PGS.TS. Dương Thị Liễu
TS. Nguyễn Thị Hường
Thành viên đề tài CT 01/06-2023-3, thành phố Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình là nguyên tắc cốt yếu trong hoạt động quản trị địa phương. Thành phố Hà Nội là một trong số các địa phương được PAPI đánh giá cao khi đo lường hiệu quả quản trị địa phương ở tiêu chí minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động minh bạch và giải trình của chính quyền các cấp thành phố vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, chưa đáp ứng được sự hài lòng của người dân, chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc quản trị địa phương theo hướng hiệu lực, hiệu quả... Bài viết nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra, nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình của chính quyền các cấp thành phố Hà Nội.
Từ khoá: Minh bạch, trách nhiệm giải trình, quản trị địa phương, chính quyền các cấp, thành phố Hà Nội.
1. Cơ sở xây dựng giải pháp nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình của chính quyền các cấp thành phố Hà Nội
Theo kết quả đánh giá từ chỉ số SIPAS trong vài năm gần đây, nhất là từ năm 2022 – 2023, mức độ hài lòng của người dân về trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện chính sách của thành phố Hà Nội chưa có sự cải thiện về điểm % cũng như thứ hạng.
Năm 2022 | Năm 2023 | |||
Điểm % | Thứ hạng | Điểm % | Thứ hạng | |
Trách nhiệm giải trình của chính quyền về chính sách | 83,68 | 18 | 82,09 | 18 |
Chính quyền cung cấp, giải thích thông tin CS theo nhiều hình thức, dễ tìm, dễ thấy | 83,54 | Nhóm trung vị | 81,91 | 18 |
Chính quyền cung cấp thông tin CS đầy đủ, dễ hiểu | 83,81 | Nhóm trung vị | 82,27 | 19 |
Bên cạnh đó, kết quả đo lường của PAPI về việc thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền thành phố Hà Nội có xu hướng giảm mạnh từ năm 2021 – 2023. Đặc biệt, năm 2023, việc thực hiện trách nhiệm giải trình theo khảo sát của PAPI giảm tới 0,31 điểm phần trăm. Vẫn còn bất cập trong nhận thức của công chức, kể cả công chức lãnh đạo các cấp về nguyên tắc, vai trò và tầm quan trọng của trách nhiệm minh bạch và giải trình liên quan đến việc thực thi công vụ theo thẩm quyền. Cơ chế và phương thức giải trình vẫn còn khép kín trong phạm vi hẹp, mang tính thụ động. Các hình thức minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình chưa tối ưu hoá những điều kiện, phương tiện gắn với công nghệ hiện đại. Người dân còn nhiều bức xúc khi chính quyền chưa thực sự minh bạch trong việc cung cấp thông tin, nội dung giải trình chưa bám sát vào chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền của từng cấp chính quyền, tính trách nhiệm của cá nhân, tổ chức chưa cao…
Thành phố Hà Nội đã quyết tâm khắc phục những vấn đề đặt ra trong quản trị địa phương, trong đó có việc nâng cao trách nhiệm minh bạch và thực hiện giải trình của chính quyền các cấp. Bên cạnh những chỉ đạo quyết liệt của Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội, việc nghiên cứu và đề xuất những giải pháp hữu hiệu từ góc độ khoa học là một yêu cầu có tính bức thiết, nhất là trong bối cảnh thành phố đang triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhân sự theo chủ trương lớn của Đảng và Nhà nuớc.
2. Một số giải pháp nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình của chính quyền các cấp thành phố Hà Nội.
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống thể chế.
Trên thực tế, yêu cầu về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình đã được Luật định và quy định trong nhiều văn bản pháp quy từ trung ương đến địa phương. Nhưng như đã phân tích, vẫn còn nhiều nội dung thể chế chưa cụ thể, chưa bao quát đến mọi khía cạnh để bảo đảm hực hiện nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền tại địa phương. Do đó, để bảo đảm giải trình trách nhiệm được thực hiện một cách xác đáng, có căn cứ chặt chẽ, cần hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm và trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, phân cấp, phân quyền đi đôi với việc xác định rõ, cụ thể phạm vi trách nhiệm của từng cấp, từng vị trí, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.
