Phạm Quang Huy
Quân đoàn 12, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số trong giáo dục là xu hướng và là yêu cầu tất yếu nhằm phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ, nó hiện đang đặt ra thách thức lớn, nhất là âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng công nghệ, mạng xã hội, học liệu số để lồng ghép quan điểm sai trái, cổ xúy “giáo dục trung lập”, “giáo dục phi chính trị”. Đây là nguy cơ không thể xem thường, trực tiếp làm suy giảm lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ, mất định hướng chính trị trong giáo dục. Bài viết làm rõ bản chất, thủ đoạn, biểu hiện của âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục của các thế lực thù địch; đồng thời, đề xuất giải pháp đấu tranh hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giáo dục và đào tạo.
Từ khóa: Phi chính trị hóa giáo dục; chuyển đổi số; nhận diện và đấu tranh; giáo dục chính trị.
1. Âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam – Bản chất, thủ đoạn
a. Bối cảnh chuyển đổi số và yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giáo dục
Hiện nay, “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”1. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số không chỉ thúc đẩy, đặt ra đòi hỏi tất yếu phải đổi mới phương pháp, mô hình và môi trường dạy học, mà còn là giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”2.
Quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện chủ trương trên, cùng với xác định nhất quán phương châm “Kiến thức là nền tảng, công nghệ là công cụ để tiến xa” những năm qua, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai các chương trình, đề án lớn về chuyển đổi số trong ngành giáo dục, như: Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06); Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức dạy học; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục, kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia, xác thực và định danh cho hơn 24 triệu giáo viên và học sinh, đạt tỷ lệ gần 98%3.
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong giáo dục cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng để xâm nhập, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự du nhập các mô hình giáo dục khai phóng, các chương trình hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo; việc chia sẻ tài liệu, kiến thức không qua kiểm duyệt, sự phát tán của thông tin xuyên tạc qua trí tuệ nhân tạo hoặc mạng xã hội học thuật… có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, niềm tin và lý tưởng của học sinh, sinh viên – lực lượng chủ yếu của tương lai đất nước. Trong khi đó, “Lý luận mới và những kinh nghiệm phát triển giáo dục… trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh… chưa được cập nhật, đánh giá để tiếp thu có chọn lọc”4.
Giáo dục không thể và không bao giờ đứng ngoài chính trị. “Bởi đó chính là công việc tăng cường nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, bệ đỡ bảo đảm bền vững nhất cho toàn bộ sự phát triển của đất nước”5. Đảng ta đã nhất quán khẳng định: giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, “Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”6. Trong đó, đặc biệt “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc”7. Mặt khác, giáo dục còn là công cụ hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ sớm, từ xa, từ thế hệ tương lại của đất nước trước sự xuyên tạc, phủ nhận, tấn công của các thế lực thù địch. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giáo dục Việt Nam cũng phải kiên định tính Đảng, tính dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa.
b. Bản chất và thủ đoạn của âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số
Âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục không phải là hiện tượng đơn lẻ, ngẫu nhiên, mà là một bước đi nằm trong âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ráo riết triển khai nhằm tác động vào nền tảng tư tưởng của Đảng và hệ thống chính trị ở Việt Nam. Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, âm mưu này càng trở nên tinh vi, phức tạp, được “ngụy trang” dưới vỏ bọc của các giá trị tưởng chừng như khách quan, phổ quát và tất yếu.
Về bản chất, “phi chính trị hóa” giáo dục là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm hạ thấp, phủ nhận, tiến tới loại bỏ vai trò của chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là một hình thức “phi chính trị hóa về tư tưởng” nguy hiểm, được tiến hành bởi các chủ thể có lợi ích, ý thức hệ, quan điểm giáo dục… mang tính đối lập. Mục tiêu xuyên suốt là “tách giáo dục ra khỏi chính trị”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giáo dục, từ đó tiến tới thực hiện các mục tiêu “diễn biến hòa bình” sâu xa là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hướng lái nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Về thủ đoạn, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không từ bất kỳ thủ đoạn nào để thúc đẩy xu hướng “phi chính trị hóa” giáo dục trong môi trường số. Những thủ đoạn phổ biến là: (1) lồng ghép nội dung sai trái, lệch lạc vào tài liệu học thuật, học liệu số và nền tảng học trực tuyến, đặc biệt là các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài hoặc được “quốc tế hóa” mà thiếu kiểm định tư tưởng; (2) lợi dụng xu thế chuyển đổi số để truyền bá quan điểm “trung lập chính trị trong giáo dục”, các luận điệu như “giáo dục nên chỉ tập trung vào khoa học – kỹ thuật”, “chính trị hóa giáo dục là cản trở tiến bộ”… được ngụy trang dưới hình thức phản biện xã hội, tự do học thuật; (3) sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học liệu mở, nền tảng EdTech xuyên quốc gia để lan truyền nội dung không kiểm duyệt chính trị; (4) tận dụng chủ trương “tự chủ đại học”, “hội nhập giáo dục” để lách luật, hợp thức hóa nội dung phi chính trị.
