ThS. Nguyễn Thị Nguyên Ngọc
Trường Đại học Thủy Lợi
(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là do các thanh niên”1. Với vai trò là lực lượng tiên phong thế hệ thanh niên ngày nay là một trong những hạt nhân quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Giáo dục quyền con người là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của nhiều nước trên thế giới nhằm xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng và hòa bình. Bài viết phân tích tầm quan trọng, thực trạng của giáo dục quyền con người cho thanh niên Việt Nam và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục quyền con người cho thanh niên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ khóa: Giáo dục; quyền con người; thanh niên; kỷ nguyên vươn mình.
1. Đặt vấn đề
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Việt Nam bắt đầu bước vào là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình. Theo Đảng kỷ nguyên này là kỷ nguyên của sự phát triển bứt phá, tăng tốc, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc sánh vai với các cường quốc2. Đây là một kỷ nguyên đầy cơ hội và thách thức, đòi hỏi thế hệ thanh niên phải nỗ lực không ngừng. Bởi thế hệ thanh niên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, được đánh giá là lực lượng nòng cốt, là những chủ nhân tương lai của đất nước. Giáo dục quyền con người không chỉ giúp thanh niên hiểu rõ về bản thân, giá trị của con người mà còn trang bị cho họ những công cụ để bảo vệ chính mình và cộng đồng. Từ đó, giúp thanh niên dễ dàng hòa nhập với cộng đồng quốc tế, hiểu biết về các giá trị chung của nhân loại và giúp thanh niên nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động vì lợi ích chung của xã hội, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và phát triển.
2. Giáo dục quyền con người và tầm quan trọng của giáo dục quyền con người cho thanh niên
Lịch sử đã chứng minh một trong những nguyên nhân gây nên bạo lực, bất ổn và chiến tranh là sự thiếu hiểu biết, coi thường quyền con người sẽ dẫn đến các hành động phân biệt đối xử, không khoan dung. Do vậy, giáo dục quyền con người mà đặc biệt là giáo dục quyền con người cho thanh niên là một trong những chìa khóa để thực hiện việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở mọi quốc gia trên thế giới. Theo định nghĩa của Liên hiệp Quốc, thanh niên là những người trong độ tuổi từ 15 – 24 tuổi. Đây được coi là nhóm đối tượng đang ở giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của cuộc đời – giai đoạn trưởng thành cả về thể chất, nhận thức và tâm lý. Do đó, Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc đã quyết định đưa thanh thiếu niên vào nhóm trọng tâm của giai đoạn thứ tư (2020 – 2024) của Chương trình Giáo dục Nhân quyền Thế giới với ba giai đoạn cụ thể được đưa ra: (1) Giai đoạn đầu tiên tập trung vào việc tích hợp giáo dục nhân quyền vào hệ thống trường tiểu học và trung học. (2) Giai đoạn thứ hai tập trung vào giáo dục nhân quyền trong giáo dục đại học và đào tạo nhân quyền cho giáo viên và nhà giáo dục, công chức, viên chức thực thi pháp luật và quân nhân. (3) Giai đoạn thứ ba vào việc thúc đẩy việc thực hiện hai giai đoạn đầu tiên và thúc đẩy đào tạo nhân quyền cho các chuyên gia truyền thông và nhà báo3. Tại Chương trình Giáo dục Nhân quyền Thế giới giai đoạn thứ 4, Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc cũng đã đưa ra những yêu cầu cụ thể về quy trình và công cụ dạy học về quyền con người chú trọng cả 3 yếu tố gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ nhằm giúp thanh niên thực hiện các quyền của mình cũng như tôn trọng và phát huy các quyền của người khác. Về phương pháp giáo dục quyền con người cho thanh thiếu niên, cần chú trọng đối tượng được giáo dục để thiết kế những phương pháp, tài liệu phù hợp, lấy người học làm trung tâm nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của người học, tạo môi trường thuận lợi cho giáo dục quyền con người như môi trường học tập, gia đình và cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, việc đào tạo các nhà giáo dục để giáo dục thanh niên về quyền con người cũng cần được Hội đồng chú trọng4.
