ThS. Lê Văn Tuyên
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang
(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Trong thực hiện nhiệm vụ đó, đội ngũ giảng viên trường chính trị phải tự đặt mình vào vị trí là lực lượng hạt nhân, đi đầu, trở thành chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Bài viết làm rõ thực trạng vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ này trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới.
Từ khóa: Giảng viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác, quan điểm sai trái, thù địch, phát huy vai trò, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang.
1. Đặt vấn đề
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới(viết tắt là Nghị quyết số 35-NQ/TW) nhằm đẩy mạnh việc thực hiện công tác này ở các cấp, các ngành. Trong đó, nhấn mạnh: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”1. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang có những đóng góp tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện trên nhiều mặt như công tác như tham mưu chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ; đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy; chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và tham vấn chính sách; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đặt ra những yêu cầu mới, phải bảo đảm tính nhất quán, tính quy luật, tính tất yếu về vị thế, vai trò, sứ mệnh cầm quyền của Đảng và tính đặc trưng của địa phương. Xuất phát từ yêu cầu đó, cần có những giải pháp để phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
2. Những kết quả đạt được
Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW với tinh thần, trách nhiệm cao; đã triển khai đến từng chi bộ, đảng viên và học viên, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy và Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong các năm 2023 – 2024, Trường đã triển khai, quán triệt và cụ thể hóa 31 văn bản của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh Hậu Giang, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Hậu Giang và cụ thế hóa thành 5 kế hoạch của Trường để lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lãnh đạo triển khai nhiều văn bản liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng2.
Đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nội dung tuyên truyền đúng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW; tuyên truyền những giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, lịch sử dân dân tộc, lịch sử địa phương; tuyên truyền các nghị quyết Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, nghị quyết Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang và Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang… Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang được thực hiện với nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp, mang lại hiệu quả tích cực thông qua hoạt động giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thông qua nghiên cứu khoa học, hội nghị tổng kết thực tiễn, các hội thi; tuyên truyền trên website của Trường, các trang mạng xã hội (Zalo, facebook), các trang website của địa phương và trung ương, thông qua các hoạt động nghiên cứu, học tập, tham quan thực tế…
Đội ngũ giảng viên đã tổ chức tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng vào hoạt động giảng dạy, có 31/31 giảng viên của Trường thực hiện tốt tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào các bài giảng; 100% giảng viên đã vận dụng, cập nhật các văn bản của Đảng, chương trình, nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ tỉnh, của Đảng uỷ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh vào các bài giảng, phù hợp với nội dung giảng dạy các học phần, bài học đối với tất cả các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Nhà trường đảm nhiệm3.
Trên cơ sở đó, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đã đạt được những thành tựu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cụ thể:
Một là, trong năm học 2023 – 2024, nhà trường thực hiện 7 mô hình giáo dục hiệu quả gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Trường đã triển khai các mô hình thi đua đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy như: gắn nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; mô hình “Hoa thơm lấn cỏ dại”; mô hình “lý luận gắn thực tiễn – sinh kế bền vững”; câu lạc bộ “Báo chí và tuyên truyền”; mô hình “Tủ sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; mô hình “Dạy thực chất – Học thực chất – Kết quả thực chất”; mô hình “Dạy đổi mới – Học tích cực – Kết quả tiến bộ”. Trong năm 2024, có 76 tin, 139 bài có nội dung về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đăng trên báo, tạp chí, mạng internet, trang web của trường4.
Hai là, đội ngũ giảng viên đã triển khai tích hợp giảng dạy về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Từ năm 2018 – 2024, Trường đã triển khai tích hợp giảng dạy về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cho 10.077 học viên của 56 lớp trung cấp lý luận chính trị.Riêng năm 2024, giảng viên của Trường thực hiện báo cáo chuyên đề “Hậu Giang tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” cho 11 lớp trung cấp lý luận chính trị với 495 học viên5, góp phần quan trọng vào thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giúp học viên nâng cao nhận thức, tư tưởng, bản lĩnh, trách nhiệm trong thực hiện các chương trình, nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Ba là, đội ngũ giảng viên đã triển khai tích hợp hoạt động khoa học và công nghệ gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Trong năm 2023, đội ngũ giảng viên của Trường tham thực hiện 1 đề tài khoa học cấp tỉnh, 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 3 hội thảo, toạ đàm khoa học cấp tỉnh, 5 hội thảo, toạ đàm khoa học cấp trường. Năm 2024, giảng viên của Trường tham gia thực hiện 3 đề tài khoa học cấp tỉnh, 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 1 toạ đàm khoa học cấp tỉnh, 4 hội thảo, toạ đàm khoa học cấp trường6. Nội dung các hoạt này đều gắn chặt và phát triển nghiên cứu chuyên sâu hơn, vận dụng phù hợp với thực tiễn địa phương về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bốn là, đội ngũ giảng viên đã tích cực tham gia tích cực và có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Năm 2023, Trường được Đảng uỷ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và Ban Chỉ đạo 35 tỉnh Hậu Giang tặng Giấy khen tập thể xuất sắc trong tham gia Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Năm 2024, có 54 bài của tập thể, cá nhân tham gia Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và 11 bài tham gia Giải báo chí xây dựng Đảng, trong đó được Đảng uỷ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh khen Giải Tập thể xuất sắc, 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 4 giải Khuyến khích (Tạp chí) và 1 giải khuyến khích (Báo) và 6 giải cấp tỉnh (02 giải B, 1 giải C và 3 giải Khuyến khích)7.
