Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh

ThS. Nguyễn Thị Diễm My
Học viện Chính trị khu vực IV

(Quanlynhanuoc.vn) – Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, trong thời gian qua, thực hiện công tác dân tộc cùng với sự phấn đấu nỗ lực vươn lên của đồng bào, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh trật tự trong vùng đồng bào Khmer đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trước những luận điệu xuyên tạc, hành động phá hoại của các thế lực phản động, thù địch thì công tác tuyên truyền chính sách, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào Khmer là một nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay.

Từ khóa: Công tác tuyên truyền, chính sách dân tộc, đồng bào Khmer, Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Trà Vinh là tỉnh ven biển, nằm ở phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh có diện tích tự nhiên 2.391 km2, dân số trên 1 triệu người (trong đó dân tộc Kinh chiếm 67,76%, dân tộc Khmer chiếm 31,53%, dân tộc Hoa chiếm 0,66% và dân tộc khác chiếm 0,05%). Tỉnh có 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện, với 106 xã, phường, thị trấn (trong đó có 6 xã đảo, 11 xã, thị trấn khu vực biên giới biển, 59 xã có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên)1. Đồng bào Khmer ở Trà Vinh chiếm số lượng đông đảo, đại đa số đồng bào theo Phật giáo Nam tông Khmer, toàn tỉnh có 143 ngôi chùa Nam tông Khmer với khoảng 3.371 chư tăng, số lượng tín đồ là 498.938 người, chiếm 86% trên tổng số các tín đồ tôn giáo2. Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có truyền thống đoàn kết, gắn bó, có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng. Thực hiện thắng lợi các yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung của tỉnh và hiệu quả của chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương, công tác tuyên truyền chính sách trong vùng đồng bào Khmer được đặc biệt chú ý. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, một trong các yêu cầu quan trọng là phải nắm bắt rõ các đặc trưng về đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc Khmer.

2. Một số đặc điểm về đời sống kinh tế – xã hội của người Khmer Trà Vinh

Thứ nhất, đời sống kinh tế đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn.

Đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh sinh sống chủ yếu trong các phum, sóc xen kẽ với người Kinh, hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, một số ít làm dịch vụ mua bán nhỏ… Trong thời gian gần đây, dưới tác động của thể chế kinh tế thị trường, hoạt động sinh kế của đồng bào dân tộc Khmer có sự thay đổi, số lượng đồng bào dân tộc Khmer làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh ngày càng tăng.

Tuy nhiên, ở một số địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế – xã hội phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Đến nay, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh là: 2.498 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,87% so với tổng hộ dân cư (trong đó có 1.321 hộ nghèo dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 1,46% so với tổng hộ Khmer của tỉnh); có 5.305 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,84% so với tổng hộ dân cư. Đặc biệt, ở một số địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống như huyện Trà Cú (huyện có 17 xã, thị trấn trong đó có 3 xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 90%, 6 xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm từ 70 – 90%, 3 xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm từ 50 – 70%, 2 xã có tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm từ 40 – 50% và 3 xã, thị trấn có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm dưới 30%), số hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào Khmer còn rất cao, hộ nghèo chiếm 75,34%, cận nghèo chiếm 67,89% hộ hộ nghèo và cận nghèo của huyện3.

Nhìn chung, trong phát triển đời sống kinh tế của đồng bào Khmer ở Trà Vinh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, hoạt động sản xuất nông nghiệp còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi do biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn chậm, bấp bênh; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát; vấn đề giải quyết việc làm cho lao động còn nhiều khó khăn, nên đa phần người lao động Khmer phải di cư đến các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai để tìm kiếm cơ hội việc làm. Mặt khác, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Trà Vinh nói chung và vùng đồng bào Khmer nói riêng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thứ hai, trình độ dân trí đồng bào Khmer chưa cao.

Công tác giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí của đồng bào Khmer ở Trà Vinh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 435 trường học và cơ sở giáo dục, trong đó có Trường Trung cấp Pali-Khmer, 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, có Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam bộ tại Trường Đại học Trà Vinh4. Chất lượng giáo dục đào tạo được chú trọng, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy ở các trường phổ thông dân tộc nội trú và các điểm trường trong vùng đồng bào Khmer được tăng cường đầu tư xây dựng. Chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc Khmer được chú trọng thực hiện (từ năm 2019 – 2021 có 30 sinh viên học Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, 17 sinh viên học Trường Đại học Trà Vinh). Đồng thời, sau khi tốt nghiệp, sinh viên dân tộc Khmer cũng được ưu tiên bố trí, sử dụng đúng chuyên ngành đào tạo.

Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh Trà Vinh trong việc chú trọng nâng cao trình độ dân trí của đồng bào Khmer. Tuy nhiên, thực tế trình độ dân trí của đồng bào Khmer hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Nguyên nhân chính là do đời sống kinh tế đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn nên một số gia đình Khmer còn chưa chú trọng, đầu tư đúng mức cho hoạt động giáo dục, vẫn còn tư tưởng xem nhẹ việc học.

