TS. Bùi Thị Quỳnh Trang và Ngô Quang Khải
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ. Trên cơ sở tiếp cận với các lý thuyết hành vi có kế hoạch (Ajzen, 1991), mô hình kích hoạt chuẩn mực (Schwartz, 1977) và lý thuyết thế hệ (Strauss & Howe, 1991), nghiên cứu đã xác định được 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng bao gồm: nhận thức hậu quả, kiểm soát hành vi và quy kết trách nhiệm. Bằng phương pháp phân tích thức bậc mờ (FAHP), nghiên cứu đã xây dựng ma trận thứ bậc và một bảng hỏi khảo sát với 13 chuyên gia là các nhà nghiên cứu về du lịch. Dữ liệu sau khi thu thập sẽ được làm sạch và tính toán giá trị trung bình nhân mờ, trọng số mờ và trọng số ưu tiên của các nhân tố ảnh hưởng. Kết quả cho thấy, các yếu tố được sắp xếp theo thứ tự quan trọng lần lượt là: nhận thức hậu quả, quy kết trách nhiệm và kiểm soát hành vi. Những nhân tố có trọng số càng cao thì mức độ ảnh hưởng càng lớn và ngược lại.
Từ khóa: Tiết kiệm năng lượng, du lịch, FAHP.
1. Đặt vấn đề
Ngành du lịch luôn được coi là ngành mũi nhọn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia. Du lịch giúp bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa, tạo ra việc làm, tăng thu nhập bảo đảm sinh kế bền vững cho dân cư tại các điểm đến. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì không thể phủ nhận rằng, hoạt động du lịch đã gây ra không ít tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, ngành du lịch đã được xem như một tác nhân gây áp lực lớn đến môi trường thông qua việc tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính toàn cầu tăng cao.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành du lịch đóng góp khoảng 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu với giao thông hàng không chiếm 40% và giao thông đường bộ chiếm 32%. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú như khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng, với mỗi khách sạn trung bình sử dụng từ 3,5–5 kWh/ngày cho mỗi khách lưu trú.
Tại điểm đến du lịch Việt Nam, các khu du lịch lớn, như: Phú Quốc, Đà Nẵng và Nha Trang không chỉ tiêu thụ năng lượng đáng kể mà còn sử dụng khoảng 2% tổng lượng nước sạch toàn cầu hằng năm, gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên nước, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch. Do vậy, người trẻ ngày nay phải đối mặt với những kết quả tiêu cực của biến đổi khí hậu và hành vi vì môi trường của họ là rất quan trọng để giảm thiểu những kết quả tiêu cực này. Theo (VUSTA, 2020) cho biết nhiều người trẻ Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn tới trình độ chuyên môn kỹ thuật, tự tin theo đuổi đam mê, chủ động để tìm ra giải pháp cho các vấn đề môi trường, phát triển năng lượng sạch.
Từ thực trạng nêu trên, các nghiên cứu về hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch ngày càng trở thành một chủ đề được quan tâm của các nhà nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu đã sử dụng các lý thuyết khác nhau như hành vi dự định (TRA), hành vi có kế hoạch (TPB) hay mô hình kích hoạt chuẩn mực (NAM) để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực du lịch và khách sạn (Zhao & cộng sự., 2019, Yi-Bin Li & cộng sự.,2022; Chwialkowska & cộng sự. 2021; Vũ Ngọc Xuân & cộng sự. 2023). Tuy nhiên, các nghiên cứu còn tiếp cận với lý thuyết một cách đơn lẻ, chưa có sự tích hợp trong nghiên cứu, đặc biệt là trong nghiên cứu về hành vi của giới trẻ.
Xuất phát từ các vấn đề nêu trên, nghiên cứu tiếp cận đồng thời các lý thuyết TPB, NAM và nhóm thế hệ để xây dựng mô hình thức bậc để đánh giá thứ tự ưu tiên của các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ.
