ThS. Hoàng Ngọc Bích
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông –
Đại học Thái Nguyên
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích lý thuyết về tha hóa lao động của C.Mác được đề cập trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế – triết học” năm 1844 với các nội dung về khái niệm tha hóa, tha hóa lao động, các hình thái của tha hóa lao động và nguyên nhân của tha hóa lao động. Phân tích các đặc điểm của nền kinh tế số và sự biến đổi trong quan hệ lao động, chỉ ra sự tha hóa lao động trong thời đại kinh tế số cùng những biểu hiện ngày càng tinh vi của sự tha hóa lao động đó.
Từ khóa: Tha hóa, tha hóa lao động, C.Mác, kinh tế số, lý thuyết.
1. Đặt vấn đề
“Bản thảo kinh tế – triết học” năm 1844 là tác phẩm kinh điển trong kho tàng lý luận của C.Mác. Bản thảo được Mác đặt bút viết vào tháng 4/1844 và hoàn thành vào tháng 8/1844. Về hình thức, tác phẩm này là một công trình nghiên cứu về kinh tế nhưng lại hàm chứa nhiều luận điểm triết học xuất phát từ lập trường duy vật biện chứng. Đặc biệt, lần đầu tiên khái niệm về sự tha hóa lao động (alienation of labor) được C.Mác trình bày, theo đó, lao động trong xã hội tư bản không chỉ là quá trình sản xuất mà còn là nguồn gốc của sự tha hóa khi con người bị tách rời khỏi sản phẩm lao động, quá trình lao động, bản chất con người và đồng loại. Trong điều kiện ngày nay, khi kinh tế số ngày càng phát triển với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và nền tảng kỹ thuật số, bản chất quá trình lao động của con người cũng thay đổi nhanh chóng. Điều này làm cho sự tha hóa lao động mà C.Mác đã nghiên cứu cũng có những chuyển hóa nhất định. Vậy, sự chuyển hóa này đang diễn ra như thế nào? Dưới góc nhìn từ thực tế sự phát triển của nền kinh tế số hiện nay, trên cơ sở phân tích lý thuyết của C.Mác về sự tha hóa lao động, bài viết sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
2. Lý thuyết về sự tha hóa lao động của C.Mác
a. Khái niệm “tha hóa”, “lao động tha hóa”
Để hiểu về lý thuyết tha hóa lao động, trước hết, cần phải làm rõ khái niệm “tha hóa”. Trong từ điển tiếng Việt, “tha hóa” là một tính từ chỉ quá trình biến đổi trở nên khác đi, biến thành cái khác của một sự vật, sự việc hoặc chỉ một người bị biến chất theo hướng tiêu cực, mất phẩm chất đạo đức. Theo đó, “tha hóa” là sự biến đổi theo chiều hướng sai lầm, không đúng đắn1.
Ở góc độ triết học, “tha hóa” được tiếp cận ở những góc độ khác nhau bởi nhiều nhà triết học khác nhau. Trong triết học Rút – xô, nhà triết học nổi tiếng của trường phái khai sáng Pháp, “tha hóa” là sự chuyển hóa những mối quan hệ xã hội, những hiện tượng xã hội thành cái đối lập với bản chất tự nhiên của nó2.
Đối với Heghen, trên lập trường duy tâm, “tha hóa” được tiếp cận là sự tha hóa của ý niệm tuyệt đối. “Tha hóa” tức là biến thành cái khác nó nhưng chính là nó ở trạng thái khác và hình thái khác3. Khác với Heghen, Phơ-bách nói đến sự tha hóa của bản chất con người vào Thượng đế, Ông cho rằng, bản chất tự nhiên của con người là muốn hướng tới cái chân, cái thiện, hướng tới cái gì tốt đẹp nhất; nhưng trong thực tế con người không đạt được những điều đó nên đã gửi gắm tất cả ước muốn của mình vào hình tượng Thượng đế. Đây chính là sự tha hóa trong tinh thần của con người và là nguồn gốc của tôn giáo4.