Như vậy, có thể thấy, giáo dục quyền con người cho thanh niên không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức lý thuyết mà còn là một quá trình hình thành nhân cách, trang bị kỹ năng cần thiết cho thanh niên để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và tôn trọng quyền lợi của người khác là vô cùng cấp bách, bởi lẽ:
(1) Giáo dục quyền con người giúp thanh niên hình thành một hệ giá trị vững chắc, tôn trọng pháp luật, có những hiểu biết nhất định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và người xung quanh. Được trang bị đầy đủ kiến thức về quyền con người, thanh niên sẽ có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
(2) Giáo dục quyền con người giúp thanh niên rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết. Bên cạnh kiến thức lý thuyết là vô cùng cần thiết thì thanh niên cũng sẽ được trang bị những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, để có thể tự tin đối mặt với những thách thức trong cuộc sống, giúp thanh niên thành công trong công việc, đóng góp tích cực vào cộng đồng.
(3) Giáo dục quyền con người góp phần tạo ra một môi trường học tập và làm việc thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới. Thanh niên được tôn trọng và có động lực để phát triển bản thân.
Như vậy, cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, sự hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng thì giáo dục quyền con người cho thanh niên là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và bền vững.
3. Thực trạng giáo dục quyền con người cho thanh niên Việt Nam hiện nay
Vấn đề bảo đảm quyền con người luôn là mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ngay từ những năm đầu đổi mới cùng với xu thế của thế giới, Nhà nước Việt Nam đã cho ban hành nhiều văn bản nhằm bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, tiêu biểu: Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 02/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới”; Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”. Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đề án xác định mục tiêu “đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học”5; ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam. Tiếp theo đó, ngày 21/12/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống quốc dân. Ngày 30/12/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Quyết định số 4745/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt khung nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục phổ thông dành cho học sinh cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông… Các văn bản trên đã tạo cơ sở lý luận, chính trị và pháp lý thúc đẩy hoạt động giáo dục quyền con người nói chung và cho thế hệ thanh niên nói riêng ở Việt Nam.
Ở các cấp học, quyền con người đã được triển khai tích hợp, lồng ghép vào các môn học cho thanh niên, cụ thể:
Ở cấp trung học cơ sở, các nội dung giáo dục quyền con người đã được tích hợp vào môn giáo dục công dân và lồng ghép vào các môn học, như: Ngữ văn, Sinh học, Địa lý, Lịch sử… Nhờ đó, học sinh cấp trung học cơ sở có những kiến thức cơ bản ban đầu về các quyền như quyền sống, quyền được khai sinh, quyền được có quốc tịch, quyền được chăm sóc, được nuôi dưỡng, quyền được học tập, được phát triển, quyền được bảo vệ về sức khỏe và tinh thần… Các nội dung giáo dục quyền con người đã được tích hợp vào môn giáo dục kinh tế và pháp luật, ở môn học này học sinh được học về các quyền của con người cũng như quyền và nghĩa vụ công dân, quyền được phát triển, quyền được hưởng các dịch vụ an sinh xã hội… Quyền con người cũng được lồng ghép vào các môn học khác trong giảng dạy.
Ở bậc giáo dục đại học và sau đại học, các nội dung giáo dục quyền con người cho sinh viên đã được tích hợp vào một số môn học đại cương, như: Pháp luật đại cương, Nhà nước và pháp luật đại cương hay môn Lý luận về nhà nước và pháp luật… Nội dung quyền con người cũng được đưa vào chương trình đào tạo của một số trường Đại học thuộc khối ngành Luật và Hành chính với hình thức là môn học tự chọn hoặc bắt buộc. Đối với đào tạo sau đại học, môn học quyền con người đã được đưa vào trong đào tạo các chuyên ngành, như:Chính trị học, Lý luận lịch sử Nhà nước và pháp luật, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính… Một số cơ sở đào tạo sau đại học cũng đã thực hiện đào tạo chuyên sâu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài ra, bên cạnh các chương trình đào tạo chính thức tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quyền con người cho thanh niên cũng được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các tổ chức, cơ quan ở cấp trung ương và địa phương chú trọng tổ chức.
