Một số biện pháp tăng cường giáo dục liêm chính của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới

Thượng tá, ThS. Đoàn Đình Thảo
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Liêm – Chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày. Giáo dục Liêm – Chính cho cán bộ, đảng viên hiện nay là một trong những nội dung “gốc rễ”, nền tảng để xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, “mẫu mực, tiêu biểu”, có ý nghĩa quyết định trong ngăn ngừa và đấu tranh với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.

Từ khóa: Giáo dục liêm chính, cán bộ, đảng viên, nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực.

1. Đặt vấn đề

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức cách mạng, Người yêu cầu tất cả mọi người đều phải rèn luyện đức “Liêm chính”; đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải làm gương “Liêm chính” cho Nhân dân học tập, noi theo.

Trên phương diện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Liêm” là trong sạch, không tham lam; luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước và của Nhân dân; không tham địa vị, tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy, người cách mạng luôn quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa; chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. “Chính” nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Người có đức Chính là người chính trực, đúng mực, công tâm, luôn hành động theo lẽ phải, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, dù làm bất cứ việc gì, ở địa vị nào đều phải giải quyết ba mối quan hệ. Đối với mình: không tự kiêu, tự đại, không tự cho mình là người giỏi nhất; sống độ lượng, có chí tiến thủ; biết tự phê bình, tự kiểm điểm. Đối với người: phải thực sự yêu quý, kính trọng nhân dân; sống chân thành, không “thiên tư, thiên vị”; khiêm tốn học hỏi, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đối với việc: phải tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; biết đặt việc chung, lợi ích chung của tập thể, của Đảng lên trên hết, trước hết.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là trụ cột trong quá trình điều hành, quản lý và phát triển xã hội. Vì lẽ đó, xây dựng Đảng phải bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ trước hết phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức. Xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự Liêm- Chính. Bởi, Liêm – Chính là phẩm chất quan trọng nhất trong nhân cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Đồng thời, trong tình hình hiện nay, uy tín của Đảng phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng mà trên hết, trước hết là đức Liêm – Chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên phải xác định việc rèn luyện, tu dưỡng và thực hành Liêm – Chính như một yêu cầu, nguyên tắc đạo đức bắt buộc, phải thực hiện thường xuyên.

2. Một số biện pháp tăng cường giáo dục liêm chính của cán bộ, đảng viên hiện nay

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, người đứng đầu đối với giáo dục liêm chính của cán bộ, đảng viên.

Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp phải coi công tác giáo dục liêm chính là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả việc học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, các văn bản, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và các hành vi bao che, dung túng, cản trở công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương.

Duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; đề cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, cấp ủy, cần lựa chọn một chủ đề hoặc một câu chuyện, tấm gương “liêm chính” để giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên học tập và noi theo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức vụ, quyền hạn. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực”. Trong trường hợp cần thiết, cấp ủy cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp tham dự, chỉ đạo những chi ủy, chi bộ có đảng viên biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm chuẩn mực về liêm chính và có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính của cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy đảng, chính quyền ở các cấp chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, gắn với giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng; chú trọng bồi dưỡng về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên; hình thành văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp. Đưa nội dung giáo dục, bồi dưỡng về liêm chính vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên hằng năm. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục liêm chính trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát thanh nội bộ ở địa phương và ở các cơ quan, đơn vị. Khai thác, sử dụng hiệu quả các phương thức truyền thông hiện đại trên mạng Internet, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Phát huy vai trò của các lực lượng chuyên trách phổ biến giáo dục pháp luật trong việc tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đa dạng hóa hơn nữa các hình thức tuyên truyền, giáo dục như: thông qua các buổi sinh hoạt, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, xem phim tư liệu; tổ chức tọa đàm, hội thi kể chuyện, các cuộc thi tìm hiểu về tấm gương đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh…; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng; tổ chức học tập “Mỗi ngày một lời Bác Hồ dạy” bằng pano, áp phích, bảng điện tử… Đặc biệt, kết hợp việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân gương mẫu trong học tập và thực hành liêm chính.

Ba là, nêu cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân, nhất là phải đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu. Cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân; cho quần chúng noi theo, phải tiên phong nêu gương về đạo đức, giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công minh, chính trực. Đảng lãnh đạo bằng “hành động gương mẫu của đảng viên”, dân có tin Đảng hay không là phụ thuộc vào sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Nếu đảng viên không gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, rèn luyện đạo đức, lối sống, thì các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khó thực hiện được, thậm chí bị thực hiện sai; khi đó, nhân dân sẽ thiếu tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách, công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng và Nhà nước.

Trong điều kiện hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên cần tăng cường hơn nữa rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hành văn hóa liêm chính; phát huy tinh thần tự giác, tích cực, sáng tạo trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói” của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo quản lý các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy ý thức tự giác, gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm việc rèn luyện đạo đức liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được tiến hành trên tinh thần chủ động, tự giác ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh và thường xuyên, liên tục. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Bốn là, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thực hành liêm chính của cán bộ, đảng viên.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Đề cao ý thức tự quản lý của cán bộ, đảng viên; yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống, gương mẫu giữ gìn phẩm chất người chiến sĩ cộng sản. Kiên quyết sàng lọc, không để lọt những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong công tác giáo dục liêm chính, việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong giải quyết công việc. Chú trọng công tác tự kiểm tra việc thực hành liêm chính trong nội bộ cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa; kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, chuẩn mực liêm chính để chấn chỉnh; đồng thời, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương điển hình về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, liêm chính.

Tăng cường cải cách hành chính, xây dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi tập thể, cá nhân. Kiên quyết khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc và biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng liêm chính, thực sự xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.

3. Kết luận

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đánh giá: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm việc thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám đổi mới sáng tạo”1. Chính vì lẽ đó, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên”2 nhằm xây dựng đội ngũ “cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tăng cường giáo dục liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên có tính cấp thiết và cần được đặc biệt chú trọng.

Chú thích:
1, 2. Dự thảo các văn kiện trình đại hội lần thứ XIV của Đảng, tr. 11, 181.