực tế ảo/thực tế tăng cường, tạo ra trải nghiệm học tập sống động và hiệu quả hơn cho sinh viên.
HCMUTE cũng phải đối mặt với một số thách thức trong quá trình ứng dụng công nghệ giáo dục. Cạnh tranh từ các trường đại học khác cũng đang gia tăng, khi nhiều cơ sở giáo dục khác cũng đầu tư mạnh vào công nghệ giáo dục để thu hút sinh viên. Hơn nữa, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi HCMUTE phải liên tục cập nhật và cải tiến hệ thống giảng dạy. Nếu không theo kịp xu hướng này, trường có thể bị tụt lại phía sau so với các đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng công nghệ cũng đồng nghĩa với việc HCMUTE phải đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng, từ đó cần có các biện pháp bảo mật thông tin hiệu quả hơn để bảo vệ dữ liệu của sinh viên và giảng viên. Ngoài ra, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo từ thị trường lao động đặt ra thách thức lớn cho HCMUTE. Nhà trường cần liên tục cập nhật và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo để bảo đảm sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng trong thời đại công nghệ số.
4. Về tác động của công nghệ giáo dục đến chất lượng đào tạo
Một là, chiến lược SO nhằm sử dụng các điểm mạnh của tổ chức để khai thác các cơ hội bên ngoài. Cụ thể:
(1) HCMUTE có thể tận dụng cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại và đội ngũ giảng viên chất lượng cao để mở rộng các chương trình đào tạo trực tuyến và kết hợp, không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt của sinh viên. Nhà trường nên phát triển thêm nhiều khóa học trực tuyến, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như công nghệ thông tin và kỹ thuật nhằm thu hút thêm sinh viên.
(2) Việc hợp tác quốc tế với các trường đại học danh tiếng có thể giúp HCMUTE cập nhật các phương pháp giảng dạy tiên tiến và mở rộng cơ hội cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi quốc tế. Sự kết hợp giữa các khóa học trực tuyến và chương trình trao đổi sẽ tạo ra một môi trường học tập phong phú giúp sinh viên phát triển toàn diện.
(3) Chiến lược xây dựng hệ thống quản lý học tập thông minh tích hợp AI tại HCMUTE sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại và thư viện số phong phú của trường, kết hợp với xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI. Hệ thống này sẽ tích hợp các công nghệ AI tiên tiến như học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để cung cấp trải nghiệm học tập cá nhân hóa cho sinh viên. Cụ thể, AI sẽ phân tích dữ liệu học tập của từng sinh viên để tạo ra lộ trình học tập tùy chỉnh, đề xuất tài liệu phù hợp từ thư viện số và tự động đánh giá tiến độ học tập. Hệ thống cũng sẽ tích hợp chatbot thông minh để hỗ trợ sinh viên 24/7 cũng như công cụ phân tích dự đoán để giúp giảng viên xác định sớm những sinh viên có nguy cơ gặp khó khăn trong học tập. Việc triển khai hệ thống này sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục và củng cố vị thế của HCMUTE như một trường đại học tiên phong trong ứng dụng công nghệ giáo dục.
Hai là, chiến lược ST sử dụng các điểm mạnh để giảm thiểu tác động tiêu cực từ các mối đe dọa bên ngoài.
(1) Để giảm thiểu cạnh tranh từ các trường đại học khác, HCMUTE cần phát huy chương trình đào tạo đa dạng và chất lượng giảng dạy vượt trội. Đồng thời, có thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm về công nghệ giáo dục, mời các chuyên gia trong ngành đến chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức mới. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của trường mà còn thu hút sự quan tâm của sinh viên và phụ huynh.
(2) HCMUTE cần phải đầu tư vào việc cải thiện an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu của sinh viên và giảng viên. Việc xây dựng một hệ thống bảo mật thông tin vững chắc sẽ giúp tăng cường niềm tin của sinh viên vào việc sử dụng công nghệ trong học tập.