Cần quy định cụ thể, khoa học, chặt chẽ và khả thi về căn cứ, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành, thành phần, thẩm quyền yêu cầu tiến hành giải trình và việc xem xét, đánh giá, xử lý kết quả, tính trung thực, chính xác của việc giải trình, bảo đảm thận trọng, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc xem xét trách nhiệm. Bên cạnh đó, đối với công tác cán bộ, cũng cần hoàn thiện về các nguyên tắc, nguyên lý, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, cách thức tiến hành trong công tác cán bộ, nhất là trong việc giới thiệu, đề cử, bầu cử, thi cử, tuyển dụng; phân công, bố trí, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, các biện pháp tránh xung đột lợi ích… làm rõ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể trong công tác cán bộ ở từng khâu, từng cấp, từng vị trí. Nhất là những những vị trí công việc có tính nhạy cảm, có thể gây xung đột về lợi ích. Đặc biệt, khi đưa ra những quy định yêu cầu đối với người đứng đầu, phải chú trọng tiêu chí về năng lực quản trị nhân sự, khả năng thích ứng, quản lý sự thay đổi trong bối cảnh hiện nay.
Hệ thống thể chế cần bổ sung và làm rõ thêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể yêu cầu chính quyền giải trình. Trong đó có cả những quy định về việc giải trình liên quan đến nguồn gốc tài sản, thu nhập, xuất phát từ yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng.
Các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần xác định rõ thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng trong việc thực thi công vụ của chính quyền và người đứng đầu cấp quản lý hành chính.
Hoàn thiện hệ thống thể chế về thực hiện sự minh bạch và trách nhiệm giải trình là giải pháp quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động này, làm tăng hiệu lực, hiệu quả cho quản trị địa phương.
Thứ hai, nâng cao năng lực thực hiện sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Trách nhiệm giải trình là việc cung cấp những thông tin chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ tiếp cận để làm cơ sở đánh giá một công việc hay cá nhân, tổ chức có thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao hay không. Đây cũng là cơ sở để thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật hay bố trí các vị trí công việc. Bên cạnh đó, việc minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình còn là cách để người dân có sự thông hiểu, chia sẻ với các cấp chính quyền, từ đó sẽ chủ động tham gia vào quá trình quản trị địa phương, và tăng cường sự đồng thuận với những quyết sách, hoạt động của cơ quan nhà nước.
Trách nhiệm giải trình cũng không chỉ là việc trả lời, giải thích, mà còn bao gồm cả việc nhận trách nhiệm và phương án xử lý, giải quyết các vấn đề hay những sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đối với hoạt động quản trị nhà nước, thực hiện trách nhiệm giải trình là làm rõ chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền cũng như quy trình quá trình và kết quả công việc được giao. Bên cạnh đó là việc tự chịu trách nhiệm khi nảy sinh vấn đề và khả năng giải quyết các vấn đề đó của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ mà các cơ quan công quyền phải thực hiện trước sự uỷ thác cũng như yêu cầu của Nhân dân.
Thực hiện trách nhiệm giải trình cũng là cách tăng cường sự minh bạch và khả năng giám sát quyền lực của người dân và hệ thống báo chí, truyền thông.
Việc thúc đầy giải trình cũng là mục đích lớn trong Công ước Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC), trong đó tại Khoản c, Điều 10: Báo cáo công khai có gợi ý giải pháp “Công bố thông tin, trong đó có thể bao gồm báo cáo định kỳ, về nguy cơ tham nhũng trong các cơ quan hành chính nước mình”. Cũng theo UNDP, nguyên nhân cơ bản của tình trạng tham nhũng thể hiện công thức sau:
C = (M + D) – (A+I+T)
Trong đó, C = Corruption = tham nhũng
M = Monopoly = sự chuyên quyền, độc đoán
D= Discretion= Sự tuỳ tiện, thiếu kiểm soát
A= Accountability = trách nhiệm giải trình
I= Integrity= Sự liêm chính
T= Transparenty= Tính minh bạch1.
Thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình là 2 trong số các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng
Nâng cao phẩm chất đạo đức, kỹ năng thực hiện sự minh bạch, trách nhiệm giải trình cho công chức chính quyền các cấp. Để chuyển hoá từ nhận thức thành những hành động và có kết quả cụ thể, cần giáo dục và nâng cao phẩm chất đạo đức, các kỹ năng, nghiệp vụ thiết yếu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Theo đó, việc thực hiện sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, đòi hỏi công chức làm việc trong hệ thống chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội, nhất là công chức lãnh đạo, quản lý phải thấm nhuần đạo đức công vụ. Trong đó hiểu rõ về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội và những giá trị đạo đức cốt lõi. Tăng cường ý thức tự giác, tính trách nhiệm và sự liêm chính trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức chính quyền các cấp. Một khi các chuẩn mực đạo đức công vụ trở thành ý thức, nó sẽ tác động đến hành vi trong thực thi công vụ. Các hoạt động do đó sẽ chứa đựng những giá trị chung, thể hiện sứ mệnh của tổ chức và cá nhân trên cương vị và trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ công chức còn giúp cho việc thể hiện, trình bày, truyền tải các thông tin khi cần phải minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình một cách rõ ràng, thuyết phục đối với các chủ thể tiếp nhận. Những kỹ năng thiết yếu, như kỹ năng viết báo cáo giải trình, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng thuyết trình, thuyết phục, kỹ năng tiếp công dân, kỹ năng phản biện và nêu vấn đề, kỹ năng xử lý, giải quyết xung đột, kỹ năng phân tích, dự báo… Các kỹ năng cần phải được trang bị, hoàn thiện và nâng cao để đội ngũ công chức có thể thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản trong quản trị địa phương, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến đổi lớn trong cả hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, đổi mới cơ chế thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Thực tế hiện nay, việc giải trình có xu hướng coi trọng và tuân thủ những quy định và sự kiểm soát từ trên xuống theo nguyên tắc thứ bậc. Do đó các báo cáo giải trình có khuynh hướng thụ động, thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị chức năng. Xây dựng cơ chế mở cho việc thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình. Trong đó tăng cường sự minh bạch về dữ liệu vốn được coi là bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để thực hiện minh bạch về dữ liệu cần qua các cấp độ khác nhau, gồm:
Cấp độ 1: Các điều kiện cần và đủ cho việc cung cấp, phổ biến thông tin: bao gồm hệ thống cơ sở vật chất như hạ tầng công nghệ, các phương tiện và công cụ truyền tải thông tin; thẩm quyền và các điều kiện pháp lý cho việc cung cấp thông tin.
Cấp độ 2: Thể hiện ở tính kịp thời trong việc công khai các thông tin văn bản, quy định, quy chế, những thay đổi và cập nhật về hệ thống thể chế cũng như hoạt động của chính quyền các cấp. Các thông tin phải bảo đảm sự chính xác, có chất lượng và hiệu quả.
Cấp độ 3: Thể hiện ở sự tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị, đánh giá cũng như sự tham gia góp ý từ người dân liên quan đến các thông tin, dữ liệu mà chính quyền cung cấp, cũng như hoạt động quản trị địa phương của chính quyền các cấp trên địa bàn. Tiêu chí đánh giá ở cấp độ này còn là sự tương tác và tần xuất tương tác của cơ quan nhà nước với người dân, khả năng giải quyết các vấn đề người dân đặt ra.
Cấp độ 4: Cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối mở: Theo đó, việc các chính quyền các cấp thực hiện phối hợp, liên kết với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước cần phải được minh bạch với mục tiêu gia tăng các giá trị chung và hài hoà trong quyền lợi các bên tham gia.
Cấp độ 5: Cam kết về sự minh bạch ở cả chiều rộng và chiều sâu. Bảo đảm duy trì sự minh bạch một cách thuyết phục thông qua việc thể chế hoá nguyên tắc minh bạch trước các cơ quan, tổ chức và người dân. Trong đó cần làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền từng cấp cũng như cơ chế giám sát, đánh giá của cơ quan, tổ chức và người dân đối với việc thực hiện nguyên tắc này.
Với cơ chế mở, các cơ quan trong mối quan hệ dọc không chỉ theo dõi, giám sát mà còn là căn cứ để đánh giá về năng lực thực thi công vụ và việc giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Thứ tư, đổi mới phương thức minh bạch, giải trình.
Với cơ chế minh bạch và giải trình thụ động, việc thực hiện chủ yếu thông qua hình thức giải trình trực tiếp hoặc giải trình bằng văn bản. Trong đó, giải trình trực tiếp thường thực hiện khi trả lời trước các yêu cầu chất vấn trong các chương trình nghị sự liên quan đến việc thực thi công vụ của các cấp chính quyền địa phương. Giải trình bằng văn bản thường thực hiện khi có phản ánh, kiến nghị, khiếu nại… Những hình thức này cho thấy mức độ thụ động của chính quyền các cấp. Các thông tin chỉ được chia sẻ trong phạm vi hẹp. Việc minh bạch các hoạt động của chính quyền để có góc nhìn đa chiều và dễ có sự tiếp thu, điều chỉnh nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội sẽ phần nào bị hạn chế.
Chính vì vậy đa dạng hoá các hình thức minh bạch, giải trình một mặt hình thành thông lệ về thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan công quyền, đồng thời giúp người dân và các bên liên quan nắm bắt được các thông tin cần thiết để tự giải đáp các khúc mắc, giảm thiểu tình trạng khiếu nại, kiến nghị.
