NCS. Đỗ Khôi Nguyên
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Quanlynhanuoc.vn) – Năng lực lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng vai trò then chốt, giúp bảo đảm sự phát triển lớn mạnh và bền vững của khu vực kinh tế này. Bài viết phân tích thực trạng năng lực lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thành phố Hà Nội hiện nay; đồng thời, đề xuất một số giải pháp giúp nâng cao năng lực lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Từ khóa: Năng lực lãnh đạo; đảng bộ; chi bộ cơ sở; doanh nghiệp ngoài nhà nước; thành phố Hà Nội; nâng cao.
1. Đặt vấn đề
Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thành phố Hà Nội là hạt nhân chính trị, có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng mọi hoạt động của doanh nghiệp theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, cũng như ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị – xã hội trên địa bàn. Do đó, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp giúp nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thành phố Hà Nội trở nên quan trọng, cấp thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong giai đoạn mới.
2. Thực trạng năng lực lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội
Một là, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh; đồng thời nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Chẳng hạn: năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đạt 9,2 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 329 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt trên 5,9 tỷ USD, nhập khẩu năm 2023 ước đạt trên 4,8 tỷ USD1. Những kết quả này không chỉ khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chi bộ cơ sở mà còn cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong những năm tiếp theo.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Thành ủy, cấp ủy cấp trên về công tác xây dựng Đảng, tổ chức tốt các phong trào thi đua thông qua các đợt sinh hoạt chính trị của doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể. Qua đó, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về công tác xây dựng Đảng. Tại Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hằng tháng, Đảng ủy triển khai xây dựng nội dung tuyên truyền (đăng tải trên bảng thông tin điện tử) được lắp đặt tại các khu công nghiệp2 đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền đối với cán bộ, đảng viên và người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ba là, thành lập các tổ chức chính trị – xã hội. Các cấp ủy trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của thành phố đã đóng góp quan trọng vào kết quả thành lập các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp ngoài nhà nước của thành phố Hà Nội đã thành lập được 570/550 tổ chức đoàn thể với 52.997/35.000 đoàn viên, hội viên3 (vượt chỉ tiêu cả năm 2024). Trong đó, thành lập được 418/350 tổ chức công đoàn (đạt 119,4%) với 48.360/30.000 công đoàn viên (đạt 161,2%)4, thành lập được 152/200 tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên (đạt 76%) với 4.637/5.000 đoàn viên, hội viên (đạt 92,7%)5. Những kết quả này đã góp phần xây dựng, củng cố và phát triển các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội và chăm lo tốt hơn cho đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp.
Bốn là, thực hiện tốt công tác cán bộ. Các đảng bộ, chi bộ đều triển khai thực hiện tốt quy định về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; mô hình “chi bộ bốn tốt”, tự đánh giá xếp loại chi bộ bốn tốt vào dịp đánh giá cuối năm theo khung tiêu chí cấp ủy cấp trên đề ra. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở đã tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy và cấp ủy cấp trên về công tác quy hoạch cán bộ bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thực hiện nghiêm túc công văn và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên về quy trình rà soát bổ sung quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025; nhiệm kỳ 2025 – 2030; bổ sung quy hoạch cấp ủy; quy hoạch ủy viên Uỷ ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhiệm kỳ 2025 – 20306. Việc thực hiện tốt công tác cán bộ cho thấy sự chủ động, trách nhiệm của các cấp ủy trong việc chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo, quản lý kế cận. Đây là một nhiệm vụ mang tính chiến lược, bảo đảm có đủ nguồn nhân lực chất lượng để gánh vác những trọng trách trong tương lai của các doanh nghiệp.