Đối với C. Mác, khi tiếp cận khái niệm “tha hóa”, Mác dựa trên nền tảng hiện thực: “Chúng tôi đã xuất phát từ một sự kiện kinh tế – sự tha hóa của công nhân và sản phẩm của công nhân. Chúng tôi đã nêu lên khái niệm của cái thực tế này: lao động bị tha hóa. Chúng tôi đã phân tích khái niệm đó. Như thế là đã phân tích một sự kiện của kinh tế”5. Theo đó, “tha hóa” là một hiện thực có thật, một hiện trạng thực tế trong xã hội và có cơ sở kinh tế của nó. “Tha hóa” là quá trình biến đổi khiến con người không còn là chính mình. “Tha hóa” là một hiện tượng xã hội nên nó chỉ liên quan đến con người và xã hội loài người. “Tha hóa được hiểu là quá trình chuyển hóa các sản phẩm hoạt động của con người (cả hoạt động thực tiễn – những sản phẩm lao động, tiền và các quan hệ xã hội… tầm hoạt động lý luận) cũng như những đặc tính và năng lực của con người thành một cái gì độc lập với con người và thống trị con người.
Ngoài ra, “tha hóa” cũng được hiểu là “sự chuyển hóa của những hiện tượng và quan hệ nào đó thành cái gì khác với bản thân chúng, sự bóp méo và xuyên tạc trong ý thức của con người những quan hệ sinh sống hiện thực của họ”6. Nó chính là cái xuất phát từ con người, từ xã hội loài người nhưng lại bị biến đổi thành cái xa lạ, không ở trong con người và xã hội loài người và quay trở lại nô dịch, chi phối con người và xã hội loài người. Như vậy, theo C.Mác, “tha hóa” là một hiện tượng xã hội chỉ sự biến đổi trong đời sống của con người và xã hội loài người trong những điều kiện bất thuận khiến những thứ thuộc về con người không còn là nó như ban đầu, không phục vụ con người mà quay trở lại thống trị, chi phối con người và xã hội loài người.
Dựa trên khái niệm về “tha hóa” của C.Mác, có thể hiểu rằng, “tha hóa lao động” là khái niệm chỉ hiện tượng xã hội mà ở đó con người thực hiện quá trình lao động để sản xuất ra những thứ để phục vụ cho chính cuộc sống của họ nhưng họ lại được hưởng quá ít từ chính những thứ mà họ làm ra. Hiện tượng này xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử loài người nhưng phải đến chủ nghĩa tư bản, sự tha hóa lao động ở con người và xã hội loài người mới trở nên phổ biến nhất, rõ ràng và đầy đủ nhất.
C.Mác khẳng định: “Trong mâu thuẫn đó, khoa kinh tế chính trị chỉ nói lên cái thực chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hay nếu ta muốn, chỉ nói lên cái thực chất của lao động làm thuê, của lao động bị tha hóa khỏi bản thân mà của cải được sản xuất ra lại đối lập với nó như là của cải của người khác, sức sản xuất của bản thân nó lại đối lập với nó như là sức sản xuất của sản phẩm của nó, việc làm giàu của nó đối lập với nó như là việc tự làm cho mình trở nên nghèo khổ, lực lượng xã hội của nó đối lập với nó như một quyền lực xã hội thống trị nó”7.
b. Các hình thái của tha hóa lao động, nguyên nhân của tha hóa lao động trong chủ nghĩa tư bản
Phân tích sâu hơn về tha hóa lao động, C.Mác cho rằng sự tha hóa lao động không chỉ là giới hạn, là sự tha hóa về sản phẩm mà nó có nhiều dạng tha hóa khác nhau. C.Mác chia thành 4 hình thái tha hóa: (1) Tha hóa khỏi sản phẩm lao động, tức là người lao động không sở hữu sản phẩm do mình làm ra, thậm chí sản phẩm lao động có thể trở thành thứ chi phối, nô dịch họ; (2) Tha hóa khỏi chính quá trình lao động, tức là lao động không còn phản ánh sự sáng tạo, sự tự do của con người mà trở thành hoạt động mang tính chất cưỡng bức, bắt buộc; (3) Tha hóa khỏi bản chất con người, ở dạng này lao động chỉ còn là phương tiện để con người tồn tại mà không còn phản ánh được tính loài được bản chất con người nữa; (4) Tha hóa khỏi đồng loại, tức là sự biến đổi trong mối quan hệ của con người với con người, thay vì hợp tác và gắn kết để cùng chung sống, cùng tồn tại và phát triển thì họ ngày càng trở nên xa lạ và cạnh tranh với nhau8.
