Pháp luật về quyền của lao động là người khuyết tật tại một số quốc gia – Kinh nghiệm cho Việt Nam

Lê Thị Hồng Liễu
Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Từ góc độ nhân quyền, người khuyết tật là thành viên của xã hội có quyền và cơ hội như mọi người khác để cuộc sống có chất lượng, trong đó quyền lao động là nhóm quyền kinh tế có ý nghĩa lớn đối với họ. Hiện nay, việc hài hòa hóa pháp luật về người lao động là người khuyết tật trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là cần thiết để thúc đẩy hợp tác, xây dựng chuẩn mực chung về quyền của nhóm người yếu thế. Bài viết nghiên cứu dữ liệu thứ cấp và quy phạm pháp luật một số quốc gia điển hình trong khối ASEAN, như: Indonesia, Thái Lan, Singapore. Trên cơ sở đối chiếu, tiếp thu có chọn lọc nhằm khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam, hướng đến sự đồng thuận khung pháp lý về bảo vệ lao động là người khuyết tật giữa các nước ASEAN trong thời gian tới.
Từ khóa: Hài hòa hóa pháp luật; lao động là người khuyết tật; luật quốc tế; ASEAN; luật quốc tế khu vực; bảo vệ lao động là người khuyết tật; chống phân biệt đối xử.
1. Đặt vấn đề
Năm 2023, khai mạc phiên họp của Ủy ban Liên Hiệp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) tại Geneva, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc về quyền của người khuyết tật cảnh báo các quốc gia phải ưu tiên điều kiện làm việc, cơ hội nghề nghiệp và kỹ năng người khuyết tật1. Hiện nay, đã có nhiều khuôn khổ pháp lý quốc tế, khu vực nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động là người khuyết tật, điển hình, như: Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD); Khung Hoạt động chiến lược đối tác của Liên Hiệp quốc về quyền của người khuyết tật (PRPD) giai đoạn 2020 – 2025; Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp quốc về phát triển bền vững đặc biệt, bao gồm người khuyết tật; Chiến lược Seoul dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cung cấp gồm 10 mục tiêu phát triển dành riêng cho người khuyết tật; Kế hoạch tổng thể về hỗ trợ ASEAN năm 2025 cam kết về hòa nhập lao động là người khuyết tật.
Khung chính sách của ASEAN đối với thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật bắt nguồn từ Tuyên bố Bali về nâng cao vai trò và sự tham gia của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN (2011), kêu gọi hiện thực hóa hòa nhập người khuyết tật bằng cách xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, đa dạng hóa dịch vụ xã hội, phát triển các chương trình an sinh xã hội, cơ hội tiếp cận giáo dục và việc làm2. Theo nghiên cứu Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á và Thái Bình Dương cho thấy, GDP của các nước châu Á – Thái Bình Dương có thể tăng 1% đến 7% khi có việc làm dành cho người khuyết tật3.
Tuy nhiên, hiện nay người lao động là người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm. Cụ thể theo báo cáo của UNDP, trên toàn cầu có hơn một tỷ người khuyết tật hoặc 16% dân số thế giới có nguy cơ thất nghiệp cao hơn 50% so với những người cùng lứa tuổi không khuyết tật trên thị trường lao động4. Trong nội khối ASEAN, luật pháp quốc gia về quyền làm việc bình đẳng cho người khuyết tật có sự khác biệt đáng kể, bộc lộ những khoảng trống nhất định trong việc bảo vệ pháp lý về chống phân biệt đối xử đối với lao động là người khuyết tật.
2. Pháp luật một số quốc gia ASEAN về quyền của lao động là người khuyết tật
Bảo vệ quyền của lao động là người khuyết tật thông qua chính sách pháp luật các quốc gia ASEAN thể hiện sự bình đẳng, chống phân biệt đối xử và giải quyết những hạn chế của họ thông qua các mô hình xã hội tương thích5, xoay quanh các mục tiêu chính: (1) Thúc đẩy việc làm bền vững cho lao động là người khuyết tật; (2) Bảo đảm quyền làm việc của lao động là người khuyết tật; (3) Xây dựnghệ thống dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động là người khuyết tật phù hợp.

