Giải pháp phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long

ThS. Phạm Hồng Hải*
Trường Cao đẳng Đồng Khởi
PGS.TS. Nguyễn Văn Nguyện, TS. Lâm Thị Mỹ Lan
Trường Đại học Trà Vinh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn, những công nghệ mới, như: dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo (AR), trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển tốc độ rất nhanhxây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh trở thành phương tiện quan trọng để ngành Du lịch tăng cường chia sẻ tài nguyên, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bài viết phân tích thực trạng hệ sinh thái du lịch thông minhđề xuất một số giải pháp đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Từ khóa: Chuyển đổi số; cơ hội; du lịch; thách thức; đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự bùng nổ của internet, mạng xã hội, hệ thống mạng cảm biến không dây (WSN) và các thế hệ mạng di động (4G, 5G),… đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành Du lịch. Các hoạt động du lịch ngày càng được công nghệ hóa, hiện đại hơn và thông minh hơn. Ngày 21/12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế. Đề án xác định tập trung ứng dụng công nghệ để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và du khách. Tiếp đến, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ đề ra về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trọng tâm là xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, phục vụ kinh doanh ngành Du lịch và góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách. 

Vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông. Khu vực này bao gồm 4 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long. Toàn vùng này có dân số hơn 5 triệu người với diện tích đất tự nhiên gần 8.852 km2 1. Với đặc thù chủ yếu địa hình làsông nước miệt vườn, vườn cây ăn trái quanh năm, vùng có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn vớinhững sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, hằng năm đón nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước. 

Định hướng liên kết vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long xác định ngành Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong vùng đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, liên kết vùng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm thúc đẩy du lịch. Bài viết phân tích thực trạng triển khai hệ sinh thái du lịch thông minh tại địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại vùng này trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý thuyết

aDu lịch thông minh 

Tiếp cận du lịch thông minh dựa trên việc ứng dụng công nghệ mới vào du lịch, Jin (2012) định nghĩa du lịch thông minh là một nền tảng ứng dụng công nghệ có thể phục vụ cả khách du lịch và cư dân, bằng sự hỗ trợ cho việc sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ khác nhau, chẳng hạn như điện thoại thông minh, máy tính2. Tương tự, Han (2013) coi du lịch thông minh là một nền tảng ứng dụng bao gồm Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, truyền thông di động và công nghệ trí tuê nhân tạo (AI)3. Theo cách tiếp cận này, nhiều nhà nghiên cứu coi du lịch thông minh là một “hệ thống công nghệ” tích hợp dựa trên việc ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau. 

Gretzel và cộng sự (2015) định nghĩa du lịch thông minh tiếp cận yếu tố khai thác và sử dụng công nghệ nhằm tăng cường chất lượng trải nghiệm của du khách. Du lịch thông minh được hỗ trợ bởi các nỗ lực tích hợp tại một điểm đến để thu thập và tổng hợp hoặc khai thác dữ liệu, kết hợp với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để chuyển đổi dữ liệu đó thành trải nghiệm tại chỗ và đề xuất những giá trị kinh doanh với trọng tâm rõ ràng là hiệu quả, tính bền vững và làm phong phú trải nghiệm4.

Du lịch thông minh khác với du lịch truyền thống là quá trình ứng dụng các công nghệ mới tiến bộ nhằm tăng cường chất lượng trải nghiệm của khách du lịch, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển và hình thành nên một loại hình kinh doanh mới.

bĐiểm đến du lịch thông minh

Theo Buhalis và Amaranggana (2014), điểm đến du lịch thông minh là việc đưa sự thông minh vào các điểm đến du lịch dựa trên nền tảng công nghệ mà thông tin liên quan đến các hoạt động du lịch có thể trao đổi ngay lập tức5. Tiếp cận dựa trên mối quan hệ giữa công nghệ và các bên liên quan, Lopez de Avila (2015) cho rằng, điểm đến du lịch thông minh là một điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên hạ tầng công nghệ tiên tiến nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của các khu du lịch, dành cho tất cả mọi người, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tương tác và hòa nhập vào môi trường xung quanh, nâng cao chất lượng trải nghiệm tại điểm đến và cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân6.

