Giữ gìn văn hoá truyền thống trong bối cảnh hội nhập kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay

TS. Ngô Quang Huy
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn)Giữ gìn văn hoá truyền thống trong bối cảnh hội nhập kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh là nội dung, biện pháp quan trọng để xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam nói chung, con người TP. Hồ Chí Minh nói riêng, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của các ngành, lĩnh vực. Bài viết làm rõ vai trò, thực trạng giữ gìn văn hoá truyền thống; từ đó, đề xuất một số biện pháp giữ gìn văn hoá truyền thống trong bối cảnh hội nhập kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Từ khoá: Giữ gìn, văn hoá truyền thống, hội nhập kinh tế, TP. Hồ Chí Minh.  

1. Mở đầu

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, nhiều vấn đề đặt ra cho chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để vừa giữ gìn, vừa phát triển nâng lên một tầm cao mới trở thành nguồn lực văn hoá quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đối với TP. Hồ Chí Minh trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, tài chính, thương mại, du lịch lớn nhất cả nước, việc giữ gìn văn hoá truyền thống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay. Đảng ta khẳng định: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững”1.

2. Văn hoá truyền thống dân tộc, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh

Những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc là một phần của cuộc sống con người, được chắt lọc, gạn đục khơi trong từ thực tiễn chiến đấu, lao động sản xuất, ứng biến với thiên nhiên để soi đường, dẫn lối, tạo thành sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn chiến thắng mọi nghịch cảnh, giữ vững niềm tin vào tương lai. Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam sản sinh, nuôi dưỡng các giá trị văn hoá truyền thống đến lượt mình giá trị văn hoá truyền thống đó lại trở thành động lực, nguồn gốc để con người vươn lên trong công việc, cuộc sống, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, vượt qua chính mình để làm giàu chính đáng.

Các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc là biểu tượng, là niềm kiêu hãnh của con người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cần được giữ gìn và phát huy trong bối cảnh toàn cầu hoá, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay. Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước; việc giữ gìn và phát huy không chỉ khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc mà còn là thông điệp lịch sử nhắc nhở các thế hệ không được phép lãng quên giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, làm cho các giá trị văn hoá truyền thống trở thành nguồn lực văn hoá, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, tài chính lớn nhất cả nước, “Thành đồng Tổ quốc”, “đi trước về sau” trong kháng chiến anh dũng, kiên cường cùng với quân và dân cả nước đã viết nên bản hùng ca về bản lĩnh, ý chí và sức mạnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Khái quát văn hoá truyền thống của TP. Hồ Chí Minh ở một số khía cạnh chủ yếu sau: một là, có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh; hai là, thuỷ chung, nghĩa tình, khẳng khái, giàu lòng nhân ái; ba là, năng động, sáng tạo đi đầu trong đổi mới phát triển kinh tế – xã hội, văn hoá.

Phát huy truyền thống đó, trong quá trình phát triển kinh tế Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc nói chung và truyền thống văn hoá của TP. Hồ Chí Minh nói riêng, phóng khoáng, nghĩa tình, năng động, sáng tạo để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, mở ra không gian mới trên mọi lĩnh vực, xây dựng TP. Hồ Chí Minh xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hoá, tài chính lớn nhất cả nước.

Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; thời cơ, vận hội đan xen với nguy cơ, thách thức; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, quyết liệt; những thách thức an ninh phi truyền thống, tranh chấp chủ quyền, biển, đảo, biên giới, lãnh thổ xảy ra ở nhiều khu vực, có mặt rất phức tạp; quan hệ thương mại giữa các nước lớn để chiếm lĩnh thị trường chứa đựng những nhân tố gây mất ổn định, như: sự trừng phạt, bán phá giá, cấm vận… ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội, cũng như phát huy giá trị văn hoá truyền thống của TP. Hồ Chí Minh.