Thứ nhất, thúc đẩy việc làm bền vững cho lao động là người khuyết tật.

Hiện nay, một số nước ASEAN đã có những nỗ lực nghiêm túc nhằm thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật bằng cách ban hành luật chống phân biệt đối xử trong lao động bằng cách đưa ra hệ thống hạn ngạch6, cụ thể yêu cầu người sử dụng lao động cam kết tuyển dụng một tỷ lệ nhất định những lao động là người khuyết tật.

Tại Malaysia, Bộ Phúc lợi Xã hội (JKM) chịu trách nhiệm giám sát công việc sáu nhóm đối tượng: trẻ em7, người già, người nghèo, vô gia cư, nạn nhân của thiên tai8 và người khuyết tật9. Với nhận định người khuyết tật là nguồn nhân lực tiềm năng10, tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng, người sử dụng lao động thường tính đến hiệu quả chi phí, do đó lao động là người khuyết tật thường không là lựa chọn ưu tiên11. Do đó, JKM áp dụng hệ thống hạn ngạch trong việc làm đối với lao động là người khuyết tật. Với sáng kiến “Chính sách việc làm 1% cho người khuyết tật”, thông qua vai trò trung gian giữa các cơ quan chính phủ kết nối các đơn vị tuyển dụng, JKM bảo đảm 1% lao động ở khu vực công là lao động là người khuyết tật.

Ngoài ra, Malaysia còn triển khai quy tắc thực hành tuyển dụng người khuyết tật trong khu vực tư nhân12. Đây được xem là “luật mềm” xuất hiện từ năm 1990 với Bộ Quy tắc thực hành tuyển dụng lao động là người khuyết tật trong khu vực tư nhân. Theo Đạo luật Người khuyết tật (Đạo luật 685), ban hành năm 2008 công nhận 7 loại khuyết tật cụ thể là: thể chất, thị giác, thính giác, lời nói, học tập, tâm thần và đa khuyết tật, từ đó đưa ra hướng dẫn liên quan đến khả năng tiếp cận đến môi trường vật chất, kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, việc làm và thông tin. Đạo luật là minh chứng pháp lý rõ ràng nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với cộng đồng người khuyết tật, có ý nghĩa quan trọng đối với ý định tuyển dụng người khuyết tật của người sử dụng lao động. Tương đồng với Malaysia về hạn ngạch việc làm trong cả khu vực công và tư, Singapore đã thông qua phong trào vì người khuyết tật trí tuệ (MINDS)13, công ty Singtel cung cấp công nghệ phù hợp thông qua Trung tâm hỗ trợ đổi mới để thúc đẩy việc làm hòa nhập.

Năm 2020, Indonesia ra đời Luật Tạo việc làm nhằm hiện thực hóa quyền làm việc của lao động là người khuyết tật trong Hiến pháp Cộng hòa Indonesia năm 1945. Chính phủ đã đặt ra ngưỡng tối thiểu cho việc tuyển dụng người khuyết tật. Ít nhất 2% tổng số lao động khu vực công và 1% người khuyết tật trong doanh nghiệp tư nhân phải được tuyển dụng. Nếu công ty không đáp ứng các tiêu chuẩn đã được thiết lập, các biện pháp trừng phạt bao gồm khiển trách bằng văn bản, hạn chế hoạt động của công ty, tạm thời đình chỉ hoạt động của công ty, tạm ngừng hoạt động kinh doanh và thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh của công ty14. Bên cạnh đó, phục hồi lao động là một hoạt động liên tục nhằm duy trì vị trí công việc phù hợp cho người khuyết tật. Tại Indonesia, thông qua chương trình phục hồi chức năng toàn diện (RTW) nhằm mục đích hỗ trợ người lao động là người khuyết tật, bảo đảm rằng hoàn cảnh của họ không khiến họ từ lao động năng suất trở thành người thiếu việc làm15. Với mục tiêu ban đầu là phục hồi chức năng y tế nghề nghiệp, về sau Chính phủ Indonesia đã tạo thêm điều kiện môi trường xung quanh như cải tiến nơi làm việc phù hợp với lao động là người khuyết tật hơn16.

