Phát huy vai trò của Quân đội trong tham gia xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay

Thiếu tá, ThS. Lê Viết Cường
Học
 viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quân đội nhân dân Việt Nam với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đã và đang tích cực tham gia vào quá trình này, thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn văn hóa truyền thống, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn di sản và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Trước những thách thức của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Quân đội với chính quyền địa phương và cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ khóa: Quân đội nhân dân Việt Nam; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hội nhập quốc tế; xây dựng đời sống văn hóa.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”1. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và hiện đại hóa đang đặt ra không ít thách thức đối với đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư đúng mức từ các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và đặc biệt là vai trò xung kích của lực lượng quân đội.

Quân đội nhân dân Việt Nam luôn phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.

2. Vai trò của quân đội trong tham gia xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét trong tham gia xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những kết quả đạt được không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào mà còn củng cố vững chắc ‘thế trận lòng dân” nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa. Kết quả cụ thể như sau:

Một là, các đơn vị quân đội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Xác định đây là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, các đơn vị quân đội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phối hợp tổ chức 677.805 buổi diễn đàn, nói chuyện chuyên đề”2. Bằng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền vận động thiết thực, phù hợp như tổ chức các buổi nói chuyện, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật…, của các đơn vị quân đội, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tiếp cận và hiểu rõ hơn quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa. Niềm tin của Nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và quân đội được củng cố và tăng cường. Đồng bào đã tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương, phát huy tinh thần yêu nước, tích cực trong lao động sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đi đôi với xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu. Khối đại đoàn kết các dân tộc ở địa phương được củng cố ngày càng trở nên vững chắc.

Hai là, trong tham gia phát triển kinh tế – xã hội: các đơn vị quân đội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ mà trọng tâm là giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, như: tu sửa, làm mới đường giao thông liên thôn, bản; sửa chữa làm mới cầu dân sinh, nhà ở cho hộ nghèo; nạo vét kênh mương, làm đường điện; khai hoang làm ruộng nước, làm vườn; vận động và giúp nhân dân định canh, định cư, ổn định đời sống; di dãn dân biên giới thành lập các điểm dân cư…

Đặc biệt, các đoàn kinh tế – quốc phòng đã cùng với các địa phương tuyến biên giới tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, di – dãn dân từ các vùng đông dân, kinh tế khó khăn đến sinh cơ lập nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, hình thành hệ thống các điểm dân cư tập trung (xã, làng, bản) dọc tuyến biên giới. “Các đơn vị quân đội đã tham gia 7.239.650 ngày công cùng Nhân dân phát triển kinh tế; hỗ trợ 77.668.000.000 đồng theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về  chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 – 2020”3.

Thông qua các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, quân đội đã giúp cải thiện đời sống vật chất, tạo nền tảng trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách về văn hóa giữa các vùng, miền, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.

Ba là, các đơn vị quân đội đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát triển di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Thông qua nhiều chương trình, đề án cụ thể, quân đội đã tham gia sâu rộng vào công tác gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của các dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa trước những tác động của đời sống hiện đại. Đặc biệt, các đơn vị quân đội đã tích cực trog tham gia bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa đặc sắc như “di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, múa Xòe dân tộc Thái, hát then dân tộc Tày, lễ hội nhảy lửa cầu may dân tộc Pà Thẻn…; giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của một số dân tộc thiểu số, như: Cuối, Họ, Keo, Mọn, Poọng, Đan Lai, Nguồn, Rực, Sách, Mầy, Mã Liềng, Khùa…

Bộ đội Biên phòng tích cực tham gia các đề án phát triển, bảo tồn các dân tộc thiểu số dưới 1.000 người, như: “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ” ở Lai Châu, “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai” ở Nghệ An, “Bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Chứt” ở Quảng Bình, Hà Tĩnh4. Những hoạt động này không chỉ góp phần bảo vệ di sản văn hóa mà còn tạo động lực để đồng bào tự hào, ý thức sâu sắc hơn về truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, đời sống văn hóa tinh thần của bà con ngày càng phong phú, gắn kết cộng đồng bền chặt hơn, đồng thời, xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, các đơn vị quân đội đã tích cực tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng cơ sở chính trị vùng dân tộc thiểu số vững mạnh, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Đánh giá đúng vị trí, vai trò và nhận thức được những hạn chế, bất cập của hệ thống chính trị cơ sở với việc xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, các đơn vị quân đội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong tham gia xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số “Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị toàn quân phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”5.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát huy vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tham gia xây dựng đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót nhất định, cụ thể: 

(1) Công tác tuyên truyền các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số của một số đơn vị có thời điểm chưa sát đối tượng, hình thức chưa phong phú. Mặc dù quân đội đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, vận động về xây dựng đời sống văn hóa, song tại một số đơn vị, công tác này vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, do đặc thù địa bàn rộng, dân cư sinh sống phân tán, một số đơn vị chưa có cách tiếp cận linh hoạt để tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng nhóm đối tượng cụ thể, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Điều này khiến cho việc phổ biến các chính sách về bảo tồn và phát huy văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh chưa đạt được kết quả như mong muốn.

(2) Một số đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tiến hành một số nội dung xây dựng đời sống văn hóa có lúc, có nơi chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Việc triển khai một số chương trình xây dựng nhà văn hóa, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ, bảo tồn di sản còn mang tính cục bộ, chưa có sự thống nhất về phương pháp thực hiện, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Ở một số địa phương, công tác huy động nguồn lực để đầu tư cho các thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, khiến cho đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn.