Những kết quả đó đã góp phần vào thành công của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện các khuyến nghị6 trong quá trình rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III tại Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc: năm 2022 Việt Nam đã thực hiện 80,9% các khuyến nghị7, năm 2023 Việt Nam đã thực hiện được 86,7% khuyến nghị và 12,4% khuyến nghị đã hoàn thành một phần8. Tiếp nối thành tựu đó, trong quá trình UPR chu kỳ IV vào năm 2024, Hội đồng nhân quyền quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia vào tháng 5/2024, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ9. Các khuyến nghị đối với Việt Nam được đưa ra trên nhiều lĩnh vực, như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ người dân tộc thiểu số, bảo đảm bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền giáo dục, giáo dục quyền con người, tham gia một số công ước quốc tế về quyền con người, hợp tác với các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền… Nhờ đó, Việt Nam trong các nhiệm kỳ 2014 – 2016, 2023 – 2025, 2026 -2028 tiếp tục tái ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Những kết quả đạt được trong việc giáo dục quyền con người đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, đem đến cho thanh niên những cơ hội để phát triển và khẳng định bản thân. Thông qua giáo dục, Thanh niên sẽ có những hiểu biết, ý thức về quyền; về ý thức tự bảo vệ các quyền của mình; ý thức tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và xã hội… Từ đó góp phần tạo ra nền tảng thuận lợi để Việt Nam thực hiện thành công kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề giáo dục quyền con người cho thanh niên cũng đã và đang đặt ra một số vấn đề, như:
(1) Nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người ở các trường học hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Nội dung về giáo dục về quyền con người thường được đưa vào một cách rời rạc, chưa có sự liên kết chặt chẽ với các môn học khác dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của học sinh. Phương pháp giảng dạy chủ yếu vẫn là truyền đạt kiến thức một chiều, chưa tạo điều kiện cho học sinh tham gia, tương tác để có thể hiểu, nhận thức tốt hơn về quyền con người10. Mặt khác, các hoạt động ngoại khóa cũng như các hình thức giáo dục quyền con người không chính quy vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng.
(2) Tác động của các yếu tố văn hóa, xã hội và tâm lý đến giáo dục quyền con người cho thế hệ thanh niên. Do nhận thức về quyền con người của một bộ phận dân cư, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế. Nên nhiều người vẫn còn quan niệm lạc hậu, kỳ thị, dẫn đến tình trạng vi phạm quyền con người. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của thanh niên và gây khó khăn cho việc truyền đạt, giáo dục quyền con người cho thanh niên11.
(3) Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đặt ra những thách thức mới cho giáo dục quyền con người. Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, cơ hội tiếp cận thông tin được mở rộng tuy nhiên cũng tạo ra những vấn đề nhất định. Do thế hệ thanh niên là những người trẻ, trong độ tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt các nguồn thông tin khi tiếp cận nên dễ dẫn đến việc vô tình tiếp cận các thông tin giả, thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến nhận thức của thanh niên và gây khó khăn cho việc giáo dục quyền con người cho thanh niên12.
4. Giải pháp tăng cường giáo dục quyền con người cho thanh niên Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, đối với hệ thống các trường học. Cần chủ động xây dựng để tích hợp nội dung về quyền con người vào tất cả các môn học, từ đó giúp học sinh hình thành một hệ thống kiến thức toàn diện về quyền con người. Với phương châm “lấy người học làm trung tâm” các bài giảng cần được xây dựng, thiết kế dựa trên cơ sở đối tượng người học theo các độ tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên có chuyên môn cao về giáo dục quyền con người để bảo đảm nội dung, phương thức truyền đạt cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, các trường học cũng cần tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ về quyền con người để tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên được thực hành, trải nghiệm.
Thứ hai, đối với gia đình. Khái niệm gia đình vốn rất quen thuộc và bất cứ cá nhân nào cũng gắn bó với nền tảng đầu tiên là gia đình, đây được xem là nơi đầu tiên đặt nền móng cho các hoạt động giáo dục cá nhân con người. Do đó, ngay ở phạm vi gia đình thì ông bà, cha mẹ cần làm gương cho con cái về việc tôn trọng quyền con người, tạo ra một môi trường gia đình ấm áp, dân chủ để thanh niên được phát triển toàn diện. Gia đình cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nắm bắt được tâm tư của thanh niên, kịp thời trao đổi, giáo dục nếu có những hành vi thiếu tôn trọng thầy cô, bạn bè và những người xung quanh…13.
Thứ ba, đối với các tổ chức xã hội. Với đặc điểm là có tính linh hoạt và có khả năng tiếp cận sâu rộng vào cộng đồng, các tổ chức xã hội có điều kiện thuận lợi để triển khai những chương trình giáo dục đa dạng, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu và sở thích của thanh niên. Bằng việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, hội thảo, các tổ chức xã hội không chỉ truyền đạt kiến thức về quyền con người mà còn tạo ra không gian để thanh niên trao đổi, chia sẻ và hình thành tư duy phê phán. Đồng thời, các tổ chức xã hội cũng sẽ đóng vai trò như cầu nối giữa thanh niên và các cơ quan nhà nước, giúp thanh niên tham gia vào quá trình hoạch định và thực hiện các chính sách liên quan đến quyền con người. Nhờ vậy, các tổ chức xã hội góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, kỹ năng và thái độ tôn trọng quyền con người của thanh niên, từ đó xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và phát triển.