Có thể thấy, các quốc gia ASEAN xây dựng pháp luật lao động hướng đến mục tiêu phát triển việc làm bền vững cho lao động là người khuyết tật ở cả khu vực công và tư nhân. Điều này giúp bảo đảm tiếp cận việc làm toàn diện và đa dạng cho những cá nhân bị suy giảm chức năng xã hội.

Thứ hai, bảo đảm quyền làm việc của lao động là người khuyết tật.

Việc làm và thu nhập là hai yếu tố quan trọng quyết định mức sống của mỗi cá nhân. Việc làm có thể mang lại cho lao động là người khuyết tật sự tự tin và bảo đảm để sống có phẩm giá và sự độc lập17.

Đạo luật Người khuyết tật 685 năm 2008 của Malaysia quy định: “Người sử dụng lao động ở khu vực tư nhân và công cộng phải bảo vệ quyền của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng với những người không khuyết tật, được hưởng những điều kiện sống công bằng và thuận lợi việc làm, bao gồm những cơ hội bình đẳng và thù lao ngang nhau cho những công việc có giá trị như nhau, điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh, bảo vệ khỏi bị quấy rối và khắc phục hậu quả khiếu nại”.

Thái Lan đã thông qua kế hoạch hành động quốc gia đầu tiên về kinh doanh và nhân quyền. Bốn lĩnh vực ưu tiên chính đã được xác định: lao động; cộng đồng, đất đai, tài nguyên và môi trường; người bảo vệ nhân quyền; và đầu tư xuyên biên giới và các doanh nghiệp đa quốc gia18. Đạo luật Trao quyền cho người khuyết tật năm 2007 xây dựng khung pháp lý về đóng góp vào Quỹ người khuyết tật quốc gia đối với doanh nghiệp không sử dụng lao động là người khuyết tật19, miễn trừ thuế được áp dụng đối với một tỷ lệ phần trăm nhất định trên số tiền lương mà người sử dụng lao động trả cho nhân viên khuyết tật. Trường hợp doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật chiếm trên 60% tổng số nhân viên trong thời gian hơn 180 ngày trong năm thì hưởng chính sách miễn thuế20.

Theo Chính phủ Indonesia, khuyết tật có hai dạng chính là do di truyền hoặc do tai nạn, đối với trường hợp khuyết tật do chấn thương do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, Cơ quan An sinh xã hội việc làm (BPJS Ketenagakerjaan) xây dựng chương trình quay trở lại làm việc từ năm 2015, học tập từ kinh nghiệm của Đức và Malaysia21. Cụ thể, người quản lý hồ sơ của BPJS Ketenagakerjaan sẽ hỗ trợ công nhân bị thương bắt đầu từ khi xảy ra tai nạn, điều này diễn ra liên tục xác định kế hoạch quay trở lại làm việc trước khi người lao động có đủ sức khỏe để làm việc22. Đối với trợ cấp tai nạn lao động, BPJS Ketenagakerjaan bao trả dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên nhu cầu y tế, bồi thường bằng tiền mặt và học bổng giáo dục sẽ được cấp cho 2 con phụ thuộc của người được bảo hiểm qua đời hoặc bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn lao động. Bên cạnh đó, tại Điều 153 Luật số 13 năm 2003 cấm các công ty bỏ việc vì lý do người lao động bị thương nặng, tàn tật do bị thương tại nơi làm việc hoặc ốm đau do liên kết công việc và theo chỉ định của bác sĩ vẫn chưa phục hồi sức khoẻ hoàn toàn23.

Singapore là một điển hình của ASEAN đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc hòa nhập người khuyết tật. Theo Diễn đàn Người khuyết tật ASEAN vào năm 2020: “Để bảo đảm và thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ tất cả các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả người khuyết tật, Chính phủ Singapore sẽ phải sửa đổi hoặc bãi bỏ các luật, quy định, phong tục và tập quán hiện hành có tính phân biệt đối xử với người khuyết tật24. Thông qua Luật Bảo vệ Người khuyết tật năm 2007 đã đưa ra các kế hoạch tổng thể hỗ trợ việc làm cho người lao động là người khuyết tật.

Thứ ba, hệ thống dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động là người khuyết tật phù hợp.

