ThS. Đào Bích Hạnh
Trường Đại học Quy Nhơn
Trần Thị Mỹ Dung
Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn
(Quanlynhanuoc.vn) – Bình Định là địa phương sở hữu nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tác động tích cực đến sự phát triển văn hóa và du lịch, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bình Định
Từ khóa: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; bảo tồn và phát huy; tỉnh Bình Định.
1. Đặt vấn đề
Bình Định vốn được xưng tụng là “đất võ, trời văn”1, là nơi ra đời của nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vô cùng phong phú và độc đáo. Đến nay, toàn tỉnh có 6 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: võ Cổ truyền Bình Định2, hát bội Bình Định, nghệ thuật Bài chòi Bình Định3, Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn4, nghề chằm nón ngựa Phú Gia5, lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý6. Trong đó, nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại từ năm 20177.
2. Thực trạng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định
Hiện nay, Nhà nước quy định cụ thể 10 nội dung cơ bản về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia8.
(1) Về ban hành văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 tạo ra hành lang pháp lý cho bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo căn cứ ban hành các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Định đã triển khai Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 25/4/2022 và Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 24/02/2023 để thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
(2) Về phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong bảo tồn và phát huy di sản. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức liên quan. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã phối hợp nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê di sản, đề nghị xếp hạng, công nhận và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, thành lập tổ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong bảo tồn và phát huy di sản.
(3) Về kiểm kê, phân loại, ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, UBND tỉnh khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp tài liệu với mục tiêu làm rõ giá trị lịch sử và tiềm năng phát triển của văn hóa địa phương. Hiện nay, UNND tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh lan tỏa ra cộng đồng trong nước và quốc tế.
(4) Về truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn, phục dựng, khai thác và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đến nay, nghệ thuật Bài chòi được khôi phục và truyền dạy tại 35 nhóm và 28 câu lạc bộ ở các huyện, thị xã với sự tham gia của trên 200 nghệ nhân, Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú. Tỉnh còn có Đoàn tuồng Đào Tấn, 11 Đoàn tuồng ngoài công lập hoạt động thường xuyên, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa trong và ngoài tỉnh. Võ Cổ truyền Bình Định được đẩy mạnh truyền dạy tại 177 võ đường với 2 Nghệ nhân Nhân dân, 7 Nghệ nhân Ưu tú, 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư và 415 huấn luyện viên9.
(5) Về huy động, quản lý, sử dụng kinh phí để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh đã chuyển đổi nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sang nguồn vốn đầu tư do tỉnh quản lý. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã đóng góp, tài trợ làm diện mạo văn hóa trở nên khởi sắc góp phần hình thành các sản phẩm văn hóa – du lịch hấp dẫn và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
(6) Về chính sách đối với nghệ nhân, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh có 7 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, 35 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Đáng chú ý, một số nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn đang được chính quyền hỗ trợ thông qua chế độ hằng tháng theo chính sách đãi ngộ của Nhà nước, không chỉ giúp họ ổn định cuộc sống mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp tục cống hiến và phát huy giá trị văn hóa của Bình Định10.
(7) Về quản lý tổ chức và hoạt động lễ hội, các lễ hội được tổ chức đúng theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ, bảo đảm không có những hiện tượng biến tướng tiêu cực, phản cảm. Người tham gia lễ hội đã thực hiện nếp sống văn minh, giúp khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Hoạt động lễ hội góp phần củng cố và tăng cường tính cộng đồng, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống; đồng thời, nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, quảng bá hình ảnh con người Bình Định, thu hút du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.
(8) Về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, kế hoạch số hóa hệ thống tư liệu và hiện vật trưng bày tại các bảo tàng được triển khai nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể trên nền tảng công nghệ số, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và quảng bá. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thu hút hàng nghìn học viên tham gia. Các hoạt động tập huấn bao gồm trình diễn Nghệ thuật Bài chòi dân gian, tập huấn Võ Cổ truyền Bình Định và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về bảo quản, tu bổ và phục hồi di sản văn hóa.
(9) Về hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tỉnh đã đăng cai tổ chức 7 kỳ liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam, thu hút hàng chục đoàn võ thuật trong và ngoài nước cùng với hàng nghìn võ sư, võ sĩ, võ sinh tham gia. Sở Văn hóa và Thể thao cũng cử các đơn vị nghệ thuật tham gia biểu diễn ở nước ngoài. Các hoạt động giao lưu văn hóa này đã góp phần quảng bá nét đẹp truyền thống của Bình Định đến với công chúng, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế.
