Huy động vốn thông qua trái phiếu và cổ phiếu của các công ty chứng khoán tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp

ThS. Vũ Lê Long
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
TS. Hoàng Thị Bích Hà – TS. Đặng Phương Mai
Học viện Tài chính

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết trình bày thực trạng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và cổ phiếu của các công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm các quy định pháp lý hiện hành. Thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng, hỗ trợ sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các công ty gặp nhiều thách thức do cạnh tranh gay gắt, yêu cầu pháp lý, tạo dựng niềm tin và định giá. Để nâng cao hiệu quả huy động vốn, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm giúp công ty chứng khoán duy trì uy tín, tạo sự khác biệt và đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư.

Từ khóa: Huy động vốn, cổ phiếu, trái phiếu, công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán.

1. Cơ sở pháp lý

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp. Để bảo đảm sự ổn định và minh bạch, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này. Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 là những văn bản pháp lý chính điều chỉnh các hoạt động của công ty, chứng khoán và thị trường chứng khoán. Luật Chứng khoán năm 2019 quy định rõ các điều kiện phát hành chứng khoán, bao gồm: vốn điều lệ, thời gian hoạt động và yêu cầu báo cáo tài chính được kiểm toán. Các công ty phải công bố thông tin tài chính, hoạt động kinh doanh và các yếu tố rủi ro một cách chính xác và kịp thời. Ngoài ra, hoạt động phát hành chứng khoán phải tuân thủ quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Luật Chứng khoán cũng được hỗ trợ bởi các nghị định và thông tư chi tiết, giúp cụ thể hóa quy định. Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết về chào bán chứng khoán ra công chúng và các hoạt động phát hành riêng lẻ. Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, nhằm bảo đảm tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Về phát hành trái phiếu ra công chúng, các doanh nghiệp cần tuân thủ điều kiện tài chính theo Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ. Các doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính kiểm toán không có ngoại trừ đáng kể và mục đích phát hành trái phiếu phải rõ ràng, như đầu tư vào dự án cụ thể hoặc tái cơ cấu nợ. Nếu phát hành trái phiếu có bảo đảm, doanh nghiệp phải cung cấp tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh từ tổ chức tín dụng có uy tín.

Quy định đối với chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ đã góp ít nhất 30 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh trong 2 năm liền trước năm đăng ký chào bán. Báo cáo tài chính của 2 năm liền trước phải được kiểm toán không có ngoại trừ đáng kể. Doanh nghiệp cũng cần có hệ thống quản trị phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ tốt nhất. Các quy định này không chỉ giúp duy trì niềm tin của nhà đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.

2. Thực trạng huy động vốn của các công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

2.1. Thực trạng huy động vốn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, cung cấp vốn dài hạn cho doanh nghiệp qua việc phát hành cổ phiếu, từ đó mở rộng sản xuất và đầu tư. Đối với cá nhân, mang lại cơ hội đầu tư đa dạng, gia tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro tài chính. Giá cổ phiếu phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cung cấp thông tin minh bạch giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định thông minh. Thị trường cũng nâng cao tính thanh khoản tài sản và phản ánh tình hình kinh tế quốc gia, hỗ trợ điều chỉnh nguồn lực hiệu quả. Hơn nữa, sự phát triển của thị trường chứng khoán thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ tài chính, tạo cơ hội việc làm và nâng cao kỹ năng chuyên môn cho lao động, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.

Tính đến hết năm 2023, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt khoảng 6 triệu tỷ đồng (tương đương 246,7 tỷ USD), chiếm khoảng 62% GDP của quốc gia trong năm 2022. Con số này tăng 9,5% so với năm trước, phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường sau một giai đoạn biến động. Trong đó, tổng vốn hóa thị trường của các công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 227 nghìn tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất vẫn là các công ty chứng khoán niêm yết trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đạt hơn 175 nghìn tỷ đồng.

Có thể chia biến động giá trị vốn hóa thị trường của các công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2015 – 2018), có sự biến động không nhiều, giá trị vốn hóa thị trường tăng trưởng mạnh vào năm 2016 và sau đó giảm nhẹ ở năm 2017. Giai đoạn này được sự hỗ trợ từ tăng trưởng kinh tế và chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với việc niềm tin nhà đầu tư cao và dòng vốn nước ngoài ổn định. Sự suy giảm nhẹ do điều chỉnh thị trường và các yếu tố kinh tế toàn cầu.