Đào tạo nghề có tính hòa nhập có thể giúp giải quyết vấn đề về tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm của người khuyết tật. Việc đào tạo nghề nhằm nâng cao năng lực của lao động là người khuyết tật là mục tiêu của nhiều quốc gia trong ASEAN. Chính phủ Malaysia đã thông qua chương trình nâng cao tài năng (OTEP) nhằm đào tạo kỹ năng phù hợp cho người khuyết tật bảo đảm việc làm25. Tại Indonesia, Trung tâm Đào tạo nghề bao gồm các tổ chức chính phủ thuộc Bộ Nhân lực (MoM) và các cơ sở đào tạo tư nhân cũng hướng đến đào tạo có trách nhiệm nhằm cung cấp chương trình đào tạo phù hợp với người khuyết tật, nếu phù hợp thì theo Mục 7 Đạo luật Phục hồi nghề nghiệp năm 1954, người khuyết tật được chính thức ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp.

Việc thúc đẩy quyền tiếp cận việc làm của người lao động là người khuyết tật không chỉ nằm ở quy định pháp luật mà còn là các hoạt động bổ trợ từ các chủ thể có liên quan. Từ 2017, tại Thái Lan xuất hiện doanh nghiệp Siam Able Innovation là một doanh nghiệp xã hội phát triển và sản xuất công nghệ hỗ trợ cho người khuyết tật, người sáng lập và giám đốc điều hành của Siam Able Innovation là một người khuyết tật về thể chất. Siam Able Innovation có chính sách tuyển dụng người khuyết tật và gia đình họ, bao gồm các điều khoản nhằm thu hút, tuyển dụng, giữ chân và thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên khuyết tật.

Hầu hết các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật tại các quốc gia ASEAN là học hỏi từ chính sách thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật từ Nhật Bản thông qua hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với hai sáng kiến chính là hướng dẫn việc làm26 và đào tạo bình đẳng (DET)27. Đối với Chương trình đào tạo về bình đẳng cho người khuyết tật (DET) tập trung vào việc cung cấp cho công chúng những nhận thức và hiểu biết chính xác về người khuyết tật, qua đó nhấn mạnh khuyết tật không phải là do những hạn chế về chức năng hoặc y tế mà do các yếu tố xã hội nên cần sự hỗ trợ từ chính sách pháp luật phù hợp.

3. Một số khuyến nghị

Thứ nhất, theo báo cáo UNDP năm 2023, so với các quốc gia thuộc ASEAN, chính sách pháp luật Việt Nam về hạn ngạch việc làm hiện tại là 3%, cao hơn các quốc gia lân cận. Tuy nhiên, hiện nay mức hạn ngạch trên chỉ áp dụng cho khu vực tư nhân mà chưa thể hiện ở khu vực nhà nước, trong khi đó Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan dành 1% hạn ngạch việc làm ở khu vực công cộng. Đồng thời, hiện nay Indonesia, Lào, Malaysia đã có luật chống phân biệt đối xử với lao động là người khuyết tật, Việt Nam vẫn chưa có luật này28. Quyền lao động là quyền kinh tế cơ bản mà mỗi người cần được thụ hưởng trọn vẹn, đối với người khuyết tật việc bình đẳng tiếp cận việc làm nghề nghiệp mang ý nghĩa lớn cho sự thừa nhận giá trị của họ trong đời sống xã hội. Trong thời gian tới, Việt Nam cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về chống phân biệt đối xử đối với lao động là người khuyết tật, theo đó liệt kê các dạng hành vi phân biệt đối xử đối với từng loại khuyết tật đặc thù. Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng lộ trình thúc đẩy việc làm cho lao động là người khuyết tật ở nhóm khuyết tật cơ thể khuyết tật trí tuệ theo từng giai đoạn.

Thứ hai, theo Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2019 cấm sử dụng lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Đối chiếu quy định pháp luật lao động các quốc gia khối ASEAN không quy định về vấn đề này. Bản chất của việc quy định cấm thông thường trong pháp luật là khi vi phạm đạo đức, trái thuần phong mỹ tục. Đối với quan hệ lao động tồn tại dựa trên sự thoả thuận các bên, vì vậy cần thay đổi quy định cấm này thành cho phép có điều kiện. Cụ thể, nếu lao động là người khuyết tật làm thêm giờ được hưởng chính sách lương thưởng, chế độ đãi ngộ nhất định. Làm được điều này vừa giúp họ gia tăng lợi ích kinh tế vừa bảo đảm sự bình đẳng đối với lao động thông thường.