Vậy, nguyên nhân của sự tha hóa lao động trong chủ nghĩa tư bản là gì? Theo C.Mác, lý do của sự tha hóa lao động trong chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ chính quan hệ sản xuất trong xã hội ấy. Sở dĩ như vậy vì trong xã hội đó, tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của một nhóm với số lượng ít người, trong khi đó phần lớn người lao động trong xã hội hay có thể gọi là những người làm thuê trở thành công cụ để tạo ra giá trị thặng dư. Mác viết: “Trong chủ nghĩa tư bản, công nhân trở thành một bộ phận của quá trình sản xuất, bị tách khỏi sản phẩm của mình và mất kiểm soát đối với quá trình lao động và kết quả lao động của chính mình”9. Điều này dẫn đến sự mất kiểm soát đối với sản phẩm và bản thân quá trình lao động của chính những người làm thuê trong các công xưởng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất…
3. Nền kinh tế số và bản chất của sự tha hóa lao động hiện nay
a. Đặc điểm của nền kinh tế số và sự biến đổi của quan hệ lao động trong nền kinh tế số
Nền kinh tế số (Digital Economy) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng chủ yếu dựa vào công nghệ số, dữ liệu và internet. Trong nền kinh tế số, các công nghệ số, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, blockchain và internet vạn vật (IoT) được sử dụng để tối ưu hóa các hoạt động kinh tế. Trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại, nền kinh tế số không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ mà còn tác động đến mọi ngành nghề, từ giáo dục, y tế đến tài chính, nông nghiệp, công nghiệp… Dựa vào sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế số có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, tài nguyên cốt lõi của kinh tế số là số hóa và dữ liệu. Trong nền kinh tế số, dữ liệu được coi là “nhiên liệu” giúp thúc đẩy và khiến cho mô hình kinh tế này ngày càng “tăng tốc” và “bùng nổ” trên diện rộng. Dữ liệu không chỉ cung cấp thông tin mà còn là căn cứ để doanh nghiệp đưa ra các quyết định chính xác hơn. Thêm vào đó, Big Data và AI còn hỗ trợ phân tích hành vi người tiêu dùng, tối ưu chuỗi cung ứng và cải tiến sản phẩm khiến cho việc sản xuất ngày càng trở nên tối ưu, đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu của con người10.
Thứ hai, nền kinh tế số có công nghệ số hóa và tự động hóa cao. Các ứng dụng AI, robot, tự động hóa… giúp tăng năng suất và giảm chi phí vận hành. Bên cạnh đó, sự ra đời và phát triển của công nghệ điện toán đám mây và blockchain giúp quản lý dữ liệu và giao dịch an toàn, minh bạch hơn11.
Thứ ba, nền kinh tế số là mô hình kinh tế kết nối toàn cầu và không biên giới. Trong kỷ nguyên kinh tế số, internet và các nền tảng số giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu một cách dễ dàng mà không cần phải có sự hiện diện vật lý. Các giao dịch thương mại điện tử, tài chính kỹ thuật số có thể diễn ra xuyên biên giới, điều này làm cho quá trình sản xuất và trao đổi không còn bị giới hạn trong các phạm vi nhất định12.
Thứ tư, sự phát triển của kinh tế số sinh ra những nền tảng số, như: Uber, Grab, Shopee… tạo ra mô hình kinh doanh nền tảng (Platform Economy) dựa trên những giao dịch điện tử. Thậm chí, các công ty nền tảng này không nhất thiết phải sở hữu tài sản, như: Uber, Grab không sở hữu xe, Youtube không tự sản xuất ra video… mà chỉ mang tính chất trung gian. Đi kèm theo đó là sự phát triển của hệ thống thanh toán kỹ thuật số như các loại ví điện tử (MoMo, PayPal), tiền mã hóa (Bitcoin, Ethereum)…
Những đặc điểm trên của nền kinh tế số cũng khiến cho các quan hệ lao động trong mô hình này có nhiều biến đổi dẫn đến các hình thức lao động trong nền kinh tế số trở nên linh hoạt hơn. Quan hệ lao động truyền thống gắn với mô hình làm việc cố định, dài hạn hay trong môi trường văn phòng đều có sự thay đổi với các hình thức như: Làm việc từ xa, các dự án, nhiệm vụ ngắn hạn, các lao động theo yêu cầu thông qua các nền tảng số, như: Uber, Grab, Shopee, Now… Điều này khiến cho người lao động có thể làm cùng lúc với nhiều công việc khác nhau trên các nền tảng số khác nhau. Mặc dù sự linh hoạt này giúp cho người lao động dễ dàng có được việc làm và tăng thu nhập, song lại khiến cho các quyền lợi của người lao động, vấn đề bảo hiểm xã hội, lương thưởng và các điều kiện khác trở nên khó xác định. Hơn nữa, trong nền kinh tế số, quyền thương lượng tập thể của người lao động cũng trở nên khó khăn hơn do họ làm việc một cách độc lập, không có sự liên kết và không thuộc một tổ chức cụ thể.