Việc đổi mới hình thức minh bạch giải trình trước hết phải chú ý đến sự thuận lợi, tiện ích, dễ thực hiện cho cả cơ quan nhà nước và đối tượng tiếp nhận các nội dung, thông tin giải trình. Trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số, cần chú trọng hình thức minh bạch, trách nhiệm giải trình bằng các hình thức trực tuyến, sử dụng AI. Việc sử dụng hình thức này còn là cách tăng trách nhiệm, tăng sự chủ động và bảo đảm sự minh bạch cũng như độ chính xác, tính cập nhật của thông tin. Với AI, chính quyền có thể chủ động chuẩn bị các nội dung, thông tin để sẵn sàng hồi đáp, trả lời, giải thích và làm rõ cho người dân những vấn đề họ quan tâm và cần có sự giải trình của chính quyền.
Bên cạnh đó, có thể thực hiện sự minh bạch và trách nhiệm giải trình chủ động thông qua hình thức tổ chức các diễn đàn để tiếp nhận và giải đáp các vấn đề mà người dân quan tâm liên quan đến chức trách, nhiệm vụ và việc tổ chức thực hiện chính sách.
Thứ năm, đổi mới các biện pháp thực hiện minh bạch, giải trình.
Đối với cơ chế thực hiện minh bạch, giải trình chủ động, có thể công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; tổ chức họp báo.
Sự chủ động này không chỉ thực hiện trước các cơ quan có chức năng giám sát, quản lý hay trước yêu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, mà còn phải thực hiện trong chính nội bộ của cơ quan, giữa nhà quản lý và công chức trong bộ máy chính quyền. Theo đó, biện pháp thực hiện trách nhiệm giải trình từ trên xuống còn phải hiểu là được thực hiện từ người đứng đầu và các cấp lãnh đạo, quản lý chủ động giải trình trước các công chức cấp dưới trong phạm vi thẩm quyền cũng như các quyết sách trên cương vị của mình. Và, biện pháp giải tình từ dưới lên là việc các công chức chủ động giải trình với lãnh đạo cấp trên về việc thực thi nhiệm vụ theo vị trí việc làm và những phần việc được phân công.
Thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình còn có thể thông qua cơ chế đối thoại với người dân. Trên cơ sở lắng nghe dư luận, nắm bắt thông tin và phân tích dự báo về những hiệu ứng ngoại ứng liên quan đến các chủ trương, chính sách, pháp luật áp dụng triển khai trên địa bàn, chính quyền các cấp sẽ rà soát, chọn lọc các nội dung, vấn đề và chuẩn bị đầy đủ thông tin cung cấp cho người dân, cộng đồng, tổ chức tại các buổi đối thoại. Đây là cơ chế vừa thể hiện sự tương tác giữa chính quyền với người dân, cũng là cách thể hiện sự chủ động, sự tôn trọng của chính quyền trước những vấn đề người dân băn khoăn, đồng thời tạo cơ hội cho người dân bày tỏ những khúc mắc, phản ánh, kiến nghị của mình.
Thứ sáu, xây dựng bộ công cụ đánh giá.
Để việc minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong quản trị địa phương, cần có bộ công cụ đánh giá đối với hoạt động này gắn với từng cấp chính quyền của thành phố Hà Nội. Bên cạnh việc tham khảo các bộ công cụ như PAPI, PARI, thành phố cần xây dựng bộ công cụ với các tiêu chí thành phần chi tiết, cụ thể. Bảo đảm bộ công cụ không chỉ được đo lường bởi các cơ quan chức năng, mà còn được chính người dân, tổ chức, doanh nghiệp ghi nhận và đóng góp ý kiến trong việc đánh giá. Trong bộ công cụ, chú ý xây dựng các tiêu chí về những lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng và tác động tổng thể và nhận được sự quan tâm của dư luận, như: lĩnh vực đất đai, quy hoạch, thủ tục hành chính công…
3. Kết luận
Tại thành phố Hà Nội, nội dung giải trình của chính quyền các cấp là những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền được pháp luật quy định. Trọng tâm nội dung giải trình của chính quyền địa phương là việc tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương theo Luật định.
Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn các đơn vị hành chính, chuyển từ chính quyền 3 cấp ở địa phương sang chính quyền 2 cấp, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ngày càng được mở rộng, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản ngày càng cao, do đó, chính quyền địa phương và cá nhân có thẩm quyền phải thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình là yêu cầu cấp thiết luôn được đặt ra. Sự thay đổi về nội dung giải trình của chính quyền địa phương, cùng với xu hướng dân chủ hóa trong xã hội ngày càng cao… đòi hỏi cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương cần có cách tiếp cận mới, theo đó, tăng cường trách nhiệm giải trình đối với các chủ thể bên ngoài, đặc biệt là đối với người dân cần được xác lập một cách khoa học hơn.
