Hồ Thị Mai Sương
Đỗ Thị Thanh Huyền
Lương Nguyệt Ánh
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Năng suất lao động là một chỉ tiêu quan trọng nhằm đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế ở một quốc gia. Hiện nay, việc cải thiện năng suất lao động của Việt Nam đang rất được quan tâm. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích dịch chuyển tỷ trọng nhằm đánh giá nguồn gốc của tăng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2024. Kết quả cho thấy, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chủ yếu do các yếu tố bên trong của ngành (hiệu ứng nội ngành). Trong khi đó, sự chuyển dịch lao động đóng góp vào tăng năng suất lao động thấp hơn và chủ yếu là do sự chuyển dịch lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao (hiệu ứng tĩnh), sự chuyển dịch sang ngành có tốc độ tăng năng suất cao (hiệu ứng động) có đóng góp không đáng kể. Do đó, các giải pháp đặt ra nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động cần hướng đến tận dụng khả năng đóng góp của hiệu ứng nội ngành và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Từ khóa: Chuyển dịch tỷ trọng, năng suất lao động, hiệu ứng nội ngành, hiệu ứng tĩnh, hiệu ứng động.
1. Đặt vấn đề
Năng suất lao động có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới1. Tốc độ tăng năng suất lao động chịu tác động của nhiều yếu tố, do đó việc phân tích nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động góp phần quan trọng trong việc phát triển chiến lược tăng năng suất lao động của nền kinh tế. Thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những vấn đề trọng tâm đối với Việt Nam hiện nay. Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 của Việt Nam đã xác định các trụ cột chính được xác định nhằm tăng năng suất lao động bao gồm chất lượng thể chế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, liên kết vùng và khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mục tiêu của chiến lược tăngnăng suất lao động đến năm 2030 của Việt Nam là đạt trên 6,5%/năm2.
Tuy nhiên, hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp và có khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực3. Do đó, việc phân rã năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nguồn gốc thúc đẩy tăng năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay. Phân tích tăng trưởng năng suất lao động được nhiều học giả sử dụng với các phương pháp khác nhau, trong đó có phương pháp chuyển dịch tỷ trọng. Phương pháp này được Fabricant (1942) đề xuất đầu tiên và được ứng dụng và phát triển trong nhiều lĩnh vực4.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Timmer và Szirmai (2000)5 đã phân tích năng suất lao động theo 3 thành phần bao gồm: tăng năng suất lao động nội ngành, chuyển dịch cơ cấu lao động với hiệu ứng tĩnh và hiệu ứng động. Trong đó, hiệu ứng tăng năng suất nội ngành thể hiện sự thay đổi năng suất do các yếu tố bên trong ngành. Hiệu ứng tĩnh và hiệu ứng động cho biết tốc độ tăng năng suất lao động do dịch chuyển cơ cấu lao động giữa các ngành trong nền kinh tế. Phương pháp này có thể áp dụng vào việc phân tích năng suất lao động ở Việt Nam nhằm đánh giá nguồn gốc tăng năng suất, đồng thời góp phần xây dựng chiến lược thúc đẩy tăng năng suất lao động.
2. Khái niệm và đo lường năng suất lao động
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (2001), khái niệm về năng suất nói chung là tỷ lệ giữa sản lượng đầu ra và lượng đầu vào6. Trong quá trình sản xuất, có nhiều loại đầu vào được sử dụng, nên năng suất có thể được xác định là năng suất của từng yếu tố đầu vào hoặc năng suất nhân tố tổng hợp. Trong đó, năng suất lao động được xác định nhằm đánh giá chất lượng tăng trưởng của một quốc gia, ngành hoặc doanh nghiệp. Theo Cục Thống kê (2021), năng suất lao động được đo lường bằng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm7. Đây là chỉ tiêu quan trọng phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất.
Năng suất lao động có thể được tính chung cho toàn bộ nền kinh tế, ngành hoặc doanh nghiệp. Trong nền kinh tế, năng suất lao động được xác định theo công thức tổng sản phẩm trong nước (GDP) chia cho tổng số lao động có việc làm. Theo ngành kinh tế, năng suất lao động cũng được xác định bằng giá trị tăng thêm của từng khu vực hay từng loại hình kinh tế chia cho số lao động có việc làm trong khu vực hoặc loại hình kinh tế đó và không bao gồm thuế sản phẩm8.
Do đó, công thức tính năng suất lao động được xác định như sau:

Trong đó, LPA là năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế; YA là tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh và LA là số lao động có việc làm trong nền kinh tế.