Thứ tư, đối với phương tiện truyền thông đại chúng. Các chương trình truyền hình, báo chí, mạng xã hội cần đưa ra những thông tin chính xác, khách quan về quyền con người, đồng thời lồng ghép các thông điệp về quyền con người vào các chương trình giải trí nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người cho mọi người dân. Cũng như tổ chức các chương trình, cuộc thi, trò chơi… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để giáo dục quyền con người cho mọi người dân, trong đó có thanh niên. Hình thành một xã hội tôn trọng quyền con người, góp phần quan trọng vào thành công trong giáo dục thanh niên về quyền con người. Do đó, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền con người cho mọi người dân với nhiều hình thức khác nhau để dần hình thành hành vi, lối sống cho mọi người.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế. Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục quyền con người cho thanh niên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng như trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Bởi thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu, và các chương trình đào tạo, các quốc gia có thể học hỏi lẫn nhau, xây dựng những mô hình giáo dục hiệu quả và phù hợp với từng bối cảnh văn hóa, xã hội. Hợp tác quốc tế còn tạo điều kiện để thanh niên được tiếp cận với thông tin đa dạng, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề nhân quyền trên thế giới. Đồng thời, việc cùng nhau hành động giúp tăng cường sự gắn kết giữa các quốc gia, góp phần xây dựng một cộng đồng quốc tế hòa bình, công bằng và bền vững. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, hợp tác quốc tế cần được xây dựng trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng văn hóa, bình đẳng giới và các nguyên tắc cơ bản của quyền con người.
5. Kết luận
Giáo dục quyền con người cho thanh niên là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả xã hội. Để đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường, gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội. Việc giáo dục quyền con người sẽ giúp thanh niên có những kiến thức cơ bản, cần thiết để có thể thực sự trở thành “chủ nhân tương lai của đất nước”. Việc giáo dục quyền con người là một trong những nhiệm quan trọng nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam về đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thẩm mỹ, thể lực, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 216.
2. Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie
3. Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc (2019). Nghị quyết A/HRC/RES/42/7 ngày 26/9/2019.https://documents.un.org/doc/undoc/gen/g19/295/66/pdf/
g1929566.pdf
4. Fourth phase (2020-2024) of the World Programme for Human Rights Education.https://www.ohchr.org/en/resources/educators/human-rights-education-training/world-programme-human-rights-education/fourth-phase-2020-2024-world-programme-human-rights-education
5. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
6. Các khuyến nghị của UPR bao gồm tất cả các vấn đề về nhân quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, dân sự và các nguyên tắc của Luật nhân đạo quốc tế (IHL). https://upr-info.org/en/upr-process/what-upr/introduction-brief-history
7. Việt Nam thực hiện 80,9% các khuyến nghị UPR chu kỳ III. https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/viet-nam-da-thuc-hien-80-9-cac-khuyen-nghi-upr-chu-ky-iii-16409
8. Việt Nam đã thực hiện thành công 86,7% các khuyến nghị UPR chu kỳ III. https://nhandan.vn/viet-nam-da-thuc-hien-thanh-cong-867-cac-khuyen-nghi-upr-chu-ky-iii-post784223.html
9. Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua kết quả báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam. https://nhandan.vn/hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc-thong-qua-ket-qua-bao-cao-upr-chu-ky-iv-cua-viet-nam-post833617.html
10. Nguyễn Thanh Tuấn (2017). Đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay. Tạp chí Quản lý nhà nước số 262 (11/2017), tr. 9 – 13.
11. Vũ Anh Tuấn (2016). Một số nhân tố ảnh hưởng đến giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học chính trị số 5/2016, tr. 67 – 71.
12. Thời cơ và thách thức bảo đảm quyền con người trong điều kiện phát triển và sử dụng mạng xã hội hiện nay. https://tapchiquyenconnguoi.hcma.vn/Content/thoi-co-va-thach-thuc-bao-dam-quyen-con-nguoi-trong-dieu-kien-phat-trien-va-su-dung-mang-xa-hoi-hien-nay-364121
13. Vai trò của gia đình trong giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông ở nước ta hiện nay.https://danchuphapluat.vn/vai-tro-cua-gia-dinh-trong-giao-duc-quyen-con-nguoi-cho-hoc-sinh-pho-thong-o-nuoc-ta-hien-nay