Từ thực trạng hoạt động của các cấp chính quyền về thực hiện nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình của thành phố Hà Nội, nghiên cứu đề xuất những giải pháp về hoàn thiện thể chế, đổi mới hình thức, đổi mới cơ chế liên quan đến giải trình và nhất là giải pháp về việc nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức trong bộ máy chính quyền là những giải pháp quan trọng, hữu hiệu nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả quản trị địa phương ở thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu lớn thành phố Hà Nội đã đề ra trong giai đoạn tới.
Chú thích:
1. Vũ Công Giao (2022). Vận dụng các nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt trong đổi mới quản lý ở Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 45.
Tài liệu tham khảo:
1. Almqvist, R., Grossi, G., & Helden, G. Van. (2012). Public sector governance and accountability. https://doi.org/:10.1016/j.cpa.2012.11.005.
2. Hà Ngọc Anh (2021). Trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương theo pháp luật Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. CO-TRAIN, & UNDP Phillipines (1997). Governance for Sustainable Human Development. https://digitallibrary.un.org/record/3831662?ln=en.
4. Erkkilä, T. (2007). Governance and Accountability – A shift in conceptualisation. Public Administration Quarterly. https://www.jstor.org/stable/41288281.
5. Khotami, M. (2017). The Concept Of Accountability In Good Governance. Conference on Democracy, Accountability and Governance (ICODAG 2017), 163(Icodag). https://doi.org/10.2991/icodag-17.2017.6
6. Mulgan, R. (2000). Accountability: an ever-expanding concept? Public Administration, 78(3), 555–573. https://doi.org/https://doi.org/10.1111/1467-9299.00218.
7. OECD. (1995). Governance in transition: public management reforms in OECD countries. Paris, France : Organisation for Economic Co-operation and Development.
8. OECD. (1997). Final Report of the DAC Ad Hoc Working Group on Participatory Development and Good Governance.
9. Robinson, M. (1999). Governance and coherence in development co-operation.
10. Romzek, B. S., & Dubnick, M. J. (1987). Accountability in the Public Sector: Lessons from the Challenger Tragedy. Public Administration Review, 47 (3), https://www.semanticscholar.org/paper/Accountability-in-the-Public-Sector%3A-Lessons-from-Romzek-ubnick/c9ee74585d153bf7bf9b4596b97b684566b980a5.
11. Smith, B. C. (2007). Good governance and development. PALGRAVE MACMILLAN. https://doi.org/10.1007/978-1-137-06218-5.
12. United Nations. (2009). What is Good Governance? https://doi.org/10.18356/d4072237-en-fr.
13. Vấn đề quản trị quốc gia tốt và việc ghi nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. http://www.issi.gov.vn/van-de-quan-tri-quoc-gia-tot-va-viec-ghi-nhan-trong-van-kien-dai-hoi-dang-lan-thu-xiii_t164c2797n3229tn.aspx?currentpage=1.
14. Weiss, T. G. (2000). Governance, Good Governance, and Global Governance: Conceptual and actual challenges. Thinking about Global Governance: Why People and Ideas Matter, 21 (5). https://doi.org/10.4324/9780203807057-19.
15. Dong Shen (2012). Thoát khỏi sự hiểu lầm kép về lý thuyết và thực tiễn về trách nhiệm giải trình của chính phủ Trung Quốc. Tạp chí Học tập và nghiên cứu, No4 (201).
16. Chen Jianping, Wang Yiqin, He Xiuling (2013). Trách nhiệm hành chính: Bản chất nội hàm, các nhân tố ảnh hưởng và xây dựng hệ thống đánh giá. Tạp chí Đại học Nông lâm Phúc Kiến (Phiên bản Triết học và Khoa học Xã hội).
17. Li Junpen (2009). Trách nhiệm Chính phủ và hệ thống trách nhiệm Chính phủ. Bắc Kinh. NXB Nhân dân.
18. Nghiên cứu pháp lý của Cao Kui về trách nhiệm giải trình của công chức hành chính. Beijing: China Legal Publishing House, 2011.
19. ZhangXin. Suy nghĩ về hệ thống trách nhiệm giải trình của Chính phủ dịch vụ. www.cnki.cn.net.
20. WangYongSheng. Thăm dò việc xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình của Chính Phủ. Tạp chí Diễn đàn học thuật, 2008 No1 (204).
21. SunDeZhao. Cấu trúc và chức năng của hệ thống trách nhiệm giải trình của chính phủ Hoa Kỳ và kinh nghiệm của nó. Tạp chí Nghiên cứu lý luận, 2013. No4.