Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống ở Bắc Ninh

ThS. Đinh Thị Duyến
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng nhấn mạnh quan điểm chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc… Bắc Ninh là địa phương giàu truyền thống văn hóa, đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ mạch nguồn truyền thống văn hiến với kho tàng văn hóa đồ sộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh có nhiều chính sách phát triển du lịch nhằm thu hút người dân và du khách tới thưởng thức các lễ hội truyền thống góp phần phát triển ngành công nghiệp “không khói” cùng với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.

Từ khóa: Phát triển du lịch, bảo tồn di sản, văn hóa truyền thống, tỉnh Bắc Ninh.

1. Đặt vấn đề

Bắc Ninh – là vùng đất Kinh Bắc “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử văn hóa đặc sắc với những công trình kiến trúc nghệ thuật, danh lam cổ tự, các hiện vật có giá trị. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh, hiện có 1.589 di tích, trong đó 677 di tích được xếp hạng (5 di tích quốc gia đặc biệt, 206 di tích quốc gia, 466 di tích cấp tỉnh và 18 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia)1. Nhiều di tích gắn liền với cội nguồn lịch sử – văn hóa dân tộc, như: Lăng Kinh Dương Vương (nơi phụng thờ Thủy tổ dân tộc Việt); chùa Dâu (tổ đình của Phật giáo Việt Nam); Đền Đô (nơi phát tích Vương triều nhà Lý – triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt); Văn Miếu Bắc Ninh (nơi tôn thờ và ghi danh 677 vị đỗ đại khoa); đền Vua Bà (thờ Thủy tổ Quan họ)…

Bắc Ninh cũng được biết đến là xứ sở của lễ hội với 600 lễ hội, trong đó có 599 lễ hội truyền thống và 1 lễ hội văn hóa2. Các lễ hội thường diễn ra chủ yếu vào mùa xuân gắn với không gian và hoạt động tín ngưỡng tại các di tích lịch sử – văn hóa. Vùng đất “trăm nghề” là cái nôi của 140 làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề thủ công lâu đời với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, như: nghề làm tranh Đông Hồ, làm giấy Phong Khê, rèn Đa Hội, đúc đồng Đại Bái, gỗ Đồng Kỵ, sơn mài Đình Bảng… Tiêu biểu hơn cả, trong số các loại hình di sản phi vật thể, Bắc Ninh có 4 di sản được UNESCO ghi danh (3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm: dân ca quan họ Bắc Ninh; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh và di sản cần bảo tồn gấp là nghệ thuật Ca trù); 8 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng một số loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống khác tạo nên “thương hiệu” của “vùng đất quan họ”3. Cùng với các giá trị văn hóa, giá trị đạo đức thể hiện qua các phong tục tập quán, nếp sống, sinh hoạt cộng đồng, ẩm thực địa phương… trở thành nguồn tài nguyên quý giá để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, tạo sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước.

2. Một số kết quả

Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, giải pháp về phát triển du lịch với quan điểm “Du lịch trong giai đoạn hiện nay là đầu tư phục vụ con người, phát triển du dịch bền vững, du lịch xanh và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”. Năm 2019, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó xác định mục tiêu tổng quát: “Phát triển du lịch Bắc Ninh nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, truyền thống khoa bảng, làng nghề, lễ hội, dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 định hướng ưu tiên phát triển du lịch và khẳng định “Bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; tập trung các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tiêu biểu, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát Ca trù, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, các làng nghề truyền thống tiêu biểu… gắn với phát triển du lịch”.

Ngày 29/8/2022, Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, theo đó: “Bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc Bắc Ninh – Kinh Bắc, phù hợp với xu thế thời đại…”. Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tiếp tục định hướng: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa… đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm dịch vụ văn hóa – du lịch lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô và của cả nước”.

Công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch được xác định là chính sách nhất quán, xuyên suốt trong nhiều giai đoạn. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định một trong những quan điểm là “phát triển du lịch gắn với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục nhấn mạnh phương hướng phát triển quan trọng: “Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian, các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn gắn với giá trị văn hóa con người Bắc Ninh – Kinh Bắc…”. Hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch và phát triển sản phẩm dịch vụ, công nghiệp văn hóa. Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030” khẳng định: “khai thác tối đa các lợi thế về giá trị di sản văn hóa, bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh – Kinh Bắc để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, gia tăng tính hấp dẫn và tính bền vững của sản phẩm, thực sự là nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội”.