cHệ sinh thái du lịch thông minh

Theo Gretzel và cộng sự (2015), hệ sinh thái du lịch thông minh là nền tảng tạo ra quản lý và cung cấp các dịch vụ du lịch thông qua tiến bộ công nghệ dẫn đến chia sẻ thông tin và tạo ra giá trị. Doanh nghiệp không đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái du lịch thông minh, hệ sinh thái bao gồm du khách và dân cư, nhà cung cấp dịch vụ du lịch, trung gian du lịch (công ty lữ hành và đại lý lữ hành), dịch vụ hỗ trợ (viễn thông, dịch vụ ngân hàng/thanh toán), phương tiện truyền thông (Facebook, TripAdvisor, AirBnB,…), cơ quan quản lý và tổ chức phi chính phủ, hãng vận tải, công ty công nghệ, hạ tầng du lịch… Các chủ thể tham gia vào hệ sinh thái vừa là người tiếp nhận thông tin cũng là người đồng sáng tạo giá trị thông tin7.

Hệ sinh thái du lịch thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ trải nghiệm của du khách góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững và tạo ra giá trị cho cả du khách lẫn các bên liên quan. Trải nghiệm du lịch thông minh rất hiệu quả và có ý nghĩa khi khách du lịch là những người tham gia tích cực vào quá trình sáng tạo và tham gia. Bên cạnh việc tiêu dùng, họ còn đóng góp và nâng cao chất lượng thông tin phản hồi thông qua việc đăng tải và chia sẻ hình ảnh, câu chuyện về những trải nghiệm tại các điểm đến. 

3. Hệ sinh thái du lịch thông minh và các bên liên quan

Theo Arenas và cộng sự (2019), các bên liên quan đến hệ sinh thái du lịch thông minh bao gồm nhiều bên tương tác với nhau và tham gia ở nhiều mức độ khác nhau trong hệ thống. Các bên này bao gồm chính phủ, các công ty du lịch lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và chỗ ở, khách du lịch8.

a. Các doanh nghiệp du lịch

Các công ty du lịch lữ hành và khách sạn có cả mối quan hệ chính thức và không chính thức giữa họ nhưng chủ yếu là mối quan hệ chính thức. Họ giao tiếp với khách du lịch tiềm năng thông qua các công cụ khác nhau. Hiện nay, hầu hết các công ty du lịch lữ hành cung cấp thông tin trực tuyến đến khách du lịch thông qua các website của công ty và trên trang các web này có hệ thống nhắn tin trực tiếp để khách du lịch tiềm năng có thể giao tiếp với doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng nền tảng truyền thông xã hội chẳng hạn, như: Facebook và Twitter, trang web của công ty cho phép khách du lịch tiềm năng truy cập trực tiếp vào các nền tảng đó (Armutcu và cộng sự, 2023) 9. Doanh nghiệp đã cập nhật tất cả thông tin và hiển thị các lợi ích của khách hàng cũng như các chi tiết cần thiết khác trên các trang truyền thông xã hội. Ngoài ra, các trang web có tin nhắn tự động để chào đón khách du lịch tiềm năng. Bên cạnh đó, sự tương tác và trao đổi nguồn lực của khách sạn với các bên liên quan khác như công ty du lịch lữ hành, công ty vận tải, chính quyền địa phương, các tổ chức và cộng đồng với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ và khách du lịch với tư cách là người nhận dịch vụ được thực hiện thông qua các công nghệ du lịch thông minh khác nhau (Hidayah và cộng sự, 2022) 10. Một siêu liên kết của phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn như Facebook và Twitter cũng có sẵn trên trang web của họ, qua đó khách du lịch tiềm năng có thể trực tiếp truy cập. Về khách du lịch và khách du lịch tiềm năng họ có thể được cung cấp thông tin tự động trực tuyến, hệ thống đặt dịch vụ trực tuyến có sẳn trên các nền tảng truyền thông xã hội, du khách có thể tương tác để có những trải nghiệm online trước khi đưa ra quyết định chọn dịch vụ (Xiang và Gretzel, 2010) 11.

