ThS. Lê Hồng Dương
Học viện Ngân hàng
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng, phát triển kinh tế xanh là mục tiêu và động lực trong xu thế phát triển chung với mọi quốc gia trên thế giới hiện nay. Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức là vấn đề mà mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam cần phải giải quyết. Bài viết đề cập các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trước mục tiêu phát triển kinh tế xanh trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, từ đó cần có những giải pháp đồng bộ để Việt Nam vững bước trong thế kỷ XXI.
Từ khoá: Việt Nam, cơ hội, thách thức, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
1. Việt Nam trước mục tiêu phát triển kinh tế xanh
Phát triển kinh tế xanh là yêu cầu tất yếu với mọi quốc gia trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa quốc tế hiện nay, khi loài người đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, cũng như đối mặt với hàng loạt các dấu hiệu khủng hoảng về môi trường toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống trên trái đất.
Phát triển kinh tế xanh đã trở thành yêu cầu, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến, trước bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang được tận dụng triệt để, nếu không có giải pháp, có thể dẫn đến sự cạn kiệt. Lần đầu tiên trong Chiến lược bảo tồn Thế giới (do Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế – IUCN ban hành) vào năm 1980, thuật ngữ “phát triển xanh” đã xuất hiện. Chiến lược đã khẳng định “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”1. Như vậy phát triển xanh thực chất là hướng đến sự phát triển nhằm bảo đảm môi trường sống, bảo đảm phát triển kinh tế không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường sống của thế giới.
Có thể nói, phát triển xanh hay phát triển kinh tế xanh đều hướng đến mục tiêu bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai, bảo đảm nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường thế giới.
Việt Nam đã và đang tích cực tham gia triển khai thực hiện những cam kết về phát triển kinh tế xanh. Ngày 17/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” hay còn gọi “Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam”, gồm những định hướng làm cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân phối hợp hành động nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ XXI.
Phát triển kinh tế xanh đã và đang được triển khai dần vào thực tiễn, từ quản lý quy hoạch vùng đến thiết kế kiến trúc đô thị và xây dựng công trình thông qua các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Theo đó, việc phát triển kiến trúc phải phù hợp với thiên nhiên, địa hình và khí hậu của các vùng lãnh thổ, như: kiến trúc vùng miền núi, kiến trúc vùng trung du, kiến trúc vùng đồng bằng, kiến trúc vùng ven biển… qua đó tạo nên các quần thể kiến trúc phong phú, độc đáo thể hiện bản sắc riêng cho từng vùng miền trên cả nước.
Sau một thời gian thực hiện đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trên nhiều mặt trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế. Với việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam được xác lập một vị thế mới, sức hấp dẫn đầu tư tăng lên.

Theo các số liệu của Cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 của Việt Nam đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27% mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Trong đó, sản lượng nhiều nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 2,94% so với năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,03%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022 trong giai đoạn 2019-2024, đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, thấp hơn mức tăng các năm 2011, 2016, 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, đóng góp 2,49 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,43%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,24%, làm giảm 0,21 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,87%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm2.
Theo Báo cáo GII 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53; đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36. Trong khi đó, theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên hiệp quốc, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022, đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức Rất cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hiệp quốc năm 20033.
Nền kinh tế đang có những đổi mới căn bản cả thế và lực, đứng trước những cơ hội to lớn. Đó là sự thay đổi chất lượng quan trọng của quá trình phát triển, đưa nền kinh tế nước ta sang một giai đoạn mới, giai đoạn đổi mới và phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và sâu sắc hơn.