Thực hiện chủ trương trên, tỉnh Bắc Ninh tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại; công tác quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội được tăng cường; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm. Các chính sách lớn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiếp tục được triển khai có hiệu quả, tiến hành tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2023 – 2025; đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử, phát triển nghệ thuật dân gian kết hợp với khôi phục các làng nghề truyền thống, trở thành những sản phẩm du lịch – văn hóa đặc trưng, tạo ra những điểm, tuyến du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhờ đó, ngành Du lịch của tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực.

Công tác quy hoạch và đầu tư phát triển khu, tuyến, điểm du lịch luôn được quan tâm; các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cũng được đầu tư theo hướng gắn kết với phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hoạt động các công trình, như: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ, Trung tâm bảo tồn múa rối nước Đồng Ngư, Cung Quy hoạch kiến trúc, 11 “Nhà chứa quan họ” phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình Dân ca Quan họ. Các công trình bảo đảm điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo tồn, nuôi dưỡng và phát triển văn hóa truyền thống, đồng thời là địa điểm hấp dẫn, tạo ra các giá trị để thu hút khách du lịch.

Trong giai đoạn 2018 – 2021, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định công nhận các điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó chủ yếu là các điểm du lịch gắn với tài nguyên di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh, có lợi thế hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và các hoạt động văn hóa truyền thống. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được lồng ghép vào các chương trình tour, tuyến du lịch bằng nhiều hình thức, tiêu biểu, như: biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống vào các chương trình biểu diễn định kỳ góp phần khai thác giá trị di sản văn hóa nổi trội, trở thành cầu nối, “mở đường đón” du khách. 

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chỉ đạo triển khai có hiệu quả. Hằng năm, tỉnh hỗ trợ thực hiện trùng tu, tu bổ từ 60 – 75 di tích với tổng kinh phí khoảng 60 – 70 tỷ đồng, bên cạnh việc huy động hàng chục tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Giai đoạn từ năm 2011 – 2022, riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thực hiện 22 dự án trùng tu, tu bổ các di tích với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng4. Đồng thời, triển khai nhiều đề án, dự án, đầu tư thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là dân ca quan họ. Từ 44 làng quan họ gốc, đến nay đã phát triển được 150 làng quan họ thực hành (đợt 1, năm 2019); 369 câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh tiêu biểu trong tỉnh và trên 140 câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh ngoài tỉnh.

Bắc Ninh cũng là tỉnh đi đầu có chính sách đặc thù riêng với những người trực tiếp tham gia giữ gìn, thực hành và trao truyền di sản. Từ năm 2010 – 2022, tỉnh đã tổ chức 3 lần phong tặng nghệ nhân loại hình di sản văn hóa phi vật thể với 202 nghệ nhân được vinh danh, trong đó có 4 nghệ nhân nhân dân, 18 nghệ nhân ưu tú và 180 nghệ nhân ở các loại hình5. Để tiếp tục động viên kịp thời đội ngũ nghệ nhân tham gia cống hiến cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, ngày 07/02/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 204/SVHTTDL-QLVH về việc cử thành viên tham gia Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh lần thứ 4.

Tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa – du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế. Các hoạt động du lịch trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống tại các điểm di tích, du lịch trên địa bàn tỉnh, như: hội thi hát quan họ đầu xuân; biểu diễn quan họ trên thuyền… các chương trình nghệ thuật, kết nối di sản trong nước như “Festival Bắc Ninh”; “Về miền Quan họ”…; đồng thời, mở rộng sự hiện diện di sản tại nhiều quốc gia trên thế giới, như: Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Dubai – các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất… Cùng với các hoạt động ngoại giao văn hóa, đón tiếp các đoàn đại biểu, quan chức ngoại giao và tổ chức quốc tế, như: chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023 – Vẻ đẹp Bắc Ninh – Kinh Bắc” với gần 150 đại biểu đến từ các đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Sự kiện quảng bá dân ca quan họ và dòng tranh dân gian Đông Hồ nằm trong khuôn khổ hoạt động giao lưu văn hóa Việt – Trung6… Tỉnh cũng khuyến khích các nghệ nhân, nghệ sĩ là những người con của Bắc Ninh có những hoạt động nghệ thuật quảng bá cho nét đẹp văn hóa, lịch sử đặc trưng của tỉnh. Qua đây không chỉ khẳng định những kết quả nổi bật của địa phương, quảng bá, nâng tầm vị thế của tỉnh mà còn tạo cơ hội thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia, thúc đẩy xúc tiến phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Bắc Ninh với các tỉnh trong vùng, trong nước và quốc tế.