Từ những kết quả đã đạt được cho thấy, sự lãnh đạo đúng đắn, hiệu quả của Đảng bộ và các chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thành phố Hà Nội, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế, như: một số cấp ủy, tổ chức đảng vẫn chưa thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất – kinh doanh đúng pháp luật giúp người lao động có việc làm và thu nhập7; hoạt động nắm bắt tư tưởng thông qua đối thoại, tiếp thu ý kiến góp ý của tổ chức, đảng viên và người lao động của một số cấp ủy chưa thường xuyên nên trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa phù hợp với thực tiễn, chưa có trọng tâm, trọng điểm8.
3. Một số giải pháp
Một là, đảng bộ và chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 67-KL/TU ngày 10/7/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU giai đoạn 2020 – 2025. Thực hiện tốt nghị quyết này sẽ giúp doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền địa phương gắn kết chặt chẽ; đồng thời, chính quyền địa phương sẽ cùng chung sức, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân có tổ chức Đảng cũng sẽ có ý thức cao hơn trong thực hiện các hoạt động sản xuất – kinh doanh, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, các doanh nghiệp ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động, từ đó giữ vững ổn định chính trị, trật tự – an toàn xã hội trên địa bàn và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Hai là, đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thành phố Hà Nội cần căn cứ vào đặc điểm tình hình sản xuất – kinh doanh, cơ cấu tổ chức, lĩnh vực hoạt động, văn hóa doanh nghiệp và đặc điểm đội ngũ người lao động để xây dựng các mục tiêu và chiến lược phù hợp, khả thi cho doanh nghiệp, tránh việc đặt ra những mục tiêu quá cao hoặc quá thấp so với năng lực thực tế của doanh nghiệp. Việc có những mục tiêu và chiến lược phù hợp với thực tiễn sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với những thay đổi của thị trường và xây dựng nền tảng cho sự phát triển lâu dài. Từ đó, giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất; đồng thời, nâng cao năng suất lao động.
Ba là, đảng bộ và chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thành phố Hà Nội cầntăng cường giám sát doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ chính sách đối với người lao động. Đồng thời, thông qua các tổ chức đoàn thể, vận động người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật lao động, tích cực học tập nâng cao tay nghề, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Bốn là, xây dựng mối quan hệ hài hòa, tôn trọng và hỗ trợ nhau giữa Đảng bộ, chi bộ cơ sở với ban giám đốc doanh nghiệp. Phát huy vai trò của các cổ đông, nhà đầu tư trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp; đồng thời, tạo môi trường đối thoại cởi mở, lắng nghe ý kiến của các bên liên quan.
Năm là, đảng bộ, chi bộ cơ sở trong trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cần phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng tham gia xây dựng Đảng, nhất là Công đoàn và Đoàn Thanh niên tại cơ sở; trong đó, quan tâm đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trẻ. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Đảng viên phải thực sự là hạt nhân chính trị, đi đầu trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, tạo sức lan tỏa và tin tưởng trong quần chúng.
Sáu là, đảng bộ, chi bộ cơ sở trong trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thành phố Hà Nội cần kiến nghị với Thành ủy Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước cho đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng các cấp chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng ở doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Chú thích:
1, 2, 7, 8. Đảng ủy Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (2024). Báo cáo số 235-BC/ĐU ngày 08/01/2024 về kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
3, 4, 5, 6. Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành phố Hà Nội (2024). Báo cáo số 28-BC/BCĐTP ngày 04/10/2024 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quý III, phương hướng quý IV năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021). Quy định số 47-QĐ/TW ngày 20/12/2021 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021). Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
3. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (2012). Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/02/2012 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020.
4. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (2020). Kết luận số 67-KL/TU ngày 10/7/2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU giai đoạn 2020 – 2025.
5. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (2023). Quyết định số 5491-QĐ/TU ngày 24/8/2023 về việc ban hành “Khung quy chế mẫu phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức đảng với Ban lãnh đạo doanh nghiệp trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
6. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/09/10/ cong-tac-xay-dung-to-chuc-co-so-dang-trong-doanh-nghiep-ngoai-khu-vuc-nha-nuoc-hien-nay, ngày 10/9/2024.