Cùng với nhiều nước trong khu vực và thế giới, phát triển kinh tế xanh hiện đang là một trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia ở Việt Nam, nhằm giảm phát thải các-bon, hướng đến xây dựng nền kinh tế các-bon thấp trong tương lai. Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế xanh đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để giải quyết một cách hiệu quả các thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội qua hướng tiếp cận về sinh thái, tập trung chủ yếu vào một số các công cụ, như: công nghiệp xanh, việc làm xanh, thị trường xanh, thuế xanh, cơ chế tài chính các-bon…
Hiện nay, với 3 nội dung chính gắn liền với tăng trưởng xanh bao gồm: tăng trưởng kinh tế tập trung vào các ngành sản xuất thân thiện môi trường; giảm suy thoái môi trường và chiến lược giảm thiểu, thích ứng kịp thời với các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định. Quá trình toàn cầu hóa với mục tiêu phát triển kinh tế xanh với mọi quốc gia đã và đang tạo ra những cơ hội to lớn. Việt Nam cần chủ động nắm bắt những cơ hội này để phát triển.
Một là, với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, mọi quốc gia đều có sự ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau, nếu không có sự hợp tác, sẽ không có hiệu quả trong mục tiêu phát triển kinh tế xanh. Một quốc gia sẽ không thể thực hiện được mục tiêu nếu không có sự liên kết, hợp tác trong vùng, trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng lẫn nhau, đây chính là cơ hội để phát triển. Các nước đang phát triển có thể tìm hướng đi phù hợp trong việc phát triển khoa học – công nghệ, phát triển kinh tế xã hội. Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức sẽ phụ thuộc vào mỗi quốc gia, dân tộc. Việt Nam cũng đang tích cực tận dụng mọi cơ hội đề tạo ra các đột phá, đưa đất nước lên một trình độ mới, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Hai là, với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, các nước đang phát triển muốn nắm bắt những thành tựu khoa học – công nghệ của thế giới để làm nền tảng cho sự sáng tạo công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời đại kinh tế tri thức và kinh tế toàn cầu hóa, thì khoa học – công nghệ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy toàn cầu hoá phát triển và ngược lại, toàn cầu hoá làm xuất hiện nhiều nhân tố tạo động lực cho khoa học – công nghệ phát triển. Chính điều này có thể tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thể “đi tắt – đón đầu” bằng năng lực nội sinh về khoa học – công nghệ, phát huy tiềm lực và tận dụng tối đa những thời cơ có được từ quá trình toàn cầu hoá.
Toàn cầu hoá với mục tiêu phát triển kinh tế xanh trên ba trụ cột: kinh tế – chính trị – môi trường đã tạo ra những mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội vượt biên giới quốc gia, khu vực. Tham gia trong quá trình ấy, các nước đang phát triển sẽ tận dụng được những điều kiện và cơ hội như: thị trường rộng lớn, là động lực cho khoa học – công nghệ phát triển; nguồn lực cho đổi mới và phát triển khoa học – công nghệ trở nên phong phú và đa dạng hơn.
Như vậy, mục tiêu phát triển kinh tế xanh đã và đang tạo ra những cơ hội lớn với mọi quốc gia trên thế giới. Tùy thuộc vào điều kiện phát triển cụ thể của mình, mỗi quốc gia sẽ có những hướng đi riêng, nắm bắt thời cơ, vượt qua các thách thức, đạt được những mục tiêu cơ bản trong giai đoạn mới.
2. Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trước mục tiêu phát triển kinh tế xanh
Phát triển kinh tế xanh là tiền đề và động lực cơ bản để hội nhập thành công. Toàn cầu hóa và hội nhập vừa mở ra triển vọng hợp tác, vừa tạo ra những thách thức, áp lực lớn cho phát triển kinh tế xanh. Điều này càng trở nền gây gắt hơn ở các nước kém phát triển, đang phát triển phải giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển kinh tế xanh ngày nay không chỉ là xu hướng mà còn là mục tiêu chung có tính chiến lược mà mọi quốc gia đề hướng đến.
Mặc dù vậy, có nhiều thách thức đặt ra trước mục tiêu phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Rõ ràng, cách thức phát triển theo kiểu cũ, phát triển “nóng”, không bền vững không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này cần nghiên cứu và giải quyết trước hết ở tầm vĩ mô, từ xác định cơ chế, chính sách đến nguồn lực con người.
