Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Khmer ở TP. Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế – xã hội

ThS. Thạch Nghi Xuân
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Người Khmer ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và người Khmer Nam Bộ nói chung là một trong 54 tộc người trong cộng đồng quốc gia  dân tộc Việt Nam. Người Khmer đãxây dựng một giá trị văn hóa riêng hòa chung vào bản sắc của văn hóa Việt Nam. Bài viết phân tích thực trạng bảo tồn văn hóa truyền thống của người Khmer ở TP. Hồ Chí Minh và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer trong phát triển kinh tế – xã hội ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay.

Từ khóa: Văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy; người Khmer; phát triển kinh tế – xã hội; TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất khu vực phía Nam về dân số, diện tích và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thành phố có dân số 8.993.082 người; có 53 dân tộc thiểu số với 468.128 nhân khẩu, chiếm 5,2% dân số toàn thành phố; dân tộc Khmer là 50.422 người (10,8%)1.

Nền văn hóa – nghệ thuật truyền thống của người Khmer Nam bộ trải qua một quá trình lịch sử phát triển lâu dài, đã tạo nên một bản lĩnh và bản sắc văn hóa đặc trưng của tộc người. Ở TP. Hồ Chí Minh, văn hóa phi vật thể của cộng đồng Khmer được trình diễn trong các lễ hội truyền thống, như: sân khấu Rơbăm – loại kịch hát cổ điển, với ngôn ngữ hình thể chủ đạo để diễn tả tâm trạng, tình huống, tuồng tích; kịch hát Dù kê – loại hình phát triển chiều hướng diễn tả nội tâm với tâm trạng mang tính mô phỏng, có tính cách được ước lệ cao, như diễn tả những con thú: chim thần (Krud), chằn (Yeak), rắn thần (Naga), khỉ (Hanuman), rồng (Phuchông); múa Sarikakeo, Râmvông, Saravan, múa trống Xadam; trong đời sống của cộng đồng Khmer có những lễ hội giàu giá trị nhân văn, có tính cộng đồng cao (Sen Đolta, Ok Om bok, Cholchnamthmay – Tết đón năm mới…); những món ăn truyền thống đặc sắc như: bún nước lèo, mắm bò hóc, bánh gừng, bánh ống, cốm dẹp… Bên cạnh đó là văn hóa vật thể, như những ngôi chùa có kiến trúc nguy nga, đồ sộ, rực rỡ, tiêu biểu là hai ngôi chùa Khmer nổi tiếng là Pôthivong (Quận Tân Bình) và Chantarangsay (Quận 3)2.

Hiện nay, các du khách trong và ngoài nước, đặc biệt du khách nước ngoài có xu hướng tìm đến các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp… tức là các loại hình du lịch mà du khách được trải nghiệm cuộc sống thực tế với cộng đồng dân cư tại chỗ, được tìm hiểu văn hóa bản địa của cộng đồng về nghi lễ, tôn giáo, sản xuất, sinh hoạt, văn hóa nghệ thuật… Do vậy, đối với cộng đồng Khmer tại TP. Hồ Chí Minh, nếu được đầu tư, phát triển đúng hướng, bài bản, có chiều sâu thì trải nghiệm các tour du lịch văn hóa của cộng đồng Khmer tại các ngôi chùa Khmer sẽ là một sản phẩm du lịch mới lạ, có sức hấp dẫn đối với du khách, có thể giữ chân du khách ở lại Thành phố dài ngày hơn.

2. Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế – xã hội ở TP. Hồ Chí Minh 

Về chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer. Cộng đồng người Khmer tại TP. Hồ Chí Minh thường có thu nhập thấp và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Theo thống kê từ Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng người Khmer vẫn cao hơn mức trung bình của thành phố, khiến cho việc đầu tư vào các hoạt động văn hóa gặp nhiều trở ngại. Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ người Khmer như các chương trình vay vốn ưu đãi và chính sách hỗ trợ giáo dục, nhưng những chính sách này vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Nhiều hộ gia đình Khmer vẫn không đủ khả năng tham gia các chương trình phát triển kinh tế, làm cho việc bảo tồn văn hóa trở thành một thách thức lớn.

Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khôi phục các làng nghề truyền thống, bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố gắn với phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, như: Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngảy 16/7/20214 ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình hành động về Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn thành phố đến năm 2020 xác định rõ “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” là một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân tộc đến năm 2020; đồng thời, xác định một trong các biện pháp nhằm “đẩy mạnh công tác giảm nghèo, tăng hộ khá, bảo đảm an sinh xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số” chính là “xây dựng chính sách hỗ trợ vốn tín dụng xây dựng mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn và duy trì bảo tồn, phát triển các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống, có khả năng phát triển độc lập, bền vững” (Quyết định số 3891/QĐ- UBND ngày 17/7/2013 phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tại TP. Hồ Chí Minh định hướng đến năm 2020) nhằm xây dựng TP. Hồ Chí Minh là thành phố có chất lượng sống tốt. Có thể khẳng định, việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa ngày càng được chú trọng. 

Về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer tại TP. Hồ Chí Minh. Cộng đồng dân tộc Khmer di cư từ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đến TP. Hồ Chí Minh từ hàng chục năm nay. Người Khmer cư trú chủ yếu tại vùng ven, khu công nghiệp, khu lao động nghèo rải rác khắp thành phố. Công việc chính của những người dân Khmer ở TP. Hồ Chí Minh là lao động chân tay, xe ôm, nội trợ, giúp việc nhà, làm công nhân tại các khu công nghiệp, bán hàng rong… nên đời sống của cộng đồng Khmer rất khó khăn. Cuộc sống mưu sinh đã khiến cho người Khmer không có điều kiện để quan tâm đến bảo tồn văn hóa dân tộc. 

Thực hiện bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ năm 2019 đến nay, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc đã và đang thực hiện chủ yếu đối với đồng bào dân tộc Hoa, dân tộc Khmer và dân tộc Chăm với đặc điểm, quy mô và phương thức tổ chức khác nhau; giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc được hỗ trợ 0,5 lần mức lương cơ bản/giáo viên/tháng3. Trong cộng đồng Khmer ở thành phố hiện nay, có nhiều sinh viên tình nguyện dạy tiếng Khmer miễn phí cho người lớn và trẻ em. Tại các chùa của người Khmer ở thành phố thường xuyên tổ chức các lớp dạy tiếng Khmer miễn phí cho người dân, nhưng số lượng người theo học ngày càng ít. 

Kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa là những nguyên nhân khiến văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có văn hóa truyền thống của người Khmer mai một dần. Ở TP. Hồ Chí Minh, sự mai một càng nhanh hơn bởi cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt hơn, không gian thực hành văn hóa biến đổi nhanh nên các gia đình không thường xuyên truyền dạy được văn hóa truyền thống cho con em mình. Trong bối cảnh văn hóa truyền thống đang bị mai một nhanh chóng ở đô thị, người Khmer vẫn cố gắng để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là lễ hội và nghệ thuật truyền thống vẫn được bảo tồn, tuy nhiên ẩm thực và một số nghề truyền thống lại bị mai một khá nhanh chóng. 

Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Khmer, đặc biệt là Phật giáo Nam tông. Các ngôi chùa Khmer như chùa Candaransi và Pothiwong không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là trung tâm tổ chức các lễ hội truyền thống quan trọng, như: Chôl Chnăm Thmây (Tết Khmer), Sen Đolta (lễ báo hiếu tổ tiên) và Óc-Om-Bok (lễ cúng trăng). Những lễ hội này không chỉ thu hút người Khmer mà còn có sự tham gia của người dân địa phương và du khách. Năm 2023, Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer lần đầu tiên được Quận 3 tổ chức nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây đã thu hút đồng bào dân tộc Khmer ở thành phố và các tỉnh miền Đông Nam Bộ tham gia.