Bên cạnh đó, những tác động của tự động hóa và AI cũng khiến cho nhiều công việc truyền thống bị biến mất trong hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất đến dịch vụ hay tài chính khiến cho nhiều người lao động đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều công việc mới như quản lý dữ liệu, phát triển AI, chuyên gia an ninh mạng… khiến người lao động phải luôn học hỏi, tích lũy, nâng cao các kỹ năng số để thích nghi với môi trường mới.
b. Sự tha hóa lao động trong nền kinh tế số
Những thay đổi về quan hệ lao động trong thời đại kinh tế số đã ẩn chứa những biểu hiện của sự tha hóa lao động. Mặc dù phương thức sản xuất, lao động của con người ngày càng linh hoạt, tự do hơn, song, nó đã và đang làm cho người lao động ngày càng tách ra khỏi sản phẩm lao động, quá trình lao động, con người và chính bản thân người lao động. Đó chính là những hình thái của tha hóa lao động, biểu hiện cụ thể như:
Một là, tha hóa khỏi sản phẩm lao động. Nếu trước đây, sự tha hóa khỏi sản phẩm của người lao động thể hiện ở chỗ họ không sở hữu sản phẩm họ làm ra mà nó thuộc về nhà tư bản thì trong nền kinh tế số, hình thái tha hóa lao động này càng rõ ràng hơn. Các sản phẩm lao động trong kinh tế số thường là dữ liệu, nội dung số, mã lập trình… Các sản phẩm này không thuộc sở hữu của người lao động, họ cũng không kiểm soát các sản phẩm mà họ tạo ra; đồng thời, việc kiểm soát và phân phối các sản phẩm này thuộc về các nền tảng số.
Các nền tảng số, như: Uber, Grab, Youtube, TikTok, Shopee… đều là những nơi tạo ra giá trị nhưng không sở hữu bất kỳ sản phẩm hay dữ liệu nào do họ sản xuất. Các nền tảng chỉ kiểm soát dữ liệu, sản phẩm, hình thành các thuật toán để duy trì, thúc đẩy các giao dịch và thu lợi nhuận. Hay như các lập trình viên và họ tạo ra và phát triển các đoạn mã, phần mềm… nhưng nó lại thuộc về sở hữu của công ty, không thuộc về cá nhân họ. Thêm vào đó, sự phát triển của AI và dữ liệu khiến cho bất kỳ người dùng internet nào dù ở phương thức nào như nhập dữ liệu, nghiên cứu, gán nhãn hình ảnh hay người tham gia mạng xã hội… đều vô tình trở thành “lao động” cho các tập đoàn công nghệ mà không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ dữ liệu họ tạo ra.