2. Khái quát về hành vi tiết kiệm năng lượng
Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu (Stern, 1992; Dillman & cộng sự., 1983; Van Raaij & Verhallen, 1983) đã nhấn mạnh hành vi tiết kiệm năng lượng dựa trên vai trò của thói quen và cách thức tiêu dùng trong việc hình thành hành vi tiết kiệm. Barr & Gilg (2005) đã phân chia hành vi tiết kiệm năng lượng hành hai nhóm chính: hành vi “theo thói quen” – những hành động như tắt đèn, điều chỉnh nhiệt độ,… được thực hiện một cách tự động trong sinh hoạt hàng ngày và hành vi “mua sắm” – những hành động liên quan đến việc thay thế, đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng, mặc dù đòi hỏi chi phí ban đầu cao. Đồng thời, Gyberg & Palm (2009) đã mở rộng khái niệm hành vi tiết kiệm năng lượng còn bao gồm việc giảm sử dụng năng lượng gián tiếp thông qua việc đầu tư vào công nghệ mới mà không làm thay đổi lối sống hiện có.
Mở rộng quan điểm của Barr & Gilg (2005), nhóm tác giả Sweeney và cộng sự. (2013) đã phân loại hành vi tiết kiệm năng lượng, bao gồm: (1) hành vi cắt giảm là hành vi tiết kiệm năng lượng thông qua việc giảm sử dụng như tắt đèn, giảm sử dụng thiết bị và rút phích cắm thiết bị phải được lặp lại thường xuyên để tiết kiệm năng lượng nhất quán (Boudet và cộng sự, 2016); (2) hành vi hiệu quả. Cách tiếp cận này liên quan đến việc mua các thiết bị hiệu quả hơn và (3) hành vi bảo trì – điều này bao gồm tiết kiệm năng lượng bằng cách bảo trì thiết bị tốt hơn vì điều này cải thiện hiệu suất và hiệu quả của chúng (Azizi và cộng sự, 2019).
Như vậy, hành vi tiết kiệm năng lượng có thể hiểu khái quát là “những nỗ lực của cá nhân nhằm giảm tổng mức sử dụng năng lượng” (Zhang và cộng sự, 2018). Theo đó, các hành vi tiết kiệm năng lượng hàng ngày bao gồm điều chỉnh cài đặt bộ điều chỉnh nhiệt độ để tiết kiệm nhiệt, tắt đèn khi ra ngoài và đóng cửa các phòng không sử dụng (Chiu và cộng sự, 2014; Zhang và cộng sự, 2018). Trong du lịch, tiết kiệm năng lượng là hành vi sử dụng các loại năng lượng ít hơn nhằm giảm thiểu chi phí và hạn chế các tác động đến môi trường trong khi thực hiện chuyến đi. Các xu hướng thực hiện hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch có thể được thực hiện từ việc sử dụng tiết kiệm điện, nước, sử dụng điện năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo trong lưu trú hoặc tiết kiệm nguyên, nhiên liệu trong kinh doanh ăn uống và sử dụng phương tiện điện, phương tiện công cộng hay hybrid trong kinh doanh vận chuyển.
Nghiên cứu này tập trung vào cách hành vi cắt giảm có thể cải thiện hành vi tiết kiệm năng lượng trong các công ty du lịch, khách sạn. Hành vi cắt giảm có chi phí tương đối thấp so với hành vi hiệu quả (Karlin và cộng sự, 2014).
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ
Thứ nhất, khi thực hiện nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch, các nhà nghiên cứu (Zhao & cộng sự., 2019; Yi-Bin Li & cộng sự., 2022) đã sử dụng lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) để xác định các yếu tố, bao gồm: thái độ, chuẩn mực cá nhân và kiểm soát hành vi trong quá khứ có tác động trực tiếp đến ý định tiết kiệm năng lượng trong du lịch. Trong đó, (1) thái độ, đề cập đến đánh giá chủ quan của một người về bản chất và kết quả của một hành vi cụ thể; (2) chuẩn mực chủ quan, đề cập đến kỳ vọng nhận thức của một người từ người khác và xã hội nói chung; và (3) kiểm soát hành vi nhận thức đề cập đến khả năng nhận thức để thực hiện một hành vi cụ thể hoặc tự đánh giá sự tiện lợi của hành vi cụ thể, bắt nguồn từ lý thuyết nhận thức xã hội của Bandura (1989). Mô hình TPB đã được sử dụng để dự đoán một loạt các ý định và hành vi thân thiện với môi trường như tái chế (Zhang và cộng sự, 2020), tiêu thụ sản phẩm xanh và tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình và văn phòng (Wang và cộng sự, 2020; Liu và cộng sự, 2021)
Thứ hai, mô hình kích hoạt chuẩn mực (NAM) của Schwartz (1977) cũng được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu của De Groot (2009); Chwialkowska & cộng sự. (2021); Vũ Ngọc Xuân & cộng sự (2023) để chỉ ra rằng quy kết trách nhiệm và mức độ nhận thức về hậu quả tiêu cực sẽ thúc đẩy cá nhân phát triển quan điểm ưu tiên bảo vệ môi trường và từ đó tạo ra thái độ tích cực đối với các hành động tiết kiệm năng lượng.