Thứ ba, tại Điều 3 Luật Người khuyết tật năm 2010 liệt kê các dạng khuyết tật, chủ yếu hướng đến khuyết tật cơ thể và khuyết tật trí tuệ. Trên thực tế có những người bị lâm vào trạng thái tâm thần không ổn định gây khó khăn trầm trọng cho việc thực hiện công việc của mình nhưng không có căn cứ cụ thể để được hưởng chế độ dành cho lao động là người khuyết tật. Theo Điều 35 Luật số 8 năm 2016 Indonesia, quy định của Chính phủ số 52 năm 2019 ghi nhận việc tạo cơ hội bình đẳng, giúp lao động là người khuyết tật tiếp cận với việc làm, theo đó xác định khuyết tật tâm lý xã hội là một dạng khuyết tật cần hỗ trợ tư vấn đặc biệt29. Đồng thời, với tinh thần học hỏi hướng tiếp cận của Ủy ban Phúc lợi Malaysia cần ghi nhận khuyết tật tâm lý xã hội cụ thể “Là một trạng thái bệnh lý nghiêm trọng khiến một người không thể thực hiện một phần hoặc toàn bộ các vấn đề liên quan đến mối quan hệ xã hội của mình. Trong số các loại bệnh tâm thần có rối loạn tâm thần hữu cơ nghiêm trọng và tâm thần phân liệt mãn tính, chứng hoang tưởng, rối loạn tâm trạng (trầm cảm, lưỡng cực) và rối loạn tâm thần khác và rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn ảo tưởng dai dẳng”30.

Thứ tư, hiện nay đối với doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp31, điều này nhằm thúc đẩy việc tiếp cận nghề nghiệp của lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, có nhiều ngành nghề đặc thù không thể sử dụng lao động là người khuyết tật thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi trên. Do đó, cần cân nhắc học hỏi kinh nghiệm lập pháp từ Thái Lan, thành lập Quỹ Người khuyết tật quốc gia và yêu cầu đối với doanh nghiệp không sử dụng lao động là người khuyết tật khi có đóng góp một mức nhất định vào Quỹ người khuyết tật quốc gia thì cũng hưởng chính sách miễn thuế, điều này giúp gia tăng hoạt động xã hội của doanh nghiệp và mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho lao động là người khuyết tật.

Thứ năm, Điều 27 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đưa ra chính sách ưu đãi dành cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như: về thuế, vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, các chính sách này còn chung chung và khó thực hiện, tham khảo từ Malaysia có thể thấy, phương án khấu trừ kép để đào tạo người khuyết tật, cụ thể khấu trừ phí thuế thu nhập khi tuyển dụng người khuyết tật và khấu trừ thuế thu nhập khi người khuyết tật làm việc32.

Thứ sáu, Chính phủ cần nghiên cứu sáng kiến đưa người lao động bị tai nạn lao động trở lại làm việc, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người lao động và người sử dụng lao động vì nó khuyến khích việc chữa lành, giảm tỷ lệ nghỉ việc, mang lại sự phục hồi và do đó có thể giúp người sử dụng lao động duy trì lợi nhuận33. Với chương trình quay trở lại làm việc như tại Indonesia giúp bảo đảm quyền tiếp cận việc làm, theo dõi và hỗ trợ chi phí y tế hợp lý. Đối với trợ cấp tai nạn lao động phân thành hai dạng là chăm sóc sức khoẻ dựa trên nhu cầu y tế và tạo điều kiện người lao động trở lại làm việc. Trường hợp người lao động bị thương tật vĩnh viễn, việc bồi thường cần thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của con cái, người phụ thuộc của lao động là người khuyết tật

Thứ bảy, giải pháp bổ trợ cần xem xét là vận động thành lập doanh nghiệp xã hội bảo vệ quyền lợi người khuyết tật do người khuyết tật lãnh đạo. Trong Bình luận chung số 7 của CRPD về sự tham gia của người khuyết tật trong việc thực hiện và giám sát Công ước đã tuyên bố: “Thường người khuyết tật không được hỏi ý kiến trong quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, với các quyết định tiếp tục được đưa ra thay mặt cho họ”. Do đó, để phù hợp với triết lý về phong trào bảo vệ quyền của người khuyết tật, bảo đảm sự tham gia có ý nghĩa cần có sự tham gia của người khuyết tật trong tổ chức đại diện quyền lợi người khuyết tật.