(10) Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để tổ chức thanh, kiểm tra thường xuyên. Mục tiêu của hoạt động này là phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bình Định, vẫn còn một số hạn chế khiến công tác này chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng.
Thứ nhất, phân cấp quản lý di sản văn hoá phi vật thể quốc gia ở địa phương chưa hoàn toàn đồng bộ. Việc phân cấp và ủy quyền chưa được đẩy mạnh đến cơ sở, dẫn đến chồng chéo và thiếu rõ ràng trong trách nhiệm quản lý. Ngoài ra, do công chức được phân công kiêm nhiệm nên việc thực thi nhiệm vụ và quyền hạn về bảo tồn di sản chưa được bảo đảm, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn chung cho quản lý.
Thứ hai, nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia không đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác huy động vốn bên ngoài chưa đạt như kỳ vọng nhưng nhiều đơn vị địa phương vẫn thụ động, có tâm lý chờ đợi và lệ thuộc vào nguồn vốn ngân sách.
Thứ ba, sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước đối với nghệ nhân vẫn hạn chế. Chế độ đãi ngộ còn một số vướng mắc, phần lớn nằm trên văn bản và chưa được thực hiện hiệu quả trong thực tế, chưa phải là ưu tiên trong công tác quản lý nhà nước.
Thứ tư, các công nghệ hiện đại chủ yếu được áp dụng vào bảo tồn di sản văn hóa vật thể mà chưa được áp dụng nhiều vào bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Do hạn chế về công nghệ, việc quảng bá hình ảnh và giá trị lịch sử của di sản văn hóa phi vật thể chưa có hiệu quả cao, tiêu tốn nhiều nguồn lực mà kết quả thấp hơn kỳ vọng.
Thứ năm, mức độ đầu tư và quan tâm đối với 6 di sản được công nhận vẫn chưa đồng nhất. Hiện nay, tỉnh tập trung đầu tư quảng bá và phát huy các giá trị Nghệ thuật trình diễn dân gian nhưng đối với loại hình Lễ hội truyền thống và nghề truyền thống lại ít được chú trọng, khiến thông tin về di sản chưa lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng và khách du lịch. Còn nhiều người dân chưa biết đến Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn, Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý cũng như Nghề chằm nón ngựa Phú Gia.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do:
Một là, thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh dẫn đến chồng chéo và chưa rõ ràng trong trách nhiệm quản lý, một số quy định của Luật Di sản văn hóa vẫn còn chung chung, gây khó khăn cho thực thi. Đơn cử như chưa có quy dịnh cụ thể về chế độ đãi ngộ đối với Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú, chưa quy định về nội dung và cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội. Theo Luật Di sản văn hóa, UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương theo phân cấp của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 chưa quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp trong việc quản lý về di sản văn hóa phi vật thể từ cấp tỉnh cho cấp huyện.
Hai là, đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế năng lực, chưa thể hiện sự chủ động và nỗ lực cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Một phần nguyên nhân do phân công chưa phù hợp với chuyên môn, phân công kiêm nhiệm, dẫn đến công chức không đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ba là, ngân sách nhà nước không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế, phải dàn mỏng cho công tác nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và quảng bá. Nguồn lực tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có tăng nhưng còn hạn chế.
Bốn là, thiếu nguồn thông tin và dữ liệu để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do bản thân di sản chứa đựng nhiều loại hình và nội dung phức tạp, thiếu đầu tư cho thu thập và lưu trữ dữ liệu, thiếu chuyên gia và nhân sự có chuyên môn thu thập dữ liệu di sản, hạn chế của công nghệ, phương pháp thu thập và lưu trữ dữ liệu. Ngoài ra, di sản văn hóa phi vật thể vốn đã mai một ở mức độ nhất định dưới sức ảnh hưởng của thời gian và các yếu tố kinh tế – xã hội.