Cùng với làn sóng chuyển đổi số của cả nước, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh công tác số hóa nhằm nâng cao hiệu quả, mở rộng thị trường, thu hút khách du lịch thông qua các công cụ: website, các nền tảng trực tuyến, các mạng xã hội… đặc biệt, qua cổng thông tin du lịch thông minh (http://mybacninh.vn) được tích hợp các công nghệ mới nhất với đầy đủ các tính năng hữu ích cho du khách, đơn vị kinh doanh du lịch và cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin về các địa điểm tham quan, tuyến du lịch; dữ liệu về các dịch vụ lưu trú, vui chơi, giải trí… Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu triển khai, hoàn thiện số hóa tổng thể hệ thống di sản để bảo tồn bền vững kho tàng di sản văn hóa của quê hương. Từ việc ứng dụng công nghệ trong công tác quảng bá di tích, giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh đã đầu tư gần 45 tỷ đồng thực hiện đề án ứng dụng công nghệ hiện đại để số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu di sản văn hóa, hỗ trợ thiết thực cho hoạt động quản lý nhà nước về di sản. Ðến nay, ứng dụng mã quét QR được thiết kế, lắp đặt tại 60 điểm di tích, giúp du khách dễ dàng tra cứu, tìm hiểu giá trị tổng thể của các di tích góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá giá trị di tích7.

Nhờ đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng du lịch; gìn giữ, tôn tạo, lan tỏa nhiều giá trị di sản, hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển. Những năm gần đây, du lịch Bắc Ninh đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên 40%/năm. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng thu từ du lịch năm 2019 đạt 1.100 tỷ đồng (năm 2020 và 2021 sụt giảm do ảnh của dịch Covid-19). Năm 2022, du lịch phục hồi tích cực sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại hoạt động từ tháng 3/2022. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 ước đạt 830 tỷ đồng (tăng 56% so với năm 2021); tổng lượt khách đạt 1,2 triệu lượt (tăng 50% cùng kỳ năm 2021). Năm 2023, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.227 tỷ đồng (tăng 47% so với năm 2022); tổng lượt khách đạt 1.650.000 lượt (tăng 46%); năm 2024, doanh thu du lịch đạt 1.900 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng lượt khách đạt 2,3 triệu lượt (tăng 4)8. Mục tiêu đến năm 2025, Bắc Ninh đón và phục vụ từ 2 – 2,5 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, đón và phục vụ trên 5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch đạt khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh9. Có thể nói, bức tranh tươi sáng của du lịch Bắc Ninh đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy gia trị di sản văn hóa những năm qua, tỉnh Bắc Ninh vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần khắc phục, cụ thể: (1) Hoạt động du lịch phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng du lịch văn hóa; việc gắn kết du lịch với di sản văn hóa chưa có sự đột phá. (2) Nhận thức vai trò của bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức. (3) Sản phẩm du lịch có đổi mới nhưng chưa phong phú và hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao; còn thiếu các sản phẩm du lịch bổ trợ có thương hiệu, thiếu các khu vui chơi giải trí tổng hợp, các khu dịch vụ mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. (4) Hiệu quả một số chương trình truyên truyền, quảng bá còn thiếu chiều sâu, nội dung và hình thức chưa đổi mới, sáng tạo; nhiều sản phẩm quảng bá còn thiếu tính gắn kết du lịch – văn hóa. (5) Chất lượng nguồn nhân lực du lịch được đào tạo bài bản còn thấp. Hạ tầng giao thông kết nối, phục vụ phát triển du lịch chưa đồng bộ. (6) Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động văn hóa, du lịch đã được triển khai nhưng còn hạn hẹp…