Hai là, tha hóa khỏi quá trình lao động. Điều này được thể hiện ở sự mất kiểm soát của người lao động đối với quá trình lao động của chính mình trong nền kinh tế số. Nếu trong chủ nghĩa tư bản, người lao động đối mặt với người chủ hữu hình thì trong nền kinh tế số, người lao động hiện đại không đối diện trực tiếp với người chủ hữu hình nào mà chỉ là những nhà tư bản vô hình với “vũ khí” là các thuật toán và dữ liệu lớn. Với sự ra đời của các hệ thống tự động hóa và các thuật toán giám sát, kiểm tra, đánh giá đã thúc đẩy cho quá trình tha hóa này ngày càng rõ ràng. Quá trình và hiệu suất lao động của người lao động được đánh giá bởi các thuật toán dựa trên dữ liệu mà công nghệ thu thập khiến cho người lao động không thể phản biện, họ không có tiếng nói trong quá trình làm việc và chỉ biết tuân theo sự điều khiển của máy móc. Bên cạnh đó, sự ra đời của những phần mềm giám sát giúp cho việc đo lường cường độ lao động hiệu quả hơn và đẩy mạnh năng suất lao động, song nó lại tạo ra sự mất kiểm soát đối với thời gian và cách thức làm việc một cách máy móc, thiếu sáng tạo. Chẳng hạn, các tài xế Uber hay Grab không thể tự quyết định giá cước, lộ trình mà phụ thuộc vào thuật toán của nền tảng, những người làm Freelancer trên các nền tảng số bị ràng buộc bởi hệ thống đánh giá và xếp hạng khiến cho công việc trở nên căng thẳng và thiếu tự do…
Ba là, tha hóa khỏi đồng loại. Với sự xuất hiện của phương thức làm việc từ xa, kinh tế số mang lại sự thuận tiện cho người lao động nhưng lại khiến họ mất đi các kết nối xã hội thực sự thay vào đó là các kết nối ảo thông qua internet. Điều này làm cho người lao động dần trở thành những cá nhân bị cô lập khỏi đồng nghiệp, xã hội và thiếu sự hỗ trợ tinh thần từ chính các đồng nghiệp của mình. Bên cạnh đó, sự phát triển của mô hình kinh tế nền tảng làm cho người lao động không còn là đồng nghiệp của nhau mà trở thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt với nhau trên cùng nền tảng để dành công việc. Chính sự cạnh tranh đó đã vô hình làm mất kết nối, mất đoàn kết giữa những người lao động và gia tăng sức mạnh của các nền tảng kinh tế số.
Bốn là, tha hóa khỏi bản chất con người. Theo C.Mác, lao động sáng tạo là một trong những yếu tố tạo nên bản chất con người. Tuy nhiên, trong nền kinh tế số, sự phát triển của công nghệ biến nhiều công việc trở thành các hoạt động mang tính chất cơ học, thiếu sáng tạo, thậm chí ngày càng bị máy móc hóa. Những công việc lặp đi lặp lại, như: dán nhãn dữ liệu, nhập dữ liệu, kiểm duyệt nội dung… là những công việc mang tính chất đơn điệu, qua thời gian nó làm mất dần cảm giác về sự phát triển bản thân của người lao động. Những công việc như content creator hay những người có ảnh hưởng (influencer)… buộc phải liên tục duy trì hình ảnh trên mạng xã hội để kiếm sống, thậm chí phải sản xuất nội dung theo thuật toán của nền tảng hoặc theo thị hiếu của khán giả khiến họ phải xa rời chính bản thân mình hoặc không được làm theo ý muốn của họ. Điều này, đã và đang mài mòn sự sáng tạo của người lao động, khiến họ không thể là chính mình hoặc không thể sử dụng tài nguyên của chính con người họ để hình thành các sản phẩm sáng tạo. Công nghệ mang đến cho người lao động sự tự do với những công việc từ xa hoặc freelancer… nhưng thực tế đó chỉ là “ảo giác” vì họ vẫn bị ràng buộc trong guồng quay của nhu cầu thị trường và các quy định vô hình của những nền tảng số. Thậm chí, chính bản thân người lao động trong kinh tế số cũng không nhận thức được “quá trình lao động” của mình khi chính họ hằng ngày, hằng giờ vẫn tạo ra các sản phẩm trên các nền tảng và các sản phẩm đó đều trở thành sản phẩm để khai thác lợi nhuận.
Sự tha hóa lao động trong thời đại kinh tế số ngày càng trở nên sâu sắc hơn với sự ra đời của ngày càng nhiều công nghệ “trói buộc” quá trình lao động. Điều này dẫn đến những hệ quả không chỉ trong phạm vi cá nhân người lao động mà còn tác động đến cả cấu trúc kinh tế – xã hội rộng lớn. Các nền tảng kinh tế, các tập đoàn công nghệ được hưởng lợi từ lao động của hàng triệu người dùng nhưng lại không chia sẻ lợi ích một cách công bằng, do đó, dẫn đến việc gia tăng bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, yêu cầu của công việc đổi mới liên tục, công việc không ổn định kèm theo sự giám sát của thuật toán và sự cô lập trong phương thức lao động từ xa khiến cho nhiều lao động rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm. Thêm nữa, do mô hình làm việc thiếu kết nối xã hội, phân tán, cạnh tranh giữa chính những đồng nghiệp khiến cho người lao động khó liên kết thành tổ chức.