Thứ ba, các thế lực thù địch thường xuyên thực hiện kích động, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trà Vinh là tỉnh có địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều sự tác động, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo. Các tổ chức phản động trong và ngoài nước sử dụng mạng xã hội, lôi kéo, kích động một số đối tượng trên địa bàn tỉnh tham gia hội nhóm tự xưng, tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài ra, đồng bào Khmer ở Trà Vinh vốn có mối quan hệ gần gũi, lâu đời với người Khmer ở Campuchia trên nhiều mặt, như: ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo. Việc qua lại thường xuyên biên giới Campuchia để buôn bán, thăm thân, kết hôn diễn ra phổ biến. Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây những tác động xấu đến tâm lý, tình cảm, lòng tin của đồng bào Khmer trên địa bàn.

Mặt khác, xuất phát từ đặc điểm đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào Khmer ở Trà Vinh khi đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào chưa cao nên rất dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự trong vùng đồng bào.

3. Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trong vùng đồng bào Khmer ở Trà Vinh

Thứ nhất, ban hành chủ trương, chính sách về dân tộc

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer nói riêng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trên cơ sở những chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện trong vùng đồng bào Khmer trên địa bàn, như: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy “Về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 09/11/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh quy định về chính sách hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 09/11/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người dạy bổ túc văn hóa tiếng Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh, quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh trà vinh, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng đã được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023-2025; Đề án 05-ĐA/TU ngày 17/11/2022 của Tỉnh ủy về tạo nguồn quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 27/02/2023 của HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh…

Trên cơ sở những chủ trương, chính sách dân tộc của Trung ương và Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức quán triệt, triển khai tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức đến cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào Khmer và đông đảo đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, nội dung tuyên truyền chính sách dân tộc trong vùng đồng bào Khmer.

Với mục tiêu tạo những chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật nhằm ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số5.

Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng đối với đồng bào Khmer tập trung vào một số nội dung chính:

(1) Tuyên truyền đồng bào thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; các chương trình đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số; chính sách giáo dục, y tế, đào tạo nghề nông thôn; hướng dẫn đồng bào áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống vùng đồng bào. Thông qua hoạt động tuyên truyền, củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

(2) Đồng bào Khmer Trà Vinh vốn có những đặc trưng văn hóa hết sức độc đáo, do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào (tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số…) cần được chú trọng. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

(3) Tuyên truyền vận động đồng bào nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước; phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực phản động; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tăng cường các hoạt động nắm bắt tình hình an ninh tư tưởng, phản ánh nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Thứ ba, đổi mới phương thức tuyên truyền đối với đồng bào Khmer ở Trà Vinh.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức được 114.278 cuộc với 3.868.399 lượt người dự6. Công tác tuyên truyền tập trung quán triệt, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của địa phương, của ngành, lĩnh vực trong từng thời kỳ; về lịch sử vùng đất Nam Bộ; lịch sử phong trào yêu nước của đồng bào Khmer ở tỉnh; về tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; về văn hóa dân tộc. Mặt khác, công tác tuyên truyền thường xuyên cung cấp thông tin thời sự và những thông tin cần thiết, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, đời sống, sản xuất; liên quan đến quốc phòng, an ninh; phòng, chống tội phạm; về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch… để tăng cường hiệu quả, chất lượng tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt tôn giáo tại các điểm chùa, buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

Công tác tuyên truyền thực hiện đạt hiệu quả khi bám sát vào các đặc trưng văn hóa của đồng bào Khmer. Với vai trò quan trọng của ngôi chùa là chỗ dựa đối với đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, mọi hoạt động của đồng bào đều xoay quanh ngôi chùa. Do vậy, để công tác tuyên truyền chính sách đối với đồng bào đạt hiệu quả, Tỉnh đã đẩy mạnh việc phối hợp với các tổ chức tôn giáo để tuyên truyền, triển khai, quán triệt các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo của Trung ương và địa phương thông qua việc tổ chức họp mặt các chức sắc, chức việc, người có uy tín, lực lượng cốt cán, nòng cốt… nhân dịp lễ, tết; tổ chức tuyên truyền, triển khai trực tiếp tại các điểm cơ sở thờ tự tôn giáo, nhất là đối với đồng bào dân tộc Khmer, các ngành chức năng đã phối hợp với trụ trì, ban quản trị chùa Phật giáo Nam tông Khmer thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động tại các điểm chùa vào các ngày thọ giới mùng 8, 15, 23, 30 âm lịch hằng tháng.