Thứ nhất, thách thức trong giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu tăng trưởng kinh tế với sự ổn định và phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường. Toàn cầu hóa tạo ra khả năng hội nhập của các quốc gia và hội nhập đã đẩy toàn cầu hóa lên mức cao và toàn diện hơn. Đồng thời, bất bình đẳng giàu nghèo càng lớn và môi trường thiên nhiên đã khủng hoảng sâu sắc đang thách thức đối với nhân loại và thách thức đối với sự phát triển.
Vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là nhận thức được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với sự ổn định, hài hòa về mặt xã hội, môi trường mà còn phải hiểu được những quy luật khách quan để đưa ra được những quyết sách quan trọng, kịp thời huy động sức mạnh nội lực và ngoại lực, tiến hành hội nhập hợp lý, tạo nên những đột phá, nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức. Có thể nói, đây chính là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách cần phải giải quyết, để vừa phát triển kinh tế nhưng vừa bảo đảm sự ổn định và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, xã hội, bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống. Nếu tăng trưởng “nóng” nhưng đi theo đó là nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường sống bị đe dọa, những giá trị văn hóa xã hội bị bào mòn thì đó không phải là phát triển kinh tế xanh.
Hiện nay, ở Việt Nam, một số địa phương đang theo đuổi tốc độ tăng trưởng nóng thông qua các chính sách thu hút đầu tư bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng ở những địa điểm thuận tiện, ưu đãi cho thuê đất, ưu đãi thuế, thu hồi đất nông nghiệp cho việc xây dựng sân golf, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị… Các chính sách này rõ ràng là không bền vững nếu xét theo các tiêu chí phát triển kinh tế xanh, điều này dẫn đến việc nới lỏng những tiêu chuẩn sử dụng tiết kiệm tài nguyên quý hiếm như đất đai, khoáng sản, năng lượng. Tình trạng lãng phí đất ở các khu công nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành các khu công nghiệp, đô thị, cho phép đầu tư các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm cao, cho phép khai thác các loại khoáng sản để xuất khẩu thô hiện đang là những vấn đề đặt ra. Luật Đất đai năm 2024 với việc thắt chặt các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng cũng là một trong những yêu cầu tất yếu nhằm bảo vệ quỹ đất nông nghiệp hiện nay.
Theo Quyết định số 3048/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022) phê duyệt và công bố kết quả báo cáo thống kê “Hiện trạng sử dụng đất đai cả nước tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2022”, tổng diện tích đất tự nhiên trên cả nước là 33.134.482 ha. Trong đó bao gồm diện tích nhóm đất nông nghiệp là 28.002.574 ha, diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.961.324 ha và diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 1.170.584 ha. Đất phi nông nghiệp của Việt Nam đã tăng thêm 12.166 ha, nâng tổng diện tích đất phi nông nghiệp trên cả nước lên mức 3.961.324 ha, diện tích đất nông nghiệp cũng giảm xuống. Các loại hình đất phi nông nghiệp bao gồm đất chuyên dùng; đất cơ sở tôn giáo, thờ tự, đất cơ sở tín ngưỡng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối; đất có mặt nước chuyên dùng; đất phi nông nghiệp khác. Trong đó, đất chuyên dùng chiếm diện tích lớn nhất là 2.002.490 ha, gồm đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất quốc phòng, đất an ninh, đất công cộng, đất xây dựng công trình sự nghiệp và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
Trong các hạng mục đất phi nông nghiệp, đáng quan tâm nhất phải kể đến là đất ở có diện tích 765.124 ha, trong đó, đất ở tại nông thôn diện tích là 564.132 ha, đất ở tại đô thị có diện tích là 200.992 ha. Thực tế cho thấy, diện tích đất ở đô thị tăng thêm gần 5.900 ha, trong khi đó, đất ở nông thôn giảm gần 320 ha, điều này cũng là kết quả của việc đô thị hoá nông thôn. Diện tích nhóm đất chưa sử dụng của cả nước đến hết 31/12/2022 đã giảm 20.400 ha, từ 1.191.003 ha (2021) xuống còn 1.170.584 ha4. Những con số này cho thấy, việc sử dụng đất có hiệu quả cần được quan tâm đủ mức, trước bối cảnh các ngành kinh tế đang phát triển và nhu cầu mở rộng đất phục vụ sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng.