Mặc dù, tình hình trong nước cơ bản ổn định, song đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; giá cả một số mặt hàng leo thang, du nhập của văn hoá bên ngoài vào làm biến dạng văn hoá truyền thống dân tộc; con người sống gấp, sống thực dụng, ích kỷ, đố kỵ, ganh đua nhau, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng…

Đảng đã xác định mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh bên trong, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước; văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, trở thành nguồn lực quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, thực tiễn giữ gìn văn hoá truyền thống hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã và đang đặt ra những vấn đề mới về nhận thức, hành động để khai thác, sử dụng đúng mục đích, tạo thành xung lực mạnh mẽ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

3. Thực trạng giữ gìn văn hoá truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, việc giữ gìn văn hoá truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các giá trị văn hoá truyền thống trở thành chỉ dẫn quý báu để cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân hành động đúng với phong tục, tập quán của dân tộc.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã quán triệt, cụ thể hoá Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… Trên cơ sở đó, Thành phố đã xây dựng Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU ngày 21/6/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo thống kê của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch năm 2023, Thành phố tổ chức được 143 lễ hội cấp huyện, xã, trong đó có 134 lễ hội truyền thống, 8 lễ hội văn hoá và 1 lễ hội ngành nghề. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng ngày 20/5/2024 đánh giá: “Truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục được bồi đắp, phát huy; lòng nhân ái, tình yêu thương đồng bào, đồng chí tiếp tục được vun đắp và phát triển; đức tính nghĩa tình từng bước trở thành nét văn hoá phổ biến, đặc trưng của người dân Thành phố”5.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kết nối, giao lưu và lan toả các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại trong giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống để phát triển kinh tế, mở cửa, hội nhập quốc tế. Nhiều chương trình, hoạt động văn hoá, văn nghệ của Thành phố được tổ chức mang tầm quốc tế, thu hút được nhiều tầng lớp Nhân dân tham gia. Các hoạt động ký kết, hợp tác về lĩnh vực văn hóa của Thành phố diễn ra thường xuyên, dưới các hình thức song phương, đa phương góp phần quan trọng vào việc nâng tầm vị thế của các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Thành phố trên trường quốc tế, như: Địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng, Dinh Độc lập… Các hoạt động văn hoá đã thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng tham gia vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống văn hoá của Thành phố còn một số hạn chế, như: nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, cụ thể hoá vào từng hoạt động cụ thể chưa sâu sắc, toàn diện, đầy đủ. Một số giá trị văn hoá truyền thống bị mai một, lãng quên, biến tướng do sự ru nhập của văn hoá phương Tây, ngoại lai. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho những hạng mục công trình văn hoá ở một số nơi còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; các hoạt động văn hoá diễn ra nhiều nhưng chưa có chiều sâu, chưa mang dấu án của không gian văn hoá vùng đất Nam Bộ; một bộ phận giới trẻ bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi văn hoá lai căng, phản cảm, mất đi bản sắc văn hoá dân tộc.

Đảng đánh giá: “Môi trường văn hoá còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại”6.

4. Một số biện pháp giữ gìn văn hoá truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng về tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hoá truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh.

Đảng chỉ rõ: “Các cấp uỷ, tổ chức đảng cần xác định xây dựng và phát triển vǎn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam”7. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hoá; thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố về xây dựng, phát triển con người Thành phố năng động, nghĩa tình, thuỷ chung trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Cụ thể hoá thành những chỉ tiêu, nội dung hoạt động thiết thực cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương; huy động được sự tham gia của các chủ thể, lực lượng cùng giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống của Thành phố.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến trong Nhân dân về việc giữ gìn văn hoá truyền thống; tích cực, chủ động hưởng ứng các hoạt động văn hoá để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người TP. Hồ Chí Minh; chú trọng đến việc phát triển bền vững, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong Nhân dân để phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế – xã hội, đưa văn hoá trở thành nguồn lực quan trọng trong chiến lược tổng thể của Thành phố.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát triển văn hoá ở các địa phương, bảo đảm tính chính trị, tính giáo dục và tính thẩm mỹ, góp phần củng cố, giữ gìn và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới. Các hoạt động văn hoá theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân chấp hành không nghiêm quy định của pháp luật trong tổ chức các sự kiện văn hoá, quảng bá, giới thiệu sai mục đích, không đúng với phong tục, truyền thống của con người Việt Nam. Các chủ thể, lực lượng đề cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc nói chung và của Thành phố nói riêng, tạo thành xung lực mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển các giá trị văn hoá truyền thống, từ đó, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong giữ gìn văn hoá truyền thống của TP. Hồ Chí Minh.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có vai trò quan trọng trong giữ gìn văn hoá truyền thống của Thành phố. Bởi đây là lực lượng triển khai, tổ chức thực hiện trong Nhân dân, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện một cách nghiêm túc theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, giáo dục, tổ chức thực hiện các nội dung về giữ gìn văn hoá truyền thống; hướng dẫn cho các bộ phận, lực lượng cùng tham gia vào các hoạt động giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; hướng các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hoá mới, thu hút các nguồn lực bên trong và bên ngoài để phát triển Thành phố trên cơ sở nền tảng của giá trị văn hoá truyền thống.