b. Khách du lịch

Vai trò của khách du lịch trong hệ sinh thái du lịch thông minh rất quan trọng, vì họ là người dùng chính của các công nghệ thông minh, chẳng hạn, như: ứng dụng di động, bản đồ kỹ thuật số, dịch vụ thông tin thời gian thực và hệ thống giao thông thông minh. Sự tham gia của họ vào các dịch vụ này giúp nâng cao hiệu quả và hiệu suất của hệ sinh thái. Thông qua các tương tác của họ trên các nền tảng kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội và các bài đánh giá trực tuyến, khách du lịch giúp định hình nội dung, xếp hạng và khuyến nghị có ảnh hưởng đến những du khách khác (Abubakar, 2016) 12. Khách du lịch đóng vai trò tích cực trong việc đồng sáng tạo trải nghiệm du lịch, do đó góp phần vào việc cá nhân hóa và tùy chỉnh các dịch vụ (Yin và cộng sự, 2024) 13. Khách du lịch tạo ra dữ liệu có giá trị thông qua các hoạt động trực tuyến, hành vi du lịch, sở thích và tương tác của họ với nhiều dịch vụ khác nhau. Dữ liệu này rất quan trọng đối với các bên liên quan, chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ du lịch và tổ chức tiếp thị điểm đến, để cải thiện dịch vụ và tối ưu hóa các dịch vụ từ đó tạo ra các trải nghiệm phù hợp với người dùng. Những trải nghiệm được phản hồi hay những khiếu nại của khách du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các bên cải tiến và đổi mới liên tục trong hệ sinh thái du lịch. Các đổi mới trong hệ sinh thái nhằm lắp đầy các thiếu sót, cập nhật các tính năng mới từ đó khuyến khích phát triển các công nghệ và dịch vụ tiên tiến và thân thiện với người dùng hơn.

c. Chính phủ 

Các cơ quan Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái du lịch thông minh, nhà nước định hướng không chỉ liên quan đến các chương trình nghị sự liên quan đến du lịch, thiết lập mối quan hệ công tư và đảm bảo tính công khai của dữ liệu, phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở hạ tầng và quy định pháp luật quản lý ở cấp độ vĩ mô (Zvaigzne và cộng sự, 2019) 14. Đối với khách du lịch, thông tin được cung cấp trên các trang web du lịch của Chính phủ hoặc hệ sinh thái du lịch thông minh thường là nơi tốt nhất để du khách có được thông tin đáng tin cậy, những thông tin này có thể được truy cập thường xuyên và liên tục trong ngày. Hệ sinh thái du lịch thông minh là nền tảng hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương, với nhiều cơ sở dữ liệu thành phần như doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, khu và điểm du lịch… Việc tích hợp các phần báo cáo thống kê du lịch vào hệ sinh thái du lịch thông minh giúp kế nối từ trung ương đến địa phương nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong ngành Du lịch thực hiện báo cáo thống kê theo quy định.

4. Thực trạng hệ sinh thái du lịch thông minh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Hạ tầng cho du lịch thông minh đã được quan tâm, đầu tư từ sớm. Năm 2017, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư xây dựng Hệ sinh thái du lịch thông minh (VNPT Smart Tourism) xuất phát từ sự thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn VNPT và Tổng cục Du lịch Việt Nam. VNPT Smart Tourism từng bước hình thành cơ sở dữ liệu toàn quốc về du lịch. Trong đó, ứng dụng du lịch thông minh VietnamGo – kênh thông tin chính thống của du lịch Việt Nam đã được VNPT và Tổng cục Du lịch ra mắt ngay trong những ngày đầu năm 2019. Ứng dụng VietnamGo được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, trên cơ sở kết nối với dữ liệu từ Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các tỉnh9.