Đối với các ngành trong nền kinh tế, năng suất lao động được xác định theo công thức:

Trong đó, LPi là năng suất lao động của ngành i; Yi và Li tương ứng là giá trị gia tăng và số lượng lao động có việc làm trong ngành i.
Kết hợp phương trình (1) và (2) ta có:

Trong đó, LPA là tỷ trọng lao động của ngành i trong tổng số lao động có việc làm.
Như vậy, năng suất lao động được xác định bằng tổng sản phẩm đầu ra chia cho tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế hoặc bằng tổng năng suất lao động của các ngành theo tỷ trọng lao động của mỗi ngành trong nền kinh tế.
3. Phương pháp phân rã năng suất lao động
3.1. Phương pháp phân tích chuyển dịch tỷ trọng
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp chuyển dịch nhằm phân rã tăng trưởng năng suất lao động thành hiệu ứng nội ngành và hiệu ứng chuyển dịch lao động theo nghiên cứu của Timmer & Szirmai (2000)9.
Năng suất lao động của nền kinh tế thời điểm t được xác định theo công thức sau:

Tốc độ tăng năng suất lao động của thời kỳ t so với thời kỳ gốc được xác định theo công thức sau:

Công thức 3.2. cho thấy, năng suất lao động được phân tách thành 3 thành phần, trong đó theo thứ tự, thành phần thứ nhất là (h1) phản ánh tăng năng suất do nội ngành; thành phần thứ hai và thành phần thứ ba là tăng năng suất do chuyển dịch cơ cấu lao động, với hiệu ứng chuyển dịch tĩnh (h2) và hiệu ứng chuyển dịch động (h3).
Thành phần thứ nhất, phản ánh tốc độ tăng năng suất lao động là do sự thay đổi năng suất lao động của ngành tương ứng với cơ cấu lao động không thay đổi. Điều này thể hiện sự thay đổi năng suất lao động là do các yếu tố ngoài yếu tố chuyển dịch lao động như công nghệ sản xuất, cường độ vốn, chất lượng lao động hoặc thể chế, chính sách.
Thành phần thứ hai, thể hiện hiệu ứng chuyển dịch tĩnh với sự thay đổi cơ cấu lao động trong ngành tương ứng với mức năng suất lao động ở thời kỳ gốc. Điều này cho thấy, sự thay đổi năng suất lao động ở đây phản ánh sự chuyển dịch lao động sang các ngành có mức năng suất lao động cao hơn ở thời kỳ gốc.
Thành phần thứ ba, thể hiện hiệu ứng chuyển dịch động với sự thay đổi đồng thời của cơ cấu lao động và năng suất lao động. Hiệu ứng này phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành có tốc độ tăng năng suất lao động thấp sang ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn.
3.2. Dữ liệu nghiên cứu
Các dữ liệu nghiên cứu được thu thập trên trang Thông tin điện tử Cục Thống kê (www.gso.gov.vn) bao gồm: tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh năm 2010, số lượng lao động trong nền kinh tế và các ngành kinh tế trong giai đoạn 2010 – 202310. Riêng dữ liệu năm 2024 được lấy từ Báo cáo tình hình kinh tế và xã hội quý IV và năm 2024 của Cục Thống kê.
Số liệu lao động từ năm 2021 trở về trước được Cục Thống kê thu thập và tính toán theo tiêu chuẩn ICLS 13, tuy nhiên, từ năm 2021, Cục Thống kê áp dụng theo tiêu chuẩn ICLS 19. Theo tiêu chuẩn ICLS 19, những người làm việc với mục đích sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ không được xác định là người có việc làm như quy định trong tiêu chuẩn ICLS 1311. Do đó, số liệu lao động năm 2021 – 2024 sẽ có những khác biệt với các năm trước đó. Hơn nữa, để đánh giá đầy đủ sự biến động của thị trường lao động, Cục Thống kê cũng đã tính toán và công bố số lượng lao động của các quý năm 2019 đến năm 2021 theo tiêu chuẩn ICLS 1912. Do đó, để tính được tốc độ tăng năng suất lao động của năm 2021 so với năm 2020, nhóm tác giả đã sử dụng số liệu lao động năm 2020 theo Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm Quý IV và năm 2021 của Cục Thống kê.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay
Năng suất lao động theo giá hiện hành ở Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2024 có xu hướng tăng, đồng thời tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đã có nhiều sự thay đổi trong thời gian qua. Điều này có thể cho thấy nguồn nhân lực trong toàn nền kinh tế đã có sự cải thiện về chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Năm 2010, năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 55,8 triệu đồng/người, tương ứng với tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 14,6%. Năm 2011, năng suất lao động theo giá hiện hành tăng thêm 14,2 triệu đồng/người so với năm 2010, đạt mức 70 triệu đồng/người và theo giá so sánh, năng suất lao động tăng lên 3,42% và tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 201013.