Đầu tư kinh phí, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình văn hoá, bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể, không gian văn hoá ở các vùng nông thôn, nhất là ở các đô thị lớn, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của các khu vực, địa bàn. Không vì chỉ tiêu kinh tế mà bất chấp, đầu tư không có trọng tâm, trọng điểm, ô nhiễm môi trường, khai thác, sử dụng vô hạn độ, gây lãng phí nguồn lực cho phát triển văn hoá. Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương hành động mạnh mẽ, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận, lực lượng làm tốt việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống của Thành phố. Làm cho văn hoá truyền thống của Thành phố trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh bên trong cho sự phát triển ở các ngành, lĩnh vực khác nhau.

Ba là, có chương trình kế hoạch giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống để tạo ra các nguồn lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Các giá trị văn hoá truyền thống của Thành phố chỉ thực sự phát huy tác dụng khi được các chủ thể, lực lượng tác động vào thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hoá văn nghệ, khu vui chơi giải trí, thăm quan các di tích lịch sử cách mạng, văn hoá phi vật thể một cách phù hợp với từng địa bàn cụ thể.

Lồng ghép các hoạt động thăm quan, trải nghiệm của Nhân dân trong và ngoài nước là những chương trình văn hoá, văn nghệ để giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sỹ biểu phát huy tài năng, sở trường, thế mạnh; giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của văn hoá vùng miền để khách du lịch đến thăm quan không chỉ được thưởng thức đặc sản vùng, miền mà còn được trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu cách thức, biện pháp làm ra những đặc sản đó. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi văn hoá giữa các địa phương, vùng, miền và tăng lên sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, cùng xây dựng, bồi đắp và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của Thành phố.

Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho Nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố, giữ vững niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào những thành tựu của đất nước đạt được sau gần 40 năm đổi mới trên lĩnh vực văn hoá.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giữ gìn văn hoá truyền thống của TP. Hồ Chí Minh.

Đảng chỉ rõ: “tập trung đổi mới, nân cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông”8. Với tinh thần này, các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động văn hoá của Thành phố. Mọi hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá, kinh doanh đều phải được kiểm soát chặc chẽ, có sự kiểm duyệt của cơ quan, chức năng, ban ngành, không để tự do trong phát triển ngành công nghiệp văn hoá.

Việc tăng cường quản lý, giám sát của cơ quan, chức năng rất quan trọng để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức còn lệch lạc, chưa đúng trong giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống; đặc biệt, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm những điều không được làm trong sáng tác, biểu diễn, kinh doanh, phát triển các dịch vụ văn hoá. Các bộ phận, lực lượng chuyên trách thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị đăng cai biểu diễn văn hoá văn nghệ; chấn chính cả đối với người dân khi đến các di tích lịch sử cách mạng, khu vui chơi giải trí chấp hành không nghiêm quy định. Tăng cường phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội bảo đảm an toàn cho bộ phận, lực lượng chuyên trách trong quá trình kiểm tra, bảo vệ khu vực văn hoá, di tích văn hoá…

Đảng bộ, chính quyền Thành phố, người đứng đầu giữ vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước về văn hoá cần nắm rõ hiện trạng của từng hạng mục văn hoá để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tốt nhất việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống của Thành phố; không để những hiện tượng văn hoá lai căng, phản cảm, không phù hợp với đạo đức truyền thống dân tộc tồn tại; tích cực, chủ động đấu tranh với nhận thức, hành động sai trái về văn hoá.

5. Kết luận

Văn hoá soi đường cho quốc dân đi, văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống của TP. Hồ Chí Minh là hướng đến mục tiêu đó, do vậy, cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giữ gìn giá trị văn hoá của Thành phố, để các giá trị văn hoá truyền thống thấm sâu vào trong tiềm thức của Nhân dân, trở thành niềm tin, động lực để mỗi người dân Thành phố vươn lên trong công việc, cuộc sống.

Chú thích:
1. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Nguyễn Phú Trọng (2024). Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 30 – 31.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 259.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 143.
5. Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. https://hcmcpc.org.vn, ngày 25/12/2024.
6, 7, 8. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2014). Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.