Cùng với việc tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương, hệ sinh thái du lịch thông minh của các tỉnh trong vùng được hình thành và đưa vào ứng dụng, tạo kênh thông tin và giao tiếp hữu ích cho các doanh nghiệp và khách du lịch. Các tỉnh vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước triển khai hệ sinh thái du lịch thông minh, bước đầu đạt những kết quả thiết thực, cụ thể:

Tỉnh Bến Tre đã hình thành được kho dữ liệu về tài nguyên du lịch, dịch vụ thương mại, bản đồ số du lịch trên nền tảng ứng dụng web portal, ứng dụng du lịch thông minh “Ben Tre Tourism”. Ứng dụng được hỗ trợ các ngôn ngữ, gồm: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung, cung cấp thông tin các hoạt động du lịch, cập nhật thông tin về chất lượng, giá cả các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh gồm điểm lưu trú, lữ hành, vận tải, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, cửa hàng bán lẻ, máy giao dịch tự động và các dịch vụ khác dành cho khách du lịch. Việc triển khai ứng dụng app “Ben Tre Tourism” góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch Bến Tre cũng nhưthông tin về lịch sử, văn hóa, danh thắng; cung cấp, cập nhật thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về các hoạt động du lịch, các chương trình, sự kiện nổi bật của tỉnh, nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh, giúp đẩy mạnh thu hút du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và khách du lịch, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, từng bước nâng cao chất lượng, thương hiệu và hình ảnh du lịch Bến Tre. 

Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai Cổng thông tin Du lịch thông minh https://vinhlongtourist.vn và app “Vinh Long Tourism”. Đây là bước đánh dấu sự khởi đầu đầy tích cực cho việc ứng dụng công nghệ vào du lịch tại địa phương góp phần tăng cường sự tương tác, chia sẻ thông tin dữ liệu, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và khách du lịch. Hệ thống cho phép du khách tra cứu, tìm kiếm thông tin du lịch theo vị trí như lưu trú, ẩm thực, điểm du lịch, cửa hàng, giải trí, lữ hành, sự kiện…  

Tỉnh Trà Vinh đầu tư cổng du lịch thông minh trên nền tảng ứng dụng MobiFone Smart Travel, số hóa các công trình du lịch di tích tại địa phương, xây dựng hệ thống du lịch ảo VR tour 360 tại các điểm du lịch tiêu biểu trong tỉnh, như: sử dụng VR tour 360 tại đền thờ bác Hồ tại thành phố Trà Vinh và hiện đang triển khai hệ thống du lịch ảo VR tour 360 về điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, Cồn Hô và một số điểm du lịch tiêu biểu trong tỉnh. 

Tỉnh Tiền Giang xây dựng trang tiengiangtourist.vn là địa chỉ giúp du khách tìm kiếm thông tin và cũng là kênh tiếp nhận các thông tin phản hồi, thực hiện khảo sát trực tuyến, thu thập thông tin và phổ biến chính sách quản lý nhà nước. Ngoài ra, chính quyền địa phương phối hợp cùng các doanh nghiệp số hoá các di sản văn hoá, các điểm đến du lịch trên cổng thông tin nhằm cung cấp thông tin đến các du khách có nhu cầu tìm liếm thông tin cũng như trải nghiệm trước khi chọn điểm đến.

Thực tế cho thấy hệ sinh thái du lịch thông minh trong vùng đang ở trong thời kỳ hình thành và phát triển, hệ thống cơ sở dữ liệu ngày càng phong phú và đáng tin cậy, tính liên kết giữa các bên liên quan đang dần hoàn thiện. Những tiềm năng du lịch của vùng là tiền đề thuận lợi phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, phù hợp với định hướng của Chính phủ, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp xác định du lịch thông minh là mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Bên cạnh những thuận lợi đạt được, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long còn một số bất cập, hạn chế, như: phần lớn các doanh nghiệp du lịch trong vùng thuộc lĩnh vực tư nhân, có quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ nên gặp hạn chế về nguồn vốn và khả năng đầu tư cho công nghệ; các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng để đầu tư thay đổi công nghệ; sự đa dạng và phức tạp của công nghệ mới hiện nay làm doanh nghiệp bối rối trong việc vận dụng và áp dụng nghệ công nghệ thông minh vào du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, đề án là khung pháp lý đầu tư du lịch thông minh mới hình thành đưa vào triển khai vì vậy chưa phát huy hiệu quả. Du lịch thông minh yêu cầu sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống công nghệ thông tin, IoT, Big Data… nhưng các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng và quản lý các dịch vụ số vẫn còn thiếu hoặc chưa cập nhật kịp thời. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư rõ ràng, mặc dù du lịch thông minh được coi là một hướng đi tiềm năng nhưng các chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ du lịch vẫn còn thiếu. Chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ chưa được triển khai mạnh mẽ. Ngoài ra, du lịch thông minh yêu cầu đội ngũ nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin và quản lý du lịch nhưng hiện nay trong vùng vẫn thiếu hụt lực lượng lao động có trình độ trong các lĩnh vực này. Vì vậy, hạn chế nguồn nhân lực là rào cản lớn đến triển khai du lịch thông minh. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các dự án du lịch thông minh cần cơ sở hạ tầng hiện đại, bao gồm cả công nghệ và vật chất (như mạng 5G, hệ thống thanh toán thông minh, trạm sạc xe điện…). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại các địa phương còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