Theo Chwialkowska và cộng sự (2021), mức độ nhận thức cao về hậu quả tiêu cực sẽ thúc đẩy cá nhân phát triển quan điểm ưu tiên bảo vệ môi trường và từ đó tạo ra thái độ tích cực đối với các hành động tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, quy kết trách nhiệm đề cập đến cảm giác trách nhiệm của cá nhân đối với các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra nếu không thực hiện hành động bảo vệ môi trường. De Groot và cộng sự (2009) cho rằng, khi cá nhân cảm nhận rõ ràng trách nhiệm đối với những hậu quả không mong muốn, như: ô nhiễm môi trường, khủng hoảng năng lượng hay tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng, sẽ phát triển một thái độ có xu hướng ưu tiên bảo vệ môi trường và nội tâm hóa các chuẩn mực đạo đức.
Thứ ba, theo lý thuyết nhóm thế hệ, Strauss & Howe (1991) đã căn cứ vào tình hình thực tiễn để phân chia thành 4 thế hệ, tương ứng với tên gọi và khoảng thời gian như sau: (1) Thế hệ im lặng (the Silent Generation, cũng được biết đến với tên gọi khác là thế hệ trưởng thành – Matures): 1924 – 1942; (2) Thế hệ bùng nổ dân số (The Baby Boomers): 1943 – 1960; (3) Thế hệ thứ 13 (the 13th Generation, hay Gen X): 1961 – 1981; (4) Thế hệ Thiên niên kỷ mới (the Millennials – Gen Y): 1982 – 2000 và cho đến nay Corey & Grace (2019) đã bổ sung thêm thế hệ Gen Z là nhóm nhân khẩu học tiếp nối Millennials bao gồm những người sinh từ giữa những năm 1990 – 2010. Do đó, nghiên cứu này tập trung vào giới trẻ sẽ bao gồm các nhóm thuộc nửa cuối của gen Y và toàn bộ gen Z.
Từ việc phân tích các lý thuyết có liên quan, trong phạm vi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu lựa chọn tiếp cận đồng thời với lý thuyết TPB, NAM và nhóm thế hệ để xây dựng mô hình cấu trúc thứ bậc bao gồm 3 yếu tố chính và 9 yếu tố phụ có ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ.

4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc mờ (Fuzzy Analytic Hierarchy Process – FAHP) để ước lượng trọng số ảnh hưởng của các yếu tố đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ tại Việt Nam. FAHP được phát triển trên nền tảng phương pháp phân tích thứ bậc AHP (Analytic Hierarchy Process). Mặc dù AHP là được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu để giải quyết các vấn đề quyết định đa tiêu chí nhưng các ý kiến đánh giá được thu thập thường bao hàm cả sự không chắc chắn và ẩn chứa sự nghi ngờ, do đó có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của các kết quả đánh giá. Do vậy, phương pháp phân tích thứ bậc mờ FAHP trên cơ sở vận dụng lý thuyết số mờ tam giác (Triangular Fuzzy Number) sẽ cho phép người ra quyết định ước tính hoặc biểu diễn các yếu tố đầu vào bằng cách sử dụng số mờ (Zadeh, 1965). Quy trình phân tích FAHP được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Xây dựng cấu trúc thứ bậc
Trên cơ sở tổng quan nghiên cứu kết hợp với kết quả phỏng vấn sâu với 13 chuyên gia đã ủng hộ việc đề xuất 3 yếu tố chính và 9 yếu tố phụ có ảnh hưởng đến đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ. Do đó, mô hình cấu trúc thứ bậc của các các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ đã được xây dựng.