4. Kết luận

Hiện nay, pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người lao động là người khuyết tật tại Việt Nam được đánh giá là khá đầy đủ và tương đồng với cam kết quốc tế và điều ước quốc tế khu vực mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật về quyền làm việc của người lao động là người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, chống phân biệt đối xử đối với lao động là người khuyết tật vẫn chưa được thực hiện triệt để. Do đó, nhiệm vụ tìm hiểu quy định pháp luật một số nước ASEAN và Việt Nam, giải thích sự tương đồng và khác biệt nhằm đưa ra kiến giải tăng cường quyền lao động là người khuyết tật tại Việt Nam góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của khu vực ASEAN, thúc đẩy quá trình hài hòa hóa pháp luật là phù hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu.

Chú thích:
1. ILO (2023). “Disability rights and domestic work in ASEAN”, ILO Brief, pp.1.
2. ASEAN Main Portal (2019). “ASEAN Enabling Masterplan 2025: Mainstreaming the Rights of Persons with Disabilities” tại https://asean.org/wp-content/uploads/2019/03/Publication-ASEAN-Enabling-Masterplan-2025-1.pdf truy cập ngày 09/6/2024.
3. ESCAP. “Disability in Asia and the Pacific: The fact tại Cổng thông tin của Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á và Thái Bình Dương https://www.unescap.org/sites/default/files/Disability%20The%20Facts.pdf truy cập ngày 09/6/2024.
4. UNDP (2023). “Fostering Disability Inclusion & Business Integrity in ASEAN”, pp.6.
5. Trước đây việc tiếp cận quyền của lao động là người khuyết tật dựa vào mô hình y khoa, cho rằng những khiếm khuyết này được sửa chữa và thay đổi, điều này khiến người khuyết tật mất đi sự độc lập, sự lựa chọn và khả năng kiểm soát cuộc sống của mình. Hiện tại, mô hình xã hội đối với người khuyết tật nhằm giải thích trải nghiệm cá nhân của người khuyết tật, bằng cách xem xét cách thức xóa bỏ rào cản hạn chế các lựa chọn cuộc sống của người khuyết tật.
6. Fumitaka F. & Khairul H. P (2020). “Promotion of human rights by providing equal employment opportunities for the disadvantaged workers in ASEAN”, An International Journal of Asia-Europe Relations Vol. 6, Issue 1, January 2020 DOI: https://doi.org/10.37353/aei-insights.vol6.issue1.1.
7. The Star Online. “Rohani: No rampant baby selling in Malaysia”. http://www.thestar.com.my/news/nation/2016/11/29/rohani-baby-selling-not- rampant/.
8. New Straits Times Online. “Social Welfare dept ready to face dry season in Sarawak”. http://www.nst.com.my/news/2015/9/social-welfare-dept- ready-face-dry-season-sarawak truy cập ngày 09/6/2024.
9. The Star Online. “Abandoned and disabled teen to be placed under Welfare Department”. http://www.thestar.com.my/news/nation/2014/06/24/disabled-teen-welfare- department/ truy cập ngày 09/6/2024.
10. Latent Workforce. “Labour Department Peninsular Malaysia” http://jtksm.mohr.gov.my/index.php/my/pencari-kerja/latent-workforce, ngày 09/6/2024.
11. Lidia Zofia Jabłońska-Porzuczek & Sławomir Marcin Kalinowski (2014). “Analysis of the Labor Market Situation of People with Disabilities”, Folia Oeconomica, 4 (336) DOI: http://dx.doi.org/10.18778/0208-6018.336.10.
12. Harlida Abdul Wahab, Zainal Amin Ayub & Rozita Arshad (2016). “Persons With Disabilities Act 2008: Some Findings on the Policies and Implementation”. International Review of Management and Marketing, 6 (S8) 327-332.
13. Xem: https://www.minds.org.sg, ngày 30/6/2024.