5. Một số giải pháp phát triển hệ sinh thái

Một là, về phía Nhà nước.

Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số. Cần bảo đảm hạ tầng internet, trong đó đầu tư mở rộng mạng lưới internet tốc độ cao, đặc biệt ở các khu vực du lịch xa xôi, ít được phát triển. Tích hợp các dự án du lịch thông minh vào các sáng kiến thành phố thông minh, bao gồm giao thông thông minh, quản lý năng lượng và rác thải, tài trợ và khuyến khích phát triển các công nghệ tiên tiến, như: ứng dụng di động cung cấp thông tin thời gian thực, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra gợi ý cá nhân hóa… 

Tăng cường hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp. Có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo để nâng cao năng lực sử dụng công nghệ cho các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương. Chính phủ đóng vai trò thúc đẩy chia sẻ dữ liệu và hợp tác cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan công và tư để cải thiện dịch vụ, quản lý khách du lịch theo thời gian thực. Tăng cường phối hợp liên ngành, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ ngành để xây dựng các chiến lược du lịch thông minh toàn diện. Nhà nước cần xác định tầm nhìn, xây dựng chính sách và khung chiến lược phát triển du lịch thông minh cho vùng, lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và du lịch quốc gia. Xây dựng và áp dụng các chính sách hỗ trợ công nghệ trong du lịch, bảo vệ dữ liệu số, quyền riêng tư và đạo đức trong sử dụng công nghệ. Nhà nước đóng vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và tổ chức nghiên cứu trong việc phát triển công nghệ du lịch thông minh.

Hai là, về phía doanh nghiệp.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các ứng dụng và nền tảng du lịch cung cấp thông tin, hỗ trợ đặt chỗ và cá nhân hóa trải nghiệm du lịch dựa trên dữ liệu khách hàng. Áp dụng các công nghệ, như: AI, IoT, Blockchain và Big data để nâng cao hiệu quả vận hành hệ sinh thái và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Kết hợp công nghệ để xây dựng các gói dịch vụ du lịch thông minh, từ vé điện tử đến quản lý chuyến đi và gợi ý điểm đến phù hợp với sở thích cá nhân. Doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển các điểm đến thông minh, sử dụng cảm biến và phân tích dữ liệu để quản lý môi trường và dòng khách. Áp dụng công nghệ thông minh để quản lý năng lượng, xử lý rác thải và giảm khí thải tại các điểm đến du lịch. Tận dụng nền tảng kỹ thuật số: sử dụng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và nền tảng thương mại điện tử để quảng bá các sản phẩm và điểm đến du lịch thông minh. Xây dựng hình ảnh điểm đến thông minh, tạo dựng thương hiệu và nâng cao nhận thức của du khách về các điểm đến được trang bị công nghệ thông minh, từ đó thúc đẩy xu hướng du lịch thông minh. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm trang bị cho nhân viên kỹ năng sử dụng công nghệ và xử lý dữ liệu để đáp ứng yêu cầu của du lịch thông minh. Định kỳ tổ chức hội thảo và sự kiện nhằm tạo cơ hội để nhân viên và các bên liên quan trao đổi kiến thức, học hỏi và cập nhật xu hướng công nghệ.

Ba là, về phía khách du lịch.