Bước 2: Thu thập dữ liệu
Dựa trên mô hình thứ bậc được xây dựng, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bảng câu hỏi so sánh mức độ ưu tiên của từng cặp tiêu chí trong việc xác định các yếu tố ảnh hưởng. Bảng hỏi được thiết lập dựa trên thang đo 9 mức độ và bảng câu hỏi dựa trên bộ tiêu chí được thiết lập dựa trên thang đo 5 mức độ. Để thực hiện khảo sát, nhóm tiến hành tiếp cận, khảo sát với 13 chuyên gia để đánh giá thứ tự ưu tiên và lựa chọn tối ưu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ tại Việt Nam. Dữ liệu thu thập được sẽ được phân tích bằng cách áp dụng mô hình Fuzzy AHP.
Bước 3: Xử lý và phân tích dữ liệu.
a. Xây dựng ma trận so sánh theo cặp
Thiết lập cấu trúc phân cấp và so sánh các tiêu chí hoặc lựa chọn thay thế thông qua thang đo mờ để xây dựng ma trận so sánh theo cặp được hiển thị như bên dưới:

Các đánh giá của tất cả các chuyên gia được tính trung bình theo (2) và ma trận so sánh theo cặp mới thu được dưới dạng phương trình (3)

Để so sánh theo từng cặp tham số mờ, biến ngôn ngữ đã được định nghĩa tương ứng với các cấp độ đánh giá theo bảng 2 dưới đây:
Bảng 2.1. Các biến ngôn ngữ và số mờ tương ứng
Số mờ | Biến ngôn ngữ | Thang đo số mờ tam giác |
1 | Tầm quan trọng ngang nhau | (1, 1,1) |
2 | Tầm quan trong giữa mức 1 và 3 | (1,2,3) |
3 | Tầm quan trọng trung bình | (2,3,4) |
4 | Tầm quan trong giữa mức 3 và 5 | (3,4,5) |
5 | Tầm quan trọng khái quát | (4,5,6) |
6 | Tầm quan trong giữa mức 5 và 7 | (5,6,7) |
7 | Rất quan trọng | (6,7,8) |
8 | Tầm quan trong giữa mức 7 và 9 | (7,8,9) |
9 | Tuyệt đối quan trọng | (8,9,10) |
b. Tổng hợp các tập mờ
Tiếp theo là xác định trung bình nhân mờ và trọng số mờ của mỗi tiêu chí nghiên cứu sử dụng gợi ý của Hsieh et al. (2004), cụ thể như sau:

Trong đó ãij là giá trị so sánh mờ chỉ tiêu i với tiêu chí j, do đó, rI là giá trị trung bình nhân của giá trị so sánh mờ của tiêu chí i với mỗi tiêu chí, wi là trọng số mờ của tiêu chí thứ i, có thể được biểu thị bằng thang đo tam giác mờ (Triangular Fuzzy Number – TFN).
c. Giải mờ
Chuyển đổi trọng số mờ thành các giá trị không mờ phương pháp giải mờ này được thực hiện bằng cách tìm các giá trị trung bình hướng tâm (center of area – COA) để thực hiện một cách tối ưu việc tìm các trọng số của các tiêu chí thông qua chỉ số BNP (Best nonfuzzy performance):

d, Đo lường tính nhất quán của ma trận
Tính chỉ số nhất quán theo Saaty (Consistency Ratio – CR). Tỷ số này so sánh mức độ nhất quán với tính khách quan (ngẫu nhiên) của dữ liệu.