(3) Chiến lược phát triển các chương trình đào tạo liên kết quốc tế trực tuyến tại HCMUTE sẽ tận dụng đội ngũ giảng viên chất lượng cao và thư viện số phong phú của trường để đối phó với cạnh tranh ngày càng tăng và đáp ứng yêu cầu cao của thị trường lao động. Cụ thể, nhà trường sẽ hợp tác với các trường đại học uy tín để xây dựng các chương trình đào tạo trực tuyến chất lượng cao, kết hợp giữa giảng dạy trực tiếp và trực tuyến. Các chương trình này sẽ tận dụng công nghệ học tập tiên tiến như hệ thống quản lý học tập thông minh, video bài giảng tương tác và các công cụ hợp tác trực tuyến để tạo ra trải nghiệm học tập đa dạng và hiệu quả. Đồng thời, Nhà trường sẽ tích hợp các nguồn tài liệu số từ thư viện vào nội dung khóa học, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức cập nhật và đa dạng. Chiến lược này không chỉ giúp HCMUTE mở rộng phạm vi đào tạo và thu hút sinh viên mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của sinh viên trên thị trường lao động toàn cầu.
Ba là, chiến lược WO nhằm khắc phục điểm yếu bằng cách tận dụng các cơ hội bên ngoài.
(1) Để khắc phục trình độ nguồn nhân lực chưa đồng đều, HCMUTE cần tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giảng viên về công nghệ giáo dục. Việc này không chỉ giúp giảng viên nâng cao kỹ năng mà còn cải thiện chất lượng giảng dạy, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của sinh viên.
(2) Trường cũng nên xem xét việc phát triển các chính sách hỗ trợ cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ do thiếu thiết bị hoặc kết nối internet. Việc cung cấp thiết bị học tập hoặc hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
(3) Để khắc phục việc chưa khai thác hết tiềm năng công nghệ, HCMUTE nên xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện. Chiến lược cần tập trung vào việc số hóa toàn bộ quy trình quản lý, xây dựng hệ thống thông tin quản lý tích hợp, phát triển các phương pháp giảng dạy trực tuyến kết hợp công nghệ AI và VR/AR, tạo môi trường học tập số hóa với tài liệu học tập điện tử và các ứng dụng hỗ trợ học tập thông minh. Đồng thời, tích hợp công nghệ vào tất cả các khía cạnh của quá trình đào tạo, từ giảng dạy đến đánh giá và quản lý học tập.
Bốn là, chiến lược WT nhằm giảm thiểu điểm yếu và hạn chế tác động của mối đe dọa.
(1) Để đối phó với cạnh tranh ngày càng gia tăng, HCMUTE cần phải cải thiện chính sách quản lý để bảo đảm tính nhất quán trong việc áp dụng công nghệ giáo dục. HCMUTE nên xây dựng một khung chính sách rõ ràng về việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập, từ đó giảm thiểu những khó khăn trong quá trình triển khai.
(2) Cần phải theo dõi sát sao sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ để kịp thời cập nhật và cải tiến hệ thống giảng dạy. Việc thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về công nghệ mới sẽ giúp cả giảng viên và sinh viên nắm bắt kịp thời những xu hướng mới trong giáo dục.
(3) Để đối phó với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và khắc phục việc chưa khai thác hết tiềm năng công nghệ, HCMUTE cần xây dựng đội ngũ chuyên gia về công nghệ giáo dục trong nhà trường, chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến, bảo đảm chương trình đào tạo luôn được cập nhật và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp công nghệ và các trường đại học hàng đầu cũng là những biện pháp quan trọng để phát triển đội ngũ chuyên gia công nghệ giáo dục có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Trong thực tế, Nhà trường đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Việc phân tích ma trận SWOT-TOWS về tác động của công nghệ giáo dục đến chất lượng đào tạo tại HCMUTE sẽ giúp đánh giá toàn diện các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, từ đó, đề xuất các chiến lược phù hợp để tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường (Bảng 4.1).