3. Một số khuyến nghị về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định
Thứ nhất, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần phải được thực hiện theo trình tự, có quy trình thống nhất, góp phần phát triển văn hóa và giáo dục. Cần bảo đảm nghiên cứu tổng hợp để tập hợp, biên soạn tài liệu như sách, báo cáo khoa học và các đề tài nghiên cứu có liên quan, từ đó, đánh giá và đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả. Tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo để trao đổi chuyên môn. Tiến hành khảo sát thực địa, sưu tầm, ghi hình, sao chép và biên soạn tư liệu, tư liệu hóa hình ảnh và dữ liệu.
Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn cấp tỉnh. Theo đó, Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, làm căn cứ xây dựng chính sách cụ thể cho địa phương. Các cơ quan chuyên môn tập trung điều phối tổ chức thực hiện nhiệm vụ quảng bá di sản, có cơ chế đánh giá thường xuyên về hiệu quả hoạt động của từng cá nhân, bộ phận thực thi nhiệm vụ dựa trên các chỉ số, như: số lượng di sản được bảo tồn, số lượng người tham gia hoạt động văn hóa, số lượng dự án thành công, độ phủ sóng trên truyền thông, sự hài lòng của cộng đồng…
Thứ ba, bảo đảm phủ sóng tuyên truyền, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể với mục tiêu tăng cường nhận thức và sự quan tâm của công chúng. Mở rộng các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm đến với cộng đồng địa phương và du khách nhằm tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng di sản. Đẩy mạnh giáo dục học đường thông qua đào tạo, mở khóa học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào trường học. Tăng cường truyền thông bằng các nền tảng quảng cáo, truyền hình, mạng xã hội, báo chí. Thông qua các hội thảo, các cuộc thi, hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ… để thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ lưu trữ và bảo quản di sản văn hóa lâu dài. Hiện nay, các công nghệ mới như quét 3D, chụp ảnh panoramik, thu âm chất lượng cao… là công cụ hỗ trợ đắc lực tạo cơ sở dữ liệu số, trưng bày trực tuyến, phục vụ giáo dục, giúp bảo quản di sản, tăng cường truy cập để nâng cao mức độ hiểu biết. Phát triển ứng dụng di động, web giúp truyền tải thông tin di sản và phổ biến các trò chơi mang tính giáo dục. Xây dựng các nền tảng học trực tuyến, thư viện số, mở chương trình, khóa học cung cấp không gian nghiên cứu di sản. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) phục vụ trưng bày, hướng dẫn tham quan, tạo trải nghiệm tương tác sống động cho người tiếp cận. Tuy nhiên, môi trường không gian mạng phải bảo đảm an toàn, bảo vệ dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể nên cần có các chương trình mã hóa, lưu trữ đám mây, kiểm soát lượt truy cập để bảo đảm an toàn thông tin và phục vụ cho quản lý, bảo mật.
Thứ năm, vận động sự hỗ trợ của cộng đồng và hợp tác quốc tế bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định. Khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn di sản; xây dựng không gian văn hóa cộng đồng; hợp tác với nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà văn hóa; tổ chức hoạt động văn hóa cho trẻ em và thanh niên. Mở rộng hợp tác quốc tế để nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm.
4. Kết luận
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là quá trình lâu dài, mang lại giá trị kinh tế – xã hội cho mỗi địa phương sở hữu di sản và góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Với 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Bình Định đã nỗ lực đạt nhiều thành tích bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhưng vẫn không tránh khỏi hạn chế. Để Bình Định đạt được mức độ kỳ vọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điều cần thiết là triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục triệt để nguyên nhân dẫn đến yếu kém trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, rất cần định hướng cơ bản hơn nữa từ phía các bộ, ngành nhằm hỗ trợ địa phương thông qua hệ thống pháp luật và chính sách chung.
Chú thích:
1. Nguyễn Đình Tư (2014). Lịch sử và văn hóa Bình Định. H. NXB. Văn hóa Thông tin, tr. 5.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2012). Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2012 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014). Quyết định số 2648/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022). Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 04/8/2022 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2024). Quyết định số 956/QĐ-BVHTTDL ngày 09/4/2024 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
6. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (2024). Quyết định số 3944/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
7. UNESCO (2017). Twelfth session, Jeju Island, Republic of Korea: Convention for the safeguarding of the intangible cultural heritage, p.88-89.
8. Chính phủ (2024). Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
9, 10. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định (2023). Báo cáo số 50/BC-UBND ngày 04/4/2023 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định.