Đối với sư sãi và đồng bào Khmer, tài liệu được in ấn và tuyên truyền bằng ngôn ngữ Khmer, tạo điều kiện thuận lợi cho sư sãi và đồng bào Khmer tiếp cận thông tin dễ dàng, hiểu đúng các chủ trương, chính sách của địa phương; thường xuyên thăm hỏi trao đổi với các chức sắc, chức việc, người có uy tín, cốt cán trong tôn giáo, thực hiện tốt chế độ thông tin hai chiều đã giúp cho các cơ quan tham mưu điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chủ trương, chính sách trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương; kịp thời nắm tình hình và giải quyết các vụ việc, vấn đề bức xúc trong dân tộc Khmer, từ đó không có xảy ra điểm nóng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào Khmer thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc còn một số tồn tại, như: hiệu quả vận động chưa cao; cách làm chậm có sự đổi mới; cán bộ làm công tác tuyên truyền bằng tiếng dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu… Thực tế trên đòi hỏi phải tiếp tục có những định hướng giải pháp tăng cường hiệu quả tuyên truyền chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở Trà Vinh trong thời gian tới.

4. Một số giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trong vùng đồng bào Khmer ở Trà Vinh

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào Khmer, đồng thời, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ công tác tuyên truyền.

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục triển khai, quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc. Quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, cần chú trọng đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là các nhà văn hóa, trung tâm học tập, sinh hoạt cộng đồng; thư viện văn hóa, phòng đọc sách, tủ sách pháp luật xã. Quan tâm nâng cấp đài truyền thanh, trạm truyền thanh các xã, phường, thị trấn, các cụm loa không dây ở các ấp, khóm. Tăng cường nội dung, thời lượng tuyên truyền bằng tiếng Khmer để tuyên truyền giá trị văn hóa của dân tộc, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tiến bộ khoa học – kỹ thuật… đến với các tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng.

Hai là, tăng cường xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc, chức việc các tôn giáo.

Trà Vinh là địa phương có hệ thống chùa Khmer nhiều nhất cả nước, với 143 ngôi chùa, vì thế các sư sãi, chức sắc tôn giáo là người có uy tín đã phát huy lợi thế rất tốt trong việc lồng ghép tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử và đồng bào Khmer chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo.

Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc, tôn giáo nói chung, với những người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo nói riêng, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các ngành, các cấp quan tâm bồi dưỡng, bố trí những người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo, những người là gương điển hình, tiêu biểu ở địa bàn dân cư vào các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức hòa giải ở cơ sở hoặc cơ cấu vào Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; thực hiện tốt các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, chế độ thông tin, chính sách động viên để lực lượng làm công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc an tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền nói chung và tuyên truyền miệng trong vùng đồng bào dân tộc nói riêng.

Ba là, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên, lực lượng nòng cốt đoàn viên, hội viên trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền ở địa phương.

 Phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán, về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc, phong cách gần gũi, gắn bó, tận tâm, tận tụy với nhiệm vụ, có kinh nghiệm, có độ nhạy bén trước những vấn đề bức xúc, những yêu cầu chính đáng của đồng bào dân tộc, được đồng bào, các vị chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tin cậy để làm công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, chú trọng những cán bộ có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện, công cụ nắm bắt, thu thập, xử lý thông tin hiện đại để kịp thời xử lý các vấn đề đặt ra, những vấn đề phát sinh.

Bốn là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể, nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi, tổ hội, câu lạc bộ để thu hút nhân dân, đặc biệt là người dân trong vùng đồng bào dân tộc tham gia vào tổ chức, tích cực thực hiện các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua, lao động sản xuất ở địa phương, đơn vị.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt vai trò tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo, các đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu vì sự phát triển của tỉnh, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.

5. Kết luận

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào Khmer ở Trà Vinh cần tiếp tục đổi mới nhận thức, nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào Khmer phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Các nhiệm vụ trên cần phải được tiến hành thường xuyên liên tục, có như vậy hiệu quả chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer mới lâu dài và thiết thực.

Chú thích:
1. Tỉnh ủy Trà Vinh (2023). Báo cáo số 469-BC/TU ngày 11/8/2023 về Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.
2. Tỉnh ủy Trà Vinh (2024). Báo cáo số 716- BC/TU ngày 13/12/2024 Sơ kết thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Huyện ủy Trà Cú (2023). Báo cáo số 642-BC/HU ngày 30/6/2023 về Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.
4. Tỉnh ủy Trà Vinh (2024). Báo cáo số 685-BC/TU ngày 24/10/2024 về Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2018). Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 15/3/2018 về Ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2021” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2024). Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh lần thứ IV năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Võ Văn Sen (chủ biên) (2010). Một số vấn đề cấp bách trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. H. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
2. Ngô Thị Phương Lan (2020). “Phú quý sinh lễ nghĩa”: sinh kế và biến đổi văn hóa của người Khmer ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Tạp chí dân tộc học, số 2/2020.
3. Nguyễn Thị Thu Hằng (2023). Vai trò giáo dục văn hóa dân tộc của nhà chùa Khmer Nam Bộ. Tạp chí Khoa học Đại học Hồng Bàng, số 23/2023.
4. Huỳnh Ngọc Thu (2021). “Sống gửi, thác về”- triết lý nhân sinh tác động đến hành vi tôn giáo và hoạt động kinh tế của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học xã hội, số 8/2021.