(3) Trình độ năng lực, phương pháp, tác phong công tác của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong tham gia xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có mặt còn hạn chế. Bên cạnh đó, phương pháp làm việc của một số cán bộ chưa thật sự linh hoạt, chưa phát huy tối đa vai trò nêu gương và chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ với đồng bào. Điều này làm giảm hiệu quả trong việc vận động người dân thay đổi những thói quen, tập quán lạc hậu, áp dụng các mô hình văn hóa mới vào đời sống.

(4) Công tác phòng, chống âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với đồng bào dân tộc thiểu số có thời điểm chưa chặt chẽ, thường xuyên, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tại một số địa bàn, công tác phòng, chống, đấu tranh với các hoạt động này có thời điểm chưa được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Việc phát hiện, xử lý các luận điệu xuyên tạc, các hành vi lợi dụng văn hóa, tín ngưỡng để lôi kéo, chia rẽ cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn. Công tác phối hợp giữa các đơn vị quân đội với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đôi lúc chưa kịp thời, khiến cho một số vụ việc phức tạp về văn hóa – xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm được xử lý.

3. Một số giải pháp 

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng đời sống văn hóa.

Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng đời sống văn hóa, từ đó tạo sự đồng thuận và chủ động tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay, nội dung và phương pháp tuyên truyền tại một số địa bàn còn đơn điệu, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc, vùng miền. Để khắc phục hạn chế này, các đơn vị quân đội cần đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng trực quan, sinh động, dễ hiểu. Cần tập trung vào một số hình thức, biện pháp, như: tổ chức giao lưu văn hóa – văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền; kết hợp chiếu phim tư liệu, tổ chức diễn đàn, tọa đàm để đồng bào tham gia trao đổi, bày tỏ quan điểm; phối hợp xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc để nâng cao hiệu quả truyền tải thông tin. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để thực hiện tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, giúp đồng bào hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa. Khi công tác tuyên truyền thực sự đi vào chiều sâu, sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị quân đội với chính quyền và tổ chức đoàn thể địa phương trong xây dựng đời sống văn hóa.

Một trong những hạn chế hiện nay là sự phối hợp giữa quân đội với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, cần xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, có sự phân công rõ ràng giữa các bên nhằm bảo đảm tính thống nhất trong triển khai các chương trình. Cụ thể, các đơn vị quân đội cần tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng thiết chế văn hóa tại địa phương, như: hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, thư viện, điểm sinh hoạt văn hóa; tổ chức các lớp truyền dạy chữ viết, văn hóa dân tộc cho thanh thiếu niên. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao giữa bộ đội và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa quân và dân.

Ngoài ra, các đơn vị quân đội có thể phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hội chợ văn hóa nhằm giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn truyền thống trong cộng đồng. Khi có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa quân đội và địa phương, hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa sẽ được nâng cao, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ ba, nâng cao trình độ, kỹ năng công tác của cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ vẫn chưa có đủ hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, cần tập trung vào các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội làm công tác dân vận. Cụ thể, cần tổ chức các khóa tập huấn về văn hóa, phong tục của từng dân tộc để cán bộ, chiến sĩ nắm vững đặc điểm đặc trưng của địa phương, từ đó có phương pháp tiếp cận phù hợp. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân vận, có trình độ chuyên môn cao, đóng vai trò nòng cốt trong triển khai các chương trình xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời phương châm “3 bám, 4 cùng với đồng bào dân tộc” cần được thực hiện tốt nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ gắn bó hơn với đồng bào, từ đó hiểu rõ hơn về nhu cầu thực tế của Nhân dân, kịp thời tham mưu các giải pháp phù hợp. Khi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ và kỹ năng công tác tốt, hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa sẽ được nâng cao, góp phần tạo ra sự phát triển bền vững trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống các âm mưu phá hoại văn hóa của các thế lực thù địch.

Các thế lực thù địch hiện nay vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại đời sống văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Chúng lợi dụng mạng xã hội, các kênh truyền thông để truyền bá những luận điệu sai trái, kích động tư tưởng ly khai, gây mất ổn định an ninh trật tự. Do đó, các đơn vị quân đội cần nâng cao cảnh giác, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động lợi dụng văn hóa để xuyên tạc, kích động. Các đơn vị quân đội cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp đấu tranh hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho Nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, giúp đồng bào nâng cao ý thức cảnh giác, không bị lôi kéo vào các hoạt động chống phá. Đồng thời, việc xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc cần được coi là giải pháp căn cơ, trong đó trọng tâm là phát triển văn hóa, kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đời sống văn hóa của Nhân dân được nâng cao, các thế lực thù địch sẽ không thể lợi dụng để gây chia rẽ, từ đó góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 33.
2, 3. Quân ủy Trung ương (2020). Báo cáo Chính trị của Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr. 3, 6.
4, 5. Quân ủy Trung ương (2022). Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW ngày 05/10/2012 của Quân ủy Trung ương về “Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới”, tr. 5, 3.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2008). Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
2. Chính phủ (2011). Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 – 2020.
3. Chung sức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/chung-suc-gin-giu-phat-huy-gia-tri-van-hoa-cua-dong-bao-cac-dan-toc-o-khu-vuc-bien-gioi-779265
4. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương với quân đội trong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/05/11/tang-cuong-phoi-hop-giua-chinh-quyen-dia-phuong-voi-quan-doi-trong-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-thieu-so-o-vung-tay-bac-viet-nam-hien-nay/