Giai đoạn thứ hai (từ năm 2018 – 2021) thể hiện sự tăng trưởng mạnh vào năm 2020, nhưng sau đó giảm nhẹ vào năm 2021. Giai đoạn này chứng kiến sự tăng trưởng trở lại sau điều chỉnh năm 2018, cùng với đó là sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế và các doanh nghiệp đa phần vẫn phát triển nhờ các biện pháp ứng phó hiệu quả kèm theo đầu tư nước ngoài tăng và các biện pháp kích thích kinh tế. Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn nhưng thị trường chứng khoán hấp dẫn nhờ các biện pháp hỗ trợ kinh tế và phòng chống dịch của nước ta phát huy hiệu quả.

Giai đoạn thứ ba (sau năm 2021, bắt đầu giai đoạn hậu đại dịch), nền kinh tế phục hồi nhưng gặp nhiều thách thức và bất ổn toàn cầu nhưng nhờ biện pháp hỗ trợ kinh tế tiếp tục triển khai, nhưng sự bất ổn vẫn ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư tuy vậy vẫn ghi nhận giá trị vốn hóa đạt con số đáng ghi nhận.

2.2. Thực trạng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.

Trong giai đoạn từ 2015 – 2023, hoạt động huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu có xu hướng tăng từ 1.159,54 tỷ đồng năm 2015 lên cao nhất vào năm 2022 với tổng giá trị 32.649,8 tỷ đồng và giảm mạnh ngay sau đó xuống còn 8.476,31 tỷ đồng. Nếu xét cả giai đoạn 2015 – 2023 đã có tổng cộng hơn 78.380,12 tỷ đồng được huy động từ hoạt động phát hành thêm cổ phiếu của các công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, có 43.173,23 tỷ đồng được huy động từ hình thức phát hành là quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Bảng 1. Vốn huy động thông qua phát hành cổ phiếu của công ty chứng khoán

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Hình thức phát hành201520162017201820192020202120222023
Trả cổ tức bằng cổ phiếu581,81264,79306,39660,66762,191.139,13741,333.885,822.596,06
Phát hành riêng lẻ404,4098,50915,401.082,00791,38760,402.906,803.004,41397,50
Phát hành cho CBCNV100,00120,00175,00183,12224,4838,06333,40218,76246,99
Cổ phiếu thưởng73,32500,079,87425,63885,91164,704.099,524.454,661.654,42
Quyền mua CP cho Cổ đông hiện hữu0,0080,50385,501.397,102.251,96534,9513.855,7221.086,143.581,34
Tổng Cộng1.159,541.063,861.792,173.748,514.915,922.637,2421.936,7732.649,808.476,31
Nguồn: Dữ liệu Fiinpro (2024).

Trong số các hình thức huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, chủ yếu tập trung vào phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (trả cổ tức bằng cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu cho cổ động hiện hữu) chiếm tỷ trọng chủ yếu so với việc phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành cho cán bộ công nhân viên tại công ty chứng khoán, phát hành riêng lẻ hay chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi. Đặc biệt trong giai đoạn này hầu như vắng bóng các công ty chứng khoán IPO (phát hành cổ phiếu qua chào bán chứng khoán lần đầu ra công ty chúng) nguyên nhân phần nào do đặc thù ngành nghề kinh doanh đòi hỏi những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt trong việc thành lập mới công ty chứng khoán với mong muốn nâng cao chất lượng của các công ty chứng khoán.

Trong giai đoạn từ 2019 – 2022, đây là thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như ảnh hưởng phần nào tới sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và 2022 tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt lần lượt là 2,91% và 2,58%. Tuy nhiên, trong giai đoạn này chứng kiến thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá và thiết lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử 21 năm hoạt động của thị trường khi chỉ số VN – Index đạt mức cao kỷ lục vượt 1.500 điểm. Doanh thu hoạt động kỷ lục của các công ty chứng khoán năm 2021 đạt hơn 76 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so cùng kỳ năm 2020 và cao hơn tổng cộng doanh thu hoạt động của giai đoạn 2017 – 2019. Chính vì vậy, nhu cầu vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán tăng cao. Biểu hiện ở tổng cộng vốn huy động qua phát hành cổ phiếu của các công ty chứng khoán tăng mạnh trong giai đoạn này và đặc biệt năm 2021 đạt 21.936,77 tỷ đồng và năm 2022 đạt 32.649,8 tỷ đồng. Năm 2021 và 2022 ghi nhận sự trở lại của hoạt động phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu khi giá trị vốn huy động qua hình thức đạt lần lượt 13.855,72 và 21.086,14 tỷ đồng chiếm hơn 50% tổng cộng giá trị vốn huy động. Ngoài ra những hoạt động, như: phát hành cổ phiếu thưởng đạt giá trị lần lượt 4.099,52 và 4.454,66 tỷ động và phát hành riêng lẻ đạt con số là 2.906,8 và 3.004,41 tỷ đồng.