Đối với mỗi một ma trận so sánh cấp n, Wind & Saaty (1980) đã thử nghiệm tạo ra các ma trận ngẫu nhiên và tính ra chỉ số RI (chỉ số ngẫu nhiên) tương ứng với các cấp ma trận như bảng dưới đây:
Bảng 2.2. Chỉ số ngẫu nhiên RI
n | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
R | 0 | 0 | 0.52 | 0.90 | 1.12 | 1.24 | 1.32 | 1.41 | 1.45 | 1.49 |
Nếu giá trị tỷ số nhất quán CR < 0.1 là chấp nhận được, nếu lớn hơn đòi hỏi người ra quyết định thu giảm sự không đồng nhất bằng cách thay đổi giá trị mức độ quan trọng giữa các cặp chỉ tiêu.
5. Kết quả và thảo luận
Việc đánh giá thứ tự ưu tiên và lựa chọn tối ưu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ tại Việt Nam với sự trợ giúp của bảng câu hỏi cùng 13 chuyên gia và nhóm nghiên cứu đã chuyển từ thang đo ngôn ngữ sang các số mờ tương ứng. Kết quả về ma trận đánh giá các nhân tố ưu tiên đối với hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ được trình bày như sau:
Bảng 2.3. Ma trận đánh giá các nhân tố ưu tiên
AOC | AOR | PBC | |||||||
AOC | 1.00 | 1.00 | 1.00 | 1.88 | 2.39 | 2.93 | 2.46 | 3.05 | 3.67 |
AOR | 0.34 | 0.42 | 0.53 | 1.00 | 1.00 | 1.00 | 2.32 | 1.00 | 1.00 |
PBC | 0.27 | 0.33 | 0.41 | 0.27 | 1.00 | 1.00 | 1.00 | 1.00 | 1.00 |
Bằng việc áp dụng phương pháp COA áp dụng công thức đã cho ta có thể tính được giá trị trung bình nhân mờ, trọng số mờ và chỉ số BNP của mỗi tiêu chí cụ thể như sau:
Bảng 2.4. giá trị trung bình nhân mờ, trọng số mờ và chỉ số BNP
Tiêu chí | r | w | BNP | ||||
AOC | 1.67 | 1.94 | 2.21 | 0.44 | 0.57 | 0.73 | 0.58 |
AOR | 0.93 | 0.75 | 0.81 | 0.25 | 0.22 | 0.27 | 0.25 |
PBC | 0.42 | 0.69 | 0.74 | 0.11 | 0.20 | 0.25 | 0.19 |
Sau khi có được trọng số giải mờ thông qua chỉ số BNP, chuẩn hóa trọng số giải mờ được thể hiện thông qua bảng ma trận khử mờ và ma trận chuẩn hóa như sau:
Bảng 2.5. Ma trận khử mờ
AOC | AOR | PBC | |
AOC | 1.00 | 2.40 | 3.06 |
AOR | 0.43 | 1.00 | 1.33 |
PBC | 0.33 | 0.82 | 1.00 |
Bảng 2.6. Ma trận chuẩn hóa
AOC | AOR | PBC | |
AOC | 0.57 | 0.57 | 0.57 |
AOR | 0.24 | 0.24 | 0.25 |
PBC | 0.19 | 0.19 | 0.19 |
Hệ số nhất quán được tính như sau:
λ = 3.04; CI= 0.02=> với n=3 => RI= 0.58, CR = CI/RI = 0.04, => CR < 0.1 đảm bảo tính nhất quán và tính khách quan (ngẫu nhiên) của dữ liệu theo khuyến cáo của Wind & Saaty (1980). Sau khi tính toán trọng số w giá trị BNP và giá trị trung bình nhân của từng yếu tố ta có bảng xếp hạng các nhân tố như sau:
Bảng 2.7. Xếp hạng các nhân tố theo trọng số
Nhân tố | Giá trị BNP | Trung bình nhân (GM) – Mean | Xếp hạng |
AOC | 0.58 | 0.57 | 1 |
AOR | 0.25 | 0.24 | 2 |
PBC | 0.19 | 0.19 | 3 |
Bảng 2.7 thể hiện trọng số BNP, trọng số trung bình nhân của 3 nhân tố được đánh giá trong mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ tại Việt Nam. Kết quả của bảng có thể thấy, các chuyên gia đã đánh giá thứ tự ưu tiên và lựa chọn tối ưu các nhân tố trong mô hình nghiên cứu. Trong đó nhân tố “Nhận thức hậu quả AOC” có giá trị BNP cao nhất và xếp ở vị trí thứ nhất (BNP=0.58; GM=0.57).