Thực tế trên đòi hỏi cần phải có những giải pháp để giảm thiểu tác động của sự tha hóa lao động để hạn chế mặt trái của nền kinh tế số, bảo vệ người lao động trong quá trình lao động.
4. Một số giải pháp
Thứ nhất, cần tăng cường quyền sở hữu dữ liệu cá nhân vì dữ liệu là tài nguyên của kinh tế số, khi người lao động có quyền kiểm soát dữ liệu của họ tạo ra có thể bảo đảm tốt hơn quyền lợi của họ trên các nền tảng. Vì dữ liệu là yếu tố tạo ra giá trị thặng dư mới trong nền kinh tế số, do đó, tăng cường quyền sở hữu dữ liệu cá nhân cũng có nghĩa là đảm bảo cho sự minh bạch trong việc thu thập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu trên các nền tảng số, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi và vị thế của người lao động trong quan hệ lao động mới. Điều này góp phần giúp giảm thiểu nguy cơ bị giám sát, kiểm soát và bóc lột thông tin cá nhân, đồng thời đây cũng là yếu tố giúp cho người lao động tái định hình lại cán cân quyền lực với các nền tảng trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data.
Thứ hai, tổ chức các công đoàn kỹ thuật số cho các lao động trên các nền tảng để giúp họ đoàn kết và dễ dàng thương lượng về quyền lợi với các nền tảng, các tập đoàn công nghệ. Giải pháp này nhằm kết nối và tổ chức những người lao động trên các nền tảng số như tài xế công nghệ, người làm việc tự do qua ứng dụng, người tạo nội dung số… vốn đang bị phân tán, phi chính thức hình thành một tập thể, có tiếng nói chung để dễ dàng và tăng sức mạnh khi thương lượng với các nền tảng công nghệ về tiền lương, điều kiện làm việc, các quyền lợi xã hội và an sinh. Sở dĩ như vậy là vì trong nền kinh tế số, ranh giới giữa người sử dụng lao động và nền tảng bị làm mờ, người ta không còn nhìn thấy rõ người sử dụng lao động trong mối quan hệ lao động, thay vào đó người lao động thường bị xem là đối tác độc lập và không được hưởng các quyền lợi theo đúng luật lao động thông thường. Theo đó, tổ chức công đoàn kỹ thuật số không chỉ có ý nghĩa đại diện quyền lợi cho người lao động trên nền tảng mà còn tái định hình lại quan hệ lao động hiện đại một cách dân chủ và bình đẳng hơn.
Thứ ba, phát triển mô hình hợp tác xã số, một số mô hình đã được thành lập như Fairbnb (đối trọng của Airbnb, cam kết chia sẻ 50% lợi nhuận để đầu tư trở lại vào các cộng đồng địa phương), CoopCycle (mô hình giao hàng theo hợp tác xã được sở hữu và điều hành bởi các hợp tác xã địa phương ở nhiều nước châu Âu)… đã cho thấy sự công bằng hơn trong việc sử dụng công nghệ để phát triển kinh tế. Khác với các tập đoàn công nghệ truyền thống, nơi quyền sở hữu và kiểm soát nền tảng tập trung vào một nhóm cổ đông, các hợp tác xã số được sở hữu và điều hành bởi chính những người lao động và sử dụng dịch vụ. Chính vì vậy, các hợp tác xã số sẽ bảo đảm phân phối lợi nhuận công bằng hơn, tăng cường dân chủ trong quản trị và giảm thiểu tha hoá trong lao động. Những mô hình hợp tác xã số đã thành lập cho thấy thực tế là công nghệ không nhất thiết dẫn đến sự tha hóa hay tập trung quyền lực mà hoàn toàn có thể trở thành công cụ để xây dựng một nền kinh tế số công bằng, nhân văn và vì cộng đồng hơn.