2. Một số biểu hiện và nguyên nhân của “phi chính trị hóa” giáo dục ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, sự suy giảm hàm lượng chính trị, tư tưởng, cắt xén nội dung chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng trong nội dung chương trình và học liệu số đang là biểu hiện đáng lo ngại. Trong quá trình hội nhập quốc tế và chuyển đổi số giáo dục, một số cơ sở giáo dục, đơn vị đào tạo đã quá lệ thuộc vào mô hình, tài nguyên và phương pháp giảng dạy từ bên ngoài, dẫn đến việc sao chép máy móc nội dung học liệu mở, tài nguyên kỹ thuật số mà không tiến hành thẩm định, tích hợp yếu tố chính trị, tư tưởng phù hợp với đặc thù, chế độ chính trị của Việt Nam. Điều này vô hình trung làm mờ nhạt vai trò nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vốn là “kim chỉ nam” cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
Thứ hai, tình trạng xem nhẹ, coi giáo dục chính trị, tư tưởng chỉ là “môn phụ” hoặc “hình thức” đang xuất hiện ngày một phổ biến trong một bộ phận giảng viên, sinh viên, nhất là trong môi trường giáo dục đại học và các ngành đào tạo khoa học – kỹ thuật. Việc tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị nhiều nơi còn rập khuôn, thiếu đổi mới phương pháp, không gắn với thực tiễn và nhu cầu học tập thời đại số, khiến học sinh, sinh viên tiếp nhận một cách thụ động. Trong khi đó, các thế lực thù địch không ngừng lan truyền quan điểm sai trái, phản bác việc “chính trị hóa giáo dục”, cổ xúy tư tưởng “giáo dục trung lập”, “giáo dục phi ý thức hệ”.
Thứ ba, biểu hiện “phi chính trị hóa” còn thể hiện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên và hoạt động kiểm định nội dung giáo dục số. Nhằm bắt kịp xu hướng giáo dục trên nền tảng số, chạy đua ứng dụng công nghệ, nhiều đơn vị giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, giảng viên chỉ chú trọng kiến thức công nghệ – kỹ thuật, kiến thức nền tảng chuyên môn mà chưa gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chưa có các giải pháp hiệu quả để tích hợp, lan tỏa giá trị cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng trong môi trường số; chưa chú trọng phát huy trách nhiệm của chính đội ngũ cán bộ, giảng viên trong kiểm định, thẩm định học liệu số, tài nguyên học thuật mở theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về giáo dục.
Thứ tư, một số biểu hiện “tự diễn biến” trong nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên cũng đang tiếp tay cho quá trình “phi chính trị hóa” giáo dục. Biểu hiện này xuất phát từ quan điểm sai lệch rằng: “Chính trị không nên can thiệp vào khoa học – giáo dục”, hoặc “giảng dạy chính trị là công việc của tổ chức Đảng, không phải nhiệm vụ của cơ sở đào tạo chuyên môn”; thậm chí chính một số cán bộ, giảng viên còn “lười” học tập lý luận chính trị. Đây là những tư tưởng cần phải kiên quyết phê phán, đấu tranh loại bỏ, bởi giáo dục phải gắn chặt với xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, thẩm mỹ và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Nguyên nhân dẫn đến sự len lỏi của âm mưu “phi chính trị hóa” trong giáo dục Việt Nam, đó là:
(1) Nguyên nhân khách quan, trước hết, toàn cầu hóa giáo dục và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), học liệu mở (OER), các nền tảng học trực tuyến xuyên quốc gia (MOOCs), đã tạo ra không gian học tập không biên giới, vượt ngoài tầm kiểm soát truyền thống của các quốc gia. Có nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế đang được triển khai tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, phần lớn sử dụng tài liệu, học liệu từ nước ngoài mà chưa qua thẩm định nội dung chính trị, tư tưởng phù hợp với điều kiện đất nước. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình ứng dụng công nghệ số vào giáo dục nhưng hệ thống hành lang pháp lý, công cụ kiểm duyệt nội dung tư tưởng, chính trị trên môi trường số chưa thực sự hoàn chỉnh và đồng bộ. Các thế lực thù địch đã lợi dụng chính sự thiếu đồng bộ, chặt chẽ, bất cập đó để cài cắm thông tin xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy các quan điểm sai lệch về “giáo dục trung lập”, “giáo dục phi chính trị”, cổ súy cho việc tách biệt giáo dục khỏi sự lãnh đạo của Đảng.