Những thách thức về phát triển kinh tế cũng được đặt ra trước mục tiêu phát triển kinh tế xanh. Nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh hơn, trong một môi trường quốc tế có nhiều biến động, khó dự đoán và có độ rủi ro cao. Trong điều kiện đó, nếu không có một cơ cấu kinh tế tổng thể hiệu quả và vững chắc, một hệ thống thể chế vận hành đồng bộ, thống nhất, nền kinh tế sẽ không thể hội nhập thành công, càng không thể bảo đảm phát triển kinh tế xanh. Cần thấy rõ đây chính là điểm mấu chốt khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong giai đoạn tới.
Thứ hai, những thách thức về bảo vệ môi trường. Đây là một thách thức lớn mà mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt. Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, các tiêu chí về bảo vệ môi trường dường như còn bị xem nhẹ. Ô nhiễm bầu không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đang đe dọa trực tiếp đến môi trường sống. Việt Nam đã ban hành khá nhiều văn bản pháp luật bảo vệ môi trường. Điều này đã phát huy tác dụng tích cực trong quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cũng không ít các lỗ hổng trong bảo vệ môi trường đang chưa được quy định, trong khi tình trạng ô nhiễm đang là vấn đề lớn đặt ra, chẳng hạn như thiếu những văn bản về chi trả dịch vụ môi trường, thiếu chính sách cụ thể khuyến khích công nghệ sản xuất sạch. Đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường còn rất lỏng lẻo, chưa có những hình thức xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, nhiều ngành kinh tế phát triển nhanh gây áp lực lớn đến môi trường và xã hội, nhưng khi lập quy hoạch phát triển lại hầu như không đề cập đến phát triển kinh tế xanh theo khía cạnh môi trường và an sinh xã hội. Đa số các quy hoạch này thường nặng về phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến sinh kế của một bộ phận đông đảo dân cư và bảo vệ môi trường. Nói cách khác, yêu cầu về phát triển kinh tế xanh chưa được triển khai sâu rộng trong thực tiễn.
Theo con số thống kê, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động trồng trọt (ni lông, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) khoảng 661,5 nghìn tấn/năm, gồm 550 nghìn tấn ni lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm khoảng 67,93 triệu tấn; 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn, khoảng 880 nghìn tấn bùn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác cũng ảnh hưởng hưởng không nhỏ đến môi trường hiện nay. Các con số này đã cho thấy những tác động không nhỏ đến môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay5.
Đáng chú ý, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế. Cả nước hiện có 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý và đang lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô. Hàng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan6.
Thứ ba là những thách thức về mặt xã hội. Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, một số chính sách mới đã được ban hành trong các lĩnh vực dân số, xoá đói giảm nghèo, đô thị hoá, di dân, y tế, giáo dục… Những chính sách này về cơ bản có tác dụng tích cực đối với ổn định xã hội, nâng cao thu nhập và phúc lợi của các nhóm yếu thế, góp phần phát triển nguồn lực con người. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng… Phát triển kinh tế nhưng cần bảo đảm sự hài hòa, ổn định và gìn giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa xã hội, một trong những trụ cột vô cùng quan trọng của phát triển kinh tế xanh. Đây là một thách thức mà Việt nam đang phải đối mặt để giải quyết.
3. Một số giải pháp trước mục tiêu phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế xanh, đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế xanh trong mọi hoạt động, mọi quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. phát triển kinh tế xanh phải được lồng ghép và thể hiện rõ trong mọi hoạt động của các cấp, các ngành, kiên quyết loại bỏ các kế hoạch mà ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xanh, cần coi đây là nhiệm vụ then chốt, là mục tiêu hướng đến trong giai đoạn hiện nay, là tiêu chí đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, trong khu vực công và khu vực tư.
Hai là, đẩy mạnh tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường, trong đó, thị trường khoa học – công nghệ cần được xây dựng và phát triển, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cơ chế kinh tế cũ không còn phù hợp cần được xóa bỏ căn bản, đồng thời tiếp tục đổi mới và phát triển cơ chế quản lý kinh tế phù hợp với thời kỳ mới, nhanh chóng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thị trường.