Bảng 4.1: Ma trận SWOT-TOWS về tác động của công nghệ giáo dục đến chất lượng đào tạo
tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Điểm mạnh S | Điểm yếu W | |
S1: Cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại: hệ thống server và trung tâm dữ liệu được đầu tư bài bản hỗ trợ giảng dạy trực tuyến hiệu quả, cùng với phần mềm quản lý học tập và mạng thông tin tốc độ cao. S2: Đội ngũ giảng viên chất lượng: giảng viên có trình độ chuyên môn cao, thường xuyên được đào tạo và cập nhật kiến thức mới về công nghệ giáo dục. S3: Chương trình đào tạo đa dạng: nhiều khóa học trực tuyến và mô hình blended learning, đặc biệt là chương trình UTEx-MOOC thu hút đông đảo sinh viên tham gia. S4: Thư viện số với nguồn tài liệu phong phú | W1: Trình độ nguồn nhân lực chưa đồng đều: không phải tất cả giảng viên đều quen thuộc với công nghệ mới và phương pháp giảng dạy trực tuyến, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. W2: Chính sách quản lý chưa đồng bộ: các quy định và chính sách hỗ trợ cho việc áp dụng công nghệ giáo dục thiếu tính nhất quán, gây khó khăn trong triển khai. W3: Khả năng tiếp cận hạn chế: một số sinh viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ do thiếu thiết bị hoặc kết nối internet ổn định. W4: Chưa khai thác hết tiềm năng công nghệ trong một số lĩnh vực đào tạo. | |
Cơ hội O | S-O | W-O |
O1. Chuyển đổi số trong giáo dục: chính phủ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, mở ra nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển nền tảng học tập từ xa. O2. Nhu cầu học tập linh hoạt: sinh viên có nhu cầu học tập linh hoạt hơn qua các nền tảng trực tuyến, khuyến khích mở rộng khóa học trực tuyến. O3. Hợp tác quốc tế: ký kết hợp tác với các trường đại học quốc tế giúp cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến và mở rộng cơ hội trao đổi sinh viên. O4. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, VR/AR trong giáo dục | SO1: Phát triển thêm nhiều khóa học trực tuyến chất lượng cao, tận dụng hệ thống UTEx kết hợp với công nghệ AI và VR/AR (S1, S3, O1, O2, O4) SO2: Thiết lập các chương trình hợp tác quốc tế, tận dụng đội ngũ giảng viên chất lượng để cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến (S2, O3) SO3: Xây dựng hệ thống quản lý học tập thông minh tích hợp AI (S1, S4, O1, O4) | WO1: Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng số cho giảng viên (W1, O1, O4) WO2: Xây dựng chính sách hỗ trợ sinh viên tiếp cận công nghệ, như cung cấp thiết bị học tập hoặc hỗ trợ tài chính (W3, O2) WO3: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện cho nhà trường (W2, W4, O1, O4) |
Nguy cơ T | S-T | W-T |
T1. Cạnh tranh gia tăng: nhiều trường đại học khác cũng đầu tư mạnh vào công nghệ giáo dục để thu hút sinh viên, tạo áp lực cạnh tranh lớn hơn cho HCMUTE. T2. Thay đổi nhanh chóng của công nghệ: đòi hỏi HCMUTE phải liên tục cập nhật và cải tiến hệ thống giảng dạy để không bị tụt lại phía sau. T3. Rủi ro an ninh mạng: tăng cường sử dụng công nghệ đồng nghĩa với việc đối mặt với rủi ro về an ninh mạng, cần có biện pháp bảo mật thông tin hiệu quả hơn để bảo vệ dữ liệu của sinh viên và giảng viên. T4. Yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo từ thị trường lao động | ST1: Tăng cường chất lượng giảng dạy bằng cách sử dụng đội ngũ giảng viên có trình độ cao để phát triển chương trình đào tạo, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trước sự gia tăng cạnh tranh từ các trường khác (S2, T1) ST2: Đầu tư vào bảo mật thông tin nhằm bảo vệ dữ liệu của sinh viên và giảng viên giúp giảm thiểu rủi ro an ninh mạng khi áp dụng công nghệ giáo dục (S1, T3). ST3: Phát triển các chương trình đào tạo liên kết quốc tế trực tuyến (S2, S4, T1, T4) | WT1: Hoàn thiện chính sách quản lý để bảo đảm tính nhất quán trong việc áp dụng công nghệ giáo dục, giúp giảm thiểu khó khăn trong quá trình triển khai và đối phó với áp lực cạnh tranh (W2, T1). WT2: Cập nhật hệ thống giảng dạy thường xuyên, theo dõi sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ để kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo, tránh tụt lại phía sau so với các đối thủ cạnh tranh (W1, T2) WT3: Xây dựng đội ngũ chuyên gia về công nghệ giáo dục trong nhà trường (W1, W4, T2, T4) |
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp
5. Một số khuyến nghị
Thứ nhất, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ. Nhà trường nên tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, bao gồm: hệ thống server, phần mềm quản lý học tập và mạng thông tin tốc độ cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các khóa học trực tuyến và nâng cao trải nghiệm học tập của sinh viên.