Tại Việt Nam, theo Tổng cục thống kê (2023), thế hệ trẻ đang chiếm khoảng 23% tổng dân số. Đây là thế hệ có khả năng tư duy nhạy bén, nắm bắt nhanh những tiến bộ và vấn đề toàn cầu. Giới trẻ cũng là lực lượng có thể huy động gia đình, bạn bè, cộng đồng tham gia các phong trào giải quyết thách thức biến đổi khí hậu, giảm phát thải, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng trong du lịch nói riêng và trong tiêu dùng hàng ngày nói chung. Họ sẽ giúp phát triển các biện pháp thúc đẩy hành vi tiết kiệm năng lượng mỗi cá nhân để góp phần vào việc giảm tiêu thụ năng lượng. Do đó, các chuyên gia cho rằng yếu tố Nhận thức hậu quả quan trọng nhất bởi khi nhận thức được hậu quả, giới trẻ sẽ nhạy bén trong lựa chọn hành vi tiêu dùng du lịch và từ đó khuyến khích được gia đình, bạn bè tham gia.
Xếp thứ 2 là nhân tố “Quy kết trách nhiệm AOR” (BNP=0.25; GM = 0.24). Hiện nay, trên khắp các diễn đàn, hội nhóm du lịch, một trong những xu hướng du lịch được giới trẻ Việt quan tâm là du lịch trải nghiệm kết hợp tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường. Thế hệ Gen Z Việt Nam đang dần chứng minh bản thân là những “du khách xanh” khi thường thể hiện trách nhiệm với môi trường trong hành trình du lịch của mình. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc giới trẻ nhận thức được trách nhiệm của mình với những sự biến đổi về môi trường du lịch cũng quan trọng. Nó là tiền đề để giới trẻ có thể lan tỏa nhận thức tích cực và sự tôn trọng tự nhiên tại các điểm đến nhằm thúc đẩy hành vi tiết kiệm năng lượng, phát triển du lịch xanh và bền vững.
Vị trí thứ 3 thuộc về “Kiểm soát hành vi” (BNP=0.19; GM=0.19). Khi giới trẻ có đủ nhận thức về hậu quả và trách nhiệm thì sẽ thúc đẩy hành vi thực hiện tiết kiệm năng lượng trong du lịch. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi cần có sự kiểm soát về mức độ và kết quả tác động. Giới trẻ tại Việt Nam đã thể hiện hành vi tiêu dùng du lịch bắt đầu từ việc mang theo các vật dụng như bình nước cá nhân, thìa, ống hút bằng inox… đến lựa chọn những điểm du lịch “nói không với nhựa” nhằm hạn chế tối đa rác thải nhựa và có trách nhiệm hơn trong chuyến đi. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn lựa chọn thể hiện tình yêu với thiên nhiên, tạo ra năng lượng tích cực bằng cách du lịch kết hợp trồng cây xanh.
6. Kết luận
Dựa trên sự tiếp cận và kế thừa các lý TPB, NAM và nhóm thế hệ để xây dựng mô hình cấu trúc thứ bậc bao gồm 3 yếu tố chính và 9 yếu tố phụ có ảnh hưởng đến hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ tại Việt Nam. Kết quả phân tích FAHP đã cho thấy đánh giá thứ tự mức độ quan trọng lần lượt của các yếu tố ảnh hưởng là: Nhận thức hậu quả, quy kết trách nhiệm và Kiểm soát hành vi. Với kết quả này cho thấy cần có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thái độ đối với hành vi tiết kiệm năng lượng trong du lịch của giới trẻ tại Việt Nam. Trong đó, gGiáo dục và truyền thông là những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng nói chung và nhận thức của giới trẻ nói riêng. Đồng thời cần Cung cấp hướng dẫn thực hành cụ thể, như cách sử dụng ứng dụng quản lý năng lượng hoặc mẹo tiết kiệm điện trong du lịch nhằm giúp giới trẻ tự tin hơn trong việc kiểm soát hành vi của mình.