(2) Nguyên nhân chủ quan, một bộ phận cán bộ, giảng viên, nhà quản lý giáo dục còn biểu hiện mơ hồ, thiếu bản lĩnh chính trị, chưa nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm, phức tạp và tinh vi của âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục. Một số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn ảnh hưởng bởi quan điểm “trung lập chính trị” trong giáo dục của phương Tây, chưa phân biệt rõ sự khác biệt về hệ giá trị, điều kiện lịch sử và đặc thù của Việt Nam, dẫn đến có xu hướng vận dụng, ứng dụng một cách máy móc. Đáng chú ý, “Một bộ phận nhà giáo chất lượng thấp, số ít nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp;… Công tác quản lý giáo dục còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một số tiêu cực trong giáo dục chưa được giải quyết tốt gây bức xúc, lo lắng trong Nhân dân”8.
3. Giải pháp nhận diện và đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường của dân tộc. Để hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu của Đảng, giáo dục nước nhà cần vừa phải tiên phong dẫn đường, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường hội nhập và thích ứng với tư duy giáo dục mở; vừa bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo toàn của Đảng đối với giáo dục và đào tạo, vừa phải chủ động tạo sức mạnh nội sinh, sức đề kháng mạnh mẽ, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục của các thế lực thù địch. Để tiến hành hiệu quả, cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể sau:
3.1. Giải pháp nhận diện các biểu hiện “phi chính trị hóa” giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam
Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chí, chỉ báo nhận diện các biểu hiện “phi chính trị hóa” trong nội dung học liệu số, nền tảng học tập trực tuyến và hoạt động đào tạo. Các chỉ báo này phải bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thể chế chính trị, truyền thống văn hóa – giáo dục của Việt Nam, đồng thời có khả năng cảnh báo sớm các yếu tố tư tưởng lệch chuẩn. Chú trọng các chỉ báo: việc loại bỏ hoặc làm mờ yếu tố chính trị trong bài giảng; sử dụng học liệu nhập khẩu không có nội dung chính trị phù hợp; sự phổ biến các quan điểm “giáo dục trung lập”, “tự do tư tưởng tuyệt đối” trong môi trường học tập trực tuyến… Việc xây dựng hệ thống chỉ báo này cần đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng và quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, kết hợp giữa đội ngũ chuyên gia về tư tưởng, lý luận với chuyên gia công nghệ, để đảm bảo tính chính xác, khả thi và cập nhật.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ số tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), dữ liệu lớn (Big Data), để xây dựng hệ thống giám sát, phân tích và cảnh báo nội dung học liệu số có dấu hiệu “phi chính trị”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa ngành giáo dục, khoa học công nghệ và lực lượng an ninh, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học có thế mạnh về khoa học kỹ thuật và chuyên sâu về khoa học xã hội và nhân văn để phát triển, hình thành mạng lưới cảnh báo sớm, giúp phát hiện nhanh, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển các công cụ truy xuất và đánh giá học liệu mở, kho tài nguyên số trong nước, đảm bảo “tự chủ nội dung tư tưởng” trong chuyển đổi số giáo dục.
Thứ ba, bồi dưỡng, nâng cao năng lực nhận diện và đấu tranh với các biểu hiện “phi chính trị hóa” giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên và người học. Chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và năng lực phát hiện, tư duy phản biện; năng lực đánh giá, thẩm định, ứng dụng, vận dụng… các chương trình, nội dung, học liệu số… phục vụ giảng dạy. Công tác bồi dưỡng nên được thiết kế theo hướng tích hợp lý luận chính trị với kỹ năng số, gắn học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước với khả năng phân tích, đánh giá nội dung trên các nền tảng số. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về an ninh tư tưởng trong giáo dục số, kỹ năng phản biện và nhận diện luận điệu sai trái, thù địch trong môi trường học tập số… góp phần củng cố, nâng cao năng lực nhận diện và đấu tranh của cán bộ, giảng viên, giáo viên và người học.