2.3. Thực trạng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu

Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng và phát triển vượt bậc tuy có nhiều biến động, đáng chú ý là giai đoạn từ năm 2017 – 2021, tổng giá trị trái phiếu phát hành tăng rất mạnh từ 3.395 tỷ đồng năm 2017 lên mức cao nhất vào năm 2021 đạt 11.988,2 tỷ đồng tăng gần gấp 4 lần với khối lượng trái phiếu chính thức phát hành là 35.522.566. Đây cũng trùng với giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán đi kèm là sự gia tăng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu của các công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ năm 2022 cho thấy, sự sụt giảm đáng kể lên tới 73,36% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành so với năm 2021 đạt 6.915,03 tỷ đồng, đến cuối năm 2023 tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ đạt 5.167,5 tỷ đồng. Trong năm 2022 này được đánh giá là một năm khó khăn của nền kinh tế nói chung cũng như hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói riêng sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Trong năm 2022, phát hiện và xử phạt nhiều doanh nghiệp sai quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng. Nhằm tăng cường tính minh bạch, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư hướng tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản so với nghị định trước đó. Nghị định này được kỳ vọng tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tăng cường minh bạch của tổ chức cung cấp dịch vụ, thiết lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tổ chức.

Bảng 2. Số lượng và giá trị trái phiếu doanh nghiệp của công ty chứng khoán đã phát hành

Năm201520162017201820192020202120222023
Khối lượng trái phiếu chính thức phát hành1.202.25050083.0961.367.30911.240.3128.898.32335.522.56624.278.52251.675
Tổng giá trị trái phiếu phát hành (Tỷ đồng)2.6505003.3955.6095.870,187.252,6611.988,26.915,035.167,5
Nguồn: Dữ liệu Fiinpro (2024).

Mặc dù vậy vẫn có những điểm sáng trong huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn chính cho công ty chứng khoán niêm yết, nhiều công ty đã huy động được lượng vốn lớn trong hoạt động này. Trong số các công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát hành trái phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong huy động số vốn nhiều nhất trong một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 với giá trị là 1.000 tỷ đồng nhằm tăng quy mô vốn cho hoạt động kinh doanh. Tiếp đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt trong năm 2023 có tới 6 lần huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 2.887,2 tỷ đồng, với mục đích tăng quy mô vốn cho hoạt động kinh doanh và cơ cấu lại nợ (bao gồm thanh toán tiền gốc trái phiếu đến hạn và/hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng).

2.4. Đánh giá và những tồn tại, hạn chế trong hoạt động huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu

Từ thực trạng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu trong giai đoạn từ năm 2015 – 2023, việc huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu đã chứng tỏ hiệu quả cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Mặc dù kinh tế và thị trường có nhiều biến động, số vốn huy động được qua hai kênh này vẫn đạt mức cao. Bên cạnh đó, hoạt động huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu của các công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng cạnh tranh gay gắt, làm cho việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn. Khung pháp lý và các quy định liên quan đến phát hành cổ phiếu và trái phiếu tại Việt Nam đòi hỏi yêu cầu cao và với nhiều thủ tục pháp lý cần thiết. Thách thức trong việc tạo dựng niềm tin và uy tín, khó khăn trong việc định giá cổ phiếu và trái phiếu.

2.5. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạt động huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu

Một là, sự cạnh tranh gay gắt với nhiều công ty niêm yết và chưa niêm yết khiến nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn. Khi có quá nhiều lựa chọn, nhà đầu tư thường tập trung vào các công ty có hiệu quả kinh doanh tốt và tiềm năng tăng trưởng cao, tạo áp lực lớn cho các công ty phải liên tục cải thiện hiệu quả hoạt động để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Sự cạnh tranh còn đến từ các hình thức đầu tư khác như bất động sản, gửi tiết kiệm và vàng, làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu và trái phiếu.