Tài liệu tham khảo:
1. Ajzen, I. (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 179-211. https://doi.org/10.1016/0749-5978(91)90020-T.
2. Bandura, A. (1989). Human agency in social cognitive theory. American Psychologist, 44(9), 1175–1184. https://doi.org/10.1037/0003-066X.44.9.1175.
3. Barr, S., & Gilg, A. W. (2005). Conceptualising and analysing household attitudes and actions to a growing environmental problem: Development and application of a framework to guide local waste policy. Applied geography, 25(3), 226-247. https://doi.org/10.1016/j.apgeog.2005.03.007.
4. Chiu, Y. T. H., Lee, W. I., & Chen, T. H. (2014). Environmentally responsible behavior in ecotourism: Exploring the role of destination image and value perception. Asia pacific journal of tourism Research, 19(8), 876-889. https://doi.org/10.1080/10941665.2013.818048
5. Chwialkowska, A. ( 2021). Money and status or clear conscience and clean air – should we vary the marketing interventions depending on tourist’s cultural background? Journal of Travel & Tourism Marketing, 75-92. https://doi.org/10.1080/10548408.2021.1875106
6. Corey Seemiller, M. G. (2019). How Generation Z College Students Prefer to Learn: A Comparison of U.S. and Brazil Students. Journal of Educational Research and Practice, 349-368. https://doi.org/10.5590/JERAP.2019.09.1.25
7. De Groot, J. (2009). Consuming history: Historians and heritage in contemporary popular culture. Routledge.
8. Gyberg, P., & Palm, J. (2009). Influencing households’ energy behaviour-how is this done and on what premises?. Energy Policy, 37(7), 2807-2813. https://doi.org/10.1016/j.enpol.2009.03.043
9. Liu, X., Wang, Q. C., Jian, I. Y., Chi, H. L., Yang, D., & Chan, E. H. W. (2021). Are you an energy saver at home? The personality insights of household energy conservation behaviors based on theory of planned behavior. Resources, Conservation and Recycling, 174, 105823. https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2021.105823.
10. Schwartz, S. H. (1977). Normative Influences on Altruism. Advances in Experimental Social Psychology, 221-279. https://doi.org/10.1016/S0065-2601(08)60358-5.
11. Stern, P. C. (1992). What psychology knows about energy conservation. American Psychologist, 1224-1232.
12. Strauss William, H. N. (1991). Generations: The History of America’s Future. New York: William Morrow and Company Inc.
13. Vu Ngoc Xuan, L. T. (2023). Using a Unified Model of TPB, NAM, and SOBC to Investigate the Energy-Saving Behaviour of Urban Residents in Vietnam: Moderation Role of Cultural Values. Sustainability, 15(3), 2225. https://doi.org/10.3390/su15032225.
14. Wang, Q. C., Wang, Y. X., Jian, I. Y., Wei, H. H., Liu, X., & Ma, Y. T. (2020). Exploring the “energy-saving personality traits” in the office and household situation: an empirical Study. Energies, 13(14), 3535. https://doi.org/10.3390/en13143535.
15. Wind, Y., & Saaty, T. L. (1980). Marketing applications of the analytic hierarchy process. Management science, 26(7), 641-658. https://doi.org/10.1287/mnsc.26.7.641.
16. Yi-Bin Li, T.-Y. W.-X.-N.-C. (2022). Behaviour-Driven Energy-Saving in Hotels: The Roles of Extraversion and Past Behaviours on Guests’ Energy-Conservation Intention. Buildings , 12(7), 941. https://doi.org/10.3390/buildings12070941.
17. Zadeh, L. A. (1965). Fuzzy sets. Information and control, 8(3), 338-353.
18. Zhang, C. Y., Yu, B., Wang, J. W., & Wei, Y. M. (2018). Impact factors of household energy-saving behavior: An empirical study of Shandong Province in China. Journal of Cleaner Production, 185, 285-298. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2018.02.303.
19. Zhang, Y., Wu, S., & Rasheed, M. I. (2020). Conscientiousness and smartphone recycling intention: The moderating effect of risk perception. Waste Management, 101, 116-125. https://doi.org/10.3390/en13143535.