Trong đó, cần chuyển từ mô hình hướng nội, phát triển chủ yếu dựa vào vốn và khai thác tài nguyên bên trong quốc gia sang mô hình hướng ngoại, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới, dựa trên lợi thế so sánh của đất nước là nguồn nhân lực dồi dào và sự phát triển khoa học – công nghệ. Mô hình này không phải chỉ dựa vào vốn và khai thác tài nguyên để đạt tốc độ tăng trưởng cao mà cần dựa nhiều hơn vào khai thác lợi thế về lao động, tiềm năng trí tuệ, ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển kinh tế xanh. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu phát triển về kinh tế, bền vững về môi trường và bảo đảm công bằng xã hội; hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoà, trung hòa carbon, hạn chế việc tăng nhiệt toàn cầu, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên việc ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia, giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Ba là, chú trọng phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong phát triển giáo dục – đào tạo, tạo ra một cơ cấu lao động mới, trong đó đặc biệt là lao động có trình độ cao, ứng dụng được công nghệ số trong kỷ nguyên số để góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững.
Bốn là, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân, tổ chức về phát triển kinh tế xanh. Đặc biệt phải làm cho phát triển kinh tế xanh trở thành yêu cầu thường trực trong mọi hoạt động lập kế hoạch và quản lý ở các cấp, các ngành. phát triển kinh tế xanh phải được cụ thể hoá thành các chính sách, biện pháp và những công cụ hành chính, kinh tế, tài chính phù hợp. Làm tốt công tác truyền thông cũng sẽ góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh.
Năm là, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh. Phát triển cơ chế theo dõi, báo cáo, giám sát, thu thập và công bố thông tin về quá trình thực hiện những nội dung phát triển kinh tế xanh. Huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, các phương tiện truyền thông, bao gồm cả hệ thống mạng xã hội, trong việc giám sát thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, công bố rộng rãi việc xử lý các đối tượng vi phạm về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phát triển kinh tế xanh vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự phát triển chung của nhân loại. Để phát huy các lợi thế, vượt qua các thách thức trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam sẽ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được những mục tiêu chung trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, đưa Việt Nam vững bước trong thế kỷ XXI hướng đến phát triển kinh tế xanh.
Chú thích:
1. Website của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế. https://iucn.org.
2. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024. https://www.gso.gov.vn/bai-top/2025/01/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2024.
3. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024. https://www.gso.gov.vn/bai-top/2025/01/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2024.
4. Quyết định số 3048/QĐ-BTNMT phê duyệt và công bố kết quả báo cáo thống kê “Hiện trạng sử dụng đất đai cả nước tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2022. https://www.monre.gov.vn.
5. Cùng bàn luận những con số biết nói. https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/nhung-con-so-biet-noi-639873.html.
6. Thực trạng môi trường: Những con số gây sốc. https://tapchimoitruong.vn/chuyen-muc.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thế Chinh (2021). Bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững dựa trên phát huy tốt vai trò Nhà nước, nguyên tắc thị trường, trách nhiệm doanh nghiệp và sự đồng hành của xã hội, Tạp chí Cộng sản, số 1/2021.
2. Phạm Đức Chính (2020). Định hướng đổi mới quản lý nhà nước vì mục tiêu phát triển kinh tế du lịch bền vững, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 288/2020.
3. Nguyễn Văn Cường (2021). Xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật dựa trên cơ sở xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, Tạp chí Cộng sản, số 1/2021.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Hồ Đức Hiệp (2023). Những vấn đề đặt ra trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 327/2023.
6. Nguyễn Hoàng Quy, Lê Ánh Tuyết (2020). Định hướng phát triển chính sách công nghiệp xanh ở Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 9/2020.
7. Nguyễn Thị Thanh Tâm (2023). Một số giải pháp phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 326/2023.
8. Nguyễn Xuân Thắng(2021). Tiếp tục đổi mới thể chế quản lý, sử dụng đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Tạp chí Cộng sản, số 3/2021.
9. Lương Thu Thuỷ (2020). Đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 299/2020.