Những thành tích đạt được trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang thể hiện tính tiên phong, điển hình gắn với những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn cuộc sống; thể hiện tính khoa học, chuyên nghiệp, khách quan, thuyết phục và có giá trị tác động về mặt chính trị, tư tưởng và lan tỏa đến nhiều đối tượng trong cộng đồng địa phương và xã hội.
3. Những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang vẫn còn một số hạn chế nhất định, cụ thể:
Đội ngũ giảng viên chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu số về phương châm, nội dung, hình thức; hình ảnh trực quan; hệ thống video clip trong giảng dạy, tuyên truyền phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, từ đó dẫn đến quá trình đấu tranh trên không gian mạng thiếu tính kịp thời và hiệu quả chưa cao.
Chưa tập hợp được đông đảo đội ngũ cộng tác viên tham gia việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, tính chủ động, kịp thời trong việc tham gia đấu tranh trực diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội chưa được thường xuyên, đôi khi còn chờ đợi sự phân công, nhắc nhở, động viên từ chi bộ, đảng bộ và từ cơ quan quản lý.
Số lượng bài viết tham gia các báo uy tín, tạp chí khoa học có chỉ số ISSN, tạp chí chuyên ngành về công tác Đảng, quản lý nhà nước chưa nhiều. Một số giảng viên chưa chú tâm viết bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; còn lúng túng trong lựa chọn chủ đề, phương thức và khả năng diễn đạt. Đa số giảng viên tập trung vào đọc, thể hiện đồng tình, hoặc phản đối với các quan điểm của các bài viết trên không gian mạng, ít tham gia trao đổi, bình luận các tin, bài video clip về các nội dung này. Số lượng giảng viên tham gia chia sẻ các bài viết tích cực về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa nhiều,
Số lượng giảng viên đạt giải tại các Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Cuộc thi giải báo chí xây dựng Đảng cấp tỉnh và cấp trung ương chưa nhiều, chưa tương xứng với kỳ vọng và năng lực hiện có.
Những hạn chế trên có thể đúc rút từ những nguyên nhân căn bản sau: (1) một số giảng viên chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò cá nhân trong quá trình tham gia thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, xem đây là nhiệm vụ của cấp ủy, của lãnh đạo, tổ thực hiện Nghị quyết và nhóm cộng tác viên; (2) năng lực nghiên cứu, vận dụng, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW vào thực tiễn của một số giảng viên chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao; (3) Chưa có cơ chế phân cấp, phối hợp đầy đủ, rõ ràng hoặc chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của giảng viên nên còn lúng túng trong tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết này; (4) nguồn lực, đặc biệt là kinh phí đầu tư và thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế.
4. Một số giải pháp
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, ban giám hiệu.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, ban giám hiệu đối với đội ngũ giảng viên về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch dựa trên định hướng, quan điểm của Trung ương, Tỉnh ủy, của Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường để chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW tại trường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Hậu giang cần tăng cường công tác tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, triển khai thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Để làm tốt nhiệm vụ này, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang cần bám sát, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ mà Tỉnh ủy giao để đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy trong trao đổi thông tin liên quan đến các nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác định hướng tư tưởng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Quán triệt nhiệm vụ, giải pháp tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đối với đội ngũ giảng viên của Trường, đó là: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội”8. Theo đó, cấp ủy các chi bộ Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang cần tăng cường định hướng chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức cho chính quyền, đoàn thể về vai trò quan trọng của đội ngũ giảng viên trong phổ biến, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-TW. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, vận động để mỗi giảng viên thực sự là “chiến sĩ” trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, phối hợp và trách nhiệm của đội ngũ giảng viên.
Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, phối hợp và trách nhiệm của đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để thực hiện được nội dung này, mỗi giảng viên cần phát huy tính tích cực, tự giác trong tự học, tích lũy, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, không ngừng “vun đắp” lập trường chính trị kiên định, xây dựng kiến thức lý luận chính trị vững vàng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động đổi mớinội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp lý luận với thực tiễn; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; không ngừng rèn luyện nâng cao kỹ năng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phối hợp giáo dục, tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới thông qua các hoạt động phổ biến, quán triệt Nghị quyết của Đảng, sinh hoạt chuyên đề; tổ chức tọa đàm, hội thảo, thực hiện đề tài khoa học với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thứ ba, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của trường về bản lĩnh chính trị và chuyên sâu.
