ThS. Nguyễn Thị Hồng Nhung
Ủy ban Kiểm tra Trung ương
(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, công tác bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm tra của Đảng được quan tâm chỉ đạo toàn diện, đặc biệt từ sau khi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trong việc chuẩn hóa, nâng cao năng lực và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng. Bài viết khái quát những kết quả nổi bật, đồng thời, phân tích những định hướng lớn để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm tra trong giai đoạn mới, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Từ khóa: Bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm tra, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, ngành Kiểm tra của Đảng.
1. Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác kiểm tra được ban hành, như Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; cùng với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và bền vững của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Một trong những trụ cột bảo đảm công tác xây dựng Đảng hiệu quả là công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Kiểm tra, giám sát không chỉ giúp phát hiện, xử lý sai phạm mà còn có giá trị cảnh báo, phòng ngừa và nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Trong đó, đội ngũ cán bộ kiểm tra chính là “người cầm cán cân công lý” trong nội bộ Đảng, đòi hỏi phải có bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức và năng lực làm việc.
Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp nằm trong nội hàm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ yêu cầu phải “…đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực tiễn, tư duy chiến lược, khả năng hành động cho đội ngũ cán bộ các cấp”. Nghị quyết Đại hội Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là khâu then chốt của then chốt”. Từ những định hướng lớn đó, công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra của Đảng thời gian qua đã được nâng lên một bước cả về nhận thức, nội dung, phương pháp và tổ chức triển khai, trở thành một trong những trụ cột trong chiến lược nâng cao năng lực hệ thống chính trị.
2. Những kết quả nổi bật trong công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra thời gian qua
Thứ nhất, đã tổ chức đồng bộ hệ thống văn bản chỉ đạo, kế hoạch về công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra của Đảng.
Trên cơ sở các chủ trương lớn của Đảng, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện quyết liệt và đảm bảo hiệu quả. Một trong những văn bản quan trọng nhất là Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 để triển khai Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát đến năm 2030. Kế hoạch này đặt ra yêu cầu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tuyệt đối trung thành, đoàn kết, liêm khiết, kỷ luật, tận tụy, trung thực, chuyên sâu, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thực tiễn”. Việc cụ thể hóa Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát đến năm 2030 bằng văn bản chỉ đạo có tính chiến lược (Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022) đã tạo sự thống nhất của toàn ngành Kiểm tra từ trên xuống dưới trong nhận thức và hành động. Từ cấp trung ương đến địa phương, các đơn vị đều có kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng định kỳ, coi đây là yêu cầu bắt buộc trong quy trình công tác cán bộ kiểm tra.
Thứ hai, đổi mới nội dung bồi dưỡng, gắn lý luận với thực tiễn.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chú trọng xây dựng nội dung, tài liệu bồi dưỡng gắn liền với thực tiễn, cung cấp cho học viên kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc cụ thể, đặc biệt là kỹ năng thẩm tra, xác minh vụ việc. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho công chức ngành kiểm tra Đảng gồm các phần kiến thức học tập trung tại lớp học, thực tế, viết bài thu hoạch, thảo luận, giải đáp các câu hỏi của học viên sau khi kết thúc các chuyên đề. Hệ thống các bài giảng có nội dung cụ thể, có danh mục tài liệu tham khảo, có ví dụ minh họa, có câu hỏi hướng dẫn ôn tập, câu hỏi tình huống, thảo luận. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng được thực hiện một cách đồng bộ, theo lộ trình phân tầng từ ngạch kiểm tra viên đến kiểm tra viên cao cấp. Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ trì mở 9 lớp kiểm tra viên, 6 lớp kiểm tra viên chính, 2 lớp kiểm tra viên cao cấp.