Thứ hai, phát triển chương trình đào tạo trực tuyến. Mở rộng và cập nhật chương trình UTEx-MOOC với nhiều khóa học mới và nội dung phong phú hơn. Tận dụng hệ thống UTEx kết hợp với công nghệ AI không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt của sinh viên mà còn thu hút thêm số lượng sinh viên tham gia góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ ba, tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên. Nhà trường cần tổ chức thường xuyên các khóa bồi dưỡng cho giảng viên về công nghệ giáo dục và phương pháp giảng dạy hiện đại. Nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên sẽ cải thiện chất lượng giảng dạy và sự hài lòng của sinh viên.
Thứ tư, thúc đẩy hợp tác các trường đại học trong nước và quốc tế. Thiết lập các chương trình hợp tác với các trường đại học để trao đổi giảng viên và sinh viên. Việc này giúp cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến và mở rộng cơ hội cho sinh viên tham gia vào các chương trình trao đổi quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ năm, cải thiện chính sách hỗ trợ sinh viên. Xây dựng quỹ hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và cung cấp thiết bị học tập như laptop hoặc máy tính bảng. Giúp tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cho sinh viên, bảo đảm mọi sinh viên đều có cơ hội tham gia vào các khóa học trực tuyến.
Thứ sáu, hoàn thiện chính sách quản lý. Phát triển bộ quy định chi tiết về việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và đánh giá kết quả học tập. Chính sách này sẽ bảo đảm tính nhất quán trong việc triển khai công nghệ giáo dục, giảm thiểu khó khăn trong quá trình áp dụng và tăng cường sự đồng thuận giữa giảng viên và sinh viên. Theo dõi và cập nhật công nghệ thường xuyên. Thành lập một nhóm chuyên trách theo dõi xu hướng công nghệ giáo dục mới nhất để kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo. Điều chỉnh chương trình đào tạo luôn cập nhật với những yêu cầu mới nhất của thị trường lao động, giúp sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
6. Kết luận
Nghiên cứu về tác động của công nghệ giáo dục đến chất lượng đào tạo tại HCMUTE đã chỉ ra những điểm mạnh đáng kể như cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, đội ngũ giảng viên chất lượng cao và chương trình đào tạo đa dạng. Tuy nhiên, Trường vẫn phải đối mặt với một số thách thức như trình độ ứng dụng công nghệ chưa đồng đều và chính sách quản lý chưa đồng bộ. Nghiên cứu đã đề xuất nhiều chiến lược quan trọng như phát triển hệ thống quản lý học tập thông minh tích hợp AI, mở rộng hợp tác quốc tế và xây dựng đội ngũ chuyên gia về công nghệ giáo dục. Để nâng cao chất lượng đào tạo, HCMUTE cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển chương trình đào tạo trực tuyến, tăng cường đào tạo kỹ năng số cho giảng viên và hoàn thiện chính sách quản lý. Những nỗ lực này sẽ giúp HCMUTE không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của sinh viên mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục đại học trong kỷ nguyên số.
Tài liệu tham khảo:
1. Gusho, L., Muçaj, A., Petro, M., & Vampa, M. (2023). The use of educational technology to improve the quality of learning and teaching: A systematic research review and new perspectives. International Journal of Emerging Technologies in Learning (Online), 18 (15), 109.
2. Higgins, S., Xiao, Z., & Katsipataki, M. (2012). The Impact of Digital Technology on Learning: A Summary for the Education Endowment Foundation. Full Report. Education Endowment Foundation.
3. Huang, R., Spector, M.J., & Yang, J. (2019). Educational technology a primer for the 21st century. Springer Nature Singapore Pte Ltd.
4. Januszewski, A. (2008). Educational technology: A definition with commentary. Routledge.
5. Kalyani, L. K. (2024). The role of technology in education: Enhancing learning outcomes and 21st century skills. International journal of scientific research in modern science and technology, 3(4), 05-10.
6. Kaputa, V., Loučanová, E., & Tejerina-Gaite, F. A. (2022). Digital transformation in higher education institutions as a driver of social oriented innovations. Social innovation in higher education, 61, 81-85.
7. Karmon, A. (2021). Education for Meaning: What Is It and Why Do We Need It? International Journal for Talent Development and Creativity, 9(1), 157-178.
8. Weihrich, H. (1982). The TOWS matrix-A tool for situational analysis. Long range planning, 15 (2), 54-66.
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học, mã số T2024-221.