Trong tình hình phát triển mới của đất nước, đòi hỏi đội ngũ giảng viên của trường phải thường xuyên cập nhật kiến thức hiện đại, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn… Để thực hiện yêu cầu này, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường cần có kế hoạch dài hạn, trung hạn về phát triển đội ngũ giảng viên. Theo đó, tiếp tục đưa đi đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên theo yêu cầu, tiêu chí của Trường Chính trị đạt chuẩn mới. Đồng thời, thực hiện kế hoạch, biện pháp cụ thể để thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, được đào tạo bài bản, có uy tín, có kiến thức, kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị về công tác tại Trường.
Thường xuyên cử đội ngũ giảng viên tham gia tập huấn các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức ngắn hạn về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực IV, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tổ chức. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng của người đảng viên; đặc biệt là có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.
Tăng cường đào tạo đội ngũ giảng viên theo hướng chuyên sâu, chuyên ngành nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng không chỉ thực hiện tốt chức năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn mà trở thành chuyên gia, nhà lý luận đủ sức phản bác lại những luận điểm sai trái, thù địch, cũng như tham gia sâu rộng vào công tác tổng kết thực tiễn tại địa phương.
Việc bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp dạy học cho đội ngũ giảng viên cần được tiến hành thường xuyên, liên tục theo hướng sát với yêu cầu thực tiễn của tình hình trong và ngoài nước, giảng viên chủ động, tích cực rà soát các tiêu chuẩn để đăng ký đào tạo, bồi dưỡng đúng quy định, quy trình. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay sự phát triển của khoa học – công nghệ đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có tác động mạnh đến phương pháp giảng dạy. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, như: năng lực giảng dạy, nghiên cứu; năng lực tuyên truyền; năng lực dự báo, phân tích, tổng hợp; năng lực tổng kết thực tiễn…
Thứ tư, phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong xây dựng dữ liệu số.
Xây dựng dữ liệu số phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là hết sức cần thiết, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và tính kịp thời. Muốn vậy, phải khuyến khích đội ngũ giảng viên trực tiếp tham gia xây dựng, vận dụng và trực tiếp sử dụng nguồn dữ liệu số này để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Vì vậy, Trường Chính trị tỉnh Hậu giang cần: (1) Khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của mỗi giảng viên trong xây dựng dữ liệu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Các dữ liệu này là hệ thống nội dung thông qua kênh chữ viết, âm thanh, hình ảnh hoặc Video Clip, phim…; các dữ liệu này cần gắn với đặc trưng văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng của địa phương (2) Tổ chức các hội đồng thẩm định nguồn dữ liệu số tiêu chuẩn; (3) Tổ chức thành ngân hàng Dữ liệu số của trường về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời, tích hợp nguồn dữ liệu số này vào nguồn dữ liệu của Chương trình 35 của Quốc gia (4) Tổ chức cuộc thi và phong trào thi đua khen thưởng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch thông qua vận dụng sáng tạo dữ liệu số.
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực để đội ngũ giảng viên tham gia.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ giảng viên Trường Chính trị. Tuy nhiên, để thúc đẩy công tác này ngày càng hiệu quả, cần có cơ chế, chính sách tạo động lực để đội ngũ giảng viên tham gia. Theo đó, Trường cần tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định về chế độ biểu dương, khen thưởng đối với những giảng viên có bài viết được đăng trong Bản tin Thông tin nội bộ của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn của trường, tạp chí chuyên ngành, các hội thảo, tọa đàm khoa học…; những giảng viên đạt thành tích cao, điển hình tiên tiến, tích cực tham gia Cuộc thi tìm hiểu Văn kiện của Đảng, Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
5. Kết luận
Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cần một hệ thống giải pháp có tính đồng bộ và sự tham gia có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Dự báo trong thời gian tới, tình hình chống phá của các thế lực thù địch sẽ ngày càng quyết liệt hơn, nhất là trên internet, mạng xã hội… Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới sẽ ngày càng khó khăn, phức tạp hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa các lực lượng, sự đồng thuận, góp sức của cả hệ thống chính trị. Trước bối cảnh đó, đội ngũ giảng viên ở các trường chính trị tỉnh, thành phố phải là đội ngũ tiên phong, nòng cốt tham gia, tiếp tục phát huy năng lực, đạo đức, trách nhiệm, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, sáng tạo và vận dụng linh hoạt với thực tiễn, bảo đảm cho công tác này đạt được hiệu quả, chất lượng, kịp thời; tiếp tục xứng đáng là đội quân tri thức tiên phong trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới hiện nay.
Chú thích:
1. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
2, 3, 4, 5, 6, 7. Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang (2024). Báo cáo số 202a-BC/TCT ngày 31/12/2024 về kết quả thực hiện công tác trường chính trị năm học 2023 – 2024.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật. tr. 234.