Thứ tư, cần hoàn thiện việc xây dựng chính sách pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động số, hạn chế sự kiểm soát, độc quyền của các nền tảng và các tập đoàn công nghệ… Hiện nay, nhiều nền tảng kỹ thuật số như Grab, Uber, Amazon… sử dụng các thuật toán, hợp đồng điện tử, cơ chế đối tác độc lập để né tránh các nghĩa vụ trong quan hệ lao động. Điều này khiến cho người lao động bị đặt vào trạng thái không được bảo vệ về pháp lý, khiến họ không được hưởng đầy đủ các quyền lợi của người lao động như bảo hiểm, chế độ nghỉ ngơi, thương lượng tập thể… Vì vậy, việc xây dựng các chính sách pháp lý bảo vệ người lao động số là việc cần thiết mà các quốc gia cần làm. Theo đó, các quốc gia cần nhanh chóng ban hành các đạo luật đặc thù cho lao động trong nền kinh tế số, bổ sung thêm khái niệm “người lao động” để bao phủ cả các hình thức lao động số. Bên cạnh đó, yêu cầu minh bạch hoá thuật toán và các tiêu chí đánh giá năng suất, thưởng – phạt của nền tảng đối với người lao động cũng là yếu tố pháp lý quan trọng và cần thiết. Ngoài ra, các chính sách pháp lý về chống độc quyền và thao túng thị trường thông qua kiểm soát các thương vụ sáp nhập, siết chặt luật chống độc quyền, đồng thời tạo điều kiện phát triển các mô hình kinh tế thay thế, như: hợp tác xã số, công đoàn kỹ thuật số… cũng cần phải được quan tâm xây dựng. Việc hoàn thiện pháp lý nhằm chống lại bất công mới trong nền kinh tế số là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền kinh tế số bảo đảm sự công bằng, văn minh và bền vững.
5. Kết luận
Trong thời đại kinh tế số, phương thức, phương tiện lao động đã có nhiều sự thay đổi, dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi để phát triển nền kinh tế cùng với công nghệ số hóa, tự động hóa kèm theo mô hình kinh tế dựa trên các nền tảng số khiến cho nền kinh tế không còn bị giới hạn bởi bất kỳ một phạm vi lãnh thổ, biên giới nào. Mặc dù vậy, bản chất của sự tha hóa lao động vẫn tồn tại dưới những hình thức mới và ngày càng sâu sắc hơn. Sự phát triển của công nghệ không những không chấm dứt sự tha hóa mà còn làm cho sự tha hóa lao động trở nên tinh vi hơn thông qua sự vận hành của các thuật toán, dữ liệu, sự phi nhân hóa của các hoạt động kinh tế trên các nền tảng số. Để khắc phục vấn đề này đòi hỏi cần có sự thay đổi về chính sách, cách thức tổ chức và phân phối quyền lực, nhận thức của người lao động trong mô hình kinh tế này.
Chú thích:
1. Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2003). Từ điển Tiếng Việt. NXB Đà Nẵng, tr. 907.
2. Jean-Jacques Rousseau (1913). The Social Contract and Discourses. Translated by G. D. H. Cole, Everyman’s Library.
3. Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1977). The Phenomenology of Spirit. Translated by A.V. Miller, Oxford University Press.
4. Ludwig Feuerbach (1989). The Essence of Christianity. Translated by George Eliot, Prometheus Books.
5, 7, 8, 9. C.Mác (1984). Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844 (bản dịch của Phạm Hùng). H. NXB Sự thật, tr. 98, 142, 102, 100, 100.
10, 11, 12. Schwab, K. (2016). The Fourth Industrial Revolution. World Economic Forum.
Tài liệu tham khảo:
1. Arntz, M., Gregory, T., & Zierahn, U. (2016). The Risk of Automation for Jobs in OECD Countries: A Comparative Analysis. OECD Social, Employment and Migration Working Papers, No. 189, OECD Publishing.
2. Brynjolfsson, E., & McAfee, A. (2014). The Second Machine Age: Work, Progress, and Prosperity in a Time of Brilliant Technologies. W.W. Norton & Company.
3. De Stefano, V. (2016). The Rise of the “Just-in-Time” Workforce: On-Demand Work, Crowdwork, and Labour Protection in the “Gig-Economy”. International Labour Review, 155(3), 1 – 23.
4. Fromm, E. (1961). Marx’s Concept of Man. New York: Frederick Ungar Publishing Co.
5. Karl Marx (1867). Tư bản luận. Tập 1. H. NXB Chính trị Quốc gia, Sự thật.
6. Karl Marx & Friedrich Engels (1987). Hệ tư tưởng Đức. H. NXB Chính trị Quốc gia, Sự thật.