3. Một số giải pháp

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền cơ sở về phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 19/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, tài nguyên du lịch văn hóa; tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch; về trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa và môi trường du lịch bền vững, bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng điểm đến văn minh, thân thiện. Khai thác lợi thế tài nguyên từ giá trị di sản để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có thương hiệu, chất lượng cao gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Hai là, đổi mới công tác xúc tiến du lịch và phát triển thị trường; đẩy mạnh phối hợp quảng bá du lịch gắn với các chương trình, sự kiện văn hóa, kinh tế – chính trị lớn của tỉnh. Tăng cường công tác văn hóa đối ngoại, gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, ngoại giao văn hóa; tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài; tích cực tham gia vào công tác phục vụ các sự kiện quốc tế lớn ở trong nước nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam giàu bản sắc; tiềm năng, lợi thế riêng có của miền quê quan họ “trọng tình – hiếu khách”, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hợp tác kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, thương mại. Huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch theo định hướng phát triển du lịch nhanh, bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần tích cực vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Ba là, xây dựng các chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; chính sách hỗ trợ nghệ nhân, nhà giáo tham gia giảng dạy, truyền dạy và học viên học các ngành nghệ thuật truyền thống đặc thù. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch, mở các lớp đào tạo ngắn hạn, chú trọng bồi dưỡng về nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, bồi dưỡng kiến thức về công tác bảo tồn di sản, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng bằng nhiều hình thức đào tạo, tập huấn các kỹ năng cần thiết về giao tiếp, ngoại ngữ, cách thức tổ chức và quản lý cho cộng đồng tham gia phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch với tiêu chí “Mỗi người dân là một tuyên truyền viên di sản văn hóa, hướng dẫn viên du lịch” để phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, giữ gìn phong tục tập quán truyền thống, cảnh quan thiên nhiên vùng di sản.

Bốn là, thúc đẩy phát huy hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế; mở rộng liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố, phát triển thị trường du lịch trọng điểm gắn với các sản phẩm du lịch độc đáo, xâu chuỗi các điểm đến tiêu biểu nhằm “kích cầu” các tour du lịch liên vùng hấp dẫn. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch, bảo đảm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; phát triển các tuyến giao thông kết nối di sản, hình thành các “con đường du lịch” đặc thù. Phát huy các dòng sản phẩm du lịch mang dấu ấn, bản sắc địa phương, ưu tiên nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có, xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục đầu tư đồng bộ giữa hoạt động trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử – văn hóa với kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch nhân văn, bền vững.

Năm là, tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ trong xu thế chuyển đổi số hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy sự tăng trưởng và chỉ số năng lực cạnh tranh trong phát triển du lịch, đồng thời quản lý việc bảo tồn, phát huy di sản, như: lập ngân hàng dữ liệu di sản, số hóa hoạt động quản lý di sản, bản đồ du lịch số và hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) tại các điểm du lịch nhằm hỗ trợ, hướng dẫn du khách tra cứu thông tin dịch vụ; đặt tour, đặt phòng, thanh toán qua các ứng dụng, ví điện tử;… số hóa cơ sở dữ liệu các điểm đến, sản phẩm du lịch, dữ liệu di sản văn hóa bằng sản phẩm du lịch ảo, du lịch 3D… tăng trải nghiệm du lịch mới cho du khách góp phần xây dựng hướng tới phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; quản lý, lưu trữ, khai thác phát triển hoạt động du lịch có hiệu quả, phát triển thương hiệu du lịch Bắc Ninh xứng tầm với lợi thế.

4. Kết luận

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống nhằm khai thác tối đa lợi thế về di sản, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng cao, đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, nguyên bản, đem lại sinh kế bền vững cho cộng đồng góp phần hiện thực mục tiêu đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Chú thích:
1. Thêm 11 di tích được xếp hạng và cấp Bằng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. https://svhttdl.bacninh.gov.vn/news/-/details/57300/them-11-di-tich-uoc-xep-hang-va-cap-bang-di-tich-lich-su-van-hoa-cap-tinh-86211792.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2024). Báo cáo công tác quản lý và tổ chức lễ hội tỉnh Bắc Ninh năm 2024, phương hướng, kế hoạch triển khai năm 2025.
3. Di sản văn hóa: Niềm tự hào của Bắc Ninh. https://baoquocte.vn/di-san-van-hoa-niem-tu-hao-cua-bac-ninh-280990.html#google_vignette
4, 5. Dấu ấn nổi bật trong bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa Bắc Ninh. https://baobacninh.com.vn/chi-tiet-van-hoa/-/details/20182/dau-an-noi-bat-trong-bao-ton-gin-giu-di-san-van-hoa-bac-ninh.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh (2024). Báo cáo Kết quả hoạt động đối ngoại năm 2024, và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
7. Số hóa di sản-bảo tồn và kết nối du lịch.https://nhandan.vn/so-hoa-di-san-bao-ton-va-ket-noi-du-lich-post783735.html.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh (2024). Báo cáo số 358/BC-SVHTTDL ngày 23/10/2024 về hoạt động quảng bá văn hóa, thu hút xã hội hóa trong phát triển du lịch.
9. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2022). Quyết định số 406/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.