Năm 2015, năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 97,7 triệu đồng/người với tốc độ tăng năng suất lao động theo giá so sánh đạt 6,83% cao hơn 1,46 điểm phần trăm so với năm 2014 và 3,41 điểm phần trăm so với năm 2011. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 20,1%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2014 và 4,7 điểm phần trăm so với năm 2011. Mức năng suất lao động tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo ở mức hơn 6% mỗi năm và đến năm 2020, mức năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 150,1 triệu đồng/năm, tăng 4,88% so với năm 2019. Điều này có thể thấy, năm 2020, nền kinh tế chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, mức tăng năng suất đã có xu hướng giảm so với các năm trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động được đào tạo vẫn có xu hướng cải thiện, đạt 23,6% tăng 1,0 điểm phần trăm so với năm 201914.
Nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, mức năng suất lao động theo giá hiện hành mức 188,7 triệu đồng/người năm 2022; 199,3 triệu đồng/người năm 2023 và 221,9 triệu đồng/người năm 2024. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tiếp tục tăng và tăng nhanh trong năm 2023 với 27,1% tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2022. Năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 1,2 điểm phần trăm so với năm 202315. Điều này cho thấy sự cải thiện trong việc nâng cao chất lượng lao động trong nền kinh tế.
4.2. Phân tích năng suất lao động bằng phương pháp chuyển dịch tỷ trọng
Phân rã năng suất lao động được thực hiện theo công thức 3.2, kết quả thể hiện ở bảng 1 cho thấy, đóng góp của các hiệu ứng nội ngành, hiệu ứng tĩnh và hiệu ứng động vào tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn 2010 – 2024 ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 – 2024, đóng góp của hiệu ứng nội ngành lớn hơn so với đóng góp của chuyển dịch lao động gồm hiệu ứng tĩnh và hiệu ứng động. Điều này cho thấy sự cải thiện năng suất lao động chung trong nền kinh tế chủ yếu là do sự thay đổi trong các yếu tố như khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; chất lượng lao động, các cơ chế chính sách… Trong khi đó, sự đóng góp của hiệu ứng tĩnh qua các năm đều dương (trừ năm 2021) và cao hơn so với hiệu ứng động. Điều này thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành trong nền kinh tế trong đó chuyển dịch lao động sang các ngành có năng suất cao có đóng góp lớn vào tốc độ tăng năng suất lao động nói chung. Trong khi đó, chuyển dịch lao động sang các ngành có tốc độ tăng năng suất cao có đóng góp không đáng kể.
Bảng 1. Phân rã tốc độ tăng năng suất lao động ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2024
Năm | Tốc độ tăng năng suất lao động (%) | Hiệu ứng nội ngành (%) | Hiệu ứng chuyển dịch tĩnh (%) | Hiệu ứng chuyển dịch động (%) |
2011 | 3,42 | 3,28 | 0,16 | -0,02 |
2012 | 3,17 | 2,10 | 1,08 | 0,00 |
2013 | 3,91 | 3,06 | 0,83 | 0,03 |
2014 | 5,37 | 4,55 | 0,79 | 0,04 |
2015 | 6,83 | 3,45 | 3,34 | 0,03 |
Giai đoạn 2011-2015 | 4,54 | 3,29 | 1,24 | 0,01 |
2016 | 6,22 | 3,70 | 2,63 | -0,11 |
2017 | 6,22 | 4,28 | 1,89 | 0,05 |
2018 | 6,33 | 3,73 | 2,57 | 0,02 |
2019 | 6,62 | 3,38 | 3,45 | -0,22 |
2020 | 4,88 | 3,52 | 1,35 | 0,00 |
Giai đoạn 2016-2020 | 6,05 | 3,72 | 2,38 | -0,05 |
2021 | 4,57 | 5,23 | -0,61 | -0,05 |
2022 | 5,25 | 4,00 | 1,22 | 0,03 |
2023 | 3,67 | 3,18 | 0,48 | 0,01 |
2024 | 5,88 | 5,51 | 0,36 | 0,02 |
Giai đoạn 2021-2024 | 4,84 | 4,48 | 0,36 | 0,00 |
Bảng 1 cho thấy, năm 2011, năng suất lao động của nền kinh tế tăng lên 3,42% trong đó năng suất tăng do hiệu ứng nội ngành là 3,28%. Hiệu ứng chuyển dịch đóng góp vào tăng năng suất là 0,14%, trong đó, hiệu ứng chuyển dịch tĩnh là 0,16% và hiệu ứng chuyển dịch động là (- 0,02%). Tốc độ tăng năng suất lao động tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo và tốc độ đạt mức cao ở năm 2015 với 6,83% bao gồm hiệu ứng nội ngành là 3,45%, hiệu ứng chuyển dịch tĩnh là 3,34% và hiệu ứng chuyển dịch động là 0,03. Trung bình giai đoạn 2011 – 2015, hiệu ứng nội ngành làm tăng trưởng năng suất lao động là 3,29%; hiệu ứng chuyển dịch tĩnh là 1,24% và hiệu ứng chuyển dịch động là 0,01% và tổng tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn đạt 4,54%. Hiệu ứng chuyển dịch trong giai đoạn này cho thấy chiều hướng tích cực theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiệu ứng chuyển dịch tĩnh có giá trị dương cho thấy sự dịch chuyển lao động từ các ngành có năng suất thấp như nông, lâm nghiệp và thủy sản sang ngành công nghiệp và xây dựng và ngành dịch vụ.