14. Nilam Hidayah & Imam Budi Santoso (2022). “Position of workers with disabilities according to the juridical review of the manpower act and the employment creation Act”, Awang Long Law Review, Vol. 5, No. 1, pp. 73-80.
15. Hyland EM (1998). “The International Labour Organization and the worker’s compen- sation Reform Act: conflict between International responsibility for Human Rights and Divided Jurisdiction”, JL & Soc Pol’y. pp.13:188.
16. Young AE, Roessler RT, Wasiak R, McPherson KM, Van Poppel MNM, Anema JR (2005). “A developmental conceptualization of return to work.” J Occup Rehabil; 15 (4), pp.557-682. https://doi.org/10.1007/s10926-005-8034-z.
17. Tiun Ling Ta & Khoo Suet Leng (2013). “Challenges Faced by Malaysians with Disabilities in the World of Employment”, Original research Vol. 24, No.1; doi 10.5463/DCID.v24i1.142.
18. Ministry of Justice of Thailand (2019). “Rights and Liberties Protection Department, First National Action Plan”, Business and Human Rights, pp.19-21.
19. Tavee C. & Sakulthip K (2021). “Employment for Persons with Disabilities in Thailand: Opportunities and Challenges in the Labor Market”, Journal of Population and Social Studies (JPSS), Volume 29. p.384-400. http://doi.org/10.25133/JPSSv292021.024.
20. Article 38 Persons wit Disabilities empowerment. Act 2007 of Thailand.
21. Kurnianto et al (2022). “Systematic Case Management for Disabled Workers Due to Occupational Accident Throughout Return to Work Program in Indonesia: a Qualitative Study”, Attribution 4.0 International DOI: https://doi.org/10.21203/rs.3.rs-2290326/v1.
22. Siregar MA, editor (2017). “Tata Laksana Program Kembali Kerja (Return to Work) BPJS Ketenagakerjaan”, 11th Indonesian Occupational Medicine Update.
23. Abdalla S, Apramian SS, Cantley LF, Cullen MR (2017). “Occupation and Risk for Injuries”, Disease Control Priorities, Third Edition (Volume 7): Injury Preven- tion and Environmental Health. Published online 2017:97-132. https://doi. org/10.1596/978-1-4648-0522-6_ch6.
24. ASEAN Statistics Web Portal. “ASEAN statistical yearbook 2020”. https://www.aseanstats.org/wp-content/uploads/2020/12/ASYB_2020.pdf, ngày 09/6/2024.
25. Ministry of Human Resources. “OKU Talent Enhancement Programme (OTEP)”. https://hrdcorp.gov.my/otep truy cập ngày 09/6/2024.
26. Japan International Cooperation Agency. “A Society Where Everyone Can Work Together Expands from Malaysia to Other Countries”. https://www.jica.go.jp/english/news/field/2015/150806_02.html, ngày 09/6/2024.
27. Japan International Corporation Agency (2015b). Spotlight – JICA’s work in disability and development https://www.jica.go.jp/usa/english/office/others/newsletter/2015/1511_12_03. html, ngày 09/6/2024.
28. UNDP (2023). “Fostering Disability Inclusion & Business Integrity in ASEAN”, pp. 21.
29. ADF (2020). “Report on the Implementation of the 2030 Agenda in Line with the CRPD in Indonesia”, pp. 36.
30. Cổng thông tin Uỷ ban Phúc lợi Malaysia tại Jabatan Kebajikan. Masyarakat/content.php?pagename=pendaftaran_orang_kurang_upaya&lang=en, ngày 09/6/2024.
31. Khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013.
32. Rules 1982 [P.U.(A) 73/1982] & Rules 2019 [P.U.(A) 204/2019] of Malaysia.
33. Arie Arizandi Kurnianto et al. (2023). “Managing disabled workers due to occupational accidents in Indonesia: a case study on return to work program”, BMC Public Health. https://doi.org/10.1186/s12889-023-15930-2.