Tổng cộng, đã có hơn 3.000 cán bộ trong toàn ngành Kiểm tra được đào tạo, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, quy định mới về công tác kiểm tra, giám sát. Nội dung bồi dưỡng không chỉ dừng ở quan điểm, chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và lý luận về công tác kiểm tra, pháp luật của Nhà nước mà còn tập trung bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng công tác kiểm tra, như: xác minh vụ việc, làm việc với đối tượng kiểm tra, lập báo cáo kiểm tra, xử lý mâu thuẫn tổ chức và đặc biệt là năng lực ra quyết định đúng – trúng – hiệu quả trong những tình huống phức tạp. Hệ thống tài liệu giảng dạy được xây dựng công phu, có danh mục tài liệu tham khảo, các bài tập tình huống, câu hỏi thảo luận và đánh giá. Học viên không chỉ học trên lớp mà còn được đi thực tế tại các đơn vị điển hình để học hỏi cách làm hay trong xử lý sai phạm, phối hợp liên ngành.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng và thực hành nghiệp vụ công tác kiểm tra.
Sự chuyển mình mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin là điểm nổi bật trong công tác bồi dưỡng thời gian gần đây. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã triển khai nhiều phần mềm hỗ trợ: Quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo; Quản lý hồ sơ vụ việc kiểm tra, thi hành kỷ luật; Phần mềm theo dõi, tổng hợp số liệu, lập báo cáo thống kê… Các phần mềm này đã tạo lập tiền đề, cơ sở quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng theo tinh thần Thông báo số 156-TB/TW và Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị.
Để nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng phần mềm phục vụ công tác chuyên môn, công tác kiểm tra, giám sát cho cán bộ kiểm tra của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã mở 5 lớp tập huấn sử dụng hệ thống phần mềm trong nội bộ cơ quan và trực tuyến đến cấp tỉnh; trực tiếp đi tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho cán bộ kiểm tra ở nhiều địa phương trong cả nước, như: Hà Nội, Bình Định, Kon Tum, Hưng Yên, Thái Bình, Sơn La… Từ đó tạo điều kiện cho cán bộ kiểm tra nắm bắt nhanh các công cụ hiện đại, rút ngắn thời gian xử lý vụ việc, nâng cao hiệu quả quản lý, phân tích dữ liệu, báo cáo thông minh.
Thứ tư, phát triển đội ngũ giảng viên chuyên sâu, tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra của Đảng.
Giảng viên giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra là lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các vụ, viện chuyên môn, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cán bộ tham gia giảng dạy đều là cán bộ có bề dày kinh nghiệm công tác, là những người có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho cán bộ kiểm tra toàn Ngành. Phần lớn giảng viên được bố trí, sử dụng ở các chuyên đề đều theo đúng sở trường công tác, chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo; từ đó, phát huy trí tuệ, năng lực, sở trường của giảng viên. Các lớp bồi dưỡng ngạch kiểm tra viên cao cấp có sự tham gia của lãnh đạo cấp thứ trưởng, vụ trưởng hoặc viện trưởng các ngành tài chính, thanh tra, tư pháp… Việc mời các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn giúp học viên học được cách giải quyết tình huống, không chỉ học lý thuyết thuần túy. Đồng thời, công tác phối hợp với các cơ quan, như: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao… cũng được mở rộng, tổ chức các lớp học liên ngành, diễn đàn trao đổi chuyên đề để cập nhật, thống nhất nhận thức và quy trình phối hợp.
Thứ năm, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác bồi dưỡng một cách thực chất.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương không chỉ tổ chức lớp học, lớp bồi dưỡng mà còn chú trọng công tác đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng. Các hội nghị sơ kết, tổng kết được tổ chức định kỳ, kết hợp lấy ý kiến từ các địa phương, học viên và cấp ủy về hiệu quả, khó khăn, đề xuất cải tiến nội dung, phương pháp đào tạo. Trong sơ kết, tổng kết, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp tỉnh đã phối hợp cùng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá kết quả đạt được và chưa đạt được ở các nội dung, như: việc triển khai kế hoạch; việc tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng; những thuận lợi, khó khăn đặt ra trong giảng dạy, học tập, quản lý; các chế độ, chính sách để thực hiện hoạt động bồi dưỡng. Qua đó, công tác bồi dưỡng ngày càng đi vào thực chất, tránh hình thức, tăng cường hiệu quả lan tỏa từ Trung ương đến cơ sở.
3. Những định hướng lớn về công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra trong thời gian tới
Thứ nhất, phát triển đội ngũ cán bộ kiểm tra “ngang tầm nhiệm vụ”.
Theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Định hướng đến năm 2030 và xa hơn, đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng không chỉ cần có chuyên môn, mà còn cần năng lực lãnh đạo, tư duy chiến lược và khả năng điều hành kiểm tra những vụ việc phức tạp, có tính chính trị cao. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, ngành Kiểm tra cần phải chủ động phát hiện, quy hoạch, đào tạo bài bản, sàng lọc và đánh giá thực chất cán bộ. Cần thiết lập lộ trình bồi dưỡng cá nhân hóa, gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, sử dụng cán bộ.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới chương trình theo hướng chuyên sâu, chuyên đề hóa, thực hành nhiều hơn.
Thay vì đào tạo toàn diện dàn trải, các lớp học, lớp bồi dưỡng nên thiết kế theo các chuyên đề chuyên sâu, như: lớp chuyên đề về xác minh khiếu nại, tố cáo; lớp chuyên đề về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên; lớp chuyên đề về phát hiện, xử lý sai phạm trong công tác tài chính; lớp chuyên đề về kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên trong khối quốc phòng – an ninh… Có thể phân nhóm học viên theo ngành, lĩnh vực, khu vực, kinh nghiệm công tác, trong đó các chuyên đề có thời lượng dài hơn với thời gian thực hành chiếm tỷ trọng cao hơn, giúp học viên thực hành được ngay sau khi hoàn thành khóa học.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh số hóa và học liệu mở trong công tác bồi dưỡng.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình hiện đại hóa công tác kiểm tra của Đảng là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra các cấp.Việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại không chỉ dừng ở thao tác kỹ thuật mà còn nâng cao tư duy số, kỹ năng khai thác dữ liệu, kỹ năng phân tích thông tin để hỗ trợ cho việc kiểm tra, giám sát và ra quyết định đúng đắn. Chuyển đổi số còn mở ra khả năng tổ chức các lớp bồi dưỡng trực tuyến, sử dụng nền tảng học liệu điện tử, tài liệu dạng video, bài giảng số hóa, thư viện nghiệp vụ trực tuyến. Một trong những định hướng quan trọng hiện nay là tiến tới xây dựng hệ sinh thái học liệu mở về tài liệu phục vụ công tác kiểm tra của Đảng. Hệ sinh thái này bao gồm thư viện số chuyên ngành, ngân hàng câu hỏi và bài giảng trắc nghiệm, các video tình huống mô phỏng quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết đơn thư khiếu nại; đi kèm là phần mềm học tập tích hợp chức năng tương tác và chấm điểm tự động. Tiến tới xây dựng thư viện số về kiểm tra của Đảng, đồng thời, tổ chức thi, đánh giá trực tuyến, tạo không gian học tập mở và chủ động hơn cho học viên. Việc kết hợp giữa học truyền thống và học số sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức và tiết kiệm chi phí ngân sách.
4. Kết luận
Có thể khẳng định rằng, công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra của Đảng trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nổi bật, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, bản lĩnh, chuyên nghiệp, tận tụy, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và yêu cầu về cải cách bộ máy cơ quan kiểm tra các cấp, công tác bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm tra cần tiếp tục được xem là trụ cột, được đầu tư lâu dài, đổi mới liên tục, gắn chặt với thực tiễn, công nghệ và chiến lược công tác cán bộ của Đảng.
Ngành Kiểm tra của Đảng cần tiếp tục chủ động đổi mới tư duy, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng một cách linh hoạt và hiệu quả hơn nữa để góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự tiêu biểu về đạo đức, là văn minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đại diện chân chính cho lợi ích của Nhân dân và của cả dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Bộ Chính trị (2022). Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Ủy ban Kiểm tra Trung ương (2022). Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 thực hiện Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát đến năm 2030.
5. Ủy ban Kiểm tra Trung ương (2021 – 2023). Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và thống kê ngành Kiểm tra Đảng.
6. Đào Thị Hoa (2024). Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra đảng các cấp ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/13/boi-duong-doi-ngu-can-bo-kiem-tra-dang-cac-cap-o-vung-dong-bang-song-hong-hien-nay, ngày 13/6/2024.
7. Phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/824966/view_content, ngày 10/4/2024.
8. Vũ Văn Phúc (2022). Đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tạp chí Xây dựng Đảng, số tháng 12/2022.