Năm 2016, tốc độ tăng năng suất lao động giảm 0,61 điểm phần trăm so với năm 2015, nguyên nhân là do hiệu ứng nội ngành tăng trong khi hiệu ứng chuyển dịch lao động giảm ở cả hiệu ứng chuyển dịch tĩnh và động. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2017 không thay đổi so với năm 2016 nhưng hiệu ứng nội ngành lại tăng cao trong khi hiệu ứng chuyển dịch lao động có xu hướng giảm. Năm 2020, nền kinh tế chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, mức tăng năng suất lao động thấp, tương ứng với 4,88%, trong đó vai trò chính vẫn là hiệu ứng nội ngành với 3,52%. Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng năng suất trung bình đạt 6,05% với hiệu ứng nội ngành là 3,72%, hiệu ứng chuyển dịch tĩnh là 2,38% và hiệu ứng chuyển dịch động là (- 0,05%).
So sánh với giai đoạn 2011 – 2015, hiệu ứng chuyển dịch lao động trong giai đoạn 2016 – 2020 đóng góp cao hơn vào tốc độ tăng năng suất lao động, điều này cho thấy đây là giai đoạn chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế, dẫn đến lao động được thu hút nhiều hơn vào các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hơn nữa, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong giai đoạn này cũng đạt mức cao hơn so với giai đoạn trước. Điều này đã thúc đẩy tăng năng suất lao động từ đóng góp của hiệu ứng nội ngành và hiệu ứng chuyển dịch lao động tĩnh. Tuy nhiên, hiệu ứng chuyển dịch động vẫn ở mức rất thấp và đóng góp không đáng kể do lao động di chuyển từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phần lớn chưa qua đào tạo, đồng thời, lao động chủ yếu dịch chuyển vào các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có năng suất thấp. Do đó, hiệu ứng này chưa giúp cải thiện năng suất lao động của nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2021 – 2024, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như các yếu tố khó khăn, thách thức từ môi trường quốc tế, tốc độ tăng năng suất lao động có nhiều sự biến động và ở mức thấp so với giai đoạn 2016 – 2020. Năm 2021 do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên tốc độ tăng năng suất lao động thấp hơn so với năm 2020, với hiệu ứng nội ngành đạt 5,23%, trong khi đó đó hiệu ứng chuyển dịch tĩnh và động đều âm với tổng hiệu ứng chuyển dịch là -0,66%.
Theo Cục Thống kê, năm 2021 số lượng và tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng lên, đồng thời số lượng lao động trong ngành công nghiệp – xây dựng và ngành dịch vụ giảm, đặc biệt so với năm 2020, cơ cấu lao động trong ngành dịch vụ năm 2021 đã giảm xuống. Điều này làm cho hiệu ứng chuyển dịch tĩnh và động trong năm 2021 đạt giá trị âm. Năm 2024, hiệu ứng nội ngành đạt 5,51% và hiệu ứng chuyển dịch lao động đạt 0,38%. Trung bình giai đoạn 2021 – 2024, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 4,84%/năm với sự đóng góp của hiệu ứng nội ngành là 4,48% và hiệu ứng chuyển dịch là 0,36%16.