Cần đẩy mạnh truyền thông cho du khách về các sản phẩm du lịch thông minh nhằm giúp nâng cao chấp nhận và sử dụng công nghệ mới của du khách; khuyến khích sự phát triển của du lịch thông minh bằng cách sử dụng và giới thiệu các công nghệ mới tại điểm đến. Du khách không chỉ là người tiêu dùng sản phẩm du lịch mà còn đóng vai trò tích cực trong việc duy trì và hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh.

Trong một hệ thống du lịch thông minh, khách du lịch ngoài vai trò tham gia thụ động còn là những người đóng góp tích cực thông qua những hoạt động tương tác với nhiều công nghệ và dịch vụ khác nhau. Những đánh giá và chia sẻ trải nghiệm của du khách đóng vai trò là người tạo nội dung thông qua các đánh giá, bình luận và chia sẻ trải nghiệm trên các nền tảng trực tuyến, như Booking.vn, TripAdvisor hoặc mạng xã hội. Điều này không chỉ giúp các du khách khác mà còn cung cấp thông tin giá trị cho nhà cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, những chia sẻ hình ảnh, video và trải nghiệm trên mạng xã hội giúp quảng bá điểm đến, thu hút thêm nhiều du khách khác và nâng cao nhận diện về các sản phẩm du lịch thông minh. 

* Nghiên cứu sinh của Trường Đại học Trà Vinh

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê (2023). Niên giám thống kê. H. NXB Thống kê, tr. 104, 107.
2. Jin, W. D. (2012). Smart tourism and construction of tourism public service system. Tourism Tribune, 27(2), 5–6.
3. Han, R. E. N., 2013. The localization of smart tourism. Ecological Economy, 4, 142-145.
4. Gretzel, U., Sigala, M., Xiang, Z., and Koo, C. (2015). Smart Tourism: Foundations and Developments. Electronic Markets, 25(3), 179-188.
5. Buhalis, D., & Amaranggana, A. (2014). Smart tourism destinations. In Z. Xiang & I.Tussyadiah (Eds.), Information and communication technologies in tourism (pp. 553–564). Dublin:Springer.
6. Lopez de Avila, A. (2015). Smart Destinations: XXI Century Tourism. Presented at the ENTER2015 Conference on Information and Communication Technologies in Tourism, Lugano, Switzerland, February 4-6, 2015
7. Gretzel, U., Werthner, H., Koo, C., & Lamsfus, C. (2015). Conceptual foundations for understanding smart tourism ecosystems. Computers in Human Behavior, 50, 558-563.
8. Arenas, A E., Goh, G M, and Urueña, A.(2019). How does IT affect design centricity approaches: Evidence from Spain’s smart tourism ecosystem. International Journal of Information Management, 45, 149-162.
9. Armutcu, B., Tan, A., Amponsah, M., Parida, S., and Ramkissoon. (2023).  Tourist behaviour: The role of digital marketing and social media. Acta Psychologica, 240, 104025
10. Hidayah, N., Suherlan, H., & Putra, F. (2022). Stakeholders’ Synergies in Developing Smart Tourism Destination. A Phenomenographic Study. Journal Of Environmental Management And Tourism, 13(2), 313-323.
11. Xiang, Z., & Gretzel, U. (2010). Role of Social Media in Online Travel Information Search.Tourism Management, 31, 179-188.
12. Abubakar, A. M. (2016). Does eWOM influence destination trust and travel intention: a medical tourism perspective. Economic Research Ekonomska Istraživanja, 29(1), 598-611.
13. Yin, Y., Gao, J., and Pan, Y. (2024). What Impacts Tourists’ Co-Creation Experiences in Smart Tourism Destinations? A Mixed Methods Research from Four Chinese Smart Tourism Destinations. Tourism and Hospitality, 5, 1327-1343.
14. Zvaigzne, A., Mietule, I., Kotane, I., and Vonoga, A. (2023). Smart tourism: the role and synergies of stakeholders. Worldwide Hospitality and Tourism Themes, 15(5), 476-785.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022). Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày21/12/2022 phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế.
2. Dự thảo tầm nhìn chiến lược “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long” ký kết giữa các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang.
3. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Thủ tướng Chính phủ (2023). Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.