Hai ngôi chùa Khmer là Pôthivong (Quận Tân Bình) và Chantarangsay (Quận 3) là nơi để người Khmer có không gian sinh hoạt văn hóa trong các dịp lễ, Tết, hội hè. Tại đây, các sư sãi đã hỗ trợ người dân trong thành lập các đội văn nghệ, các nhóm chế biến, trình bày, giới thiệu nghệ thuật ẩm thực Khmer đến với người dân. Nhờ sự hỗ trợ của nhà chùa mà nhiều hoạt động văn hóa của người Khmer ở thành phố còn được bảo tồn, phát triển, được mang giới thiệu, quảng bá với du khách vào các dịp lễ, Tết của cộng đồng4. Do vậy, với rất nhiều món ăn mang hương vị, sắc màu của vùng sông nước Nam Bộ; các loại hình văn nghệ dân gian phong phú… cộng đồng Khmer ở thành phố hoàn toàn có thể phát triển các hoạt động này thành nguồn sinh kế, mang lại thu nhập ổn định. 

Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer ở TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên, các giá trị văn hóa này không được bảo tồn và phát triển bền vững do các thành viên trong cộng đồng không hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của mỗi hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện nay, việc bảo tồn đang được thực hiện bằng hình thức truyền khẩu nhưng thiếu chiều sâu, thiếu bài bản, dễ bị mai một. Một số nghi lễ vẫn được tiến hành nhưng đã có nhiều khác biệt so với nguyên bản. Những sinh hoạt văn hóa vốn là cơ sở gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng nay đã mất dần. Sự mai một các yếu tố văn hóa trong khi những yếu tố văn hóa hiện đại chưa kịp ăn sâu, bám rễ đang làm cho đời sống tinh thần của đồng bào Khmer có xu hướng nghèo nàn và đơn giản hóa. Nhiều nghề thủ công truyền thống đã mai một, tỷ lệ các gia đình tham gia các nghề thủ công truyền thống, như,: đan lát, dệt thổ cẩm… hầu như không còn.

3. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Khmer gắn với phát triển kinh tế – xã hội ở TP. Hồ Chí Minh

Một là, TP. Hồ Chí Minh cần có đề án tổng thể bảo tồn văn hóa truyền thống của người Khmer gắn với phát triển kinh tế – xã hội để huy động các cơ quan liên quan và cộng đồng dân cư cùng tham gia bảo tồn và phát triển (như xây dựng khu phố chuyên doanh, quảng bá văn hóa, đào tạo tập huấn, tổ chức các sự kiện văn hóa dân tộc đinh kỳ, lộ trình thực hiện…). Đồng thời, vận dụng chính sách dạy nghề để đào tạo cho người Khmer tại cộng đồng một số kiến thức, kỹ năng làm du lịch, như: kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, kỹ năng thuyết minh, giới thiệu về văn hóa cộng đồng, kỹ năng chế biến món ăn, làm đồ thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống… để hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp khi thực hiện bảo tồn văn hóa có chiều sâu theo hướng trải nghiệm, gắn với phát triển kinh tế – xã hội, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ ban đầu cho người dân tham gia bảo tồn văn hóa tại cộng đồng. Để giải quyết được nguồn vốn ban đầu cho người dân khi phục vụ khách du lịch theo hướng trải nghiệm, Ban Dân tộc thành phố cần phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận thống kê nhu cầu nguồn vốn vay ưu đãi, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hướng dẫn người dân lập kế hoạch phát triển kinh tế gia đình theo định hướng trải nghiệm văn hóa tại các chùa khi khách du lịch có nhu cầu.

Hai là, du lịch văn hóa là một trong những giải pháp kinh tế hiệu quả giúp gắn kết việc bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội. Với cộng đồng người Khmer tại TP. Hồ Chí Minh, việc phát triển du lịch văn hóa có thể tạo điều kiện cho cộng đồng này quảng bá các nét đẹp văn hóa độc đáo. Các tour du lịch có thể tập trung vào các lễ hội truyền thống Khmer như lễ hội Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Pchum Bên và lễ hội Óc-Om-Bok. Các sự kiện này không chỉ thu hút du khách nội địa mà còn hấp dẫn du khách quốc tế, đặc biệt là những người quan tâm đến văn hóa Đông Nam Á. Để phát triển du lịch văn hóa bền vững cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng Khmer và chính quyền địa phương nhằm bảo đảm các hoạt động du lịch không làm biến đổi hoặc thương mại hóa quá mức các giá trị văn hóa truyền thống.

Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ người Khmer phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, như: dệt lụa, làm gốm và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm này không chỉ có giá trị văn hóa mà còn có tiềm năng thương mại cao, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và xuất khẩu. Thành phố cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người Khmer, đặc biệt là các kỹ năng kinh doanh và tiếp thị sản phẩm thủ công. Các chương trình tài trợ vốn, cho vay ưu đãi và hỗ trợ tiếp cận thị trường cũng cần được triển khai để người Khmer có thể phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa của họ. Việc tổ chức các hội chợ văn hóa và thương mại cũng là một cơ hội để người Khmer quảng bá sản phẩm và thu hút sự quan tâm của du khách và nhà đầu tư.

Ba là, muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cho cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung, người Khmer nói riêng cần tôn trọng và phát huy vai trò của cộng đồng trong các vấn đề liên quan đến chủ thể văn hóa, đối tượng thụ hưởng; đồng thời, vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng cần được coi trọng. Hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống cần phải được tuyên truyền sâu rộng đối với người dân tại mỗi cộng đồng để người dân hiểu bảo tồn văn hóa là bảo tồn bản sắc dân tộc, ý thức tộc người. Đối với cộng đồng Khmer ở Thành phố hiện nay, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đã bị mai một, đáng báo động nhất là về ngôn ngữ, nghệ thuật truyền thống. 

Bốn là, giới trẻ người Khmer là lực lượng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, tuy nhiên, với sự ảnh hưởng của quá trình hiện đại hóa, nhiều người trẻ Khmer có xu hướng xa rời các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Do đó, cần có các chương trình và hoạt động cụ thể nhằm khuyến khích giới trẻ tham gia vào việc bảo tồn văn hóa Khmer. Cần tạo ra các sân chơi văn hóa dành riêng cho giới trẻ, nơi họ có thể học hỏi và trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống. Các cuộc thi tìm hiểu văn hóa Khmer, các buổi diễn văn nghệ truyền thống và các hoạt động tình nguyện bảo tồn di sản văn hóa là những cách để thu hút sự tham gia của giới trẻ. Ngoài ra, cần tận dụng công nghệ và mạng xã hội để truyền bá văn hóa Khmer đến giới trẻ.

4. Kết luận

Người Khmer ở TP. Hồ Chí Minh sở hữu nền văn hóa độc đáo với ngôn ngữ, tín ngưỡng, nghệ thuật, văn học dân gian phong phú. Tuy nhiên, trước áp lực của đô thị hóa và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, văn hóa Khmer đang đối diện với nguy cơ mai một. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy văn hóa Khmer là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giúp duy trì sự đa dạng văn hóa của đất nước mà còn tạo tiền đề để phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả, bao gồm việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật truyền thống, phát triển giáo dục song ngữ và nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của văn hóa Khmer. Đồng thời, cần có các chương trình đầu tư, hỗ trợ sinh kế, phát triển cơ sở hạ tầng để bảo đảm đời sống của đồng bào Khmer, từ đó tạo động lực để họ tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Chú thích:
1, 3. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2024). Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024, ngày 30/8/2024.
2. Chantarangsay: ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer giữa lòng TP. Hồ Chí Minh.https://btgcp.gov.vn/doi-song-tin-nguong-va-ton-giao/chantarangsay-ngoi-chua-phat-giao-nam-tong-khmer-giua-long-thanh-pho-
4. Những ngôi chùa kết nối, lưu truyền văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh.  https://dantocmiennui.vn/nhung-ngoi-chua-ket-noi-luu-truyen-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-khmer-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-post327477.html
Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2014). Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngảy 16/7/20214 ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình hành động về Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn thành phố đến năm 2020.
2. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2013). Quyết định số 3891/QĐ- UBND ngày 17/7/2013 phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề tại TP. Hồ Chí Minh định hướng đến năm 2020.
3. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định.https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/02/25/bao-ton-va-phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-tren-dia-ban-tinh-binh-dinh/
4. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Satra Slất Rịt – văn bản lá Buông của người Khmer ở vùng Nam Bộ. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/12/28/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-satra-slat-rit-van-ban-la-buong-cua-nguoi-khmer-o-vung-nam-bo/