5. Đề xuất giải pháp
Một là, cần chú trọng vào giải pháp khuyến khích, thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là giải pháp khai thác sâu hơn năng suất lao động nội ngành của những ngành đang có năng suất lao động cao hoặc tốc độ tăng năng suất lao động cao thông qua đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Để làm được điều này, cần:
(1) Nhà nước ban hành chiến lược, chính sách khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên và đổi mới sáng tạo; đồng bộ và đơn giản hóa thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính để chính sách ưu đãi thực sự có hiệu lực, hiệu quả.
(2) Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, quản lý và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Hai là, cần có các chính sách quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động di chuyển từ các ngành có năng suất thấp để nâng mặt bằng chất lượng lao động, đồng thời nghiên cứu, ban hành và triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo chuyên sâu nhân lực chất lượng cao ở một số ngành trọng điểm, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, như: bán dẫn, vi mạch, công nghệ sinh học, năng lượng…, bằng tài chính (giảm thuế, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề chuyên sâu, khoản vay ưu đãi cho lao động…) và các biện pháp khác nhằm thúc đẩy chuyển dịch lao động sang những ngành có tốc độ tăng năng suất cao, đồng thời thúc đẩy kinh tế đất nước bắt kịp xu hướng thay đổi cơ cấu sản xuất và công nghệ trên thế giới.
Ba là, thường xuyên nghiên cứu theo dõi về năng suất để xác định, dự báo các ngành có năng suất lao động thấp và năng suất lao động cao cũng như tốc độ tăng năng suất các ngành để định hướng đào tạo và chính sách chuyển dịch lao động phù hợp; đồng thời đánh giá nhu cầu thị trường, phát triển sâu thị trường lao động với hệ thống thông tin cung cầu lao động cập nhật để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tìm kiếm, kết nối và chuyển đổi việc làm hiệu quả.
6. Kết luận
Phân tích năng suất lao động của Việt Nam theo phương pháp chuyển dịch tỷ trọng cho thấy, tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn 2010 – 2024 chủ yếu có sự đóng góp của hiệu ứng nội ngành. Đây là hiệu ứng tạo ra do các yếu tố bên trong của một ngành, như: sự cải thiện chất lượng lao động của ngành, đổi mới công nghệ, vốn đầu tư, thể chế chính sách… Hơn nữa, hiệu ứng chuyển dịch cơ cấu lao động cũng có đóng góp nhất định vào tốc độ tăng năng suất lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự dịch chuyển lao động chủ yếu từ ngành nông, lâm và thủy sản có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp sang các ngành công nghiệp và xây dựng, ngành dịch vụ có năng suất thấp. Do đó, đào tạo lao động là một trong những nội dung quan trọng thúc đẩy tăng năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay. Cùng với đó, các yếu tố về: vốn đầu tư, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, thể chế, chính sách…, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động ở Việt Nam.
Chú thích:
1, 3, 7, 8. Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020: Thực trạng và giải pháp. https://www.gso.gov.vn/default/2023/02/nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-giai-doan-2011-2020-thuc-trang-va-giai-phap.
2. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08/11/2023 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.
4. Fabricant, S. (1942). Manufacturing in the National Economy. https://www.nber.org/books-and-chapters/employment-manufacturing-1899-1939-analysis-its-relation-volume-production/manufacturing-national-economy.
5, 9. Timmer, M. P., & Szirmai, A. (2000). Productivity growth in Asian manufacturing: The structural bonus hypothesis examined. https://doi.org/10.1016/S0954-349X(00)00023.
6. OECD (2001). Measuring Productivity – OECD Manual. https://www.oecd.org/en/publications/measuring-productivity-oecd-manual_9789264194519-en.html.
10. Số liệu tổng sản phẩm theo giá so sánh và số lao động đang làm việc trong nền kinh tế và các ngành được thu thập từ trang thông tin điện tử Cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn/tai-khoan-quoc-gia/ và https://www.gso.gov.vn/lao-dong.
11, 12. Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2021 của Cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/03/bao-cao-dieu-tra-lao-dong-viec-lam-nam-2021-2.
13, 14. Số liệu năng suất lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo được thu thập từ trang thông tin điện tử Cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn/lao-dong.
15. Cục Thống kê (2025). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024, truy cập tại trang thông tin điện tử Cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn/bai-top/2025/01/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2024.
16. Cục Thống kê (2022). Thông cáo báo chí lao động việc làm Quý IV và năm 2021. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-nam-2021-va-chi-so-phat-trien-con-nguoi-viet-nam-2016-2020.