3.2. Giải pháp đấu tranh tư tưởng, chính trị trong không gian số giáo dục
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, trực tiếp là các lực lượng làm công tác quản lý giáo dục, đào tạo, giảng dạy. Từng bộ phận phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, đào tạo, về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thấy rõ đấu tranh tư tưởng không chỉ diễn ra trong các bài giảng chính trị hay các hoạt động lý luận, mà phải được hiện diện sinh động trong từng sản phẩm, từng nền tảng và từng tương tác trên không gian số giáo dục. Mọi chương trình đào tạo, học liệu số, bài giảng điện tử… cần được đánh giá, kiểm định chặt chẽ, đứng quan điểm, nguyên tắc, quy trình và định hướng rõ ràng về mặt tư tưởng, không tạo “kẽ hở” để các quan điểm sai trái len lỏi, làm xói mòn lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ.
Hai là, rà soát, chỉnh lý và tích hợp sâu sắc nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng trong các chương trình đào tạo và học liệu số, bảo đảm mọi hoạt động giáo dục, đào tạo trong môi trường số đều thống nhất với đường lối, quan điểm của Đảng. Nội dung chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng của dân tộc cần được thể hiện sinh động, hấp dẫn và phù hợp với đặc điểm tâm lý, thói quen tiếp cận của thế hệ trẻ trong môi trường số. Cùng với đó, cần chú trọng nghiên cứu, phát triển các nguồn học liệu chính thống, hấp dẫn, dễ tiếp cận, mang tính cuốn hút, dễ tiếp thu, có định hướng tư tưởng rõ ràng, thuận tiện cho người học tiếp cận, nghiên cứu, học tập. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan lý luận, cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp công nghệ, xây dựng hệ sinh thái học liệu số có định hướng chính trị vững chắc; trong đó, chú trọng sản xuất các sản phẩm số như: video bài giảng lịch sử cách mạng, podcast lý luận chính trị, mô hình giáo dục chính trị tích hợp trò chơi hóa (gamification), bản đồ tư duy số về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,… Đây là cách làm thiết thực để “chính trị hóa” một cách sáng tạo và hiệu quả nội dung giáo dục trong môi trường hiện đại.
Ba là, tập trung “đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng niềm tin khoa học vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn”9. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên thông qua nền tảng số, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các tổ chức chính trị – xã hội trong nhà trường cần phát huy vai trò xung kích trên không gian mạng, tổ chức các chiến dịch truyền thông, diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận chính trị bằng hình thức trực tuyến.
3.3. Giải pháp về tổ chức, quản lý giáo dục trong điều kiện chuyển đổi số
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, coi đây là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nền tảng tư tưởng trong tiến trình chuyển đổi số. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập, song phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Cấp ủy tổ chức đảng các cấp, nhất là tổ chức đang ở các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học cần trực tiếp tham gia chỉ đạo quá trình xây dựng, phê duyệt, cập nhật học liệu số; giám sát việc hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo, đảm bảo không để lọt lưới những nội dung mang tư tưởng trái chiều, lệch chuẩn.
Thứ hai, xây dựng và ban hành hệ thống quy định, quy chế cụ thể về thẩm định, kiểm định chính trị đối với học liệu số, tài nguyên giáo dục mở và các phần mềm, nền tảng dạy học trực tuyến. “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và có các giải pháp kỹ thuật phù hợp với sự phát triển nhanh của Internet, mạng xã hội trong tình hình mới”10. Việc kiểm định hiện nay chủ yếu tập trung vào khía cạnh chuyên môn – kỹ thuật, trong khi yếu tố tư tưởng chính trị còn mờ nhạt, thậm chí bị bỏ ngỏ. Do đó, , cần có bộ tiêu chí riêng do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an xây dựng, nhằm bảo đảm mọi nội dung, hình thức, dữ liệu được sử dụng trong dạy học số đều đạt chuẩn về chính trị, tư tưởng.
Thứ ba, chú trọng gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tổ chức thực hiện chuyển đổi số. Đây không chỉ là yêu cầu về hành chính, quản trị, mà còn là trách nhiệm chính trị. Người đứng đầu phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng cấp trên nếu để xảy ra sai phạm trong nội dung học liệu, chương trình đào tạo hoặc các liên kết học thuật mang yếu tố chính trị độc hại. Điều này càng trở nên cấp thiết trong điều kiện chuyển đổi số, khi tính phi biên giới và tốc độ lan truyền của thông tin vượt xa khả năng kiểm soát truyền thống.
Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng mô hình quản trị số giáo dục mang bản sắc Việt Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và định hướng chính trị của đất nước. Trong đó, giáo dục chính trị, tư tưởng phải được xem là trục xuyên suốt trong mọi khâu tổ chức, quản lý, từ xây dựng nội dung đến triển khai nền tảng công nghệ, đào tạo đội ngũ và giám sát thực hiện.