Hai là, quy trình và thủ tục phát hành cổ phiếu và trái phiếu với nhiều yêu cầu pháp lý làm tăng chi phí và thời gian chuẩn bị, khiến việc phát hành trở nên kém hấp dẫn. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ nâng cao tiêu chuẩn về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành, cùng yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong một số trường hợp, cũng ảnh hưởng đến việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

Ba là, thiếu minh bạch trong quản trị và báo cáo tài chính là vấn đề phổ biến, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư. Một số công ty huy động vốn không đúng mục đích, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, hoặc có môi giới thiếu năng lực và đạo đức nghề nghiệp, gây mất lòng tin và hoang mang. Các công ty chứng khoán niêm yết tại Việt Nam thường có lịch sử hoạt động ngắn, khiến nhà đầu tư khó đánh giá độ tin cậy và uy tín của họ. Những công ty mới thành lập thường gặp khó khăn trong việc xây dựng danh tiếng và thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư lớn, cạnh tranh với những công ty có bề dày hoạt động và uy tín vững chắc trên thị trường.

Bốn là, định giá cổ phiếu và trái phiếu là bước quan trọng trong quá trình phát hành. Định giá quá cao có thể khiến nhà đầu tư không quan tâm, trong khi định giá quá thấp có thể gây thiệt hại cho công ty. Việc thiếu dữ liệu thị trường đủ đầy để thực hiện định giá chính xác là một khó khăn lớn. Các công ty chứng khoán niêm yết tại Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc thu thập và phân tích dữ liệu lịch sử và các dự báo thị trường tin cậy. Điều này dẫn đến việc các công ty phải dựa vào các ước tính chủ quan, có thể không phản ánh chính xác giá trị thực của cổ phiếu và trái phiếu. thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng biến động mạnh và khó lường do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm biến động kinh tế vĩ mô, chính trị và các yếu tố ngoại vi, như biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế. Sự thiếu ổn định này gây khó khăn cho các công ty trong việc đưa ra mức giá hợp lý và hấp dẫn nhà đầu tư.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn của các công ty chứng khoán

Thứ nhất, các công ty cần đổi mới sản phẩm tài chính bằng cách phát triển các sản phẩm mới và độc đáo để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhà đầu tư. Việc áp dụng công nghệ tài chính mới (Fintech) sẽ giúp tạo ra các giải pháp có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, việc cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp sẽ nâng cao trải nghiệm của nhà đầu tư.

Thứ hai, các công ty cần nâng cao hiểu biết và tuân thủ khung pháp lý. Đầu tư vào đào tạo và tư vấn pháp lý giúp nhân viên hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật. Đồng thời, các công ty cũng nên chủ động tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và cập nhật thông tin pháp lý để điều chỉnh kịp thời các chiến lược kinh doanh.

Thứ ba, để xây dựng niềm tin và uy tín, các công ty cần bảo đảm minh bạch trong quản trị và báo cáo tài chính. Các báo cáo nên được kiểm toán bởi các tổ chức độc lập uy tín. Ngoài ra, tăng cường truyền thông và quan hệ đối ngoại cũng là yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ tốt với nhà đầu tư. Các hoạt động trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility) cũng góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của công ty.

Thứ tư, việc cải thiện năng lực định giá cổ phiếu và trái phiếu là điều cần thiết. Công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine learning) có thể giúp thu thập và phân tích dữ liệu thị trường để cung cấp dự báo chính xác hơn về giá trị cổ phiếu và trái phiếu. Đồng thời, việc đào tạo và phát triển chuyên gia tài chính giúp tăng cường khả năng dự báo và phân tích thị trường. Việc hợp tác với các tổ chức tư vấn tài chính quốc tế và các ngân hàng đầu tư cũng sẽ cung cấp các ý kiến định giá khách quan và chuyên nghiệp.

4. Kết luận 

Nâng cao khả năng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu là một thách thức nhưng đồng thời, cũng là cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán niêm yết tại Việt Nam. Bằng cách cải thiện năng lực định giá, xây dựng niềm tin và uy tín, tuân thủ khung pháp lý và tạo ra sự khác biệt trong bối cảnh cạnh tranh, các công ty có thể tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo thường niên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2024.
2. Bộ Tài chính (2020). Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
3. Chính phủ (2020). Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
4. Chính phủ (2020). Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
5. Chính phủ (2022). Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
6. Quốc hội (2019). Luật Chứng khoán năm 2019.
7. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp năm 2020.