3.4. Giải pháp phối hợp liên ngành trong phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục
Một là, phát huy vai trò trung tâm, chủ trì của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo, định hướng nội dung giáo dục bảo đảm tính chính trị, tư tưởng trong môi trường số. Bộ cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc quản lý các nền tảng công nghệ phục vụ học tập trực tuyến, học liệu số; kiểm soát chặt chẽ các trang web, kênh truyền thông giáo dục có dấu hiệu lan truyền nội dung lệch lạc, xuyên tạc, cổ xúy quan điểm “trung lập hóa tư tưởng” trong giáo dục.
Hai là, Bộ Công an cần chủ động đấu tranh với các đối tượng lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, chống phá giáo dục chính trị, tư tưởng. Cần triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, vô hiệu hóa sớm các chiến dịch truyền thông sai trái trên mạng xã hội, diễn đàn học thuật, học liệu mở có yếu tố phản động, chống đối. Bộ Quốc phòng tăng cường công tác phối hợp giáo dục chính trị cho thanh niên, học sinh, sinh viên trong các chương trình nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự, và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng các chương trình giáo dục quốc phòng, anninh gắn liền với nội dung đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, chú trọng thiết lập hội đồng liên ngành cấp quốc gia về an ninh tư tưởng trong giáo dục số để quy tụ đại diện các bộ, ban, ngành liên quan để chủ động đánh giá, dự báo và xử lý kịp thời các nguy cơ tư tưởng trên không gian mạng giáo dục. Hội đồng này có thể đảm nhiệm nhiệm vụ xây dựng Bộ quy chuẩn chính trị, tư tưởng cho học liệu số, định hướng cho các nhà xuất bản, đơn vị công nghệ và cơ sở đào tạo trong cả nước. Đây không chỉ là công cụ kiểm soát mà còn là căn cứ pháp lý, nền tảng để bảo vệ chủ quyền tư tưởng trong thời đại số. Song song với đó, cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, khuyến khích các đơn vị phát triển nền tảng học tập số tích hợp công nghệ AI, Blockchain, Big Data bảo đảm tính kiểm duyệt chính trị, tư tưởng ngay từ khâu thiết kế. Mô hình “EdTech định hướng tư tưởng” cần được đầu tư cả về tài lực và nhân lực, hướng tới xây dựng hệ sinh thái giáo dục số “sạch” về chính trị, lành mạnh về văn hóa, vững chắc về an ninh.
Bốn là, vận động giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia chính trị – công nghệ cùng tham gia xây dựng học liệu số, phản biện xã hội, phát triển sản phẩm truyền thông tư tưởng chất lượng cao cho giới trẻ. Tạo điều kiện để hình thành các tổ chức nghiên cứu liên ngành về tư tưởng – giáo dục – công nghệ, qua đó hình thành lực lượng “trí thức nòng cốt” trên mặt trận đấu tranh tư tưởng trong không gian mạng.
4. Kết luận
Âm mưu “phi chính trị hóa” giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà đã và đang hiện hữu dưới nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Nếu không kịp thời nhận diện và có giải pháp đấu tranh hiệu quả, chúng ta sẽ đánh mất trận địa tư tưởng ngay trong chính môi trường giáo dục – nơi hình thành lý tưởng, đạo đức và bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ. Bảo vệ tính chính trị trong giáo dục không mâu thuẫn với đổi mới, hội nhập, mà là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, đấu tranh chống “phi chính trị hóa” giáo dục là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị, trong đó cần đặc biệt coi trọng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, lực lượng xã hội và bản lĩnh tư tưởng của mỗi cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trong thời đại số.
Chú thích:
1, 2, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr.106, 136, 136.
3. Tin tức. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9559
4. Đinh Thế Huynh, Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (đồng Chủ biên, 2015). 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 160.
5. Hội đồng Lý luận Trung ương (2020). 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 167.
6. Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
8. Ban Bí thư (2019). Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
9, 10. Ban Chấp hành Trung ương (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2022). Hướng dẫn số 52-HD/BTGTW ngày 20/4/2022 về tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giáo dục và đào tạo.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022). Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông – Bộ Công an – Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023). Sổ tay hướng dẫn nhận diện và phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng trong lĩnh vực giáo dục. H. NXB Thông tin và Truyền thông.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Lê Văn Lợi, Lê Hải Bình (đồng chủ biên) (2023). Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong giáo dục và đào tạo. H. NXB Lý luận chính trị.
6. Nguyễn Viết Thông (2021). Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.